Thứ Hai, 21 Tháng Năm, 2012

Tên tiếng Việt của Thầy giảng Anrê Phú Yên “安德”– 安移富安

 Tên tiếng Việt của Thầy giảng Anrê Phú Yên “安德”– 安移富安

Lời người viết

     Năm 2001, Nguyệt san Công giáo và dân tộc đã phổ biến ba bài viết của hai nhà chuyên môn có tên tuổi, Hồng Nhuệ (Nguyễn Khắc Xuyên) và Phạm Ðình Khiêm, về vấn đề lịch sử liên quan đến « tên gọi thật » của chân phước Anrê Phú Yên. Ðộc giả hẳn muốn biết về vấn đề nầy qua một lối tiếp cận có hơi khác. Ngoài ra, tờ liên lạc Hiệp Thông của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, số 10 năm 2000, trước đây đã từng phổ biến các kết quả một cuộc điều tra « Về cách viết tên riêng tiếng nước ngoài trong sách báo Công giáo Việt Nam ». Các kết quả nầy cho thấy người ta lưu ý nhiều về mặt ngữ học. Các ý kiến về phương cách tiến hành công việc, chung chung được phát biểu như sau:

     – 59% ý kiến nên soạn thảo kĩ lưỡng đúng với khoa ngôn ngữ học để thành một tiêu chuẩn cho các nơi học tập và sử dụng.

     – 41% cho rằng, nên soạn thảo theo đúng những điểm cơ bản đã được khoa ngôn ngữ học giải đáp và được đa số quần chúng đón nhận.

     Bài viết sau đây không nhằm trả lời cho hai tác giả vừa nêu hoặc muốn phản ứng lại cuộc điều tra của Văn phòng Thư ký Hội Ðồng Giám Mục. Ðúng vậy, bài nầy được viết vào năm 1997 và đã trình nạp cho thẩm quyền trong vụ án phong thánh của Chân Phước Anrê Phú Yên ; một bản pháp ngữ đã đăng trên các bản văn của vụ án nầy. Ngoài ra, bản Việt Ngữ (Nguyễn Đăng Trúc dịch) đã được phổ biến trên Tập San Ðịnh Hướng số 18 (1998). Bản Việt ngữ lần nầy đã được xem lại và sửa chữa một vài chi tiết. Khi trân trọng trình bày với độc giả Ns CGvDT, tác giả không muốn nêu lên một giái đáp dứt điểm cho vấn đề, nhưng hy vọng cống hiến một cách khiêm tốn phần đóng góp của mình cho cuộc thảo luận tương kính, bên ngoài mọi hình thức tranh biện.

* * * * * * *

     Chân phước thầy giảng Anrê Phú Yên chỉ được biết đến qua tên thánh rửa tội. Các tài liệu nói đến ngài vào thế kỷ XVII lại không hề nhắc đến tên họ, cũng như tên riêng của ngài bằng tiếng Việt. Sự kiện đó cũng không lạ lùng gì. Thật thế, A-lịch-sơn Đắc-lộ (Alexandre de Rhodes) hoặc các vị truyền giáo khác đương thời hiếm khi nêu danh tính gốc tiếng Việt của các Kitô hữu thời ấy. Trong tác phẩm Người chứng thứ nhất, nhà nghiên cứu Phạm Ðình Khiêm đã đề cập đến vấn đề nầy và đưa ra cùng nhận xét đó . Và ở đây, tác giả còn nhấn mạnh rằng việc thay đổi tên họ, trong những hoàn cảnh quan trọng của cuộc đời, là một nét văn hoá đặc trưng và thường xảy ra trong xã hội Việt Nam  ; do đó có thể xem danh xưng « An-rê », được đặt cho ngài hoặc lấy lại tên thánh của người đỡ đầu khi ngài chịu phép rửa tội, từ dạo ấy đúng là tên thật của Thầy giảng đã chết vì đức tin.

     Tuy không nói ra, nhưng trong nếp suy nghĩ của người Việt, người ta ngờ ngợ vì tên gọi Anrê là một « tên Tây », có nét ngoại lai. Vì lý do nầy mà Phạm Ðình Khiêm đã đề nghị ghép thêm tên tỉnh gốc của ngài bên cạnh : An-rê Phú Yên. Gọi tên người ta mà ghép thêm một danh xưng địa lý là việc thường tình xảy ra trong khung cảnh văn hoá Việt Nam . Về điểm nầy, cần lưu ý là các nguồn tài liệu xưa cũng đã nói đến thầy giảng « André de Răn Răn ». « Răn Răn » là một tên gọi bình dân xưa để chỉ vùng Phú Yên thể theo các tài liệu văn học Việt Nam . Nhưng vì tên gọi ấy ngày nay không còn sử dụng, nên ghép chữ « Răn Răn » vào tên Anrê thì đa số dân chúng không hiểu gì về lối gọi tên cổ xưa như thế.

     Lối gọi tên « Anrê Phú Yên » nay đã trở thành thông dụng. Nhưng hình thức đó có hoàn toàn Việt Nam không ? Dường như là không. Thật vậy, Kitô hữu Việt Nam họa hoằn lắm mới sử dụng tên thánh rửa tội ; và cũng như mọi người Việt Nam khác họ nêu lý lịch mình qua tên gọi Việt Nam. Nay chúng tôi sẽ nêu lên thêm nơi tập hồ sơ nầy vài nhận xét bổ túc.

     Ðể làm sáng tỏ vấn đề, cần đặt ra nhiều câu thắc mắc :

     Tại sao người ta lại chọn tên gọi rửa tội ấy ? Nó có nghĩa gì đặc biệt không ?

     Vào thế kỷ XVII tiếng Việt nói tên « André » như thế nào ?

     Những người cùng sống với Thầy giảng có dùng tên gọi đó theo lối gọi thông thường ngày nay hay theo một lối gọi tên khác ?

     Và thời ấy người ta viết tên gọi đó như thế nào ?

     1- Việc chọn lựa tên gọi

     Chắc chắn là tên các thánh Kitô giáo lúc ấy chưa đi vào khung cảnh văn hoá địa phương. Nhà truyền giáo bấy giờ hẳn sẽ chọn một vị thánh nào đó bất kỳ trong cuốn lịch công giáo, hoặc cũng có thể quy chiếu ít nhiều vào một nhân vật được người ta biết đến. Chẳng hạn, người nữ Kitô hữu ở Quảng Nam mà các tài liệu còn ghi lại, chắc đã được linh mục dòng Phanxicô tên là Bartolomé Ruiz rửa tội vào khoảng các năm 1584 và 1586, có tên thánh là « Francisca », « Phan-xi-ca ». Vào thời các linh mục Dòng Tên truyền giáo, bên cạnh các tên thánh Phê-rô và Phao-lô cũng còn có các tên thánh Phan-xi-cô (tưởng nhớ thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê) và I-nha-xi-ô .

