Thứ Tư, 06 Tháng Chín, 2017

Những con đường Thiên Lý đầu tiên của vùng đất Sài Gòn

Khi nhà Nguyễn chính thức đặt bộ máy cai trị ở vùng đất Sài Gòn, những tuyến đường quan trọng đầu tiên được xây dựng.

Năm 1698, Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh được chúa Nguyễn Phúc Chu sai làm Thống suất kinh lược xứ Nam bộ. Đây cũng là năm được lấy làm khai sinh vùng đất Sài Gòn - tức TP HCM ngày nay.

Ông đặt doanh trại tại Cù lao Phố (Đồng Nai), cùng quan chức dưới quyền thiết lập bộ máy hành chánh nơi vùng đất mới; đặt xứ Nông Nại làm phủ Gia Định, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, đặt dinh Trấn Biên; lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn.

Là vùng đất mới hơn 300 tuổi, khi được khai phá Sài Gòn - Gia Định còn hoang vu, chủ yếu là rừng rậm, sông ngòi. Muốn đi lại, dân chúng phải dùng xuồng ghe.

Chỉ từ sau khi chúa Nguyễn chính thức đặt bộ máy cai trị ở vùng đất này, hệ thống đường bộ mới bắt đầu được chú ý xây dựng, mà quan trọng nhất là các con đường từ Sài Gòn đi các hướng: Bắc, Nam, Đông, Tây - gọi là đường Thiên Lý (đường Cái Quan).

Đây là những tuyến đường được xây đắp để kết nối Sài Gòn với các vùng khác trong cả nước và cả nước ngoài từ trước khi vùng đất này bị người Pháp đánh chiếm.

Những con đường Thiên Lý đầu tiên của vùng đất Sài Gòn - 1

Bản đồ Sài Gòn do Trần Văn Học vẽ năm 1815. Từ hai thành Phiên An, Gia Định, các trục lộ chính tỏa bốn hướng giờ vẫn còn: đường Nguyễn Trãi (đi Chợ Lớn, các tỉnh miền Tây), đường Nguyễn Thị Minh Khai (bên trái thành đi miền Tây, bên phải thành đi các tỉnh miền Đông, ra Trung, ra Bắc), Cách Mạng Tháng 8 (đi Campuchia), Nguyễn Tất Thành (đi quận 7, Nhà Bè, Cần Giờ). Ảnh tư liệu.

 

Đầu tiên là vào năm 1748, quan điều khiển Nguyễn Hữu Doãn cho xây hoàn chỉnh tuyến đường Thiên Lý từ Gia Định ra phía Bắc: khởi đầu từ cầu Thị Nghè, qua Cầu Sơn (quận Bình Thạnh), đến núi Châu Thới (Biên Hòa) rồi đổ về Mô Xoài (Bà Rịa).

Con đường khi qua mương ngòi thì bắc cầu, gặp chỗ bùn lầy thì lót cây, đắp đất, gặp sông lớn thì đặt đò qua sông, người chèo đò được miễn thuế. Đường Thiên Lý từ Sài Gòn ra Bắc (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai, Xô Viết Nghệ Tĩnh) được hình thành từ đó.

"Đây là một trong những con đường xưa nhất của Sài Gòn, của thành Gia Định. Lịch sử thành phố đã cuộn qua nó rất sôi động, rất khốc liệt. Con đường này cũng không mấy thay đổi qua nhiều biến động, nhiều thời kỳ", nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu nhận định. 

Sau khi xây dựng Thành Qui (Thành Bát Quái), năm 1815 vua Gia Long tiếp tục cho đắp các đường Thiên Lý để mở rộng giao thông đường bộ từ Sài Gòn đi các hướng chính.

Đường Thiên Lý về phía Tây được tổng trấn Lê Văn Duyệt cho đắp từ cửa Đoài Duyệt - Thành Qui đến A Ba (Cao Miên) dài 439 dặm, nay là đường Cách Mạng Tháng 8 đi từ Bà Quẹo, Hóc Môn qua Tây Ninh sang Campuchia.

