Thứ Ba, 18 Tháng Giêng, 2022

Ăn uống và cách phòng bệnh gout trở nặng

Để phòng các cơn đau cấp tính tái phát hoặc xảy ra quá thường xuyên, cần phải dùng các loại thuốc nhằm mục đích này, như bác sĩ dặn. Không nên thấy hết đau (là “khỏe rồi”), lại ngưng thuốc. Các cơn đau sẽ mau tái phát hơn, và sau một thời gian sẽ trở thành liên tục, với các biến chứng ở thận, và đóng sạn, khó chữa hơn rất nhiều, hoặc không thể chữa khỏi hẳn được.

Ăn uống và cách phòng bệnh gout trở nặng - 1

Những người càng uống nhiều nước, thì nguy cơ bị các cơn tấn công lặp đi lặp lại của gout càng thấp. (Hình minh họa: Pasja1000/Pixabay)

 

Thuốc đầu tiên được dùng trong mục đích này, cũng có thể là thuốc Colcrys (colchichin), liều thấp hơn, dùng đều đặn hằng ngày. Bác sĩ sẽ kiểm tra mức uric acid trong máu, khi mức này giảm đến độ an toàn cần thiết sau vài tháng, bác sĩ sẽ khuyên ta tạm ngưng thuốc.

Ngoài ra, ta cũng cần dùng các thuốc để làm giảm mức acid uric trong máu (như probenecid, sulfinpyrazone, allopurinol…). Thời gian dùng các thuốc này thường cần phải kéo dài, bác sĩ sẽ theo dõi mức uric acid trong máu để điều chỉnh liều. Nếu tự động ngừng, các cơn đau cấp tính có thể sẽ tái phát.

Việc hạ uric acid trong máu, ngoài việc giúp giảm các cơn tấn công của gout, cũng có thể có ích trong việc phòng các bệnh khác. Tuy nhiên, cho đến nay, điều này chỉ có ý nghĩa là việc dùng thuốc hạ acid uric, cũng có các ích lợi thêm (bonus) khác, chứ chưa có các kết luận cuối cùng về việc dùng thuốc này để trị tiểu đường hay cao huyết áp.

Cũng cần chú ý là các thuốc hạ acid uric như vừa kể, thường nên dùng điều độ lúc không đau, nhưng đến khi bị lên cơn đau thì nên tạm ngừng cho đến lúc hết đau: Nếu dùng lúc đang đau, nó có thể khiến cơn đau kéo dài hơn. Vì trong khi làm giảm acid uric, các thuốc này có thể làm các tinh thể bể đôi, rồi tiếp tục bể nhỏ ra cho đến khi tan hết, nhưng khi bể nhỏ ra, số lượng các tinh thể lại tăng lên (bể ra làm đôi tức là tăng số lượng lên gấp đôi), khiến hệ thống miễn nhiễm của cơ thể cho là “quân địch” đang tăng “quân số,” và do đó cơ thể chúng ta sẽ gởi thêm “lính” đến chiến đấu. Và “chiến tranh” càng “khốc liệt” thì ta sẽ… càng đau hơn.

Ăn uống và bệnh gout

Một số cách ăn uống, tránh những chất có thể làm cơ thể sản sinh ra nhiều urate (như các loại đồ lòng, gan, tim, tránh bia, rượu, vân vân, cũng có thể giúp ích một phần). Tuy nhiên kết quả thường khiêm tốn, và kết luận của các nghiên cứu về vấn đề này đưa ra những kết quả khác nhau. Nói chung, việc thay đổi cách ăn uống chỉ có vai trò góp phần trong việc phòng bệnh, chứ thường không thể thay thế thuốc men.

Uống nhiều nước và sữa ít chất béo có thể giúp giảm các cơn đau của gout, đó là điều đã được rút ra từ một nghiên cứu được trình bày tại một hội thảo thường niên của Hội Các Bác Sĩ Chuyên về Bệnh Khớp (American College of Rheumatology).

