Nguồn gốc Thánh Lễ
Mỗi khi chúng ta cử hành thánh lễ, chúng ta làm lại những hành vi và những lời Đức Giêsu trong bữa tiệc ly. Trình thuật nền tảng này không dài nhưng căn bản vì từ hơn hai mươi thế kỷ, Giáo hội vẫn tiếp tục lập lại một cách trung thành. Chúng ta sẽ tìm hiểu dưới đây bốn trình thuật được nói trên (Mátthêu 26,26-29 ; Máccô 14,22-25; Luca 22,19-20 và 1Côrintô11,23-25).
Ngoài chứng từ đến từ thánh Phaolô, còn có những chứng từ đến từ Tin mừng Nhất lãm liên quan đến thánh lễ. Cả bốn trình thuật về thánh lễ đều có một số khác biệt nhỏ, ngoài ra cả bốn trình thuật tương ứng trong cách thuật lại biến cố cũng như những lời Đức Giêsu nói. Sự tương ứng này không đến từ ảnh hưởng của thánh Phaolô cho dù thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô cựu trào hơn cả. Các trình thuật về thánh lễ đến từ tin mừng Máccô và Mátthêu có một hình thức ngôn ngữ Sêmít được coi như đến từ truyền thống nguyên thủy.
Điều có tất cả bốn trình thuật về thánh lễ cho biết tầm quan trọng của bữa tiệc ly trong ký ức của kitô giáo ngay từ thuở ban đầu. Một điều khá ngạc nhiên là thánh Gioan không nói gì những hành vi của Đức Giêsu trong bữa tiệc ly. Điều này đã gây nhiều thắc mắc cho các sử gia, thế nhưng những ai quen đọc Tân ước đều nhận xét đây chỉ là một trong nhiều trường hợp thường thấy. Thật vậy, thánh Gioan thường không nói tới những điều mà tin mừng Nhất lãm đã nói tới, ngược lại cũng vậy có nhiều điều thánh Gioan ghi nhưng các nhà Nhất lãm cũng không đề cập tới.
Khi so sánh bốn trình thuật sẽ thấy những điểm dị biệt và tương đồng, và vì thế có thể gom các trình thuật lại làm thành hai nhóm : Máccô và Mátthêu ; Luca và Phaolô. Thật vậy, có thể nói có hai hình thức về thánh lễ hoàn toàn độc lập với nhau : hình thức thứ nhất đến từ tin mừng Máccô và Mátthêu được coi như văn bản phụng vụ dùng cho thánh lễ trong cộng đoàn kitô hữu tiên khởi tại Giêrusalem; hình thức thứ hai đến từ thánh Phaolô và đã ảnh hưởng trên tin mừng Luca là công thức phụng vụ thuộc cộng đoàn tín hữu tiên khởi tại thành Antiôkhia.
Vì mang nguồn gốc Sêmít nên trình thuật đến từ Máccô và Mátthêu coi như gần với bản nguyên thủy, và văn bản cũng trung thành cho những lời Đức Giêsu nói. Thế nhưng văn bản của thánh Phaolô cũng rất trung thành với bản nguyên thủy nhưng ngôn ngữ biểu lộ thích hợp với môi trường và văn hóa Hy lạp. Trong đó ta thấy có lệnh truyền lập lại việc cử hành này, và điều chỉ được nêu lên vì nó đến từ chính Đức Giêsu. Lệnh truyền này không thấy Máccô và Mátthêu nêu lên, vì trong môi trường của họ điều đó được coi như việc hiển nhiên. Chúng ta chỉ có thể cử hành thánh lễ bằng cách làm lại những gì Đức Giêsu đã làm trong bữa tiệc ly. Tóm lại, chúng ta có tất cả bốn trình thuật về việc thiết lập thánh lễ, và những trình thuật trên có thể giúp để đi tìm văn bản nguyên thủy, nhưng mỗi trình thuật đều có giá trị riêng.
Trước khi tìm hiểu những trình thuật trên, cần xem bữa tiệc cuối cùng của Đức Giêsu dùng với các môn đệ được hiểu thế nào ; và trong bữa tiệc đó có những điều gì ?
1. Bữa tiệc của Đức Giêsu, một bữa ăn vượt qua hay bữa tiệc ly ?
Việc thiết lập thánh lễ được thực hành trong một viễn tượng vượt qua tại vì nó xảy ra trước ngày lễ Vượt qua của người Do thái. Vấn đề vẫn thường được tranh luận là bản chất bữa ăn đó của Đức Giêsu với các môn đệ là gì. Có phải là một bữa ăn vượt qua ? Một số học giả đã cho ý nghĩa đó và họ dựa vào những điều tin mừng Nhất lãm ghi lại : « Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua, các môn đệ thưa với Đức Giêsu: "Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu? " Người sai hai môn đệ đi, và dặn họ: "Các anh đi vào thành, và sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh. Cứ đi theo người đó. Người đó vào nhà nào, các anh hãy thưa với chủ nhà: Thầy nhắn: "Cái phòng dành cho tôi ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ của tôi ở đâu? » (Mc 14,12-14). Và học giả Joachim Jeremias đã so sánh cho thấy có tất cả 14 điểm tương đồng giữa bữa ăn vượt qua của người Do thái với bữa ăn của Đức Giêsu (J.Jeremias, La dernière Cène, les paroles de Jésus, Cerf, 1972, trang 42-46). Thế nhưng ngày nay, một số nhà nghiên cứu mang cái nhìn khác với Joachim Jeremias : thứ nhất trình thuật nhất lãm về bữa tiệc rất đơn giản. Trong bữa tiệc không thấy nói tới thịt chiên vượt qua và đó là một món ăn chính của bữa tiệc vượt qua. Thứ hai nếu cho bữa ăn mang tính cách vượt qua, tư tưởng vấp phải điều lỗi phạm đến lề luật Do thái ; và một khi phá lề luật hẳn giới quyền hành Do thái giáo không thể nào bỏ qua… Tất cả những dử kiện chính của sự thương khó lại xảy ra giữa tuần lễ vượt qua, tức là đã không tuân giữ ngày nghỉ lễ theo lề luật : cuộc họp của Thượng Hội đồng, Đức Giêsu và những người theo Người di chuyển liên tục, ông Simon thành Cyrène vác đỡ thập giá của Đức Giêsu…Với những điểm khó khăn vừa nêu trên, cần phải nói đến một tài liệu quan trọng cho rằng bữa ăn của Đức Giêsu không phải bữa ăn vượt qua. Tài liệu đó là tin mừng Gioan. Thật vậy, theo Gioan, Đức Giêsu bị bắt vào đêm trước lễ vượt qua. Vì thế, khi Đức Giêsu bị điệu ra trước quan tổng trấn Philatô : « Vậy, người Do thái điệu Đức Giêsu từ nhà ông Caipha đến dinh tổng trấn. Lúc đó trời vừa sáng. Nhưng họ không vào dinh kẻo bị nhiễm uế mà không ăn lễ Vượt Qua được » (Ga 18,28). Việc tháo đinh Đức Giêsu khỏi thập giá cũng được làm vội vả : « Hôm đó là ngày áp lễ, người Do thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sabát, mà ngày sabát đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Philatô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống » (Ga 19,31).