Dưới triều Nguyễn, đây là tuyến đường huyết mạch giữa Gia Định và Nam Vang (Cao Miên). Các đoàn sứ thần, thương nhân qua lại bằng xe trâu, xe bò hoặc ngựa thồ, vận chuyển hàng hóa giữa hai vương quốc.

Con đường này từng chứng kiến những đoàn quân của triều Nguyễn đến tiếp cứu theo yêu cầu của triều đình Cao Miên để chống lại quân xâm lược Xiêm.

Những việc này, sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức chép: "Năm Mậu Thìn Thế Tông thứ 11 (1748), quan điều khiển Nguyễn Phúc Doãn cho chăng dây mà mở thẳng đường này, gặp ngòi suối thì bắc cầu, chỗ bùn lầy xếp xây đắp đất. Từ cửa Cấn Chỉ của thành đến bến đò Bình Đồng dài 17 dặm...

"Năm Ất Hợi Gia Long 14 (1815), tổng trấn thành Gia Định đo từ cửa Đoài Duyệt phía Tây thành đắp đường đi đến tận nước Cao Miên (Campuchia ngày nay), dài 439 dặm... Gọi là đường Thiên Lý, mặt đường rộng 6 tầm, thực là đường bình an cho người, ngựa".

Những con đường Thiên Lý đầu tiên của vùng đất Sài Gòn - 2

Đường Nguyễn Trãi nối Sài Gòn và Chợ Lớn năm 1900. Đây là một đoạn của đường Thiên Lý từ Sài Gòn đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Ảnh tư liệu.

 

Đường Thiên Lý đi về phía Nam khởi đầu từ cửa cửa Tốn Thuận - Thành Qui (ở góc đường Lý Tự Trọng - Nam Kỳ Khởi Nghĩa), đến Thủ Đoàn (nay là Thủ Thừa), Trấn Định (nay thuộc Tiền Giang). Đường này nay là đường Nguyễn Trãi vào Chợ Lớn đi Phú Lâm xuống Mỹ Tho và đi các tỉnh miền Tây.

"Đường cái quan bên phải gặp chỗ nào cong thì giăng dây để uốn thẳng lại, đầu từ cửa Tốn Thuận qua chùa Kim Chương, từ phố Sài Gòn đến cầu Bình An qua gò Chùa Tuyên đến sông Thuận An. Bến đò Thủ Đoàn đưa qua sông Hưng Hòa, trải qua gò Trấn Định rồi đến gò Triệu...", sách Gia Định Thành Thông Chícủa Trịnh Hoài Đức chép.

"Đường rộng 6 tầm, hai bên trồng cây mù u và cây mít là những thứ cây thích hợp với đất này. Cầu cống thuyền bến đều luôn được gia tăng tu bổ, đường rộng suốt phẳng như đá mài, gọi là đường thiên lý phía Nam".

Sau khi chính thức chiếm được Sài Gòn vào năm 1861, người Pháp bắt đầu quy hoạch lại hệ thống giao thông vùng đất này trên cơ sở các con đường cũ và xây dựng thêm nhiều đường mới.

Một trong những con đường mà người Pháp cho làm rất sớm là đường số 12, năm 1865 đường này được đổi thành rue del'Hooopital (đường Nhà Thương), đến năm 1897 mang tên đường Pasteur và cho tới năm 1955 mới đổi tên là đường Đồn Đất, nay là Thái Văn Lung.

Trung Sơn

Bài viết khác

Các từ viết tắt Kitô giáo

Các từ viết tắt Kitô giáo

23/11/2024

Trong nghệ thuật cũng như trong các văn bản Kitô giáo, thường xuyên xuất hiện những từ viết tắt bí ẩn. Việc biết ý nghĩa của chúng cho phép chúng ta đi sâu hơn vào sự phong phú của đức tin. Đây là một hướng dẫn ngắn để hiểu những từ viết tắt thường...

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art