     Thế thì vào năm 1641 khi Alexandre de Rhodes rửa tội cho Anrê, vị truyền giáo nầy có lý do gì đặc biệt để chọn tên thánh tông đồ không ? Chắc chắn ngài đã nghĩ đến André, vị tử vì đạo đầu tiên của Giáo hội tân tòng thuộc về Dòng Tên tại Trung Hoa, và là trụ cột của cộng đoàn Kitô hữu Nam Kinh 南京, nơi vị nầy chịu tra tấn cho đến chết vào năm 1622 . Khi nhà truyền giáo trẻ tuổi Alexandre de Rhodes lần đầu tiên xuống tàu tại Áo Môn 澳門 (Macao) ngày 29 tháng 5 năm 1623, thì tin tức về cái chết của André Nam Kinh  cũng sẽ chuyển đến Áo Môn nầy vài tuần sau đó.

     Trong những năm 1623-1624, Alexandre de Rhodes lao mình lần đầu vào cộng cuộc truyền giáo tại tỉnh Quảng Ðông 廣東省, làm sao ngài lại không nhắc đến « người chứng thứ nhất » nầy trong cộng đồng Kitô hữu tại Trung Hoa để nêu gương sáng cho những người tân tòng địa phương. Ngoài ra, trong thời gian dài từ năm 1630 đến 1640, Alexandre de Rhodes lưu ngụ tại Áo Môn, ngài từng bị xúc động bởi cái chết của vị bề trên trẻ tuổi của ngài tên là André Palmeiro – vào năm 1635 ; vị nầy là khâm sai các vùng truyền giáo Nhật Bản và Trung Hoa, là một nhân vật nổi bật trong các vị truyền giáo Dòng Tên tại Viễn đông .

     Nếu Alexandre de Rhodes muốn đặt cho người tân tòng trẻ tuổi đại độ nầy một tên thánh nào đó có ý nghĩa thì hẳn ngài đã nghĩ đến vị thánh tông đồ An-rê, một trong các vị mà Chúa Giêsu đã chọn trước tiên , một tên thánh đã từng biết đến ở Viễn đông qua các nhân vật truyền giáo và Kitô hữu sáng chói.

     2- Danh xưng André / Anrê trong ngôn ngữ của chữ viết địa phương

     Trong khung cảnh truyền giáo tại Trung Hoa, các bản văn được viết ra bằng tiếng Trung Hoa đều được ghi chép hoàn toàn bằng mẫu chữ vuông truyền thống. Các tên họ của các vị truyền giáo ở Trung hoa cũng phải được chuyển qua lối viết nầy ; những chữ Trung Hoa được chọn dùng ở đây vừa phải đúng âm lại vừa có ý nghĩa . Nhiều vị truyền giáo của các thế hệ đầu tiên có tên thánh André, và đã được biết đến qua cách gọi tên bằng tiếng Trung Hoa chuyển tiếng André nầy. Trong tất cả các trường hợp đã được sưu tra , « André » đã chỉ được chuyển qua hai chữ 安, đọc là « an » trong tiếng Trung Hoa cũng như trong tiếng Việt và có nghĩa là bằng yên, hoà bình ; và 德, tiếng Trung Hoa đọc là « đê » hoặc « đơ », tiếng Việt đọc là « đức », và có nghĩa là sống đúng luân thường (Khổng tử), tu thân tới mức hiệp nhất với trời đất (Lão tử), sức mạnh của Ðạo lý, việc thiện.

     Ta có thể nêu lên một số trường hợp : Andrzej Rudomina, SJ, 盧安德 (= Lư An Ðức), tốt nghiệp ở Học viện Áo Môn trong thời gian Alexandre de Rhodes cư ngụ tại đây từ năm 1626-1627, và chết ở Trung Hoa năm 1632 ; Nhà bác học nổi tiếng Andreas-Xavier Koffler, SJ, 瞿安德 (= Cù An Ðức), từng phò hoàng đế cuối cùng của Nhà Minh, tức Minh Trang Liệt Đế 明莊烈帝 (niên hiệu Sùng Trinh 崇禎), và đã rửa tội cho hoàng thái tử và toàn gia đình hoàng gia năm 1647, trước khi chịu thảm sát vào năm 1651, vì đã trung thành với Nhà Minh và vì đức tin của mình đến cùng  ; Andrea Lubelli, SJ, 陸安德 (= Lục An Ðức), vị truyền giáo duy nhất, trong đoàn truyền giáo được sai đi sang đến vùng Ðàng Ngoài năm 1646, sống sót trong cuộc đắm tàu  ; và đã từng phục vụ tại đây trong nhiều đợt giữa các năm 1646 đến 1659.

     Alexandre de Rhodes đã từng sống ở Áo Môn từ 1630 đến 1640 : ngài phục vụ truyền giáo cho người Trung Hoa, và đã nhiều lần công tác trong tỉnh Quảng Ðông. Chính ngài cũng cho hay là ngài biết tiếng Trung Hoa. Những bản văn viết tay còn lưu giữ chứng thực rằng ngài thật sự lưu ý đến chữ viết Trung Hoa, ít nhất từ năm 1632 trở về sau . Do đó, không thể nào Alexandre de Rhodes không biết đến các nguyên tắc chuyển dịch các tên họ qua ngôn ngữ của chữ viết địa phương.

     3- Alexandre de Rhodes đặt cho Thầy giảng ta một tên gọi mới

     Năm 1640 khi được gửi đến Ðàng Trong lần thứ hai, cha Alexandre de Rhodes tuyển chọn những người có học làm cộng tác viên, trong nhóm đó có thầy giảng nho sĩ Inhaxiô là sư phụ của chàng thanh niên Anrê. Các nhà nho lúc ấy thông thạo chữ Hán, vừa viết lại vừa đọc được dễ dàng theo lối phát âm Hán-Việt. Theo ý chúng tôi, chắc hẳn việc phiên âm các tên gọi Kitô giáo qua tiếng Trung Hoa cũng được sử dụng tại Việt Nam, bởi lẽ uy thế của ngôn ngữ chữ viết ấy lúc bấy giờ không hề suy suyển trong dân chúng.

