Thứ Ba, 22 Tháng Năm, 2012

Cái Ách Giữa đường

Nhận được điện báo của Ðạt gửi về cho biết rằng đơn vị của nó sẽ được đưa về Trảng Bom vào ngày mai để nghỉ dưỡng quân, sau một cuộc chiến thắng oai hùng tại Phú Giáo. Riêng nó còn được thưởng 2 ngày phép. Mừng qúa! Sáng hôm sau, chúng tôi kéo nhau lên Trảng Bom đón nó.

Ðường đi Trảng Bom bây giờ không còn thông thoáng như trước nữa, dọc xa lộ Biên Hòa, từng đoàn quân xa đang dồn dập tuôn đổ về thành phố sau khi miền cao nguyên đã thất thủ và triệt thoái. Những hàng rào cản đã được chăng đầy và đoạn đường từ căn cứ Long Bình qua Chợ Sặt đã buộc phải rẽ sang lối khác vì cây cầu tại đây đã bị hư sập. Hàng đoàn xe tuôn đổ về đây như thác lũ, cày nát đoạn đường đất rẽ này, tạo một vũng lầy, bùn đất nhớp nhúa. Những chiếc xe hàng đổ khách xuống cho nhẹ. Những cô gái vén quần cao tới bẹn, dơ cặp đùi trắng nõn, mon men lần bứơc đi trên bờ, ven để tránh bị tạt nứơc bùn, những bà gìa quác miệng chửi thề vì bị người khác xô lấn. Thật là một cảnh bát nháo như những phiên chợ vỡ.

Những người quân cảnh thấy xe của chúng tôi mang huy hiệu của binh chủng dù nên đã thổi còi, phất tay ra hiệu cho chúng tôi được qua trước. Ðoạn đường này thật lầy lội, trơn trợt, xe trườn lên, lại tụt xuống, bánh sau xe quay như bánh trớn nuớc, nước bùn, bay tung tóe, xe sau, hứng xe trước. Trước mặt chúng tôi là một xe kéo pháo của sư đoàn 18 nên bánh xe của khẩu pháo chỉ lăn theo lực kéo của xe mà không phun bắn. Ngược lại, xe sau chúng tôi là một chiếc xe nhà, xe La Dalat thì phải và vì bùn đất bám đầy nên chúng tôi đã nhìn không rõ. Chỉ tội cho một cô, hay một bà gì đó ngồi trong xe mà miệng la oai oái!

Thằng Ðạt gìa đi 10 tuổi có lẽ. Mặt mày hốc hác, cặp mắt thâm quàng và râu ria tua tủa. Nó mặc một bộ đồ xi vin nhàu nát, chắc là vừa kéo từ ba lô ra. Thấy chúng tôi, nó vứt vội điếu thuốc đang hút dở, chạy tới ôm chật cả hai chúng tôi. Tôi cảm thấy da thịt thằng Ðạt còn vướng, hôi mùi thuốc súng. Có lẽ đã lâu rồi nó chưa có dịp tắm. Ðược dịp đi phép là kiếm cách vù ngay, sợ cấp trên đổi ý.

Dọc đường qua Hố Nai, thấy mùi thịt chó nướng bay tỏa thơm ngát. Thằng Ðạt lên tiếng:

- Mẹ kiếp! Ðấm đá mấy tháng trời, ông thèm thịt chó bỏ mẹ.

- Thôi nhịn, về Ngã Ba Ông Tạ hay cổng Hoàng Hoa Thám ngon hơn! Thằng Tiến đề nghị thế.

- Nhịn thế đ. nào được. Bây giờ có thịt thiu thì ông cũng xơi.

- Chiều nay tao trực, nếu nhậu ở những nơi đó thì tiện cho tao hơn.

- Ðồng ý! Nhưng cũng phải ghé cho tao nhậu một chầu sương sướng đã. Mấy tháng nay không đàn bà, rượu thịt, ông thèm nhỏ giãi đây này.

Nghe thế! Tôi đề nghị Tiến cho xe vào nhà hàng thịt chó gần đấy. Nhưng chiếc đùi chó, thui vàng, treo lủng lẳng, bên cạnh những bó hành tươi xanh, rất bắt mắt. Mùi thịt nướng với mẻ, thơm ngon, dù mũi điếc cũng ngửi thấy. Ðúng là nhịn không nổi!

Rượu thịt chưa kịp đem ra và câu chuyện của chúng tôi đang xoay quanh những trận đánh đẫm máu, xáp lá cà thì ngoài đường bỗng nổi lên những tràng chửi chanh chua và tiếng gào thét thảm thiết. Một bà Bắc, đội khăn mỏ qụa, một tay vừa túm tóc một cô gái, một tay vừa tát, vả vào mặt cô, miệng bà tuôn ra những tràng chửi thật là ác nghiệt và có văn tự như những nhà chửi mướn ở vùng châu thổ sông Hồng Hà:

- Mẹ bà tổ sư cha nhà mày! Mày là thứ đĩ thối lăng loàn, chồng chung vợ chạ, đổi chúa lộn chồng. Mày làm nhục tông môn nhà bà. Mày là đồ qụa mổ, bố mẹ mày không biết dạy mày thì để bà dạy mày. Nhà mày đi đồng thì trâu húc, lội sông thì Hà Bá lôi, chết trôi, chết thối……

Bà gìa còn đang gân miệng chửi bới thì một người đàn ông cũng vừa chạy tới, anh ta đấm đá, liên hồi vào người cô gái, Những tiếng hô thất thanh, những tiếng van lạy, não lòng. Thằng Ðạt đã chạy thẳng ra ôm chật lấy người đàn ông. Nhìn anh ta cũng khá đầy đặn và cân đối nhưng so với thằng Ðạt thì chẳng thấm vào đâu. Những người hàng xóm đã tuôn đổ ra hai bên đường hò reo và một anh thanh niên khác đã lao vào vòng chiến. Anh này có lẽ là anh em với anh thanh niên vũ phu kia nên đã nhảy bổ vào Ðạt với những cú đấm đá túi bụi. May cho Ðạt là anh ta thấp bé qúa nên những cú đấm của anh ta chỉ đụng tới tay hoặc bả vai của nó. Hình như không thể nhẫn nhục hơn, Ðạt đã buông thả anh chàng vũ phu kia ra và quay lại, hùng hổ thoi cho anh chàng nọ một cú đấm như trời giáng vào mặt. Anh ta ngã chúi xuống đất, mặt mày bê bết máu. Anh ta có vẻ căm phẫn lắm nhưng hình như đã thấm đòn nên chỉ ngồi bệt, lau chùi máu me trên mặt mà không dám động thủ. Ðạt quay lại người thanh niên vũ phu và bà gìa mỏ qụa kia nói:

- Các người làm gì mà hành hạ người ta một cách qúa đáng như vậy! Còn anh, tại sao sức dài vai rộng như vậy lại không ra chiến trường chiến đấu với quân thù, hèn hạ hành hạ một người con gái thân xác yếu mềm nhu thế kia. Không biết nhục à!

Nói rồi Ðạt phủi tay và phun một bãi nước miếng về phía anh ta.

Bà gìa mỏ qụa lên tiếng:

- Cái anh này, đồ mèo mả gà đồng, đồ ma cô, ma cạo, râu ria tua tủa, khố rách áo ôm. Bỗng đâu lại can dự vào chuyện của người ta như thế! Người ta dạy vợ thì có động tới mồ cha mả mẹ nhà mày đâu mà mày hung hăng con bọ xít như thế!

- Ai là mèo mả gà đồng. Bà coi chừng đấy! Tôi trọng bà lớn tuổi, chứ cái ngữ nhà bá, cách ăn nói hỗn xược như bà, tôi đã cho một cái tát.

- Mày có ngon thì tát bà đi! Ðấy này, đồ bà đây này, có giỏi thì tát, thì mó vào đi! Oái giời ơi! Cái thứ đĩ gìa mồm. Cái thứ đầu đường xó chợ. Nhìn bản mặt mày ai mà lại chẳng biết! Không đầu đường xó chợ thì cũng ma cô, ma cạo mà thôi.

Thấy những người đứng xem cười khoái chí, bà gìa mỏ qụa lại tiếp:

- Ðây này cái con đĩ lăng loàn này đây này. Chắc chúng bay lại phải lòng nhau rồi chứ gì? Ai mà chẳng biết. Chúng mày có tư tình gì thì mới tới binh nhau như vậy chứ! Thôi thì kéo nhau đi cho khuất mặt bà đi! Oái giời ơi, xui gia của tôi đâu rồi! Làng nứơc của tôi đâu rồi! Hãy ra đây mà coi con gái họ đang đánh đĩ đây này. Nói rồi bà giãy nảy, nằm xoài xuống đấy, bức đầu, bức tai ăn vạ.

Ðám đông được thể, hò la vui thích. Bỗng có tiếng chen vào.

- Ðánh bỏ mẹ nó đi, bọn du côn, du thực!

- Ðúng rồi! Ðánh bỏ mẹ nó đi!

Hai ba người thanh niên nghe thế! Nhảy vào vòng chiến, chúng đâm bổ vào Ðạt, đấm đá lung tung. Thấy thế, tôi và Tiến buộc lòng phải nhảy vào. Tiến có vẻ còn do dự về bộ quân phục của mình. Tôi chưa kịp đấm đá gì thì đã bị ngay một cú đòn gánh phang trúng lưng, chiếc đòn gánh này do bà mỏ qụa phóng tới. Tôi nhặt chiếc đòn gánh, nhắm vào anh thanh niên đang cận chiến với Ðạt mà bổ xuống vai. Bị trúng đòn đau, anh ta ôm vai, nhăn nhó lui ra khỏi vòng chiến. Ðang lúc tả xung hữu đột với chiếc đòn gánh thì một xe quân cảnh từ phía Biên Hòa lao tới. Những tiếng súng chỉ thiên và những hồi còi lanh lảnh, lệnh cho mọi người phải đứng im một chỗ. Những người có võ khí trong tay như tôi bị áp đảo đầu tiên. Những người đứng coi quây vòng chật hơn, họ được thể la hét:

 - Bắt lấy chúng nó! Lũ quân ăn cướp!

Bây giờ thì Tiến đã xuất hiện với bộ quân phục trung úy dù. Những tiếng la hét im bật và những người thanh niên vừa ẩu đả với chúng tôi thầm đoán một việc chẳng lành.

Viên trung sĩ quân cảnh cũng đã nhận ra Ðạt vì Ðạt hay thường lui tới đồn quân cảnh Biên Hòa để thăm Châu, một người bạn cùng khóa. Viên trung sĩ quân cảnh đứng nghiêm chào Ðạt rồi lên tiếng:

- Ðại úy có sao không? Ủa mà sao đại úy lại bị bọn này tấn công như vậy!

Ðạt lau mặt qua loa rồi nói!

- Mình đi ngang đây, thấy chuyện bất bình nên can thiệp vậy thôi!

Thấy thái độ cung kính của những người quân cảnh đối với Ðạt, những người thanh niên mặt xanh cắt, như gà cắt tiết. Bà lão đội khăn mỏ qụa thì lẩm bẩm:

- Uùy với chẳng iếc gì. Rồi bà vuỗi đít đi thẳng.

Thấy thế, Tiến đã ra lệnh cho bà ta dừng lại:

- Bà cụ kia, chính bà đã là nguyên nhân gây ra cuộc ẩu đả vừa qua. Bà đã hành hạ người khác một cách qúa đáng và tàn nhẫn. Bà phải ở lại để pháp luật trừng trị bà!