Với những điễm nêu trên, một số nhà nghiên cứu hôm nay cho bữa tiệc đó mang tính cách bữa tiệc ly, bữa tiệc cuối cùng. Bữa tiệc cuối cùng vì trong đời hoạt động Đức Giêsu cũng đã nhiều lần dùng bữa với các môn đệ, với đám đông, với bạn bè đặc biệt với ông Simon (Lc 7,36-50), với hai chị em Mátta và Maria (Lc 10,38-42), với ông Da kêu (Lc 19,1-10). Và các nhà nghiên cứu cũng thấy trong Cựu ước, trong nền văn chương ngụy thư và ngay cả trong Tân ước đã có thể loại văn chương « diễn từ biệt ly » (xem lời chúc phúc của ông Giacóp cho con cháu Sáng thế 49 ; của ông Môsê nói cho người Do thái trước khi qua đời (Đệ nhị luật 33,1-29 ; Trong Tân ước xem Công vụ 20,17-38 ; 1Timôthê 4,1 ; 2Timôthê 3,1-4.10 và nhất là Gioan 13-17). Tất cả những chương đó đều mang điểm chung : một người trước khi qua đời nói những lời biệt ly với những người thân cận. Họ nói trong một diễn từ huấn dụ nhắc lại những biến cố trong quá khứ cho thấy Thiên Chúa đã hành động ra sao cho họ, và bằng cách nào ngày hôm nay họ phải hành động. Họ kể trước cái chết gần kề và trao cho con cháu và người thân di chúc để gìn giữ sự hiệp nhất và căn tính của mình. Bài diễn từ ly biệt thường ở trong khung cảnh một bữa ăn ; vì thế bữa ăn mang một ý nghĩa đặc biệt qua cái trang trọng của ngôn từ và hành vi khác biệt. Vì thế bữa ăn của Đức Giêsu đúng là bữa tiệc ly.
Bữa tiệc ly bao gồm những điều gì ?
* Lời trên bánh. Bữa tiệc được khai mở với lời chúc trên bánh, sau đó vị chủ sự bẽ bánh và trao cho các thực khách. Lời tạ ơn ghi trong sách « Didachè » còn gọi « Giáo huấn của mười hai tông đồ » 9,3-4, cũng như những kinh nguyện Do thái giáo cho biết rõ điều xảy ra. Thế nhưng trong bữa tiệc ly này, điểm đặc biệt nằm nơi điều Đức Giêsu sau khi bẽ bánh đã nói một lời diễn giải làm biến đổi mọi sự như hành động biểu trưng. Bánh bẽ ra là mình Đức Giêsu tức là con người của chính Đức Giêsu : ân huệ của bánh biểu tượng chính ân huệ của Đức Giêsu.
* Lệnh truyền lập lại việc làm. Lệnh này chỉ đọc thấy trong tin mừng Luca và trong thư 1Côrintô « các con hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy ». Tại sao không thấy tin mừng Máccô và Mátthêu nói đến lệnh truyền ? Có phải truyền thống Luca và Phaolô thêm vào để chứng minh cho phụng vụ của các cộng đoàn tiên khởi, hay truyền thống Máccô đã xóa bỏ điều đó ?
* Chén rượu và máu. Những lời về chén rượu gặp nhiều điểm khó trên phương diện lịch sử, tại vì công thức khác biệt giữa truyền thống Máccô với văn bản 1Côrintô. Máccô gợi lại giao ước tại núi Sinai (Xuất hành 24,8) ; còn 1Côrintô với « giao ước mới » mang chiều kích sứ ngôn (Giêrêmia 31,31-34). Ngoài ra, trong Máccô 14,23 cho thấy các môn đệ uống chén rượu trước khi Đức Giêsu diễn giải. Vì thế lời trên chén rượu được xem như xuất hiện trong bối cảnh phụng vụ của Giáo hội sau Phục sinh. Một số nhà nghiên cứu còn cho Máccô 14,24 được phụng vụ thêm vào đến từ các cộng đoàn tiên khởi nói tiếng Hy lạp.
* Chén của bữa tiệc cánh chung : « Thầy bảo thật anh em: chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày ấy, ngày Thầy được uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa ». Chén này thấy trong tin mừng Máccô và Mátthêu nơi đoạn cuối, và cũng được Luca nói nhưng tác giả lại đặt câu văn trước lời tạ ơn trên bánh. Lời này cũng được Phaolô nhắc tới ở cuối văn bản 1Côrintô 11,26 khi viết « cho tới ngày Chúa đến ». Đến cuối bữa ăn, Đức Giêsu đưa chén rượu cho các môn đệ cùng uống. Ngược lại với lời trên máu giao ước, lời cánh chung được nói ra sau khi các môn đệ đã uống rượu, và loan báo cho các ông sự tạm ngưng của cộng đoàn tụ họp nơi bàn ăn. Tất cả sẽ tái hợp lại với Đức Giêsu trong Nước Thiên Chúa.
