Chủ Nhật, 01 Tháng Bảy, 2012

Bethlehem : Kinh thành Đấng Thiên Sai

Bethlehem : Kinh thành Đấng Thiên Sai

Trong Kinh Thánh Tân Ước, chỉ có Mátthêu (Mt) và Luca (Lc) dành ra hai chương đầu tiên để nói về sự giáng trần và thời thơ ấu của Đức Giêsu. Hai tác giả trên đều nhắm trình bày: Đức Giêsu dù mới sinh ra cũng chính thật là Đấng Kitô và là con Thiên Chúa. Cùng một sự kiện nhưng Mt và Lc đã trình bày hai lối khác nhau, chứng tỏ họ đã có nguồn văn riêng khi viết Tin Mừng. Vì thế ngay hai chương đầu tiên, hai ông cũng mang nhiều điểm khác biệt. Hai ví dụ : Theo Luca, Giuse cư ngụ ở Nadarét và vì muốn đăng sổ bộ theo lệnh kiểm tra dân số của hoàng đế La Mã Augustô, ông phải đưa bạn mình là Maria lên đường về Bethlehem (Lc 2,4-5). Tại đây, Maria đã sinh con và sau khi làm nghi thức tẩy uế, họ lên đường trở về Nazarét "thành của ông bà" (Luc 2,39). Đối với Mátthêu, sự việc lại xảy ra khác. Giuse phải mang gia đình từ Bethlehem qua trốn bên Ai Cập. Sau khi vua Hêrôđê chết, ông muốn mang gia đình về lại xứ Giuđê nhưng vẫn còn sợ kẻ kế vị là Archelaus nên đành đưa gia đình đến lập cư tại Nadarét (Mt, 2,19-23). Ngoài ra khi đối chiếu hai chương viết về gia phả của Đức Giêsu nơi Mátthêu 1,1-17 và Lc 3,23-38 có thêm một sự khác biệt : Mátthêu 1,16 ghi Giacob là cha của Giuse, ngược lại Luca 3,27 cha của ông lại mang tên Eli. Linh mục Nguyễn Thế Thuấn chú thích đoạn này ghi : "Hai gia phải không phù hợp với nhau và không thể dung hòa. Phải nhận có những điều nan giải vì đã quá xa ta trong quá khứ" (1). Dầu sao lý do quá khứ xa xôi cũng không thể giải quyết được tất cả những nan giải về những điểm khác biệt giữa Mátthêu và Luca.

Có khác biệt nhưng Mátthêu và Luca cũng xác định chung một số điểm quan trọng như : Một trinh nữ tên Maria đã đính hôn với một người tên là Giuse, con của dòng tộc Đavít (Mt 1,16.18.20 ; Lc 1,27 ; 2,4). Thiên Thần Chúa hiện ra cho biết tên con trẻ là Giêsu và cũng là con của Đavít (Mt 1,18 ; Lc 1,26.32). Maria thụ thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần (Mt 1,18-20 ; Lc 1,26-38) trước khi về chung sống với Giuse (Mt 1,18.24-25 ; Lc 1,27 ; 2,5). Đức Giêsu sinh ra dưới trào vua Hêrôđê (Mt 2,1 ; Lc 1,5) tại Bethlehem (Mt 2,5-8 ; Lc 2,4-5.11), sau đó họ định cư ở Nadarét (Mt 2,23 ; Lc 2,39).

Trong những điểm chung trên, một vấn đề được đặt ra bởi một số nhà chú giải Kinh thánh là không hẳn Đức Giêsu đã sinh ra tại Bethlehem (2). Trong bài này, tác giả cố gắng đọc lại ý nghĩa sự giáng trần của Đức Giêsu tại Bethlehem theo Tin Mừng Mátthêu và Luca.

1. Bethlehem và Bethlehem - Ephrata

Theo các nhà khảo cổ học, Bethlehem được biết đến lần đầu tiên vào hồi thế kỷ XIV trước công nguyên trong các văn kiện họ đặt tên là "Những thư EL-AMARNA". Đây là một thành phố của Ai Cập cách thành Le Caire 320 cây số về phía nam. Tại El-Amarna có một dinh thự và trong đó có một phòng dành dự trữ tài liệu văn khố. Vào năm 1887, tức là gần 3000 năm sau, một người du mục Ai Cập tình cờ dẫm lên một đống bảng bằng đất sét. Đó là 358 thơ của văn khố El-Amarna. Trong những thư này, có một số thư của vua Yêrusalem gửi cho vua Pharaôn Ai Cập thời ấy nhận "Bit lahama hay Bit ninib" tức là Bethlehem thuộc lãnh thổ của mình. Ý nghĩa của hai chữ trên còn mơ hồ và chưa chắc là chỉ định Bethlehem.

Có điều chắc chắn khác là trong thời tiền Cựu Ước tại Bethlehem có một chính điện của người Babylon thờ thần Lahamu, vị thần làm sinh sản thảo mộc và muông thú. Từ đó Bethlehem (Beth = nhà) có nghĩa là nhà của Lahamu.

