Thứ Hai, 26 Tháng Ba, 2018

Hãy cẩn thận: Nhìn đầm có thể bị phạt từ 90€

Nay định viết một đề tài khác, nhưng nhận thấy chuyện các bà ở Pháp hãy còn sôi nổi lắm nên trở lại, dĩ nhiên, nội dung khác với những chuyện mới về phụ nữ khá hấp dẫn.

Một vòng chớp mắt về ngày 8/3

Hôm cuối tuần rồi là ngày Quốc tế Phụ nữ. Cả thế giới đều làm lễ chào mừng. Ở Việt nam, dân chúng bày tỏ lòng cảm phục sự can đảm và lòng yêu nước thật sự của giới trẻ, nhứt là nữ giới, dám đối đầu với nhà cầm quyền bạo ngược hà nội. Ông Phạm Đình Trọng, một nhà văn ở Sài Gòn, đã công khai đề nghị lấy tên nhà nữ tranh đấu dân chủ Đoan Trang làm Ngày 8-3 năm nay cho Việt nam « Đoan Trang đã nói thẳng lý tưởng sống của mình, đã viết ra cái slogan cuộc đời mình : Tôi đấu tranh để chống độc tài, và nhà nước cộng sản ở Việt Nam hiện nay là nhà nước độc tài nên tôi đấu tranh để xóa bỏ nó ».

Vào đúng ngày Quốc tế Phụ nữ 08/03, phụ nữ Tây Ban Nha quyết định… không làm gì hết : không đi làm, không nấu ăn, không làm việc nhà, không chăm con… để cho mọi người biết “Nếu chúng tôi ngừng – nếu chúng tôi đình công, thế giới bị tê liệt”.

Khoảng 300 cuộc tuần hành đã diễn ra trên khắp Tây Ban Nha trong không khí hội hè sôi nổi. 82% người dân Tây Ban Nha ủng hộ cuộc tổng đình công của phụ nữ để đòi quyền bình đẳng và công bằng về điều kiện sống.

Ở Pháp, năm nay ngày 8-3 đặc biệc sôi nổi với nhiều cuộc biểu tình lớn, đông đảo phụ nữ nhiệt tình tham gia. Biểu tình trưa và cả tối ở Paris. Tiếp theo, nhiều cuộc hội thảo kiểm điểm lại hoạt động phu nữ, phát họa chương trình tranh đấu cho những ngày tới, đề nghị những mục tiêu phải đạt, phim ảnh, kịch, dành cho ngày phụ nữ. Những phong trào phụ nữ xuất hiện hồi cuối năm qua như #BalanceTonPorc, #MeToo và #Nomakeup như đã thổi tới cho xứ Pháp trong những ngày đầu năm một ngọn gió cách mạng thật sự. Mà phải thôi vì cách mạng 1789 là cách mạng Dân quyền và Nhơn quyền mà hoàn toàn không đề cặp tới địa vị người phụ nữ.

Nhưng mục tiêu trọng đại của các bà tranh đấu là đạt được nam/nữ bình đẳng về các mặt như lương bổng, thăng tiến xã hội, tham gia chánh trị, …thì hảy còn xa lắm. Giửa điều này và địa vị người phụ nữ trên thế giới, việc tranh đấu chết sống của các bà chưa thấy sẽ kết thúc trước mắt. Còn phải nhiều nổ lực bền bỉ nữa. Và phải có sự hà hơi của các ông thì mới mong sớm thành công.

Ngày Quốc tế Phụ nữ vẫn còn cần phải tổ chức trọng thể mỗi năm để nhắc nhở điều đó. Có bà muốn gọi Ngày Quốc tế Phụ nữ, từ năm nay, là Ngày Quốc tế Tranh đấu chống lại sự coi thường phụ nữ.

Hai bà Françoise Nyssen, Tổng trưởng Văn hóa và bà Anne Hidalgo, Thị trưởng Paris, từ ngày mùng 7/3 đã cho thắp sáng tháp Eiffel để chào mừng và đánh dấu Ngày Quốc tế Phụ nữ đã bước qua một giai đoạn mới kể từ năm nay.

Qua ngày chủ nhựt 11-03-2018, một đoàn phụ nữ mặc đồng phục tay chơi moto (motardes) diễu hành với moto trên khắp đường phố xứ Pháp và đặc biệt là Paris. Và tại Paris, các đoàn khác kéo nhau về hợp lại để biểu lộ sức mạnh của các bà, để nói lớn nơi đây thật sự tập trung quyền quyết định.

Nhà hát Crazy Horse, sang trọng bực nhứt Paris, nằm trên Đại lộ Champs-Elysée, chuyên trình diển ca vũ nhạc khỏa thân, cao cấp hơn Moulin Rouge ở Quận 18, tổ chức chào mừng ngày Quốc tế Phụ nữ 2018, tuyên bố đây là cơ hội làm sáng danh nữ tính và đề cao quyền tự do quyến rủ … Và có gì hơn khi muốn tôn vinh người phụ nữ bằng cách tới Crazy Horse để gặp những vũ nữ tại đây !