Từ trước đến nay, nhiều nghiên cứu chỉ dành thì giờ xem xét xem không nên ăn uống thứ gì để tránh bị các cơn tấn công của gout. Đây là một trong những nghiên cứu tìm hiểu xem nên ăn uống thế nào để tránh các cơn tấn công này.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích hồ sơ của 535 bệnh nhân bị các cơn tấn công của gout và tìm hiểu xem trong vòng 48 tiếng đồng hồ trước đó, họ đã ăn uống ra sao.

Kết quả cho thấy, những người càng uống nhiều nước, thì nguy cơ bị các cơn tấn công lặp đi lặp lại của gout càng thấp. Ví dụ, việc uống từ năm đến tám ly nước trong vòng 24 giờ đã liên quan đến việc giảm nguy cơ bị cơn tấn công của gout đến 40%, so với những người chỉ uống dưới một ly nước trong ngày trước đó.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh là uống nước đủ, dù rất bổ ích và cần thiết, không thể thay thế cho việc uống thuốc, như bác sĩ đã kê toa cho mình.

Ăn uống và cách phòng bệnh gout trở nặng - 2

Uống thuốc phòng các cơn gout cũng là điều rất cần thiết. (Hình minh họa: Emilian Danaila/Pixabay)


Nghiên cứu này chỉ cho thấy là việc thiếu nước của cơ thể có thể là một yếu tố quan trọng kích thích các cơn tấn công của thống phong.

Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy rằng uống nhiều sữa cũng giúp giảm nguy cơ bị các cơn tấn công của gout. Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu tác dụng của sữa ít hay không có chất béo (skim milk) trên nồng độ uric acid, mà nếu gia tăng, có thể làm tăng nguy cơ gout.

Các nhà nghiên cứu đã lấy máu và nước tiểu của 16 tình nguyện viên ngay sau khi, và mỗi tiếng đồng hồ một lần, trong vòng 3 tiếng sau khi họ uống sữa đậu nành hoặc sữa ít béo.

Kết quả cho thấy rằng, sau khi uống sữa đậu nành, mức uric acid tăng 10% trong ba tiếng đồng hồ sau đó. Ngược lại, nồng độ uric acid giảm 10% ở các bệnh nhân uống skim milk.

Tưởng nên biết, là so sánh với thuốc tiêu chuẩn để chữa gout, là Zyloprim (allopurinol), thì thuốc này giúp làm giảm nồng độ uric acid khoảng 20 đến 30%.

Nhà nghiên cứu cho rằng chất orotic acid trong sữa ít béo đã giúp làm cho thận tăng sự thải acid uric ra khỏi cơ thể.

Các nhà nghiên cứu đang nghiên cứu tác dụng lâu dài của sữa ở những người bị gout.

Dù thế nào đi nữa thì uống đủ nước và uống sữa tươi ít béo cũng là điều cần và nên làm hằng ngày và tốt cho sức khỏe.

Tránh các yếu tố có thể kích thích các cơn bộc phát cấp tính cũng là điều cần chú ý.

Gout là một bệnh viêm khớp rất khó chịu, không phải hiếm gặp. Tuy nhiên, đây không phải là bệnh quá khó chữa. Điều cần thiết là phải biết uống thuốc đúng cách. Không phải khi đau mới cần uống thuốc.

Uống thuốc phòng các cơn gout cũng là điều rất cần thiết. Ăn uống cũng có thể giúp ích một phần, nhưng thường không thể thay thế các thuốc vừa hiệu quả, tương đối an toàn, mà lại rẻ tiền.

Bên cạnh việc uống thuốc đúng và theo dõi bệnh thường xuyên với bác sĩ, luôn có sẵn thuốc để uống liền khi cơn đau mới bắt đầu, sẽ rất có ích để tránh các cơn đau quá đáng không cần thiết.

(714) 531-7930, drnguyentranhoang@gmail.com

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng

Bài viết khác