Thứ Sáu, 21 Tháng Bảy, 2017

NHỮNG CÔNG TRÌNH CÔNG GIÁO BẰNG ÐÁ ÐẸP NHẤT NƯỚC Ý (Phần 1)


BÀI 1: ĐỀN THÁNH MADONNA DELLA CORONA, TUYỆT TÁC DÂNG MẸ MARIA

Một trong những cách lý thú nhất để thưởng ngoạn nước Ý chính là lần theo những ngõ đường tôn giáo từ bắc đến nam, đưa chân du khách và người hành hương đến những địa điểm dường như nằm ngoài thế tục. Kể từ thuở ban đầu của Kitô giáo, các nhà thờ, tu viện, thánh đường đã được gọt khắc hoặc trở thành một phần của những triền núi, hay chọn cách ẩn mình bên dưới những tuyệt tác của tự nhiên, thu hút những dòng người mộ đạo lẫn các du khách từ khắp nơi trên thế giới. Website kiêm công cụ tìm kiếm Skyscanner mới đây đã bình chọn 20 nhà thờ đẹp nhất của xứ sở hình chiếc ủng được xây bên trên, trong lòng hoặc bên dưới các khối đá khổng lồ, theo trang tin Huffington Post. Đại diện đầu tiên của loạt bài các nhà thờ đá nổi tiếng là Đền Thánh Madonna Della Corona (Đức Mẹ Corona), chốn “dạo bước giữa thiên đường và trần thế” của Ý.

NHỮNG CÔNG TRÌNH CÔNG GIÁO BẰNG ÐÁ ÐẸP NHẤT NƯỚC Ý (Phần 1) - 1


Tượng Đức Mẹ hiển linh

Nằm không xa thành phố Verona và khu hồ lớn nhất của Ý là Garda, Đền Thánh Madonna Della Corona được xem là báu vật pha trộn sự hùng vĩ của tự nhiên và bàn tay sắc sảo của con người. Neo mình một cách tinh tế ở độ cao 774m bên rìa rặng núi Monte Baldo, công trình này được đẽo khắc hoàn toàn vào núi, với tầm nhìn bao quát xuống thung lũng Adige phía dưới. Đó là lý do tại sao tên của nhà thờ lại có chữ Corona, chỉ hình dạng dãy núi bao quanh nó, và khi nghĩ đến nơi đây, ai nấy đều nhớ cụm từ mô tả “địa điểm nằm giữa thiên đường và chốn nhân gian”.

Kể từ thế kỷ 11, Monte Baldo (núi đá đang chứa chấp nhà thờ) là nơi một số tu sĩ sống cuộc đời ẩn dật và cầu nguyện. Các tài liệu thời Trung cổ có ghi rằng, những tu sĩ này có quan hệ với Tu viện thành Zeno ở Verona. Phải đợi đến thế kỷ 13, các ẩn sĩ mới bắt tay xây dựng tu viện cùng nhà thờ nhỏ bé và đơn giản vinh danh Đức Mẹ xứ Montebaldo. Thời đó, con đường duy nhất đến được tu viện phải thông qua lối đi nhỏ hẹp và vô cùng nguy hiểm, được các tu sĩ miệt mài khoét núi trong nhiều năm. Một số đoạn vẫn còn có thể đi được vào ngày nay.

Tương truyền, vào giữa đêm tăm tối của năm 1522, một vầng hào quang bí ẩn đã thắp sáng cả thung lũng, đánh động người dân trong vùng. Ai nấy đều choàng tỉnh và tập trung lại với nhau để cùng chứng kiến hiện tượng không rõ từ đâu. Một số người quyết định trèo lên lưng chừng núi và nhìn thấy một bức tượng Đức Mẹ ở đây. Những người địa phương đã hợp lực xây một nhà thờ nhỏ để tưởng nhớ sự kiện linh thiêng và mầu nhiệm đó.
NHỮNG CÔNG TRÌNH CÔNG GIÁO BẰNG ÐÁ ÐẸP NHẤT NƯỚC Ý (Phần 1) - 2


Những bậc thang tạc vào đá

Để đến được nhà thờ nằm cheo leo nơi vách núi, đa số khách hành hương đều chọn Via Santuario (Đường Đền Thánh), con đường dài với nhiều bậc thang được khắc từ núi đá, khởi đầu từ ngôi làng nhỏ Brentino ở thung lũng với khoảng 1540 bậc, vượt qua độ cao 550m trước khi đến nhà thờ. Thông thường phải mất khoảng 2 giờ để leo đến nơi và thêm 1 giờ rưỡi nếu muốn xuống núi. Bên cạnh con đường nhọc nhằn trên, những người thể lực yếu có thể đến nhà thờ thông qua con đường từ làng Spiazzi trên đỉnh núi và đi xuống thông qua đường hầm khoét xuyên đá từ năm 1922. Điểm đáng chú ý của con đường trên chính là 14 chặng đàng thánh giá bằng đồng, tạo thêm nét thú vị cho những người hành hương đến nơi này.