     Tên gọi Inhaxiô xác minh rõ quan niệm nầy. Vào thế kỷ XVII, danh xưng đó được chuyển qua tiếng Trung Hoa qua các chữ 納, tiếng Hán-Việt là « nạp », một nghĩa là nộp, trao lại, trả lại ; và chữ 爵, tiếng Hán-Việt là « tước », nghĩa là chức quan . Hẳn nhiên, những chữ ấy bắt chước lối phát âm của tiếng Bồ Ðào Nha [I]-na-cio , nhưng đặc biệt là chúng đã gợi lên hình ảnh của người chiến sĩ quý tộc Thánh Inhaxiô đệ Lôi-ô-la, đã từng từ bỏ mọi đặc quyền của địa vị, các phẩm cấp dân sự và quân sự của mình, để hoàn toàn bước theo Ðức Kitô. Thầy Inhaxiô, sư phụ của Anrê Phú Yên, là một vị quan, quê quán ở xã Liêm Công, huyện Minh Linh 明靈 thuộc tỉnh Quảng Trị 廣治 ngày nay  ; Inhaxiô cũng đã từ bỏ tất cả – và đặc biệt là tước quan của mình – để dứt khoát bước đi theo Ðức Kitô và phục vụ người bên cạnh . Khi Alexandre de Rhodes rửa tội cho vị quan nầy vào tháng 12 năm 1642, làm sao ngài lại không dựa vào câu chuyện cuộc đời của vị quan trở lại đạo, để chọn cho đương sự một cái tên ghi khắc được các sự kiện liên quan, qua các chữ để gọi tên ấy ?

     Do đó, chúng tôi cho rằng tại Việt Nam cũng như Trung Hoa, các tên gọi của các Kitô hữu, ít nhất là những người trong giới thân cận với nhà truyền giáo và các thầy giảng, đã được chuyển qua ngôn ngữ của chữ viết vuông, và ý nghĩa của các chữ viết nầy cũng có tầm quan trọng y như giá trị phát âm của chúng. Anrê được rửa tội không lâu sau Inhaxiô, trong một bối cảnh tương tự ; Alexandre de Rhodes cho hay rằng người thanh niên ấy học biết khá đầy đủ về chữ nghĩa thánh hiên xưa... Khi rửa tội cho người nầy, Alexandre de Rhodes đặt một tên gọi mới, không phải chỉ vì tên đó là tên các Kitô hữu nổi danh trước anh ta, mà đây là tên gọi chất chứa một chương trình sống đạo . Lối đặt tên như thế ăn khớp với truyền thống Việt Nam về việc nhà vua ban cho tên mới .

     Một thời gian ngắn sau khi được rửa tội, Anrê tham gia nhóm các thầy giảng, từ đây tên Anrê, tên mà thầy đã nhận lúc rửa tội đã trở thành tên gọi duy nhất và vĩnh viễn của thầỵ Trên thực tế vào thời điểm này, một số truyền thống của các tu viện Phật giáo đã được các nhà truyền giáo Dòng Tên áp dụng. Một trong những truyền thống đó là việc đem những người trẻ tuổi sẵn sàng dâng mình cho đời sống đức tin vào sống trong nhà chung, tạm thời hoặc vĩnh viễn. Thực sự đây là một trường hợp thành công trong việc hội nhập văn hoá rất có ý nghiã của Ki Tô giáo trong buổi ban đầu tại Việt Nam. Vào tháng 7 năm 1643, chàng thanh niên Anrê đã tuyên khấn cùng lúc với một số bạn đồng hành, đồng thời tiếp nhận danh hiệu mới là « thầy giảng » . Cũng tương tự như một nhà sư Phật giáo, anh vui sướng từ bỏ « tên cũ » – xem như không còn cần thiết – để nhận « tên thật » vĩnh viễn cho chính mình, một cái tên mà trong đó cho thấy anh đã thánh hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa.

     4- Vào thế kỷ XVII, người ta gọi « André » như thế nào ?

     Nói tóm lại các tên gọi Kitô giáo đặt cho các người nầy, không phải là các tên Tây, nhưng là các « tên mới » hoàn toàn Việt Nam ; chúng phải đọc lên với lối hiểu thông thường của người trong xứ. Vì thế, chúng tôi nghĩ rằng rất có thể tên của Thầy giảng Anrê được giới thân cận, nghĩa là trong nhóm các thầy giảng viết là « 安德 » và đọc là « An Ðức ». Hai chữ ghép lại thành tên gọi nầy là những tên gọi truyền thống của người Việt cũng như người Trung Hoa . Chung qui, không có lý gì để ân hận là An-rê đã có một tên gọi có vẽ ngoại quốc, hoặc tiếc là không biết được tên thật của ngài.

     Nhưng điều đáng tiếc thực sự là Alexandre de Rhodes đã không để lại dấu vết nào để có thể xác minh những giả thiết vừa nêu. Tên gọi « André » không hề được nêu lên trong cuốn giáo lý Phép giảng tám ngày  của ngài, và trong cuốn tự điển của vị truyền giáo nầy cũng không thấy có. Còn những bản văn mà Alexandre de Rhodes đã viết bằng tiếng Bồ Ðào Nha và La tinh  liên quan đến thầy giảng Anrê, thì chỉ có tên gọi ấy theo chữ viết Bồ Ðào Nha (« Andre »), hoặc La tinh (« Andreas »). Ngày nay chỉ còn có dấu tích của một người chứng Việt Nam duy nhất về cái chết của Anrê : đó là một nam Kitô hữu người Quảng Nam tên là Lu-y, con trai người bạn tù già cả của vị thầy giảng nầy ; người bạn tù ấy cũng có tên là An-rê. Nhưng chứng tá đó cũng chỉ còn lưu lại qua các bản dịch La tinh , và nơi đây thầy giảng Anrê lại được gọi là « Andreas ».

     5- Nguồn gốc của lối viết chữ Nôm « An-rê »

     Bây giờ cần giải thích lối viết « thuần Việt Nam » là « An Rê », hoặc « Anrê », « An-rê », là lối viết duy nhất được dùng bây giờ. Trong lối viết bằng chữ Quốc ngữ, tên gọi ấy là tên gọi độc nhất từng được chứng thực từ cuối thế kỷ XIX, nghĩa là vào thời phát triển việc in các tài liệu Kitô giáo tại Việt Nam. Trong cuốn Lịch rao các ngày lễ trong cả và năm có tầm quan trọng đặc biệt đối với cha ông chúng ta thời trước, vào ngày 30 tháng 11, người ta viết là « Th[ánh] Anrê tông đồ ».

