Thứ Ba, 12 Tháng Sáu, 2012

Bà Mẹ Sương Sa

 Mẹ đã già lắm, áng chừng cũng phải tám mươi tuổi. Tóc mẹ bạc trắng, còn lơ thơ ít cọng trên đầu, nhưng lúc nào cũng trùm cái khăn rằn ri cũ vắt ngược bỏ ra phía sau đầu gọn ghẽ, lối đội khăn của phụ nữ Nam bộ lao động, tiện lau mặt khi tươm mồ hôi hoặc lau miệng khi dính quết trầu. Mẹ móm mém, trầu cau phải nghiền nát bằng cái cối đồng nhỏ xíu, cái chày nghiền có răng, lúc nào cũng ở bên mình mẹ. Da mẹ nhăn nheo, lưng còng, mắt kém, nhưng được cái đôi tai còn thính, còn nghe rõ tiếng người gọi mua hàng. Ngần ấy tuổi với một thể lực tàn tạ, mẹ vẫn phải lao động kiếm sống, dù nhu cầu sống của mẹ chẳng là bao.
        Gánh sương sa hạt lựu nước dừa vừa lành vừa mát của mẹ mỗi ngày một nhẹ hơn, địa bàn gánh đi bán rong của mẹ cũng thu hẹp lại dần. Xưa kia mẹ gánh đi bán tận phía trên chợ Bà Chiểu, vòng ra Tân Định qua cầu Kiệu về Phú Nhuận, gần hết hàng mẹ mới trở về ấp Đông Ba, băng vào đường Thái Lập Thành (nay là đường Phan Xích Long) về khu Rạch Miễu. Nhà mẹ ở đó, trong một túp lều thảm hại. Mẹ sống cu ki một thân một mình. 
Được cái ai cũng thương mẹ, vì mẹ ở đây đã lâu năm, không mấy ai rõ từ hồi nào đến giờ, mẹ trung thành với gánh sương sa. Đã nhiều thế hệ ăn món quà giải khát vừa lành vừa mát của mẹ. 
        Lối xóm không mấy ai rõ tên tuổi mẹ, họ đặt cho mẹ cái tên "bà mẹ sương sa", riết rồi thành quen. Cũng đúng với số kiếp hai sương một nắng của mẹ. Chắc chắn trong con người già nua ấy phải có một dĩ vãng . Bây giờ mẹ đi bán sương sa phải chống gậy , bởi vì một lần gánh sương sa qua cầu gỗ Trần Khánh Dư, mẹ bị té lọi giò.
        Ông thầy nắn xương La Văn Lường trong ấy Đông Ba nắn lại xương cốt miễn phí cho mẹ. Ông khuyên mẹ nghỉ ngơi, đừng lao động nữa, vì mẹ đã vượt quá tuổi lao động. Mẹ không nói gì mà chỉ gạt nước mắt. Thầy Lường hiểu hoàn cảnh của mẹ, thầy tặng mẹ Sương Sa một cây gậy trúc, một xị rượu thuốc bóp xương khi nhức