Thứ Bảy, 21 Tháng Tám, 2021

Nguyên nhân và cách chữa vọp bẻ

Chân bị vọp bẻ (chuột rút) vào ban đêm, tiếng Anh gọi là “nocturnal leg cramps,” rất thường gặp ở người lớn tuổi và không phải là hiếm gặp ở người trẻ hơn.

Nguyên nhân và cách chữa vọp bẻ - 2
Khi bị chuột rút, lắc lắc bắp thịt chỗ bị chuột rút rồi sau đó nâng cao chân lên. (Hình minh họa: sciencebasedmedicine.org)


Tuy gây khó chịu, mất ngủ, nhưng chứng này thường không nguy hiểm.

Thường thì chuột rút chỉ kéo dài vài giây hoặc nhiều lắm là vài phút, nhưng sau đó triệu chứng ê đau có thể kéo dài cả ngày hay vài ngày.

Ở người lớn tuổi, thần kinh ở chân, nhất là vùng bắp chuối hoặc bàn chân thường trở nên “khó chịu,” dễ bị kích thích hơn. Điều này làm cho bắp thịt bị co bóp và đọng chất calcium ở trong các tế bào của các bắp thịt nhiều hơn, khiến cho chúng khó giãn ra hơn.

Nguyên nhân thường gặp nhất của chứng vọp bẻ là… không có nguyên nhân rõ ràng (idiopathic-tự phát). Ngoài ra, các nguyên nhân có thể gặp là:

-Sự thiếu nước và chất khoáng trong cơ thể như calcium, magnesium, sodium, potassium. Điều này có thể xảy ra sau khi thể dục, lọc thận, đổ mồ hôi quá nhiều mà không bù đủ nước và muối, dùng thuốc lợi tiểu (để chữa cao huyết áp hay sưng phù), khi có bầu (có thể do thiếu chất magnesium)…

-Ngồi lâu, tư thế của chân không thích hợp lúc nghỉ ngơi, sự giảm độ lõm cần thiết của lòng bàn chân (flat feet).

-Bệnh tiểu đường, thiếu máu, hạ đường huyết.

-Đôi khi, một số bệnh thần kinh như bệnh Parkinson, các bệnh về bắp thịt (myopathies), các rối loạn về thần kinh (neuropathies) cũng gây ra triệu chứng chuột rút.

Việc đầu tiên là phải xem xem ta có bị các yếu tố nào như đã kể trên hay không, để tránh. Việc thiếu các chất khoáng có thể xác định bằng cách thử máu. Uống sữa hoặc một hai viên calcium mỗi ngày (nhớ uống nhiều nước khi uống calcium) cũng là điều tốt ở người lớn tuổi – dễ bị loãng xương. Ở người lớn tuổi, cảm giác khát thường giảm đi, và do đó, có thể bị thiếu nước mà không biết. Nên nhớ uống đủ nước, đặc biệt là trước và sau khi tập thể dục.

Những người ít vận động có thể thử ngừa chuột rút ban đêm bằng cách đạp xe đạp tại chỗ (stationary bicycle) một ít phút buổi tối trước khi đi ngủ.

Các bài tập đơn giản làm căng (stretch) bắp chuối cũng có thể có ích. Một trong những cách đơn giản có thể làm tại nhà là đứng thẳng các tường khoảng một thước, giơ thẳng hai tay chống vào tường, rồi nghiêng người về phía trước, làm cho bắp thịt ở bắp chuối căng ra. Giữ ở tư thế này khoảng 10-30 giây, lặp lại khoảng năm lần, làm như vậy bốn lần một ngày trong tuần đầu, sau đó mỗi ngày hai lần.

Một số điều khác cũng có thể có ích là chườm nóng ở các bắp thịt bị ảnh hưởng, nhất là trước và sau khi tập thể dục. Cũng cần để ý mang giày vừa vặn và thích hợp. Người Việt Nam chúng ta thường mang xăng đan hoặc giày bata đế phẳng mềm khi đi bộ, có thể làm cho bàn chân bị mất độ vòm cần thiết, cũng có thể gây ra chuột rút và đau bắp chuối hay các bắp thịt ở bàn chân. Chúng ta nên dùng các loại giày đi bộ đế cứng, loại tương đối tốt.

Khi đã bị chuột rút, lắc lắc bắp thịt chỗ bị chuột rút rồi sau đó nâng cao chân lên cũng có thể giúp ích.

Nguyên nhân và cách chữa vọp bẻ - 4
Khi tập thể dục nên dùng các loại giày đi bộ đế cứng, loại tương đối tốt. (Hình minh họa: atriumhealth.org)

Một số phương pháp đơn giản khác đôi khi cũng có thể giúp ích là đi tắm hoặc ngâm (trong bồn tắm) nước ấm hoặc xoa bóp bằng nước đá.

Nếu các biện pháp trên chưa đủ hiệu quả, một số thuốc có thể giúp ích. Trước đây, thuốc thường được dùng nhất là “ký ninh” (Quinine, ở Việt Nam thường được dùng trị sốt rét) dùng vào buổi tối trước khi đi ngủ. Tuy nhiên thuốc này nay không còn được dùng trong trường hợp này, vì có thể gây loạn nhịp tim, dẫn đến tử vong ở một số bệnh nhân.

Ngoài ra, một số thuốc khác cũng có thể sẽ được bác sĩ cho dùng thử. Các thuốc này có thể là thuốc làm giãn bắp thịt, vitamin E, diphenhydramine, Verapamil, Chloroquine. Gabapentin…  Các thuốc này thường chỉ dùng theo kinh nghiệm, chứ chưa được chứng minh một cách khoa học bằng các nghiên cứu. Có thuốc có hiệu quả ở người này nhưng lại không có hiệu quả ở người khác.

Điều quan trọng là mỗi thuốc đều có thể có các tác dụng phụ nguy hiểm (tùy theo từng trường hợp riêng biệt) và được dùng ở liều thích hợp cho từng người và từng bệnh khác nhau. Nếu không được bác sĩ theo dõi, không nên tự tiện dùng thuốc (dù) mua không cần toa bác sĩ hoặc “mượn” thuốc của người quen.

Nếu thử các biện pháp không dùng thuốc mà vẫn chưa thấy bớt, ta nên đến bác sĩ để được thăm khám, thử máu, và được kê toa thích hợp.

Nếu không chỉ là chuột rút thỉnh thoảng vào ban đêm, mà là đau, chuột rút thường xuyên khi đi bộ, đó có thể là triệu chứng của nghẽn các động mạch đến chân. Trong trường hợp này, cần đi gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. [qd]

Thân mến

(714) 531-7930, drnguyentranhoang@gmail.com

Bài viết khác