Thứ Năm, 23 Tháng Tám, 2012

Khung Cửa Hẹp : La porte étroite (phần 1)

Khung Cửa Hẹp : La porte étroite

André Gide (Dịch giả: Bùi Giáng)

 

Tiểu sử André Gide

1869 : sinh ra đời tại Paris.

1891 : gặp Mallarmé lần đầu.

1893 : sang Bắc Phi.

1895 : cưới cô em họ Madeleine Rondeaux, một người đàn bà có tính chất giống nhân vật Alissa trong La Porte Étroite.

1926-1927 : du lịch qua Congo.

1936 : du lịch qua Nga.

1938 : Madeleine Rondeaux qua đời.

1942 : sang Bắc Phi.

1947 : nhận giải Nobel.

1951 : mất tại Paris.

 

Lời nói đầu

 Ai đẩy Thuý Kiều vào lầu xanh? Ai xô Alissa vào khung cửa hẹp? Định mệnh hay nghi ngẫu? Hoàn cảnh xã hội, tư tưởng tôn giáo, hay ý thức quyết tuyển tự do của con người, hay tâm thức của thiên tài sáng tác? Hay mọi thứ đó phối hợp?

Ta tạm nói theo lối hồ đồ: chính Nguyễn Du đã đẩy Kiều vào lầu xanh; chính Gide đã xô Alissa vào khung cửa hẹp. Để làm gì?

Vào phong trần, Thuý Kiều té sấp ngửa, mình mẩy đầy bụi, xiêm áo đảo điên, bị tước đoạt mọi quyền sống, chính khi đó Nguyễn Du lại đề huề đưa đức lý công thức ra khuyên giải; nhưng tại sao trong lời tương nhượng ôn tồn, bỗng dưng toàn thể vấn đề tư tưởng được đặt trở lại với xã hội Á Đông?

Bước vào khung cửa hẹp băng tuyết, nằm chết lạnh giữa niềm trinh bạch cóng giá chơi vơi, tiếng than dài của Alissa bỗng báo hiệu cho xã hội Tây Phương biết rằng họ đã sống dở chết dở, suốt hai nghìn năm. Nghĩa là kể từ ngày những tiếng nói dậy từ nguồn sống thiên thu bị nhân gian hiểu theo lối hẹp hòi công thức.

Đứng ở bình diện tư tưởng khác, chúng ta lại còn nghe ra ngôn ngữ hư vô bàng bạc. Gide cũng như Nguyễn Du đều suy tưởng lẽ hư vô đến tột vời, và còn đi xa hơn (*) hơn những thiên tài như Neitzsche, nhìn thấy chân trời phối hợp của hư vô và vĩnh thể, bắt gặp Lão Tử, Thích Ca, Perménide, Homère aède Hy-Lạp và người dân quê Việt Nam.

Gió đưa cơn buồn ngủ lên bờ

Nhà khung cửa hẹp có ai ngờ chi không?

Và lời tựa đến đây chưa có kết thúc.

Tuy nhiên, cũng có thể kết thúc bằng lục bát thạch lựu mùa hè:

 Lựu hoa đầu ngõ lập lòe

Dưới hoa quyên đã gọi hè thế ru

Trong hoa phát tiết sa mù

Mùa dâng nhị bội sương phù du tuôn.

 BÙI GIÁNG

Chú thích:

(*) Ấy có nghĩa là "về gần" (Đi xa hơn - ấy có nghĩa là: về gần hơn).

 

Chương 1

Kẻ khác có thể đã viết nên một tập sách; nhưng câu chuyện tôi kể ra đây, tôi đã hồi tưởng lại bằng cả tâm hồn, vì thế hiệu năng tinh thần đã mòn mỏi. Vậy tôi sẽ viết lại những kỷ niệm nầy một cách rất đơn sơ : thảng hoặc câu chuyện có rách nát đôi lần, cũng là việc ngoài ý muốn. Bịa đặt, thêm thắt, để vá víu những kỷ niệm, tiếp nối những kỷ niệm lại với nhau làm gì. Sự cố gắng trau chuốt lại câu chuyện sẽ làm hỏng mất nỗi hân hoan cuối cùng mà tôi còn mong được tìm thấy trở lại lúc kể cho bạn nghe.

Năm tôi sắp mười hai tuổi thì cha tôi mất. Không còn gì giữ mẹ tôi ở lại Havre nữa, cha tôi đã từng là một y sĩ nơi đây. Mẹ tôi bèn quyết định đến Paris, ở thủ đô việc học của tôi sẽ được chu đáo hơn. Người mướn một gian nhà nhỏ, gần vườn Luxembourg.

Cô Ashburton cùng đến ở với chúng tôi. Cô Flora Ashburton, không gia đình, họ hàng, vốn từ xưa đến ở với gia đình tôi, ban đầu cô là cô giáo của mẹ tôi, rồi bạn của mẹ tôi, sau cùng hai người trở thành thân thiết. Tôi lớn lên bên cạnh hai người đàn bà dịu dàng cùng mang một vẻ buồn sầu như nhau, mà ngày nay tôi chỉ còn gặp lại trong kỷ niệm màu tang. Ngày nọ, có lẽ sau khi cha tôi mất khá lâu, mẹ tôi đổi miếng tang đen trên chiếc mũ của người, bằng một miếng vải tím nhạt.

Tôi ngạc nhiên : "Ồ, mẹ ạ ! Màu tím coi không hợp với mẹ tí nào cả".

Qua ngày hôm sau, mẹ tôi thay lại màu vải đen cũ.

Ngày nhỏ tôi ốm yếu luôn. Mẹ tôi và cô Ashburton, luôn luôn lo ngừa không cho tôi nhọc mệt, nếu không làm tôi trở thành một thằng lười, ấy quả thật vì tôi vốn ham thích làm việc. Khi trời chói chang bắt đầu vào hạ, cả hai người đàn bà cùng nghĩ rằng nên cho tôi từ giã đô thành, tôi đã quá xanh xao; thế là vào khoảng trung tuần tháng sáu, gia đình tôi thu xếp về miền Fongueusemare gần hải cảng Havre, cậu Bucolin sẽ đón tiếp chúng tôi tại đây hằng năm, khi trời bắt đầu vào hạ.

Trong một khu vườn không rộng, không đẹp lắm, không có gì đặc biệt hơn những khu vườn "normăng" (*) khác, ngôi nhà cậu tôi, màu trắng, hai tầng lầu, kiểu giống những ngôi nhà thôn dã thời trước. Vài chục cánh cửa sổ ở mặt vườn phía trước mở về hướng đông; phía sau cũng chừng ấy cánh; hai bên là vách cao. Những cửa sổ lắp bằng nhiều khuôn kính nhỏ hình vuông, một vài khuôn vừa thay mới, trông tươi thắm quá giữa những tấm cũ, nhạt màu. Đôi tấm xấu có bọt sủi, nhìn qua đó, thì cây bên ngoài xiêu vẹo cả thân... người phát thư đi ngang, thình lình như nổi bướu trên lưng.

Khu vườn hình chữ nhật, chung quanh là tường gạch. Đàng trước là một nội cỏ khá rộng, có bóng cây, lối đi trải sỏi, tường vôi được xây thấp xuống, nhìn qua thấy khu sân thôn trang bao quanh khu vườn; và một con đường đi giữa những hàng cây dẻ gai.

Khu vườn sau nhà có phần rộng rãi hơn. Lối đi đầy hoa nở bên những hàng cây trồng dựa vách tường nam. Hàng cây nguyệt quế rất dày che khuất gió biển về trên đó. Một lối khác, dọc theo tường bắc, mất hút trong cây lá rườm rà. Các cô em họ tôi gọi là "lối âm u". Vào lúc hoàng hôn, ít khi dám lang thang ra đấy. Hai lối đi cùng dẫn tới vườn rau, vườn rau tiếp khu vườn, và thấp hơn vài bệ gạch... Rồi bên kia bức tường cuối vườn rau - bức tường có chừa một cửa kín – là khu rừng nhỏ, hai con đường trồng dẻ gai dọc theo bờ chìm vào, mất hút bên trong. Từ bực thềm phía tây, nhìn qua khu rừng thấp, thấy lại dãy cao nguyên bát ngát và sườn đồi trồng ngũ cốc giăng giăng. Tại chân trời, xa xa, thoáng bóng ngôi nhà thờ của một thôn bản nhỏ. Những chiều về tĩnh mịch, đôi làn khói xám vươn lên.

Mỗi chiều hè, sau những buổi cơm tối, chúng tôi xuống chơi trong "vườn thấp". Chúng tôi lách qua cửa kín, tiến đến một cái ghế đá bên đường dẻ gai; ngồi đây có thể nhìn được cả xứ nầy; cậu tôi, mẹ tôi, và cô Ashburton ngồi xuống ghế đá, bên cạnh mái nhà tranh gần cái hầm đất vôi bỏ hoang đã lâu. Thung lũng nhỏ trước mặt, bàng bạc sương chiều. Nền trời vàng óng trên núi đồi xa xa... Chúng tôi vẫn còn dần dà mãi trong vườn... Trở vào nhà, nơi phòng khách, gặp lại mợ tôi; mợ tôi thường chả bao giờ cùng chúng tôi dạo vườn... Chúng tôi ở phòng riêng chong đèn đọc sách. Một lát khuya, chỉ còn tiếng chân mẹ, cậu, mợ, chậm rãi lên lầu về phòng riêng an giấc.

Ban ngày, không ở vườn, thì chúng tôi ở phòng văn của cậu tôi, có ghế bàn đầy đủ cho chúng tôi. Robert ngồi bên tôi, phía sau là Juliette và Alissa, Alissa lớn hơn tôi hai; Juliette nhỏ hơn tôi một; trong bốn đứa, Robert nhỏ nhất.

Tôi không kể lại nơi đây tất cả những kỷ niệm đầu tiên ngày nhỏ, tôi chỉ kể lại những kỷ niệm nào có liên hệ đến câu chuyện nầy thôi. Câu chuyện có thể nói là khởi đầu vào năm cha tôi mất. Có lẽ tình cảm tôi bị xáo trộn quá nhiều vì cái tang lớn, vì buồn riêng, vì nhìn thấy mẹ buồn, mà tâm hồn tôi dễ bị xúc động qua những niềm cảm mộ mới chăng ? Tuổi còn nhỏ, mà tôi đã sớm hiểu biết quá nhiều; và năm ấy, khi trở lại miền Fongueusemare, tôi thấy Robert và Juliette như càng nhỏ thêm ra, nhưng khi nhìn lại Alissa, đột nhiên tôi chợt hiểu rằng cả hai chúng tôi không còn trẻ con nữa.

Vâng, chính là vào năm cha tôi mất. Điều giúp tôi tin chắc ký ức mình không nhầm lẫn ấy là một mẩu chuyện, một vài lời đối đáp giữa mẹ tôi và cô Ashburton, sau khi chúng tôi tới nhà cậu. Tôi vào phòng riêng giữa lúc mẹ tôi đang nói chuyện với cô Ashburton; hai người đương nói về mợ tôi. Mẹ tôi tức giận tại sao mợ tôi không giữ tang phục, sao lại đoạn tang quá sớm (Riêng với tôi, thì không thể nào tôi hình dung được mợ Bucolin vận tang phục đen, cũng như không thể nào hình dung mẹ tôi vận đồ tươi thắm được). Ngày chúng tôi đến, tôi nhớ rõ là mợ Lucile Bucolin mặc một chiếc áo hàng mỏng rất thưa. Cô Ashburton, tính ưa hòa giải, gắng làm dịu lòng mẹ tôi; bà e dè nói :

- Kể ra màu trắng cũng là màu tang.

Mẹ tôi tức giận nói :

- Thế thì cái khăn quàng vai đỏ rực của nàng, chị cũng gọi là "màu tang" nữa chắc ?

Flora ! Chị làm tôi tức lắm !

Tôi chỉ gặp mợ tôi vào những ngày nghỉ học, chắc hẳn sự oi bức của mùa hè khiến mợ phải mặc hàng thưa, và chính lối ăn vận trống hở ấy càng làm mẹ tôi tức và khó chịu hơn là màu thắm của chiếc khăn quàng.

Lucile Bucolin rất đẹp. Một tấm ảnh của mợ, tôi còn giữ, gương mặt giống nguyên như thuở ấy, có vẻ trẻ đến nỗi ta có thể lầm tưởng mợ là chị cả của hai người con gái, chứ không phải là mẹ. Ảnh chụp Lucile ngồi trong dáng dấp quen thuộc : đầu tì trên tay trái, ngón út mềm mại gập về làn môi. Một chiếc lưới giữ mái tóc cong dầy xõa xuống gáy; một chiếc médaillon (**) khảm lối Ý, thõng buông từ chiếc vòng cổ lỏng bằng nhung đen, chỗ hở của áo cánh. Vòng cổ nhung đen, thắt "nơ" lỏng, chiếc nón rạ rộng vành, mềm dịu, càng làm cho vẻ mặt nàng thơ dại thêm ra. Bàn tay phải, buông xuôi, cầm một tập sách.

Lucile Bucolin vốn sinh ở thuộc địa và mồ côi rất sớm. Sau nầy mẹ tôi cho biết rằng thuở nhỏ Lucile bơ vơ, côi cút, được gia đình mục sư Vautier đem về nuôi. Thuở ấy, mục sư chưa có con, rồi sau nầy, khi rời xứ Martinique, vị mục sư đem nàng về Havre cùng với gia đình. Thế rồi hai gia đình Vautier và Bucolin giao thiệp nhau; cậu tôi thuở ấy đương là một thuộc viên cho một nhà băng ở ngoại quốc, và ba năm sau, khi trở về gia đình, cậu mới gặp Lucile. Cậu yêu ngay, và liền hỏi nàng làm vợ. Điều đó làm cho ông bà và mẹ tôi buồn phiền. Lucile mới mười sáu tuổi. Trong khoảng thời gian đó, bà Vautier hạ sinh được hai con, và bắt đầu lo sợ cho con mình trước cái ảnh hưởng của người chị nuôi, mà tính khí càng ngày càng tỏ ra kỳ quặc. Hơn nữa, của cải vị mục sư cũng chẳng có mấy. Tất cả những điều nầy, mẹ tôi kể lại để cho tôi biết rằng gia đình vị mục sư hân hoan biết mấy trước lời cầu hôn của cậu tôi. Điều tôi đoán biết là cô Lucile đã bắt đầu làm cho ông bà Vautier bối rối. Tôi cũng hiểu rõ đô thị Havre, để có thể tưởng tượng được thái độ của người ta đối với cô gái đầy quyến rũ ấy. Mục sư Vautier (sau nầy tôi được biết), vốn tính cẩn trọng, ôn hòa chơn chất, vốn không phương thế đối phó với những sự rối rắm, với những việc dữ - hẳn mục sư thấy bối rối mà không biết làm sao. Còn bà Vautier, thì tôi không rõ; bà mất đi lúc sinh hạ người con thứ tư, người đó sau nầy sẽ là bạn của tôi.

o0o

Lucile Bucolin ít khi tham dự vào nếp sống của chúng tôi; nàng ở phòng riêng, chỉ xuống sau buổi cơm trưa; nằm trên một chiếc tràng kỷ, hay trong một chiếc võng đong đưa, nằm mãi cho đến chiều, mới uể oải đứng lên. Đôi lúc nàng đưa khăn lên trán như để lau mồ hôi, chiếc khăn rất mịn, phảng phất mùi hương của một loại quả hơn là hương của một loại hoa, đôi khi nàng lấy trong dải lưng ra một cái gương bé tí có nắp bạc, cột chung với chiếc đồng hồ trái quít và vài vật nhỏ; nàng soi gương, đưa ngón tay sờ môi, lấy tí nước bọt thoa lên cuối mắt. Nàng hay cầm một quyển sách, gấp lại luôn, trong tập sách một miếng ngà đánh dấu chỗ đương xem, ngăn giữa những trang giấy. Đôi mắt mơ màng của nàng chả khi nào rời mộng để nhìn một ai. Có lúc, từ bàn tay uể oải, hoặc từ thành dựa của chiếc tràng kỷ, hoặc từ nếp jupe, chiếc mùi xoa của nàng chợt rơi xuống đất, hoặc quyển sách, hoặc một đóa hoa, hay mảnh ngà trong tập sách. Một ngày nọ, nhặt tập sách lên – đây là một kỷ niệm thuở nhỏ, tôi kể lại bạn nghe – tôi đỏ mặt khi thấy đó là một tập thơ.

Sau buổi cơm chiều, tối lại, Lucile Bucolin không lại bàn ngồi cùng chúng tôi, lặng lẽ đến bên dương cầm, thung dung đánh những bản Mazurkas (***) chậm rãi của Chopin, đôi lúc dứt bỏ nhịp đàn, nàng dừng lại trên một hài âm...

Tôi luôn luôn cảm thấy một sự khó chịu dị thường khi đứng gần người mợ tôi, một niềm gì xen lẫn, như bối rối, như hoang mang, vừa ngợi khen, vừa sợ hãi. Một bản năng sâu kín như bảo tôi phải e dè. Tôi cảm thấy hình như nàng khinh thường Miss Ashburton, khi dể mẹ tôi, và Miss Ashburton như sợ nàng, còn mẹ tôi không ưa gì nàng lắm. Lucile Bucolin ạ, tôi muốn không giận nàng nữa, tôi muốn trong giây lát tạm quên rằng người đã gây quá nhiều tai họa... dù sao tôi cũng sẽ cố gắng điềm tĩnh nói về người, không giữ niềm oán hận chi.

Ngày hè năm ấy – hay là của năm sau, tôi không nhớ rõ, vì trong khung cảnh mãi mãi giống nhau, đôi khi những kỷ niệm của tôi chan hòa nhau lộn xộn – ngày nọ tôi vào sa-lông tìm một quyển sách, Lucile ở trong phòng. Tôi định quay ra ngay; thường ngày nàng chẳng bao giờ nhìn thấy tôi, bỗng nhiên nàng gọi :

- Jérôme, sao lại vội ra ngay thế ! Tôi làm cháu sợ phải không ?

Tôi hồi hộp tiến lại gần nàng, gắng mỉm cười, đưa tay cho nàng bắt. Nàng nắm giữ tay tôi, và vuốt má tôi :

- Sao mẹ cháu lại cho ăn mặc tệ thế nầy ? Tội nghiệp !

Đó là một chiếc áo va-rơ cổ lớn, và mợ tôi bắt đầu vò nhàu nát cả.

- "Cổ va-rơ lính thủy mặc hở hơn kia ! Nàng làm sổ tung một chiếc cúc áo – "Nào, cháu xem có phải như thế nầy trông đẹp hơn không ?". Và nàng lấy chiếc gương nhỏ ra, kéo khuôn mặt tôi sát lại mặt nàng, đưa cánh tay trần quàng qua cổ tôi, đưa tay thò vào phía trong áo sơ mi trắng, vừa cười vừa hỏi tôi có thấy nhột không, đi xa hơn nữa... Tôi hốt hoảng lên... Chiếc áo va-rơ rách toang cả; tôi đỏ mặt tía tai bỏ chạy trốn, trong khi nàng rủa :

- Ồ ! Ngu xuẩn thế là cùng !

Tôi chạy đến cuối vườn; lấy mù- xoa nhúng vào bể nước mưa, đưa lên lau trán, chà xát mặt, má, cổ, tất cả mọi nơi mà người đàn bà quái gở ấy đã sờ mó.

Có đôi ngày, Lucile Bucolin "trở chứng". Cơn bệnh phát thình lình, thế là cả nhà nhộn cả lên. Cô Ashburton vội đem bọn trẻ con đi chăm giữ chúng; nhưng không thể nào làm át được những tiếng kêu ghê sợ từ sa-lông hoặc phòng ngủ vẳng ra. Cậu tôi cuống lên, chạy khắp hành lang, tìm khăn lau, tìm eau de cologne, tìm e-the; buổi cơm tối, không có mặt mợ, trông cậu tôi già đi và lo âu vô hạn.

Khi cơn trở chứng tạm qua, Lucile Bucolin gọi các con lại bên mình, Robert và Juliette. Không bao giờ kêu Alissa. Những ngày u ám ấy, Alissa đóng kín cửa phòng, và đôi khi cậu tôi đến với con; cậu hay nói chuyện với Alissa lắm.

Những cơn bệnh của mợ tôi kích động bọn gia nhân rất nhiều. Một buổi chiều nọ cơn chứng phát lên mãnh liệt khác thường; khi tôi cùng mẹ tôi ở trong phòng, nơi đây người ta ít nghe những chuyện xảy ra ở sa-lông, chúng tôi bỗng nghe chị bếp chạy trong hành lang kêu rối rít :

- Mời ông xuống gấp, bà chết đến nơi !

Cậu tôi đương ở trên phòng Alissa; mẹ tôi cũng đổ xô ra khi cậu tôi xuống. Mười lăm phút sau, hai người đi ngang trở qua cửa sổ mở mà không để ý gì, tôi nghe rõ giọng mẹ tôi :

- Cậu có muốn nghe tôi nói thật không : tất cả đều là đóng trò đấy thôi, cậu nhé – Và nhiều lần, mẹ tôi nhấn mạnh từng lời : đóng-trò-cả-đấy-thôi.

Việc nầy xảy ra khoảng cuối hè, đúng hai năm sau cái tang lớn của tôi. Tôi sẽ không gặp lại mợ tôi một thời gian lâu lắm, nhưng trước khi nói đến biến cố đau buồn xảy đến làm đảo lộn gia đình, và một chút chuyện nhỏ xảy ra không bao lâu trước lúc chung cục đã làm cho niềm phức tạp mơ hồ của tôi đối với Lucile Bucolin trở thành sự oán ghét hoàn toàn – tôi tưởng đã đến lúc phải nói nhiều về cô em họ của tôi.