mỏi. Từ ngày ấy mẹ rất đắt hàng, do khách hàng thương tình, mà cũng muốn kín đáo giúp đỡ mẹ. Gánh hàng sương sa hạt lựu vừa đủ sức, mẹ chống gậy gánh đi. Mẹ đi loanh quanh mà hàng đã hết, địa bàn bán hàng của mẹ không còn phải đi xa trong một vùng rộng nữa. Mẹ giữ cây gậy chống đến bây giờ. Cái chân thứ ba này tốt đáo để.
        Mẹ Sương Sa sống một mình trong căn lều nát, nhưng mẹ không cho mình là người cô đơn. Mẹ tất bật trong mua bán, trong việc săn sóc cái bàn thờ gỗ quý mà trên ấy thờ chồng con của mẹ. Cái bàn thờ dứt khoát phải sạch sẽ, nhang khói mỗi chiều tươm tất khi mẹ đi bán về. Ngày rằm mồng một, mẹ cúng cơm chay cho ba cha con nhà nó. Hàng năm ba buổi giỗ. Kẻ đi trước người theo sau. Còn mẹ chẳng biết sao đây, vì mẹ không có ai là thân quyến. Nhưng cũng chẳng đáng lo chi, mẹ đã quy y trên chùa, gửi linh hồn mẹ khi nằm xuống nương nhờ cửa Phật. Cả cái tủ thờ này cũng sẽ được sư phụ trụ trì cho đệ tử khiêng lên Chùa, thi hài mẹ được thiêu, nắm xương tàn của mẹ bỏ vào hũ, lại nằm trên bàn thờ này, đời đời nghe lời kinh, tiếng kệ. Sư phụ đã hứa với mẹ như thế. Nên khi rảnh rỗi, mẹ Sương Sa lại lên Chùa làm công quả. Buổi tối trước khi đi nằm, mẹ Sương Sa lau cái tủ thờ sạch bóng, bộ lư nhang sáng đẹp ánh vàng. Hai tấm hình hai đứa con trai của mẹ và tấm bài vị của ông chồng quá cố lúc nào cũng sạch bóng.
        Hai tấm hình bán thân của hai thằng con trái ngược nhau, cả hai đều bận quân phục, nhưng là quân phục của hai bên hai chế độ kình chống nhau. Mẹ biết chứ, nhưng xét nét làm chi. Chúng đều trở thành người thiên cổ như cha chúng. Nghĩa tử là nghĩa tận. Trước bàn thờ là bộ ván ngựa mẹ Sương Sa nằm ngủ. Khi mệt, mẹ ngả lưng. Thường thường mỗi đêm mẹ thiếp đi lại nằm mộng thấy chồng con mẹ vẫy gọi rủ mẹ dạo chơi miền tiên cảnh. Mẹ Sương Sa tỉnh giấc sau giấc mơ, nhìn lên mái tôn mục nát có những lỗ thủng lỗ chỗ, ánh sáng ban mai chan hoà trên mái lều như ngàn vạn những vì sao.