     Kỳ thực, nguồn gốc lối viết tên gọi nầy rất xưa và đã từng xuất hiện từ thế kỷ XVII. Sự kiện đó được chứng thực nơi các tác phẩm chữ Nôm của linh mục Dòng Tên người Ý Giêrônimô Majorica , vị nầy thực tập truyền giáo và học ngôn ngữ ở miền Trung Việt Nam từ năm 1624 đến 1629, nhưng đặc biệt là đã làm việc tại miền Bắc từ năm 1631 cho đến chết là năm 1656. Ngài đã phiên dịch nhiều tác phẩm Kitô giáo bằng cách đọc cho người ta chép lại bằng chữ Nôm . Trong các bản văn nầy, tên gọi André được viết là « 安移 » . Nếu đọc ra tiếng Hán-Việt thì hai chữ nầy có âm là « An di » .

     Nhưng vào thế kỷ XVII, hai chữ Nôm đó được người ta phát âm như thế nào ? Thắc mắc nầy thực khó giải đáp. Chúng ta sẽ nêu lên một vài nhận xét sơ khởi về điểm nầy.

     1 - Trước hết, đa số các nhà truyền giáo Dòng Tên tại Việt Nam không có được may mắn sinh hoạt trong môi trường Trung Hoa như linh mục Alexandre de Rhodes. Nếu họ, y như các tín đồ của họ, đều trọng chữ nho, thì chữ nho lại còn xa lạ đối với họ. Thật thế, cho đến giữa thế kỷ XVIII các vị truyền giáo đều chọn lối nói và viết chữ Nôm  để sử dụng trong hầu hết các sinh hoạt của cộng đồng Kitô giáo Việt Nam mới được khai sinh. Trong khuôn khổ ấy, lại cần chuyển nhiều chữ từ tiếng Âu châu. Các giải pháp được áp dụng có tính cách thực tiễn : như chúng ta thấy, chữ Trung Hoa được dùng làm mẫu, nhưng đa số các lối dịch lại quy chiếu vào lối đọc chữ Nôm .

     2 - Giữa thế kỷ XVII và XIX, các tên gọi được lưu truyền, không phải qua chữ Quốc ngữ, nhưng vừa bằng chữ viết, Hán hoặc Nôm, vừa bằng lối phát âm truyền khẩu. Thật thế, các chữ viết chỉ gợi lên những chỉ dẫn để phát âm hơn là diễn tả lối phát âm chính xác của những tiếng mà chữ ấy ghi lại .

     3 - Ngoài ra cần lưu ý đến một sự kiện nền tảng mà đa số các tác giả được hỏi đến dường như không hiểu rõ cho lắm. Tiếng nói Âu châu dùng để quy chiếu cho các nhà truyền giáo Dòng Tên hoạt động tại Việt Nam vào thời ấy là tiếng Bồ Ðào Nha, bất hạn họ thuộc gốc xứ nào. Tiếng La tinh cũng có một vai trò ngữ học nào đó, nhưng không quan trọng bằng. Còn các tiếng Âu châu khác, đặc biệt là tiếng Ý, Pháp và Tây Ban Nha thì phải xem như không có liên quan gì . Các lối phiên âm từ ngoại quốc, dù được thực hiện xuyên qua tiếng Trung Hoa hay trực tiếp bằng chữ Nôm, đều lấy lối phát âm Bồ Ðào Nha làm mẫu, hoặc giả đôi khi là tiếng La tinh . Sự kiện đó đặc biệt được áp dụng trong tên gọi của các thánh. Trong các tác phẩm của Majorica cũng như trong các bản văn vào thế kỷ XVIII :

     – các lối viết qua chữ Nôm thuần tuý như « Phê-rô » , lấy từ chữ Bồ Ðào Nha « Pêro »  ;

    – các lối chuyển qua chữ Hán-Việt như 依泥 « I-nê », lấy từ chữ Bồ Ðào Nha « Inês » (tức là A-nê)  ; hoặc như 躋望 « Tê Vọng » (ở thế kỷ XVII viết là « Tê Vạō »), tương ứng với chữ Bồ Ðào Nha « [Es]têvaõ » (tức là Tê-pha-nô)  ;

    – các lối chuyển dựa vào tiếng Hán, như 保祿, « Bảo-Lộc », lấy từ tiếng Bồ Ðào Nha « Paulo » (tức là Phao-lô) .

     Còn Alexandre de Rhodes, thì giỏi tiếng Bồ Ðào Nha, nhưng thích dùng tiếng La tinh, có lúc dùng các lối viết Bồ Ðào Nha « Pedro » (tức là Phê-rô) và « Joaõ » (tức là Gio-an) , có lúc lại thường dùng tiếng La tinh như « Elisabeth » (tức là Ê-li-sa-bét) .

     Như thế thì lối đọc chữ Nôm « André » (安移) như thế nào ? Việc diễn tả cách đọc của chữ thứ hai, qua lối phát âm Việt Nam còn chưa chắc chắn gì, bởi lẽ tên gọi André không được nêu lên trong bản văn bằng Quốc ngữ nơi cuốn giáo lý của Alexandre de Rhodes. Vũ Văn Kính  đề nghị nên đọc là « rê », nhưng hẳn tác giả chịu ảnh hưởng của lối đọc ngày nay « An-rê », đây chỉ là một chỉ dấu để truy tìm, chứ không phải là một chứng cớ. Còn Võ Long Tê lại đề nghị đọc là « ri », suy từ lối đọc Hán-Việt « di » và việc người miền Bắc Việt Nam  có lối nói d/r tuỳ lúc. Nếu nghĩ rằng lối phát âm tiếng Bồ Ðào Nha rất có thể lấy làm mẫu ở đây như các lối chuyển khác của Majorica, thì có lẽ nên đọc « re » hoặc « de » , và ta có « An-re » hoặc « An-de ».

     Cách đọc « Anrê » được xác nhận từ năm 1750, nghĩa là khi ảnh hưởng Pháp và Tây Ban Nha đã trở thành rõ rệt . Nhưng một nửa thế kỷ sau, Philiphê Bỉnh tiếp tục viết là « Andre » trong toàn bộ các tác phẩm của ngài, và ở đây nguyên âm cuối phải đọc là « e » không chút ngần ngại, chứ không phải « ê » ; nếu lấy tài liệu nầy làm cứ điểm, không biết phải chọn « r » hay « d », vì tác giả lại dùng cả hai chữ đó.

     Giả thiết lúc ban đầu đọc là « An-de » có thêm chứng cứ qua sự kiện là vào thế kỷ XIX, khi lối viết chữ Nôm đã ổn định, thì chữ 移 được dùng để ghi âm tiết « gie »  ; trái lại, âm tiết « rê » được viết bởi một chữ hoàn toàn khác là 黎 (HánViệt là « lê ») .