Giọng Tiến oang oang và thái độ hùng dũng của một ông sĩ quan dù, khiến bà lão quay lại mà không còn phản ứng chanh chua như trước nữa. Những người lính quân cảnh, đứng nghiêm chào Ðạt, Tiến rồi ra lệnh bắt tất cả những người thanh niên vừa ẩu đã, trong đó có cả tôi, bà lão mỏ qụa và cô con gái vừa bị đánh đòn. Mãi cho đến khi Ðạt phân giải thì người lính quân cảnh mới xin lỗi rồi thả tôi ra.

Khi biết được đầu đuôi câu truyện, những người lính quân cảnh, còng tay tất cả những người thanh niên rồi quyết định giải giao tất cả những người này và bà lão khăn mỏ qụa về ty cảnh sát Biên Hòa.

Thấy thế, nhiều người đứng xem, chạy lại van lậy như chối chết. Một ông cụ mặc đồ bà ba trắng toát tới van xin Ðạt:

- Xin đại úy cứu tôi, chẳng nói dấu gì đại úy, nhà tôi chỉ có nó là con trai. Có bề nào thì chúng tôi chết mất!

Rồi lại có bà lão khác, khóc lóc, lấy khăn vừa khịt mũi vừa van xin.

- Cháu con nhà tôi lỡ dại, xin đại úy thương tình. Chúng tôi sẽ suốt đời không quên ơn đại úy.

Nhìn những người thanh niên co rọm, mặt mày xanh ngắt, ngồi run rẩy sợ hãi trên băng sau xe Jeep. Ðạt đoán biết đây chắc cũng là bọn trốn lính hoặc đào ngủ nên nó đã đến gần người trung sĩ quân cảnh, nói:

- Thôi, chắc ta răn đe chúng vài lời rồi tha chúng nó. Bắt chúng đi làm gì. Nhỡ đâu lại nhằm đúng bọn trốn lính, đào ngủ thì lại khổ đời chúng. Chiến tranh vào giờ thứ 25 rồi, tướng tá còn bỏ ngũ chạy, há gì bọn nhãi ranh này. Chẳng lẽ lại bắt chúng, đưa chúng vô lại quân trường, làm con vật thiêu thân vào lúc cuộc chiến sắp tàn hay sao?

Ðạt vừa nói xong, nhả một làn thuốc dài, mắt nó nhìn lên bầu trời, những đám mây bạc trôi nổi và xa xa, những tiếng đại bác cứ liên hồi vọng về. Nó tiến lại đám thanh niên nói tiếp:

- Thôi lần này, tôi xin tha các anh. Lần sau còn tái phạm thì đừng có trách! Từ nay phải bỏ thói côn đồ, vũ phu, hành hạ đàn bà một cách qúa đáng nghe chưa? Còn bà lão kia! Tại sao bà lại độc ác như vậy. Cổ bà đeo tràng hạt mà miệng bà thì nói chửi toàn những điều độc ác, chẳng lành. Tại sao bà lại hành hạ con dâu một cách qúa đáng như vậy? Con gái bà bị người khác hành hạ, đánh đập như vậy bà có chịu được không? Thôi bà về đi, ăn hiền, ở lành mà để đức cho con cháu nghe chưa?

Ðạt vừa nói đến đây, chợt nhìn sang cô gái, mắt cô long lanh ngấn lệ. Bộ mặt trái xoan rất duyên dáng, mái tóc dài tuy đã bị bà lão mỏ qụa cắt xén nham nhở nhưng vẫn lộ vẻ óng mướt. Cặp môi trái tim, tuy vẫn bị xám ngắt vì sợ hãi nhưng cánh môi dưới mấp máy thật quyến rũ, diễm tình. Cô ta nhìn Ðạt như nhìn một vị cứu tinh, đầy ngưỡng phục. Ðạt cố quay sang hướng khác, hít một điếu thuốc thật dài để tránh cái nhìn tha thiết và đầy cầu cứu của cô gái.

Những người lính quân cảnh nghe theo lời Ðạt, họ làm bộ hỏi cung qua loa từng người rồi sau đó mở còng thả ra. Những người thanh niên hoàn hồn chạy tới phía chúng tôi, run run chấp tay vái vái vài cái rồi chui lẫn vào đám đông trốn biệt như sợ sẽ bị bắt lại.

Sau đó những người quân cảnh chào tạm biết chúng tôi và Ðạt nói với họ:

- Cho gửi lời chào Châu nhé!

Chúng tôi vẫy tay chào lại họ rồi lại rủ nhau vào quán thịt chó. Chẳng đứa nào còn thiết ăn, định bụng chỉ làm vài miếng lót lòng, rồi trả tiền ra đi cho rảnh.

Bà vợ chủ hàng thịt chó đúng là loại đàn bà bén chuyện. Bà ta kể chuyện rất có duyên nên chúng tôi ngồi nán lại, vừa nhâm nhi ba sợi, vừa lắng tai nghe.

- Cô Duyên con ông bà Thành Lập, chủ nhà máy cưa ở gần đây. Nhà neo đơn, chỉ có 3 người con, hai gái một trai cho nên cô Duyên học xong trung học là phải ở nhà. Ông bà bảo rằng cho con gái học cao làm gì, khó lấy chồng. Bao nhiêu đám ngấp nghé nhưng chẳng đám nào xong, phần vì môn đăng hộ đối, phần vì chênh lệch nhiều thứ. Ðến khi thằng Bình, con bà Hậu đến làm thợ điện cho nhà máy cưa, nó đeo đuổi mãi thế nào ấy nên cô Duyên phải lòng nó. Lúc đầu ông bà Thành Lập, dứt khoát không chịu, nhưng nó đeo bám riết qúa rồi cô Duyên có bầu với nó. Ðúng là giào kéo thì kẹn hom!

Thấy chúng tôi yên lặng ngồi nghe, bà ta tiến lại gần chúng tôi hơn, ngồi dựa vào chiếc ghế gần đấy, lấy tay mân mê, têm trầu rồi vừa nhai vừa tiếp:

- Các ông biết không? Người ta bảo lửa gần rơm, lâu ngày cũng bén. Cứ như tôi ấy à! Cứ tống cổ mẹ nó cái đồ nỡm trong nhà là xong. Ai lại nuôi ong tay áo bao giờ?

- Thế rồi họ có cưới nhau không? Tôi hỏi.

 - Không cưới làm sao được. Ðến lúc này thì phải lạy nó, nó mới chịu cưới cho mới chết chứ! Phải hứa cho nó đủ điều đủ chuyệïn, mới xong đấy! Ðúng là quân đểu cáng.

Bà ta nhổ bẹt bã trầu vào cái bình gần đấy, rồi lấy tay quệt vết trầu dính miệng:

- Ðám cưới to ra phết! Nhất làng đấy! Xe hoa kỳ rước dâu, mướn hai, ba cái. Người mời có đến vài trăm. Aên mừng mấy ngày liên tiếp. Cô dâu lúc ấy đã có bầu vài tháng nhưng nhà cao, kín cổng cao tường không mấy ai biết đến. Mãi đến khi bà mẹ chồng bất bình sao đó, phao vu ra thì dân làng mới rõ. Cái bà gìa này thật là tàn ác với con dâu. Lúc ở chung trong nhà ông bà Thành Lập thì bà ta chiều hầu con dâu như tôi, mọi, đến khi ra riêng rồi, thấy không có của cải gì nhiều, không ẵm được của cải bao nhiêu thế là bà ta trở chứng. Lúc đầu thì chỉ phao tin bêu xấu, sau dần ra tay hành hạ. Nhất cử nhất động của cô con dâu bà đều để ý rồi điêu ngoa, rỉ tai con trai, nói hành, nói tỏi.

- Thế rồi người con trai phản ứng ra sao? Ðạt hỏi.

- Phản ứng à! Một mẹ, một con nên sợ mẹ bằng phép. Lúc đầu thì anh ta không tin và cũng chẳng có phản ứng gì nhưng lâu dần, bà lão cứ bù lu, bù loa rồi còn đay nghiến cả con trai. Nào là: "Anh đội vợ anh nên đầu, khinh bỏ tôi". Rồi là "Anh rước thứ lăng loàn đó về, để nó mắng chửi tôi", "Nó có yêu thương gì anh cho đáng, ra đường là cợt nhả, người này kẻ nọ, anh không nghe cả làng này người ta thì thào với nhàu à! Nhục lắm!", "Cái cặp mắt lúc nào cũng long lanh, cặp môi thì lúc nào cũng ươn ướt, thứ đấy thì đĩ cho phải biết".

Dĩa nhựa mặn vừa được đưa lên, mùi tương, mẻ thơm bốc mũi, chai rượu đế cũng đã vừa cạn. Nhà chủ đưa thêm chai khác, nói rằng:

- Chai này là của nhà cháu biếu các bác. Thấy các bác oai hùng qúa nên nhà cháu đây rất kính phục. Chẳng nói dấu gì các bác, bọn đó nó hung dữ lắm, không ai dám đụng tới. Trốn lính sống chui rúc là như vậy mà hễ có chuyện là kéo bè, kéo đảng. Chẳng coi ai ra gì! Bà lão gìa thì tai ác qúa lắm! Ðụng ai cũng chửi, kinh hạt, nhà thờ, nhà thánh tối ngày nhưng mở miệng chửi ai thì phải biết. Chẳng ai dám đụng đến bà ta. Nay thấy các bác hành động anh hùng và rộng lượng như thế thì nhà cháu đây rất kính phục.

- Thôi thì các bác nhận cho, để chúng em mừng. Bà vợ chen vào.

- Ồ, chúng tôi đâu có ý đánh đập ai đâu! Ngang đường thấy việc bất bình thì can ngăn vậy thôi. Ngờ đâu những người thanh niên ở đây hung hăng qúa lẽ nên mới ra nông nỗi. Thôi cũng may là chưa xảy ra việc nghiêm trọng không thì ân hận cho phải biết. Ðúng là cái ách giữa đường.

Chúng tôi cạn chai thứ hai thì xin chủ quán tính tiền để lên đường. Bên kia đường, chuông thánh đường đã reo đổ, báo hiệu giờ kinh nguyện gì đó. Ðoàn người tuôn đổ đến thánh đường. Nhìn kỹ, trong đám người đó, chúng tôi lại bắt gặp bà lão chít khăn mỏ qụa, tay cầm chiếc quạt đung đưa, miệng thì đang lẩm bẩm điều gì.

Chúng tôi sửa soạn ra xe thì một ông lão độ ngoài 60, mặc quần áo chỉnh tề tiến tới trước mặt Tiến:

- Thưa đại úy! Chúng tôi vừa được các cháu trong nhà cho biết là đại úy vừa ra tay nghĩa hiệp, can thiệp cho cháu nhà tôi. Tôi xin cảm tạ và rất sung sướng được mời đại úy cùng các ông đây, ghé thăm tệ xá.

- Thưa bác, không phải cháu mà là ông bạn cháu đây này. Tiến chỉ vào Ðạt nói thế.

Ông cụ có vẻ khựng lại khi nhìn thấy Ðạt, tóc tai và râu ria nham nhở. Ông cụ quay nhìn lại Tiến, thăm dò phản ứng.

- Thôi thì đại úy với các ông đây bớt chút thì giờ, ghé thăm tệ xá cho lão vui mừng.

- Thưa bác! Rất tiếc rằng cháu mới từ chiến trận về và chỉ có hai ngày phép. Bây giờ thì đã hết một nửa ngày rồi lại còn phải về Sài Gòn thăm người này người kia. Vả lại cái chuyện vừa qua, có đáng gì mà công với ơn. Ðược rồi, khi có dịp, chúng cháu sẽ xin ghé thăm bác và gia đình.

