Đau cổ họng, hay có người gọi là viêm họng, là sự viêm nhiễm của cổ họng gây ra đau. Do đó, “viêm họng” thường là một triệu chứng hơn là một bệnh.
Triệu chứng
Triệu chứng của đau cổ họng có thể khác nhau tùy theo nguyên nhân, bao gồm:
-Cảm đau và cảm giác bị cào ở cổ họng.
-Đau họng nặng lên khi nuốt và nói chuyện.
-Khó nuốt.
-Nổi hạch và đau hạch ở cổ hoặc hàm.
-Sưng, đỏ amidan (tonsils-hai u nhỏ ở hai bên đáy lưỡi, là phần của các hạch bạch huyết, giúp tăng cường sức chống chọi với các tác nhân gây hại, khi cần hoạt động để bảo vệ chống lại viêm nhiễm, sẽ phồng (sưng) lên vì cần tăng cường hoạt động).
-Các mảng trắng hoặc mủ trên amidan.
-Khàn giọng hoặc tắt tiếng.
-Nếu đau cổ họng do vi trùng, các triệu chứng thường là:
+Sốt
+Ho
+Sổ mũi
+Hắt hơi
+Rêm mình
+Nhức đầu
+Buồn nôn hay ói mửa
Nguyên nhân
Các virus gây ra cảm và cúm, cũng là nguyên nhân hầu hết các trường hợp đau cổ họng. Nhiễm trùng cũng là nguyên nhân ít gặp hơn gây ra đau họng.
Virus: Các virus gây ra đau cổ họng bao gồm:
-Cảm
-Cúm
-Mono (mononucleosis)
-Sởi
-Trái rạ
-COVID-19
-Croup – một bệnh thường gặp có đặc điểm làm trẻ ho như chát chúa, như chó sủa.
Do vi trùng: Một số vi trùng có thể gây ra viêm họng. Vi trùng thường gặp nhất là Streptococcus pyogenes (group A streptococcus), thường gọi là strep throat.
Các nguyên nhân khác:
-Dị ứng: Với lông thú, bụi, phấn hoa… Vấn đề có thể phức tạp hơn với các chất tiết nhỏ ra sau mũi (postnasal drip) có thể kích thích và làm sưng đỏ cổ họng.
-Khô cổ họng, do không khí khô có thể làm đau và cảm giác bị cào ở cổ họng. Thở bằng miệng, thường gặp khi bị nghẹt mũi, cũng làm khô, rát cổ họng.
-Các chất kích thích cổ họng, do khói bụi, ô nhiễm không khí, khói thuốc, các khói hóa học có thể gây ra đau họng kéo dài. Nhai thuốc lá, uống rượu, ăn thức ăn cay cũng có thể kích thích, làm đau họng.
-Bắp thịt ở vùng cổ họng bị căng thẳng quá sức do la hét, nói lớn, nói lâu không ngừng nghỉ, cũng có thể gây ra đau họng, tắt tiếng.
-Bệnh trào ngược bao tử (Gastroesophageal reflux disease -GERD), do acid trong bao tử trào ngược lên thực quản, cổ họng. Các triệu chứng khác của bệnh này có thể là ợ chua, khàn giọng, ho kéo dài, cảm giác như có u bướu trong cổ họng.
-Nhiễm HIV. Có thể gây ra triệu chứng như bị cảm hay cúm sau khi mới bị nhiễm. Một số bệnh nhân HIV có thể bị đau họng kéo dài và tái đi tái lại do bị đẹn (do nhiễm nấm) hoặc do nhiễm một loại virus gọi là cytomegalovirus (CMV), có thể gây ra nguy hiểm đến tính mạng ở những người bị suy giảm miễn dịch.
-Bị bướu ung thư ở vùng họng, lưỡi, thanh quản cũng có thể gây ra đau họng. Các triệu chứng khác có thể bao gồm khàn tiếng, khó nuốt, thở khó và thở ồn, máu trong nước bọt hoặc đờm, thấy hay sờ thấy khối u ở cổ.