Tóm lại có thể nói được gì trên phương diện lịch sử cho bữa tiệc ly ? Điều chắc chắn trong bữa tiệc, Đức Giêsu đã loan báo và hoàn thành cái chết của Người như hành vi cuối cùng của một cuộc sống được phơi bày, ân huệ của chính mình cho tha nhân.
2. Chứng từ cộng đoàn tín hữu tiên khởi tại thành Antiôkhia (1Côrintô11,23-25 và Luca 22,19-20).
A. 1Côrintô 11,23-25.
Tầm quan trọng của thánh lễ được chứng nhận với thánh Phaolô khi tác giả gợi lại truyền thống nguyên thủy. Chứng từ đầu tiên về thánh lễ được biết đến từ thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô. Lá thư này tác giả viết vào khoảng năm 56 hoặc năm 57, tức là có trước cả các Tin mừng. Phaolô đã viết thư thứ nhất và thư thứ hai gửi giáo đoàn Côrintô trong khoảng thời gian ở Êphêxô. Phaolô đến Côrintô thuộc miền nam Hy lạp sau khi rời khỏi thành Thêxalônica. Côrintô là một hải cảng náo nhiệt, một thành phố quốc tế gồm chừng 600.000 dân, trong đó 2/3 là nô lệ. Từ đó có một danh ngôn ra đời : « Sống theo lối Côrintô » có nghĩa sống theo tập tục phóng khoáng. Trong vòng 18 tháng ở đó, Phaolô thiết lập một cộng đoàn, phần lớn gồm những người nghèo, nô lệ và thợ thuyền, chỉ một vài người giàu có hay thuộc hạng hào kiệt. Dĩ nhiên một cộng đoàn sốt sắng, nhưng chóng bị tàn phá bởi các đảng phái, bởi những gương xấu, những hỗn loạn trong việc phụng tự do các tập quán ngoại giáo còn quá mới mẻ hoành hành, cũng như do một số giáo thuyết thiêng liêng gây ra. Phaolô cố gắng can thiệp từng lần một, trong đó có thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô.
Trong lá thư cựu trào này, thánh Phaolô còn cho biết chính Đức Kitô là nguồn gốc của truyền thống : « Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy." Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: "Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy » (1Côrintô11,23-25).
Văn bản 1Côrintô 11,23-25 nằm trong một đoạn văn trong đó thánh Phaolô nói về thái độ của những kitô hữu ở thành Côrintô (1Côrintô 11,17-34). Khi nói tới những ngôi nhà thời cổ đại, chúng ta biết có phần gọi « triclinium » gồm phòng ăn có thể chứa khoảng 10 người nằm ăn ; và còn có một phòng khác gọi « atrium » chứa được khoảng 40 người nhưng thuộc hạng xã hội thấp kém hơn. Những người này mang theo thức ăn hoặc nếu như họ thuộc hạng nô lệ hay nghèo khó thì coi như không có gì để ăn. Vấn đề đặt ra từ một bữa ăn với hai thành phần khác nhau như vậy làm sao có thể đi đến cuộc cử hành phụng tự bữa ăn của Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã cảnh báo coi chừng và rất nguy hiễm khi ăn và uống mà không biết phân định « thân thể Chúa » (11,29). Cụm từ « thân thể Chúa » có thể hiểu được với hai ý nghĩa : thứ nhất chỉ định bánh thánh thể ; và thứ hai chỉ định cộng đoàn (xem Luca 12,12-27).
Thánh Phaolô lên án những thực hành đưa bữa ăn phụng tự thành những bữa ăn thường. Tin Đấng sống lại hiện diện trong Giáo hội đòi hỏi gìn giữ ký ức của Đấng bị đóng đinh. Vì thế, với sắc thái liên hoan của bữa ăn cộng đoàn, thánh Phaolô chống lại những lý do của sự thương khó : đêm bị trao nộp, bẽ bánh, thân thể cho anh em, giao ước trong máu, loan báo cái chết của Đức Chúa… Loan báo lập lại cái chết trong bữa ăn phụng vụ nhận định dự hiện diện mối tương quan huynh đệ, trong sự chờ đợi ngày cánh chung.
Vì thế, bữa ăn của Thiên Chúa mang đặc tính bởi một bàn ăn chung, chia sẻ một tấm bánh duy nhất và uống cùng chén rượu. Người tín hữu loan báo họ cùng một thân thể, thân thể của Đức Kitô. Chia sẻ bánh thánh thể và sự hiệp nhất của Giáo hội không thể nào phân ly.
Từ truyền thống nêu trên, thánh Phaolô kết luận như sau : « Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết » (1Côrintô 11,26). Hoàn cảnh bữa tiệc vào chiều tối hôm đó mà Đức Kitô nộp mình, và ý nghĩa những lời được viết lại về thân thể trao ban cho các môn đệ và máu đổ ra trong giao ước mới soi sáng tầm nhìn một bữa ăn để loan báo cái chết của Đức Kitô với mục đến cái đến của Ngài trong vinh quang.
A.1. « Điều tôi lãnh nhận từ nơi Chúa »
Cụm từ « điều tôi lãnh nhận từ nơi Chúa » không có nghĩa thánh Phaolô nhận được mạc khải riêng tư, hay Đức Kitô nói trực tiếp cho ngài. Điều thánh nhận được là một truyền thống có nguồn gốc trong những hành vi và những lời của Đức Giêsu. Thánh Phaolô truyền lại truyền thống đó cho giáo đoàn Côrintô. Thánh Phaolô hẳn ý thức giá trị của truyền thống được bảo đãm không những từ những ký ức nhưng bởi chính quyền bính tối thượng của Đức Kitô đã thiết lập thánh lễ. Thánh Phaolô muốn nhấn mạnh lời ngài giảng dạy giáo lý về thánh lễ không đến từ một ý kiến thường tình, hay từ một diễn giảng riêng tư. Chứng từ do ngài mang tới được hoàn toàn nhận từ giáo thuyết truyền đạt trong Giáo hội. Thánh Phaolô đã đón nhận sự thật được chứng giám bởi những chứng nhân trong bữa tiệc ly, và được trung thành lưu giữ bởi những người tiếp nhận kỷ niệm của họ. Kỷ niệm này có thể lên tới Đức Kitô như nguồn gốc của thánh lễ.
