Chủ Nhật, 24 Tháng Mười Một, 2019

Thầy tôi

Thầy tôi

 

 (Hình minh họa: Getty Images)

LGT: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Âu đó cũng là cơ hội để giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm. Mục “Viết Cho Nhau” do phóng viên Ngọc Lan phụ trách. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: ngoclan@nguoi-viet.com

Diệp Bảo Khương

Xin kính tặng thầy tôi, Liên Khôi Thực, nhân ngày lễ của các nhà giáo, 20 Tháng Mười Một

Muốn viết về thầy từ rất lâu rồi, nhưng chả hiểu sao tôi cứ chần chừ hoài, thành thử những kỷ niệm có được với thầy tôi vẫn còn giữ nguyên. Mãi đến hôm hay tin gia đình thầy đang du lịch ở Mỹ, tôi mới liên lạc được với thầy, và như có một điều gì thôi thúc tôi phải viết ra. Nhiều lúc bận rộn công việc ở hãng xưởng, tôi cứ muốn bỏ ngang để chạy về viết cho xong những gì đang miên man trong đầu.

Nếu tôi nhớ không lầm là thầy đổi về trường phổ thông cơ sở Ninh Hà vào khoảng năm 1977- 1978 gì đó. Và tôi bắt đầu theo học thầy từ năm lớp bảy. Thầy chuyên dạy văn chương thi phú, nhất là khi thầy bình giảng Truyện Kiều thì tụi tôi cứ gọi là ngóc cổ ngồi nghe chết mê chết mệt.

Với gương mặt xương xương luôn ẩn ngầm nụ cười hóm hỉnh, thầy có lối giảng bài rất độc đáo và hấp dẫn, khiến những giờ chúng tôi ngồi học với thầy trôi qua nhanh lắm. Tôi vẫn còn nhớ lúc phân tích về vẻ đẹp của Thúy Kiều, Thúy Vân, thầy cho rằng chắc họ không phải là chị em ruột, vì ruột rà gì mà người thì vóc hạc xương mai, người thì có gương mặt tròn vành vạnh, lại thêm cặp chân mày to tổ nái. Với thầy, dung nhan như vậy không thể nào đẹp được, họa chăng chỉ là dễ thương dễ nhìn mà thôi.

Thầy hay đưa ra những đề văn khá hiểm hóc, và để làm được bài tôi cũng thường mướt mồ hôi.

Nhớ có lần thầy bảo giải thích và chứng minh câu nói của Lenin: “Không có sách thì không có trí thức, không có trí thức thì không có con người xã hội chủ nghĩa.” Tôi viện lý do chưa hiểu bài, xin được xuống nhà thầy sau giờ học nhờ giảng thêm. Khi chỉ có hai thầy trò, thầy mới nói nhỏ:

-Em nên tập trung vào vế đầu thôi, quan trọng là ở chỗ đó. Nhưng muốn bài làm có được điểm cao, em phải ráng dẫn chứng về các vị tổ sư bồ đề đó vô cho nhiều nhiều chút. Thầy nói ít em nên hiểu nhiều.

Thầy còn dạy tôi cách viết, cách miêu tả sao cho thật mượt mà súc tích. Muốn được như vậy, tôi phải biết quan sát sự việc chung quanh bằng cảm xúc, và cần vận dụng thêm trí tưởng tượng. Để thực tập, thầy ra ví dụ: “Khi đi qua cánh đồng lúa chín, em cảm nhận được điều gì?”

Tôi viết tràng giang đại hải rằng thì là mà tôi thấy được những giọt mồ hôi của người nông dân đã đổ xuống đồng ruộng, giờ được bát cơm đầy, công lao khó nhọc bao ngày nay đã được bù đắp.

Tủm tỉm cười, thầy chắp tay sau lưng gật gù đi lên đi xuống:

- Thầy cảm thấy thanh bình và no ấm.

Ui trời ơi, nếu chiến tranh loạn lạc triền miên thì làm sao ruộng đồng được vàng mơ bông lúa, lấy đâu ra lúa ra gạo cho mọi người ! Chỉ vọn vẹn có mấy chữ mà thầy đã gói trọn những gì dài nhằng tôi đã viết ra. Làm thầy có khác.