-Rất hiếm hoi, một ổ mủ nhiễm trùng (abscess- áp xe) ở cổ, hay sự sưng tấy miếng sụn che đậy khí quản (epiglottitis) cũng có thể gây viêm họng. Cả hai trường hợp này có thể làm nghẹt thở, ngưng thở, và đó là một trường hợp cần cấp cứu.
Các nguy cơ
Mặc dù ai cũng có thể bị đau cổ họng, đau họng, một số yếu tố có thể làm cho ta dễ bị viêm họng hơn:
-Tuổi: Trẻ nhỏ và trẻ tuổi teen (13 đến 19). Trẻ em 3 đến 15 tuổi cũng dễ bị viêm họng do vi trùng. Thường gặp là strep throat (viêm họng do vi trùng Streptococcus).
-Hút thuốc và hít khói thuốc do người khác hút. Khói thuốc cũng làm tăng nguy cơ bị ung thư miệng, họng, thanh quản, bên cạnh ung thư phổi và nhiều ung thư khác.
-Tiếp xúc với không khí ô nhiễm, cách chất gây dị ứng, các chất hóa học từ các công xưởng hay ở nhà.
-Viêm xoang, viêm mũi kéo dài.
-Tụ tập đông người, gần nhau, nhất là trong chỗ kín như nhà trẻ, phòng học, phòng làm việc, trên máy bay…
-Suy giảm miễn dịch. Thường gặp ở các bệnh nhân HIV, tiểu đường, các bệnh đang được điều trị với steroids hoặc chemotherapy, những người đang bị căng thẳng, mệt mỏi, ăn uống không điều độ.
Khi nào cần gặp bác sĩ
Trẻ em: Theo Hội Các Bác Sĩ Nhi Khoa Mỹ (American Academy of Pediatrics), nên đem các em đến bác sĩ nếu triệu chứng đau họng không giảm với ly nước đầu tiên vào buổi sáng (the first drink in the morning). Gọi 911 hoặc đến phòng cấp cứu gần nhất nếu trẻ bị: Khó thở, khó nuốt, chảy nước miếng một cách bất thường (unusual drooling).
Người lớn: Theo Hội Các Bác Sĩ Tai Mũi Họng Mỹ (American Academy of Otolaryngology), người lớn nên gặp bác sĩ nếu bị đau họng kèm với các triệu chứng sau:
-Đau họng dữ dội hoặc kéo dài hơn một tuần.
-Khó nuốt.
-Khó thở.
-Khó mở miệng.
-Đau khớp.
-Đau tai.
-Nổi ban.
-Sốt cao hơn 101 độ F (38.3 độ C).
-Máu trong đàm hay nước bọt.
-Đau họng tái đi tái lại.
-Có bướu ở cổ.
-Khàn giọng, mất tiếng kéo dài hơn hai tuần.
-Sưng ở cổ hay mặt.
Phòng ngừa
Cách tốt nhất là tránh các tác nhân gây ra viêm họng như kể trên, và giữ vệ sinh thường thức:
-Rửa tay thường xuyên và đúng cách, nhất là sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn, sau khi ho hay hắt xì. Tốt nhất là bằng nước và xà bông, nếu không có sẵn thì có thể dùng các dung dịch rửa tay có chất cồn.
-Tránh ăn uống chung ly, chén, muỗng, đũa…
-Che miệng bằng khăn hay cánh tay khi ho.
-Tránh chạm miệng và điện thoại công cộng, vòi nước công cộng…
-Lau chùi thường xuyên bằng chất sát khuẩn các vật dụng có nhiều người chạm vào như remote control, bàn phím, nắm cửa, công tắt đèn…
-Tránh xa người bệnh.
-Cách xa nhau 6 foot.
-Đeo khẩu trang thường xuyên nếu phải gần người khác dưới 6 foot, hoặc đang ở trong phòng kín (không phải ở ngoài trời).
(714) 531-7930, drnguyentranhoang@gmail.com
https://www.nguoi-viet.com/