Thứ Hai, 05 Tháng Mười Một, 2018

Ấn tượng về kiến trúc Pháp trên phố đi bộ Nguyễn Huệ

Triển lãm Dấu ấn kiến trúc Pháp ở Sài Gòn - TP.HCM vừa khai mạc sáng nay 4-11 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ giới thiệu gần 300 hình ảnh tài liệu về kiến trúc Pháp được lưu trữ tại Việt Nam và Pháp.

Ấn tượng về kiến trúc Pháp trên phố đi bộ Nguyễn Huệ - 1

Ông Trần Vĩnh Tuyến (hàng đầu, bên phải) và ông Vincent Froeani (bìa trái) đang xem triển lãm các văn bản thời Nguyễn xác lập vùng đất Gia Định - Ảnh: L.Điền

Triển lãm nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 320 năm thành lập Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh (1698-2018), kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp và chào mừng chuyến thăm chính thức của Thủ tướng nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam và TP.HCM.

Triển lãm gói gọn trong không gian trên đường Nguyễn Huệ đoạn từ Ngô Đức Kế đến Bến Bạch Đằng, tuy nhiên, các hình ảnh, tư liệu trong đợt triển lãm này chứa đựng nhiều nội dung đặc biệt.

Trước hết, đây là tài liệu được đưa ra từ các nguồn quan trọng: phía Việt Nam có Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV với các hiện vật mộc bản triều Nguyễn có chứa đựng các thông tin:

- Chúa Nguyễn Phúc Chu đặt tỉnh Gia Định vào năm 1698 - đánh dấu sự cai quản vùng đất mới để từ đó trở thành một đô thị quan trọng phía nam.

- Vua Minh Mạng cho đổi tỉnh Phiên An thành tỉnh Gia Định vào năm 1833

Trung tâm Lưu trữ quốc gia II có các tài liệu thuộc phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ.

Phía Pháp có các nguồn tài liệu từ: Lưu trữ hải ngoại Pháp (ANOM) với các tài liệu về thời thuộc địa Pháp, các hình ảnh do Tổng lãnh sự quán Cộng hòa Pháp tại TP.HCM và Air France cung cấp.

Ấn tượng về kiến trúc Pháp trên phố đi bộ Nguyễn Huệ - 2

Hiện vật mộc bản thời Minh Mạng có nội dung đổi tỉnh Phiên An làm tỉnh Gia Định vào năm 1833 - Ảnh: L.Điền

Công chúng có thể thông qua các ảnh chụp tài liệu, bản đồ, các quyết định, nghị định... để hình dung rõ nét về sự hình thành vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM từ lúc chúa Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Cảnh vào nam kinh lược lập phủ Gia Định năm 1698 cho đến lúc Sài Gòn trở thành thuộc địa của Pháp giai đoạn 1858-1945.

Nội dung chính về Ấn tượng kiến trúc Pháp tập trung giới thiệu hình ảnh, tư liệu của các công trình tiêu biểu do chính quyền thuộc địa Pháp xây dựng tại Sài Gòn hồi cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

Các công trình này đến nay đã trở thành di sản kiến trúc của TP.HCM như: tòa thị chính thời Pháp thuộc (nay là trụ sở UBND TP.HCM), bưu điện thành phố, Nhà thờ Đức Bà, bảo tàng thành phố, bệnh viện Sài Gòn, dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất), trường Petrus Ký (nay là trường Lê Hồng Phong), trường Gia Long (nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai).

Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, ông Vincent Froeani - Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM - cho rằng "Triển lãm này là một ví dụ tuyệt vời cho mối quan hệ Việt - Pháp... Sự đa văn hóa của TP.HCM, trước đây được ví như Paris nhỏ của miền đông, hiện là nguồn dồi dào và là một lời hứa cho việc phát triển".

Ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - đánh giá triển lãm này là "...điểm nhấn sinh hoạt văn hóa, lịch sử phục vụ du khách trong nước và quốc tế, góp phần xây dựng, mở rộng hợp tác, quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Pháp trong thời gian sắp tới".

