Thứ Ba, 31 Tháng Bảy, 2012

Dọn đến nhà mới

Dọn đến nhà mới

Etopia viết "Bầy thỏ quả là đã sửng sốt!... Bấy lâu nay, thấy cổng cối xay đóng im ỉm, cỏ mọc lấn chân tường và nền nhà, thỏ ta cứ ngỡ cái giống người xay bột thế là đã tuyệt diệt, chẳng còn ai. Và, thấy được chỗ tốt, chúng bèn biến nó thành một đại bản doanh, một trung tâm hoạt động chiến lược: cái cối xay Jemmáp của bầy thỏ... Đêm đầu tiên tôi đến đây, thật chẳng dám nói ngoa, có tới hai chục chú thỏ ngồi quây tròn trên nền nhà xay đang duỗi cẳng sưởi ánh trăng lọt vào... Cánh cửa trên mái vừa hé mở thì frrựt! ... Đám quân đồn trú tán loạn và cả một bầy mông thỏ trắng phơi ra, cong đuôi chạy biến vào bụi rậm. Tôi rất mong chúng quay lại. Có một gã cũng hết sức sững sờ khi thấy tôi: đó là gã ở thuê trên tầng thứ nhất, một con cú già hiểm độc, đầu cúi xuống trầm tư như một nhà tư tưởng đã thường trú tại chiếc cối xay này hơn hai chục năm nay. Tôi đã bắt gặp gã trong căn buồng trên gác; gã đứng không nhúc nhích, sừng sững trên trục cái cối xay, giữa đống gạch ngói tả tơi rơi rụng xuống. Gã trợn tròn mắt ngó tôi một lát, rồi hốt hoảng vì không nhận ra tôi là ai, gã cất tiếng kêu: “Hu! Hu!” và uể oải giũ đôi cánh xám bụi.

Những nhà tư tưởng kì quái, có bao giờ họ chải chuốt!... Cũng chẳng sao! Với cái dáng điệu như vậy, với cặp mắt nhấp nháy và bộ mặt khó đăm đăm, gã ở thuê lầm lì này lại làm tôi ưa hơn ai khác và tôi vội ra hạn hợp đồng thuê nhà cho gã. gã lại giữ nguyên như cũ cả cái tầng trên chiếc cối xay có lối thông ra mái, còn tôi thì giành cho mình tầng dưới, trong một căn buồng hẹp quét vôi trắng, thấp và xây vòm cuốn như nhà ăn tu viện. Chính từ chỗ này đây mà tôi viết thư cho bạn, cánh cửa lớn mở toang đón ánh mặt trời ấm áp. Một khu rừng thông xinh đẹp chói chang ánh sáng chạy thoai thoải trước mặt tôi đến tận chân đèo. Phía chân trời in hình những đỉnh nhọn dãy Alpi... Không một tiếng động... Xa xa văng vẳng tiếng sáo, tiếng chim mỏ nhát trong búi oải hương, tiếng nhạc la trên đường cái quan... Tất cả cảnh vật nên thơ xứ Prôvăngxơ này chỉ sống nhờ ánh sáng. Bạn tính, như vậy thì giờ đây làm sao tôi luyến tiếc được cái thành phố Pari ầm ĩ và tối tăm? Tôi mới thật dễ chịu trong chiếc cối xay của tôi chứ! Thật là tuyệt, cái nơi mà tôi hằng tìm kiếm: một góc nhỏ không gian ngào ngạt hương thơm và ấm áp, cách xa hàng ngàn dặm với báo chí, với ngựa xe, với sương mù... Và còn biết bao cái tốt đẹp ở quanh tôi. Mới đến đây chưa đầy tám ngày mà đầu óc tôi đã chan chứa cảm xúc và những điều ghi nhớ mãi. Này nhé! Vừa chiều hôm qua thôi, tôi đã chứng kiến cảnh đàn gia súc trở về một trang trại dưới chân đèo và xin thề với bạn rằng tôi không đời nào chịu đem cảnh tượng này đổi lấy tất cả những buổi trình diễn lần đầu những vở mới trong tuần ở các rạp hát Pari đâu. Bạn cứ thử ngẫm mà xem.