Alissa Bucolin thật là xinh đẹp, đó là điều thuở ấy tôi chưa biết nhận ra; tôi thấy quyến luyến nàng là do một cái duyên mặn mà nào khác hơn là vì sắc đẹp. Alissa rất giống mẹ; nhưng đôi mắt của nàng có một vẻ nhìn khác hẳn, khác nhiều lắm, cho đến nỗi tôi có nhận ra nàng giống mẹ, là chỉ sau nầy thôi. Tôi không thể tả một gương mặt; bảo tả cho rõ những nét đặc biệt nào của một gương mặt thì tôi xin chịu. Cả đến màu sắc của những đôi mắt cũng thế. Ngày nay nói đến gương mặt nàng thì tôi chỉ hình dung được nụ cười đã sớm mang vẻ buồn sầu trên đôi môi, và hai đường lông mày lá liễu cong vòng cao dị thường trên đôi mắt. Tôi chưa nhìn thấy những đôi mắt như thế bao giờ. Ồ, mà có chứ : trên một chiếc tượng Ý nhỏ thuộc thời đại Dante; và thế là tôi tin rằng chắc hẳn Béatrix thuở bé cũng có những đôi mày cong vòng cao như thế. Và do đó, cái nhìn của nàng có vẻ vừa như hỏi han, vừa như băn khoăn, vừa như tin cậy, một vẻ đợi chờ thắc mắc chất vấn thiết tha. Tôi sẽ có dịp nói cho bạn rõ vì sao cái nhìn ấy sau nầy sẽ chiếm cứ trọn cuộc đời tôi.

Juliette có lẽ đẹp hơn chị; sự vui tươi, khỏe mạnh làm sáng ngời sắc đẹp của nàng; nhưng bên cạnh cái duyên mặn mà của Alissa, thì sắc đẹp cô em có vẻ thiếu phần kín đáo, như phơi mở hết ra ngoài. Còn chú em Robert, thì chả có gì đặc biệt. Đấy là một chú bé gần cùng tuổi tôi. Tôi chơi đùa với Juliette và Robert; với Alissa, tôi trò chuyện; nàng chẳng bao giờ tham dự những cuộc chơi của chúng tôi; dù lùi về xa bao nhiêu trong quá khứ, tôi vẫn nhìn thấy một gương mặt đoan trang, dịu dàng mỉm cười trầm mặc. Chúng tôi nói những chuyện gì ? Hai đứa trẻ con có thể trò chuyện những gì ? Tôi sẽ cố gắng thuật lại, mà trước hết, tôi muốn trở lại câu chuyện mợ tôi một lần nữa cho xong, để từ nay khỏi phải còn bận tâm đến nữa.

Hai năm sau ngày cha tôi mất, tôi cùng mẹ trở về Havre trong dịp lễ Phục sinh. Hai mẹ con không trọ nhà cậu Bucolin, vì nhà ở phố vốn không rộng rãi gì mấy, mà trọ nhà một người chị của mẹ tôi, ở đây nhà cửa, vườn tược rộng rãi hơn. Dì Plantier ít khi tôi gặp; dì góa bụa từ lâu; những người con của dì, tôi không quen biết mấy, họ lớn tuổi hơn tôi nhiều, tính tình cũng khác. Nhà dì Plantier không ở hẳn trong đô thành, mà ở lưng chừng một ngọn đồi khá cao, nơi đây nhìn khắp được đô thị. Cậu Bucolin thì lại ở gần khu náo nhiệt; đi từ nhà cậu sang nhà dì phải theo một con đường dốc; cứ thế mỗi ngày nhiều bận tôi lại leo xuống, leo lên.

Hôm đó, ăn trưa tại nhà cậu xong, tôi đưa cậu đến sở rồi trở về nhà dì Plantier tìm mẹ, thì mẹ cùng dì có việc phải đi, đến tối mới về. Tôi lại xuống phố. Ít khi tôi được đi chơi tự do một mình. Tôi ra bến tàu, lúc bấy giờ sương mù giăng khắp. Cảnh vật hắt hiu buồn. Tôi lang thang một vài giờ trên những bờ ke. Bỗng nhiên tôi nảy ra ý muốn đột ngột trở về nhà cậu làm cho Alissa ngạc nhiên chơi... Tôi chạy bay qua phố, đến nhà, tôi vụt lên cầu thang. Người vú mở cửa, cản đường tôi, rối rít bảo :

- Đừng lên, đừng lên, cậu Jérôme ạ ! Đừng lên : bà đương trở chứng.

Nhưng tôi có kể gì. Tôi có đến tìm mợ đâu.

Phòng Alissa ở tầng thứ ba. Tầng thứ nhất là sa-lông và phòng ăn, tầng thứ nhì là phòng của mợ tôi, phát ra nhiều giọng nói. Cửa phòng mở, ánh sáng chiếu ra; làm sao băng ngang qua bây giờ, lỡ người ta thấy... Tôi lưỡng lự giây lát, lẩn mình vào tường, và sững sờ nhìn thấy một cảnh tượng : giữa phòng có màn rủ xuống, có hai ngọn bạch lạp gieo ánh sáng tươi vui, mợ tôi nằm trên chiếc trường kỷ; dưới chân là Robert và Juliette; phía sau mợ tôi, có một người con trai lạ mặt vận quân phục cấp trung úy. Ngày nay nghĩ lại, tôi thấy sự có mặt Juliette và Robert trong gian phòng lúc ấy là một điều quái gở; nhưng thuở đó còn ngây thơ, lại lấy thế làm an lòng. Chúng vừa cười vừa nhìn người lạ mặt. Hắn lấy giọng du dương nắn nót :

- Bucolin ! Bucolin !... Nếu tôi có một con cừu, ắt là tôi sẽ gọi nó bằng cái tên Bucolin.

Cả mợ tôi cũng cười rộ lên. Bà đưa một điếu thuốc, hắn bật diêm châm rồi đưa cho nàng hít vài hơi. Điếu thuốc rơi xuống đất. Hắn với tay nhặt lên, làm bộ vướng chân té xuống, quỳ gối trước mặt mợ tôi... Nhờ cái trò lố bịch ấy, tôi băng mình qua không ai hay biết.

Tôi đã đến trước cửa phòng Alissa. Tôi dừng lại. Chờ giây lát. Tiếng cười nói vẫn còn vẳng lên tự tầng lầu dưới; có lẽ vì thế tiếng gõ cửa của tôi bị át đi, không nghe được lời đáp. Tôi đẩy cửa bước vào. Gian phòng quá tối, nên tôi không nhận thấy ngay Alissa đương quỳ trên đầu giường, quay lưng về phía cửa. Nàng ngoảnh mặt lại, nhưng vẫn không đứng lên, khi tôi đến gần; nàng âm thầm hỏi nhỏ :

- Ồ, Jérôme anh còn trở lại làm gì ?

Tôi cúi xuống hôn nàng; gương mặt Alissa nhòa cả lệ.

Giây phút ấy định đoạt hết cả đời tôi; ngày nay nhớ lại, tôi còn thảng thốt, bàng hoàng. Thuở ấy tôi đâu hiểu hết được nguyên do nỗi thống khổ của Alissa, nhưng tôi cảm thấy xót xa rằng nỗi đau đớn ấy quá mãnh liệt đối với nàng, một tâm hồn hồi hộp hoang mang, một tấm thân yếu đuối đương run rẩy trước cuộc đời.

Tôi vẫn đứng yên. Alissa vẫn quỳ mãi.

Tôi không thể nói cho nàng hay nỗi rung động của lòng mình khi đó; tôi ôm đầu nàng nép vào ngực tôi, và đặt môi mình lên trán đó. Lòng ngập yêu thương, tôi kêu gọi Thượng Đế chứng tri cho lòng tôi và xin nguyện đem phụng dâng hồn phách, không còn biết đời mình có mục đích nào khác hơn là che chở người em gái trước cuộc đời tàn ác, xấu xa. Tôi quỳ xuống nguyện cầu, bàng hoàng nghe nàng nói :

- Jérôme ! Người ta không thấy anh lên chứ phải không ? Thôi anh đi đi ! Làm sao đừng để cho ai trông thấy anh nhé. Rồi thấp giọng hơn :

- Jérôme, đừng kể lại cho ai nghe hết. Ba em không hay biết gì đâu.

Tôi nghe lời nàng. Tôi không kể lại cho mẹ tôi; nhưng những lời thì thầm bàn tán liên miên giữa dì Plantier và mẹ tôi, vẻ bí mật, lo âu, đau buồn của hai người, và câu "Con ơi đi chơi chỗ khác", mỗi lần tôi tiến lại gần, tất cả cho thấy rằng hai bà không phải hoàn toàn không hay biết gì về sự bí ẩn trong gia đình cậu tôi.

Chúng tôi vừa trở lại Paris, thì một bức điện tín gọi mẹ tôi về lại Havre gấp : mợ Bucolin đã bỏ trốn đi !

- "Trốn đi với một người nào, phải không ?"

Tôi hỏi Miss Ashburton .

- Cậu ạ, cậu sẽ hỏi điều ấy với má cậu; riêng tôi, không thể nói gì cho cậu được; bà buồn rầu trả lời, và chính bà cũng kinh ngạc khi nghe được tin trên.

Hai ngày sau, cô và tôi cùng trở lại Havre vào một ngày thứ bảy. Tôi sẽ gặp lại hai cô em thân mến ở nhà thờ, chỉ một điều ấy thôi là xui tâm trí tôi náo nức. Tôi không bận tâm mấy tí về việc mợ tôi bỏ đi, và quyết không hỏi gì mẹ tôi cả.

Trong ngôi nhà thờ nhỏ sáng hôm ấy, người đi xem lễ lưa thưa. Mục sư Vautier, như có dụng ý, đem những lời sau của Chúa Jésus ra giảng : con hãy cố gắng bước vào, qua khung cửa hẹp.

Alissa ngồi trước, cách vài hàng ghế. Tôi nhìn nàng chăm chăm. Tôi quên hết trời đất, tôi quên hết thân mình, cho đến nỗi những lời mục sư nói, và tôi thiết tha nghe, tưởng chừng như xuyên qua hình hài thịt xương Alissa mà vọng tới.

Mục sư đọc trọn cả đoạn thánh kinh : "Con hãy gắng tiến vào, qua khung cửa hẹp, vì cửa rộng và đường thênh thang dẫn đến nơi tai họa, đễn chỗ trầm luân, có biết bao kẻ đã đi qua rồi, nhưng nhỏ hẹp mới là khung cửa, là con đường dẫn tới Đời Sống, và rất ít kẻ tìm ra". Rồi xác định những đoạn mục của vấn đề, ban đầu mục sư nói đến con đường thênh thang... Tinh thần như chìm trong cơn mộng, tôi hình dung căn phòng của mợ tôi; tôi thấy lại trong tâm trí, mợ tôi nằm dài, cợt cười với người trai trẻ lạ mặt. Chàng ta cũng cười. Và từ đó, ý niệm về tiếng cười, về niềm vui thôi, cũng đã trở thành khó chịu, như có gì xúc phạm tai hại tổn thương, như đó là vô độ tràn bờ của tội lỗi.

"Có biết bao kẻ đã đi qua", vị mục sư lặp lại; đoạn ông mô tả, trong khi tôi như thấy số người đông đảo xa hoa, lòe loẹt, đú đởn, kẻ trước người sau dập dìu tiến thành một đoàn dài liên tiếp, và tôi thấy mình không thể, mình không muốn xen vào với họ mà đi, mỗi bước đi cùng họ sẽ làm tôi cách biệt Alissa lần lần. Rồi vị mục sư trở lại câu đầu của đoạn Thánh kinh. Tôi thấy khung cửa hẹp như hiển hiện trước mắt mình. Trong cơn mộng tê mê, tôi hình dung nó như một thứ máy dát kim loại, mà tôi phải cố gắng lách mình qua với nỗi đau đớn dị thường, chan hòa một niềm vui vô hạn vì tiên cảm sự toàn phúc ở Thiên đường cực lạc mai sau. Thế rồi cái khung cửa hẹp lại trở thành chính khung cửa phòng Alissa; muốn đi vào, tôi phải thu mình lại, trút bỏ hết mọi niềm vị kỷ, cá nhân... "Vì chưng, nhỏ hẹp mới chính là đường dẫn tới Nguồn Sống", vị mục sư vẫn tiếp tục giảng, và tôi thấy ở phía bên kia bao nhiêu khổ hạnh, bao nhiêu đau buồn, còn một niềm vui khác, thuần túy, siêu nhiên, mà cả linh hồn tôi đương bắt đầu chờ mong, khát vọng. Niềm vui ấy như một giọng đàn vừa gắt gay vừa êm dịu, như một ngọn lửa thiêu đốt buồng tim của Alissa và của tôi. Chúng tôi tiến lên vận toàn y phục trắng như lời thiên mặc thị trong Thánh kinh, chúng tôi nắm tay nhau cùng đăm đăm nhìn một đích... Nếu những mộng tưởng đầu tiên ấy có làm bạn buồn cười thì cũng được. Tôi vẫn xin kể lại như thường, không muốn thêm bớt gì cả. Nghe có lẽ mơ hồ hỗn độn, ấy chỉ bởi ngôn từ và hình ảnh không đủ sức phô diễn một xúc cảm xác thực, thiết tha.

- "Và rất ít kẻ tìm ra", vị mục sư kết luận. Ông giải thích kỹ phải làm sao để tìm ra khung cửa hẹp... Rất ít kẻ. Tôi sẽ là một trong những kẻ ấy...

Sau bài thuyết giáo, tâm hồn tôi bị kích thích đến độ nào mà lúc giáo lễ vừa xong tôi chạy biến đi, không muốn gặp Alissa, vì kiêu hãnh, muốn thi hành ngay những điều quyết định (tôi đã quyết định rồi), và nghĩ rằng mình sẽ xứng đáng với nàng hơn nếu biết xa nàng ngay lúc ấy.

 

Chú thích:

(*) Normand : thuộc miền Normandie.

(**) Trái tim đeo ảnh : đồ trang sức của đàn bà.

(***) Một lối nhạc khiêu vũ nhịp ba, gốc ở Pologne.

 

Chương 2

Lời dạy nghiêm khắc ấy đã gặp một linh hồn sẵn sàng tự nhiên hướng về nghĩa vụ, và cái gương của cha mẹ tôi nêu lên, thêm vào qui phạm khắc khổ của Thánh giáo đã từng ước thúc những niềm hưng phấn đầu tiên của quả tim sôi nổi, tất cả đều như đã làm cho linh hồn tôi thiên về cái lý tưởng mà tôi muốn gọi bằng danh từ : đức hạnh. Đối với tôi ngày nhỏ, tự ước chế mình, là một việc làm cũng dung dị tự nhiên như kẻ khác buông thả mình theo vật dục, và sự khắc khổ nghiêm ngặt của giáo dục gia đình câu thúc không làm tôi chán ngán hoặc khó chịu, mà trái lại càng gây thêm phấn khởi cho tôi. Tôi hoài vọng ở ngày mai không chỉ hạnh phúc mà đúng hơn là một sự cố gắng vô bờ để đạt hạnh phúc, ngay tự bấy giờ tôi đã quan niệm hạnh phúc và đức hạnh không rời nhau. Thật thế, thuở ấy tôi chỉ là một đứa trẻ mười bốn, tâm hồn chưa hẳn là dứt khoát, còn phân vân chờ đợi nhiều biến cải ở ngày mai, nhưng chẳng bao lâu mối tình Alissa sẽ đưa tôi vào sâu trong nẻo đường đã hướng. Như có một sự linh cảm nội tại đột ngột, sáng ngời, tôi có ý thức về mình rõ rệt hơn : tôi nhận thấy mình sâu kín, nhiều hoài vọng, tôi chờ mong, tôi ít bận tâm đến việc làm của kẻ khác, tôi mộng ước không ngoài những thắng lợi thu được với chính bản thân mình. Tôi thích học tập; về những vui đùa tôi chỉ chuộng những trò chơi nào đòi hỏi suy tưởng, trầm tư và cố gắng. Tôi ít giao du bạn bè, đôi khi chỉ muốn chiều lòng nhau thôi. Nhưng tôi lại thân mật với Abel Vautier. Và cách năm sau anh gặp lại tôi ở Paris, cùng học chung một lớp. Đó là một người dễ thương, hơi uể oải, tôi mến yêu nhiều hơn quý chuộng, nhưng dù sao, với anh, tôi cũng có thể nói chuyện nhiều về đô thị Havre và Fongueusemare, và những nhớ nhung canh cánh bên lòng.

Robert Bucolin thì trọ học ở ký túc xá, đồng trường, nhưng dưới hai lớp, chỉ những ngày chủ nhật tôi mới gặp lại thôi. Nếu cậu không phải là em ruột của Alissa và Juliette thì chắc tôi không còn thích gặp.

Tâm hồn tôi hoàn toàn bị tình yêu chiếm cứ, và vì được soi sáng bởi tình yêu mà hai mối tình bạn đối với tôi có chút ít ý nghĩa. Alissa giống như viên ngọc quý trong sách Phúc Âm; và tôi là kẻ bán hết của cải của mình để mua lấy ngọc. Tôi còn nhỏ mà đã nói đến tình yêu, như thế có tội lỗi hay không ? Tình đối với người em cô cậu, sao dám gọi là tình yêu ? Những gì tôi biết về sau, không có gì bằng được, không có gì xứng đáng với danh từ nọ, như mối tình kỳ ảo ban sơ. Và đến tuổi biết đau khổ nhiều vì những đòi hỏi xác thịt, mối tình của tôi đối với nàng cũng không đổi thay tính chất bao nhiêu : tôi cũng không tìm cách chiếm hữu cho được con người mà ngày xưa tôi chỉ mong làm sao cho xứng đáng. Làm việc, cố gắng, miệt mài, mỗi mỗi đều vì Alissa mà tôi chịu khó. Tôi dâng nàng mọi thứ chiêm bao mà lại còn muốn che giấu không cho nàng rõ đầu đuôi căn cớ tại ai. Tôi say sưa trong niềm thiết tha từ tốn, tôi gặm sâu vào trái đắng, tôi buộc mình không bao giờ chịu thỏa mãn với những thành công nào không mua bằng nhiều vất vả kiên tâm.

Niềm phấn phát ấy phải chăng chỉ kích thích riêng tôi ? Tôi tưởng Alissa không hề như thế; có bao giờ nàng làm một điều nào vì tôi đâu; còn tôi, trước sau cố gắng chỉ vì nàng, duy nhất. Nơi Alissa, một tâm hồn dung dị, mọi việc đều mang một vẻ đẹp thuần túy, thiên nhiên. Vừa đơn sơ, dễ dàng, thong dong thư thả như tịch mịch xuôi theo. Nụ cười ngây thơ càng làm tăng vẻ kiều diễm của cái nhìn ngó đoan trang. Đến nay tôi còn thấy lại rõ ràng cái nhìn đó âu yếm ngước lên với xiết bao dịu dàng dò hỏi, và tôi hiểu vì sao trong những lúc khổ đau, cậu tôi đã tìm nơi người con gái ấy rất nhiều an ủi, khuyên can, thương mến. Mùa hè năm sau, tôi vẫn thường thấy cậu nói chuyện với Alissa. Nỗi buồn đã làm cậu già đi nhiều; đôi khi cậu tỏ vẻ hân hoan bất ngờ đầy giả tạo, thái độ ấy còn đau xót hơn là lặng lẽ làm thinh. Thường cậu ở phòng văn hút thuốc mãi cho đến chiều tối. Alissa vào, dẫn cậu đi dạo vườn; dẫn đi như dẫn một đứa trẻ. Lối đi có trồng hoa. Hai người đến ngồi gần vườn rau có đặt sẵn ghế.

Một chiều nọ tôi nấn ná ở lại vườn đọc sách. Tôi nằm trên mặt cỏ xanh dưới bóng một cây dẻ gai lớn, gần lối đi, chỉ có hàng nguyệt quế ngăn cách; tôi nghe tiếng chân Alissa và cậu tôi đi lại. Có lẽ hai người vừa đi vừa nói chuyện về Robert. Tôi bắt đầu nghe được từng tiếng. Bỗng Alissa nhắc đến tên tôi. Cậu tôi nói lớn :

- Ồ ! Còn Jérôme thì nói gì ! Nó cần mẫn, kiên tâm luôn luôn.

Vô tình mà thành hữu ý, tôi muốn lánh đi nơi khác để khỏi nghe, hoặc làm một đôi cử động để hai người biết tôi đang nằm ở đây, nhưng làm sao ? Đằng hắng ? La lên : tôi ở đây; tôi nghe cậu và em nói chuyện đấy... ! Và tôi nằm im, ấy cũng vì e dè, bối rối, chứ không phải tò mò muốn nghe thêm nữa. Vả lại, hai người chỉ đi ngang qua thôi, và dù có nghe cũng chỉ sơ sài đôi chút... Rủi thay hai người lại đi chậm; chắc là theo thói quen, Alissa xách giỏ, vừa đi vừa hái những nụ hoa tàn, nhặt những quả xanh bị gió sương vung vãi. Giọng nàng trong trẻo :

- Ba nầy, dượng Palisser chắc là một người đặc biệt ?

Cậu tôi đáp không rõ; Alissa hỏi lại :

- Rất đặc biệt chứ ?

Lời đáp cũng lại không rõ; rồi lại giọng Alissa :

- Jérôme rất thông minh, phải không ba ?

Làm sao tôi không lắng tai ? Nhưng tôi không nhận được gì cả. Alissa lại hỏi tiếp :

- Ba có nghĩ rằng Jérôme sau nầy sẽ trở nên một người đặc biệt ?

Đến đây giọng cậu tôi rõ hơn :

- Nhưng con ạ, ý con muốn hiểu thế nào với tiếng "đặc biệt" ? Người ta có thể rất đặc biệt mà không có vẻ gì đặc biệt hết, ít nữa cũng trước mắt người đời... rất đặc biệt trước mắt Thượng Đế !

- Chính ý con muốn hiểu thế đấy.

- Hơn nữa... làm sao có thể biết ? Jérôme còn trẻ quá. Ừ, thật thế, nó hứa hẹn rất nhiều; nhưng chừng đó chưa đủ để thành công.

- Phải cần những gì nữa ?

- Sao con hỏi tỉ mỉ thế ? Cần phải tin tưởng, cần được nâng đỡ, cần tình yêu...

- Cần được nâng đỡ là nghĩa thế nào ? Alissa ngắt lời.

- Là tình thương yêu, là sự quý chuộng, mà ba đã thiếu hẳn. Cậu tôi buồn rầu đáp, rồi giọng hai người lại nhỏ hẳn đi.

