Thứ Ba, 25 Tháng Hai, 2020

Một số kiến trúc bên trong Hoàng Thành Huế

Hoàng Thành là vòng thành thứ hai bên trong Kinh Thành Huế, có chức năng bảo vệ các cung điện quan trọng nhất của triều đình, các miếu thờ tổ tiên nhà Nguyễn và bảo vệ Tử Cấm Thành – nơi dành riêng cho vua và hoàng gia. Người ta thường gọi chung Hoàng Thành và Tử Cấm Thành là Đại Nội.

Hoàng Thành được xây dựng năm 1804, nhưng mãi đến năm 1833 đời vua Minh Mạng mới hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống cung điện với khoảng 147 công trình.

Điện Kiến Trung

Điện Kiến Trung nằm ở điểm cực bắc của trục thần đạo xuyên qua trung tâm Tử Cấm thành. Kiểu thức điện là hợp thể phong cách Âu châu gồm kiến trúc Pháp, kiến trúc Phục Hưng của Ý cùng pha thêm kiến trúc cổ truyền Việt Nam. Mặt tiền điện có trang trí những mảnh gốm sứ nhiều màu.

Một số kiến trúc bên trong Hoàng Thành Huế - 1
Điện Kiến Trung.


Trước điện là vườn cảnh, có ba cầu thang đắp rồng dẫn lên thềm điện. Tầng chính trổ 13 cửa hiên: gian giữa 5 cửa, hai gian bên mỗi gian 3 cửa, hai góc điện mỗi bên hai cửa nữa làm nhô ra hẳn. Tầng trên là gác, làm cùng một thể thức như tầng chính. Trên cùng là mái ngói có hàng lan can trang trí theo phong cách Việt Nam.

Điện Kiến Trung vào ngày 6 tháng 11, 1925 là nơi vua Khải Định băng hà. Sang triều vua kế vị là Bảo Đại thì triều đình cho tu sửa lại tòa điện, tân trang các tiện nghi theo thể cách Tây phương, trong đó có xây buồng tắm. Vua và hoàng hậu Nam Phương sau đó dọn về sống trong điện Kiến Trung. Tại điện này, Hoàng hậu Nam Phương hạ sanh Thái tử Bảo Long (4-1-1936).

Điện Cần Chánh

Điện Cần Chánh là nơi vua tổ chức lễ thiết triều vào các ngày mùng 5, 10, 20 và 25 âm lịch hàng tháng. Ngoài ra điện còn là nơi vua Nguyễn tiếp đón các sứ bộ quan trọng, nơi tổ chức các buổi tiệc tùng trong những dịp khánh hỷ. Trong điện, ở gian giữa của nhà chính đặt ngự tọa, hai bên treo các bức tranh gương thể hiện cảnh đẹp Kinh đô và bản đồ các tỉnh trong nước lồng trong khung kính. Điện Cần Chánh còn là nơi trưng bày nhiều báu vật của triều Nguyễn như các đồ sứ quý hiếm của Trung Hoa, các hòm tượng bảo ấn bằng vàng và bằng ngọc của triều đại. Hiện nay điện đã trở thành phế tích do bị phá huỷ từ năm 1947.

Điện Cần Chánh được xây dựng năm Gia Long thứ 3 (1804), sau còn được tu bổ nhiều lần. Trước Điện Cần Chánh có “Sân bái mạng”, là nơi tập hợp văn võ bá quan khi chầu vua, dâng biểu. Điện cùng với nhà tả vu, hữu vu (phục vụ việc chuẩn bị nghi lễ và chiêu đãi khách) họp thành bố cục kiến trúc hình chữ môn. Điện có kết cấu gỗ lớn và đẹp nhất trong Tử Cấm thành.

Một số kiến trúc bên trong Hoàng Thành Huế - 2
Điện Cần Chánh.
Một số kiến trúc bên trong Hoàng Thành Huế - 3
Điện Cần Chánh.
 
Một số kiến trúc bên trong Hoàng Thành Huế - 4
Nội thất chính giữa bên trong điện Cần Chánh.
Một số kiến trúc bên trong Hoàng Thành Huế - 5
Nội thất chính giữa bên trong điện Cần Chánh.


Điện Thái Hòa

Điện Thái Hòa là cung điện nằm trong khu vực Đại Nội của kinh thành Huế, là nơi đăng quang của 13 vua triều Nguyễn từ Gia Long đến Bảo Đại.

Quá trình xây dựng và trùng tu điện Thái Hòa được chia làm 3 thời kỳ chính; mỗi thời kỳ đều có những thay đổi lớn, cải tiến về kiến trúc và trang trí. Vua Gia Long khởi công xây dựng vào ngày 21 tháng 2 năm 1805 và hoàn thành vào tháng 10 cùng năm. Năm 1833 khi vua Minh Mạng quy hoạch lại hệ thống kiến trúc cung đình ở Đại Nội, trong đó có việc cho dời điện về mé nam và làm lại đồ sộ và lộng lẫy hơn. Năm 1923 dưới thời vua Khải Định để chuẩn bị cho lễ Tứ tuần Đại khánh tiết của nhà vua (mừng vua tròn 40 tuổi) diễn ra vào năm 1924, điện Thái Hoà đã được “đại gia trùng kiến”.