NHỮNG CÔNG TRÌNH CÔNG GIÁO BẰNG ÐÁ ÐẸP NHẤT NƯỚC Ý (Phần 1) - 3

Theo thời gian, nhà thờ đầy ấn tượng của Ý được san bằng và xây dựng lại nhiều lần. Đến nay, nơi đây vẫn là địa điểm hành hương thu hút các Kitô hữu đến thăm và tham quan Scala Santa, một phiên bản của Những bậc thang Thánh đối diện Vương Cung Thánh Đường Thánh Gioan Latêranô tại Rome. Đây là các bậc thang Chúa Giêsu từng đi qua để đến nơi bị xét xử. Tại các hốc tường của nhà thờ hiện đại vẫn còn bức họa từ thế kỷ 14 vẽ Đức mẹ Maria và Chúa hài đồng, cũng như một bức tượng Pieta có cùng niên đại. Bên cạnh đó, trên bức tường bên phải của nhà thờ trưng bày vô số lễ vật dâng lên Thiên Chúa và Đức Nữ Đồng Trinh từ bao thế hệ người hành hương. Tổng cộng có 167 tấm ở nhiều kích thước, một số có từ năm 1547.

Vào năm 1974, nhà thờ trải qua một đợt trùng tu, theo đó một phần cấu trúc bị phá bỏ và xây mới, nhưng vẫn giữ được những đường nét và thần thái ban đầu.
 

BÀI 2: TU VIỆN SANTA CATERINA DEL SASSO, GIỮA NON VÀ NƯỚC

Tu viện Santa Caterina del Sasso được mệnh danh là thiên đường nơi trần thế, nép mình vào núi và hướng ra hồ nước hữu tình. Tương truyền nơi này đã được phát hiện và xây dựng bởi một người đàn ông suýt nữa rơi vào “địa ngục”.

Nằm chênh vênh trên “ban công” tự nhiên là tảng đá nhìn ra mặt hồ Lago Maggiore, tu viện Santa Caterina del Sasso thật sự là một trong những quang cảnh nổi tiếng tuyệt đẹp và đầy dấu ấn lịch sử của vùng hồ nằm ở rìa nam của dãy Alps. Những người hành hương có thể leo lên điểm đặt tu viện bằng cách thông qua dãy thang đá gồm 88 bậc từ hướng mặt hồ, hoặc đi xuống hơn 200 bậc từ bãi đậu xe ở phía trên.

NHỮNG CÔNG TRÌNH CÔNG GIÁO BẰNG ÐÁ ÐẸP NHẤT NƯỚC Ý (Phần 1) - 4

Phép lạ

Tu viện đã được sáng lập vào thế kỷ 12. Theo truyền thuyết, vào thời điểm đó, Alberto Besozzi, một thương nhân và chuyên cho vay nặng lãi giàu có người Milan, đã bị mắc kẹt trong một trận bão cuồng nộ khi đi thuyền trên hồ Maggiore. Trong những thời khắc tuyệt vọng nhất, ông lên tiếng khẩn cầu sự cứu giúp của thánh nữ Catherine xứ Alexandria. Và Besozzi đã thoát chết trong gang tấc nhờ ơn của bề trên, sau khi sóng to gió lớn giúp đẩy xác tàu vào vách đá, cho phép ông tìm được một cái hang trú ẩn qua bão.

Dựa trên nội dung của trường ca nổi tiếng mang tên Thần khúc của nhà thơ Ý Dante vào thời Trung cổ, nếu thiệt mạng vào thời khắc đó, ông Besozzi nhiều khả năng sẽ chịu cảnh bị đày đọa thiên thu trong lửa luyện ngục như những kẻ cho vay nặng lãi khác. Thay vào đó, theo sau sự kiện mầu nhiệm giúp cứu rỗi linh hồn của thương nhân thành Milan, ông quyết định thay đổi cuộc đời để có thể tiến nhập thiên đàng sau khi chết: trở thành ẩn sĩ. Kế bên cái hang mà ông cư ngụ, vào năm 1195, Besozzi đã cho xây một nhà nguyện nhỏ, và sau khi qua đời đã được chôn tại đây. Một phần di vật của Besozzi đã được lưu giữ trong nhà nguyện kể từ năm 1535.