Điều thánh Phaolô trông nhờ vào truyền thống cũng có thể thấy qua một hoàn cảnh khác khi ngài nói về sự sống lại của Đức Kitô. Trong cùng lá thư gửi giáo đoàn Côrintô, chúng ta cũng thấy sự nhấn mạnh tương tự về sự truyền đạt bảo đãm tính xác thực của đức tin : « Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh » (1Côrintô 15,3-4). Cái chết cứu độ và sự sống lại kết thành sự khẳng định cơ bản của mạc khải kitô giáo. Đặc biệt sự sống lại là phép lạ tuyệt vời khẳng định tất cả lời giảng dạy của Đức Giêsu, và nó cũng chỉ định sức mạnh thiêng liêng chiến thắng mà ngài thông ban cho nhân loại sự cứu rỗi và sự sống mới. Đó chính là cuộc sống của Đức Kitô biến đổi sự hiện hữu của mọi người. Biến cố cần phải được bảo đãm như thánh lễ bằng một truyền thống dựa vào những điều nhận thấy của những chứng nhân đầu tiên.
Điều cũng thật có ý nghĩa khi thánh Phaolô dựa vào truyền thống để bảo đãm cho hai khẳng định về đức tin : một là biến cố vượt qua, cái chết và sự sống lại, và hai là thánh lễ. Thánh nhân hẳn muốn nói qua đó thánh lễ như một sự thật thiết yếu rất quan trọng, gắn liền với sự hoàn thành của công trình cứu độ. Trong công trình đó, cái chết và sự sống lại của Đức Kitô kết thành một chóp đỉnh được thể hiện bởi những biến cố của lịch sử.
Thánh Phaolô còn nhấn mạnh hơn về nguồn gốc của truyền thống liên quan đến thánh lễ khi nói « điều tôi lãnh nhận từ Chúa ». Về truyền thống liên quan đến sự sống lại, ngài chỉ nói « điều mà chính tôi đã lãnh nhận ». Thật vậy, truyền thống đó được khai sinh ra từ chứng từ của các tông đồ đã thấy Đức Kitô lúc còn sống. Chứng từ đầu tiên đến từ các bà là những người đầu tiên được gặp Đấng sống lại, nhưng chứng từ của họ chỉ có thẩm quyền khi được các tông đồ chấp nhận. Về thánh lễ, truyền thống đến trực tiếp từ Đức Giêsu, vì chính những lời và hành động của Ngài trong bữa tiệc ly đã thiết lập nên thánh lễ ; và Ngài cũng mời gọi làm lại mầu nhiệm cử hành « hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy ».
Truyền thống đón nhận từ Đức Kitô không những mang ý nghĩa một sự truyền đạt những kỷ niệm được bảo đãm bởi các chứng nhân, mà còn một sự truyền đạt ý chí của Đức Kitô tiếp tục dẫn dắt Giáo hội bằng cách kết hiệp họ vào cái chết và sự sống lại trong mầu nhiệm thánh lễ. Đó là một truyền thống bảo đãm sự can thiệp tích cực của Đức Kitô trong mỗi cử hành thánh lễ. Người thiết lập ra thánh lễ không ngừng hoàn thành qua truyền thống Giáo hội của lễ bằng sự hiến mình và máu. Đó là một hành động của « Đức Chúa », Đức Kitô đầy quyền năng cứu chuộc.
A.2. « Hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy ».
Thánh Phaolô đã giữ lệnh truyền lập lại được Đức Giêsu loan báo sau khi hiến thánh bánh và rượu. Từ lệnh truyền đó đưa đến kết quả cử hành thánh lễ trong Giáo hội. Lệnh truyền cũng được lưu giữ trong tin mừng Luca cho việc hiến thánh bánh (22,19).
Lệnh truyền đưa đến một hậu quả đáng kể, không những lập lại việc cử hành thánh lễ nhưng còn nêu rõ sự lựa chọn điều lập lại trong cuộc cử hành. Các tông đồ hiểu ý Đức Giêsu thánh hiến cả bánh và rượu, với lời mời gọi ăn thịt và uống máu. Cả hai việc thánh hiến đều cho một ý nghĩa mới cho hai tập tục của bữa ăn : lúc đầu việc thánh hóa bánh và lúc cuối việc thánh hóa dành cho chén rượu thứ ba. Phần còn lại của bữa ăn đã biến mất trong phụng vụ kitô giáo. Những lời « hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy » chỉ định rõ ràng điều phải làm để tưởng nhớ Đức Kitô được hiện tại hóa theo ước muốn của Người. Vì thế, phụng tự kitô giáo không giữ lại bữa ăn với chiên nhưng chỉ giữ hai việc thánh hiến cho bánh và rượu.
Hai việc thánh hiến không lấy lại những nghi thức tương ứng bữa ăn của người Do thái bằng cách biến đổi ý nghĩa hay cho một giá trị mới. Điều mới mẻ đến từ việc hy tế cứu độ cho một nội dung cao hơn bữa ăn. Việc thánh hiến bánh đã có trong phụng vụ của người Do thái nhưng bánh vẫn hoàn là bánh và như của ăn cho thân xác ; còn điều Đức Giêsu thánh hiến làm cho bánh trở nên thân thể của Người làm của ăn thiêng liêng. Cũng vậy, chén rươu được chuyền tay cho thực khách dùng, trong khi đó trong phụng vụ kitô giáo việc thánh hiến rượu trở nên máu của Đấng cứu độ.