Nhưng điều đáng lưu ý là chánh phủ Pháp của ông TT. Macron tỏ ra tự hào là ban hành luật bảo vệ nữ quyền như là thành tích độc đáo của nhiệm kỳ Tổng thống của ông. Trong luật nữ quyền mới, bà bộ trưởng Nam/Nữ Bình đẳng, bà Marlène Schiappa, tỏ ra vui mùng tiết lộ luật đề nghị phạt những người xúc phạm phụ nữ nơi công cộng từ 90€ nếu trả liền tại chỗ, để 15 ngày sau, sẽ trả 200€, và tiền phạt gia tăng theo thời gian chậm trễ.

Để áp dụng luật, Tổng trưởng Nội vụ Gérard Collomb sẽ đặc cách thường trực 10 000 cảnh sát bảo đảm an ninh cho phụ nữ ở các nơi công cộng. Nhưng làm sao nhận diện một vụ sách nhiễu tình dục nơi công cộng? Chuyện đơn giản. Cảnh sát sẽ được huấn luyện về công tác này. Khi một vụ xúc phạm phụ nữ xảy ra, nạn nhân la lên, cảnh sát chạy tới bắt giữ ngay thủ phạm, lập biên bản.

Bà Bộ trưởng giải thích thêm. Nếu thủ phạm phủ nhận hành động của mình, cảnh sát sẽ gởi về nhà giấy phạt, với tiền phạt là 750€. Người nhà đọc giấy phạt, thấy số tiền phạt, chắc chắn sẽ tỏ thái độ với đương sự. Trước vợ, con, sẽ là điều không đẹp. Vậy tốt hơn nên giữ sự tử tế !

Bà Marlène Schiappa sẽ trinh dự án luật về nữ quyền vào cuối tháng 3/2018 và trong đó, luật sẽ cho phép sự thỏa thuận tình dục ở tuổi 15, hạ thấp 1 tuổi so với luật cũ.

Ngoài những qui định về phụ nữ bị bạo hành, luật mới còn dự liệu những điều khoản cứng rắn về bình đẳng nam/nữ trong Quốc hội, trong chánh phủ và nhứt là, từ đây tới 3 năm nữa, phải san bằng sự chênh lệch lương bổng giữa nam/nữ.

Chánh phủ hân hoan cho rằng đây là một thành tích lớn của chánh phủ Macron trong nhiệm kỳ đầu tiên này.

Nỗi lo ngại về tội sách nhiễu tình dục

Trước đà lớn mạnh của phong trào nữ quyền ở Pháp, nhiều người trong giới tòa án, luật sư và cả truyền thông, nghệ sĩ không khỏi lấy làm lo ngại vì sẽ khó tránh những ngộ nhận, những tố cáo có chủ ý, …

Ông François Molins, công tố viện Paris, biểu lộ sự hài lòng nhìn thấy ngày nay, người phụ nữ đã can đảm lên tiếng tố cáo người đã tấn công tình dục phụ nữ nhưng ông đồng thời không khỏi lo ngại một thứ Tòa án dư luận xuất hiện. Từ cuối năm 2017, số thư, đơn thưa thủ phạm sách nhiễu tình dục tăng vọt lên. Chỉ riêng tháng 10/2017, có tới 154 vụ thưa kiện.

Theo ông, những chiến dịch kêu gọi tố cáo trên mạng xã hội như Phong trào #MeToo, hay #BalanceTonPorc có giúp phụ nữ không còn giử im lặng nữa vì sợ hãi nhưng những tổ chức đó không thể thay thế công lý chánh thức. Không khéo cái đà tố cáo trên mạng xã hội tràn lan thì sẽ không khác gì tòa án nhơn dân ở các xứ cộng sản đang khủng bố.

Nữ sử gia Françise Picq đặt câu hỏi « Phải chăng Pháp là nước duy nhứt do đặc thù văn hóa sẽ có thể ngăn chặn lại bớt tầm ảnh hưởng thái quá của các phong trào nữ quyền như #MeToo và #BalanceTonPorc”?

Văn hóa nịnh đầm (la galanterie) của Pháp vẫn còn đó. Từ thời Trung cổ, người ta gọi « nịnh đầm » là thứ « tình yêu lịch sự ». Trưóc một phụ nữ lúng túng khi mặc lại chiếc manteau, đàn ông giúp choàng áo vào. Hay, trước thềm nhà, một bà khó khăn bê một gói nặng lên, người đàn ông chạy tới giúp đỡ bê vào nhà. Một cử chỉ đẹp hay có ý tấn công tình dục?