Ấn tượng về kiến trúc Pháp trên phố đi bộ Nguyễn Huệ - 3

Bản đồ Thành phố Sài Gòn vào năm 1860 từ nguồn Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II - Ảnh: L.Điền

Công chúng sẽ có dịp chiêm ngưỡng các tài liệu, tìm gặp các thông tin trước nay ít người biết thông qua triển lãm này như: 

- Bản đồ cảng Sài Gòn vẽ năm 1863 và hình ảnh cảng Sài Gòn thời Pháp thuộc.

- Thông tin về hệ thống xe điện tại Sài Gòn cùng hình ảnh khánh thành tuyến xe điện Sài Gòn năm 1866 và 1879.

- Hình chiếc máy bay trong nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất, không ảnh đường băng sân bay Tân Sơn Nhất năm 1936.

- Tòa thị chính thời Pháp thuộc từ nguồn lưu trữ Hải ngoại Pháp.

- Bản vẽ tổng thể Dinh Thống đốc Nam kỳ năm 1890 (nay là Bảo tàng TP.HCM).

- Hình ảnh nhà thờ Đức Bà, họa đồ vị trí xây nhà thờ năm 1873, và chương trình thi tuyển chọn và bảng giá cho việc xây nhà thờ tại Sài Gòn năm 1875.

- Hình ảnh Dinh Độc Lập và đặc biệt có bản đồ thể hiện vị trí Dinh Toàn quyền Đông Dương trên thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn năm 1943.

- Hình ảnh Bưu điện Sài Gòn từ lưu trữ Ngoại giao của Bộ Ngoài giao Pháp.

- Hình ảnh các trường Petrus Ký và Gia Long, đặc biệt có bức ảnh hiếm thấy về công trường đang xây dựng trường Petrus Ký.

- Hình ảnh Khám Lớn Sài Gòn còn kèm theo bản vẽ khu nhà ở Gác Dan của khu Khám Lớn rất ấn tượng.

Đến với triển lãm, một nhóm bạn trẻ thuộc Câu lạc bộ Sử học của Đại học Luật TP.HCM hào hứng chụp ảnh và ghi chép tư liệu vì "đây là dịp để tìm kiếm từ những nguồn chính thống những hình ảnh xưa của các công trình kiến trúc hiện còn tại Sài Gòn".

Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 20-11.

Ấn tượng về kiến trúc Pháp trên phố đi bộ Nguyễn Huệ - 4

Các bạn trẻ đến với triển lãm để tìm kiếm tư liệu - Ảnh: L.Điền

Ấn tượng về kiến trúc Pháp trên phố đi bộ Nguyễn Huệ - 5

Khánh thành tuyến xe điện Sài Gòn vào năm 1866 và 1879 - nguồn lưu trữ Hải ngooại của Bộ Ngoại giao Pháp

Ấn tượng về kiến trúc Pháp trên phố đi bộ Nguyễn Huệ - 6

Tòa thị chính Thành phố Sài Gòn thời Pháp thuộc - nguồn Lưu trữ Hải ngoại Pháp

Ấn tượng về kiến trúc Pháp trên phố đi bộ Nguyễn Huệ - 7

Dinh Toàn quyền Đông Dương (nay là Hội trường Thống Nhất) - nguồn Lưu trữ Ngoại giao của Bộ Ngoại giao Pháp

Ấn tượng về kiến trúc Pháp trên phố đi bộ Nguyễn Huệ - 8

Nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn - nguồn Lưu trữ Ngoại giao của Bộ Ngoại giao Pháp

Ấn tượng về kiến trúc Pháp trên phố đi bộ Nguyễn Huệ - 9

Khám Lớn Sài Gòn và các bản vẽ khi xây dựng - Ảnh: L.Điền

Ấn tượng về kiến trúc Pháp trên phố đi bộ Nguyễn Huệ - 10
Kiến trúc tuyệt đẹp bên trong nhà thờ Đức Bà, một công trình kiến trúc cổ của Pháp tại TP.HCM - Ảnh: VĂN TIẾN

 

Bài viết khác