Thấy Ðạt ăn nói lễ phép và biết Ðạt mới từ chiến trận về, nên ông cụ không còn nghi ngờ vào cái mái tóc và bộ rầu nham nhở của Ðạt nữa.

- Ồ thế thì qúy hóa qúa! Xin đại úy và các ông chỉ qúa bộ vài phút, xơi với lão chén trà là qúy lắm rồi.

Nói rồi ông lão chỉ về phí cuối đường tiếp:

 - Ðại úy và các ông nhìn kia kìa! Ở ngay cái cột điện thứ ba đó, trên có treo một tấm bảng chỉ hướng vào trại cưa của lão đó, chỉ vào chừng 500m là tới. Thôi chúng ta qúa bộ nhé!

- Thưa bác, không thể được. Chúng cháu buộc phải ra đi vì anh bạn cháu đây phải ứng trực chiều nay. Thôi, bây giờ xin bác như thế này nhé! Ngày mai trên đường trả phép, ngang đây, chúng cháu sẽ đi sớm hơn và ghé vào thăm bác.

- Như thế chứ! Thôi hẹn đại úy chiều mai nhé! Nhớ đến sớm một chút.

Khi chúng tôi đã leo lên xe, bà chủ quán còn chạy ra, nhét vào xe một gói gì không biết. Ði được một khúc, Ðạt hỏi?

- Mẹ kiếp! Không biết hồi nãy vợ hàng thịt chó có nhét mìn vô xe mình không đấy?

- Ừ nhỉ? Lễ, mày ngồi sau, mở thử coi.

- Xúi dại! Mìn thì ông nổ banh xác à!

- Cái cứt! Mày rờ vào coi mềm hay cứng nào?

- Mềm.

- Thế thì không phải là mìn, mở ra đi!

Tôi nghe theo lời thằng Tiến, mở gói lá chuối ra. Thì ra bên trong là 3 gói thịt chó, một gói khế, chuối chát và cả bao nước chấm. Dồi nướng, nhựa mặn và cả chả chìa nữa.

- Mẹ kiếp, Toàn thịt chó!

- Thế thì đêm nay lại ngắc ngư!

Lại trở về khúc quanh, tránh cầu sập hồi nãy. Cái cống thì đúng hơn vì bề dài chỉ khoảng mươi thước. Xe qua vũng lầy, phải lấy trớn, khiến những vòi nước, pha bùn vung tung tóe, những người quân cảnh đứng đó, quần áo lọ lem đầy bùn đất. Chúng tôi lại gặp toán toán quân cảnh hồi nãy, đứng bên kia cầu. Toán này lưu động, nên quần áo chỉnh tề. Gặp lại chúng tôi, cả 3 người tươi vui hẳn lên. Anh trung sĩ tên Bình nhét vào xe cho chúng tôi một thùng beer, nói rằng bọn Mỹ vừa đi ngang qua, mãi lộ.

- Có beer mà có mồi gì nhắm chưa?

- Tụi em ứng trực suốt đêm nay, chút nữa kéo vô đồn gần đây nhậu nhưng chỉ có mấy hộp ration-C bọn Mỹ mới cho đây này.

- Thế thì có sẵn thịt chó đây! Cầm lấy mà nhậu. Tối nay tụi tớ về thành quậy, làm gì có giờ mà chó với mèo.

Người trung sĩ tiếp nhận gói thịt chó, đứng nghiêm chao Ðạt cám ơn.

- Cám ơn dại bàng, nếu tối nay trung úy Châu tới đây, em sẽ bảo với ông ấy rằng đây là mồi của đại úy cho đấy!

- Bảo với Châu rằng ngày mai Ðạt sẽ trả phép và sẽ đi ngang qua đấy.

- Trình đại bàng, 5 trên 5.

Về gần tới ngã tư Hàng Xanh. Xe kẹt nối dài vì phải qua các trạm kiểm soát. Xe nhà binh được đi ngõ riêng nhưng tất cả những người mặc đồ xi vin buộc phải xuống xe để đi bộ qua ngõ kiểm soát dân sự. Ðạt thấy thế bảo tôi:

- Mày cứ ngồi yên trên xe, có thằng sĩ quan dù ngồi trên xe là yên tâm rồi!

Thật thế, xe đi qua trạm, người lính quân cảnh dơ tay chào Tiến theo cung cách nhà binh rồi xin phép hỏi giấy Ðạt. Thấy thẻ quân nhân mang cấp bực dại úy của Ðạt, người lính bâng quơ nhìn sang tôi mỉm cười.

- Ðại úy cũng thế!

Chúng tôi vẫy vẫy chào người lính gác, tiến qua. Cảnh tượng thật bát nháo, xe đò, xe tải ùn tắc, mọi cửa ngõ đổ vào Sài Gòn lúc này đều kẹt tắc. Ðường xá dơ dáy bẩn thỉu, rác rưới rơi vãi khắp nơi, những bao bịch ny lông thỉnh thoảng được một cơn gió thổi tới, tung bay tứ tung. Tiến rất sốt ruột vì phiên gác sắp tới. Chúng tôi bàn với nhau là chỉ còn một cách duy nhất là chui xe vào mấy ngõ hẻm ở đầu ngã tư rồi từ đấy đâm trổ ra hướng Chi Lăng, may ra mới thoát. Ðúng như dự kiến, đoạn đường này chỉ ùn tắc một khúc, sau đó qua chợ Bà Chiểu thì thông thoáng hoàn toàn.

Về đến trại Hoàng Hoa Thám, một đoàn xe cũng đang ùn ùn từ hướng Tân Sơn Nhất kéo về. Nghe đâu một tiều đoàn cũng vừa đựơc không vận về tới để sau đó đưa tới vườn Tao Ðàn, vừa phòng vệ dinh tổng thống, vừa chờ tăng cường quân số.

- Nghe đâu, đơn vị của Tươi cũng về nay mai.

 Thằng Tiến bảo thế! Rồi nó vội vã đưa chúng tôi vào phòng nó, trứơc khi chạy thẳng tới phòng trực. Không lâu sau đó, nó hổn hển chạy về báo:

- Xong rồi, tao nhờ đại úy Sơn trực giúp đêm nay, đêm mai tao trực lại.

Chúng tôi còn đang tắm rửa để kịp đi chơi thì thằng Tiến nhận được điện thoại của thằng Tươi từ vườn Tao Ðàn gọi về. Thế là chúng tôi chạy thẳng đến vườn Tao Ðàn đón nó.

Thằng Tươi mặt mày hốc hác, thật khó đoán ra nó. Cũng chẳng khác gì thằng Ðạt, tóc tai, râu ria lồm xồm như người rừng. Quần áo thì đất bùn bê bết. Nó cũng nói rằng đã bao đêm không ngủ, đồ hộp làm chuẩn. Bây giờ nó thèm rượu thịt, đàn bà con gái chứ không thèm tắm. Thế là chúng tôi ra đi, trực chỉ hướng trường đua Phú Thọ, rẽù vào đường Nguyễn Văn Thoại rồi chui đầu vào Ðệ Nhất khách sạn.

Bây giờ thì "cái ách giữa đường", nó sẽ quàng lên cổ tôi chứ không phải cổ thằng Ðạt như đã xảy ra ở Hố Nai sáng nay. Tôi cảm nhận thấy thế vì ít nhất tôi đã từng mang một cái ách ở nơi này với thằng Ðại và Chúc. Bây giờ Chúc chết rồi, tôi không muốn nhắc lại.

Ðôi giày nhà binh vướng đầy cát bụi của thằng Tươi hùng dũng giẫm lên tấm thảm xanh biếc của nhà hàng. Những người làm việc ở đây trang phục lộng lẫy, đứng hai bên đón chào một đoàn binh vừa thắng trận trở về thành phố. Không phải thế đâu, họ đón chào những người lính trận sau bao tháng thư hùng với địch quân, nay mới có dịp hung hăng con bọ xít, đến để thiêu đốt mấy tháng lương cuối cùng, bây giờ mới lãnh.

Trong phòng ăn, các bàn đã gần như đầy kín, những cặp trai gái đã bắt đầu dìu nhau trên sàn nhẩy. Những tia ánh sáng lung linh, muôn màu, muôn vẻ. Những cô tiếp viên tươi mát như thiên thần, tiên nương giáng thế.

- Thưa thiếu tá! Tất cả các bàn đã đầy kín.

- Thế còn hai bàn ở giữa? Tươi hỏi.

- Thưa của công tử họ Hoàng đã đật sẵn, dù có người hay không có người, nhà hàng cũng có bổn phận phải dành sẵn.

- Tại sao lại ích kỷ như vậy! Ðến thì đã đành, không đến thì để cho người khác chứ! Ai cũng trả tiền như ai, có ai quịt đâu mà khó dễ thế!

- Thưa thiếu tá không được. Nếu tôi chiều thiếu tá, ngộ nhỡ thì tôi sẽ lãnh đủ.

- Tôi bảo là được!

Thế rồi Tươi cầm tờ giấy "reserved" xé nát, bảo chúng tôi cứ việc ngồi xuống.

Chai champagne thứ hai đang uống dở và cô tiếp viên đang dìu Tươi vào sàn nhẩy thì mấy người quân cảnh dù từ ngoài tiến tới. Tươi đoán biết một chuyện chẳng lành, gỡ tay cô gái, về lại bàn. Thấp thoáng trong ánh đèn đêm, Tươi nhận ra một sĩ quan quân cảnh quen biết, đứng chào trong tư thế nhà binh rồi hai người lặng lẽ theo nhau ra ngoài.

Một lúc sau, Tươi quay vào:

- Không xong rồi, đụng phải thứ dữ. Ð.m. quân chó đẻ, có dịp ông phơ hết!

Tôi kêu người hầu bàn tính tiền nhưng người sĩ quan quân cảnh trả lời: "Xong rồi".

Trong bóng đêm, những người chung quanh hình như không hay biết, chúng tôi theo Tươi và người sĩ quan quân cảnh ra ngoài.

Ra tới xe, người sĩ quan bảo Tươi.

- Trời ơi! Thiếu tá dại qúa! Nhèø kiến lửa mà đụng thì nát thây!

- Ðiên lên, ông phơ bỏ mẹ chúng nó chứ nát thây con buồi ông đây này!

- Thôi mình đi chỗ khác, thiếu tá à! Mặt trời đưa cho tôi mấy ngàn đây này! Lệnh là đưa thiếu tá đi đâu nhậu thì đi chứ đừng lớ dớ vô mấy thằng đấy lôi thôi lắm!

- Mấy thằng ấy là mấy thằng nào vậy! Ðạt hỏi.

- Thì bọn công tử con cháu ông vua kẽm gai chứù còn ai!

- Ð.m. toàn quân trốn lính. Trốn rúc ở hậu phương còn làm tàng, làm phách.

Ðạt nói thế nhưng chính nó lại rủ Tươi đi hướng khác. Lên đường ra ngã tư xa lộ Thủ Ðức nhậu tiếp, chúng tôi ghé lại đơn vị của Tươi ở vườn Tao Ðàn rồi Tươi trao cái phòng bì mà ngươi sĩ quan quân cảnh vừa đưa, cho thiếu úy Thảo nói:

- Qùa của Mặt Trời tặng đây này, thiếu úy mua mấy thùng bia cho anh em khao quân, tớ đi với bạn đến đêm hoặc sáng mai mới về.

Cái quán Thanh Vân của ông tây đồn điền cao su hôm nay đông lạ thường. Bàn nào cũng chật ních, nể lòng khách quen, ông cho kê thêm một cái bàn ngay giữa vườn hoa. Là người tây nhưng ông nói tiếng Việt rất thành thạo và nhà hàng ông pha trộn tây ta rất độc đáo. Ðặc biệt món đuông chiên bơ của ông thì khỏi chê. Béo bổ, thơm ngon, khách thưởng thức nhiều khi không dám nhuốt, sợ tuột mất tất cả những hương vị, thơm ngon còn đang ứ động trong miệng.