Sau đó vào năm 1640, một sự kiện phi thường khác đã xảy ra tại đây: 5 tảng đá khổng lồ lăn khỏi vách đá và lao qua trần nhà nguyện nơi đặt nấm mồ của ông Besozzi. Tuy nhiên, điều kỳ diệu là chẳng hòn đá nào rơi trúng ngôi mộ của vị tu sĩ. Cũng vì thế mà dân địa phương xem đây là một phép mầu khác của nơi này, và một số người còn cho rằng nó chính là nguồn gốc của từ “sasso” (đá) trong chuỗi tên dài của tu viện trong quang cảnh như tranh vẽ này.

NHỮNG CÔNG TRÌNH CÔNG GIÁO BẰNG ÐÁ ÐẸP NHẤT NƯỚC Ý (Phần 1) - 5

Kiến trúc đặc trưng thời Phục Hưng

Nhà nguyện ngày xưa giờ đây đã được dung hợp vào các cấu trúc đẹp đẽ khác được xây từ thế kỷ thứ 13 và 17 nhờ vào công sức của những người dân địa phương và các cộng đồng tôn giáo khác nhau, có thể kể đến dòng Đa Minh, dòng Augustinô, dòng Cát Minh, dòng Biển Đức… Về mặt tổng thể, tu viện bao gồm 3 phần chính, gồm nhà tu kín phía nam, tu viện nhỏ và nhà thờ. Trong đó, phần phía nam được xây dựng vào thế kỷ 15 và sau đó được cha Giulio Martignoni cho xây lại vào năm 1624 khi cấu trúc cũ bằng gỗ đổ sụp xuống hồ. Tu viện nhỏ, nằm đối diện sân trong, được xây trên những bức tường hồi thế kỷ 13. Nhà ăn ở tầng trệt, nơi ở của các tu sĩ ở lầu 1, bên trên các khung cửa sổ của từng căn phòng vẫn còn lại dấu vết của bức bích họa từ thế kỷ 16 mô tả cảnh tượng “Martyrdom of St Catherine of Alexandria”, tạm dịch “Cuộc tử đạo của thánh Catherine xứ Alexandria”.

NHỮNG CÔNG TRÌNH CÔNG GIÁO BẰNG ÐÁ ÐẸP NHẤT NƯỚC Ý (Phần 1) - 6

Những bức bích họa trên mái vòm nhà nguyện và các phòng trong tu viện

Bên cạnh đó, các bức tường của mái vòm lưu giữ những tấm bích họa quan trọng khác vào thế kỷ 16, vẽ lại các thánh nữ Lucia, Maddalena, Caterina; Phêrô xứ Verona và Nicôla xứ Bari. Trong nhà thờ, từ trên cao ở hướng bệ thờ là hình ảnh Chúa Giêsu được mô tả bên trong quầng hào quang, xung quanh là các biểu tượng của 4 vị thánh sử (Mátthêu, Maccô, Luca và Gioan), và hình tượng các tiến sĩ hội thánh được mô tả ở hai cánh bên. Và nhờ vào công cuộc phục hồi gần đây nhất, phần còn lại của các bức bích họa từ thế kỷ 14 cuối cùng đã lộ diện trước ánh sáng, cho phép khách hành hương thưởng lãm một cảnh tượng sống động của sự kiện Chúa chịu khổ hình trên thập tự giá.

Khu sân bên trong tòa nhà mở cửa hướng đến nhà thờ, nơi mái cổng được hình thành từ 4 vòm cung xây theo kiến trúc phục hưng. Tháp chuông cao 15m cheo leo nơi vách đá được xây từ thế kỷ 14, với các cửa sổ làm bằng đá Angera.

BÀI 3: THÁNH ĐƯỜNG VALADIER TRONG HANG ĐỘNG

Một nhà thờ thanh thoát và thánh thiện đã mọc lên giữa những mỏm đá lởm chởm của hẻm núi lọt thỏm giữa các ngọn núi lớn, đó là thánh đường Valadier ở thị trấn Genga của vùng Marche, miền trung Ý.