Điều các môn phải làm là một việc rất mới, một việc vượt trên mọi phụng vụ xưa cũ có thể tưởng tượng và cử hành. Cái lớn lao của việc làm mới ở câu « để tương nhớ đến Thầy ». Bữa ăn để tưởng nhớ Giavê-Thiên Chúa. Đấng quyền năng đã biểu lộ uy quyền để giải thoát dân Do thái khỏi ách người Ai cập. Vì thế người Do thái hướng về Thiên Chúa để tỏ lòng biết ơn và lòng cảm phục trước việc kỳ diêu can thiệp của Người. Phụng tự Do thái không ngừng nhắc lại hành vi kỳ diệu của Thiên Chúa để cứu thoát dân Người.
Cái nhìn và lòng kính trọng hướng về Thiên Chúa giờ đây được chuyển về Đức Kitô. Bữa ăn mới cần làm « để tưởng nhớ » Đức Giêsu. Đấng tự mạc khải căn tính của mình « Ta là », và Người cũng đã khẳng định : « Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Ápraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu! » (Gioan 8,58). Bởi vậy, khi ra lệnh cho các môn đệ cử hành thánh lễ để tưởng nhớ đến mình tức là hướng lòng và trí của tất cả về Con Thiên Chúa đã nhập thể.
A.3. Việc tưởng nhớ.
Khi nói « hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy », Đức Giêsu không chỉ muốn những người sống gần Người tưởng nhớ đến Người, nhưng muốn thánh lễ là một việc tưởng nhớ.
Điều phân biệt sự tưởng nhớ chính là thực tại khách quan, không phải một việc tưởng nhớ chủ quan, một kỷ niệm chỉ có thực trong tư tưởng nhưng biểu lộ ra ngoài. Đó là kỷ niệm được ghi muôn đời trong lịch sử. Vì vậy, bữa ăn là một việc tưởng nhớ, một cơ chế hằng năm nhắc lại sự giải phóng của Thiên Chúa dành cho dân Người. Việc tưởng nhớ bảo đãm cuộc xuất hành như biến cố quá khứ vẫn luôn tồn tại trong ký ức của người Do thái, và làm tăng lên sự gắn bó của họ vào Thiên Chúa là Đấng giải phóng.
Với thánh lễ, Đức Giêsu muốn một việc tưởng nhớ mới. Khi biến đổi bữa ăn vượt qua bằng bửa ăn thánh thể, Đức Giêsu thiết lập một việc tưởng nhớ được thể hiện lại những gì đã xảy ra trong bữa tiệc ly. Đức Giêsu có quyền năng cho việc tưởng nhớ một giá trị tối cao tại vì Người là Thiên Chúa. Người có thể hiện tại hóa biến cố quá khứ.
Việc tưởng nhớ thánh thể như hành vi độc nhất vì thiên tính của Đức Kitô : một việc tưởng nhớ và hiện diện ngay bây giờ ăn khớp với nhau. Hy lễ như việc tưởng nhớ trở thành hiện tại như một thực thể bí tích. Việc tưởng nhớ làm bùng lên kỷ niệm bữa tiệc ly, và mang lòng khâm phục sự can thiệp của Thiên Chúa biều lộ đưa nhân loại vào trong mầu nhiệm nhập thể cứu độ, làm dấy lên sự gắn bó vào con người của Đức Kitô.
B. Luca 22,19-20 : « Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: "Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy." Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: "Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em ».
Đặc điểm trình thuật thiết lập thánh lễ trong Luca ở nơi điểm khởi đầu với bữa tiệc (Luca 22,14-18), và bữa tiệc được diễn giải lại để trở nên một bữa tiệc ly (Luca 22,19-20). Thật vậy Luca 22,14-18 được đặt dưới dấu chỉ cái chết và Đức Giêsu cho biết lý do tất cả hai lần : lễ Vượt Qua sắp tới, Người sẽ cử hành bữa yến tiệc cánh chung trong Nước Thiên Chúa. Người sẽ chiến thắng cái chết vì Người có mặt trong nữa tiệc cánh chung.
Đối với bánh không men, Đức Giêsu đã làm thay đổi ý nghĩa bởi một sấm ngôn và diễn giải : « bánh bẻ ra, chính là ta, trao nộp cho cái chết để tất cả mọi người được hưởng lợi ». Cái chết của Đức Kitô là nguyên do cứu độ cho dân Chúa. Khi ban lệnh truyền cho các môn đệ lập lại việc bẽ bánh để tưởng nhớ đến Người, Đức Giêsu bảo đãm cho họ sự hiệp thông sẽ tồn tại sau cái chết của Người. Việc bẽ bánh tái lập một sự hiệp thông với Đức Kitô hằng sống (Luca 24,30-31).
Với chén rượu thứ hai, Đức Giêsu đào sâu diễn giải vẻ sự thương khó của Người và đồng hóa chén rượu với giao ước mới. Quy chiếu về Xuất hành 24,8 « Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời này » cũng thống thoáng hơn trong tin mừng Máccô, vì thế làm mất đi ngôn ngữ hiến tế. Trong cái chết, Đức Kitô hoàn thành giao ước mới được loan báo bởi ngôn sứ Giêrêmia 31,31 : « Ta sẽ lập với nhà Ítraen và nhà Giuđa một giao ước mới ».
Trong tin mừng Luca cũng có một trình thuật phép lạ về bánh (Luca 9,10-17) có ý nói về thánh lễ, nhưng tác giả không lấy lại « đoạn văn về bánh » như trong tin mừng Máccô. Ngược lại, Luca có một trình thuật độc đáo trong đoạn nói về hai môn đệ trên đường Emmaus. Trong văn bản Luca 24,30 « Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ », thấy có lại bốn động từ đã được sử dụng trong Luca 9,16 « Bấy giờ Đức Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông », và có một chút dị biệt trong Luca 22,19 về bữa tiệc ly « Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: "Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy ». Việc bẽ bánh cũng được nói đến trong Luca 24,35 như hành vi nhìn nhận ra Đấng sống lại « Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh ». Chúc phúc trên bánh và bẽ bánh là những hành vi quen thuộc của Đức Giêsu để cho người ta nhận ra Người. Những điều đó quy chiếu về những bữa ăn với các môn đệ cho đến bữa tiệc ly để việc bẽ bánh mang một ý nghĩa mới. Những hành vi đó cho thấy trước những cộng đoàn mà Đức Kitô sống lại sẽ không thấy nhưng hiện diện.