Dù lũ chúng tôi là bạn thân từ hồi để chỏm rồi từ Bắc vô Nam, cho tới khi khôn lớn, chúng tôi bám víu lấy nhau, chỉ khi ra đời thì mỗi thằng một ngã. Hôm nay lần đầu, tôi được nghe ba thằng bạn lính nói chuyện về chiến tranh. Chúng dùng những từ ngữ mà lúc mới nghe, tôi chẳng hiểu gì. Nào là "con cái", "mặt trời", "phượng hoàng","5 trên 5"…..

Những trận đánh khốc liệt và những địa danh chiến trận, mà qua báo chí tôi đã từng nghe nhưng không ngờ rằng những thằng bạn tôi, những anh hùng hiên ngang coi cái chết nhẹ như lông hồng lại có những lúc ngã lòng, muốn buông tay, nhắm mắt quy hàng vì tình yêu nhân thế, vì coi trọng mạng sống của người khác..

- Ð.m. bắn bao nhiêu, chết bao nhiêu chúng cũng cứ hô xung phong mà tiến lên. Tiền đồn kiên cố, bê tông, bao cát lại nằm trên cao. Ðại liên trỏ nòng, chúi mũi mà bắn xuống. Chết như ngả rạ vậy mà chúng nó vẫn cứ xung phong. Lớp này đổ, lớp khác lại tiến. Chiến thuật biển người thật là tàn ác, vô nhân. Chúng nướng quân như nướng bắp. Miễn sao gây được tiếng vang.

Tươi hít thêm một hơi thuốc thật dài, nhả khói lên trên mái lều. Hai con thạch thùng hình như cũng quen hơi thuốc, chúng chép lưỡi hít hà rồi kêu lên tích tè, khô cứng và thật thảm não.

- Ðánh đấm cũng phải cân sức mới hứng thú chứ! Mình chỉ việc bắn, chúng cứ việc chết thì đánh đấm thế đếch nào được. Ðã vậy trinh sát lại báo về: "Có lẽ chúng dùng dân công làm biển người". Mẹ kiếp! Thế thì bắn làm gì? Rồi tiếng súng im bật, địch quân cứ hô xung phong inh ỏi. Tiếng súng càng im, chúng càng hét lớn. Loa tay, thùng gõ liên hồi. Những tiếng gào thét mỗi lúc một gần hơn. Ông ra lệnh lâu lâu tương một qủa cầm chừng và thăm dò phản ứng. Quân lính được lệnh bò sát vào tuyến địch quân và sẵn sàng chơi xáp lá cà. Dân công thật và chen lẫn trong đó là những tên đặc công, dây nhợ chằng chịt. Những người trinh sát đã báo về như thế! Cuộc cận chiến xảy ra, những tên địch ốm đói lâu ngày chịu không nỗi vài ba báng súng. Trong hàng ngũ tù binh, hơn một nửa là dân công, trọ troẹ tiếng, giọng địa phương. Nhiều người dân công được giải thoát nhưng rồi phía ta hy sinh cũng nhiều hơn so với sự thường. Phải chi cứ trên đồn tương xuống có hơn không? Ðiều gì thì cũng có gía phải trả.

Nói đến đây, Tươi hình như xúc động nghĩ đến cái hành động điên rồ của mình, khiến cho nhiều người lính phải hy sinh oan uổng. Nó nấc nghẹn, quăng điếu thuốc đang hút dở vào vườn hoa, lấy tay gạt mắt, hình như nó đã khóc, hai con mắt đỏ ngầu và hai quằng mắt thâm tím vì lâu ngày không ngủ vẫn còn đang long lanh ngấn lệ.

Tiệc đêm đã tàn, chai rượu cuối cùng cũng đã cạn, những bàn bên trống vắng đã từ bao giờ. Xe cộ ngoài đừơng đã thưa thớt. Những ngọn đèn cao thế của ngã tư xa lộ mang màu tím thẵm. Những đứa trẻ đeo bị đi bắt dế đêm. Dế rừng ở đâu mà về đông thế. Những con dế to béo như những con muỗm đồng, người ta bảo dế này chiên bơ ngon lắm! Ðại bác vẫn cứ réo nổ ầm trời từ những chiến trận xa xôi vọng vệ. Thằng Tiến mở lời vu vơ:

- Không biết con cái tao có sao không?

Cả 3 chúng tôi đưa Ðạt trở về đơn vị nhưng lần này đi xe của Tươi và do chính hắn lái. Ðạt đòi ghé vô chợ Bà Chiểu mua vài chai rượu, một chai tặng nhà hàng thịt chó đã dúi bịch thịt chó vào xe, một chai tặng Châu, nếu gặp lại những người quân cảnh hôm trước, còn vài chai đem về đơn vị cho quân lính, đồng đội.

Ðường hôm nay tuơng đối thông thoáng vì còn là buổi sáng. Chúng tôi muốn đi sớm hơn vì Ðạt đã lỡ hứa với ông lão trại cưa. Khúc cầu rẽ bị hư hôm nọ cũng không còn những người quân cảnh đứng gác. Vũng lầy cũng khá khô ráo nên xe cộ qua lại dễ dàng.

Chủ nhà hàng thịt chó hôm qua, thấy chúng tôi trở lại, mừng vui rối rít. Khoe rằng nhà hàng hôm nay mới mua được con mực cầy tơ. Con này mà xả ra thì ngon bằng chết. Chúng tôi từ chối vì không thể nán lại lâu hơn. Ðạt trao chai rượu tặng ông ta rồi vội vàng ra đi.

Theo đúng hướng chỉ của ông chủ trại cưa. Chúng tôi tìm tới nhà ông ta dễ dàng. Chắc phải là giàu có bề thế lắm mới có được cơ ngơi, nguy nga, rộng lớn như thế này. Ðàn chó thấy khách lạ đua nhau tủa ra sân, sủa ăng ẳng. Hai bộ đồ rằn ri của Tươi và Tiến, càng kích thích lũ chó hơn. Từ trong nhà, một cô gái cầm cán chổi ra sân đuổi chó. Một cô gái mảnh mai xinh đẹp, có vóc dáng hao hao với cô gái bị mẹ chồng hành hạ hôm qua. Cũng mái tóc đen mượt, huyền lánh, khuôn mặt trái soan và cặp lông mi cong, dài. Nhìn cặp mắt tươi hồng ươn ướt của cô gái, tôi nhớ lại lời bà lão mỏ qua hôm qua: "Môi đó thì dâm, đĩ phải biết!".

Ông bà chủ nhà thân tình ra chào hỏi chúng tôi. Bà chủ nhà chắc cũng chạc tuổi bà lão mỏ quạ hôm qua nhưng coi bà hiền lành, nhu mì hơn. Bà để răng lánh hạt huyền và cũng chít cái khăn mỏ quạ nhưng bằng vải nhung đen. Bà tiến tới chào và vân ve cánh tay Ðạt rồi luôn miệng: "Qúy hóa qúa! Qúy hóa qúa!".

Vừa bước vô trong nhà, tiếng dao thớt đã inh tai, tiếng nói cười không ngớt. Chắc là gia chủ sắp có tiệc tùng gì đây? Cả 3 chúng tôi đều hết sức ngạc nhiên khi thấy xuất hiện cặp vợ chồng hôm qua. Tươi thì không kể vì nó chẳng biết gì chuyện này. Mắt trái của anh chàng vẫn bầm sưng, chắc là do Ðạt quại trúng. Trên khuôn mặt cô gái vẫn còn vết cào xuớc nhưng đã tươi tỉnh hơn hôm qua nhiều. Cô nhìn chúng tôi có vẻ bẽn lẽn nhưng vẫn thấy được vẻ thân tình, cảm mến. Chào chúng tôi xong, cả hai hút vào trong bếp.

- Thưa đại úy, Chẳng nói dấu gì đại úy. Hôm qua dân làng kéo tới đây đông đảo và đều nói rằng nhà này còn có phúc chán, không thì từ con rể tới cháu chắt đều bị đưa đi mút mùa “lệ thủy”. Thằng thì trốn lính, thằng thì đào ngũ. Ðã vậy lại nhè mấy ông trung úy, đại úy mà tấn công. Thế có chết không chứ! Nếu không có đại úy rộng lượng thì xe quân cảnh hôm qua đã hốt đi hết. Thế nên, hôm nay nhân dịp đại úy và các vị trở lại đây thăm lão, lão xin được thết đãi một bữa cơm gia đình, sau là để cho con cháu ra mặt và xin lỗi đại úy cùng qúy vị. Xin qúy vị đừng nỡ từ chối, khiến lão và gia đình phải buồn chán.

Nghe đến đây, Tươi thừ người ra không biết gì. Nó định lên tiếng thì Ðạt đã ngăn lại.

- Thưa bác, cháu đã thưa với bác hôm qua rằng chúng cháu chỉ là người ngang đường, thấy chuyện không hay nên phải can gián thế thôi. Không ngờ chuyện đáng tiếc đã xảy ra. Chúng cháu cũng hối hận là đã mạnh tay qúa nên khiến nhiều anh em bị thương tật. Thôi chuyện đã qua, chấp trách làm gì. Chúng cháu xin ghé lại thăm bác rồi phải ra đi. Ba anh bạn cháu đây đều bận cả, người thì tối nay phải lên phiên trực, kẻ thì mới hành quân nơi xa trở về. Ai cũng bận cả. Xin bác cho chúng cháu vài ly nước trà hay cùng lắm nhắm với bác một ly đủ rồi.

"Một ly đủ rồi" nhưng một ly cứ rót hoài và những người lính trận cũng đã thấm môi. Bóng dáng cô thiếu nữ cứ ẩn hiện sau khung cửa và rồi những mâm tiệc thịnh soạn cũng được bưng ra. Ông lão chủ nhà câu chuyện nỏ như bắp rang và ông nói chuyện rất có hồn. Thằng Tươi là kẻ noiù chyuện như thế mà cứ há hốc mồm ra mà nghe ông lão kể chuyện.

- Bây giờ thấy các anh thân tình, tôi mới xin kể tiếp. Dân làng đã đến đây khuyên bảo anh con rể tôi rất nhiều và anh ta cũng nhận ra những sai trái của mình và đã hối lỗi. Hứa từ nay không còn hành hạ vợ con tàn ác như xưa nữa. Bây giờ tôi xin gọi cháu ra đây để nó xin lỗi các anh.

- Ấy cái ông này ỡm ờ thật. Ðược đàng chân lân đàng đầu, người ta là tướng tá cả đấy! Anh với cháu cái gì? Bà chủ nhà lên tiếng.

- Thí các ông ấy muốn xưng hô như vậy cho thân tình.

- Thưa bác gái, đúng vậy đấy! Chúng cháu đều nhỏ tuổi cả, chiến trận làm cho con người gìa nua vậy thôi. Tất cả chỉ đáng con cháu bác thôi. Xin các bác cứ gọi như thế cho thân tình.

Cô thiếu nữ lấp ló sau màn cửa, nở nụ cười tươi rói.

- Anh cả đâu lên đây tôi bảo!

- Dạ thưa bố ạ!

- Ðấy! Hôm qua anh hứa như thế nào thì hôm nay làm như thế đi!