     Ðể kết luận, tên gọi thầy Anrê có hai hình thức cổ xưa : một hình thức Hán-Việt « 安德 », đọc là « An Ðức » ; và một lối Nôm « 安移 » có thể từng được đọc là « An De » hoặc « An Re », rồi từ thế kỷ XVIII trở thành « An-rê », « Anrê ». Lối đọc sau nầy và lối viết Quốc ngữ tương ứng, là hình thức duy nhất được lưu truyền đến nay. Chúng tôi nghĩ rằng người tín hữu Việt Nam sẽ rất hoan hỉ biết được cả hai lối, nhất là để mến chuộng tên gọi « An Ðức », mà Alexandre de Rhodes đã đặt cho thầy giảng yêu quý của mình .

     Chú thích :

     Xem Phạm Ðình Khiêm, Người chứng thứ nhất, tr. 22-23. Gần đây, trong Ns. CGvDT, 83, 2001, tr. 80-89, tác giả đã nhắc lại những kết luận của mình và những chứng lý buộc tác giả phải làm như thế. Trong khuôn khổ vụ án phong thánh, Ủy ban Lịch sử (1996-1997) đã dựa trên lập luận nầy : Canonizationis seu declarationis martyrii Servi Dei Andreae... Positio super martyrio, tập II.

    Nhưng có một lập trường rất khác biệt về vấn đề nầy : xem hai bài viết của Hồng Nhuệ trong Ns. CGvDT, 78, 2001, tr. 107-114 ; và 84, 2001, tr. 80-89.

      Trong vấn đề nầy, xem Lê Trung Hoa, Họ và tên người Việt Nam, tr. 91 : « Người [dân tộc tiểu số] xem tên chính như một bộ phận hữu cơ của con người ; vì vậy tên chính thay đổi cùng với những biến cố lớn của con người trong cuộc sống gia đình và xã hội. […] Ngày xưa, khi việc thay đổi tên trong giấy khai sinh dễ dàng, người Việt cũng có tục lệ này. »

      Chẳng hạn Lê Trung Hoa, tr. 84 và 119.

      Các nhà truyền giáo viết « Răn Răn » với nhiều lối viết và đánh dấu khác nhau, thường là « Ran Ran ». Chữ nầy dường như do tiếng Chàm hoặc một ngôn ngữ của các nhóm thiểu số trong vùng. Chữ « Răn Răn » ấy có lẽ còn tồn tại trong tên gọi con sông cái của tỉnh Phú Yên, sông Ðà Răng. Thực ra, thành ngữ « [Răn Răn] 海門 Hải Môn » được viết bàng chữ Hán trên bản đồ 甲午年平南圖 « Giáp ngọ niên Bình Nam đồ ». Bản đồ nầy được thực hiện giữa các năm 1653 và 1690, nằm trong toàn bộ 洪德版圖 Hồng Ðức bản đồ kết tập từ 1490 đến thế kỷ XVIII. Xem ấn bản có bản dịch Quốc ngữ của Trương Bửu Lâm, Bửu Cầm, Ðỗ Văn Anh, Phạm Huy Thuý và Tạ Quang Phát (Tủ sách Viện khảo cổ), tr. 158-159. Rất tiếc là các chữ dùng để viết « Răn Răn » không còn đọc được trên bản đồ được chụp lại.

    Trên nguồn thượng lưu của con sông « Răn Răn Hải Môn », bản đồ cho thấy có 富安市 « Phú An Thị », tức là « thành thị (hoặc chợ) Phú Yên », tương ứng với thị xã Tuy Hoà ngày nay. Nhưng trên một con sông khác về phía Bắc, ở thượng lưu của 富安海門 « Phú An Hải Môn », bản đồ ghi 富安府治 « Phú An Phủ Trị ». Sự kiện đó như ăn khớp với các giả thiết của Phạm Ðình Khiêm cho rằng dinh cũ cua quan phủ Phú Yên, và nguyên quán của thầy giảng An-rê, ở cạnh huyện lý Tuy An ngày nay (Phạm Ðình Khiêm, sđd, tr. 39-43).

    Còn bộ phần gốc (thế kỷ XV) của cuốn sách 洪德版圖 Hồng Ðức bản đồ thì có một bản đồ chung toàn xứ, và ở đó bên cạnh biên giới phía Nam ghi : 南界籠郎界, « Nam giới lung lang giới ». « Lung Lang » chắc hẳn là một tên riêng ; những chữ nầy đọc theo tiếng tàu là « long lang ». Các nhà chuyên môn đã cho xuất bản lại cuốn sách nầy giả thiết đây là một lối phiên âm của « Ran Ran » (sic), nhằm chỉ « tiểu vương quốc Panduranga của Chiêm Thành » (Trương Bửu Lâm, sđd, tr. 4-5 và chú thích 1).

    Cuối cùng, cuốn 大南一統志 Ðại Nam nhất thống chí, được viết vào thời Tự Ðức, in vào năm 1909, về việc nầy có ghi rằng 富安道 Phú Yên Ðạo là những vùng đất đã từng thuộc về Chiêm Thành 占城, dưới tên gọi là Bà Ðài và Ðà Lãng (có lẽ là 沱浪 ; chúng tôi rất tiếc là không có bản chữ Hán). « Ðà Lãng » có lẽ là một lối phiên âm của lối nói Chàm mà nay ta gọi là « Ðà Răng ». Xem Ðại Nam nhất thống chí, tập III, tr. 63-64. Về các lối chuyển âm khác nhau nầy, cần lưu ý là các âm mũi cuối bằng /-n/ và /-ng/ thường lẫn lộn trong lối nói tiếng Việt tại địa phương nầy.

      Chúng ta sẽ bàn đến các tên gọi nầy ở phần sau, và đặc biệt về tên gọi của thầy giảng « nho sĩ Inhaxiô », người thân tín của Alexandre de Rhodes và coi sóc các nhóm thầy giảng khi vị truyền giáo vắng mặt ; thầy Inhaxiô chết vì đạo năm 1645. Chính thầy được trao phó để đào tạo chàng thanh niên An-rê Phú Yên.

      Trước ngài, có một người Kitô hữu khác ở Nam Kinh đã chết rũ tù. Những sự kiện nêu lên đây được R. Streit cung cấp (Bibliotheca Missionum, bộ V) ; và L. Pfister, Notices biographiques et bibliographiques sur les jésuites de l’ancienne mission de Chine 1583-1773, tập II : xem các tên được nêu ở trên ; cũng nên xem J. Dehergne, Répertoire des jésuites de Chine de 1552 à 1800.