3. Chứng từ cộng đoàn kitô hữu tiên khởi tại Giêrusalem.
3.1. Máccô 14,22-25 và Mátthêu 26,26-29 : « Cũng đang bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: "Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy." Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: "Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người. Thầy bảo thật anh em: chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa » (Máccô 14,22-25).
« Cũng trong bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy." Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: "Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội. Thầy bảo cho anh em biết: từ nay, Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày Thầy cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy » (Mátthêu 26,26-29).
Cả hai trình thuật về thánh lễ trong Máccô và Mátthêu đều rất giống nhau. Trong Mátthêu có một chút nhấn mạnh khác biệt.
Mời ăn : Cả hai trình thuật nơi Máccô và Mátthêu đều có một lời mời ăn : « hãy nhận lấy » (Máccô), « hãy nhận lấy, ăn » (Mátthêu). Lời mời gọi không thấy trong trình thuật của Phaolô hay Luca, nhưng tương ứng với ý nguyện của Đức Giêsu, khi Người cầm lấy bánh và nói : « Đây là mình Thầy ». Người muốn trao chính thân thể mình thành lương thực. Cho dù nếu như lời mời không được nói ra đúng như thế, nhưng bao hàm trong những từ và hành vi thánh hiến nhắm trao nộp mình của Đức Kitô.
Trong trình thuật của Máccô, lời mời gọi không được nhắc lại khi nói về chén rượu, nhưng trình thuật Mátthêu mang những từ như sau : « hãy uống chén này hết thảy ». Dấu nhấn trên sự tham dự phổ quát. Trong bối cảnh bữa tiệc ly, lời mời gọi được gửi cho các môn đệ, và trong hoàn cảnh cử hành thánh lễ lời đó được nói cho tất cả mọi tín hữu hiện diện. Sắc thái phổ quát của lời mời gọi trên tương ứng đặc biệt với những lời thánh hiến trên rượu như máu của Đức Kitô đổ ra cho mọi người.
Lời mời gọi ăn và uống cho thấy ao ước của Đức Kitô muốn nuôi dưỡng những tín hữu bằng chính mình và máu của Người. Chính Đức Giêsu sữa soạn bữa ăn thánh thể. Lời mời gọi giống như lời nhà vua cho tiệc cưới của con trai : « Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới! » (Mátthêu 22,4). Qua lời mời gọi, người Con làm những điều Cha đã làm « Thật, tôi bảo thật các ông: người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy » (Gioan 5,19).
« Máu Ta, máu giao ước » : « Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người » (Máccô 14,24 ; Mátthêu 26,28). Trình thuật theo Máccô và Mátthêu khác hẳn với trình thuật của Phaolô và Luca trong những lời sau việc thánh hiến chén rượu. Lời nói khẳng định « đây là máu Thầy », còn theo thánh Phaolô và Luca diễn tả khá phức tạp : « chén này là giao ước mới trong máu Ta » (Luca 22,20).
Câu văn trong Máccô và Mátthêu đơn giản và cũng gần với công thức kết thúc giao ước giữa Thiên Chúa và dân Do thái được ghi lại trong sách Xuất hành. Khi rảy nước trên dân với máu của các con vật, ông Môsê nói : « Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời này » (24,8). Đức Giêsu đã lấy lại công thức này cho thấy qua đó hoàn thành một nghi thức đã tiên báo trước trong Cựu ước. Đức Giêsu thêm vào đó và xác định rõ ràng hơn : « Đây là máu Thầy, máu giao ước ».
Đức Kitô không thể hiện giao ước đã được tiên báo trong những sấm ngôn Do thái, nhưng Người chính là giao ước được tái lập trong giá máu của mình. Nếu Đức Kitô làm trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại, tức là Người vừa Thiên Chúa vừa con người.
Máu đổ ra vì muôn người : Thánh Phaolô chỉ nói tới sự hiện diện của máu, còn Máccô và Mátthêu xác định máu được trao ban làm hy lễ. Máu của Đức Kitô đổ ra cho « muôn người », tức là tất cả nhân loại. Giao ước được thực hiện bởi hy lễ, vì mầu nhiệm nhập thể tự nói thôi chưa đủ. Giao ước vì tội lỗi của con người mang một sắc thái hòa giải, một sắc thái cơ bản của việc thục tội. Máu của Con Thiên Chúa mang đến sự cứu độ cho « muôn người ». Uống máu Đức Kitô đi vào mầu nhiệm hy tế cứu độ bởi một hiệp nhất thâm sâu với Đấng cứu độ.
Công thức thánh hiến rượu làm nhớ lại lời Đức Giêsu diễn giảng liên quan đến việc Người trở lại trần thế : « Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người » (Máccô 10,45 ; Mátthêu 20,28). Sứ mạng Đức Giêsu đến để phục vụ, và một phục vụ đi đến điểm cao trong việc hiến tế. Khi nói việc cứu chuộc, Đức Giêsu muốn nhắc tới sự hiến tế cao cả của việc thục tội để đạt tới sự tha thứ tội lỗi của nhân loại. Những ai tham dự thánh lễ đều cần biết máu được trao cho ta uống chính là việc hiến tế toàn diện. Công thức của thánh Phaolô giới hạn giao ước trong máu cũng có nghĩa hiến tế. Giao ước hiến tế còn được khẳng định qua các từ : « Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết » (1Côrintô 11,26). Máu còn mang một giá trị quý giá vì được đổ ra cho muôn người.