Buổi tối, vào giờ cầu nguyện, tôi ân hận vì vô tình mà thành ra cố ý, và tự hứa sẽ thú thật với Alissa. Có lẽ lần nầy trong ý có xen lẫn sự tò mò tồn lưu muốn biết thêm chút ít.

Hôm sau, vừa nghe tôi nói, Alissa không bằng lòng :

- Nhưng anh không thấy rằng lắng nghe như thế là bậy lắm hay sao ? Đáng lẽ anh phải cho em hay hoặc lánh đi nơi khác mới phải chứ.

- Anh nói thật với em là anh không cố ý... là không muốn mà phải chịu nghe... Vả lại cậu và em chỉ đi ngang thôi.

- Nhưng đi rất chậm.

- Vâng, nhưng anh chỉ nghe rất ít. Vài câu thôi... Nào, khi em hỏi cậu cần phải có gì nữa để thành công, thì cậu bảo sao ?

- Anh Jérôme, nàng vừa cười vừa đáp : anh đã nghe tất cả. Anh nghịch, muốn buộc em lặp lại chơi phải không ?

- Anh nói thật với em là chỉ nghe có mấy câu đầu, khi cậu nói đến lòng tin tưởng và tình yêu lưu tồn.

- Sau ba còn nói cần nhiều nữa.

- Nhưng còn em, em trả lời cậu thế nào ?

Alissa trở nên rất nghiêm trọng :

- Khi ba nói đến sự nâng đỡ ở đời thì em đáp rằng anh đã có má anh.

- Nhưng Alissa, em vẫn biết rằng má anh không ở trọn đời với anh... Vả chăng đâu có phải là ý thế...

Nàng cúi mặt :

- Đó cũng là điều ba nói với em.

Tôi run run cầm lấy tay nàng :

- Sau nầy anh có trở nên thế nào cũng là vì em tất cả.

- Nhưng Jérôme ạ, chính em rồi cũng có thể vĩnh biệt anh kia mà.

Cả tâm và hồn tôi gửi trọn trong một câu :

- Còn anh, không bao giờ anh sẽ xa em cả.

Nàng hơi nhún vai :

- Anh không đủ sức đi một mình hay sao ? Mỗi người chúng ta phải một mình tìm đến Thượng Đế.

- Nhưng chính em chỉ lối cho anh.

- Tại sao anh lại muốn chọn một kẻ hướng dẫn nào khác Jésus ? Anh không nghĩ rằng : không bao giờ chúng ta gần nhau bằng khi một đứa trong chúng ta quên đứa kia, chúng ta nguyện cầu Thượng Đế ?

- Vâng, nguyện cầu người cho chúng ta sum họp; đó là điều anh vẫn hằng cầu nguyện luôn luôn mỗi buổi sáng và mỗi buổi chiều.

- Sao anh lại không hiểu rằng có thể tìm sum họp nhau ngay trong lòng Chúa ?

- Anh hiểu điều ấy lắm : ấy là ngây ngất gặp lại nhau trong một vật gì cả hai cùng yêu chuộng. Dường như chính vì muốn gặp lại em nên anh yêu những gì anh biết rằng em yêu quý.

- Đừng đòi hỏi anh nhiều quá. Anh bất chấp Thiên Đường nếu nơi ấy không cùng em gặp lại.

Đặt một ngón tay lên môi, và giọng trang nghiêm, nàng nói :

- "Đầu tiên, hãy cố tìm Thiên Đường của Thượng Đế, và sự công minh của Người".

Khi ghi chép lại những câu chuyện nầy, tôi cảm thấy những lời nói ấy quả không có gì trẻ con đối với những kẻ nào không hiểu rằng câu chuyện giữa trẻ con nhiều khi rất nghiêm trọng. Làm sao bây giờ ? Có nên tìm lời chống chế ? Không, cũng như tôi không muốn sửa đổi chúng, tô điểm chúng lại để làm cho chúng được tự nhiên hơn. Cũng không muốn đem trường quần duệ địa mà che lấp sương lá lưu tồn.

Chúng tôi đã đọc lời Phúc Âm trong bản Vulgate, và thuộc lòng nhiều đoạn. Lấy cớ để chỉ lại cho Robert, Alissa đã học tiếng La Tinh với tôi; nhưng tôi nghĩ chính là để có thể theo dõi những sách tôi đọc. Thật thế, tôi cũng khó mà thích đọc những gì nàng không theo dõi được... Thật vậy, tôi khó mà dám chuyên cần nghiên cứu một môn học nào, nếu biết rằng nàng không theo dõi được. Nếu điều đó đôi lúc ngăn trở tôi, ấy không phải là cản mất niềm phấn khích của tinh thần tôi, như người ta có thể tưởng; trái lại, tôi cảm thấy dường như Alissa luôn đi trước mình, nơi nào nàng cũng thung dung tự tại. Nhưng tinh thần tôi chọn lối cho mình, thể theo nhịp chân nàng, và những gì đã lưu tâm ý chúng tôi thuở đó, những gì chúng tôi gọi là tư tưởng, thường chỉ là một cái cớ cho một mối thanh khí ứng cầu kỳ diệu, hơn là sự giả trang thông thường của tình cảm, hơn là lớp hồ che bọc tình yêu.

Mẹ tôi ban đầu có thể đã lo ngại nhận thấy mối tình của tôi, tuy bà chưa ước độ được sâu thẳm đến mức nào; nhưng rồi càng ngày cảm thấy sức lực hao mòn, bà muốn kết hợp chúng tôi lại trong một mối tình mẫu tử. Bệnh đau tim từ lâu của bà, càng ngày càng nặng. Một lần cơn bệnh trở nên nguy kịch, người gọi tôi lại bên giường :

- Jérôme ! Con cũng thấy mẹ yếu đi nhiều; một ngày nào đó mẹ sẽ đột ngột bỏ con ở lại giữa đời.

Bà dừng lại, đuối sức. Không cưỡng nổi lòng mình, tôi đành nói, nói một điều mà mẹ tôi chờ đợi từ lâu :

- Mẹ ơi, mẹ vẫn biết rằng con muốn cưới Alissa.

Chắc hẳn lời nói của tôi đáp đúng ý, nên người tiếp liền :

- Phải rồi, Jérôme; chính đó là điều mẹ muốn nói với con.

- Mẹ, chắc mẹ nghĩ rằng nàng yêu con lắm phải không ?

- Ừ, con ạ. Bà âu yếm lặp lại nhiều lần : "Ừ, con ạ". Và thêm : "Phải để tùy ý Thượng Đế kết hợp chúng con".

Tôi cúi mình bên mẹ; bà đặt bàn tay lên đầu tôi và nói :

- Mẹ cầu Thượng Đế ban phép lành cho con, gìn giữ cho hai con, rồi bà im lìm lịm đi trong giấc ngủ mê man.

Chuyện ấy không bao giờ được nêu lại nữa. Qua ngày hôm sau, mẹ tôi cảm thấy khỏe hơn; tôi lại tiếp tục đi học, và điều thố lộ chỉ có thế thôi. Tôi còn muốn biết gì hơn nữa? Alissa yêu tôi, không phút nào tôi nghi ngờ điều ấy. Mà dẫu có chăng đi nữa, thì sự nghi ngờ cũng vĩnh viễn tan đi, vì mọi sự sẽ rõ ràng vào cái lúc biến cố đau buồn xảy tới.

Mẹ tôi bình yên nhắm mắt vào một buổi chiều, bên cạnh tôi và cô Ashburton. Cơn bệnh cuối cùng, lúc đầu cũng không có vẻ gì trầm trọng hơn những lần trước; nó chỉ bắt đầu nguy kịch vào giai đoạn cuối; bà con không ai kịp đến thăm. Tôi cùng cô Ashburton thức trắng đêm cạnh di hài người thân yêu độc nhất. Tình mẹ con sâu xa, tuy khóc nhiều, lòng tôi cũng không buồn đến đỗi. Tôi khóc là vì thấy xót thương cô Ashburton đương đau khổ nhìn người bạn gái nhỏ tuổi hơn mình nhiều đã vội bỏ đi quá sớm. Nhưng nghĩ rằng cái tang nầy sẽ giục Alissa yêu dấu về sớm thăm tôi, điều nầy làm tôi nhẹ đi rất nhiều nỗi đau khổ.

Hôm sau, cậu tôi đến. Có thư của Alissa; ngày mai kia Alissa và dì Plantier mới đến.

"... Anh Jérôme ơi, ân hận quá nhiều vì không nói được với má anh, trước khi bà mất, một đôi lời để người thỏa nguyện. Thôi bây giờ, cầu mong dì tha thứ cho em ! Từ nay chỉ còn riêng Thượng Đế hướng dẫn chúng ta. Thôi em chào anh. Âu yếm hơn bao giờ hết, em là Alissa của anh..."

Bức thư có ý nghĩa thế nào ? Những lời nàng không nói được là những lời gì, nếu không là những lời nguyện ước cùng tôi chung sống mai sau ? Nhưng làm sao tôi cưới nàng. Tôi còn trẻ quá. Tôi có cần lời đính ước của nàng không ? Hai chúng tôi không được xem như là đã đính ước rồi sao ? Tình yêu nầy còn ai trong họ hàng không biết nữa; cậu Bucolin, cũng như mẹ tôi, không có ý cản trở, trái lại người đã xem tôi như con đẻ.

Đến dịp lễ Phục sinh, tôi trở về Havre, nhà dì Plantier, và dùng cơm ở nhà cậu Bucolin.

Dì Félicie Plantier là một người đàn bà rất tốt, nhưng cả Alissa, Juliette, và tôi, đều không ai thân mật lắm đối với dì. Bà hấp tấp vội vã luôn; cử chỉ thiếu dịu dàng, giọng nói thiếu êm ấm; dì vuốt ve mà như là xô xát, trong giờ phút nào bất cứ, lòng người đàn bà đó cũng tràn ngập thương mến với chúng tôi. Cậu tôi quý dì lắm, nhưng chỉ nghe giọng nói cũng đủ tỏ rằng cậu tôi yêu chuộng mẹ tôi hơn nhiều.

Một buổi tối, dì nói :

-Cháu ơi, dì không rõ mà hè nầy cháu định làm gì, dì muốn biết những dự định của cháu trước khi quyết định ý mình : nếu dì có thể giúp cho cháu...

- Cháu cũng chưa nghĩ đến điều ấy. Có lẽ cháu sẽ đi du lịch không chừng.

Dì tiếp :

- Cháu cũng hiểu rằng ở nhà dì cũng như ở Fongueusemare, cháu vẫn được chiêu đãi ân cần. Cháu sẽ làm vui lòng cậu và Juliette nếu cháu xuống trọ dưới ấy...

- Ý dì muốn nói Alissa.

- Ừ phải ! Xin lỗi cháu... Cháu chắc không ngờ rằng xưa nay dì vẫn tưởng là cháu yêu Juliette nhỉ ? Cho đến ngày cậu cháu cho biết rõ, dì mới hay... Cách đây không đầy một tháng... Cháu biết, dì thương các cháu, nhưng dì đâu rõ ý mỗi đứa được; và ít khi gặp cháu !... Dì lại không hay để ý; không có thì giờ nhận xét những việc chẳng mấy liên hệ đến dì. Dì vẫn thường trông thấy cháu vui đùa với Juliette... Nên dì nghĩ... Cháu Juliette lộng lẫy, vui tươi tròn trịa biết bao.

- Vâng, cháu chơi với Juliette, nhưng yêu Alissa.

- Ừ, được lắm ! Rất tốt, cháu tự do... Riêng dì, cháu hiểu cho, có thể nói là dì không biết tính Alissa nhiều, Alissa vốn ít nói hơn đứa em; dì nghĩ rằng, nếu cháu chọn Alissa, là cháu có một vài lý do nào đích đáng vậy.

- Sao dì nói thế, cháu có chọn lựa để yêu nàng đâu, và cũng chẳng bao giờ cháu tự hỏi mình lấy lý do gì để...

- Jérôme đừng giận dì chứ, dì nói thật, dì không có dụng ý lôi thôi. Cháu làm quên mất điều dì định nói... À phải rồi, thế nầy : dì nghĩ rằng mọi sự kết cuộc rồi cũng là hôn nhân; nhưng vì cháu đang chịu tang, nên không thể nào làm lễ đính hôn được, vả lại cháu cũng còn trẻ quá... Theo dì, nếu cháu về ở Fongueusemare, thì khó coi, vì ngày nay mẹ cháu đã qua đời rồi.

- Thì chính vì thế mà cháu nói đến chuyện đi du lịch...

- Vâng. Ấy thế nên chi, cháu à, dì nghĩ rằng, nếu có mặt dì thì mọi sự sẽ dễ dàng, nên chi dì dàn xếp để có thể rảnh được ít nhiều trong vụ hè nầy.

- Nếu con yêu cầu sơ thôi, thì cô Ashburton cũng sẽ vui lòng đến lắm.

- Thì dì vẫn biết rằng bà ta đến. Nhưng thế chưa đủ. Chính dì cũng phải đến nữa mới được ! Ồ ! Dì không có ý thay thế được mẹ cháu đâu; và thế là dì Plantier bỗng thình lình nức nở; nhưng dì sẽ trông coi bếp núc... và thế là cả cháu, cả cậu, cả Alissa, sẽ thấy mọi sự chẳng có gì là khó coi, khó chịu, lai rai bối rối chút nào.

Dì Félicie nhầm lẫn biết bao. Thật ra chúng tôi thấy khó chịu là chỉ tại dì. Từ tháng bảy, dì đã dọn tới ở Fongueusemare như lời dì nói, rồi cô Ashburton và tôi cùng tới ít lâu sau. Lấy cớ giúp Alissa trong việc nấu nướng, dì làm cho ngôi nhà yên tĩnh phải nhộn hẳn lên. Sự vồn vã của dì, sự cố gắng làm cho chúng tôi đẹp ý, và cho "mọi sự được dễ dàng", sự vồn vập sao quá nặng nề, đến nỗi nhiều khi Alissa và tôi cảm thấy khó chịu, lặng thinh không nói được lời nào cả, khi có dì bên cạnh. Hẳn là dì cũng nhận thấy là chúng tôi lạnh nhạt lắm... Mà cho dẫu chúng tôi không lặng lẽ, thì dì có thể nào đoán được tính chất tình yêu của chúng tôi không? Chỉ Juliette là hợp với dì, tình tôi thương dì có giảm bớt đi một phần nào cũng vì thấy dì tỏ ra thương mến nó nhiều hơn Alissa.

Rồi buổi sáng nhận được một bức thư, dì gọi tôi lại :

- Cháu ạ, dì rất buồn; con gái của dì cảm bệnh, gọi dì về; thế là dì buộc lòng phải rời mấy cháu...

Tôi lo lắng đi tìm cậu, không rõ mình còn nên nấn ná ở lại Fongueusemare hay không, sau khi dì đi. Nhưng tôi vừa mới hở môi nói mấy tiếng đầu, cậu tôi đã gạt phắt :

- Sao chị Hai lại cứ tưởng tượng đan dệt làm gì cho rối rắm những việc rất tự nhiên như thế ? Tại sao cháu lại xa cậu và các em, hử Jérôme ? Cháu không phải là con ruột của cậu rồi hay sao ?

Dì tôi ở lại Fongueusemare trước sau chỉ mười lăm ngày. Khi dì đi, trong nhà thấy dễ chịu; yên vui xưa và thanh thản cũ trở lại. Bóng hạnh phúc thật là đơn sơ. Cái tang của tôi như khơi cho tình yêu mỗi ngày một thêm sâu đậm. Cuộc sống êm ả bắt đầu. Giữa bầu không khí trong lành, mỗi tiếng động nhỏ của linh hồn cũng ngân lên, như giữa một trời thu, bóng vang rủ rê tương ứng.

Sau bữa dì tôi từ biệt, một buổi tối ở bàn ăn, nói chuyện về dì, tôi còn nhớ :

"Sao mà dì huyên náo thế ! Cuộc đời cũng chẳng để yên cho linh hồn dì nghỉ ngơi đôi chút. Vẻ đẹp của tình yêu phản ảnh tại đây như thế nào ?"... Và chúng tôi nhớ lại lời của Goethe nói về bà Stein : "Đẹp biết bao, nếu được nhìn thấy cuộc đời phản chiếu trong tấm linh hồn ấy". Thế là chúng tôi còn xây dựng cả một hệ thống giai tầng gì chả rõ, và đặt ở trên hết là những khả năng chiêm niệm trầm tư. Cậu tôi, lặng lẽ từ lâu, bấy giờ mới lên tiếng, vẻ mặt buồn buồn :

- Các con ạ, cho dẫu hình ảnh có vỡ tan, ngày sau Thượng Đế vẫn nhận rõ được hình ảnh của mình. Các con nên thận trọng đừng vội xét đoán người theo một đoạn đời nào của họ. Tất cả những điểm nào trong tính tình của dì Plantier mà các con không thích, là do những sự tình, những biến cố nào xảy ra trong đời, cậu biết rõ nên không thể phẩm bình nghiêm khắc như các con. Có những đức tính nào dễ thương của tuổi trẻ mà chẳng hư hỏng mất khi về già. Những gì các con gọi là lăng xăng, huyên náo nơi dì Félicie, ngày xưa chính là cái tính niềm nở rất dễ thương, cái duyên ân cần đậm đà hết mực. Ngày xưa, các chị và cậu cũng không khác các con ngày nay mấy đâu. Cậu rất giống cháu, Jérôme ạ, có lẽ giống nhiều hơn cậu tưởng nữa là khác. Chị Félicie rất giống như Juliette hiện giờ... cả thể xác nữa – và nhiều khi bất ngờ ba gặp lại chị trong giọng nói của con; chị cũng có nụ cười của con – và cái cử chỉ đặc biệt giống con, mà ngày nay chị không còn nữa, ấy là đôi lúc ngồi lặng lẽ như con, không nhúc nhích, thờ thẫn tay ôm đầu.

Cô Ashburton quay lại phía tôi, nói nhỏ :

- Còn mẹ cậu thì rất giống Alissa.

Hè năm ấy rất huy hoàng. Mọi sự vật như rạng ngời ánh sáng của thanh niên. Nhiệt tình của chúng tôi thắng được tang tóc, bóng tối hết âm u. Một buổi mai tôi thức giấc, lòng vui phơi phới, tôi chạy ra ngoài đón bình minh lộng lẫy. Ngày nay ôn lại chuyện xưa, tôi thấy dĩ vãng đượm những sương sa rạng rỡ. Juliette dậy sớm hơn chị - (Alissa thường thức rất khuya) – cùng tôi đi dạo quanh vườn. Giữa Alissa và tôi, nàng là kẻ đưa tin tức; tôi kể liên miên cho nàng nghe mối tình giữa chúng tôi, Juliette có vẻ chăm chú nghe không chán. Tôi nói hết những điều gì tôi không dám nói thẳng với Alissa; với Alissa, tình yêu mãnh liệt xui tôi trở nên ngượng ngập, e dè. Alissa cũng vui theo, thấy tôi nói chuyện với Juliette, nàng không biết, hay thích đùa làm như không biết rằng tựu trung chúng tôi chỉ nói mãi về nàng thôi.

Ôi, lối giả vờ êm dịu của tình yêu ! Của tình yêu sâu thẳm, bởi nẻo đường huyền bí nào, người đã dẫn ta đi từ tiếng cười đến giọng khóc, từ niềm vui trong trắng hồn nhiên đến sự đòi hỏi khắt khe của đức hạnh !

Mùa hè trôi qua, êm đềm, phẳng lặng. Cho đến nỗi ngày nay tôi chẳng còn biết giữ lại được trong ký ức một chút gì của những ngày xưa êm ái tiếp nhau trôi. Trăm việc xảy ra vẫn chỉ là đọc sách và chuyện trò...

Một buổi sáng cuối hè, Alissa nói với tôi :

- "Em vừa mơ một giấc mơ buồn, anh ạ. Em sống mà anh chết. Không, em không nhìn thấy anh chết. Nhưng có điều là thế : anh chết. Thật ghê sợ quá ! Ghê sợ và vô lý đến nỗi cuối cùng, điều em đau đớn cầu xin, đã được chấp thuận : anh chỉ vắng mặt thôi. Thế là chúng ta cách biệt nhau và em cảm thấy rằng có một phương cách nào đó để gặp lại anh, em tìm cách nào, và vì cố gắng quá nhiều nên sực thức dậy.

Sáng nay, giấc mơ còn ám ảnh; em như còn tiếp tục mơ luôn. Như còn xa anh, còn xa anh lâu lắm, lâu lắm - giọng nàng nhỏ hẳn lại; trọn đời em – và trọn đời em phải cố gắng rất nhiều...

- Để làm gì ?

- Cả hai chúng ta cần cố gắng nhiều để gặp lại nhau".

Tôi không muốn nghe, có lẽ sợ không dám nghe những lời nói ấy. Lòng như muốn phản đối tha thiết, tim hồi hộp lạ lùng, bỗng dưng tôi can đảm nói :

- Còn anh, sáng nay nằm mộng thấy sắp cưới em mãnh liệt đến nỗi không có gì ở đời nầy chia biệt được chúng ta, trừ Thần chết.

- Anh nghĩ rằng Thần chết chia biệt được hay sao ?

- Anh muốn nói...

- Trái lại em nghĩ rằng Thần chết sẽ giao nối lại... Vâng, giao nối lại những gì giữa trần gian bị chia rẽ.

Những lời nói ấy vang dội trong tâm khảm tôi sâu thẳm thế nào, mà đến ngày nay tôi còn nghe đồng vọng tiếng mình và tiếng nàng trong buổi chiều hè lặng lẽ. Nhưng chỉ sau nầy, tôi mới hiểu biết hết ý nghĩa trầm trọng.

Hè trôi qua, qua mãi. Đồng ruộng đã xong hết mùa màng, chỉ còn trơ cuống rạ. Mắt người càng thẩn thờ nhìn đìu hiu ra suốt xứ... Buổi chiều trước khi lên đường – đúng hơn, là hai ngày trước – tôi xuống vườn sau đi dạo với Juliette. Nàng hỏi tôi :

- Hôm qua anh đọc gì cho chị Alissa nghe thế ?

- Đọc lúc nào ?

- Trên chiếc ghế đá bên hầm đất vôi, lúc anh để chúng em đi trước, rồi nấn ná ở lại sau với chị Alissa.

- À ! Thơ của Baudelaire.