Điện Thái Hòa là biểu trưng quyền lực của Hoàng triều Nguyễn. Điện, cùng với sân chầu, là địa điểm được dùng cho các buổi triều nghi quan trọng của triều đình như: lễ Đăng Quang, sinh nhật vua, những buổi đón tiếp sứ thần chính thức và các buổi đại triều được tổ chức 2 lần vào ngày mồng 1 và 15 âm lịch hàng tháng. Vào những dịp này, nhà vua ngồi uy nghiêm trên ngai vàng. Chỉ các quan Tứ trụ và những hoàng thân quốc thích của nhà vua mới được phép vào điện diện kiến. Các quan khác có mặt đông đủ và đứng xếp hàng ở sân Đại triều theo cấp bậc và thứ hạng từ nhất phẩm đến cửu phẩm, quan văn đứng bên trái, quan võ đứng bên phải. Tất cả các vị trí đều được đánh dấu trên hai dãy đá đặt trước sân chầu.

Một số kiến trúc bên trong Hoàng Thành Huế - 6
Điện Thái Hòa.
Một số kiến trúc bên trong Hoàng Thành Huế - 7
Điện Thái Hòa.


Đại Cung Môn

Đại Cung Môn là cửa chính vào Tử Cấm Thành, có 5 gian (không chái) được làm năm 1833 thời Minh Mạng, gồm 3 cửa. Cửa ở gian chính giữa chỉ dành cho vua. Mặt sau hai bên có hai hành lang nối với Tả Vu, Hữu Vu. Công trình này cùng với điện Cần Chánh (và một loạt cung điện khác) trong Tử Cấm Thành đều bị đốt cháy năm 1947.

Một số kiến trúc bên trong Hoàng Thành Huế - 8
Đại Cung Môn.
Một số kiến trúc bên trong Hoàng Thành Huế - 9
Đại Cung Môn.
 
Một số kiến trúc bên trong Hoàng Thành Huế - 10
Đại Cung Môn.
Một số kiến trúc bên trong Hoàng Thành Huế - 11
Đại Cung Môn.


Điện Phụng Tiên

Điện Phụng Tiên là một ngôi điện nằm ở gần cửa Chương Đức, phía trước Cung Diên Thọ, cửa tây của Hoàng Thành, Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, Việt Nam. Ngôi miếu dùng để thờ cúng các vua triều Nguyễn. Khác với Thế Miếu, điện này cũng thờ các vị vua và hoàng hậu nhà Nguyễn nhưng nữ giới trong triều được phép đến đây cúng tế.

Một số kiến trúc bên trong Hoàng Thành Huế - 12
Điện Phụng Tiên.
Một số kiến trúc bên trong Hoàng Thành Huế - 13
Điện Phụng Tiên.
Một số kiến trúc bên trong Hoàng Thành Huế - 14

Điện Phụng Tiên.


Hiển Lâm Các

Hiển Lâm Các là một công trình kiến trúc nằm trong quần thể di tích cố đô Huế, trong khu vực các miếu thờ, được xây dựng vào năm 1821 và hoàn thành vào năm 1822 thời vua Minh Mạng, cùng lúc với Thế Miếu. Hiển Lâm Các nằm trong khu vực miếu thờ trong hoàng thành Huế, cao 17 m và là công trình kiến trúc cao nhất trong Hoàng Thành. Đây được xem là đài kỷ niệm ghi nhớ công tích của các vua nhà Nguyễn và các quan đại thần có công lớn của triều đại.

Một số kiến trúc bên trong Hoàng Thành Huế - 15
Hiển Lâm Các.

Một số chi tiết kiến trúc khác

Một số kiến trúc bên trong Hoàng Thành Huế - 16
Chi tiết kiến trúc trong Hoàng thành Huế.
Một số kiến trúc bên trong Hoàng Thành Huế - 17
Chi tiết kiến trúc trong Hoàng thành Huế.
Một số kiến trúc bên trong Hoàng Thành Huế - 18
Chi tiết kiến trúc trong Hoàng thành Huế.
Một số kiến trúc bên trong Hoàng Thành Huế - 19
Chi tiết kiến trúc trong Hoàng thành Huế.
Một số kiến trúc bên trong Hoàng Thành Huế - 20
Chi tiết kiến trúc trong Hoàng thành Huế.
Một số kiến trúc bên trong Hoàng Thành Huế - 21
Chi tiết kiến trúc trong Hoàng thành Huế.
Một số kiến trúc bên trong Hoàng Thành Huế - 22
Chi tiết kiến trúc trong Hoàng thành Huế.


Ảnh qua Flickr Manhhai

Lê Nguyên tổng hợp

Bài viết khác