Thầy người làng Hậu Phước, tôi thuộc thôn Thuận Lợi. Tuy hai làng khác nhau nhưng nhà tôi cách nhà thầy chỉ dăm ba bước. Với tôi, thầy không những vừa là người dạy tôi học, vừa thân thiết như người anh trong nhà, mà còn là bạn học với chị tôi vào thuở thiếu thời, nên thầy biết rõ về gia đình tôi nhiều lắm.

Những mối thân tình giữa tôi với gia đình thầy có được là qua những lần xuống nhà thầy chơi, khi thầy còn ở quê, chưa dọn lên thị trấn. Tôi vẫn nhớ hoài hôm được thầy kêu ở lại ăn cơm. Bữa cơm trưa hôm đó rất ngon miệng, có dưa môn muối chua chấm nước mắm ngò, có cá lá nướng, loại cá hình như chỉ có đánh bắt được ở biển quê nhà.

Mợ Bốn Khui, má của thầy, người có món dưa môn trứ danh được làm từ những cây môn ngọt mọc đầy ven mương nước. Tôi chưa thấy ai làm món đó ngon hơn mợ. Gia đình tôi xa quê đã khá lâu, nhưng đôi khi tới bữa cơm mà có cá nướng, mọi người thường nhắc đến món dưa chua giòn giòn, dai dai, ngòn ngọt, ăn hoài không ngán, càng ăn càng ghiền ở nhà của mợ Bốn ngày nào.

Học đến giữa lớp chín là tôi bỏ ngang, để chuẩn bị đi Mỹ. Thời gian chờ đợi bước lên máy bay chắc cũng mất đến vài năm. Có học thêm cũng chả biết để làm gì, nên tôi ở nhà nhong nhong sướng hơn. Nếu việc đi đứng chả đâu vào đâu, tía tôi hứa sẽ mua trâu cho tôi chận, vì học hành dở dang thì làm Ngưu Lang là ngon lành nhất.

Tuy vậy, nhờ nhìn xa trông rộng, biết vốn liếng cho các con mang theo để chuẩn bị hội nhập vào nước Mỹ không gì bằng Anh ngữ, ông mời thầy dạy kèm tụi tôi, được chữ nào hay chữ đó.

Là thầy giáo dạy văn nhưng hai ngoại ngữ Anh và Pháp văn thầy khá rành, do đó mà có nhiều học trò theo học, đặc biệt những gia đình chuẩn bị đi đoàn tụ theo diện ODP hay HO.

Tôi rất dốt cái màn tiếng Anh tiếng Em lắm, chịu đi học là để ông già tía tôi vui bụng, để còn vòi tiền tiêu vặt nữa. Như tôi đã nói, ngoài chuyện tự do đạp xe lên thị trấn rong chơi đã đời ra, được cắp sách lên nhà thầy là một điều vô cùng sung sướng, vì được thầy cho ăn mạch nha dẻo quẹo, ngọt thơm mùi mầm lúa do chính tay thầy nấu, được thầy cho mượn sách, mượn truyện đem về nhà đọc nữa. Nhưng còn một lý do thầm kín mãi đến bây giờ tôi mới “thành khẩn khai báo,” đó là để ý nhỏ hàng xóm, chung vách nhà thầy.

 (Hình minh họa: Getty Images)

Tôi là tên nhà quê đồng chua nước mặn, có dịp làm quen được với nhỏ nào ở chốn phồn hoa đô hội phải nói là đời lên hương, như đang lội bộ mà được cỡi xế nổ vậy. Trong lúc các cô gái làng thường có tên rất bình dân học vụ như Xoài Me Ổi Lựu chẳng hạn, thì nhỏ chảnh bà cố đó có cái tên khá đẹp, tựa như tên của các minh tinh chớp bóng: Cẩm Loan.