Nằm giấu mình bên trong những ngọn núi của thị trấn Genga là một bí mật hùng vĩ. Khu vực này là quê hương của các hang động Frasassi nổi tiếng, thu hút một lượng lớn du khách lũ lượt đến đây mỗi năm. Tuy nhiên, đối với những người hành hương muốn tìm một điểm để cầu nguyện, chỉ cần bỏ thêm công sức tiến sâu vào vùng núi gập ghềnh, họ sẽ nhận được tưởng thưởng thích đáng. Đi dọc theo các bậc thang khá dốc kéo dài gần 2 km sẽ đến nơi được gọi là “Chốn nương thân của những tội đồ”.

NHỮNG CÔNG TRÌNH CÔNG GIÁO BẰNG ÐÁ ÐẸP NHẤT NƯỚC Ý (Phần 1) - 7

Thánh đường Valadier, còn có tên Il Tempio del Valadier, là một nhà thờ hình bát giác được xây bên trong hang động của Ý. Ẩn mình trong miệng hang cao ngất, cấu trúc nhà thờ mang xu hướng tân cổ điển, tạo nên sự tương phản thú vị trong quang cảnh những vách hang được tự nhiên nhào nặn. Trước cặp mắt của những người giàu sức tưởng tượng, có vẻ như bản thân ngôi thánh đường đang cố tìm nơi nương náu trong hang động đẹp đẽ. Trên thực tế, trước khi nhà thờ được xây dựng vào thế kỷ 19, nơi đây thường xuyên trở thành địa điểm trú ẩn của người dân địa phương trước những cuộc tấn công từ bên ngoài, có thể là những bộ tộc đối địch hoặc kẻ cướp bóc. Theo ghi chép của lịch sử và những câu chuyện truyền miệng, ít nhất từ thế kỷ thứ 10, hang động đã trở thành nơi chứa chấp dân tị nạn trong hàng trăm năm. Các bộ hài cốt của những người lánh nạn thời xưa đã được tìm thấy khi thánh đường được xây dựng vào năm 1828 theo lệnh của Đức Giáo Hoàng Lêô XII, cũng là người sinh ra ở Genga.

NHỮNG CÔNG TRÌNH CÔNG GIÁO BẰNG ÐÁ ÐẸP NHẤT NƯỚC Ý (Phần 1) - 8

Cái tên của thánh đường đặc biệt này được đặt theo tên của kiến trúc sư xây dựng nhà thờ, ông Giuseppe Valadier (1762-1839), người chủ trì kiến trúc tân cổ điển tại Ý. Nhà thờ hình bát giác có một mái vòm chính, với các bức tường làm bằng một dạng đặc biệt của đá vôi tự nhiên travertine, lấy trực tiếp từ các hang động Frasassi kế bên. Tám cạnh của tòa nhà biểu tượng cho hình ảnh Sự Phục sinh của Chúa Giêsu. Bên trong nhà thờ nhỏ bé là một bức tượng Madonna with Child (Đức Mẹ và Hài Nhi), là phiên bản của bức tượng ban đầu đã được đặt trong hang trước đó. Hiện nguyên mẫu được bảo tồn tại Viện bảo tàng nghệ thuật Genga, và giới chuyên gia chắc chắn rằng đây là một tác phẩm ra lò từ xưởng của nhà điêu khắc nổi tiếng Antonio Canova, nếu không phải là một kiệt tác của kiến trúc tài ba trường phái tân cổ điển Ý.

NHỮNG CÔNG TRÌNH CÔNG GIÁO BẰNG ÐÁ ÐẸP NHẤT NƯỚC Ý (Phần 1) - 9

Lịch sử của nơi này đã biến nhà thờ trở thành chốn tìm kiếm của những người hành hương muốn mưu cầu sự tha thứ về những tội lỗi mà họ đã phạm phải, nên cũng có tên là “Chốn nương thân của những kẻ tội đồ”. 

BÀI 4: TU VIỆN THÁNH BARTHOLOMEW - THẾ GIỚI KHÁC LẠ Ở ABRUZZO

Tu viện của Thánh Bartholomew ở Legio là một nơi thiêng liêng được xây khắc vào vách đá ở độ cao 600m so với mặt nước biển, mang lại vẻ đẹp khó cưỡng và thần thánh cho nơi này.