Từ trong buồng, vợ chồng anh đánh nhau hôm qua bước ra, kéo theo cô thiếu nữ vô thẳng trong phòng khách. Cô ngồi tựa cửa, mặt tươi như hoa, khiến cho cả 4 chúng tôi đều sững sờ vì cái vẻ đẹp cao ngạo và cái dáng dấp thanh tao của cô.

- Dạ thưa bố mẹ, dạ thưa đại úy cùng qúy vị. Hôm qua, con lỡ xúc phạm đến đại úy, đại úy chẳng những không chấp, lại xin những người lính quân cảnh tha cho con. Nếu không thì con phải đi đến chỗ chết. Nay, sau những lời khuyên giải và nhiều suy nghĩ. Con đã thấy những sai trái của mình. Còn xin hứa từ nay, không còn hung hăng, đánh đập vợ như trước nữa. Con thề hứa..

- Thôi, không có gì là lỗi, phải cả. Biết ăn năn, thương vợ, thương con là đựoc rồi. Chúng tôi đây là thân lính tráng, nay sống mai chết nên chưa thằng nào có vợ. Thấy anh đánh vợ như thế, chúng tôi cảm thấy đau lòng lắm! Bây giờ anh thương vợ con anh là được rồi!

Mặt hai cô gái đỏ bừng, không hiểu vì họ mắc cở hay suy nghĩ điều gì? Họ không nhìn thẳng vào Ðạt, dấu nụ cười thầm kín bên trong màn cửa.

- Thế cả 4 anh chưa có vợ cả à! Qúy hóa thật!

Bà chủ nhà vừa nói vừa tiến lại mân mê cánh tay của Ðạt.

- Thôi bây giờ đã trễ rồi, Xin hai bác cho chúng cháu về. Chúng cháu xin cám ơn bữa tiệc thịnh soạn và thiện cảm mà hai bác và gia đình đã giành cho chúng cháu.

Ðạt vừa nói vừa đứng lên.

- Thôi không giữ được các anh thì chúng ta phải chào tạm biệt chứ sao bây giờ. Thỉnh thoảng các anh lại chơi với lão nhé! Chúng bay đâu? Tất cả ra đây chào khách đi.

Mọi người tiến ra phòng khách chào chúng tôi vui vẻ. Cô Duyên có lẽ cảm kích về ơn giải cứu và sự hào phóng của Ðạt nên ngừng lại với Ðạt.

- Em xin cám ơn đại úy, rồi gạt lệ chào sang tôi.

Tới phiên cô thiếu nữ. Tươi nhanh miệng hỏi.

- Thế em tên là gì?

- Dạ thưa cháu tên là Ngân ạ!

- Ơi giời ơi! Ðã bảo là anh em trong nhà mà lại xưng cháu, xưng con thì chán chết!

- Dạ con không dám!

- Thiếu tá mới có 29 tuổi thôi, đánh nhau hăng qúa mà lên lon vèo vèo đấy! Có già gì đâu! Ðạt lên tiếng.

- Thế em bao nhiêu tuổi rồi!

Ngân mắc cở không nói, bà cụ chen vào.

- 21 tuổi rồi đó, vậy mà vẫn nhõng nhẹo như đứa con nít.

- Thế Ngân có thích lính không? Tươi hỏi.

Ngân gục đầu, mỉm cười không nói.

- Anh Ðạt đóng quân ở gần đây này! Trảng Bom cách đây có vài cây số mà thôi! Thỉnh thoảng đến thăm anh Ðạt nhé!

Tươi vừa nói xong, chúng tôi tiến tới bắt tay ông bà chủ rồi xin phép lên xe ra về. Ðạt còn vọng thêm:

- Con đóng quân ở Trảng Bom gần đây thôi, hôm nào các bác và các em rảnh, con xin mời các bác và các em đến thăm nhé! Cứ hỏi Ðạt sư đoàn 18 là ai cũng biết. Nếu không thì con cho xe đến rước.

Xe nổ máy, đàn chó đã tua ra sân thi nhau sủa ăng ẳng. Cô gái tên Ngân lại cầm cán chổi đuổi chó nhưng cặp mắt cô dán vào chúng tôi không rời.

Vừa ra khỏi ngõ, Tươi đã lên tiếng:

- Thôi, mừng cho thằng Ðạt, sắp có cơm no, bò cưỡi rồi nhé!

- Con bé xinh và dẽ thương thật! Tôi nói.

- Mai này, mày đừng đối xử em bé Ngân như thằng Bình lục súc nhé! Mày làm thế ông bắn nát đầu chứ không chỉ đấm đá vài cú như mày làm hôm qua đâu. Tiến chen vào.

- Con bé dễ thương đấy chứ! Vài hôm nữa rảnh, tao tới thăm thử xem. Từ Trảng Bom tới đây có vài cây số. Xa gì? Ngặt điều là nhà ông bà này đạo đức qúa! Aûnh Chúa, Mẹ treo đầy nhà, không biết có chịu lính tráng như bọn mình không?

- Thì mày phải tóc tai, râu ria cho nhẫn nhụi, rồi mua thêm sợi dây chuyền với cây thánh gía đeo ở cổ.

Chẳng mấy chốc, xe đã về đến Trảng Bom. Những người lính sư đoàn 18 đang lố nhố chuyển đổi quân. Ðại đội của Ðạt nằm mãi trong góc một rừng cao su, trên lối vào Sông Buông.

Chúng tôi không thể nán lại với Ðạt vì ngay khi về tới, Ðạt đã có lệnh trình diện cấp trên.

Chưa qua khỏi Trảng Bom, chúng tôi đã nghe bom đạn rền vang không xa lắm. Chắc là đang có trận đụng độ đâu đây. Không hiểu rằng đơn vị của thằng Ðạt còn được nghỉ dưỡng quân, hay lại bị bốc đi ngay trong đêm nay.

Ðời trai thời chiến là thế! Sống nay chết mai, có thằng nào thiết, nghĩ đến chuyện vợ con.

Chúng tôi lại về ngang qua ngõ vô nhà em bé tên Ngân. Tôi tự hỏi rồi đây không biết thằng Ðạt có dịp trở về thăm cái con ngõ này hay không?

Bẵng đi một dạo, không còn tin tức gì thì Ðạt lại tới thăm tôi. Nó đến không phải một mình với vài chai rượu như thường tình mà có một bóng hồng bên cạnh. Thoạt nhìn, tôi thấy người con gái ấy có vẻ quen quen, hình như đã gặp đâu đó. Nhìn kỹ ra, mới biết cô gái tên Ngân. Cô con gái út cưng của chủ nhà máy cưa Thành Lập.

Cô ta không mấy tỏ vẻ xa lạ với tôi, trong lúc Ðạt thì ba hoa giới thiệu:

- Ðây là “cái ách giữa đường” như mày nói đây này.

Tôi rất vui mừng khi biết được rằng Ðạt đã có một cô bạn gái xinh xắn và duyên dáng lại là con gái cưng của một gia đình đạo giáo, nề nếp. Ðạt vẫn không bỏ được thói quen thường tình, nó chạy ngược lại xe, lôi ra hai chai Johny Walker nhét vào tay tôi rồi rủ tôi đi thăm thằng Tiến và Tươi. Nó huýt sáo liên hồi, có vẻ yêu đời lắm.

Ðúng là “cái ách giữa đường đã quàng vào cổ nó”ù.

Ðơn vị của Ðạt không bị bốc đi ngay như dự đoán vì việc phòng thủ khu vực Trảng Bom chưa có đơn vị thay thế. Ðạt còn ở lại đây thêm mấy ngày và nhờ đó, Ðạt đã có nhiều cơ hội đến thăm Ngân. Sau nhiều lần qua lại thăm viếng, hai người đã yêu nhau và cả hai đều mơ mộng nghĩ đấn cuộc sống hạnh phúc bên nhau trong ngày đất nước thanh bình.

Thanh bình đâu không thấy, bom đạn vẫn cứ nổ rền trời, quanh khu vực đóng quân của Ðạt, hằng đêm những tiếng đạn bác liên hồi vẫn cứ rền vang khắp núi đồi. Những toán quân vẫn cứ tất tả ngược xuôi, những đoàn xe di tản từ vùng cao nguyên đổ về, khiến đoạn đường từ Dốc Mơ về Trảng Bom chật cứng. Ðể đềà phòng sự xâm nhập và trà trộn của cộng quân vào đoàn người di tản. Ðơn vị của Ðạt vừa có nhiệm vụ canh phòng, vừa phối hợp với các đơn vị cảnh sát quân khu 3 khám xét từng đoàn xe qua lại. Ðể tạo sự bất ổn thường xuyên và làm mất tinh thần chiến sĩ canh phòng tại đây, thỉnh thoảng cộng quân rót về một vài trái pháo, bất kể là khu quân sự hay nhà cửa của dân chúng, chợ búa. Gây nhiều thiệt hại, chết chóc đau thương cho dân lành vô tội.

Ngân đã thực sự nóng lòng vì đã 1 tuần nay không thấy Ðạt tới thăm. Ông bà Thành Lập cũng cảm thấy bồn chồn bất ổn, đứng ngồi không yên. Tình hình chiến sự mấy ngày nay căng thẳng qúa! Tin cộng quân đã xâm nhập vào tiểu chủng viện và khu vực tòa giám mục Long khánh đã gây xôn xao dư luận. Từ rạng sáng ngày 20 tháng 4, Cộng quân đã gia tăng áp lực tại Xuân Lộc, 2 trung đoàn Cộng quân từ hướng Ðông Nam Xuân Lộc tiến đánh thẳng vào bộ Tư lệnh Sư đoàn 18 bộ binh và bộ chỉ huy Tiểu Khu Long Khánh. Cộng quân tập trung lực lượng tại đồn điền Xuân Lộc cách bộ Tư lệnh Hành quân Sư đoàn 18 khoảng 3 km.

Sau hàng ngàn qủa đạn tàn khốc của cả 3 pháo đội thuộc tiểu đoàn pháo binh lữ đoàn 1 dù nhắm vào hướng tập trung quân của địch. Ðại đội Ðạt đựơc bốc khẩn cấp tới đồn điền Xuân Lộc thanh sát. Xác chết cộng quân nằm la liệt và ít nhất 2 tiểu đoàn địch quân đã bị làm cỏ tại đây, những phần thân thể tung vãi tứ tung, những người thương binh mặt mày non choẹt, ngơ ngác sợ hãi. Gần 50 tù và thương binh được tập trung lại. Nhiều người lính còn nguyên cấp số đạn dược, chưa bắn một viên. Ðạt ra lệnh cho một tiểu đội ở lại bảo vệ và chăm sóc đám thương binh rồi trải dài đơn vị lục tìm những toán cộng quân còn đang ẩn nấp trong những bụi cây kháng cự.

Những người thương binh cộng sản trẻ măng, mặt mày ngơ ngác sợ hãi. Người nào người ấy xanh lợt như màu lá chuối. Phần thì sống chui rúc dưới hầm, phần vì thiếu ăn lại cứ phải lặn lội trong rừng sâu thiếu ánh sáng nên trông họ thật yếu ớt thảm thương. Ðám tù, thương binh này đã là một gánh nặng cho Ðạt. Giải giao thì không biết bao giờ mới có xe đến nhận và còn nhà tù nào nữa để có thể nhốt thêm tù binh. Ðem theo thì thật là khó khăn và nhiều bất trắc. Ðúng là bỏ thì thương, vương thì tội. Một ông thượng sĩ gìa, nhiều năm chiến đấu và kinh nghiệm chiến trận đầy mình đã đề nghị: "Thằng nào có cấp bực, thâm niên đảng tịch thì phơ, thằng nào non choẹt, miệng còn hôi sữa và cấp số đạn còn nguyên hoặc chưa bắn bao nhiêu thì đá cho nó vài cái rồi thả nó ra bìa rừng….".