***

"Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm... Mái tranh nghèo ai người sửa sang... Khu vườn cũ hoa vàng trước ngõ..."Cứ nghĩ đến câu hát ấy, bà mẹ Sương Sa muốn khóc. Câu hát ấy chính thằng Bờ, con trai lớn của mẹ, và bạn nó đã hát lần về phép thăm mẹ cuối cùng. Sau đó nó ra đi và đi mãi. Mẹ đã khóc đến chảy cả máu mắt. Như lần đầu mẹ khóc chồng trên sông Cầu Bông chảy qua Thị Nghè rồi ra cửa biển.
        Khi đó, con sông cầu Bông chưa ai gọi là con kinh hay con rạch, nước đen hôi thối. Hai bên bờ sông vắng vẻ, thưa thớt nhà cửa, là những mảnh ruộng đất bỏ hoang. Đứng ở cù lao Rạch Miễu này nhìn ra tuốt Thị Nghè. Gia đình mẹ Sương Sa sống trên ghe trôi dạt từ sông nước miền Tây, đồng bằng sông Cửu Long lên. Nói là gia đình thì cũng hơi quá, vì chỉ có hai vợ chồng và một thằng nhỏ chập chững biết đi, thằng Bờ, vì khi sanh nó, anh chồng phải tắp ghe vô bờ, nhờ người ở xóm ven sông kêu mụ đỡ đẻ. Rồi cũng mẹ tròn con vuông, vợ chồng đặt tên nó là thằng Bờ. Cuộc đời mãi tưởng trôi dạt trên sông nước. Bến cuối cùng họ dừng lại ở cù lao Rạch Miễu. Anh chồng nói với chị vợ:
        - Mình đã qua biết bao nhiêu cái cầu xi măng có lính gác, cả Ta cả Tây, họ sắp đánh nhau rồi đó. Mình cũng hết sông rạch đi, phía trước kia là cửa biển. Ngoài đó có tàu chiến của giặc Pháp, đi không được, quay về cũng dở. Tao nghi ở trên cù lao này có nước ngọt, không phải nước phèn miệt Long An. Phía bên kia sông có lẽ là thành phố. Má nó lên kiểng Chùa kia xin nước đi.
        Nơi gia đình mẹ Sương Sa dừng bước lênh đênh là cù lao Rạch Miễu tỉnh Gia Định. Nhà cửa lúp xúp trong đám lá cây rập rạp kia là ấp Đông Ba. Bên kia sông là thành phố Sài Gòn, Tân Định Dakao, đất Hộ, nối qua bằng mấy cây cầu xi măng: cầu Kiệu, cầu Bông, cầu Thị Nghè.
        Tình thế sắp chiến tranh nên mấy cây cầu được canh gác cẩn mật, kỹ lưỡng, sự qua lại cũng khó khăn. Nhưng với dân bản xứ không khó khăn chi mấy. Con đường sông rạch có những chiếc ghe tam bản qua lại ở bất cứ khúc nào. Có những người chèo đò thuê, chuyên nghiệp hoặc tay ngang đều được hết.
        Anh chồng chị Sương Sa lợi dụng chiếc ghe của mình chở đò đưa khác qua lại khúc sông Cầu Bông. Anh cắm dùi làm nhà cho vợ con ở ngay cù lao ven sông. Chị vợ ra nghề bán sương sa, hạt lựu, đời sống tạm thời ổn định. Chị vợ lại có thai khi chiến tranh bắt đầu bùng nổ. Người Saigon chạy tản cư, cầu đường bị tắt nghẽn, người ta đổ xuống mé sông, những chiếc đò ngang đưa đồng bào sang bên kia bờ, nơi xa súng đạn. Địa đầu tỉnh Gia Định cũng được coi là miệt quệ chạy dài lên tận Bà Điểm, Hóc Môn hoặc Mười Tám Khu Vườn Trầu. Anh chồng chị Sương Sa bận túi bụi ngày đêm với những chuyến đò, không thuần chỉ có dân mà cả những toán du kích nhập thành phố tiếp viện cho mặt trận Saigon. Những chuyến đò trên sông nước cũng khá nguy hiểm, vì những chiếc ca nô tuần tiễu của giặc Pháp chạy dậy sóng, bắn thị uy vô tội vạ. Nhưng đôi khi cũng nhằm mục tiêu. Những con đò tan nát từng mảnh, người chết máu loang đỏ khúc sông trong tiếng cười say máu như say rượu của lũ lính Tây trên ca nô.
        Mẹ Sương Sa khi ấy còn trẻ lắm, bụng mang dạ chửa, gào khóc chạy như điên sau hồi súng nổ. Tiếng máy ca nô mất hút phía hạ nguồn dòng sông. Con đò quen thuộc tan nát, chỉ còn máu đào loang đỏ, nạn nhân tán mạng, không tìm thấy xác. Chị Sương Sa gào khóc chạy dọc theo dòng sông, thằng Bờ nhỏ bé lúp xúp chạy theo mẹ cũng nhễ nhại khóc.
        - Mình ơi, mình đâu rồi, còn sống với mẹ con em không, mình ơi! 
        Chỉ có gió sông vì vèo trả lời, chị Sương Sa gục ngã dưới chân cầu Bông, những xác người đã mất tăm chỉ còn những mảnh ván vụn của chiếc đò quen thuộc bập bềnh trôi về hạ nguồn. Mẹ con đành bồng bế nhau về chiếc chòi lá. Chị Sương Sa bỗng dưng thành goá phụ. Buổi tối hôm ấy, mẹ con chị Sương Sa đốt bó nhang cắm bên bờ sông van vái linh hồn chồng, van vái Phật Trời. Chị không còn nhớ mình van vái gì nữa, vì thời gian lâu quá rồi.

Nguyễn Thụy Long

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art