- Những câu nào ? Anh không muốn nói với em sao ?

Tôi hơi bực mình, đọc :

- Chẳng bao lâu, thu về, tăm tối lạnh...

Nhưng Juliette ngắt lời, giọng run run đọc tiếp :

- Vĩnh biệt rồi, hè hỡi, mộng vàng qua... (*)

Tôi hết sức ngạc nhiên hỏi :

- Ồ, em cũng biết những câu ấy sao ? Anh cứ tưởng em không thích thơ chứ.

Nàng cười gượng gạo :

- Sao anh lại tưởng thế ? Hay anh nghĩ rằng vì lẽ anh không đọc cho em nghe ? Nhiều lúc anh xem em đần độn không bằng !

- Đâu phải thế ? Người ta có thể rất thông minh mà không thích thơ chứ. Có khi nào anh nghe em đọc thơ hoặc bảo anh đọc cho em nghe đâu.

- Bởi vì đã có chị Alissa đảm nhiệm hết rồi...

Nàng dừng lại một lúc, rồi đột ngột hỏi :

- Ngày kia anh đi ?

- Ừ. Làm sao trì hoãn được nữa.

- Anh sẽ học gì ?

- Năm thứ nhất cao đẳng Sư phạm.

- Bao giờ anh cưới chị Alissa ?

- Không thể cưới trước khi ra trường. Không thể cưới trước khi biết rõ hơn chút ít mình sẽ định làm gì sau đó.

- Thế ra anh chưa biết sẽ định làm gì ?

- Anh chưa muốn biết. Bao nhiêu chuyện đang làm rộn rã lòng anh. Anh muốn hoãn trì được bao nhiêu hay bấy nhiêu, cái lúc phải chọn lựa, và chỉ biết có chọn mà thôi.

- Có phải vì sợ bị cầm chân sớm mà anh chưa làm lễ đính hôn không ?

Tôi nhún vai không đáp. Nàng khẩn khoản :

- Thế thì anh còn chờ đợi gì mà chưa làm lễ đính hôn ? Tại sao anh không làm lễ đính hôn ngay bây giờ ?

- Mà tại sao phải làm lễ ? Riêng mình biết rằng sẽ trọn đời ở với nhau, như thế chưa đủ hay sao mà phải báo cho thiên hạ biết ? Nếu anh thích kết buộc đời mình với Alissa, em thấy rằng còn phải ràng buộc tình của mình bằng những lời ước hẹn thì mới đẹp hơn sao ? Anh không thế. Những lời ước hẹn, theo ý anh, làm tổn thương ý nghĩa của tình yêu... Anh chỉ muốn đính hôn khi nào anh cảm thấy nghi ngờ Alissa em ạ.

- Em nghi ngại không phải nghi ngại vì chị Alissa.

Chúng tôi đi rất chậm. Và đến nơi mà trước kia tôi đã vô tình nghe câu chuyện giữa Alissa và cậu tôi. Bỗng nhiên tôi nghĩ rằng Alissa - trước đó tôi thấy nàng ra vườn - rất có thể Alissa hiện đang ngồi ở phía sau hàng nguyệt quế, và rất có thể nghe được câu chuyện giữa chúng tôi; thế là tôi có ý muốn cho nàng nghe những gì tôi không trực tiếp thố lộ được. Tôi cao hứng lên giọng :

- Ôi !... Tôi nói với giọng say sưa sôi nổi của tuổi mình, và vì bận tâm chú ý nghe mình nói, nên không để ý nghe qua những lời đáp của Juliette còn ẩn chứa những gì nàng không nói hết ra... Ôi ! Nếu chúng ta có thể nghiêng mình trên tâm hồn người yêu, nhìn nơi nàng như nhìn trong một tấm gương, cái hình ảnh của mình đặt vào ở trong đó ! Đọc nơi người khác như đọc nơi lòng mình, còn rõ hơn đọc nơi chính mình ! Ôi, tình yêu tuyết bạch !

Tôi lại tưởng cái giọng điệu rỗng ấy của mình làm cho Juliette xúc động. Nàng bỗng ngã đầu trên vai tôi :

- Anh Jérôme ! Anh Jérôme ! Em muốn anh hứa với em rằng sau nầy anh sẽ đem lại hạnh phúc cho chị Alissa. Nếu vì anh mà chị Alissa khổ, thì em sẽ oán ghét anh trọn đời.

- Ồ ! Juliette ! Tôi vừa nói vừa hôn nàng, nếu thế thì anh sẽ tự thù ghét anh trước hết. Nếu em mà biết !... Thì chính chỉ vì muốn đợi khởi sự đời mình một cách thật đẹp riêng với Alissa, mà anh chưa muốn chọn nghề ! Vì anh muốn đặt tất cả tương lai mình sau tình yêu, em ạ. Anh có trở thành gì đi nữa mà không có Alissa, thì cũng bằng không...

- Khi nói với chị Alissa những điều ấy thì chị ấy bảo sao ?

- Nhưng có bao giờ anh nói với chị Alissa những điều ấy đâu. Không bao giờ Juliette ạ; chính cũng vì thế mà anh chưa làm lễ đính hôn; không bao giờ Alissa và anh đề cập đến vấn đề hôn nhân cả, hoặc dự định sẽ làm gì ngày sau. Ồ, Juliette ạ ! Đời sống với Alissa sau nầy, anh thấy đẹp đến mức nào, đến nỗi anh không dám... Em hiểu không ? Anh không dám nói gì với Alissa cả.

- Anh muốn hạnh phúc đến bất ngờ sẽ làm chị ngạc nhiên sung sướng ?

- Không ! Không phải thế ! Nhưng anh sợ rằng... anh sẽ làm chị e sợ, em hiểu không ? Anh sợ rằng cái hạnh phúc vô biên mà anh linh cảm sẽ làm kinh hãi Alissa. Một ngày nọ, anh hỏi Alissa có thích du lịch đến những xứ lạ không. Alissa đáp là em không mong ước gì hết, chỉ cần biết rằng những xứ ấy có thật trên cõi đời nầy, thế là đủ, biết rằng những xứ ấy đẹp lắm, và những kẻ khác yêu nhau có thể tìm tới viếng thăm, chỉ biết thế là đủ rồi, nàng không mong gì hơn nữa...

- Còn anh, anh thích du lịch lắm phải không, anh Jérôme ?

- Du lịch khắp trời ! Đời sống đối với anh là cả một cuộc viễn du dài vô hạn với Alissa, qua sách, qua người, qua mọi xứ. Em biết hai tiếng "nhổ neo" có nghĩa gì không ?

- Vâng, em vẫn thường nghĩ đến... Tâm tùy hải diện lưu ly. Cuồng điên xẻ trộm, trận kỳ oan chia... (Homère).

Nhưng nào tôi có để ý nghe nàng nói đâu, và tiếng nàng lại ngơ ngác rơi chìm như những cánh chim bị đạn. Tôi nói tiếp :

- Khởi hành trong đêm tối; tỉnh giấc giữa tưng bừng bình minh. Cảm thấy hai đứa biệt lập lưu ly giữa đại dương trùng trùng sóng vỗ...

- Và cập bến một hải cảng nào, mà thuở nhỏ chúng mình đã từng nhìn trên bản đồ, chỉ chỏ cho nhau... Mọi vật, mọi người thảy đều xa lạ hết. Em hình dung thấy anh trên cầu thang tàu đương bước xuống, và chị Alissa nương vịn tay anh.

Tôi cười nói tiếp :

- Và chúng tôi lập tức đến bưu điện hỏi bức thư của em Juliette đã gửi cho chúng tôi.

- Gửi từ Fongueusemare, nơi nàng đành ở lại, mà ngày ấy anh sẽ thấy nhỏ bé vô cùng, buồn vô hạn, và xa biệt biết bao nhiêu.

Có phải chính đó là những lời của Juliette không ? Tôi không dám chắc, vì tôi đã nói, tôi sung sướng vì tình yêu tràn ngập, nên không để ý đến những lời nào khác là lời nói của lòng mình yêu thương.

Chúng tôi tiến đến sát hàng nguyệt quế; sắp lui bước, thì từ trong bóng tối Alissa chợt hiện ra thình lình. Mặt mày nàng tái xanh. Juliette kêu lên một tiếng, Alissa vội vàng ấp úng :

- Vâng, em cảm thấy không khỏe lắm. Gió bể thổi lạnh quá. Em định về ngay. Và đột ngột bỏ chúng tôi ở lại, nàng vội vã quay về nhà.

Khi nàng đã đi hơi xa, Juliette liền nói :

- Chị Alissa đã nghe những lời chúng ta nói với nhau.

- Nhưng chúng ta có nói gì để phiền lòng chị ấy đâu. Trái lại...

- Anh ở lại đây, nàng nói và chạy đuổi theo chị. Đêm ấy, tôi không thể ngủ. Alissa có xuống dùng bữa, nhưng vội lên phòng riêng ngay, kêu nhức đầu. Nàng đã có nghe những gì của câu chuyện chúng tôi ! Và tôi lo âu cố nhớ lại những điều đã nói. Rồi tôi nghĩ rằng có lẽ tôi đã có lỗi, đi quá gần Juliette, tay quàng tay nàng; nhưng đó là thói quen của tuổi trẻ; biết bao lần Alissa đã thấy chúng tôi cùng đi với nhau như thế. Ôi ! Tôi mù quáng làm sao ! Đi tìm dò dẫm những lỗi lầm của mình mà quên không nghĩ rằng những lời nói của Juliette tôi vô tình không nghe, và nhớ lại rất mơ hồ, thì Alissa đã nghe rõ hơn biết mấy. Mặc ! Bị cuống lên vì lo ngại, kinh hãi vì sợ rằng Alissa có thể nghi ngờ mình và không hình dung những điều đáng ngại khác, tôi quyết định sẽ thắng mọi e dè, lo sợ, và sẽ tính chuyện đính hôn ngày hôm sau.

Trước ngày tôi đi... Tôi có thể cho rằng do đó mà nàng buồn. Dường như nàng có ý lánh tôi. Ngày trôi qua, tôi vẫn không được gặp riêng Alissa; vì sợ đi mà không được nói chuyện với nàng nên tôi không ngần ngại đến ngay phòng nàng, trước buổi cơm tối ít lâu; nàng đương bận mang một chiếc vòng bằng san hô, và giơ tay lên, hơi nghiêng mình để gài vòng vào cổ, quay lưng lại phía cửa, và nhìn tấm gương... Bóng tôi in trong ấy, nàng nhìn giây lát, không quay mặt lại.

- Ủa, cửa phòng tôi không đóng à ?

- Anh có gõ cửa; em không trả lời. Alissa, em biết rằng ngày mai anh lên đường chứ ?

Nàng im lặng, đặt chiếc vòng xuống bên lò sưởi. Tiếng "lễ đính hôn" đối với tôi có vẻ trống trải tàn nhẫn quá, tôi đang quanh co dùng một lối nói xa xôi nào đó. Khi Alissa hiểu ý tôi, dường như nàng choáng váng, vịn vào lò sưởi... nhưng chính tôi cũng bàng hoàng nên không nhìn rõ được cái gì cả.

Tôi đứng gần bên nàng, không ngước mắt lên, tôi nắm lấy tay nàng; Alissa để tự nhiên, và hơi nghiêng mặt xuống, nâng bàn tay tôi lên, kề môi vào, thì thầm nói nhỏ:

- Không, anh Jérôme ạ, đừng làm lễ đính hôn, em xin anh điều ấy.

Tim tôi đập rất mạnh. Làm sao nàng không cảm thấy điều đó. Nàng nói thêm, âu yếm hơn.

- Không, anh ạ, khoan vội mà...

Tôi hỏi :

- Tại sao ?

- Nhưng chính em mới có thể hỏi anh : Tại sao ? Tại sao bây giờ lại đổi ý ?

Tôi không dám nói lại cùng nàng câu chuyện hôm qua, nhưng chắc hẳn nàng cảm thấy rằng tôi đương nghĩ đến, và như để đáp lại ý nghĩ của tôi, nàng nhìn đăm đăm nói :

- Anh lầm rồi, anh ạ; em không cần được hưởng nhiều hạnh phúc đến thế đâu. Chúng ta sống như thế nầy đã không sung sướng lắm sao ?

Nàng gượng cười, nhưng vô ích.

- Không, vì như em thấy đó, anh phải xa em.

- Nầy, anh Jérôme ạ, bữa nay em không thể nói chuyện nhiều với anh. Đừng làm hỏng mất những giờ phút cuối cùng anh nhé... Đừng anh nhé. Em sẽ viết thư cho anh, em sẽ giải thích cho anh. Em vẫn yêu anh như xưa nay, anh hãy yên lòng. Em hứa sẽ viết thư cho anh ngay ngày mai, ngay sau khi anh lên đường. Thôi bây giờ anh đi, đi... Anh, em khóc mất thôi... anh hãy đi ra, để em lại một mình...

Nàng dịu dàng đẩy tôi ra, và đó là lời từ biệt của chúng tôi, vì tối hôm ấy, tôi không còn có thể nói gì với nàng nữa cả, và qua ngày hôm sau, lúc tôi đi, nàng ở biệt trong phòng, không chịu xuống. Tôi thấy Alissa đứng bên cửa sổ, nhìn tôi ra dấu giã từ. Xe chạy, nàng còn dõi trông theo.

Đi xuống bình nguyên nghe nắng mọc.

Sa mù lớp lớp nguyệt sau lưng.

Sinh mệnh hai chân hàng chữ bát.

Sưu tầm em mọi nhỏ mông lung.

Em Kiều Thúy mọc thêm hàng cỏ.

Quần đỏ năm nao thắm một vùng...

 

Chú thích:

(*) Bientôt nous plongerons dans les froides ténèbres

Adieu, vive clarté de nos étés trop courts !

(Rồi ta sẽ chìm trong tăm tối lạnh !

Bóng huy hoàng mùa hạ quá phù du...)

 

Chương 3

Năm đó tôi ít có dịp gặp lại Abel Vautier; anh đã tòng quân, trước khi có lệnh nhập ngũ, trong khi tôi còn bận rộn dọn thi. Tôi nhỏ hơn Abel hai tuổi, và định sẽ đăng lính sau khi ra trường. Năm nay chúng tôi cùng vào Sư phạm.

Lúc gặp lại nhau thật là sung sướng. Sau khi giải ngũ, anh đi du lịch hơn một tháng. Tôi từng lo ngại sẽ thấy anh thay đổi nhiều; không, anh chỉ có vẻ già dặn hơn trước thôi, và vẫn không mất phần duyên dáng. Buổi chiều trước ngày nhập học, hai đứa vào vườn Luxembourg, tôi không giữ được nữa, bèn đem tâm sự kể hết cho anh nghe; mối tình của tôi, anh cũng đã biết. Kể ra anh cũng có kinh nghiệm ít nhiều trong sự giao thiệp với đàn bà, nên đôi lúc anh hơi "lên giọng" với tôi, nhưng điều đó không hề gì. Anh đùa tôi, vì tôi không biết cách "đặt lời cuối" - nói theo giọng điệu của anh. "Phải biết nên làm nguyên tắc là: đừng bao giờ để cho người đàn bà đủ thì giờ trấn tĩnh". Tôi để mặc cho anh ta nói, nhưng riêng lòng nghĩ rằng những lý lẽ của anh không ăn hợp gì với tôi và với Alissa chút nào, và anh chỉ tỏ ra không hiểu rõ được chúng tôi thôi.

Ngày hôm sau, tôi nhận được bức thơ:

Anh Jérôme yêu dấu.

Em đã suy nghĩ nhiều về điều anh bàn định với em (điều tôi bàn định! nàng gọi sự đính hôn của chúng tôi như thế đấy!) Em sợ rằng em quá lớn tuổi đối với anh. Điều đó anh chưa thấy quan trọng mấy, bởi vì anh chưa có dịp gặp những thiếu nữ khác; nhưng em nghĩ đến ngày sau, em sẽ đau khổ thế nào, nếu bằng lòng lấy anh, rồi ra không làm đẹp ý anh nữa. Chắc là anh giận hờn nhiều, khi đọc bức thư nầy của em; em như nghe rõ lời anh phản đối; dù sao em cũng xin anh hãy chờ đợi đến sau nầy, khi anh đã nhiều kinh nghiệm đời và thể nghiệm thạch lựu phù du hơn nữa.

Anh hãy hiểu rằng em nói thế là chỉ vì anh thôi, còn em thì biết rằng không bao giờ có thể hết yêu anh.

Alissa

Hết yêu nhau! Nàng nói gì thế! Tôi ngạc nhiên hơn là buồn bực, nhưng vì hoang mang quá nên tôi chạy đi tìm Abel, và đưa bức thư cho Abel xem.

- Thế nầy thì anh định sao bây giờ? Abel xem thư xong, hất hàm, mím môi hỏi. Tôi mong rằng anh đừng vội trả lời ngay! Khi người ta bắt đầu bàn cãi với một người đàn bà, thế là hỏng. Anh nghe tôi đây: ngủ lại ở Havre tối thứ bảy, chúng ta có thể đến Fongueusemare sáng chủ nhật, và trở về đây vào trường dự buổi học sáng thứ hai. Từ ngày tòng quân đến giờ, tôi chưa gặp lại bà con anh; đó đủ là một cái cớ, và khá vinh dự cho tôi. Nếu Alissa thấy đó chỉ là một cái cớ, thì càng hay! Trong khi tôi tiếp chuyện với Juliette, thì để mặc anh xoay xở với Alissa. Anh gắng đừng trẻ con quá... Thật vậy, trong chuyện tình của anh, dường như có chút gì tôi chưa được rõ lắm; có lẽ vì anh chưa cho tôi biết kỹ... Không sao! Tôi sẽ tìm hiểu sau. Nhất là đừng báo trước là chúng ta về: phải để thình lình, không để cho cô em của anh có thì giờ trở tay (hoặc là trở chân tròn) mới được.

Tôi đẩy cổng vườn, lòng hồi hộp quá. Juliette chạy vội ra, Alissa bận khâu vá, dần dà chưa chịu xuống. Chúng tôi nói chuyện với cậu tôi và với cô Ashburton, thì một lát sau, nàng vào phòng khách. Nếu chuyến về đột ngột của tôi có làm nàng xúc động, thì nàng cũng gắng không để lộ vẻ gì; tôi nghĩ đến lời Abel đã nói với tôi, và nhận thấy rằng quả đúng là để có thì giờ "phòng bị" nên nàng mới không xuống ngay. Sự niềm nỡ rối rít của Juliette càng làm nổi rõ vẻ lạnh nhạt của nàng. Tôi cảm thấy nàng lạnh lùng với chuyến về của chúng tôi; hay ít nữa, nàng làm ra vẻ lạnh lùng bất mãn, và tôi không dám tìm trên gương mặt đó một nét xúc động bên trong. Ngồi khá xa, trong một góc phòng, bên cửa sổ, nàng như mải mê khâu vá, vừa chăm chú làm, vừa khe khẽ động làn môi. Abel nói nhiều, may biết bao, vì riêng tôi không đủ sức nói gì cả; nếu không có câu chuyện anh ta kể về cái năm tòng quân, và chuyến du lịch, thì chắc hẳn buổi viếng thăm nầy sẽ buồn nản lắm. Cả cậu tôi xem ra cũng có vẻ đặc biệt lo âu.

Sau khi dùng cơm trưa, Juliette muốn nói chuyện riêng với tôi. Vừa đến vườn, nàng sôi nổi nói:

- Anh có thể tưởng tượng được rằng người ta đi hỏi cưới em không! Dì Félicie vừa viết thư hôm qua cho ba em, nói rằng có một người chủ trại ở Nimes muốn hỏi em làm vợ; một đám rất tốt, đó là lời dì quả quyết thế, anh ta cảm em vì có gặp em một đôi lần trong vài đám hội xuân vừa qua.

- Em đã có để ý đến anh ta chứ? Tôi hỏi thế, và dường như trong câu hỏi của tôi có chứa nhiều ác cảm với anh chàng cầu hôn ấy.

- Vâng, em có thấy rõ mặt mày. Một loại Don Quichotte buồn cười. Không học thức, rất xấu, rất tầm thường, khá lố bịch...

- Anh ta có may mắn được lọt vào ở trong con mắt xanh một phần nào chứ? – Tôi hỏi với một giọng nhạo báng.

- Ồ, anh Jérôme, sao anh lại hỏi thế! Anh đùa đấy chứ! Một gã lái buôn! Nếu anh có thấy chàng ta thì ắt anh không nỡ hỏi em câu ấy.

- Còn cậu thì tỏ ý thế nào?

- Ba cũng trả lời người ta như ý em vậy: rằng em còn nhỏ quá, nói chi chuyện chồng con. Rủi thay, dì em lại ngờ trước lời đáp ấy, trong phần tái bút bà nói rằng ông Edouard Teissières - đấy là tên của ông ta – ông Edouard bằng lòng chờ đợi, ông ta chỉ ngỏ lời để cho "có hạng" thôi... thật là quái! Nhưng anh nghĩ xem: em còn biết làm sao chứ? Chả nhẽ em lại bảo dì nói thẳng cho y hiểu rằng y xấu xí quá lắm.

- Không, em cứ nhờ dì trả lời rằng em không muốn lấy một người chủ trại ở nhà quê.

Nàng nhún vai:

- Đó không phải là những lý lẽ có ý nghĩa đối với dì Félicie... Thôi gác chuyện ấy lại. Chị Alissa có viết thư cho anh chứ?

Nàng nói rất vồ vập, và xem dường như bị kích động rất nhiều. Tôi đưa cho nàng xem bức thư của Alissa; nàng đọc và đỏ mặt lên. Tôi tưởng như nhận ra trong câu hỏi của nàng một giọng điệu tức tối lắm:

- Thế thì anh định sao bây giờ?

- Anh cũng chả hiểu sao cả. Bây giờ trở về đây, anh mới cảm thấy về thế nầy là phi lý, và tự trách thầm mình. Đáng lẽ anh viết thư về thì hợp lẽ hơn. Em hiểu Alissa muốn nói gì chứ?

- Em hiểu rằng chị Alissa muốn để anh tự do.

- Nhưng mà anh có cần quái gì cái tự do của anh! Và em hiểu tại sao Alissa viết thư như thế cho anh chứ?

