Hỏi
-Có cách nào để phòng bệnh cao huyết áp không? Nếu có thì phòng cách nào?
-Xin cho biết ăn uống có ảnh hưởng gì đến huyết áp? Nếu có thì ăn như thế nào sẽ giúp cho huyết áp bớt cao?
-Có người nói là thể dục thể thao có thể giúp giảm cho huyết áp bớt cao, có người lại nói là huyết áp đang cao thì không nên tập thể dục. Xin cho biết ai đúng ai sai?
-Có người nói uống rượu có hại cho sức khỏe, gần đây tôi có nghe loáng thoáng rằng uống rượu có thể tốt cho tim mạch. Xin cho biết cao huyết áp thì có thể và có nên uống rượu bia không? Nếu có, thì nên uống như thế nào, bao nhiêu lon là vừa đủ?
Đáp
Khi nói về phòng ngừa, người ta thường nghĩ đến việc phòng sao cho khỏi bị bệnh. Thật ra, trong chuyên môn, có nhiều mức độ phòng ngừa khác nhau.
Phòng ngừa cấp một (primary prevention) là phòng để khỏi bị bệnh, trong trường hợp này, là để khỏi bị bệnh cao huyết áp.
Phòng ngừa cấp hai (secondary prevention) là rủi đã bị bệnh rồi thì cần phòng sao cho khỏi bị biến chứng.
Phòng ngừa cấp ba (tertiary prevention) khi rủi đã bị biến chứng rồi thì phòng ngừa để biến chứng đừng trở nặng.
Dĩ nhiên, nên phòng ngừa càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, đôi khi dù cố hết sức, mà bệnh cũng xảy ra, thì ta cần “lập phòng tuyến cố thủ” mới.
Nói ngắn gọn, trong các mức độ phòng ngừa kể trên, các phương thức chính cần áp dụng và phối hợp chặt chẽ với nhau, là thay đổi lối sống lành mạnh hơn, phối hợp chặt chẽ với bác sĩ để dùng thuốc đúng và đều đặn.
Thay đổi lối sống để phòng các biến chứng của cao huyết áp bao gồm các điều chính yếu sau đây: Giữ cân nặng ở mức vừa phải, ăn uống lành mạnh, vận động thể lực đúng mức và đều đặn, không hút thuốc lá (lào, xì gà, ống píp…)
Cân nặng vừa phải thường được tính bằng chỉ số cân nặng. Chỉ số cân nặng (tiếng Anh gọi là Body Mass Index – BMI) được tính bằng cách chia cân nặng tính bằng ký lô gam cho bình phương của chiều cao tính bằng mét.
Ví dụ nặng 100 kg, cao 2 m, BMI =100/ (2×2) = 25 kg/m2
Chỉ số cân nặng:
-Bình thường từ khoảng 18 đến dưới 25.
-Từ 25 đến dưới 30 thì gọi là quá cân.
-Từ 30 trở lên thì được xếp vào loại mập phì (obesity).
Theo một số nghiên cứu, nếu bị quá cân hay béo phì, mà cố gắng thể dục và ăn uống lành mạnh hơn để giảm cân xuống lại mức bình thường, thì điều này có thể giúp huyết áp tâm thu giảm khoảng 5-20 mm Hg cho mỗi 10 kg giảm cân.
-Trong việc ăn uống, nói chung, cần chú ý các điểm sau đây:
+Ăn nhiều trái cây, rau, sữa ít béo, ăn ít chất béo và chất béo bão hòa.
+Giảm muối, ít hơn 2.4 g sodium hoặc 6 g sodium chloride (khoảng một muỗng cà phê muối mỗi ngày).
Theo một số nghiên cứu, điều này có thể giúp huyết áp tâm thu giảm khoảng 2-8 mmHg.
+Uống rượu vừa phải: Dưới 2 drinks (1 oz or 30 mL ethanol; ví dụ 24 oz beer, 10 oz wine, or 3 oz 80-proof whiskey) mỗi ngày ở hầu hết các ông, và dưới 1 drink mỗi ngày ở phụ nữ hay người nhẹ cân.
Theo một số nghiên cứu, điều này có thể giúp huyết áp tâm thu giảm khoảng 2-4 mm Hg.
Như vậy tức là nếu uống vừa phải như kể trên (nếu không có bệnh gì mà bác sĩ nói là cần phải tránh rượu – như là người đang bị bệnh gan), thì có thể tốt cho tim mạch, huyết áp.
Còn uống nhiều hơn thì có hại.
Những người không thích và chưa uống rượu thì không nên tập uống rượu, vì ích lợi chỉ khiêm tốn, mà lại có nguy cơ có thể bị nghiện rượu.
-Vận động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày. Theo một số nghiên cứu, điều này có thể giúp huyết áp tâm thu giảm khoảng 4-9 mm Hg.
Cần chú ý là nếu huyết áp đang còn chưa được kiểm soát tốt, thì nên nhanh chóng gặp bác sĩ để chữa trị để cho huyết áp trở lại bình thường. Nếu huyết áp đang cao quá mà tập thể dục thể thao, thì điều này có thể làm cho huyết vọt lên cao hơn đến mức nguy hiểm.
-Bỏ hút thuốc sẽ giảm nguy cơ bệnh tim mạch nói chung.
Ảnh hưởng của các thay đổi này phụ thuộc vào liều lượng và thời gian, có thể mạnh hay yếu hơn ở những trường hợp khác nhau.
Thân mến,
Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng
www.nguyentranhoang.com
(714) 531-7930