Tôi để ý nhỏ không phải vì yêu thương hay cảm mến gì cả, mà vì dáng nhỏ đi rất ngộ, lúc nào cũng như đánh rơi cái gì, vừa đi vừa cúi cúi xuống đất để tìm. Hễ gặp nhỏ, thế nào tôi cũng nhừa nhựa nhại theo kép Minh Cảnh trong tuồng cải lương Mùa Thu Trên Bạch Mã Sơn:

- Phùng Cẩm Loan cô nương ơi, thôi đừng kiếm tiền rơi nữa!

Thế là nhỏ liếc xéo thiếu điều muốn lé cả mắt, kèm theo câu chửi như cu gáy:

- Nè nè, tui hổng chọc ghẹo gì ai nha.Tui cũng hổng phải họ Phùng… mang hay trợn mắt gì hết nha. Cái đồ nhà quê khó ưa!

Tôi có cái tật khó bỏ là chuyện nọ xọ chuyện kia, đang viết về thầy thì tự dưng khai ra chuyện gái gú. Phàm cái gì cũng có nguyên nhân của nó, mãi lo chọc gái nên tôi học hoài tiếng Anh vẫn không chịu chui vô đầu.

Lần đó thầy đang giảng về Past Continuous, tôi thì bận ngóng cổ qua nhà bên, nên lời thầy dạy bị gió thổi bay đi ráo trọi.

Thầy nóng mặt:

- Bây giờ thầy cho một ví dụ nè: “Hôm qua thầy đang ăn cơm thì con chó nhảy vô ị – Yesterday while I was eating, my dog jumped in and pooped. Cả hai sự việc đều xảy ra trong quá khứ, nhưng hành động nào đang tiếp diễn thì phải chia theo Past Continuous. Hiểu chưa?”

Tụi tôi không nhịn được cười, trong khi vợ thầy chắc lưỡi lắc đầu:

- Thầy dạy trò cái gì mà gớm ghiếc quá đi !

Nhờ thầy dạy bảo tận tình và dễ hiểu như vậy cho nên tới giờ tôi khó quên được cách dùng các “thì” trong văn phạm Anh ngữ vốn dĩ vô cùng rắc rối.

***

Hôm nghe lại giọng nói quen thuộc của thầy qua điện thoại, biết thầy cô nay đã về hưu và vẫn còn khỏe mạnh, thong dong đi đây đi đó, tôi mừng lắm. Chuyến qua thăm Mỹ rất ngắn ngày, cho nên thầy không thể nào ghé tôi được, dù tôi tha thiết mời. Thầy trò nhắc lại chuyện xưa, thời gian ba mươi mấy năm vèo trôi mà ngỡ như vừa mới hôm qua. Kể cho thầy nghe tôi vẫn còn giữ thói quen đọc sách, và khoe luôn với thầy là đứa học trò ngày nào bây giờ cũng tập tành viết lách, thơ thẩn linh tinh.

Gửi vài bài cho thầy đọc, thầy chỉ khen ngắn gọn: “Viết khá lắm,” như những lần chấm bài cho học trò. Tuy vậy vẫn làm mũi tôi nở to như cái bánh bò nướng.

Ngày xưa thầy cho tôi mượn sách, ngày nay thầy gửi cho tôi đọc những truyện ngắn thầy viết về quê hương xứ sở, về những người con xứ Ninh thành đạt ở quê nhà, quê người. Đọc xong lại ngẫm nghĩ hoài, thấy gần gũi, thấy ấm áp hơn về những điều khi còn nhỏ tôi mù mờ chưa biết hết.

Chúng ta ai cũng có ít nhất một người thầy. Hôm nay viết về thầy là để gợi lại những kỷ niệm xa xưa, về ngôi trường làng có những cây bàng, cây phượng giờ gầy gò theo năm tháng. Về những thầy cô, bạn bè, người còn người mất. Về những người muôn năm cũ, về những điều tôi ngỡ đã quên. Để thấy lòng chợt “như suối tưới,” như được ướp hồn vào bài thơ Nhớ Con Sông Quê Hương mà thầy đã từng chép tay gửi qua cho tôi.

Để từ đó thấy thầy qua hình ảnh dòng sông Dinh hiền hòa mát rượi, luôn êm đềm trôi mãi trong tôi.

Diệp Bảo Khương

Bài viết khác