      Bản chép tay ở Jesuítas na Ásia, 49/V/7, tr. 411-413. Bản chép tay nguyên thuỷ đã nằm đến thế kỷ XVIII trong thư khố của Học viện Dòng Tên ở Áo Môn. Cũng có thể xem Thư niên giám (« Carta annua ») về Trung Hoa, Lm. Álvaro Semedo, SJ, ký vào ngày 23 tháng 6 năm 1623, và đã được xuất bản trong các tuyển tập thư hằng năm bằng tiếng Ý, Pháp, La tinh (Rôma, Pari và Münster, 1627) : trong đó người giáo dân Anrê quê quán Nam Kinh ấy được gọi là « người cha của các cha Dòng Tên » ; vì sự kiện đó chúng ta rất dễ hiểu làm sao có tiếng vang như thế về cái chết vì đạo của ngài.

      André Palmeiro sinh năm 1569. Xem bản tường thuật về cuộc đời và cái chết của ngài : Bản chép tay ở Jesuítas na Ásia, 49/VI/8, tr. 91-99. André Palmeiro chủ tọa cuộc hội thảo cam go vào năm 1627 tại 嘉定 (tức là Gia Định hôm nay thuộc về Tp. 上海 Thượng Hải) về các tên gọi về Chúa bằng tiếng Trung hoa ; các quyết định nầy ngày nay còn áp dụng cho Việt Nam (xem Bibliotheca Missionum, bộ V, tr. 751 và 760). Nhất là ngài đích thân đến kinh lý ở Ðàng Trong năm 1631, và trong thời gian 1631-1633, đã đưa ra những huấn thị cho Giáo hội Việt Nam về các « dô-juku » (同學, tức là « đồng học » theo lối phát âm tiếng Nhật), nghĩa là các thanh niên học sinh sống trong Nhà Chúa, đây là qui chế đầu tiên của An-rê (bản chép tay ở Jesuítas na Ásia, 45/V/31, tr. 41-43). Rất tiếc không biết tên phiên dịch ra chữ vuông của André Palmeiro.

      Xem Alexandre de Rhodes, Phép giảng tám ngày, tr. 177 : « Mà đức Chúa Iesu trong các đầy tớ ở cùng, thì chọn mười hai người… mà ăn ở cùng liên, và dạy dỗ riêng… ». Tông đồ thánh An-rê là một trong mười hai vị, và có thể tượng trưng cho số phận của thầy giảng An-rê trong tương lai. Chúng tôi xin trích bản văn trong lối phiên âm cải tân của André Marillier, theo sách xuất bản tại Tp. Hồ Chí Minh năm 1993, tr. 177.

      Phiên âm lối xưa bằng tiếng Trung Hoa về các tên gọi Kitô giáo được biết đến qua tác phẩm của 韓霖 Hàn Lâm và 張賡 Trương Canh, 聖教信證 Thánh giáo tín chứng, in ở 北京 Bắc Kinh năm 1668 và 1674, nhưng lời nói đầu đã viết từ năm 1647, ba năm sau khi An-rê Phú Yên chịu tử đạo. Tác phẩm can bản nầy đã được viết lại và bổ túc do linh mục Dòng Tên chuyên về Trung Hoa học tên là Ferdinand Verbiest (南懷仁 Nam Hoài Nhân) dưới tựa đề 道學家傳 Ðạo học gia truyền. Tác phẩm sau được in ở 北京 Bắc Kinh năm 1686. Một bản dịch La tinh xuất bản tại Pari cùng năm 1686 dưới chữ ký của một vị dòng tên Trung Hoa học khác, Philippe Couplet, với tựa đề Catalogus Patrum Societatis Iesu qui post obitum Sti Francisci Xavierii ab anno 1581 ad annum 1681 in imperio Sinarum Iesu Christi fidem propagarunt. Các trích dẫn từ bản gốc Trung Hoa đã được xuất bản trở lại trong tập san 聖教雜誌 Thánh giáo tạp chí từ tháng 2 đến tháng 11 năm 1925. Chúng tôi nêu các tác phẩm nầy theo thống kê của L. Pfister.

      Lần đầu có sự vi phạm về nguyên tắc sử dụng ngữ học như thế nầy xảy ra vào năm 1716.

      Tác giả Bibliotheca Missionum nói rõ về sự « tử đạo » của ngài, xảy ra vào ngày 12 tháng 12 năm 1651 : xem bộ V, tr. 779.

      Xem bản phúc trình của ngài về biến cố nầy « Perdição do chó de Tunquim » [« Cuộc đắm tàu chuyến đi Ðàng Ngoài », Bản chép tay ở Jesuítas na Ásia, 49/V/32, tr. 329-332.

      Voir R. Jacques, « Un document de linguistique comparée, japonais–chinois–vietnamien… »

      Hoàng Văn Hành, Từ điển yếu tố Hán Việt thông dụng, định nghĩa chữ « tước » : « Danh vị của quan lại do nhà vua ban cho » ; và Trần Văn Kiệm, Giúp đọc Nôm và Hán Việt : « Chức vị cao thấp do triều đình ban tặng ».

      Theo L. Pfister, trong tiếng Trung Hoa cổ điển, 納爵 đọc gần giống với « na-tsiô » : xem bộ I, tr. 218, về tên gọi linh mục Dòng Tên người Bồ Ðào Nha Inácio da Costa 郭納爵 Quách Nạp Tước, vị nầy đến Trung Hoa năm 1634 và quen với Alexandre de Rhodes. Cũng lưu ý thêm rằng Inácio da Costa / Quách Nạp Tước đã trở thành một chuyên gia nghiên cứu về Trung Hoa, tác giả các bộ sách thần học, như cuốn 原染虧益 Nguyên nhiễm khuy ích ; triết học, như 老人妙處 Lão nhân diệu xử, và là dịch giả đầu tiên ra tiếng Tây phương cuốn 大學 Ðại Học, in trên bản khắc gỗ, xuất bản song ngữ La tinh và Trung Hoa dưới tựa đề Sapientia Sinica, tại 建昌府 Kiến Xương Phủ (廣西 Quảng Tây), năm 1662, do một học giả khác Dòng Tên nghiên cứu về Trung Hoa Prosper Intorcetta 殷鐸澤 Ân Ðạc Trạch.

Trong tiếng Trung Hoa thông dụng ngày nay, tên gọi Ignace được chuyển là 依納爵 : người ta thêm vào tên gọi cũ chữ đầu, đọc là « yi » (tiếng Hán-Việt là : « y », nghĩa là « theo đúng như » và « tin tưởng ») ; xem 中国天主教指南 1997 (Trung quốc Thiên Chúa giáo chỉ nam 1997), chẳng hạn tr. 424.

      Vào thời ấy, Minh Linh Huyện 明靈縣 thuộc Quảng Bình phủ 廣平府 : xem Ðại Nam nhất thống chí, tập I, tr. 100-101.