Thật là khó nghĩ. Chiến trận đã vào giờ thứ 25, chỉ còn những con thiêu thân mới chúi đầu vô thức đấm đá. Nhiều cấp chỉ huy đã lợi dụng cuộc di tản để trốn chạy, bỏ quân, bỏ ngũ…..Ðạt kéo một hơi thuốc dài, một trái đạn nổ từ đâu rớt trúng nóc hầm cứu thương. Mảnh bay tung tóe, nhiều người thương binh cộng sản lại bị thương lần thứ hai. Những người thương binh này lại một lần nữa bị thương do chính bom đạn của chiến hữu, đồng đội của chúng rót tới. Ðám tàn quân cộng sản chui rúc đâu đó cứ nhắm mắt phóng bom tới cầm chừng để cho lực lượng của chúng rút lui và tái tổ chức quân số. Ðạt nhìn đám thương binh thương hại. Hắn nghĩ chúng không phải là kẻ thù vì chúng đang ngồi chung một chiến tuyến và cùng hứng chịu bom đạn của đối phương. Những người thương binh này, đang cần sự bao bọc chở che của Ðạt. Tiếng bom đạn lại lứơt qua trên bầu trời, báo hiệu những qủa đạn phóng sai đích ngắm. Ðạt nghĩ đây là những thằng xạ thủ gà mờ. Hắn chui vào hầm, lệnh người lính truyền tin đem máy tới, ống liên hợp phát ra những tiếng kêu lè rè.

- Ðăng Trình xin gặp Hàn Giang.

- Hàn Giang nghe rõ

- Xin báo cáo Hàn Giang. Vẩu vỗ tay mạnh qúa! Chuột đồng an toàn, chuột nhốt trong bẫy lại bị xập. Ðăng Trình xin lệnh.

- Lo cho chuột đồng. Chuột trong bẫy cho Ðăng Trình làm thịt.

- Ðăng Trình nghe rõ 5/5.

Sở dĩ Ðạt hành động như vậy để vừa đánh lạc hướng đối phương, vừa hợp thức hóa việc thả những người tù binh mà hắn đã có ý định tha. Ðạt nghĩ rằng vào giờ chót của cuộc chiến, hắn không thể để cho người khác phải chết một cách oan uổng. Mấy ngày nay, hắn đã lệnh cho ông thượng sĩ thường vụ phải cho tù binh ăn uống như binh lính. Nhiều khi chính Ðạt còn tới thăm an ủi và kiểm soát những bữa ăn của tù binh. Nhìn vào những con mắt thơ ngây, non dại của họ, Ðạt nhớ đến thằng Minh em hắn. Ðến tuổi động viên vào Thủ Ðức, ra trường được đúng 8 ngày đã tử thương. Nước mắt hắn chảy dài. Những tiếng đạn vút qua đỉnh đầu reo réo. Ðúng như hắn nghĩ, địch quân đã mắc lừa, chúng vẫn chỉnh tọa độ theo những vị trí hồi sáng. Ðiều này cho biết chúng đã nghe rõ điện đàm giữa hắn với Hàn Giang (tên mã hoá của tiểu đoàn trưởng của hắn). Loạt đạn vừa im tiếng. Ðạt đã ra lệnh cho người thượng sĩ tách nhóm tù binh làm 2. Toàn thứ nhất gồm những tên gìa giặn, toán thứ hai những tên lính trẻ hoặc chưa vẻ có kinh nghiệm chiến trường. Toán thứ nhất trao cho ban an ninh để giải giao về tiểu đoàn, toán thứ hai do chính Ðạt coi sóc.

Áp lực địch đã giảm mạnh và chỉ còn những trái pháo cầm chừng. Ðạt tập trung tất cả những người tù binh trẻ, ra lệnh:

- Bây giờ cuộc chiến đã sắp chấm dứt và nhận thấy các anh chẳng qua chỉ là những con thiêu thân mà đảng và cấp chỉ huy của các anh đưa vào chiến trường như những con tốt thí. Nhân danh một người lính có lương tâm, tôi không thể tiếp tục giữ các anh làm tù binh trong cái giờ thứ 25 này. Chúng tôi sẽ băng bó cho các anh hẳn hoi, đồng thời còn một số tiền lương chưa kịp tiêu hết, tôi sẽ phân phát cho các anh làm lộ phí. Các anh sẽ phân tán mỏng, chen lẫn vào đám đông dân chúng rồi tìm cách trở về với gia đình. Tuyệt đối không được phản bội. Nghĩa là không được, thâu nhặt vũ khí chống lại binh lính và dân lành vô tội.

Nói xong, Ðạt đưa những bao thuốc quân tiếp vụ cuối cùng, chia phát phát cho tù binh.

Những người tù binh nhìn nhau ngơ ngác. Họ không tin vào những lời nói họ vừa nghe. Những ngày đầu mới bị bắt, họ run sợ phát khiếp vì những lệnh truyền của cấp chỉ huy còn phảng phất: "Chống lại mọi cách không để lính ngụy bắt. Khi chúng bắt được tù binh thì chúng sẽ moi gan, móc ruột, uống máu ăn tim….". Họ từng bàn bạc với nhau tìm cách chống đối và vượt thoát nhưng quân lính canh phòng nghiêm ngặt qúa. Rồi mấy ngày nay, không hề có "uống máu, ăn tim" nên họ cũng đỡ lo. Ngoài ra, ánh mắt của vị chỉ huy ngụy sao mà hiền lành qúa, không bốc lửa và rực máu căm thù như cấp chỉ huy của họ, nên họ phần nào yên tâm. Bây giờ nghe lệnh Ðạt, họ không dám tin vào cái lỗ tai của mình nhưng cũng không nghi ngờ vào cái thiện chí của ông sĩ quan ngụy.

Cuộc chiến chỉ lắng dịu được vài tiếng đồng hồ thì tàn binh cộng quân đã tập trung và tổ chức một cuộc tiến công mới. Ðại đội Ðạt đã phải trực diện với một lực lượng địch quân đông gấp 5 lần. May nhờ chiến địa quen thuộc nên đơn vị của Ðạt nắm ưu thế hơn. Rạng sáng hôm sau, địch quân đã tăng cường thêm 2 tiểu đoàn và đã tràn ngập những yếu điểm của đồn điền cao su. Sau mấy ngày chiến đấu ác liệt, đơn vị của Ðạt đã bị thiệt hại khá nặng nề, hơn 1/3 quân số đã bị loại khỏi vòng chiến và Ðạt cũng đã bị thương nhẹ bên cánh tay trái do mảnh bom trúng phải. Tuy đau đớn nhưng Ðạt vẫn dũng mãnh chỉ huy quân sĩ phòng thủ, ngăn chặn địch quân tràn qua nút chận. Trứơc áp lực và hỏa lực mạnh mẽ của cộng quân, bộ chỉ huy tiền phương quân đoàn đã tăng phái thêm một tiểu đoàn của lữ đoàn 1 dù để yểm trợ cho đơn vị Ðạt. Cộng quân đã bị đánh bật ra khỏi khu vực đồn điền nhưng chúng đã điên khùng oanh kích hằng ngàn qủa pháo vào các đơn vị cộng hòa.

Ðơn vị của Tươi thì được tăng phái giải tỏa áp lực cho tiểu khu Long Khánh nên không thể trực tiếp, tiếp cứu cho Ðạt được nhưng Tươi vẫn liên lạc thừơng xuyêu với tiểu đoàn bạn để tìm biết tình hình của đơn vị Ðạt. Khi hay tin Ðạt bị thương, hắn cuồng lên như con hổ dữ và cảm thấy như chính thân, mình hắn bị thương vậy. Hắn hét lớn trong ống liên hợp và luôn miệng chửi thề.

Ðơn vị của Tươi nghỉ dưỡng quân chưa được mấy ngày tại vườn Tao Ðàøn thì lại được bốc lên giải vây Long Khánh. Hắn biết rằng trung đoàn 48 và 52 của sư đoàn 18 sẽ cùng với lữ đoàn dù cùa hắn có nhiệm vụ bảo vệ vòng đai phòng thủ cho Sài Gòn và giảm thiểu áp lực của địch quân nhưng lữ đoàn của hắn cơ động và được bốc đi bất cứ đâu và bất cứ lúc nào, theo nhu cầu của chiến trường. Trong suốt 9 năm quân ngũ, đây là lần đầu tiên hắn được đưa về chiến đấu cạnh một đơn vị của một thằng bạn thân thiết nhất. Hắn thầm mong ước, đơn vị của hắn sẽ bắt tay đơn vị của Ðạt để cùng Ðạt ăn mừng chiến thắng.

Ngân đã lên Trảng Bom để tìm thăm Ðạt nhưng đơn vị của hắn đã được bốc đi. Thay vào đó là một đơn vị thiết giáp và một đại đội địa phương quân. Không một ai có thể cho Ngân biết chi tiết gì hơn ngoài tin đơn vị Ðạt đã được bốc đi hồi rạng sáng. Cuộc giàn quân và tái phối trí đã được tổ chức trong bí mật tuyệt đối. Ngân thất vọng ra về , trong lòng đầy âu lo, sợ hãi cho một việc chẳng lành. Trên đường, những chiếc xe quân y hụ còi inh ỏi, những chiếc xe hộ tống với những nòng súng đen ngòm tủa ra hai bên đường như lúc nào cũng sẵn sàng nhả đạn. Những đoàn xe đò đổ dốc, hàng hóa, hành khách ngập đầy, cả những người ngồi chật trên mui, đưa thòng những cẳng chân, đong đưa cùng nỗi chết. Những chiếc xe gắn máy, chở 3, chở 5 đua nhau chạy về hướng thành phố. Thật là một cảnh tượng bát nháo khó tưởng.

Ðầu óc Ngân miên man suy nghĩ về những hình ảnh tươi đẹp với Ðạt trong những ngày qua. Sau cái ngày chị của Ngân bị chồng và mẹ chồng đánh đập. Ðạt đã kịp thời can thiệp và từ đó trở thành thân quen và đi lại thân tình. Mới chỉ cách đây vài ngày, lần cuối cùng Ðạt tới thăm Ngân trước ngày chuyển quân. Một buổi tối, trời đen như mục, trong cơn mưa nặng hạt. Tiếng sấm sét inh trời, chen lẫn với những tiếng bom, đạn từ xa vọng về. Ngân đã nằm gọn trong vòng tay của Ðạt. Lòng Ngân rộn rực yêu thương và cảm thấy hạnh phúc, sung sướng khôn tả.

- Ngày mai chắc anh phải ra đi.

Ngân làm như không nghe thấy, nàng rúc đầu vào ngực Ðạt. Nghe rõ những tiếng đập thình thịch của con tim bốc cháy. Ðạt đật nhẹ nụ hôn lên làn tóc Ngân, mùi hương thơm thoảng thốt trên da thịt của người con gái chưa một lần tiếp xúc với người khác tính. Ðạt cảm thấy hơi nóng từ người Ngân bốc ra, khiến chàng ngây ngất. ú ớ không rõ lời:

- Chắc ngày mai anh phải ra đi.

Giọng nói ú ớ của Ðạt chìm lắng trong tiếng mưa rơi nặng hạt. Sấm sét, bom đạn kêu la inh trời. Mùi thơm da thịt ngào ngạt của Ngân khiến Ðạt ngất ngây như mất tự chủ. Rồi nụ hôn cuồng rà xúông thấp hơn, nhắm má, môi Ngân mà dán. Hai thân thể cuồng nhiệt ấp kín lấy nhau. Những giọt lệ đã ướt ẫm đôi mi Ngân vì sung sướng, hạnh phúc.