Cần phải nói với bạn rằng, ở xứ Prôvăngxơ, thường cứ đến mùa nóng là người ta lùa súc vật lên núi Anpơ. Vật và người sống giữa trời, cỏ ngập đến tận bụng, suốt năm sáu tháng liền trên vùng cao, rồi vừa gợn heo may đầu thu là người ta xuống núi trở lại các trang trại và bầy súc vật lại quay về gặm cỏ thảnh thơi trên những trái đồi màu xám sực nức hương mê điệt... Thế là chiều qua đàn cừu đã trở về. Từ sáng sớm, cổng trang trại đã mở toang hai cánh đón chờ, chuồng nào chuồng ấy đã đầy ắp rơm tươi. Chốc chốc, người ta kháo nhau: “Lúc này họ đã tới Âyghie”. “Lúc này, họ đã ở Parađu”. Rồi thình lình vào buổi chiều, vang lên một tiếng reo to: “Họ kia rồi!” và từ xa, chúng tôi thấy đàn cừu tiến lại trong đám bụi mù rạng rỡ. Cả con đường cái quan tuồng như cũng rình rịch theo bước đi của chúng... Đi đầu là những con cừu đực già, sừng giương ra phía trước, vẻ hoang dã; đằng sau cúng là đông đảo họ nhà cừu; những cừu mẹ dáng hơi mệt nhọc, cừu con chạy quanh dưới chân, những con la cái cài hoa bông đỏ đung đưa theo nhịp bước đựng những chú cừu non mới đẻ, rồi đến những con chó đẫm mồ hôi, lưỡi thè lè sát đất và sau cùng là hai ông mãnh chăn cừu lực lưỡng trùm chiếc áo khoác bằng len thô màu đỏ hoe dài chấm gót như chiếc áo thụng. Tất cả cùng tưng bừng diễu qua mặt chúng tôi rồi chìm ngập vào sau cổng lớn, sầm sập như trời đổ mưa rào... Hãy xem cảnh trang trại xốn xang đến thế nào. Những con ngỗng lớn màu xanh lam và vàng óng, màu như vải lưới, đậu ngất nghểu trên cây sào cao nhận ra những kẻ mới trở về và cất tiếng kèn chào rầm rĩ. Nhà gà đang ngủ giật nảy mình thức giấc. Hết thảy đều bật dậy: nào chim câu, nào vịt, nào gà tây, gà Nhật Bản. Cả đàn gia cầm như hóa rồ, hóa dại; đám gà mái bàn nhau thức thâu đêm!... Cứ như mỗi con cừu đã mang theo về trong bộ lông của nó cùng với hương vị hoang dã của núi Anpơ một chút khí trời của cao nguyên làm hết thảy đều ngây ngất và muốn nhảy múa.

Đàn cừu trở về chuồng trong cảnh tưng bừng náo nhiệt ấy. Còn gì thú vị bằng cái việc sắp xếp nơi ăn chốn ở này. Lũ cừu đực già xúc động thấy lại máng ăn cũ của chúng. Còn bầy cừu con, những con vật bé tí teo mới sinh ra trong cuộc hành trình, chưa bao giờ biết đến trang trại thì ngơ ngơ ngác ngác ngó quanh. Nhưng cảm động nhất vẫn là nhìn đàn chó, những con chó canh cừu dũng cảm đang còn bận tíu tít bên những con cừu của chúng như chả cần biết đến ai trong trang trại ngoài những con vật đó nữa. Mặc cho con chó giữ nhà lên tiếng gọi từ trong cũi, mặc cho chiếc thùng đầy tràn nước giếng trong, mát rượi ra hiệu chào mời, đàn chó vẫn bưng tai, bịt mặt cho đến khi bầy súc vật vào hết trong chuồng, chiếc then ngang to tướng cài vào cánh cửa nhỏ có chấn song và những chàng chăn cừu yên vị đâu đấy quanh chiếc bàn ăn ở một căn phòng thấp. Chỉ đến lúc ấy chúng mới chịu về cũi và tại đây vừa tợp tợp chậu xúp, chúng vừa kể cho lũ bạn ở nhà nghe chúng đã làm gì trên núi cao, ở một vùng âm u có chó sói và những bông hoa đèn lồng đại đỏ thắm ứ đầy sương."

Daudet, Alphonse

Truyện khác

Kinh Lạy Nữ Vương

Kinh Lạy Nữ Vương

02/09/2024

Thưa cha, tại sao trong kinh Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành... mà lúc thì gọi Mẹ Maria là Mẹ, lúc thì gọi là Bà? Có ý nghĩa gì và tại sao?

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art