Thái đô hung hăng của các bà đang thừa thắng xông lên đã không tránh khỏi làm cho nhiều người tỏ ra cẩn thận quá đáng trong quan hệ giao tiếp. Ngày nay, khi thấy chỉ có một bà vào thang máy, đàn ông đứng lại chờ, không dám cùng bước vào, sợ có thể bị người phụ nữ ấy la ó lên tố cáo ông lợi dụng tấn công tình dục.

Nhiều người nghĩ tới viễn ảnh tinh hình này sẽ làm bùng lên trở lại nạn chỉ điểm thủ phạm sách nhiễu tình dục một cách tùy tiện như thời Pháp bị Đức quốc chiếm đóng, Pháp gian chỉ điểm Pháp yêu nước chăng ? Thật rùng rợn !

Gần đây, trên chương trình TV hài hước «Saturday Night Live», Catherine Deneuve và Brigitte Bardot xuất hiện (qua người đóng vai 2 bà). Deneuve vừa nói “Chúng tôi là những phụ nữ Pháp” thì Bardot thét lên “Mấy người hãy trả tự do cho Harvey Weinstein ! Khi người phụ nữ có hai cái vú là để cho đàn ông họ chộp, đó là luật tự nhiên !”. Khán giả cười rộ lên.

“Ở Mỹ có một huyền thoại về người phụ nữ Pháp. Làm thế nào nuôi dạy con cái như một phụ nữ Pháp? Làm sao trang sức như một phụ nữ pháp ? Làm thế nào giữ thân mình thon eo như một phụ nữ Pháp ?”.

Nhưng chuyện này nay xưa rồi. Ở Mỹ, dư luận đang quan tâm tới nhiều chánh khách pháp, đủ các khuynh hướng, đang bị tố cáo xâm phạm tình dục, điều này khác hơn ở Mỹ.

Chủ thuyết nữ quyền

Tiếng “le féminisme» (chủ thuyết về nữ quyền) trước kia có nghĩa là tên một thứ bịnh. Trong từ ngữ y khoa, tiếng “le féminisme” xuất hiện lần đầu tiên vào cuối thế kỷ XIX. Nó dùng để chỉ một chứng bịnh ngăn chận sự trưởng thành ở con trai trẻ mắc bịnh lao. Giới chức y khoa gọi những bịnh nhơn này là “les féministes”.

Nhà văn Dumas Fils, với giọng mỉa mai, bình luận về người phụ nữ đòi bình đẳng : « Chính vì người phụ nữ không khỏe bằng đàn ông, họ cứ than phiền đàn ông mạnh hơn họ. Vậy nếu tạo hóa cho đàn ông có sức khỏe hơn, chính là để đàn ông sử dụng sức mạnh đó, chớ gì ?».

Theo nhà xã hội học Raphaël Liogier thì ngày nay phụ nữ đoàn kết hơn đàn ông. Họ biết rõ họ đang muốn gì ? Bình đẳng ? Phải là bình đẳng thật sự.

Nhưng bình đẳng mà phụ nữ đang đòi hỏi lại va chạm mạnh vào hệ thống gia trưởng cố hữu đang khóa kín, phát triển mạnh trong hệ thồng kinh tế tư bản.

Trường hợp Weinstein là bức tranh hí họa biểu tượng « chủ nghĩa tư bản mang cái đàn ông tính đó ». Weistein muốn đàn bà, nhứt là các minh tinh, tự nguyện nhào vô ông ta. Nhưng ông ta lại không muốn các bà mê ông, trái lại, ông muốn để ông là người chiếm đoạt các bà. Weinstein muốn sử dụng quyền của mình qua sự làm chủ thân thể phụ nữ. Để ông còn khoe sức mạnh của quyền lực đàn ông của ông.

Thật ra khó thực hiện bình đẳng thật sự, bình đẳng tuyệt đối giửa nam/nữ. Ngay trong vấn đề nóng lạnh cũng có sự khác biệt khá lớn. Cứ vào mùa đông, những lúc trời lạnh nhiều, trong nhà, vợ chồng thường xảy ra sự tranh chấp khi điều chỉnh máy sưởi. Chồng kêu nóng rồi, bà vợ vẫn bảo còn lạnh lắm. Nghĩa là khó có được sự bình đẳng nam/nữ khi bàn vế cái lạnh. Theo nhà cơ thể học Adam Taylor (The Conversation France, 20-01-2017), sự khác biệt cảm nhận mức độ nóng lạnh đó là do ở hệ thống da của hai giới nam/nữ. Mà đúng thôi vì cứ nghĩ da thịt các bà mà dày cứng như đàn ông để chịu đựng cái lạnh thì còn ai dám rờ tới để thấy da em mịn màn ? Ngoài ra còn do sự cấu tạo cơ thể nam/nữ không giống nhau nữa.

Như vậy, tranh đấu nam/nữ bình quyền là một cuộc chiến bất tận khi còn người phụ nữ trên trái đất này?

Nguyễn thị Cỏ May

 

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art