Thứ Ba, 15 Tháng Năm, 2018

Nhìn sang Thủ Thiêm tôi cố tìm lại góc xưa nhưng không còn dấu vết

Với người viết bài này thì sau 4 thập kỷ, Sài Gòn, Thủ Thiêm chỉ còn lại bèo lục bình và cơn mưa là như xưa.

Đã lâu lắm tôi mới có dịp vào Sài Gòn ở đó vài ngày. Những chuyến trước chỉ đi cho xong việc rồi vội bay ra. Lần này bỏ vài buổi sáng đi dạo dọc Nguyễn Huệ, công viên trước dinh Độc Lập, nhà thờ Đức Bà đang sửa, nhớ lại cảm giác Sài Gòn xưa, mà năm 1978 nơi tôi từng ở gần 1 năm có nhiều kỷ niệm.

Sài Gòn nay và Sài Gòn 1978 sau 40 năm đã khác rất nhiều, tốt có, xấu có, cái mới đan xen cái cũ, cổ kính và hiện đại, nhộn nhạo nhiều hơn là hài hòa. Dường như Sài Gòn nay không còn thi vị kiến trúc của một nơi từng gọi là hòn ngọc Viễn Đông. Những nhà nhôm kính vô hồn vút lên trời xanh cạnh ngay nhà thờ Đức Bà cổ kính, phố đi bộ Nguyễn Huệ nghẹt thở toàn đá và nhôm kính.

Đi bộ ra bến Bạch Đằng nhìn sang Thủ Thiêm, bèo lục bình trôi, vài cano chạy xuôi ngược, không thấy những chiếc phà “hột vịt” năm nào. Hơn chục năm trước xem phim “Người tình – L’Amant” có cảnh cô đào Jane March vào vai cô gái 15 tuổi, đứng ghếch chân trên chiếc phà phả khói đen ngòm vượt qua sông, dù cảnh quay ở Sa Đéc nhưng tôi cứ nhầm là bến phà Thủ Thiêm.

Hồi đó ở Sài Gòn tôi quen một cô bé làm trong khách sạn Đồng Khởi, dân Nam chính hiệu. Nàng nhỏ nhắn, diện áo dài trắng như nữ sinh trong phim truyện, mà đúng là em mới tốt nghiệp phổ thông, học lễ tân 6 tháng, đi làm giúp ba má.

Sài Gòn khi ấy đã phôi pha đi nhiều. Xe gắn máy ít đi, xe đạp rởm nhiều, bể lốp liên tục. Thấy tôi cuốc bộ, cô biết ý bảo, anh lấy xe đạp của em mà “xài”, giọng ngọt lừ. Thân thân rồi, tôi rủ cô đi chơi sau giờ làm việc, từ nhà thờ Đức Bà, chùa Vĩnh Nghiêm, rồi lang thang ở Thảo Cầm Viên.

Tiếng Sài Gòn cũng buồn cười, trai Bắc nghe mãi mới hiểu. Đèo em sau xe, đang đi thẳng bỗng em kêu, quẹo dzô, quẹo dzô, lúc mình vọt sang trái, lúc bay sang phải, cô cười như nắc nẻ. Sau phải thống nhất, lúc nào muốn đổi hướng bên nào thì vỗ vai bên đó.  

Nhìn sang Thủ Thiêm tôi cố tìm lại góc xưa nhưng không còn dấu vết - 1
Phà Thủ Thiêm những ngày vừa thống nhất đất nước, khi đó bên bờ Thủ Thiêm còn rất nhiều nhà sàn và dừa nước dày đặc. Ảnh tư liệu/ TTO


Mưa Sài Gòn rất lạ. Ào ào một lúc rồi tạnh, nắng rực rỡ, rồi lại ào ào tưởng như không ngớt. Mỗi lần mưa xong, đường bóng loáng. Hà Nội mà mưa thì sụt sùi mấy ngày, rả rích, thối đường, thối chợ. Tình yêu trai gái hai nơi này cũng giống vậy, nơi thì ào ào, nơi dai dẳng cả hai chục năm không xong, đến là mệt.

Một lần trú mưa bất chợt, mình tranh thủ nắm tay em, em nhìn âu yếm và bảo, ở Nam Bộ nắm tay là phải lấy đó. Mình rụt lại như nắm phải lửa. Nhưng em cười, thôi cứ cầm đi, cưới hay không tính sau.

Một lần giỗ ông ngoại của nàng bên kia bến phà Thủ Thiêm, cô bé rủ mình về chơi. Cây cối xanh tươi, hoa trái đầy vườn, lúa đang no đòng cao che lấp đầu người, dù đường đi hơi khó nhưng xe Honda vẫn phóng ngon dễ đến 20km. Tôi thấy khi đó miền Nam giầu có hơn miền Bắc và cứ nghĩ mãi về cuộc chiến.

Gặp bà ngoại cười rất vui, đon đả, nhưng thấy mình nói tiếng Bắc, ngoại khựng lại và nói luôn “Con đến chơi thì cứ tự nhiên, nhưng nhỏ nhà này không được lấy Bắc Kỳ”. Mình choáng, suýt ngã từ trên ghế xuống đất.