 

Kể từ khi Chúa Giêsu trải qua 40 ngày ở hoang địa, đối với các Kitô hữu, sự cô tịch là hành vi dâng hiến và đảm bảo cho sự cầu nguyện thành tâm nhất. Những cộng đồng mộ đạo và lánh đời bắt đầu xuất hiện khắp châu Âu vào đầu thế kỷ thứ 3 hoặc thứ 4. Và Hy Lạp, Ireland, Ý là tuyến đầu của quan điểm này, thiết lập truyền thống thành kính bằng việc thực thi lối sống ẩn dật, cô lập, toàn tâm dành cho suy niệm, dẫn đến sự xuất hiện của các tu viện ở những nơi hẻo lánh. Một số cấu trúc dạng này vẫn còn tồn tại đến ngày nay, và tu viện Thánh Bartholomew ở Legio, thuộc thị trấn Roccomorice, là một ví dụ điển hình.

NHỮNG CÔNG TRÌNH CÔNG GIÁO BẰNG ÐÁ ÐẸP NHẤT NƯỚC Ý (Phần 1) - 10

Tu viện Thánh Bartholomew được vinh danh là cấu trúc xây dựng thành hình từ đá nổi tiếng nhất vùng Abruzzo. Bản thân Abruzzo, nằm ở miền trung nước Ý, là nơi ít được thế giới bên ngoài biết đến, dù nơi này đầy rẫy những công viên quốc gia chưa từng bị khai phá, các bãi biển cát nguyên sinh, những tàn tích từ thời La Mã, và thường được xem là “khu vực xanh nhất châu Âu”, theo tờ Independent. Tu viện được xây dựng trên một lộ đá nằm ở độ cao từ 50 đến 700m, và người xưa đã thực hiện được kỳ công khi hoàn thành công trình này ở độ cao 600m, tức gần phần đỉnh của tảng đá khổng lồ. Để đến tu viện, khách hành hương cần sử dụng đến “bậc thang thánh”, một cầu thang được tạc vào đá gồm 26 bước theo phương thẳng đứng.

NHỮNG CÔNG TRÌNH CÔNG GIÁO BẰNG ÐÁ ÐẸP NHẤT NƯỚC Ý (Phần 1) - 11

Ngay khi bước đến bậc cuối cùng của thang, một cảm giác yên bình và tĩnh lặng bất chợt tràn ngập không gian nằm lọt thỏm giữa mỏm đá, theo mô tả của khách hành hương. Thêm một đoạn đường ngắn trước khi bước vào tu viện nhỏ có 3 phòng, gồm một nhà nguyện và hai nhà cho các vị ẩn tu, tất cả đều được đẽo khắc từ lộ đá khổng lồ. Trên chiếc cổng gỗ cũ kỹ vẫn còn hình ảnh của một bức phù điêu mô tả chân dung của Thánh Bartholomew từ thời Trung Cổ, chính xác là có từ giai đoạn Đức Giáo Hoàng Celestino V, người gốc Abruzzo, khi còn là tu sĩ ẩn cư tại đây dưới cái tên Peter xứ Morrone. Tu viện này đã được xây dựng từ thế kỷ 11, trước khi được trùng tu vào thế kỷ 13 (năm 1250) nhờ vào công của Đức Giáo Hoàng Celestino V. Nhưng phải đến năm 1274, tu sĩ Peter mới đến đây trong ít nhất 2 năm, trước khi quay về Lyon để đề nghị Đức Giáo Hoàng Gregory X thừa nhận Dòng tu Thánh Cêlestinô. Tu sĩ Peter trở thành giáo hoàng thứ 192 của Giáo hội vào năm 1294: Đức Celestino V.

NHỮNG CÔNG TRÌNH CÔNG GIÁO BẰNG ÐÁ ÐẸP NHẤT NƯỚC Ý (Phần 1) - 12

Trên ban công có một bể thu thập nước mưa, và các tín hữu đến đây thường có thói quen múc nước uống với hy vọng mang lại phép lành và giúp cơ thể khỏe mạnh. Bên trong nhà nguyện nhỏ có diện tích gần 8m x 4m là một bệ thờ đơn giản, bên trên đặt tượng của Thánh Bartholomew. Khách hành hương thường đến tu viện này vào ngày 25.8, nhân lễ kính Thánh Bartholomew, kéo dài trong 3 ngày

BÀI 5: SAN BESSO, NHÀ THỜ NÉP DƯỚI ĐÁ TẢNG

Nhà thờ San Besso nằm bên dưới một tảng đá khổng lồ, thuộc một trong những khu vực hoang dã nhất của công viên quốc gia Gran Paradiso nổi tiếng và lâu đời nhất nước Ý.