Nàng đáp: Không! Bằng một giọng rất cộc lốc, đến nỗi, tuy không linh cảm sự thật là thế nào, trong phút ấy tôi vẫn tin rằng Juliette không hẳn là không rõ. Rồi đột ngột quay lưng trở lại, nàng nói:

- Thôi bây giờ em trở vào. Anh về đây không phải để nói chuyện với em. Chúng ta đàm đạo với nhau kể cũng quá lâu rồi.

Nàng bỏ chạy vào nhà. Một lát sau, tôi nghe nàng đánh dương cầm. Khi tôi trở vào phòng khách thì nàng đương nói chuyện với Abel nhưng vẫn cứ dạo dương cầm, dạo một cách uể oải, vu vơ. Tôi để mặc hai người, trở ra vườn mong gặp Alissa.

Nàng ở cuối vườn rau, bên chân tường, đang hái những nụ cúc đầu mùa; hương hoa thoảng dịu hòa lẫn mùi lá rụng trong hàng cây dẻ gai. Không khí đượm nồng hương vị mùa thu. Mặt trời không sưởi ấm nổi những hàng cây có quả mọc dựa ven tường, nhưng bầu trời hiền hòa trong trẻo đẹp như trời của Á Đông. Đầu nàng quàng chiếc khăn trùm Jélandaise (*) của Abel du lịch vừa đem về tặng, nàng vui thích dùng ngay... gương mặt bị che đi nhiều, Alissa không quay lại ngay, khi tôi đến, nhưng một chút rung động khẽ khẽ cho biết rằng nàng đã nhận ra bước chân tôi; tôi đương cố tự chủ, cố làm cho tâm hồn mình cứng rắn để đủ can đảm đáp lại những lời trách móc, và chịu đựng cái nhìn nghiêm khắc của nàng. Nhưng khi sắp đến gần, tôi e dè chậm bước, thì nàng – vẫn không quay mặt lại, vẫn cuối đầu như một đứa bé dỗi hờn – nàng đưa tay ra phía sau, bàn tay cầm đầy hoa, như mời tôi bước lại. Và tinh nghịch, trước cử chỉ ân cần ấy, tôi dừng lại hẳn, nàng đành phải quay mặt lại, bước vài bước, ngẩng mặt lên, một khuôn mặt rất tươi cười. Trước cái nhìn trong sáng của nàng, bỗng nhiên tôi thấy mọi sự đều trở nên giản dị, dễ dàng, cả hân hoan tràn ngập, tôi nói:

- Chính thư của em buộc anh về.

- Em cũng ngờ thế - và nàng dịu giọng để cho nhẹ bớt lời phiền trách: - và đó là điều làm phật ý em. Tại sao anh không nhận ra ý nghĩa lời em nói? Vấn đề vẫn là giản dị biết bao... (và thế là bao nhiêu buồn tủi, khó khăn, đều như mây khói, thoắt biến tan hết trong tâm trí tôi). Chúng ta sống thế nầy từ trước tới nay, đã sung sướng biết bao, em vẫn từng nói rõ với anh điều đó, tại sao anh còn ngạc nhiên thấy em từ chối trước ý anh muốn bàn chuyện đổi thay.

Thật thế, bên cạnh nàng, tôi cảm thấy sung sướng, hoàn toàn sung sướng, cho đến nỗi tôi cố làm sao cho ý tưởng của mình hòa nhịp với ý tưởng của nàng, đừng khác nhau một chút. Tôi không còn mộng ước gì nhiều hơn nữa ở bên kia nụ cười êm dịu của nàng, cùng nàng nắm tay thung dung dạo bước như thế nầy trên một lối đi đầy hoa đẹp, thế là đủ rồi, tôi không nguyện cầu gì hơn nữa. Và bỗng nhiên, vui lòng khước bỏ mọi ước vọng khác, đành lòng buông mình theo hạnh phúc hiện tại của phút giây, tôi vừa hân hoan vừa nghiêm trang nói:

- Nếu em muốn thì chúng ta không làm lễ đính hôn nữa. Khi nhận được thư em anh đột nhiên cũng hiểu rằng quả thật xưa nay anh đã hạnh phúc, và cảm thấy như mình sắp mất hạnh phúc từ nay. Thôi! Em trả lại cho anh hạnh phúc yên lành cũ; mất đi, anh không thể sống được. Anh yêu em thế nào, thì anh cũng đủ can đảm trọn đời chờ đợi em nhưng nếu em hết yêu anh, thì anh không thể nào chịu nổi.

- Than ôi, em không thể nào nghi ngờ được mối tình của anh.

Lời nói của nàng vì sao vừa dịu dàng, bình thản, lại vừa rất buồn sầu; nhưng nụ cười trên gương mặt vẫn tươi vui, nên tôi càng xấu hổ vì những nỗi lo sợ viển vông, huyền hão của mình. Tôi nghĩ rằng chính những nỗi lo sợ vô lý ấy là nguyên do giọng buồn hận của nàng. Không còn do dự gì nữa, tôi đem hết những dự định ra nói với nàng, việc học của mình, và cái thể thức cuộc sống mới ở trường, tôi tin rằng sẽ hứa hẹn rất nhiều ích lợi. Trường Sư Phạm thuở ấy không giống như sau nầy; kỷ luật nghiêm nhặt chỉ đè nặng trên những tâm hồn mềm yếu, hoặc bướng bỉnh; trái lại, nó ích lợi cho kẻ nuôi nhiều ý chí học hành. Tôi rất thích lối sống hầu như khắc khổ ấy, nó gìn giữ tôi khỏi tiếp xúc với cuộc sống phù phiếm bên ngoài... Cô Ashburton vẫn giữ mãi gian phòng xưa kia cùng ở với mẹ tôi. Không quen ai ở Paris, thế là Abel và tôi mỗi sáng chủ nhật đến thăm bà vài giờ. Mỗi chủ nhật tôi viết thư về Alissa kể rõ mọi chi tiết trong cuộc sống hàng ngày.

Bây giờ chúng tôi đã ngồi lại bên khung giàn dưa, giàn dưa đưa nhánh trườn ra, dây leo và lá chằng chịt, những quả cuối mùa đã được hái xong, Alissa ngồi lặng lẽ nghe tôi nói, hỏi thăm thêm... Chưa bao giờ nàng tỏ ra chăm chú hơn trong âu yếm, niềm nở hơn trong thương yêu. Bao nhiêu lo âu phiền não cùng mọi xúc động đều tan biến hết trong nụ cười của nàng, thu hút hết trong tình thân ái yên vui, như mù sương tan trong buổi mai trong trẻo.

Rồi sau lại, chúng tôi ngồi trên chiếc ghế ở vườn dẻ gai; Juliette và Abel đến tìm chúng tôi; bốn đứa cùng nhau giở tập Le Triomphe du Temps của Swinburne ra đọc lại, thay nhau mỗi đứa một đoạn. Chiều xuống.

- Thôi! Alissa hôn tôi và nói lúc chúng tôi lên đường; nàng vừa nói vừa lấy giọng pha trò, nhưng vẫn có dáng dấp người chị rầy rà đứa em; thôi, Jérôme hãy hứa là không còn quá lãng mạn như thế nữa, từ nay.

Sau khi chúng tôi chia tay cùng hai cô em, thì Abel hỏi ngay:

- Sao? Anh đã đính hôn xong chưa?

- Anh Abel nầy, thôi thế là từ nay ta không còn nói đến chuyện ấy nữa – và tôi tiếp luôn, với một giọng như muốn cắt đứt mọi câu hỏi khác: và tốt hơn là nên như thế. Chưa bao giờ tôi sung sướng bằng chiều nay.

- Tôi cũng thế, anh say sưa nói; rồi đột ngột bá lấy cổ tôi: tôi sắp nói với anh một điều huyền diệu dị thường! Jérôme, tôi yêu Juliette, yêu điên dại, yêu điên cuồng! Năm ngoái tôi cũng đã ngờ ngợ; nhưng từ đó tôi đã sống nhiều, và tôi chưa hề muốn thố lộ gì với anh hết trước khi gặp lại các cô em của anh. Bây giờ thế là xong; đời tôi thế là yên định...

Tôi yêu, không? – tôi ngây ngất vì Juliette!

"Từ lâu dường như tôi cảm thấy đối với anh, tôi có một thứ tình anh em bạn rể..."

Rồi vừa cười, vừa nghịch, anh ta ôm tôi hôn hít, lại lăn tròn trên gối đệm trong chiếc tàu đưa chúng tôi về Paris. Tôi nghẹn ngào nghe anh thố lộ, hơi khó chịu vì cái điệu văn chương lãng mãn xen lẫn trong tình yêu của anh; nhưng làm sao cưỡng lại bao nhiêu rộn ràng, bồng bột?

- Thế nào? Anh đã thố lộ với nàng chưa? Cuối cùng tôi chỉ thốt được chừng đó. Anh ta tràn trào lai láng quá.

- Nhưng không, nhưng không, anh ta sôi nổi đáp; tôi không muốn đốt vội cái chương tuyệt diễm nhất của yêu đương.

"Ôi giây phút huy hoàng của tình ái,

Chính là khi chưa nói: anh yêu em...

Và cái lúc đẹp lưu tồn man dại,

Không hẳn là lúc đã hái tồn lưu"

- Sao! Có lẽ nào anh rầy tôi nấn ná, anh là ông chúa của sự dần dà chậm chạp.

- Nhưng sao, - tôi hơi cau có hỏi, anh có nghĩ rằng nàng có, nàng có...

- Thế anh không nhận ra nỗi luống cuống của nàng khi gặp lại tôi sao! Và suốt cả buổi viếng thăm của chúng ta, nàng cảm động thế nào, đỏ mặt thế nào, ân cần tíu tít thế nào! Không, anh không thể để ý gì hết, cố nhiên, bởi vì tâm hồn anh bị Alissa chiếm mất. Chao! Là nàng hỏi! Là như uống lấy lời đáp của tôi! Trí thông minh của nàng phát triển thật dễ sợ, từ một năm nay. Tôi không hiểu anh lấy lý gì mà nói rằng nàng không thích đọc sách, anh cứ tưởng chỉ có chị Alissa của anh mới biết đọc thôi hẳn! Nhưng, anh nầy, thật là lạ lùng, những điều nàng hiểu biết! Anh có biết hai đứa chúng tôi chơi trò gì trước bữa ăn chiều không? Gắng nhớ lại một Canzone (**) của Dante; mỗi đứa phải đọc một câu thơ; và nàng đính chính lại mỗi khi tôi nhầm lẫn. Anh biết chứ :

Tình yêu trong lưu tồn lưu tiếng...

Anh chưa hề cho tôi biết là nàng có học tiếng Ý.

Tôi rất ngạc nhiên đáp:

- Chính tôi cũng không biết điều ấy.

- Sao! Trước khi khởi sự đọc Canzone, nàng nói với tôi rằng chính anh bày vẽ cho nàng biết kia mà.

- Có lẽ nàng nghe tôi đọc cho Alissa, những ngày nàng khâu vá thêu thùa bên cạnh chúng tôi, như thường lệ, nhưng có hề bao giờ nàng tỏ ra hiểu cái quái gì đâu!

- Thật quả Alissa và anh ích kỷ thật. Hai người mải mê đắm đuối yêu đương nhau, đến không nhìn thấy một tí nào sự nảy nở lạ lùng của một bộ óc, một tâm hồn ! Không phải để tự khoe mình, nhưng dù sao thì cái giờ cũng đã điểm, tôi phải bước tới... Nhưng không, nhưng không, tôi không giận anh, anh thấy chứ; vừa nói anh lại ôm tôi hôn nữa. Duy có điều anh hãy hứa với tôi: đừng nói chút gì với Alissa về việc nầy cả. Tôi muốn một mình xoay sở việc mình thôi: Juliette yêu tôi, điều ấy đã chắc chắn, và yêu khá nồng nàn để tôi có thể để yên nàng đến mùa hè năm nay. Tôi còn định không viết thư cho nàng từ đây đến ngày ấy. Nhưng ngày lễ Nguyên Đán ta cùng trở lại Havre, và khi ấy...

- Khi ấy?

- Ừ! Alissa sẽ cùng một lúc đột ngột nghe tin hai cuộc đính hôn của hai đứa mình. Tôi muốn xoay dẫn mọi sự đi cho khéo tuyệt. Và thế là anh có hiểu chuyện gì sẽ xảy ra không? Trước nay Alissa nằng nặc không chịu nhận lời anh, thì nay tôi giúp anh cưỡng ép nàng phải chịu nhận, vì cái gương của hai đứa tôi nêu ra. Chúng tôi sẽ cho chị hiểu rằng hôn lễ của chúng tôi không thể tiến hành trước cuộc hôn nhân của ông anh bà chị...

Anh ta nói, nói nhiều, nói mãi đến Paris vẫn còn cứ thao thao, cho đến lúc vào nhà trường cũng thế. Vì mặc dù hai đứa đi bộ từ ga về trường, mặc dù đêm đã khuya, Abel vẫn theo tôi về phòng ngủ, rồi hai đứa lại nói chuyện mãi cho đến sáng hôm sau.

Lòng phấn chấn đắm say của Abel định đoạt hết cả hiện tại và tương lai. Anh ta nhìn thấy trước, anh ta mải mê bàn tới bàn mãi hôn lễ song song của chúng tôi; anh ta hình dung và phác họa sự ngạc nhiên và hoan lạc của mọi người; anh ta khoái chí nhìn câu chuyện tình đẹp đẽ biết bao và tình bạn hữu đẹp biết bao, và vai trò của anh trong một cuộc tình duyên của tôi hệ trọng biết bao. Tôi khó mà chống nổi sự say đắm cực điểm ấy; rồi dần dà tôi bị lôi cuốn theo anh say sưa trong những dự định mộng ảo. Nhờ tình yêu gây men; chúng tôi thấy lòng bồng bột những ước vọng xa vời, can đảm kiên tâm; phác họa những chương trình cao đẹp: vừa tốt nghiệp ở trường ra, hai cuộc hôn nhân của chúng tôi được mục sư Vautier ban phước lành, bốn đứa lên đường viễn du trong tuần trăng mật; rồi chúng tôi dấn mình vào những công cuộc vĩ đại, mà vợ chúng tôi sẽ là những người hợp tác đắc lực. Abel ít thích nghề dạy, tin là mình có khiếu văn chương, dự định sẽ viết sách, kiếm gấp được nhiều tiền nhờ một vài tác phẩm thành công thế là giàu sang phú quý, còn tôi thích nghiên cứu hơn thích tiền, tôi sẽ chú tâm nghiên cứu môn triết học tôn giáo, và định sẽ viết một thiên sử học về môn nầy... Nhưng có cần phải nói hết những mộng ước ra đây?

Cũng là lỡ một lầm hai? Người còn thì của mới lai rai còn?

Ngày hôm sau chúng tôi vùi đầu vào việc học.

 

Chú thích:

(*) Một tỉnh của Hòa Lan.

(**) Một thể thơ ý chia làm nhiều đoạn bằng nhau.

 

Chương 4

Thời gian đi rất nhanh, từ đây đến Nguyên Đán. Say sưa vì lần hội diện cuối cùng với Alissa, sự phấn khởi của tôi không phút nào suy giảm. Như đã nguyện, mỗi chủ nhật, tôi viết cho nàng mỗi bức thư thật dài, những ngày khác thì tôi xa bạn bè, chỉ chơi với Abel, sống với ý tưởng Alissa, và sách vở tôi ghi chú đầy rẫy những điều chỉ dẫn để cho nàng dùng; đem niềm hào hứng của mình tìm kiếm trong sách vở, mà đặt hết vào trong niềm hứng thú của nàng, niềm hân hoan mà ngày sau nàng ắt sẽ tìm thấy. Thư Alissa có làm tôi lo ngại ít nhiều, nàng vẫn viết cho tôi đều đều, nhưng hình như có ý lo âu khuyến khích sự học của tôi hơn là do tình yêu thúc giục. Tôi còn nghĩ rằng, nếu với tôi, sự thảo luận văn chương chỉ là một phương tiện để giải bày tư tưởng của riêng mình, thì đối với nàng, trái lại, dường như để che giấu không cho tôi rõ ý tưởng của nàng. Đôi khi tôi còn cảm thấy rằng đối với nàng, đấy chỉ là một trò đùa thôi, không khác. Nhưng mặc! Không phàn nàn kêu ca gì hết, trong thư tôi cố xóa nhòa mọi nỗi lo âu.

Cuối tháng chạp, Abel và tôi về Havre.

Tôi đến nhà dì Plantier. Dì đi vắng. Vừa vào phòng riêng, thì người làm vào bảo dì đã chờ ở phòng khách.

Dì hỏi han sức khỏe, học hành xong, âu yếm vào ngay câu chuyện:

- Cháu chưa nói cho dì rõ, những ngày ở Fongueusemare lúc trước có vừa lòng cháu không? Nói cho dì biết, công việc đã tiến hành tồn lưu tồn lập được nhiều ít tập họp chi không?

Thế là lại phải biết chịu đựng sự vụng về thật thà của dì tôi. Tuy khó chịu khi nghe dì sống sượng nói đến mối tình đẹp đẽ của mình, nhưng làm sao cáu được, khi nghe những câu hỏi thân mật thẳng thắn, nhưng tôi vẫn hờn dỗi ra mặt.

- Cháu còn nhớ rằng hồi đầu năm dì có bảo đính hôn như thế là hơi sớm kia mà?

- Ừ, thì đã hẳn: trước tiên cũng phải nói thế chứ, dì vừa nói vừa nắm lấy tay tôi, trìu mến siết chặt. Vả chăng cháu còn học, còn tòng quân, thì chưa dễ gì tính chuyện hôn nhân sớm được. Cũng còn phải nhiều năm, dì biết thế. Và riêng dì, dì không tán thành những cuộc đính hôn kéo dài ra. Kéo dài ra chỉ làm mệt mỏi tồn lưu cho con gái. Nhưng nhiều khi cũng cảm động thật... Mà không cần phải làm chính thức cho phiền. Chỉ cốt cho người ta hiểu - ồ! kín đáo thôi! hiểu rằng không còn cần phải tìm những nơi khác; như vậy mới dễ chuyện giao thiệp, gặp gỡ, thư từ của cháu chứ; và nếu nói cho cùng, có đám nào đến hỏi – sự ấy có thể xảy ra lắm, cháu nhé! – thì cũng có thể để mình trả lời họ rằng... không; rằng không cần cái đó nữa. Cháu biết không, người ta đi hỏi Juliette đấy. Juliette được để ý rất nhiều, mùa đông năm nay. Nó cũng còn hơi trẻ một chút, và đó cũng là lời Juliette đáp với người ta: nhưng người ta lại sẵn sàng chờ đợi; kể ra họ cũng không còn là một chàng trai trẻ hẳn, nhưng dù sao cũng là một đám rất nên; một kẻ rất bằng chắc; ngày mai cháu sẽ gặp, dì dựng gây Noel, có mời anh ta đến. Cháu sẽ cho dì biết cảm tưởng bước chân em chồn tồn lưu nhé.

- Dì ạ, cháu sợ rằng anh ta sẽ mất công mà chẳng được gì, và có thể rằng Juliette đã có một hình ảnh nào ở trong tâm trí rồi – tôi dừng lại chưa muốn nói tên Abel.

- Hừ? – dì tôi như muốn hỏi... với vẻ mặt nghi ngờ và hơi nghiêng đầu về một phía. Cháu làm dì ngạc nhiên! Thế sao Juliette chả nói gì cả?

Tôi mím môi, không muốn nói thêm.

- Chào. Rồi hãy hay sau. Cháu Juliette lúc sau nầy thường mệt mỏi. Vả lại hôm nay không phải để bàn chuyện cô ta. À! Alissa cũng thật là dễ thương lắm... Nào, con đã có bày tỏ ý định tồn lưu với nó chưa?

Dì dùng những tiếng quá thật, tôi đâm bực mình, nhưng trước câu hỏi đột ngột, tôi không quen nói dối, nên lúng túng đáp:

- Vâng, đã ạ. Và cảm thấy mặt mày nóng ran.

"Trâm môn thân phận bất đồng

Lọ là thí chủ tấc lòng lẳng lơ!"

- Alissa đáp sao?

Tôi cúi đầu xuống, không muốn đáp. Rồi lúng túng hơn, tôi bảo:

- Nàng không chịu đính hôn?

- Ừ phải mà. Còn bé thế là tồn lưu có lý. Các cháu còn chán thì giờ đi...

- Dì ạ, thôi gác chuyện ấy lại – tôi muốn chận lời dì, nhưng vô ích.

- Vả điều ấy không làm dì phải ngạc nhiên; dì vẫn thường thấy nó biết điều hơn cháu kia đấy.

Tôi không rõ lòng tôi lúc ấy thế nào; có lẽ mệt nhoài đi vì bà dì cứ gặn hỏi mãi, bỗng dưng tôi thấy lòng mình như rã rời, tan vỡ; như một đứa trẻ con, tôi quỳ xuống, gục đầu vào gối dì, tấm tức:

- Không, dì không hiểu được. Alissa không có ý bảo cháu chờ đợi.

- Sao! Chẳng lẽ nó ruồng bỏ cháu sao? Dì tôi ái ngại vừa nói vừa nâng trán tôi lên.

- Cũng không phải thế. Tôi buồn nản lắc đầu.

- Cháu sợ rằng nó không còn yêu cháu nữa?

- Ồ không. Cháu không sợ điều ấy.

- Cháu ơi, nếu muốn dì hiểu được, thì phải gắng nói sao cho rõ hơn một chút ít chứ.

Tôi vừa thất vọng vừa xấu hổ sao mình có thể mềm yếu như thế? Dì tôi hẳn nhiên là không thể nào hiểu được những hoang mang của tôi; nhưng, nếu có một vài cớ nào rõ rệt ẩn sau lời từ chối của Alissa thì dì có thể dịu dàng hỏi được, sẽ giúp tôi tìm ra... Dì nói tiếp:

- Nầy, cháu nghe đây: sáng mai, Alissa sẽ đến giúp dì trang hoàng cây Noel; dì sẽ hỏi rõ đầu đuôi; trưa lại, dì sẽ cho cháu biết. Cháu sẽ hiểu rằng chẳng có gì đáng ngại lo cả.