Tiếng bom đạn, mỗi lúc một cuồng nhiệt, đánh thức Ðạt trổ về với những suy nghĩ mông lung.

- Ngày mai anh phải ra đi.

Ngân bật lên tiếng khóc nức nở. Trong những vũng sâu, bầy cóc, nhái phụ lời, kêu lên trầm thống như phụ họa cho một tâm trạng thổn thức, não lòng. Tiếng kêu ai óan của con cú đâu đó như báo trước cho một sự chia ly.

Ống liên hợp của chiếc máy truyền tin đặt trong xe kêu lên rè rè. Người tài xế ngồi ngủ vật vờ, vội nhắc ống máy liên lạc. Anh ta rón rén bước về phía Ðạt, như không muốân phá đám, làm bận, phiền đến một việc linh thiêng. Anh ta nói gì với Ðạt không rõ. Chỉ thấy Ðạt gỡ nhẹ Ngân ra rồi cầm ống liên hợp liên lạc. Ðạt phải ra đi thật.

Ngân ôm choàng lấy Ðạt, kêu khóc thảm thiết. Những tiếng côn trùng trong đêm mưa phụ họa não lòng. Ðạt cảm thấy chùn lòng khi phải buông lỏng người yêu. Những con chó bị động, trong bóng đêm, sủa lên ăng ẳng. Tiếng xe nổ máy, một vệt sáng chạy dài, theo sau là cả một đàn chó sủa theo. Xe đã lìa xa,Ngân vẫn đứng lặng ôm cột, thổn thức như người hóa đá. Ngân bàng hoàng như trong một cơn mộng chẳng lành. Ngoài trời tiếng bom đạn vẫn réo nổ inh trời. Những đoàn xe, vẫn tất tả ngược xuôi, hàng hóa chất cao ngút trời. Con chó con chạy lại liếm chân chủ, bất thần nhận cú đá vô bụng, kêu la oăng oẳng.

Mấy ngày nay, thấy con gái đau buồn ủ rũ, Ông bà Thành Lập cũng lo lắng không yên, ông bà tất tả ngược xuôi để dò thăm tin Ðạt. Từ ngày quen biết Ðạt và biết được rằng con gái của mình đã yêu thương Ðạt thì tuy chưa tiện nói ra, ông bà đã có nhiều cảm tình và thầm coi Ðạt như con và trong lòng thật là qúy mến. Nay thấy Ðạt lâm trận và trong một trận chiến cực kỳ thảm khốc, khiến ông bà thật sự lo âu.

Ở cái vùng này, đã biết bao nhiêu gia đình khá gỉa, ngỏ lời ướm, hỏi con gái ông bà nhưng nó có chịu đám nào đâu. Lúc đầu thì ông bà cũng bực tức lắm nhưng sau nghĩ lại dù sao con gái mình cũng có chút ít ăn học và đã trưởng thành, không thể gả ép được nên ông bà đành nuốt giận làm vui. Bây giờ Ðạt tới, ông bà cảm thấy Ðạt thật là xứng đáng. Vừa đẹp mã, vừa ăn nói lịch thiệp lễ phép. Mỗi điều là trai thời chiến, sống nay chết mai, số phận thật khó lường.

Long khánh đã trở thành một tiền đồn bao bọc cho Sài Gòn nên áp lực của địch quân trải dài mọi nơi. Cộng quân đã tung vào mặt trận Long Khánh 3 sư đoàn gồm sư đoàn 341 chính quy, sư đoàn 7 tổng trừ bị của khu Miền Ðông và sư đoàn 3 tân lập. 3 sư đoàn nói trên có nhiệm vụ phải "giải quyết chiến trường" thật nhanh để mở đường tấn công vào Sài Gòn. Mục tiêu đầu tiên là khu vực ngã ba Dầu Giây, giao điểm giữa Quốc lộ 1 và Quốc lộ 20. Ðể ngăn chận của tấn công của CSBV, bộ Tư lệnh Sư đoàn 18 BB đã cho tăng cường lực lượng phòng thủ tại ngã ba Dầu Giây, đồng thời Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 đã cho gia tăng số phi vụ tuần thám, các đợt nhảy thám sát, viễn thám để theo sát các diễn biến và lộ trình chuyển quân của Cộng quân.

Sư đoàn 341 và 3 CSBV đặt ra chướng ngại vật tại ngã ba Dầu Giây, giao điểm của Quốc lộ 1 và Quốc lộ 20, cắt đường giao thông giữa Xuân Lộc và Sài Gòn và pháo kích như mưa vào căn cứ Không quân Biên Hòa, bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 và căn cứ Tiếp vận Long Bình. Sau đó hai sư đoàn này được tăng cường bởi sư đoàn CT-7, khởi động cuộc tấn công vào Xuân Lộc. Sau khi cắt Dầu Giây xong, CQ tiếp tục tấn công Trung đoàn 52/Sư đoàn 18 BB, đang án ngữ vòng đai hướng Tây Bắc của thị trấn. Cùng thời gian khởi động cuộc tấn công vào phòng tuyến của trung đoàn 52 BB, thì Cộng quân lại khai triển lực lượng cố ngăn chận 1 thiết đoàn của lực lượng đặc nhiệm Quân đoàn 3 trên đường tiếp ứng tăng cường cho mặt trận Xuân Lộc.

Sau nhiều đợt tấn công bất thành vào mạn Nam và Bắc vòng đai phòng thủ, cuối cùng CQ tung ra đợt tấn công mới nhắm vào Trung đoàn 48 BB đang trấn đóng ở phía Tây. Ðược xe tăng yểm trợ, CQ phá hàng rào phòng thủ. Liên lạc giữa Bộ Tư lệnh Sư đoàn 18 và Bộ chỉ huy Trung đoàn 48 bị gián đoạn, chúng dùng tới cả một sư đoàn để tăng cường áp lực, cố giải phóng cho bằng được những chốt điểm của các đơn vị cộng hòa ở Dầu Giây, mở đường cho việc tiến chiếm Sài Gòn.

Sau khi đã đẩy lui được những đợt tấn công điên cuồng của địch quân tại chốt điểm đồn điền cao su Xuân Lộc. Ðại đội của Ðạt lại được bốc ngược lên Dầu Giây để trợ lực cho một tiểu đoàn của lữ đoàn 1 dù đang lâm chiến tại đây. Toàn thể khu vực Dầu Giây chìm đắm trong lử khói, hằng ngàn chiếc xe vẫn còn đang bốc cháy, những chiếc quân xa, chen lẫn những chiếc xe dân sự. Một vài chiếc xe tăng liên xô bị bắn bay tháp pháo, trơ xác cháy đen. Hàng hoá, lợn, gà ngổn ngang. Dân chúng lũ lượt tắt bộ qua rừng, tuôn đổ về vùng Hố Nai. Ðơn vị Ðạt được tăng phái làm nhiệm vụ yểm trợ trong khi tiểu đoàn dù trực tiếp nghinh chiến với địch.

Khắp khu rừng, mùi thuốc súng, mùi thịt cháy khét lẹt. Bom đạn rơi nổ không thôi, trên bầu trời những chiếc phóng pháo của không quân chu réo inh trời. Những qủa bom được thả gần vị trí, cả một khu rừng rung chuyển, cây rừng gãy đổ răng rắc. Ngoài bìa rừng, trung đội tiền phương của Ðạt đã chạm địch. Ðịch hét vang trời, những qủa pháo của tiểu đoàn pháo binh dù pháo tới chính xác. Ðịch như những con hổ dữ cứ lao, phóng tới. Lớp này rồi lớp khác. Tiếng động cơ xe tăng đang nghiến xích săùt đâu đây. Aâm thanh rừng rú nghe rõ như rất gần. Trong máy truyền tin, đặc lệnh địch, ta pha trộn rồi chửi qua chửi lại, lẫn giọng bắc nam. Thật lộn xộn, khó phân biệt thực hư.

Ðơn vị Ðạt đã lâm vào cảnh cận chiến với cả một tiểu đoàn của sư đoàn 341. Ðịch đông như kiến, nhưng quân lính yếu ớt và mệt lả sau bao ngày rừng đói khát. Nhiều tên không chịu nổi một báng súng. Sau cả một buổi chiều cận chiến, vì quân số thua kém và thiếu yểm trợ của pháo binh vì ta địch nhập một, không phân địch vị trí. Ðơn vị Ðạt đã bị đánh rạt ra ngoài quốc lộ và mấy chụy tay súng bị loại khỏi vòng chiến. Ðại được lệnh phân bổ vị trí chiến đấu mới, cắm chốt dọc theo quốc lộ, bảo vệ an ninh cho hậu cần tiếp tế. Tiếng bom vẫn reo nổ không thôi. Mặc dù bị thiệt hại rất nặng nề, nhiều xe tăng bị quân lính của lữ đoàn dù và không quân bắn cháy nhưng 2 sư đoàn địch quân vẫn cứ điên rồ lao tới. Tiếng hô xung phong không thôi, những màn cận chiến trải dài khắp chiến trường khiến cho pháo binh và không quân bó tay. Nhiều đơn vị bị quân địch đông gấp nhiều lần tràn ngập, chỉ huy đã anh dũng, liều mạng xin pháo nổ phủ đầu. Những toánh hàng binh đưa tay ôm đầu ra hàng ngoài quốc lộ…

Giữa lúc cuộc chiến đang lên đến một cường độ mãnh liệt thì tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, kéo theo một số tuớng lãnh thân thiết bỏ ngũ, khiến cho tinh thần chiến đấu của binh sĩ lung lay. Việc yểm trợ không quân cũng yếu dần và việc điều động quân trừ bị không còn hữu hiệu như trước. Hậu trừơng chính trị lung lay, bất ổn. Tướng Minh và nhóm thày chùa Aán Quang đòi nhẩy vô chiến trường. Tạo một thế chính trị hỗn loạn, mất chỉ huy ngay tại đầu não chỉ huy thượng từng quốc gia..

Rồi mặt trận Xuân Lộc lại bị triệt thoái. Các đơn vị dù và sư đoàn 18 được lệnh rút về vùng Nhơn Trạch, Thành Tuy Hạ, Cát Lái. Dơn vị của Ðạt được lệnh trấn giữ vòng đai căn cứ hải quân, nơi đặt bản doanh tư lệnh sư đoàn. Lợi dụng tình hình chính trị của VNCH có sự bất ổn, cộng quân đã dồn toàn lực lượng tấn công vào Biên Hòa từ hướng Nam và Ðông Nam. Ngày 26 tháng 4, CQ tấn công vào Trường Thiết Giáp tại Long Thành, chiếm quận lỵ Chơn Thành và cắt đứt Quốc lộ 15 nối Vũng Tàu với Sài Gòn. Ðặc công CQ chiếm cầu xe lửa nằm về hướng Tây Nam Biên Hòa trong khi đại bác CQ pháo xối xả vào căn cứ Không quân. Cộng quân tràn xuống gần kho đạn ở Thành Tuy Hạ, định phá kho đạn này và trực tiếp đe dọa Sài Gòn từ hướng Ðông Nam.

Các tướng lãnh thay phiên nhau bỏ ngũ. Hiệu triệu của tướng này vừa ban ra thì đã có tướng khác thay thế. Ðài phát thanh phát đi những tin tức trái ngược nhau. Ðại sứ Pháp và Phật giáo Aán Quang đang áp lựng cụ Hương nhường chưc cho tướng Minh. Tướng Minh thì tin tưởng hoàn toàn vào thành phần thứ 3, mặt trận giải phóng miền nam và các thày Aán Quang nên nằng nặc lên tiếng đòi cụ Hương nhường chức để ông ta có thể thương thuyết với cộng sản bắc việt. Thật là ngu ngơ và khù khờ.