Công viên quốc gia Gran Paradiso - Gran Paradiso có nghĩa là Đại Thiên Đường - nằm lọt thỏm bên trong rặng Graian Alps, giữa thung lũng Aosta và vùng Piedmont. Và nhà thờ San Besso, hay còn gọi là Chốn Thiêng liêng của thánh Bessus (đôi khi được gọi là Besse, tên tiếng Ý: San Besso), thuộc phần Piedmont của công viên, ở vị trí cao hơn 2.000m so với mặt nước biển. Nó được bao phủ bởi một tảng đá cao 60m, gọi là Kho báu của thánh Bessus, dù nhìn từ mặt trước, nhà thờ trông chẳng khác nào như cố chen vào chân của khối đá chênh vênh. Bản thân hòn đá này được mô tả như một cái móc sắc nhọn trồi lên giữa những quang cảnh đẹp đẽ và thanh bình của vùng núi non.

Nếu nhìn từ một góc độ khác, tảng đá khổng lồ dường như được đặt lên nhà thờ bên dưới, tạo nên một quang cảnh ấn tượng và khác thường. Theo truyền khẩu của dân địa phương, nhà thờ đã nằm bên dưới hòn đá từ nửa sau những năm 1600, khi nó được xây dựng để tôn kính thánh Bessus, vốn là một trong những người lính của quân đoàn Theban, tên khác là quân đoàn tử đạo của Agaunum. Dẫn đầu quân đoàn huyền thoại này là thánh Maurice. Thánh Bessus đã tử đạo vào thế kỷ thứ 4 và được tưởng nhớ như là thánh bổn mạng của thị trấn Ivrea thuộc vùng Piedmont. Tương truyền, thánh Bessus đã chạy đến chân hòn đá và qua đời ở đó, nên đối với người dân trong vùng, nơi đây còn là địa điểm hành hương thiêng liêng.

Ngoài dòng thánh Maurice, dòng tu thánh Bessus phổ biến hơn hẳn những dòng tu khác của các vị thánh thuộc quân đoàn Theban, và cho đến nay danh tiếng vẫn không suy giảm. Tuy nhiên, có một huyền thoại khác không được phổ biến về nhà thờ cũng như vị thánh này. Theo đó, Đức Bessus được mời đến một bữa tiệc thịnh soạn được chế biến từ thịt gia súc mà một số người trộm được. Khi phát hiện chân tướng, ông tố cáo bọn trộm gia súc, và bị bọn chúng truy đuổi đến rìa ngọn núi đá ở Monte Fautenio. Ông may mắn sống sót sau vụ này, nhưng lại không tránh khỏi sự truy sát của binh lính La Mã đang tìm diệt quân đoàn Theban. Thánh Bessus đã tử đạo sau đó.

Theo những lời truyền miệng, thánh tích của thánh Bessus đã bị đánh cắp vào thế kỷ IX và bị đưa đến một nhà nguyện ở Ozegna, nơi hiện nay xây tu viện Beata Vergine del Convento e del Bosco. Đến giai đoạn trị vì của vua Arduin nước Ý (955-1015), thánh tích được chuyển về Vương Cung Thánh Đường Ivrea, và được đặt bên trong một chiếc quách La Mã. Ngày nay, thánh tích được đặt bên cạnh những di vật của các vị thánh tử đạo khác.

Thánh Bessus được xem là đấng bảo hộ các binh sĩ trước những mối nguy hiểm trên chiến trường. Vào ngày 10.8 mỗi năm, lễ hội hành hương được tổ chức tại công viên quốc gia Gran Paradiso. Và tượng thánh sẽ được rước lên vách đá mà ngài từng bị sát hại vì đức tin. Niềm vinh dự thực hiện lễ rước thánh từng làm bùng nổ tranh cãi giữa hai thị trấn Cogne và Campiglia, do mỗi thị trấn thuộc về các địa phận khác nhau. May mắn là đến thế kỷ thứ 13, hai thị trấn này cùng trở thành một phần của giáo phận Ivrea.

BÀI 6: TU VIỆN LA VERNA, NƠI THÁNH PHANXICÔ NHẬN DẤU THÁNH

Một trong những địa điểm có dấu ấn quan trọng đối với dòng Phanxicô là tu viện nhỏ nằm trên tảng đá khổng lồ, cách thành Assisi khoảng 11,2km về hướng bắc.