Giao ước : Trong công thức thánh hiến rượu, Đức Giêsu nói giao ước hay giao ước mới ? Theo Máccô và Mátthêu, Đức Giêsu cho biết máu của Người, máu giao ước ; còn theo Phaolô và Luca cho biết chén giao ước mới nơi máu của Người. Sự khác biệt cho cảm tưởng không mấy quan trọng, nhưng có thể cho biết rõ hơn tư tưởng của Đức Kitô khi thiết lập thánh lễ. Trong ngôn ngữ bình thường Đức Giêsu hay dùng từ « giao ước », vì thế cụm từ « giao ước mới » có thể đến từ các kitô tiên khởi đã thêm vào để đánh dấu sự cắt đứt giữa giao ước Do thái và giao ước kitô giáo. Thêm nữa, nguồn gốc nguyên thủy của đoạn văn Máccô và Mátthêu có thể coi như công thức chỉ có từ « giao ước » thôi.
Khi dùng từ « giao ước » nhưng không chỉ một phẩm chất nào, Đức Giêsu như cho biết chính Người là giao ước đích thực, giao ước duy nhất thực sự. Những giao ước được kể lại trong Cựu ước mang những hình ảnh của giao ước duy nhất và chung cục mà Thiên Chúa muốn tái lập giữa Người với nhân loại.
Những ai cho Đức Giêsu như giao ước mới muốn diễn đạt qua đó những gì bao hàm tiếp nối theo bằng cách đối chọi giao ước mới với giao ước cũ. Điều đó cũng áp dụng cho Đức Giêsu tái lập một « giao ước mới » theo sấm ngôn của ngôn sứ Giêrêmia « Ta sẽ lập với nhà Ítraen và nhà Giuđa một giao ước mới » (31,31). Ngôn từ mang một ý nghĩa chính đáng vì khi nói đến giao ước, Đức Giêsu coi như một giao ước mới mang đến một chế độ ân sủng cho nhân loại. Đức Giêsu có thể thích từ « giao ước » vì nó thích đáng và giàu ý nghĩa. Người là giao ước duy nhất cho mọi thời đại, vì Người duy nhất kết hiệp nhân loại với Thiên Chúa Cha, và làm cho tất cả những ai cần được tha thứ hưởng tình thương của Thiên Chúa. Một giao ước vĩnh cửu do máu Người đổ ra trong tất cả mọi cuộc cử hành thánh lễ.
Trong phụng vụ có cụm từ : « máu giao ước mới và vĩnh cửu » nêu lên ý nghĩa Đức Giêsu muốn nói khi dùng từ « giao ước ». Giao ước mới, vì được đồng hóa với Đức Kitô và hoàn toàn khác với giao ước thiết lập trong Do thái giáo, vì giao ước đó chỉ mang giá trị sữa soạn và báo trước. Giao ước mới trong chính cái mới của Thiên Chúa được mạc khải trong biến cố nhập thể cứu độ.
Giao ước vĩnh cửu vì bao hàm thời hạn lịch sử nhân loại từ khởi đầu cho tới ngày cuối cùng. Qua giao ước đó, Đức Kitô cứu độ đưa con người vào cái vĩnh cửu trên trời và không bị giới hạn bởi ngày tận thế. Qua việc rước lấy máu của Đức Kitô, thánh lễ đưa vào đời sống nhân loại giao ước mới và vĩnh cửu.
được tha tội : Chỉ có tin mừng Mátthêu nêu lên trong công thức thánh hiến rượu các từ « được tha tội » (26,28). Các từ này chỉ định rõ ràng mục đích « máu đổ ra cho muôn người ». Một hy lễ thục tội, một hy lễ trao ban để nhận lấy sự tha thứ tội lỗi. Hy lễ này đã xuất hiện trong phụng thự Do thái giáo và giữ một vai trò rất quan trọng.
Mhy lễ duy nhất, thay vì với những con vật bị sát tế, giờ đây là cuộc sống của một con người. Người làm hy lễ đó lại chính là Con Thiên Chúa, tự ý trao nộp cho sự chết để nhận lấy sự tha thứ cho muôn người. Hy lễ thục tội mang ý nghĩa lớn lao và cho thấy sự trầm trọng của tội lỗi trong nhân loại.
Đức Giêsu có nói những lời trên đây không ? Thật vậy, những lời này dường như cho thấy mục đích duy nhất của hy lễ để được tha tội. Thế nhưng mục đích rõ ràng rộng lớn hơn : qua hy lễ hiến mình Đức Giêsu muốn cho loài người ân sủng của Thiên Chúa. Người mục tử nhân lành « hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên » để họ được sự sống, và sự sống dồi dào (Gioan 10,10-11).
Hy lễ trên núi Sọ truyền thông cuộc sống dồi dào bằng cách tha tội. Cụm từ « được tha tội » trong tin mừng Mátthêu diễn đạt một sự thật căn bản. Đó là Đức Kitô chiến thắng trên sức mạnh sự chết. Những từ đó còn nhắc nhở thế giới này là một thế giới tội lỗi, nhưng đã được cứu chuộc. Mỗi cử hành thánh lễ khẳng định qua đó sức mạnh trên mọi cái xấu của thế gian. Thánh lễ tái tạo chiến thắng chung cục của Đức Kitô trên mọi sức mạnh và thông truyền dồi dào một cuộc sống yêu thương kéo theo sự tha tội cho các tội nhân.
4. Chứng từ về Thánh lễ trong tin mừng Gioan.
Như đã nói, tin mừng Gioan không có trình thuật về việc lập Thánh lễ như tin mừng Nhất lãm. Trong phần tìm hiểu bữa tiệc cuối của Đức Giêsu có phải là bữa tiệc vượt qua hay bữ tiệc ly ở phần trên đây, ta thấy tin mừng Gioan có vai trò quan trọng. Điều Gioan không nói gì việc thiết lập thánh lễ cũng cần nêu lên tại sao tác giả lại bỏ qua một biến cố mang tầm quan trọng như thế. Các nhà nghiên cứu đều cho biết cần phải đi tìm lý do đó nơi ý của tác giả. Truyền thống Gioan đã cho thấy họ chỉ muốn thêm vào trong cuốn tin mừng những điều các nhà Nhất lãm không đề cập tới. Truyền thống cũng thấy việc thiết lập thánh lễ đã được chứng giám rõ ràng với truyền thống Nhất lãm cũng như truyền thống đến từ Phaolô, và nghi thức thánh lễ cũng đã được tái lập lại trong các cộng đoàn tiên khởi.