      Xem phần mô tả sau đây của Alexandre de Rhodes : « Inhaxu con nhà sang trọng, vì là quan toà, thông minh, rất thông thạo chữ Hán, nhất là nhân đức, một vị thánh đích thực, gốc ở [một] tỉnh miền bắc, sau khi chịu phép rửa tội thì không muốn rời tôi, và thực ra tôi được gặp Inhaxu thì không lấy gì làm sung sướng hơn… » - « Inhaxu là bề trên nhưng lại làm đầy tớ hầu hạ tất cả [những giáo lý viên], đêm ngày săn sóc… » : Voyages et missions, tr. 156 và 162. Chúng tôi trích dẫn theo bản dịch của Hoàng Nhuệ, Hành trình và truyền giáo, tr. 117 và 121.

    Cũng xem Metello Saccano, Relatione della vita di Thai Ignatio catechista de’ Padri della Compagnia nel Regno di Cocincina [Bản tường thuật về cuộc đời Thầy Inhaxiô là đạo lý viên của các Cha Dòng Tên ở vương quốc Ðàng Trong] chép tay Jap./Sin. 70, tr. 49-55v (hoặc Jap./Sin. 71, tr. 289v-294, tr. 315-32v ; và 73, tr. 68-82v).

      Hoàng Văn Hành đưa ra bốn định nghĩa về « đức » : « – Cái biểu hiện tốt đẹp của đạo lí ; – Tính tốt hợp với đạo lí ; – Ðiều tốt lành do ăn ở tử tế ; – Ân huệ ».

      Xem Lê Trung Hoa, tr. 88 : « Ngày xưa, vua hay có lệ ban tên chính (tứ danh) cho các quan được vua chiếu cố. Chẳng hạn, ông Nguyễn Hễ đậu tiến sĩ cập đệ nhất danh (tức trạng nguyên) khoa Giáp Tuất (1514) được chính tay vua Lê Tương Dục viết đổi tên là Ðức Lương. Cũng vậy, ông Cao Lư… được vua Lê Thánh Tông đổi tên là Quýnh nên thàng Cao Quýnh… » Qua phép rửa tội nhận được tước vị làm con Thiên Chúa, không cao đẹp hơn là thi đậu hay sao ? Dù sao thì dường như Alexandre de Rhodes và các đệ tử ngài hẳn đã nghĩ đến điều đó !

      « Tôi nghĩ nên gắn bó mười thày giảng bằng một lời tuyên thệ… Họ cầm nến trắng trong tay, phục trước bàn thờ, rồi thề sẽ phụng sự Giáo hội, không lập gia đình và vâng lời các cha dòng… hoặc những vị thay thế các ngài. Họ đọc lời thề rất sốt sắng và cảm động tới rớt nước mắt, làm cho tất cả cử tọa đều phấn khổi… » A. de Rhodes, Hành trình và truyền giáo, Hoàng Nhuệ dịch, tr. 120.

      Theo tác giả Lê Trung Hoa, tr. 36, « An » (安) thuộc về các tên họ của người Việt Nam (người Kinh).

      Cuốn sách Phép giảng tám ngày chỉ nói các tông đồ một cách chung, trong đó có Phê-rô (viết ra trong bản tiếng Việt, chữ Quốc ngữ, là « Pedro », tức là tên gọi thánh Phê-rô bằng tiếng Bồ Ðào Nha).

      Những bản chép tay của Alexandre de Rhodes về thầy giảng An-rê chỉ được viết bằng hai thứ tiếng nầy. Các bản văn tiếng Ý và Pháp là những bản dịch. Bản dịch tiếng Ý chắc chắn không phải là của ngài, và hình như bản tiếng Pháp cũng vậy.

      Văn khố Hội Thừa sai Ba-lê (MEP) tại Pari, bộ 743, tr. 433 và 447-448 ; bộ 735, tr. 283-284, 294-295, 405-406 và 416-417.

Lu-y có xưng mình thêm bằng tên riêng tiếng Việt của mình, nhưng chữ viết vừa không rõ, vừa khác nhâu : « Dưen » hoặc « Ðướn » (??), có thể do « Duyên » hay « Dương », hay « Ðường » v.v.

      Girolamo Majorica (cũng viết Maiorica hoặc Mayorica), 1591-1656, sinh tại Napôli. Chúng tôi viết ở đây tên thánh ngài theo lối viết Bồ Ðào Nha là « Jerônimo » như chính ngài đã ký tên nầy trong các tác phẩm của ngài.

      Xem Hoàng Xuân Hãn, « Girolamo Maiorica », và « Một vài văn-kiện bằng quốc-âm tàng-trữ ở Âu-châu ».

      Xem Võ Long Tê (dẫn nhập, dịch và chú thích) « Thiên Chúa Thánh giáo Khải mông », trong Nguyễn Văn Trung (chủ biên), Về sách báo của tác giả Công giáo, tr. 25-52 : tr. 35 và 51, chú thích 53. Bản văn nầy là bản dịch do Majorica thực hiện về cuốn giáo lý rất nổi tiếng của giám mục Dòng Tên người Ý Roberto Bellarmino (tức là thánh Rô-be-tô Bê-la-mi-nô) « Dichiarazione più copiosa della Dottrina Christiana composta in forma di dialogo ». Chỉ có tên sách của Majorica là chữ Hán-Việt (天主聖教啟蒙), bản văn còn lại toàn bằng chữ Nôm. Phần sau chúng tôi sẽ trở lại một số giả thiết do Võ Long Tê nêu lên.

      Ðây là chữ « di » được dùng như trong « di chuyển », tiếng Việt sẽ có chữ « dời ». Trong tiếng Trung Hoa, cách đọc chuẩn của chữ 移 là « yi », hoặc « i ». Còn chữ nôm 移, theo Trần Văn Kiệm, đọc là « di, dời, day, dây, dê, giây, rời » (tr. 186). Từ điển của Pigneaux (1772-1773) chỉ có một cách đọc là « day ».

      Xem Thanh Lãng : « Thử thiết lập hồ sơ về hai người con gái : một con của Phật, một con của Chúa », tr. 5-24 trong tập sách nêu trên Về sách báo của các tác giả Công giáo. Chẳng hạn « ... Tuy vậy, thứ chữ bằng mẫu tự La-tinh này, ngay từ đầu, trên lý thuyết cũng như trong thực tế, chẳng hệ bao giờ được coi là phương tiện để tiêu diệt chữ Hán, chữ Nôm, hòng cô lập cái cộng đồng nhỏ nhoi người Công Giáo với cộng đồng dân tộc như có người từng nghĩ như vậy. Kiểm điểm lại những sách vở do cái cộng đồng Công Giáo Việt Nam biên soạn vào thế kỷ XVII, mà chúng tôi còn cất giữ được thì số lượng những sách vở biên soạn bằng Quốc ngữ mẫu tự La-tinh chỉ có khoảng 700 trang. Ngược lại những sách vở biên soạn bằng chữ Nôm nhiều hơn gập 6 lần... ».