La Verna là một ngọn núi biệt lập với độ cao 1.283m, nằm ở trung tâm của dãy núi Tuscan Apennines, miền trung nước Ý. Nơi đây Thánh Phanxicô xứ Assisi đã nhận các dấu nhục hình của Chúa Giêsu vào ngày 14.9.1224. Tu viện La Verna đã được xây ở phần phía nam của ngọn núi tại độ cao 1.128m để tưởng nhớ sự kiện quan trọng này. Vào tháng 8.1921, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XV thăng cấp nhà thờ tại đây thành Vương Cung Thánh Đường.

Theo sử liệu, ngày 8.5.1212, do quá sức ấn tượng trước những lời giảng của Thánh Phanxicô, Bá tước Orlando xứ Chiusi della Verna đã trao tặng La Verna cho ngài làm nơi tu trì và suy niệm. Nơi đây được thánh nhân cùng các môn đệ vô cùng yêu thích và thường xuyên lui tới nhiều lần. Đến năm 1218, Thánh Phanxicô cho xây một nhà nguyện nhỏ, đặt tên là Đức Bà của các Thiên Thần (Santa Maria degli Angeli), nhằm thể hiện linh ảnh mà chính ngài đã nhìn thấy. Trong linh ảnh đó, Đức Mẹ Maria đã chỉ dẫn nơi xây nhà nguyện và cách xây như thế nào.

Đến tháng 8.1224, lo lắng trước một số thay đổi trong Dòng Anh Em Hèn Mọn do ngài sáng lập, Thánh Phanxicô đã quay về nơi này để cầu nguyện và ăn chay suốt 40 ngày, chuẩn bị cho lễ thánh Micae. Trong lúc cầu nguyện tại sườn núi, vào ngày 19.4, ngài nhận được dấu thánh như những vết thương Chúa Giêsu phải chịu trên thập giá.

Wikipedia trích tài liệu lịch sử cho biết Sư huynh Leo, người có mặt vào thời điểm ấy, từng thuật lại: “Đột nhiên Phanxicô nhìn thấy một seraph (thiên thần có sáu cánh) trên cây thập tự. Thiên thần này ban cho ông năm vết thương của Chúa Kitô”. Các dấu thánh hiển thị dưới dạng vết đinh nhô ra trên tay và chân. Một bên thân của ông cũng xuất hiện vết thương như Đức Giêsu. Thánh Phanxicô đã kể lại trải nghiệm của mình và được Giáo hội chấp nhận. La Verna trở thành vùng đất linh thiêng.

Tại nơi ngài từng nhìn thấy một khải tượng đặc biệt, người đời sau đã cho xây dựng Nhà nguyện Dấu Thánh. Chỉ hai năm sau kể từ khi nhận dấu thánh, Thánh Phanxicô từ trần. Đức Giáo Hoàng Alexander IV quyết định bảo hộ La Verna và vào năm 1260, một nhà thờ được xây lên tại nơi này. Nhiều người, trong đó có Thánh Bonaventure và các giám mục đã tham dự lễ thánh hóa nhà thờ.

Một thời gian sau, Bá tước xứ Battifolle cho xây Nhà nguyện Dấu Thánh, gần nơi đã diễn ra phép lạ. Đến năm 1348, nhà thờ chính của tu viện bắt đầu được khởi công, nhưng phải đợi đến năm 1459 mới hoàn thành. Từ nhà thờ chính, các tu sĩ dòng Phanxicô cử hành đám rước 2 lần/ngày, vào 14 giờ và 0 giờ đêm, đến Nhà nguyện Dấu Thánh.

Tu viện đã bị phá hủy một phần do hỏa hoạn trong thế kỷ 15 và sau đó được trùng tu. Công việc xây dựng lại tu viện được thực hiện trong 3 thế kỷ. Đến năm 1810 và 1866, các tu sĩ bị trục xuất tạm thời khỏi nơi này. Dù họ đã quay lại mảnh đất linh thiêng, hiện La Verna thuộc quản lý của thành phố Florence.

BÀI 7: NHÀ THỜ HANG ĐỘNG Ở MARCHE

Tương truyền, một nhà thờ đá đã được xây dựng tại nơi do chính vị thánh bổn mạng của thành phố Ascoli Piceno - miền trung Ý - chọn làm nơi yên nghỉ cuối cùng, sau khi bị quân La Mã hành hình.