Vào thời Kinh Thánh Cựu Ước, các tác giả đã đánh mất huyền thoại này của người Babylon và Bethlehem mang nghĩa là nhà bánh mì (Beth = nhà, lehem = bánh mì) ; cũng theo Cựu Ước, Bethlehem còn được gọi là Bethlehem của Giuđa hay Bethlehem - Ephrata. Bethlehem của Giuđa để nhận thành này thuộc về phần đất thuộc chi họ Giuđa (xem Thẩm phán 17,7-9 ; 19,1.2.18...) khác với Bethlehem nằm trên phần đất thuộc chi tộc Zabulon (Thẩm phán 12.8.10). Bethlehem-Ephrata khác hơn chút vì khi đọc lại những đoạn các tác giả dùng hai chữ này, họ như thể đồng nhất hóa nên một (Sáng thế 35,19 ; 48,7 ; Rút 4,11 và Mikha 5,1). Sự đồng nhất hóa này bắt nguồn từ ý cho rằng Bethlehem là thành của Đavít và ông này lại là người thuộc họ Ephrata. Vào lúc Ephrata không còn là một thực thể nữa tất cả hy vọng đều tập trung vào thành của Đavít là Bethlehem và người ta đồng hóa Bethlehem và Ephrata. Sự đồng hóa này đạt đến tột điểm với câu sấm của ngôn sứ Mikha 5,1 : "Phần ngươi, Bethlehem-Ephrata, nhỏ bé nhất trong các bộ tộc Giuđa. Chính từ nơi ngươi sẽ xuất hiện cho Ta Vị có mệnh thống lĩnh Ítraen". Theo bố cục của sách Mikha, sấm ngôn ám chỉ một Đavít mới sẽ xuất hiện và diển đạt nỗi mong chờ ra đời của Đấng Thiên Sai tại Bethlehem. Chúng ta có thêm một giải thích khác dựa vào nguồn gốc tiếng Híp ri của chữ Ephrata = sinh quả, sinh lãi, màu mỡ, phì nhiêu. Với nguồn gốc đó, giá trị biểu tượng của Bethlehem-Ephrata nơi Mikha 5,1-2 còn mang nghĩa là "Bethlehem (kẻ có khả năng) sinh sản". Ngôn sứ Mikha lấy Bethlehem-Ephrata là hiện thân của một người đàn bà sinh nở "cho nên Người phó nộp chúng cho đến thời Đẻ sẽ sinh con" (Mikha 5,2). Hình ảnh người nữ sinh đẻ này gợi lại một câu sấm thời danh khác của ngôn sứ Isaia 7,14 : "Này, cô nương sẽ thụ thai và sinh con và cô sẽ gọi tên con là Emmanuen". Người nữ sinh nỡ này "không chỉ tập trung nơi cô cộng đoàn địa phương nơi phát xuất vương quyền Đấng Thiên Sai nhưng còn là toàn thể cộng đoàn Do Thái" (4).

2. Cứu Chúa là con Đavít (Mát-thêu 1-2)

Mát-thêu chỉ viết có một câu nói về Đức Giêsu sinh ra tại Bethlehem dưới trào vua Hêrôđê (Mt 2,1). Theo tác giả, câu sấm của ngôn sứ Mikha 5,1 là do các Thượng tế và các thầy ký lục dùng để trả lời câu hỏi của Hêrôđê về nơi sinh của Đấng Kitô (Mt 2,4). Mt có ghi lại đúng nguyên văn lời sấm Cựu Ước không ?

Mikha 5,1                                                      Mt 2,6

Và ngươi, Bethlehem-Ephrata                      Và ngươi, Bethlehem, đất thuộc Giuđa

nhỏ bé nhất trong các bộ tộc Giuđa              hẳn ngươi không phải là nhỏ nhất trong hàng bộ lạc Giuđa

Chính từ Ngươi sẽ xuất hiện cho Ta                         Vì từ ngươi : sẽ xuất hiện vị thủ lĩnh

Vị có mệnh thống lĩnh Ítraen.                       Kẻ sẽ chăn dắt Ítraen dân Ta.

Mới đọc qua hai bản gần giống nhau nhưng Mátthêu đã có một chút khác biệt ở những điểm này :

1. Bethlehem không còn đồng hóa với Ephrata nhưng thuộc đất Giuđa.

2. Theo Mátthêu, câu sấm Mikha cho biết sẽ xuất hiện một thủ lĩnh.

3. Vị này sẽ chăn dắt.

Mátthêu đã lấy những chi tiết này đến từ đâu ?