Buổi chiều, tôi đến dùng cơm tại nhà cậu Bucolin. Juliette ốm đôi ngày rồi, gương mặt có vẻ khác; đôi mắt nàng có một điều gì khó nói sắc sảo lạnh lùng, gần như tàn nhẫn, càng làm cho nàng khác biệt Alissa hơn. Tối hôm ấy, tôi không nói chuyện riêng được với ai, cả Alissa và Juliette; tôi cũng không mong muốn gì; cậu lại mệt mỏi, tôi ra về.

Hàng năm cây Noel dì tôi dựng quây quần khá đông trẻ con và bạn bè thân thích. Nó được dựng lên ở tiền đình. Cây dọn chưa xong, và qua hôm sau, Alissa đến nhà dì rất sớm để gắn móc giúp vào cành những vật trang hoàng: nến, quả, kẹo, bánh và đồ chơi. Nếu cùng nàng soạn sửa, chắc là tôi vui thích, nhưng phải lánh đi, để cho dì Félicie có dịp dò hỏi riêng. Tôi ra về, không gặp nàng, suốt buổi mai tìm cách nguôi quên những nỗi ưu tư.

Tôi đến nhà cậu, mong gặp lại Juliette; mới hay rằng Abel đã gặp nàng trước tôi. Sợ làm rộn câu chuyện có lẽ sắp dứt khoát giữa hai người, tôi lại đành bỏ đi, lang thang ra bờ ke, và quanh quẩn dạo khắp các đường phố cho đến trưa.

Khi trở về dì Félicie niềm nở:

- Cháu thật là khờ khạo hết sức! Có ai lại tự ý làm hỏng đời mình đến thế hay không! Mọi sự con kể cho dì nghe sáng nay đều sai bét hết cả. Có khó khăn gì đâu: dì bảo cô Ashburton đi ra ngoài nghỉ ngơi, bà ta lo lắng giúp đỡ nhiều cũng nhọc, ở lại một mình với Alissa, dì thong dong hỏi rất tự nhiên "sao cháu không chịu đính hôn trong dịp hè vừa qua". Cháu tưởng nó lúng túng chắc?

"Không, nó không lúng túng chút nào cả; nó chậm rãi bình tĩnh trả lời rằng nó không muốn lấy chồng trước con em nó. Nếu con mà hỏi thẳng nó, thì nó đã trả lời với con như thế rồi. Chỉ có thế thôi mà tự đày đọa mình khổ! Cháu thấy không, chỉ có thành thật là hơn hết... Tội nghiệp con bé, nó còn nói đến ba nó... ngày càng già yếu, nó không thể rời bỏ mà đi. Ồ! Hai dì cháu nói chuyện suốt buổi. Con bé thật là khôn ngoan hết mực, nói năng phải lời, cháu ạ; nó còn nói rằng không chắc xứng đáng làm vợ cháu; nó lớn tuổi quá, và có ý ước mong cháu lấy một người nào trạc tuổi Juliette là phải hơn..."

Dì tôi còn tiếp tục nói nhiều nhưng tôi không còn nghe thấy gì nữa; chỉ một điều cần yếu: Alissa không muốn lấy chồng trước Juliette. Nhưng đã sẵn Abel kia rồi! Thằng cha lông bông thế mà chí lý: cùng một lúc nó "hạ" luôn hai đám cưới một lần.

Tôi cố gắng giấu sự xúc động của mình trước lời thố lộ giản dị ấy, bằng một niềm vui vừa phải, tự nhiên; và dì tôi sung sướng biết bao, tự thấy như chính mình đem lại niềm vui đó cho thằng cháu. Dùng bữa xong, tôi cáo từ dì, chạy tìm Abel.

Anh ta bá lấy cổ tôi hôn, khi tôi vừa cho anh hay tin vui tồn lập của mình.

- Hừ, tôi nói có sai đâu; tôi có thể cho anh biết trước rằng câu chuyện sáng nay với Juliette thế là dứt khoát, tuy trước sau hai đứa chỉ nói chuyện hầu hết là anh thôi. Nàng có vẻ nhọc... sợ đi xa nữa sẽ làm nàng xúc động, e bất lợi, nên tôi không nấn ná ở lại lâu. Giờ nghe anh nói thế nầy, vậy là yên. Anh xem, tôi vồ lấy nón và can. Giờ anh hãy theo tôi đến nhà cậu anh nhé, và gắng níu tôi lại nếu dọc đường tôi chắp cánh bay mau: tôi cảm thấy mình phơi phới nhẹ nhàng hơn Euphorion (*). Khi Juliette biết rằng chính vì nàng mà Alissa không nhận lời anh... rồi tiếp liền, tôi cho nàng biết ý định cầu hôn tồn lập của tôi... A! Anh ơi, tôi hình dung thấy cha tôi tối nay đứng trước cây Noel tán dương công đức của Chúa Trời, và chan hòa nước mắt, khóc vì hân hoan, và đưa tay ban phước lành trên đầu bốn đứa yêu nhau đương quỳ gối. Cô Ashburton sẽ thở một hơi dài, và tan ra thành mây khói, dì Plantier sẽ chảy ra thành nước trong bộ áo xiêm, và cả cây Noel dâng ngọn lửa thiên huy hoàng ca ngợi công đức vòi või của Đấng Chí Tôn chan hòa hồng ân trên vạn vật...

Phải đợi đến chiều tối người ta mới đốt sáng cây Noel, và trẻ con, họ hàng, bạn hữu mới đến đông đủ xung quanh. Vừa lo âu, vừa nóng ruột, từ lúc chia tay Abel, tôi bỏ ra đi lang thang ngoài bờ bể cao miền Sainte – Adresse, rồi lạc mất lối, dò dẫm mãi khi về tới nhà thì buổi lễ đã khởi sự từ lâu rồi.

Alissa đứng đấy từ bao giờ, như chờ đợi tôi lâu lắm, vừa thấy tôi, nàng ra đón ngay. Nàng đeo nơi cổ chiếc thánh giá bằng ngọc tím của tôi tặng nàng ngày trước để làm vật kỷ niệm mẹ tôi, xưa nay tôi chưa thấy nàng đeo. Alissa có vẻ khắc khoải, như đau khổ lắm; tôi thấy lòng mình se thắt.

- Sao anh về muộn thế? Nàng hỏi nhanh, giọng hổn hển. Em định nói chuyện nhiều với anh.

- Anh ra chơi ngoài bờ bể, rủi lạc đường về... Nhưng sao trông hoảng hốt thế... Ồ, Alissa, có gì cho anh biết đi.

Nàng đứng im lìm trước mặt tôi, sững sờ, làn môi mấp máy run run, tôi thấy đau khổ cùng cực, không dám hỏi thêm; nàng đặt tay lên cổ tôi, như muốn kéo tôi gần lại. Nàng muốn nói điều gì. Nhưng họ hàng vào đông quá: bàn tay nàng lại tuyệt vọng buông xuôi.

- Thôi, không còn thì giờ nữa anh ạ - Rồi thấy mắt tôi mờ lệ, đầy khẩn khoản, nàng giải thích bừa để tôi yên lòng:

- Không... có gì, anh hãy yên tâm: em chỉ chóng mặt thôi; trẻ con làm ồn quá... em phải trốn ra đây giây lát... Thôi, bây giờ đến lúc phải trở vào.

Tôi đứng lại một mình. Người vào đông đúc ngăn cách hẳn nàng với tôi. Tôi mong gặp lại nàng ở phòng khách; lúc bước vào, thấy nàng ở phía cuối phòng, giữa một đám trẻ con, đương tổ chức cuộc chơi cho chúng. Từ chỗ tôi đến nàng, có nhiều người quen thuộc, nếu tôi tiến lại, thế nào cũng bị họ cầm giữ hỏi han, xã giao, lịch sử, hàn huyên... tôi thấy mình không còn đủ can đảm nữa; cứ men dọc theo tường tiến lại... xem sao.

Khi tôi sắp bước qua cánh cửa kính lớn trước mặt vườn, bỗng một bàn tay nắm lấy tay tôi. Thì ra Juliette; nàng đứng trong góc, che khuất bởi một tấm màn. Nàng hấp tấp nói:

- Chúng ta hãy ra vườn, em có chuyện phải nói với anh. Anh cứ đi phía anh; em sẽ ra vườn gặp lại. Rồi hé cửa nàng bước vội ra.

Có chuyện gì xảy ra? Tôi muốn gặp lại Abel. Anh ta đã nói những gì?... Anh đã làm gì? Quay trở lại phía tiền đình, tôi ra vườn tìm Juliette.

Mặt nàng đỏ như gấc chín. Nàng cau mày lại, xem có vẻ nghiệt khắc và đau đớn làm sao! Mắt nàng long lanh như người lên cơn sốt; giọng nàng như khô cứng lại; nàng đương bị khích động vì cáu tiết chuyện gì, tuy đương lo âu, tôi cũng không khỏi ngạc nhiên, và dường như thấy ngượng ngịu trước sắc đẹp của nàng. Ngoài vườn chỉ có hai chúng tôi. Nàng hỏi ngay:

- Chị Alissa đã nói chuyện với anh chứ?

- Anh đi chơi về quá muộn...

- Anh biết không? Chị Alissa muốn rằng em lấy chồng trước chị?

- Anh biết...

Nàng đăm đăm nhìn tôi:

- Và anh biết chị muốn em lấy ai không?

Tôi đứng im, không biết đáp thế nào.

- Lấy anh! Nàng kêu to một tiếng.

- Nhưng thế là điên cuồng!

- Có phải không!

Giọng nàng vừa hân hoan, vừa như tuyệt vọng. Nàng đứng lên, lùi bước:

- Bây giờ em biết em phải làm gì, nàng thảng thốt nói thêm, rồi mở cửa vườn, lách mình qua, cánh cửa đóng mạnh lại phía sau.

Mọi sự quay cuồng trong đầu. Tôi choáng váng, máu đập mạnh hai bên thái dương. Phải tìm gặp Abel, chắc anh ta sẽ có thể giải thích cho tôi rõ câu chuyện kỳ quặc nầy... Nhưng không thể vào phòng khách. Mọi người sẽ nhận ra vẻ thảng thốt trên mặt mình. Tôi ra ngoài. Không khí lạnh trong vườn làm tôi bình tĩnh lại.

Chiều xuống. Sương mù vùng biển bàng bạc che khuất đô thành. Cây cối trụi lá. Cả trời đất cũng hoang vắng mênh mang... Tiếng ca hát vẳng lên; hẳn là bọn trẻ con đang tụ họp quanh cây Noel.

Tôi trở vào, ngang qua tiền đình. Cửa phòng khách và hành lang đều mở rộng. Phòng khách đã vắng người; thoáng có tiếng dì tôi đương nói chuyện với Juliette. Ở hành lang, quanh cây Noel họ hàng đương xúm xít. Bài thánh ca vừa dứt; im lặng trong giây lát. Mục sư Vautier đứng trước cây, khởi sự thuyết giáo. Ông không bỏ qua một dịp nào để "gieo hạt tốt", làm như lời ông nói.

Ánh sáng và hơi nóng làm tôi khó chịu, tôi muốn trở ra, vừa đến cửa, thì gặp Abel; hẳn là anh ta đứng đó khá lâu. Anh nhìn tôi, đầy trách móc và rùn vai như thù oán. Tôi tới gần.

- Ngớ ngẩn đến thế là cùng, Abel nói. Rồi thình lình: - A ! Chúng ta ra ngoài thôi, tôi đã được một mẻ thật hay. Và khi chúng tôi đã ở ngoài: - Anh ngớ ngẩn đến thế là cùng! Anh ta nói lại lần nữa, trong khi tôi lo lắng, không thốt được lời nào. – Nhưng chính nàng yêu anh kia mà, sao anh ngơ ngẩn quá thế. Ít nữa anh cũng cho tôi biết mới phải chứ!

Tôi kinh ngạc, rụng rời không chịu hiểu.

- Không, không phải! Anh không thể tự mình nhận thấy điều ấy hay sao!

Anh ta nắm lấy cánh tay tôi, cáu tiết lắc mạnh, nghiến răng lại, giọng nói run lên như rít.

- Abel nầy, tôi van anh. – Và trong khi anh ta lôi bừa tôi đi, không biết là đi đâu, tôi nói tiếp : - đừng nóng nảy nữa, gắng kể cho tôi rõ việc xảy ra như thế nào. Tôi hoàn toàn không hay biết gì cả.

Dưới ánh sáng ngọn đèn đường, anh đứng lại nhìn thẳng vào mặt tôi: rồi kéo sát tôi vào mình, anh đặt đầu lên vai tôi, tấm tức nói:

- Xin lỗi anh! Tôi cũng đần độn, còn đần độn hơn anh, và cũng không nhìn thấy sự thật sáng suốt hơn anh tí nào.

- Giờ anh đã nguội dịu bớt; anh ngẩng đầu, bước đi bước lại và nói: - Việc xảy ra, thôi không nên nói lại nữa, chẳng hay gì. Tôi đã nói với anh, sáng nay tôi nói chuyện với Juliette. Trông nàng đẹp dị thường, tươi vui xao xuyến quá; tôi tưởng nàng rung động vì tôi; té ra lẽ giản dị là chỉ vì tôi nói chuyện về anh, thế đấy!

- Lúc ấy, anh chưa nhận rõ được gì?

- Không; cũng không hẳn thế; nhưng bây giờ mọi sự nhỏ bé đều sáng tỏ lắm rồi.

- Anh chắc mình không lầm chứ?

- Lầm làm sao được nữa! Có mà đui mù mới không nhận thấy nàng yêu anh!

- Thế rồi Alissa...

- Thế rồi Alissa muốn hy sinh. Nàng đã thấu được niềm bí ẩn của em gái, và muốn nhường chỗ cho em. Mà sao anh ngớ ngẩn thế. Nào câu chuyện có khó hiểu lắm đâu... Tôi đã định bắt lại câu chuyện với Juliette; ngay những lời đầu, ngay khi nàng bắt đầu hiểu ý tôi, nàng liền đứng lên, rời khỏi chỗ ghế ngồi, và lặp đi lặp lại: "Tôi đã biết chắc lắm mà", với giọng điệu một người không biết chắc gì ráo!

- Ồ! Anh đừng đùa nữa chứ!

- Sao lại đừng? Tôi thấy câu chuyện thật quá khôi hài... Nàng vụt chạy vào phòng cô chị. Tôi thoáng nghe những giọng cãi nhau kịch liệt. Tôi hoảng sợ. Tôi mong gặp lại Juliette, nhưng một lúc sau, chỉ có Alissa đi ra. Nàng đội nón, hơi ngượng khi nhìn thấy tôi: chào vội một tiếng rồi bỏ đi... Đấy, câu chuyện chỉ có thế.

- Anh không gặp lại Juliette?

Abel ngần ngừ một lúc:

- Có. Khi Alissa đi rồi, tôi đến phòng. Juliette còn ngồi trước lò sưởi, không nhúc nhích, khủy tay chống lên mặt đá hoa, bàn tay nắm lấy cằm, sững sờ nhìn vào tấm gương trước mặt. Khi nghe tiếng chân tôi, nàng không quay lại, nhưng giẫm chân kêu: "Ồ ! Để cho tôi yên mà". Một thứ giọng gay gắt đến nỗi tôi phải quay phắt trở lui, lẹ chân dông mất, không nói một lời. Đó, đầu đuôi câu chỉ có thế.

- Và bây giờ?

- Được nói chuyện với anh thế nầy, tôi thấy lòng nhẹ bớt... Và bây giờ? Thôi thế! Anh hãy thu xếp làm sao cho Juliette, bởi vì, theo như tôi hiểu Alissa, thì nàng không thể nào trở lại với anh, nếu Juliette còn đau khổ.

Chúng tôi bước đi, không nói gì thêm nữa. Sau cùng Abel bảo:

- Thôi, ta về. Họ hàng thân thích giờ nầy đã cáo lui hết. Chắc cha tôi đương chờ tôi.

Phòng khách đã vắng. Trong phòng đợi, bên cây Noel trơn trụi, chỉ còn dì tôi, hai người con của dì, cậu Bucolin, cô Ashburton, vị mục sư, và một nhân vật khá ngây ngô mà trước đó tôi thấy có nói chuyện lâu lắm với dì tôi, nhưng bây giờ tôi mới kịp nhận ra là người cầu hôn Juliette. Hắn cao lớn mạnh mẽ, hồng hào, đầu sói cả, thuộc giai cấp khác, dòng dõi, gia thế khác, hắn hơi ngỡ ngàng trong bầu không khí nầy, và kéo vuốt bộ râu mép rậm rạp rất nóng nảy. Cửa tiền đình mở, không có ánh đèn; chúng tôi lặng lẽ đi vào, không ai hay. Một linh cảm ghê sợ xâm chiếm lấy tôi.

- Dừng lại – Abel bảo và nắm lấy tay tôi.

Trong phòng, người lạ đang tiến đến gần Juliette, nắm lấy tay nàng, Juliette dã dượi không quay lại. Tâm hồn tôi chìm ngập trong bóng tối âm u.

- Nhưng như thế nghĩa là gì, anh Abel! Tôi như chưa hiểu, hay đúng hơn, tôi hy vọng mình hiểu sai.

- Ồ, nào có gì lạ! Cô bé đó muốn vượt hơn chị đấy mà. Nàng không chịu kém đâu. Hẳn là giờ nầy nơi thượng giới, thiên thần đẹp ý đương hoan hô !

Cậu tôi lại hôn Juliette, Miss Ashburton và dì Félicie vây quanh. Mục sư Vautier đến gần. Tôi tiến lên một bước. Alissa nhìn thấy, chạy lại cuống quýnh:

- Ồ, anh Jérôme, không thể nào như thế được. Juliette không yêu chàng. Chính sáng nay nó nói với em. Anh gắng ngăn cản dùm, anh! Nếu sự tình mà xảy ra thế nầy, thì rồi em nó sẽ ra sao!

Nàng níu lấy vai tôi, tuyệt vọng van nài.

Bỗng một tiếng kêu thất thanh. Chúng tôi chạy lại. Juliette té xỉu trên cánh tay dì tôi. Mọi người hốt hoảng, cúi xuống đỡ. Tóc nàng xổ tung, rối rắm. Mặt tái xanh. Toàn thân nàng giãy giụa, trông không giống một cơn ngất tầm thường.

- Nhưng không. Không hề gì. Dì tôi nói lớn cốt để yên lòng cậu tôi, ông đang cuống lên. Nhưng không hề gì cả. Cháu nó xúc động quá đấy thôi. Nào ông Teissières, hãy giúp tôi một tay. Không ai mạnh bằng ông. Ta gắng đem cháu lên phòng, đặt nó lên giường của tôi... lên giường của tôi... Rồi bà nghiêng xuống nói nhỏ một câu vào tai người con trai cả, có lẽ bảo đi mời y sĩ.

Tôi dừng lại trước cửa phòng. Juliette nằm trên giường. Alissa nói thầm với ông Teissières và Abel vài tiếng; nàng theo chân hai người ra đến cửa, yêu cầu chúng tôi để yên cho Juliette tĩnh dưỡng, nàng lại ở với dì Plantier chăm sóc cho em.

Abel nắm cánh tay tôi kéo ra ngoài; trong đêm tối hai đứa bước đi, bước mãi, không mục đích, hết tinh thần, hết can đảm...

 

Chú thích:

(*) Nễ môn tâm sự tương đồng

Há rằng tại hạ vân mồng hoài nghi

Chương 5

Tôi không tìm ý nghĩa nào khác cho cuộc đời mình, ngoài tình yêu Alissa. Tôi bám vào đấy, không chờ mong gì nữa, và không muốn chờ mong gì hết, ngoài những gì do người yêu của tôi đem lại. Qua ngày hôm sau, tôi sửa soạn đến thăm nàng, thì dì tôi đưa cho tôi một bức thư dì vừa nhận được.

Cơn ngất của Juliette chỉ bớt sáng nay, nhờ mấy vị thuốc của y sĩ. Cháu xin yêu cầu anh Jérôme đừng tới đây nữa trong vài hôm. Juliette có thể nhận ra tiếng chân đi, hoặc giọng chàng nói, mà em nó hiện cần được yên nghỉ, tĩnh dưỡng hoàn toàn.

Cháu sợ phải ở tại đây lâu vì bịnh tình Juliette. Nếu cháu không gặp lại Jérôme trước khi anh ấy lên đường, thì cô ơi, hãy nói với anh rằng cháu sẽ có thư sau.

Thế là lệnh cấm chỉ nhắm riêng tôi. Còn dì tôi, còn mọi người thì cứ được tự do đi lại. Dì tôi định sáng nay sang ngay bên ấy. Nói rằng tiếng động của bước chân tôi? Giọng nói của tôi? Cái lý do mới, phi lý làm sao! Thôi mặc.

- Vâng. Được rồi. Cháu sẽ không đến nữa.

Không được gặp Alissa thật là đau đớn: nhưng nếu được gặp nàng, tôi càng thêm lo ngại; nàng sẽ đổ cho tôi chịu trách nhiệm bệnh tình của Juliette. Thà không gặp nhau còn hơn để nhìn nàng hờn giận.

Dù sao, tôi cũng mong mỏi gặp lại Abel. Đến nhà anh, người làm đưa cho mảnh giấy:

"Tôi để lại anh vài dòng này để anh đừng bận tâm lo ngại. Ở tại Havre này, tôi không thể chịu được nữa. Tôi đi Southampton chiều hôm qua ngay sau khi từ biệt anh. Tôi sẽ ở lại nhà Londres, ở nhà S..., ở cho đến hết những ngày lễ này. Chúng ta sẽ gặp lại nhau tại trường".

Thế là luống công chạy cầu cứu khắp nơi. Tôi không muốn kéo dài thời hạn cuộc sống nơi đây chỉ dành cho tôi toàn những đau khổ. Tôi về Paris trước ngày nhập học. Tôi chỉ còn biết hướng về Thượng Đế... Tôi đem nỗi khổ này phụng dâng cho người. Tôi tin rằng Alissa cũng tìm nương náu trong lòng đấng Chí Tôn và ý nghĩ ấy làm cho lời cầu nguyện của tôi càng thêm thắm thiết.