Nằm ở vùng Marche thuộc miền Trung nước Ý, nhà thờ Hang Động Thánh Emygdius (Emidius) được xem là một trong những kiến trúc quan trọng nhất của thành phố Ascoli Piceno, đại diện cho một nguyên mẫu vô cùng giá trị của nghệ thuật tôn giáo theo kiến trúc Baroque từ thế kỷ 17 tại xứ Marche. Sở dĩ có từ “hang động” trong tên của nhà thờ là do phần nội thất được xây dựng bên trong một hang động tự nhiên. Khác với nhà thờ chính cũng được đặt tên theo vị thánh là Vương Cung Thánh Đường Emygdius ở thành phố Ascoli Piceno, nhà thờ bằng đá nằm ở vị trí hẻo lánh và yên bình, nổi tiếng với các hang động tự nhiên.

Thánh Emygdius (279-309) đã được Đức Giáo Hoàng Marcellus I tấn phong giám mục. Ngài là giám mục tiên khởi của thành Ascoli Piceno. Trước khi được tấn phong, ngài nổi tiếng với khả năng chữa nhiều loại bệnh khó trị, được dân thành Rome đặt biệt danh là con trai của thần Apollo. Trên đường đến giáo phận Ascoli, Emydgius đã thực hiện phép lạ bằng cách gõ vào một vách đá khiến nước phun trào. Tổng trấn Ascoli Piceno là Polymius đã tìm cách thuyết phục vị tân giám mục cải đạo sang thờ phụng thần Zeus, thậm chí còn đề nghị gả con gái ruột là Polisia cho Emygdius. Thế nhưng Emygdius đã rửa tội cho Polisia cùng với nhiều người khác. Nổi cơn thịnh nộ, Polymius đã chặt đầu vị giám mục và các môn đệ vào ngày 5.8.309.

Sau khi bị rơi đầu, Emygdius đứng dậy, mang theo thủ cấp của chính mình đi qua một quãng đường dài đến nơi ngài từng xây dựng một nhà nguyện nhỏ, cũng là nơi nhiều người đặt hầm mộ tại đây. Tuy nhiên, phải mất vài trăm năm sau, tiểu sử của vị thánh mới được ghi lại và gìn giữ trong các nhà thờ địa phương. Đến năm 1000, một tu sĩ đã diễn dịch lại nội dung chữ viết tại hầm mộ trong hang đá, nơi tìm thấy thánh tích của vị thánh. Vào năm 1703, một trận động đất khủng khiếp làm rung chuyển cả vùng Marche nhưng không gây ảnh hưởng đến thành phố Ascoli Piceno. Thế là các giáo dân tin rằng, chính thánh Emygdius đã bảo vệ cả thành phố, nên quyết định tôn kính ngài là thánh bổn mạng của Ascoli Piceno. Đến năm 1721, dưới sự quản lý của Đức Giám mục Giovanni Gambi, cộng sự thân tín của Đức Giáo Hoàng Clement XI, nhà thờ Hang Động Thánh Emygdius đã được xây dựng tại địa điểm vị thánh từng chọn làm nơi yên nghỉ cho mình.

Tổng cộng khuôn viên nhà thờ được đặt nằm gọn trong khu hang động từng là nơi mai táng vị thánh, nằm trên sườn dốc của cao nguyên Parignano ở phía bắc thành phố. Phần không gian bên dưới nhà thờ được giữ nguyên cho đến ngày nay, cho thấy những vết tích đào bới thành từng ngăn, nơi trước đây đã chứa di hài của thánh Emygdius và các môn đệ. Bên trong nhà thờ chỉ có một bệ thờ duy nhất, và hiện vẫn còn đặt bức tượng của vị thánh khắc từ đá travertine, được ký tên bởi nhà điêu khắc kiêm kiến trúc sư Giuseppe Giosafatti (1643-1733).

 

GIANG VÔ YÊN

(trích từ website Công Giáo & Dân tộc)

Bài viết khác

Các từ viết tắt Kitô giáo

Các từ viết tắt Kitô giáo

23/11/2024

Trong nghệ thuật cũng như trong các văn bản Kitô giáo, thường xuyên xuất hiện những từ viết tắt bí ẩn. Việc biết ý nghĩa của chúng cho phép chúng ta đi sâu hơn vào sự phong phú của đức tin. Đây là một hướng dẫn ngắn để hiểu những từ viết tắt thường...

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art