    Xem quan điểm của riêng chúng tôi : Roland Jacques « Bồ Ðào Nha và công trình sáng chế chữ Quốc ngữ… ».

      Một thí dụ về cách phiên âm tên Ðức Giêsu. Lối viết cổ điển bằng chữ vuôn, nổi tiếng nhất ở Việt Nam, là 耶穌 (hoặc 爺穌) ; trong tiếng Trung Hoa hai chữ nầy đọc là « ye su », nhưng trong tiếng Hán-Việt lại đọc là « da tô ». Trong các sách của Majorica, tên Giêsu có hai chữ viết 枝秋 ; lối đọc Hán-Việt là « chi thu », nhưng Võ Long Tê đã chứng minh tiếng Nôm đọc ra là Giê-su : « Thiên Chúa Thánh giáo Khải mông », đd, tr. 39-40, chú thích 8. Vào cuối thế kỷ XVIII, còn có những thí dụ về hai lối đọc như thế nơi Philiphê Bỉnh ; ngài đã cố gắng giữ lại truyền thống linh động của Bồ Ðào Nha ở trong chữ Quốc ngữ Việt Nam, và ngài cũng là người rất giỏi tiếng Hán-Việt.

      Theo ý chúng tôi, sự kiện nầy giải thích một số chuyển dịch các âm, thoạt tiên xem ra khá kỳ lạ, đặc biệt các tên gọi từ « Je-su » đến Giê-giu », từ Phê-rô » đến Vê-rô », từ « Ju-se » đến « Giu-de », tu « Phan-chi-cô » đến « Phan-xi-cô »... Lối đọc đầu được dùng trong thế kỷ XVIII hoặc đầu thế kỷ XIX : xem cuốn chép tay Codex 7968 ; và các tác phẩm của Philiphê Bỉnh trong Borg. Tunch.). Lối viết đọc ở sau thấy chẳng hạn trong cuốn lịch bình dân chúng tôi đã nhắc đến, Lịch rao các ngày lễ trong cả và năm, in vào cuối thế kỷ XIX tại miền Nam Việt Nam. Trong cả hai trường hợp, chắc chắn các chữ Nôm viết kèm lại y nhau.

      Thí dụ điển hình là tên Majorica, như chúng ta đã nhắc đến trên đây, không phải được chuyển từ tiếng Ý là « Girolamo », nhưng từ tiếng Bồ Ðào Nha « Jerônimo ».

Còn tên gọi Inhaxiô, chúng ta đã có dịp nói về các lối viết lúc ban đầu. Những lối phiên âm Việt Nam thường sử dụng hiện nay xuất hiện trễ ; lối phát âm các tên gọi sau nầy có lẽ chịu ảnh hưởng của các vị truyền giáo không biết tiếng Bồ Ðào Nha. Như trong một bản chép tay vào khoảng năm 1750, có lời nói đầu của Ðức Cha Hy (Hilario de Jesus) làm giám mục Ðông Ðàng Ngoài, và viết bằng chữ La tinh, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ, ta có hình thức chữ Nôm 衣牙槎烏, y-nha-si(xi)-ô, chuyển dịch từ chữ « Ignatio », tiếng Ý là « Ignazio » (Codex 7968, tr. 47). Philiphê Bỉnh, viết vào khoảng 1796 đến 1830, dùng cả hai truyền thống : ngài viết « Inaxô » theo kiểu Bồ Ðào Nha (xem Truyện ông thánh Phanchicô Xavier là đầy tớ cũng là bạn ông thánh Inaxô), bản chép tay ở Thư viện Vaticanô, phòng các quyển sách viết tay, toàn bộ Borg. Tunch., số 6,), nhưng nơi khác lại thường viết là « Ignacio » theo ảnh hưởng của chữ La tinh (Sách sổ sang chép các việc, chẳng hạn xem tr. 263). Hai lối phiên âm vẫn cùng tồn tại cho đến cuối thế kỷ XIX : cuốn Lịch rao các ngày lễ trong cả và năm viết là « Ignatiô » ; nhưng một tập sách nhỏ khác cũng vào thời đó và cũng do nhà in đó, cuốn Chín ngày gẫm về ông thánh Phan-xi-cô Xa-vi-e, vẫn dùng lối chữ Nôm dựa vào tiếng Bồ Ðào Nha và theo cách đọc cũ : « Y-na-xi-ô », không phải là « nha ».

    Còn các lối phiên dịch như Y-nhã hoặc Inhaxu có lẽ còn trễ hơn nữa. « Inhaxu », theo cách dùng của Hồng Nhuệ, thì chúng tôi không rõ xuất xứ. Tác giả nầy có lẽ đã rút ra từ tên gọi 衣泥樞, đọc theo tiếng Trung Hoa là « yi-ni-shu », Hán-Việt là « y-nê(nệ)-xu », nhằm nói đến người Âu châu đầu tiên có lẽ đã đến giảng đạo Chúa Kitô ở Việt Nam năm 1533 ; thật thế, người ta muốn đọc tên gọi Inhaxiô trong các chữ nầy. Xem 欽定越史通鑑綱目 Khâm định Việt sử thông giám cương mục, q. 33, tr. 6a-6b (xem nghiên cứu của Philippe Langlet về đoàn nầy trong BSEI, 45/2-3, 1970, tr. 100-103 ; và bản văn chữ Hán trong phần bổ túc tr. 9-10). Cần lư ý rằng cách đọc tên gọi « Inhaxiô » chỉ là một giả thiết ; nếu giả thiết nầy đúng, thì nó được phiên âm từ tiếng Bồ Ðào Nha « Inácio » ; chữ thứ 2 không cách gì đọc được là « nha ». Hình thức « Y-nhã » mà chúng tôi cũng không biết xuất xứ, làm ta nghĩ đến lối phiên dịch các bản văn Nôm ra Quốc ngữ do Simong Phan Văn Cận thực hiện năm 1820 tại Cái Mơn, trong một khung cảnh mà tiếng Bồ Ðào Nha không còn được biết tới nữa (xem Nguyễn Văn Trung, )

Nghiên cứu lịch sử và ngôn ngữ học

Dương Hữu Nhân

Bài viết khác

Kinh Lạy Nữ Vương

Kinh Lạy Nữ Vương

02/09/2024

Thưa cha, tại sao trong kinh Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành... mà lúc thì gọi Mẹ Maria là Mẹ, lúc thì gọi là Bà? Có ý nghĩa gì và tại sao?

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art