Hàng rào phòng thủ cho thủ đô ở mạn đông bắc ngày một thu hẹp do đó đơn vị Tươi tiếp cận với đơn vị Ðạt hơn và cả hai đã có tần số liên lạc với nhau.. Tướng Toàn cũng đã đào thoát cùng nhiều tướng lãnh, chỉ huy khác, nhiều người lính cũng đã bỏ hàng. Tươi quay máy nói với Ðạt. Bây giờ thì hắn chẳng cần mã hóa gì nữa.

- A lô! Tươi gọi Ðạt. Nghe rõ trả lời?

- Nghe 5/5.

- Ð.m. chúng bắn rát qúa! Chi khu Long Thành tiêu rồi và huyện lỵ Nhơn Trạch cũng đang bắt đầu chạm súng mạnh. Chúng mày có sao không?

- Chưa sao nhưng con cái mất tinh thần lắm!

- Ð.m. không mất sao được! Ðánh đấm cái đ. gì được. Mạnh thằng nào thằng ấy chạy. Ở Sàigòn thì chúng cãi nhau như mổ bò. Lại mấy thằng hổ mang, phường tuồng nhảy ra phá thối. Ông đ. quên được vụ "bàn thờ xuống đường", mấy thằng con ông bị chết oan.

- Tình thế này mình còn đánh đấm làm đ. gì? Tụi nó chạy thì mình cũng chạy.

- Tao đ. chạy.

Giữa lúc ấy thì đạn pháo nổ liên hồi xuống đơn vị của Tươi. Cùng lúc đài phát thanh loan tin "Ngày 27 tháng 4, đại hội đồng lưỡng viện Quốc hội bỏ phiếu chấp thuận trao quyền Tổng thống VNCH cho Tướng Dương Văn Minh".

"Ð.m. thế là hết!" Tươi lẩm bẩm như vậy, hắn nhoài người phóng qua bờ bên kia, cướp khẩu đại liên mà người xạ thủ vừa trúng đạn. Hắn cứ điên rồ nhắm hướng trước mà bắn, Ðịch quân đông như kiến và dù chúng chết như ngả rạ nhưng cứ hết đợt này ngã thì đợt khác tiến lên. Chiếc radio cứ lanh lảnh thông báo những tin không lành. Hắn tức mình, rút cold bắn nát chiếc máy. Từ xa, tiếng rú kinh hồn của động cơ xe tăng vọng tới. Hắn cầm ống liên hợp liên lạc.

- Trình phượng hoàng! Thiết Nham gọi Phương Hoàng.

 - Ðầu máy bên kia không có tiếng trả lời, chỉ những tiếng lè xè do ống liên hợp phóng ra.

 - Ð.m. thế là hết! - Hắn lẩm bẩm rồi cầm ống liên hợp vứt mạnh xuống đất.

Hắn thèm một ly cà phê. Mà giờ này thì kiếm đâu ra có, một ly nước sạch còn không có, nước sông, nước rạch là chính. Ðã 2 ngày nay, không còn tiếp tế, ngay yểm trợ hỏa lực cũng không. Chỉ huy chạy mẹ đâu mất. Lúc có, lúc không. Tình hình rối mù, đánh nhau như không định hứơng.

Ðơn vị của Tươi và Ðạt đã bị đánh bật ra khỏi Thành Tuy Hạ, quân số còn lại không bao. Ða số đã vượt qua sông bỏ ngũ. Nhiều con tàu đã lần lượt ra đi. Ðường đi từ Cát Lái tới cầu xa lộ vẫn an toàn. Binh sĩ và dân chúng chen nhau trốn chạy. Bên kia sông Cát Lái, lửa cao ngất trời cùng những tiếng nổ inh tai nhức óc. Hai thằng bạn thân thu phục những toán quân còn lại rút về tử thủ xa cảng. Máy móc liên lạc đã bất khiển dụng. Ðạt và Tươi không thể liên lạc với nhau. Dưới giòng sông, những chiếc tàu hải quân cũng đã lần lượt nhổ neo, dân chúng tất tưới, ráo rác qua lại giữa hai bến đò. Những chiếc trực thăng thay nhau chạy thoát ra những chiếc tàu hàng không của Mỹ đậu ở ngoài khơi. Dân chúng mở to đài, lo lắng đợi chờ những tin tức mới.

Vũ Văn Mẫu ra lệnh cho tất cả người Mỹ phải rời Việt Nam, chấm dứt một giai đoạn đồng minh thân thiện. Tiếng xe tăng tiến gần về thành phố, đơn vị Ðạt vẫn chạm súng lẻ tẻ với những đơn vị đặc công và du kích nằm vùng. Bây giờ thì hắn không muốn đấm đã nữa. Trạng thái hắn bấn loại giữa cảnh kẻ đi người ở. Những chiếc trực thăng tất tả ngược xuôi trên bầu trời Sài Gòn làm hắn hoang mang đến tột độ. Rồi từ một qúan bên đường, đài phát thanh phát lệnh đầu hàng của Dương Văn Minh. Hắn cảm thấy người hắn như tê dại. Ðơn vị của hắn mặc dầu đã rách nát thảm thương nhưng đã chiến đấu anh hùng và cũng đã tiêu diệt được nhiều đơn vị địch quân đông hơn đơn vị hắn gấp nhiều lần.

Bây giờ hắn phải buông xúông quy hàng. Viên thượng sĩ gìa vừa nghe lệnh xong, chạy tới ôm hắn khóc nức nở. Còn gì đâu những chiến công hiển hách oai hùng. Bình Sa, Phú Giáo. Người thượng sĩ cả một đời chiến trận, từ binh nhì lên thượng sĩ. Ông khóc nức nở như một đứa trẻ gặp điều oan ức. Ông cầm khẩu Ak tịch thu của địch, phơ một tràng vu vơ lên trời như muốn xua đuổi tà ma, hắc ám…..

 Những người binh sĩ hoang mang vây quanh Ðạt. Cùng nhau nức nở đau thương. Ðạt lấy tay gạt lệ, dấu đi cái vẻ yếu lòng của người chỉ huy trước binh sĩ.

 - Bây giờ, tôi đã hết nhiệm vụ chỉ huy. Anh em có toàn quyền định đoạt về phần mình. Hãy tìm cho mình con đường an toàn nhất mà đi. Cố bảo toàn sinh mệnh cho mình và gia đình trong cái giờ phút cuối cùng của cuộc chiến này. Ðừng để những điều oan uổng xảy đến.

 Những người binh sĩ ôm lấy Ðạt khóc nức nở như sắp phải lìa xa một người mà họ yêu thương. Những đoàn quân xa đã tiến vào thành phố, những chiếc xe lam, xe kéo trưng cờ đỏ sao vàng với tiếng loa kêu réo inh trời chạy giữa những đoàn người hoang mang, sợ hãi.

 Ðạt rời xa cảng như con người vô định, hoang mang không biết về đâu. Bụng hắn cồn cào và các túi hắn trống rỗng vì những ngàn bạc và những bao thuốc cuối cùng đã trao hết cho tù binh. Miệng hắn đắng ngắt, thèm một điếu thuốc. Hắn trở về chiếc xe jeep, lấy vội cái ba lô, vào quán cà phê bên đường thay bộ quần áo dân sự. Râu ria của hắn tua tủa, lâu ngày chưa cạo. Hắn cẩn thẩn gỡ bỏ cặp lon, nhét vào trong mũ trận, rồi cùng với khẩu súng cold, hắn trịnh trọng đặt xuống dòng sông. Hắn đứng lặng yên, ngơ ngác đứng nhìn. Xa xa, những chiếc tàu nối đuôi nhau di tản. Những tiếng súng tay bắn ra lẻ tẻ.

 Hắn rảo bước bên đường, đầu óc miên man suy nghĩ về Tươi và Ngân. Những chiếc xe bấm còi inh ỏi, những người lính mặt mày non chợt, chỉa nòng súng đen ngòm như sẵn sàng nhả đạn. Hắn liên tưởng tới những người tù binh non choẹt và nhút nhát trong đồn điền Xuân Lộc.

 Dưới dòng sông, những chiếc giang đỉnh vẫn cứ tất tả ngược xuôi. Những đơn vị chen chân xuống thuyền di chuyển, nhưng họ đi đâu bây giờ? - Họ xuống vùng 4 ư? Ðạt nghĩ như thế rồi lại cứ lầm lũi bước đi. Những con tàu phun khói đen ngụt trời, nặng nề ra đi, chở người chật kín trên bong tàu.

 Bố già thường vụ đại đội cùng một vài người lính vẫn đi theo Ðạt, những người lính khác thì chào từ gỉa, vứt súng, xuống thuyền qua sông. Ðây là những cái chào nghiêm trang quân cách cuối cùng mà những người lính cùng đơn vị trao cho Ðạt. Ðạt đứng nghiêm chào lại. Thầm chúc bình an cho nhau rồi đường ai nấy đi.

 Ðài Sài Gòn đã thay đổi xứơng ngôn, những giọng nói khác lạ chua chát gây vang tai, nhức óc. Ðạt vẫn cứ lầm lủi bước đi, những bước đi chuyệnh choạng của người như mất định hướng.

 - Hay là ta xuống thuyền? - Người thượng sĩ gìa đề nghị.

 - Ðể đi đâu, khi đã có lệnh đầu hàng!

 - Vùng 4 còn nguyên vẹn. Nhiều đơn vị đã di chuyển xuống dưới đó và biết đâu lữ đoàn dù cũng đã ra đi.

 - Cũng chỉ là công dã tràng. Chúng ta như rắn mất đầu, đánh nhau không còn mục tiêu định hướng. Tướng lãnh mạnh ai lấy đi, mỗi ngày thay đổi tư lệnh mấy lần. Hơn nữa đã có lệnh đầu hàng từ vị nguyên thủ quốc gia, từ tổng tư lệnh quân đội thì chúng ta đánh đấm với ai. Thôi thượng sĩ hãy về đi, về với gia đình. Biết đâu gia đình thượng sĩ lại không nóng lòng trông mong; nhất là vào cái giờ chiến cuộc đã vừa tàn.

 - Thế đại úy đi đâu bây giờ? Hay là đại úy tạm về nhà tôi, sau đó liệu sau.

 - Hay là đại úy về nhà em ở Thủ Ðức, đường đến đó vừa gần lại vừa an toàn. - Người lính truyền tin chen vào.

 Về đâu bây giờ? Ðạt cũng đang nặng đầu suy nghĩ. Dưới dòng sông, cảnh tượng mỗi lúc một bát nháo hơn, đã có những tràng súng xua đuổi vì dân chúng tranh nhau xuống thuyền! Dân quân ô hợp, mạnh ai lấy lấn. Bên kia bến Bạch Ðằng, những chiếc cờ của mặt trận giải phóng miền nam đã tung bay, chen lấn với những lá cờ quốc gia chưa kịp kéo xuống.

 Ðạt ngậm ngùi, cảm thấy môi miệng nhạt nhẽo và đang thèm muốn một điếu thuốc.

Hoàng Ngọc Lễ

Bài viết khác

Các từ viết tắt Kitô giáo

Các từ viết tắt Kitô giáo

23/11/2024

Trong nghệ thuật cũng như trong các văn bản Kitô giáo, thường xuyên xuất hiện những từ viết tắt bí ẩn. Việc biết ý nghĩa của chúng cho phép chúng ta đi sâu hơn vào sự phong phú của đức tin. Đây là một hướng dẫn ngắn để hiểu những từ viết tắt thường...

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art