Thời gian dài trôi qua. Một thời gian suy tưởng, chiêm niệm và học hành, không có những biến cố nào xảy ra. Trước sau chỉ là những bức thư của Alissa, và những bức thư tôi viết lại cho nàng. Tôi còn giữ thư của nàng; những kỷ niệm của tôi nếu có lẫn lộn, từ giờ sẽ nhờ những bức thư ấy đánh dấu rõ hơn...

Nhờ dì Félicie và nhờ nàng nên tôi còn được tin tức ở Havre, được biết bịnh tình nguy kịch của Juliette đã gây lo lắng như thế nào trong những ngày đầu. Mười hai ngày sau khi đi, tôi mới nhận được mảnh thư nhỏ bé này của Alissa:

Anh Jérôme tha lỗi cho em, vì không viết thư cho anh được sớm hơn. Bịnh tình của Juliette không cho em đủ thì giờ. Từ ngày anh đi, không lúc nào em rời được Juliette. Em có nhờ dì Félicie cho anh hay tin tức nhà, và em chắc dì đã làm theo ý em. Thì hẳn anh đã biết từ ba hôm nay bịnh tình Juliette đã thuyên giảm. Em một lòng cảm tạ Thượng Đế nhưng chưa dám vội hân hoan.

Và Robert nữa, mà trước nay tôi ít nhắc đến, Robert đã tựu trường và cho tôi những tin tức hai chị. Tuy không hợp tính y, nhưng vì tình yêu đối với người chị, nên tôi để tâm chăm sóc Robert ít nhiều.

Nhờ có Robert nên tôi được biết nhiều điều, không thể trực tiếp hỏi được Alissa: Édouard Teissières thường rất năng lui tới ân cần viếng thăm Juliette nhưng cho đến khi Robert từ giã Havre, chàng vẫn chưa được thấy lại nàng. Tôi cũng được biết rằng từ ngày tôi đi Juliette rất lặng lẽ với chị.

Rồi sau nhờ dì Félicie, tôi được hay tin lễ đính hôn của Juliette, nhưng tôi linh cảm rằng Alissa bất bình cuộc hôn nhân này, nàng rất mong nó sẽ không thành tựu là hơn. Nhưng Juliette lại muốn sớm ngày nào hay ngày ấy. Sự quyết định đó không gì lay chuyển được; van xin khuyên nhủ, cản ngăn đều vô ích. Sự quyết định mạnh mẽ chắn ngang tim nàng, bịt mắt nàng, vây bọc nàng trong một sự lặng lẽ kéo dài mờ hoen ri rỉ.

Thời gian trôi qua. Tôi nhận được toàn những mảnh thư gây tuyệt vọng của Alissa. Sương lạnh mùa đông vây ám suốt tâm tư; ngọn đèn thao thức học hành, tất cả những thắm thiết sôi nổi của tình yêu, và của lòng tin tưởng, không xóa nổi bóng tối lạnh lùng trong lòng tôi. Thời gian qua. Lá còn rớt.

Rồi một buổi sáng mùa xuân đột ngột, một bức thư của Alissa gửi cho dì Plantier, dì vắng nhà buổi đó, bức thư sau này dì tôi gửi lại cho tôi, tôi xin trích ra đây một vài đoạn có thể soi sáng phần nào cho câu chuyện rắc rối kia.

... Cô xem, cháu dễ bảo biết mấy. Nghe theo lời cô dặn, cháu có tiếp ông Teissières; cháu có nói chuyện nhiều với ông ta. Và cháu có nhận thấy rằng ông ta tỏ ra hoàn toàn về mọi phương diện, và cháu bắt đầu tin rằng cuộc hôn nhân này sẽ không đến nỗi gây đau khổ nhiều như ý con tưởng ban đầu. Thật thế, Juliette không yêu chàng, nhưng càng ngày cháu càng thấy rằng chàng rất đáng được yêu. Chàng bàn đến tình trạng này một cách sáng suốt và tỏ ra hiểu rõ tính khí em của cháu nhiều, nhưng chàng rất tin tưởng ở hiệu lực tình yêu mình, và cho rằng không có gì mà lòng thủy chung của chàng lại không thắng nổi. Nghĩa là cho cô thấy quả chàng đã rất thiết tha.

Cháu rất cảm động thấy Jérôme chăm sóc đến Robert. Cháu nghĩ rằng chàng làm thế vì bổn phận thôi, chớ tính khí của Robert không tương hợp với chàng – và làm thế có lẽ Jérôme muốn cháu vui lòng thôi – nhưng chắc hẳn chàng cũng nhận thấy rằng trách nhiệm mình chịu gánh mà càng nặng thì tinh thần của mình càng được nung nấu và nâng cao. Xin cô đừng cười là đứa cháu nói chuyện "siêu việt" nhé. Đó là những tư tưởng đã nâng đỡ cháu và giúp đỡ cháu có thể gắng nhận ra được rằng cuộc hôn nhân của Juliette là một điều hay.

Lòng ân cần thân ái của cô đối với cháu thật êm dịu và an ủi biết bao! Nhưng xin cô đừng tưởng rằng cháu đau khổ; cháu có thể quả quyết rằng; trái lại, vì chính sự thử thách vừa dày vò Jérôme đã có một phản ứng nơi cháu: "Bất hạnh cho kẻ nào đặt hết lòng tin cậy của mình vào tay con người". Trước khi tìm lại được câu ấy trong Thánh kinh, cháu đã được đọc lời ấy trên một tấm ảnh Noel của Juliette gởi cháu thuở anh ấy chưa được mười hai tuổi, và cháu vừa được mười bốn tuổi. Trên tấm ảnh ấy, bên cạnh bó hoa mà ngày ấy chúng cháu thấy đẹp vô cùng, có mấy dòng thơ này dịch giải của Corneille:

Huyền ảo nào hướng ta về Thượng Đế?

Thắng khổ lụy trần gian?

Bất hạnh thay kẻ nào tin có thể

Dựng tình mình trên tình của nhân gian.

Cháu thú thật là mấy câu đó không xui cháu cảm kích nhiều. Cháu thích mấy câu "Tiết" đơn giản của Jérémie hơn; hơn đến vạn lần. Chắc anh Jérôme khi chọn tấm carte ấy không để ý mấy đến lời thơ kia, nhưng nếu phán đoán theo thư từ của chàng thì cháu tin rằng những khuynh hướng của chàng ngày nay rất giống của cháu, và mỗi ngày cháu hằng cảm tạ Thượng Đế biết bao. Người đã đồng thời kéo hai tâm hồn của hai chúng con về bên lòng thương vô hạn của Người.

Nhớ lời cô dặn, cháu không viết thư cho chàng dài như trước, để chàng yên tâm học hành. Chắc cháu sẽ thấy rằng chính cũng vì vậy mà cháu tìm đắp đổi cho mình bằng cách nói về chàng cho thật nhiều; sợ còn tiếp tục dài dòng, cháu xin ngừng bút ở đây; một lần này trót lỡ, xin cô chớ rầy rà.

Bức thư gây cho tôi những ý nghĩ gì! Tôi thầm trách sự can thiệp trống trải của dì tôi (lời dì dặn ấy là lời gì, để cho nàng không viết thư cho tôi nữa?) rồi dì lại còn vụng về ân cần gửi lại tôi bức thư! Sự im lặng của Alissa đã làm tôi khổ não không cùng. Điều nàng không nói với tôi, nàng lại đem nói với kẻ khác. Nếu sự thật có buồn tủi như thế thì thà dì giấu đi, đừng cho tôi hay biết, có phải hơn không? Cả bức thư không lời nào là không làm tôi cáu: sao nàng lại có thể kể cho dì tôi nghe một cách dễ dàng như thế những điều kín đáo nhất riêng giữa hai chúng tôi, sao giọng nàng lại tự nhiên, lại điềm tĩnh, lại trang nghiêm và vui tươi đến thế?

Nhưng nào có gì đâu! Cái điều xui anh cáu, là duy chỉ bởi anh biết được rằng cái thư này, nàng không chịu gửi cho anh! Abel bảo tôi như thế. Tôi xem Abel như người bạn duy nhất, mà hàng ngày tôi có thể kể hết nỗi niềm; hằng ngày cảm thấy cô độc, tôi có thể đem thố lộ hết tâm can: nhớ nhung, sướt mướt, thở than, mọi thứ đều xui tôi tìm tới anh để trút bớt... thiếu tin tưởng ở mình, nhiều lúc luống cuống chỉ còn biết nghe theo lời anh bày vẽ, mặc dù bản tính chúng tôi rất khác nhau, hay có lẽ chính vì chỗ khác nhau ấy mà tôi càng thấy dễ giải bày...

- "Giờ ta hãy xét kỹ bức thư này, anh nói thế và đem giở bày bức thư ra trên bàn. Cặp Juliette Teissières, chúng ta hãy bỏ thiêu trong lửa tình, phải thế không? Chúng ta cũng thừa biết ngọn lửa ấy nó ra cái làm sao rồi! Hừ ! Teissières tôi trông có vẻ dáng là con bướm để cháy thiêu trong ngọn lửa ấy được lắm... "

Tôi khó chịu trước lối khôi hài của anh:

- Thôi, gác việc ấy lại. Hãy xét đến việc khác.

- Việc khác?... Mọi việc khác của bức thư là chỉ dành riêng cho anh thôi! Anh còn than van nỗi gì? Không một dòng, một chữ nào không đầy tình thương nhớ anh. Có thể nói rằng cả bức thư trọn vẹn là viết để gửi riêng cho anh thôi. Bà Félicie chuyển nó lại cho anh là đúng lắm; kẻ chân chính được nhận là anh chứ còn ai; vì không gửi được cho anh nên Alissa gửi bừa cho bà cô, cũng như nàng có thể gửi cho một kẻ nào khác. Nếu thật tình muốn nói chuyện với dì anh thì hà tất phải dài dòng văn tự, lại thêm thơ của Corneille nữa, cái mới chết! – Thật thì là thơ của Racine; - quả là nàng chỉ trò chuyện với anh thôi, thật đấy, chỉ với anh thôi, nàng mới tỉ tê tâm sự dài dòng. Anh là một kẻ hết sức khờ khạo, nếu nội trong hai tuần nữa, cô em không viết thư cho anh cũng dài dòng, tự nhiên, và tươi tốt dễ thương như thế.

- Chưa chắc gì.

- Chắc hay không là do anh. Anh muốn tôi khuyên một điều? Từ nay tuyệt nhiên đừng nói gì cả. Đừng. Cứ im lặng, không nói chuyện tình ái, không nói chuyện hôn nhân, không của tin canh thiếp, không nạp thái vu quy... Anh không thấy rằng từ ngày xảy ra cái "tai nạn" Juliette, thì cô chị ghét nhất là nghe nói tới hôn nhân đó sao? Cứ tác động trên tình ruột thịt, cứ nói mãi với nàng về chuyện Robert, nếu anh kiên nhẫn lo chăm sóc cho cái thằng khỉ ngốc đìu hiu ấy. Cứ tiếp tục làm đẹp ý cái phần lý trí của nàng; mọi sự sẽ theo sau, vuông tròn ra hết cả. A! Nếu được tôi mà viết cho nàng thì khỏi phải nói.

- Anh sẽ không xứng đáng được yêu nàng. Tuy thế, tôi vẫn theo lời Abel, và quả đúng như lời chàng, chẳng bao lâu thư của Alissa bắt đầu "có hồn" trở lại. Nhưng tôi vẫn chưa thể hy vọng là nàng đã thật sự hân hoan, khi tình cảnh và hạnh phúc của Juliette chưa được yên ổn. Nhưng dần dà những tin tức về Juliette đã thấy khả quan. Hôn lễ của nàng sẽ cử hành vào tháng bảy. Alissa nói trong thư rằng nàng biết ngày ấy Abel và tôi bận học không thể về... Tôi hiểu ý nàng muốn nói rằng chúng tôi không nên có mặt hôm đó là hơn. Thế là chúng tôi lấy cớ bận học hành, thi cử, nên không về. Chỉ gởi lời chúc mừng.

Mười lăm ngày sau khi hôn lễ Juliette. Alissa viết thư cho tôi:

Anh Jérôme yêu dấu,

Em ngạc nhiên biết bao, hôm qua tình cờ giở tập thư Racine của anh tặng em ngày nọ, lại thấy bốn câu thơ trong tấm ảnh Noel mà anh gởi cho em năm xưa, mà em giữ đã mười năm nay trong quyển kinh Thánh.

Huyền ảo nào hướng ta về Thượng Đế?

Thắng mọi lụy trần gian

Bất hạnh thay kẻ nào tin có thể

Dựng tình mình trên tình của nhân gian!

Xưa nay em cứ tưởng là mô phỏng theo Corneille, và thú thật là em không thấy tuyệt vời gì cho lắm. Nhưng rồi tiếp tục đọc bản thánh ca thứ tư, em gặp nhiều đoạn hay đến nỗi không thể lặng yên được, đành chép lại cho anh đây. Cólẽ anh đã biết rồi. Không sao! Em chép lại là vì vui mà chép. Chép cho anh hay chép cho em cũng thế, và em cảm thấy như đương cùng anh thong dong đọc lại:

Của chân lý nhiệm mầu

Vang vang lời khuyên bảo:

Hỡi con cái người đời,

Ngươi nhọc sức vì đâu?

Tại sao người nhầm lẫn

Đem máu thắm của mình

Không đổi lấy cơm bánh

Mà đổi lấp chập chờn

Một ảo ảnh pha phôi?

Miếng bánh ta nói đó

Là bánh của thiên thần

Chính do tay Thượng Đế

Tạo với gạo trắng trong

Miếng bánh rất bổ ích

Không hề có ở đời,

Ta hiến cho ai chịu

Bằng lòng theo ta thôi

Nếu ý ngươi muốn sống

Hãy cứ tiến đến gần

Cầm lấy, ăn và sống

Đừng nấn ná, phân vân.

Linh hồn nào may mắn

Chịu tuân mệnh lệnh Người

Thì tìm ra thanh thản

Êm đềm sống yên vui,

Uống nước trong thuần túy,

Tồn lưu chảy dạt dào

Mọi người đều có thể

Uống được cả, quý sao!

Nhưng thương người dại dột

Chạy đi tìm suối dơ

Chạy đi tìm giếng đục,

Nước không sạch bao giờ.

Có đẹp không? Anh Jérôme! Anh có thấy những vần thơ ấy đẹp gay cấn như em thấy không?

Trong tập sách của em có ghi chú rằng khi bà Maintenon nghe nàng D’Aumale hát lên, cảm động ngợi khen, và "giỏ mấy giọt lệ" và bảo nàng hát lại nhiều lần. Em đã thuộc lòng nó rồi, và cứ lặp đi lặp lại mãi. Em chỉ buồn một điều là không được nghe anh đọc cùng em.

Tin tức đôi bạn du lịch vẫn rất tốt. Anh đã biết, Juliette đến Bayonne và Biarritz, và nàng mãn nguyện biết bao; mặc dầu trời thì nóng như thiêu như đốt. Rồi tiếp tục họ viếng Fontarabie. Từ Monserrat, Juliette vừa viết về cho em một bức thư thật đầy hứng thú. Hai vợ chồng còn định nấn ná ở Barcelone mười hôm nữa trước khi trở về Nimes - Édouard muốn về trước tháng chín, để có thể tổ chức việc hái nho. Thật là gay cấn.

Từ một tuần nay, ba em và em ở Fongueusemare. Mai đây, cô Ashburton sẽ đến, và Robert sẽ trở về vào khoảng bốn hôm nữa. Anh biết chứ, chú chàng làm sao lại hỏng thi quách, nghe ra thì không khó gì nhưng vị giám khảo hỏi nhiều câu quá bê bối oái oăm làm cho nó luống cuống; em cũng tin rằng Robert đã chuẩn bị dọn thi sẵn sàng, và anh có biên thư cho em biết nó cố gắng nhiều, nhưng hình như vị giám khảo kia có tính lai rai, thích ghẹo chọc cho học sinh lóng cóng leo thang chơi.

Còn những sự đỗ đạt của anh thì em hầu như không thể tìm được lời khen ngợi, vì việc đỗ đạt của anh, em thấy là sự dĩ nhiên. Em vẫn tin tưởng rất nhiều ở anh, Jérôme ạ, hễ nghĩ tới anh, là lòng em thấy chứa chan hy vọng. Anh đã sắp có thể bắt đầu ngay bây giờ công việc mà anh đã nói với em chưa?

... Ở đây không có gì thay đổi cả. Vườn cũ vẫn như nguyên, nhưng trong nhà vẫn có phần vắng vẻ. Anh hiểu chứ, vì sao em lại yêu cầu anh năm nay đừng trở về Fongueusemare nữa: em cảm thấy rằng có lẽ như thế mà hơn, hằng ngày em vẫn tự nhủ thầm với mình điều ấy, mà vẫn yếu đuối cảm thấy buồn nhiều, vì lâu ngày không gặp lại anh... Đôi khi, em dõi tìm anh, lòng bâng khuâng mong đợi... Em tưởng chừng như anh đứng đó tự bao giờ!

Em tiếp tục viết nốt bức thư này. Đêm đã khuya anh ạ; mọi người đã an giấc, em còn chong đèn thao thức viết cho anh, trước khung cửa sổ mở; vườn cây ngào ngạt hương thơm; khí trời ấm áp. Anh còn nhớ chăng, thuở chúng mình còn nhỏ, mỗi khi được thấy hay nghe một điều gì rất đẹp, thì chúng mình lại thầm nghĩ: Xin cảm tạ Thượng Đế đã tạo ra... Đêm nay, với cả tâm hồn, em thiết tha thầm nghĩ: Xin cảm tạ Thượng Đế đã tạo nên cái đêm êm đẹp này. Và bỗng nhiên em mong muốn có anh ở đấy, đứng ngay bên cạnh em, em cũng cảm thấy mãnh liệt đến nỗi tin rằng chắc anh cũng đương cảm thấy như em.

Vâng, anh nói rất đúng:... niềm ca ngợi trong những "tâm hồn phong vận" hòa lẫn với lòng tri ân... Còn biết bao điều em muốn nói! Em nghĩ đến cái xứ huy hoàng kia, mà Juliette đã tả cho em nghe. Em nghĩ đến những xứ nào huy hoàng hơn, bát ngát hơn, và hoang liêu hơn nữa. Em cảm thấy trong lòng một niềm tin lạ lùng rằng một ngày kia, em chẳng hiểu vì sao đôi ta sẽ cùng chung ngắm nhìn một xứ nào huyền ảo...

Hẳn bạn cũng tưởng tượng nỗi vui lạ thường của tôi khi đọc bức thư ấy. Yêu thương ngập tràn, tâm hồn tôi như thổn thức. Nhiều bức thư khác tiếp theo. Ừ, thật thế Alissa cảm ơn tôi đã nghe lời nàng yêu cầu đừng về Fongueusemare năm nay nữa, thật thế, nàng mong tôi đừng tìm gặp lại nàng năm nay, nhưng rồi nàng hối tiếc, nàng buồn vì vắng mặt tôi; giờ nàng cầu mong gặp gỡ; trang thư nào cũng như vang giọng tha thiết kêu gọi, chờ mong. Làm sao tôi đã đủ sức cưỡng lại. Vì nghe theo lời Abel, vì sợ có thể bất thình lình làm tiêu tan hạnh phúc, và vì khuynh hướng tự nhiên của tâm hồn tôi không chịu nghe theo tiếng gọi lôi cuốn của con tim.

Tôi chép lại đây những trang thư nào có liên quan nhiều đến câu chuyện này, và giúp câu chuyện sáng tỏ hơn.

Anh Jérôme yêu dấu.

Đọc thư anh, em vui mừng khôn xiết. Em đương sắp hồi âm bức thư anh viết từ Orvieto, thì đồng thời lại bắt tiếp được luôn cả hai bức thư từ Pérouse và Assise. Thế là tâm hồn dõi theo anh và cùng anh hân hoan du hành đây đó, tuy em vẫn ngồi tại nơi đây. Ừ, em cùng anh nhịp nhàng tiến bước song song trên những con đường trắng xóa ở Ombrie, em lên đường với anh buổi sáng, em nhìn với anh hai con mắt mới một cảnh bình minh chói rạng, huy hoàng. Trên gò đống Cortone, có phải anh đã lên tiếng gọi em? Em nghe thấy giọng rõ ràng... Trên sườn núi giáp miền Assise sao mà chúng ta khát nước dễ sợ thế! Và ly nước của người Franciscain càng mát dịu biết bao! Ô! Anh ơi! Em nhìn qua anh, thấy mọi vật, mọi người... Điều anh biết về Thánh Francois đã xui em cảm động xiết bao. Vâng, phải thế không, điều cần tìm kiếm là một niềm phấn chấn thiết tha, chớ không phải là một cơn phóng thích tư tưởng... Phóng thích, thì nhất định là do kiêu hãnh tai hại. Đem cao vọng mình ra để phụng sự chớ không phải để phản kháng.

Tin tức đôi bạn ở Nime mới tốt đẹp làm sao! Và em tưởng như Thượng Đế chịu cho phép em buông linh hồn theo hoang lạc. Buồn một tí là sức khỏe của ba càng ngày càng suy giảm. Mùa hè năm nay ba rất buồn, dù em hết lòng chăm sóc; em rời một bước là ba lại buồn rồi, và càng ngày càng khó làm ba khuây khỏa hơn. Niềm vui của cảnh sống quanh mình nói lên một ngôn ngữ nào ba em không còn hiểu được nữa; và cũng không chịu để ý lắng nghe. Cô Ashburton khỏe mạnh. Em đọc cho hai người nghe những bức thư của anh; mỗi bức đủ để gia đình nói chuyện trong ba ngày; và thế là lại tiếp được một thư mới...

... Robert từ giã gia đình hôm kia; cậu muốn mấy ngày hè về ở chơi quê một người bạn, cha là một chủ trại. Thật anh ạ, đời sống ở đây chả có gì vui đối với Robert cả. Nghe Robert định thế, thì em chỉ còn khuyến khích cậu ta mà thôi.

Em còn biết bao chuyện nói với anh, em muốn liên miên nói mãi không ngừng! Đôi khi em không tìm ra ý rõ rệt nữa, - chiều nay em vừa viết mà như vừa mơ – chỉ giữ một cảm giác rất nồng nàn, đến hầu như chua xót, về một nỗi phong phú vô biên của tâm hồn muốn dâng cho, và mong được nhận.