Cô bạn ra thì thầm, ngoại em thế thôi, nhưng quý anh đấy. Ngoại cho ăn thịt gà kho cốt dừa, cá lóc nấu canh chua, đủ món lạ của miền Nam. Lần đầu tiên được biết thế nào là người Nam tốt bụng và thẳng tính.

Ở Sài Gòn gần 1 năm, mấy lần đến chơi cuối tuần, qua lại bến phà Thủ Thiêm, dường như thân thiết với những người cần lao, sáng sang Sài Gòn, chiều về bên kia sông. Sau quen thân, ngoại tự hẹn, tuần sau con lại đến nữa nhé. Cô bé cười, anh thấy chưa, ngoại đã quý là anh phải ở lại Nam đó.

Thế rồi chuyến công tác cũng hết, tôi phải ra Bắc. Cô bạn hỏi căn vặn là bao giờ lại vào, em sẽ đợi. Thú thật hồi đó nghĩ miền Bắc là thiên đường, vào Nam phải xa bố mẹ, mất bạn bè thân, câu chuyện chả có hồi kết. Cô đợi tới 5 năm sau mới đi lấy chồng, dù sau đó bao nhiêu thư từ nhớ nhung. Bây giờ, trải qua sóng gió cuộc đời mới thấy thương cô gái Thủ Thiêm thuở ấy.

 

Phim “Người tình” có rất nhiều cảnh cũ của Sài Gòn, người xem lớn tuổi chắc chắn sẽ nhớ lại một Sài Gòn xưa thẫm đẫm Á Đông. Đạo diễn Annaud chọn thành phố này bởi tác giả tiểu thuyết Marguerite Duras viết về Sài Gòn. Bến Nhà Rồng, Tu viện thánh Paul, khách sạn Majestic, trường cũ, chợ Lớn… thời thuộc địa đều được ống kính của những nhà quay phim tài hoa tái hiện đẹp nao lòng.

Tôi cứ nhầm phà Thủ Thiêm với Sa Đec một phân cảnh đầu trong phim có cô bé đang tuổi học trò làm tôi nhớ cô bạn xưa cũng nhỏ nhắn mỗi lần đưa tôi về thăm ngoại, thường đứng lan can của chiếc phà rồi chỉ những đám hoa lục bình trôi trên sông.

Hôm rồi tôi đến bến Bạch Đằng nhìn sang bên Thủ Thiêm, phà thả khói kêu như xe tăng không còn nữa, đường hầm Thủ Thiêm, rồi cầu bắc qua sông đã thay đổi tất cả. Phía bên kia đang xây dựng hối hả. Tôi cố tìm lại góc xưa nhưng không còn dấu vết. Chắc nơi ngoại ở cũng không còn và người cũng thành thiên cổ. 40 năm rồi còn gì, chẳng biết cô gái Nam giờ ở đâu, bao nhiêu lục bình đã trôi qua bến phà này. 

Nhìn sang Thủ Thiêm tôi cố tìm lại góc xưa nhưng không còn dấu vết - 2
Hầm Thủ Thiêm giữa một Sài Gòn sôi động ngày nay. Ảnh: Lê Anh Dũng


Mấy hôm nay, hai chữ “Thủ Thiêm” bỗng nóng lạ thường trên truyền thông, từ quê ra phố, từ quán bia đến chốn nghiêm cẩn. “Tấm bản đồ thất lạc”, những con số chênh lệch đến khó tưởng, những giọt nước mắt, những lời đắng đót, những phận tha hương trên chính mảnh đất của mình, mái đầu bạc sau bao năm mỏi mòn tìm lẽ công bằng… khiến bất cứ ai cũng day dứt khôn nguôi.

Sài Gòn muốn phát triển theo triết lý nào cũng phải giữ lại hồn cốt xưa. Nếu khu đô thị mới chẳng còn cư dân cũ thì đó là thành phố không có hồn, người xưa không thể tìm lại tình yêu cũ thì đó là thành phố không có trái tim. Đó là chưa kể mỗi tấc đất ở đây chứa bao nhiêu mồ hôi, nước mắt của cư dân thành phố. Hối hả phát triển và tàn phá cổ xưa là có tội với tiền nhân và tương lai.

Người ta nói về sự phát triển bền vững là chính quyền cầm trịch, tạo hành lang thông thoáng cho nhà đầu tư, người dân được hưởng lợi do được tạo công ăn việc làm, môi trường đảm bảo. Bất động sản bán được nhiều thì thuế nộp nhiều cho nhà nước, nhà đầu tư có lợi đầu tư tiếp, cư dân được lợi, win-win là thế. Chứ không có chuyện một vài kẻ tha hóa biến chất cấu kết với doanh nhân chiếm dụng tài sản dưới danh nghĩa “nhân dân làm chủ, nhà nước đại diện làm quản lý”.

Tôi nhờ cô bạn đi cùng giả làm cô bé trong phim, cũng mặc váy đứng bên lan can, chụp thử một pô trên bến Bạch Đằng, bên kia là Thủ Thiêm, nhưng không thể tái hiện được người tình thuở nào.

Với người viết bài này thì sau 4 thập kỷ, Sài Gòn, Thủ Thiêm chỉ còn lại bèo lục bình và cơn mưa là như xưa.


Hiệu Minh

Bài viết khác