Vì thế dù không nói đến việc thiết lập thánh lễ trong bữa tiệc ly, nhưng tin mừng Gioan cũng thêm vào đó hai điều thiết yếu :
- Trước hết, tin mừng phản ảnh lời loan báo đầu tiên về thánh thể trong hội đường Capharnaum sau phép lạ làm bánh hóa nhiều, thường được gọi « diễn từ về bánh » hay « diễn từ tại hội đường Capharnaum » trong chương 6 tin mừng Gioan. Trong cách trình bày phép lạ, Gioan ghi Đức Giêsu lấy bánh và « tạ ơn » (6,11) cho thấy kinh nguyện của Người về thánh lễ. Trong bài diễn từ mạc khải ý nghĩa phép lạ (6,26-58), Đức Giêsu biểu lộ ý của Người trao ban thịt làm của ăn và máu làm của uống. Một ý nguyện rõ ràng vì Người cũng nói sự cần thiết của bữa ăn đó để được cuộc sống vĩnh cửu. Ngoài ra, Đức Giêsu cũng nhấn mạnh đến tương quan giữa thánh lễ và sự nhập thể khi Người khẳng định bánh từ trời xuống hay bánh hằng sống. Mình và máu Đức Kitô sẽ được trao ban trong tình trạng vinh quang và tràn ngập cuộc sống Thánh Thần « Ðiều ấy làm cho các ngươi gai chướng ư? Vậy nếu các ngươi trông thấy Con Người lên nơi Ngài đã có trước...? Thần khí mới tác sinh, xác thịt thì không ích gì. Lời Ta đã nói với các ngươi là Thần khí và là sự sống » (6,61-63). Đó là ý nghĩa căn bản của bữa tiệc thánh thể. Thêm nữa, Đức Giêsu còn muốn cho hiểu hy lễ bao hàm trong bữa tiệc đó với câu : « Và bánh Ta sẽ ban, ấy là thịt mình Ta vì sự sống thế gian » (6,51). Lời trên rất gần với công thức thánh hiến bánh, vì « chính mình ta cho cuộc sống của thế gian » tương ứng khá sát với « đây là mình ta, được trao ban cho anh em ». Lời hứa thánh thể chứa đựng tất cả những gì sẽ được thực hiện trong việc thiết lập thánh lễ, và ta hiểu tại sao truyền thống Gioan không viết lại việc thiết lập thánh lễ.
- Điểm thứ hai Gioan thêm vào cũng quan trọng. Tin mừng Gioan cho biết một số hành vi và lời nói đánh dấu bữa tiệc ly. Gioan có trình thuật Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ nơi chương 13,1-20. Nhiều tác giả nhìn nhận trình thuật này trong tin mừng Gioan tương đương với trình thuật thiết lập thánh lễ trong tin mừng Nhất lãm. Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ trong một bữa ăn. Một hành vi cuối cùng của Đức Giêsu trong đời hoạt động công khai, nằm trong bối cảnh của lễ Vượt qua và trước cái thảm họa thương khó. Trước tiên trình thuật có lời dẫn nhập vào khung cảnh với câu 1-3 « Trước lễ Vượt Qua, Ðức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng. Trong bữa ăn tối, ma quỷ đã gieo vào lòng Giuđa, con ông Simon Ítcariốt, ý định nộp Ðức Giêsu. Ðức Giêsu biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa… ». Sau đó có cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và ông Simon-Phêrô (13,6-11). Chấp nhận cho Đức Giêsu rửa chân được trình bày như một ẩn dụ sự « tham gia » của người môn đệ vào chính bản thể Đức Kitô như người đầy tớ sẽ được biểu lộ rõ ràng hơn trong giờ thập giá « Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu » (13,6) ; « Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy » (13,8). Ngoài ra dưới hình thức một diễn từ cho cả nhóm (13,12-20) Đức Giêsu mời gọi các môn đệ bắt chước hành vi của Người, và phải lập lại hành vi đó bằng cách rửa chân cho nhau « Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em » (13,15).
Sau khi rửa chân cho các môn đệ Đức Giêsu đã giải thích bữa tiệc thánh thể. Từ thánh lễ, Đức Giêsu đưa ra những điểm chính về giáo thuyết của Người như một lề luật mới là tình yêu. Kinh nguyện kết thúc lời giảng dạy làm sáng tỏa của lễ và tạ ơn là hai yếu tố quan trọng của thánh lễ (Gioan 17,1-26).
Vì thế có thể nói tác giả Gioan giúp ta khám phá rõ ràng hơn về thánh lễ như mầu nhiệm thánh vĩnh cửu thấm nhập vào môi trường nhân loại. Ngay từ trong « Lời tựa » Gioan đã nói Ngôi lời đã trở nên người phàm. Người có một cuộc sống con người như tất cả chúng ta, cũng là cuộc sống trao ban lương thực trong thánh lễ. Trong diễn từ về bánh hóa nhiều, Gioan nhấn mạnh cái vĩnh cửu của cuộc sống thông ban qua thánh lễ. Thật vậy, ai ăn thịt Con người có cuộc sống vĩnh hằng (6,54). Đó là thịt trong tình trạng vinh quang, được Thần Khí làm cho có sinh khí. Sự truyền thông cuộc sống vĩnh cửu cho thấy cái lớn lao của thánh lễ, vì sự vĩnh cửu thuộc về Con người thâm nhập vào tâm hồn nhân loại.
Lm Thêôphilô.