Làm sao chúng ta đã lặng thinh, không thư từ cho nhau suốt ba tháng trời! anh nhỉ? Chúng ta ngủ một giấc dài cho qua một mùa đông băng giá chắc! Thôi nhé! Cầu trời cho mùa đông lặng lẽ ghê sợ ấy đừng bao giờ trở về nữa, từ nay trên lá cỏ sinh tồn.

Từ ngày viết thư lại cho anh, còn được nói chuyện với anh, thì cuộc đời và linh hồn chúng ta thảy thảy đều đẹp đẽ và phong phú lai láng biết bao lửa lựu lập lòe.

 

12, tháng chín.

Em có nhận được bức thư anh gởi từ Pise về. Ở nhà thời tiết cũng ôn hòa; trời đất thật là rực rỡ, chưa bao giờ em thấy Normandie đẹp đẽ thế này. Hôm kia em đi dạo đồng một mình, đi không chủ định; lúc về thấy trong người phấn khởi hơn là mệt mỏi, mải mê vì ánh trời và hạnh phúc... Những đống rơm rạ ngoài đồng mới đẹp làm sao dưới ánh trời chang chói! Em không cần phải tưởng tượng mình ở bên Ý mới thấy vạn vật huy hoàng như biển đông xe cát.

Vâng, anh ạ, quả đúng như anh nói, em lắng nghe và nhận rõ trong bản hòa âm mơ hồ huyền diệu của đất trời, có gì như một lời khích lệ, như mọc mời người hãy trút hận để hân hoan. Em lắng nghe rõ giọng chào mừng trong từng tiếng chim ca; em thở niềm vui trong mỗi mùi hương của từng nụ hoa nở. Thấy lòng tràn trào một tình yêu khôn tả, và không hiểu về sau nó sẽ kêu gọi lời gì...

Nhưng anh chớ ngại rằng em say mê cảnh trời mà quay làm người thô lậu. Lúc sau này em đọc sách nhiều lắm: một đôi ngày trời mưa, không ra ngoài được em đã đem hết tâm hồn sùng phụng "xếp vào" trong những trang sách. Em đã đọc xong Malebranche và tiếp liền tập Lettres và Clarke của Leibniz. Rồi để giải trí, em đọc Les Cenci của Shelley, nhưng không thấy thú. Và La Sensitive nữa... Em sắp làm anh giận đấy nhé: em bằng lòng bỏ hết Shelley, hết Byron vì bốn bài đoản thi của Keats, mà chúng ta cùng đọc với nhau mùa hè trước; cũng như em bằng lòng đổi cả Hugo để lấy mấy bài Sonnet của Baudelaire. Cái tiếng "đại thi nhân" chả có nghĩa gì cả; "thi sĩ thuần túy" đó mới là điều quan hệ! Ồ, anh ơi! Em xin cảm tạ anh đã giúp em hiểu biết và yêu chuộng mọi thứ này.

Không, anh đừng nên rút ngắn chuyến du lịch để về nhìn nhau vui hứng trong vài ngày. Thành thật, em nghĩ rằng chúng ta khoan vội gặp nhau. Hãy tin lời em, anh nhé: khi anh ở gần bên em, em sẽ không thể nào nghĩ đến anh nhiều nữa. Em không muốn phiền lòng anh, nhưng sao lạ, em muốn nói rằng ngày nay em như mong đừng gặp lại anh nữa. Em thú thật nhé? Nếu biết rằng chiều nay anh về... em sẽ bỏ đi trốn mất.

Ồ! Đừng bảo em phải giải thích nỗi tình ấy. Em chỉ biết rằng em nghĩ đến anh luôn (như vậy cũng đầy đủ lắm cho hạnh phúc của anh rồi) và em sống sung sướng với lòng thương nhớ ấy.

Ít lâu sau bức thư này, và ngay khi ở Ý về, tôi bận việc nhà binh, và được đưa về Nancy. Tôi không quen một ai ở đây cả, sống vui trong cảnh cô độc, vì như thế đủ chứng tỏ với tình yêu kiêu hãnh của mình và với Alissa rằng chỉ duy những thư từ của nàng là nơi tôi nương náu êm ấm nhất, và kỷ niệm dung nhan nàng – nói theo điệu Ronsard – kỷ niệm tình yêu nàng là chỗ "thành tựu duy nhất của viên mãn chân lạc chân như".

Thật thế, tôi chịu đựng rất dễ dàng kỷ luật nghiêm nhặt của nhà binh. Tôi chịu hết mọi khổ dịch, và trong thư từ gởi về nàng, chỉ tỏ lòng buồn nhớ vì vắng em thôi. Chúng tôi tìm thấy trong cách biệt một sự thử thách xứng với lòng kiên nghị của mình. "Anh, anh không bao giờ kém kiên quyết, em không thể nào tưởng tượng anh nhu nhược yếu mềm..." Alissa viết cho tôi như vậy. Hỡi ôi! Thế là từ đó, mọi thử thách, mọi tân toan nghiệt ngã, tôi xin đem hết đời thanh xuân mê gái của mình ra để mà kham lấy hết, chịu đựng hết, để làm bảo chứng cho mấy lời của người em họ gái kia !!!(*)

Một năm qua, từ ngày xa cách, Alissa dường như không nghĩ tới cái thời gian dằng dặc ấy chỉ như mới bắt đầu mọng đợi mà thôi. Tôi trách. Và nàng trả lời.

Em đã không cùng anh ở Ý hay sao? Anh thật là vong ân nhé! Có một ngày nào là em bỏ anh đâu. Anh hãy hiểu rằng, ngày nay, trong một thời gian, em không còn có thể theo dõi anh nữa, và điều đó, duy chỉ điều đó thôi, em mới gọi là cách biệt. Thật thế, nhiều lần em cũng gắng hình dung anh trong bộ quân phục. Nhưng không được. Nhiều lần cho lắm là gặp anh buổi tối, trong gian phòng nhỏ đường Gambetta, đương cắm cúi viết hoặc đang đọc... Nhưng không: thật ra, em chỉ gặp lại anh tại Fongueusamare hoặc tại Havre còn đúng một năm nữa.

Một năm trời! Em không kể những ngày chờ mong cũ. Em nhìn thấy ngày hội ngộ chầm chậm tiến đến gần, gần... Anh còn nhớ không, ở cuối vườn, có bức tường thấp che giữ những chậu cúc vàng, mà thường ngày chúng ta tập đi trên ấy: Juliette và anh đi rắn rỏi như những người Musulmans mạnh mẽ thẳng bước đi tới Thiên Đàng; còn em, mới bước được một bước là đã thấy choáng váng ngay, trong khi anh đứng dưới kêu lớn: "Đừng có nhìn xuống dưới chân như thế!... Nhìn thẳng tới trước! Tiến lên! Nhìn thẳng đích mà bước!". Rồi cuối cùng anh leo lên ở đầu tường bên kia chờ em. Thế là em không còn run sợ nữa. Không thấy chóng mặt nữa: em chỉ biết có nhìn anh, và chạy vội đến ngã vào tay anh mở rộng...

Nếu không tin cậy nơi anh, thì em sẽ ra sao, anh Jérôme? Em cần tin tưởng ở anh, tin rằng anh cương nghị, em cần nương tựa nơi anh. Anh đừng tỏ ra yếu đuối.

Từ đó, như một lối tự thử thách mình, chúng tôi cao hứng muốn kéo dài sự chờ đợi ra thêm – và cũng vì sợ sự tái hợp sẽ không hoàn toàn, chúng tôi thỏa thuận với nhau rằng: mấy ngày nghỉ phép dịp Năm Mới tôi sẽ về Paris, ở với cô Ashburton...

Tôi đã nói rồi: sẽ không chép lại mọi thư từ. Đây là lá thư tôi nhận được, khoảng trung tuần tháng hai.

Xúc động mạnh, hôm kia, đi ngang đường Paris, thấy trước cửa hàng bày lộ liễu cuốn sách của Abel mà anh có nói cho em biết, nhưng em không thể tin là có thật. Em không cầm lòng được, bước vào gian hàng; nhan đề cuốn sách em thấy lố bịch đến nỗi ngần ngừ mãi không mở miệng hỏi mua: em còn nghĩ tới lúc rời khỏi hiệu sách, phải mang thêm bất cứ một tập sách nào khác... May thay, một chồng tạp chí loại "rẻ rúng" nằm đó, bên chỗ thu tiền. Em vớ bừa một tập, quăng vội mười hào bạc, bước ra khỏi phải thốt lời nào.

Em cám ơn Abel đã tỏ ra còn biết điều đôi chút, nên không gửi tặng sách. Em giở tập sách, mà cảm thấy xấu hổ; xấu hổ nhiều không phải chỉ vì cuốn sách – dù sao cũng chứa nhiều ngốc nghếch hơn là tục tĩu – nhưng xấu hổ vì nghĩ rằng tác giả cuốn sách là Abel, Abel Vautier, bạn của anh Jérôme. Em thu xếp khắp từng trang mà chẳng thấy đâu là cái "tài năng lớn" như nhà phê bình trong tạp chí Thời Đại Bách Khoa đã khám phá ra. Ở Havre, nơi cái xã hội tí hon này, người ta thường nói tới Abel, em mới hay là cuốn sách được tồn lưu lắm. Cái chết bông lông tầm phào vô phương cứu chữa của chú chàng, người lại cho là thể cách "nhẹ nhàng uyển chuyển": cố nhiên em cẩn thận dè dặt, chỉ nói riêng với anh điều này. Tội nghiệp mục sư Vautier! Ban đầu ông ta buồn phiền là phải, thế mà cuối cùng đâm ra tự nhủ: không chừng cuốn sách thế mà có giá trị, là một lý do để hãnh diện cũng nên. Mọi người xung quanh thôi thì cứ mà tán hưu tán vượn cho ông ta tin thế. Hôm qua, tại nhà cô Plantier, bà V, đột ngột bảo: "Thưa mục sư, chắc hẳn mục sư phải hài lòng lắm đó, vì sự thành công rực rỡ của cậu Abel! ". Mục sư ngượng ngùng đáp: Ồ, quả thật, tôi chưa cảm thấy thế... – "Nhưng rồi mục sư phải cảm thấy thế! Phải cảm thấy thế!" Cô Plantier nói tiếp liền một mạch hồn nhiên vồ vập đến nỗi mọi người cùng cao hứng bật cười, cả mục sư cũng vậy.

Nghe chừng chú chàng còn đương soạn vở Nouvel Abeilard cho một ban kịch nham nhở nào chẳng rõ, nếu đưa ra trình diễn thì sẽ còn xảy ra những gì? Dường như báo chí đã rục rịch khởi sự bàn tới?... Tội nghiệp! Có lẽ nào Abel lại ao ước thành công theo lối đó, và sẽ thỏa mãn với chừng đó hay sao?

Hôm qua em đọc những lời này trong Nguồn Vui Vĩnh Viễn: "Kẻ nào thật sự ước vọng vinh quang chân chính và trường cửu, kẻ ấy không kể gì vinh quang hiện thế; không biết xem thường vinh quang trần tục, là tỏ ra không biết yêu sự vinh hiển cao xa", và em nghĩ; xin cảm tạ Thượng Đế, đã chọn Jérôme để hướng về sự vinh hiển nơi thương khung bát ngát, so vào thì vinh hiển trần tục còn có nghĩa lý gì.

Ngày tháng lặng lẽ trôi qua trong những công việc buồn tẻ; nhưng vì mải mê để hết tâm hồn nghĩ đến những kỷ niệm cũ, và hy vọng ngày mai, nên tôi không cảm thấy tháng ngày chậm chạp ri rỉ là bao.

Đúng ra thì vào khoảng tháng sáu, cậu tôi và Alissa đi thăm Juliette ở gần Nimes, Juliette đẻ vào khoảng ấy. Nhưng vì tin tức không được tốt đẹp lắm, nên chuyến đi phải vội vã khởi sự sớm hơn. Alissa viết cho tôi một bức thư như sau:

Bức thư cuối của anh gửi về Havre đến vào lúc em vừa rời Havre. Làm sao giải thích được vì lẽ đến tám ngày sau, ở Nimes em mới nhận được. Suốt một tuần, em sống thẫn thờ e ngại mòn hao, lạnh lùng... Anh ơi, em chỉ sống vì anh thôi. Chỉ với anh, em mới thật là em, em mới thật là hơn em bội phần. Sức khỏe Juliette đã khá; sắp đến ngày sinh nở rồi; chắc sẽ êm xuôi, không sao. Juliette biết rằng sáng nay em viết thư cho anh. Sau ngày em đến Aigues Vives một hôm, Juliette hỏi em: "Tin tức anh Jérôme ra sao chị? Anh đương làm gì? Vẫn gửi thư về cho chị luôn chứ? ". Và em phải thành thật đáp. Nàng bảo: "Khi nào chị viết thư cho anh, nhớ nói rằng... nàng có ý ngần ngừ đôi chút, rồi dịu dàng mỉm cười tiếp: "... rằng em đã khỏi bịnh rồi". Anh Jérôme ạ, trước đây em vẫn thường lo ngại khi nhận được những bức thư rất vui của Juliette, em sợ rằng Juliette cố che dấu lòng mình, và tự dối mình... Hạnh phúc của Juliette ngày nay khác với mộng tưởng ngày xưa biết mấy!... Ồ! Cái điều thiên hạ gọi là hạnh phúc, quả thật là điều rất ít xa lạ đối với linh hồn; và những yếu tố tưởng như cấu tạo nên hạnh phúc từ ở bên ngoài, quả thật là không đáng kể chi mấy! Em xin phép không nói với anh những ý tưởng của mình trong những buổi một mình đi dạo trên "cánh đồng hoang" có điều làm em ngạc nhiên nhất là sao thấy lòng không vui; hạnh phúc của Juliette đáng lẽ làm cho em hân hoan mới phải... Vì sao em lại cảm thấy một nỗi buồn sầu khó hiểu, em gắng xua đuổi mà vẫn hoài công! Phong cảnh ở đây, phong cảnh đẹp vô cùng, em nhận ra, em cảm thấy, lại càng tăng thêm nỗi buồn rầu kỳ quặc. Khi ở bên Ý anh viết thư về, em đã biết nhìn mọi vật qua thị giác anh; ngày nay em thấy hình như mình không chia xẻ với anh, hình như em giữ riêng, em lấy mất của anh những gì em một mình nhìn ngắm... Và thêm nữa, xưa kia... ở Fongueusemare và Havre, em đã từng tạo được cho mình một "năng lực cưỡng kháng" để che chở linh hồn trong những ngày tháng gió mưa; thì ngày nay tại đây, năng lực kia không còn được sử dụng nữa. Và tình trạng buông xuôi "bỏ bê" dã dượi đó, em cảm thấy là một việc trầm trọng vô ngần, em càng hoang mang khôn xiết. Tiếng cười của thiên hạ ở đây làm em bực tức; có lẽ cái mà em gọi là buồn chỉ là không ồn ào được như thiên hạ, thế thôi. Chắc hẳn ngày trước trong nỗi vui của em có pha lẫn chút kiêu hãnh nào, nếu không thì tại sao ngày nay, giữa cái vui bên ngoài,lòng em lại cảm thấy hổ thẹn tủi hờn...Tự ngày tới đây, em cầu nguyện chẳng được mấy tí: em cảm tưởng ngây ngô là Thượng Đế không còn ở vị trí cũ. Nguy rồi! Xin chào anh vội vã. Em xấu hổ vì lỡ thốt lời bất kính phạm thần; em xấu hổ vì lỡ thú nhận sự yếu đuối sầu muộn đó, viết ra những điều mà ngày nay em sẽ xé, nếu chiều nay bưu điện không vội mang đi.

Bức thư tiếp chỉ nói đến sự sinh nở của đứa cháu, nỗi vui của Juliette và của cậu tôi... tuyệt nhiên không nói gì về tâm tình riêng cả. Cái hôn sơ thủy chan hòa? Không.

Rồi tiếp theo là thư gửi từ Fongueusemare; Juliette về đây với chị vào độ tháng bảy.

Édouard và Juliette từ biệt ba và em sáng nay. Em quyến luyến nhất là đứa cháu. Sáu tháng nữa, nhìn lại nó, em sợ sẽ không nhận ra được nữa những cử chỉ của cháu; trước nay, em từng theo dõi cháu nhỏ "phát minh" từng cử chỉ cỏn con. Những sự "sinh thành" bao giờ cũng huyền bí nhiệm mầu! Thường thường chúng ta không biết ngạc nhiên là chỉ vì thiếu chú ý. Biết bao lần em đứng im, nghiêng mình bên chiếc nôi tí hon chứa chan hy vọng. Nhưng bởi đâu sự phát triển chấm dứt quá sớm; bởi sự vị kỷ nào, bởi sự tự mãn nào mọi sinh vật bỗng trở thành cố định và dừng lại lúc còn quá cách biệt với Chí Cao? Ồ! Nếu chúng ta còn muốn tiến gần Thượng Đế hơn nữa... thì cuộc hành trình yêu hoa nhị nguyệt sẽ hăm hở nô nức xiết bao.

Juliette có vẻ rất sung sướng. Ban đầu em hơi buồn thấy Juliette bỏ không chơi dương cầm nữa, nhưng vì Édouard Teissières không thích âm nhạc, và cũng không thích xem sách mấy; kể ra Juliette hành động thế là phải, không tìm thú vui riêng cho mình, nếu chồng không thể cùng san sẻ. Trái lại, nàng rất chú tâm vào công việc làm ăn của chồng. Công việc làm ăn rất phát đạt; Édouard thường vui thích nói rằng chính nhờ cuộc hôn nhân này mà chàng có được đông khách hàng ở Havre. Trong những chuyến đi công việc vừa rồi, Robert cùng đi với chàng; Édouard rất lưu tâm chăm sóc em vợ; chàng tin rằng mình rất hiểu tâm tính Robert, và chàng không mất hy vọng sẽ có ngày nhìn thấy Robert thật sự yêu thích công việc làm ăn kia.

Ba em sức khỏe có khá nhiều. Nhìn thấy con gái sống hạnh phúc; dường như ba trẻ ra; và tìm thấy hứng thú trong nông trại. Những lúc rỗi bảo em đọc sách, nghe em đọc những chuyến du lịch của bá tước Huebner; và chính mình cũng thấy thích, em cũng còn nhiều thì giờ rỗi đọc thêm, nhưng em đương chờ những điều chỉ dẫn của anh; sáng nay, em cầm hết tập này đến tập khác mà không thích tập nào cả".

Từ đây trở đi, thư Alissa ngày càng tha thiết. Vào độ cuối hè, nàng viết:

Vì sợ anh lo nên em không nói cho anh biết em chờ mong anh như thế nào. Mỗi ngày không thấy anh, em thấy nặng nề làm sao. Còn những hai tháng nữa ! Hai tháng, mà sao nghe chừng như dài dằng dặc, dài hơn tất cả những năm tháng xa anh từ trước tới nay. Em cố gắng tìm cách nguôi khuây nhưng vô ích. Sách vở không còn khuây khỏa nữa, đi dạo cũng không vui, cảnh vật hết tươi đẹp, khu vườn quanh nhà cũng phai nhạt phấn hương rồi. Em thèm thuồng những khổ dịch của anh, những sự tập tành bó buộc, không theo ý mình chọn lựa, không cho phép mình ngồi đối diện với mình, chúng lôi bừa anh đi, chúng làm anh mệt nhọc, cho ngày chóng qua, và chiều tối là lăn ngay vào giấc ngủ... Em nghe anh tả những buổi thao diễn, hành binh, mà thấy lòng nao nức, tâm trí cứ bị ám ảnh...

Những đêm gần đây em ít ngủ, nhiều lần trở giấc thình lình nghe tiếng kèn giục giã. Nghe thật sự, anh ạ. Em hình dung rất rõ niềm tê mê phơi phới anh nói đó, mỗi buổi mai thức dậy trước đất trời... giữa bình minh rạng rỡ giá buốt, phong cảnh vùng cao nguyên Malzéville hẳn là phải đẹp lắm!

Vài ngày nay, em không được khỏe lắm. Ồ! Chả có gì hệ trọng lắm đâu. Chỉ tại chờ anh quá nhiều mà nên thế.

Và sáu tuần sau.

Đây là thư cuối cùng của em. Dù anh chưa định trước ngày về, nhưng chả còn bao lâu nữa; em không còn thể viết gì cho anh. Em muốn sẽ được gặp anh ở Fongueusemare, nhưng vì thời tiết quá xấu, nên ba em muốn về lại phố. Ngày nay Robert và Juliette cùng đi cả rồi, thì anh có thể trọ lại nhà em được lắm, nhưng tốt hơn là anh nên ở nhà cô Félicie, cô sẽ sung sướng tiếp đón anh.

Ngày về của anh càng gần, em càng thấy xao xuyến. Gần như lo sợ. Trước nay em nóng ruột mong anh về sớm bao nhiêu, thì nay em như sợ gặp lại anh bấy nhiêu; em gắng đừng nghĩ đến; em... tưởng tượng tiếng chuông anh bấm, tiếng chân anh bước lên cầu thang, tim em như ngừng đập, như thắt lại. Nhưng anh đừng mong em có thể thốt được lời nào... Một quá khứ như đã tận cùng. Dĩ vãng của em dường như kết thúc. Ở bờ phía bên kia, em không nhìn thấy ra cái gì hết. Cuộc đời em đầy ắp dừng sững lại đây.

Bốn ngày sau, nghĩa là một tuần trước ngày tôi bãi khóa, lại nhận được một lá thư ngắn nữa:

Anh Jérôme, em hoàn toàn tán đồng; không kéo dài quá mức buổi lưu trú tại Havre và thời gian gặp gỡ. Ta sẽ nói được gì nữa với nhau ngoài những điều đã viết? Vậy nếu anh phải về lại Paris ngày hôm 28 vì việc ký danh, anh đừng ngần ngại gì, cũng đừng nên tiếc rằng chúng mình chỉ gặp nhau trong hai hôm. Chúng ta còn cả một cuộc sống, phải không anh?

 

Chú thích: 

(*) Pardon, cher Gide, il nous faut bien ici user quelque peu de violence (dans le Dit de la parole re-créatrico) – pour l’amour de ton Ungedachte diaphane.

(xem tiếp phần 2)

Truyện khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art