Mikha 5,1                                                      Mátthêu 2,6

Và ngươi Bethlehem                                     Và ngươi Bethlehem

Ephrata                                                          đất thuộc Giuđa

nhỏ bé nhất                                                    hẳn ngươi không phải là nhỏ nhất

trong các bộ tộc Giuđa                                  trong hàng bộ tộc Giuđa

Chính từ ngươi sẽ xuất hiện cho Ta              vì từ ngươi sẽ xuất hiện

2 Samuen 5,2

Chính ngươi sẽ là thủ lĩnh                            vị thủ lĩnh

Và chính ngươi chăn dắt                               kẻ sẽ chăn dắt

Ítraen dân Ta                                                  Ítraen dân Ta.

Bản so sánh trên cho thấy Mát-thêu đã thêm vào câu sấm Mikha 5,1 những ý lấy từ 2 Samuen 5,2 cũng như Mikha 5,3 "kẻ sẽ chăn dắt dân Ta".

2.1. Vai trò của Mikha 5,1 theo Mát-thêu 2,1-12

Khi đổi Bethlehem-Ephrata thành Bethlehem thuộc đất Giuđa, Mt muốn nhấn mạnh nguồn gốc vương giả của Đức Giêsu. Khi dùng lại câu sấm, Mátthêu thêm đề mục người Mục Tử lấy từ 2Samuen 5,2 và Mikha 5,3 để giải thích vai trò của Đavít là đấng chăn dắt Ítraen. Những thay đổi này lộ ý tác giả muốn nhấn mạnh thêm lần nữa sự hoàn thành Lời tiên tri nơi Đức Kitô. Thêm vào đó, Mátthêu dùng liên từ "vì" xác nhận rõ ràng Đức Giêsu sinh ra tại Bethlehem. Thành này dưới ngòi bút Mt cũng được thay đổi qua câu "hẳn ngươi không phải là nhỏ nhất...". Câu này diển đạt một sự phủ nhận mạnh mẽ và ý Mátthêu cho người đọc thấy Bethlehem quả thật là một địa phương quan trọng. P.Bonnard chú giải : "Từ lúc Đức Giêsu sinh ra tại đây, Bethlehem không còn là một làng không đáng kể như trước" (5). Chung cuộc, lấy những ý từ 2Samuen 5,2 thêm vào câu sấm Mikha 5,2, Mt cho biết ngay từ chương đầu của Tin Mừng cương vị của Đức Giêsu. Ngài là con của Đavít (6) được sinh ra trong thành Đavít. Ngài đến để chăn dắt dân Chúa.

3. Cứu Chúa là con Đavít và là Đấng Kitô (Luca 1,2-20)

Khác hẳn với Mátthêu, tác giả Tin Mừng thứ ba đã dành hơn 20 câu nơi đầu chương II để nói về sự giáng trần của Đức Giêsu. Luca không dẫn chứng câu sấm của ngôn sứ Mikha 5,1 rõ ràng như ta thấy trong Tin Mừng Mátthêu, nhưng suốt từ Luca 2,1 đến Luca 2,15 tác giả gom lấy ý từ Mikha 5,1-2 và Mikha 4.

Mikha 5,1-5

1. và ngươi, Bethlehem-Ephrata, nhỏ bé nhất trong các bộ tộc Giuđa.

2. Cho đến thời mà người phải lâm bồn, đã sinh con

3. Ngài sẽ chăn dắt dựa vào quyền Yahvê

nhờ uy danh của Thiên Chúa

4. Chính Ngài là sự bình an

Luca 2,4-9,14

5. Giuse từ thành... lên xứ Giuđa tới thành Đavít gọi là Bethlehem 6. những ngày thai nghén đã mãn, đến buổi lâm bồn và bà sinh con... 8. những kẻ mục đồng ở ngoài để giữ đàn cừu (xem Mikha 4,8.10) 9. Vinh quang Chúa rạng ngời bao quanh họ.

14b. Bình an dưới đất...

3.1 Vai trò Mikha 4 & 5,1-5 trong Luca 2,1-20.

Bảng đối chiếu trên cho thấy Luca đã xen lẫn ý lấy từ Mikha 4 và Mikha 5,1-5. Theo Luca, ông không nghĩ có sự khác biệt nào giữa hai đoạn văn trên. Dù hai đoạn trên đều nhằm tới vương quyền thời cánh chung với số sót (Mikha 4,7 và 5,2) thế nhưng cả hai đoạn đều trình bày hai ý hoàn toàn khác nhau. (7) Mikha 4,8-10 gợi lên sự đến của chính Yahvê trong dân người, còn Mikha 5,1-5 gợi sự ra đời của Đấng Thiên Sai thuộc nhà Đavít. Khi chọn Mikha 5,1-5 ý của Luca cho thấy Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai, con của Đavít, sinh ra như mục tử Đavít ở Bethlehem ; và để nhấn mạnh điểm này, Luca không ngần ngại gọi Bethlehem "thành của Đavít" (Lc 2,4-11). Nhưng trong Cựu Ước, "thành của Đavít" luôn luôn được các tác giả ám chỉ là thành Giêrusalem (2Samuen 5,7-9 ; 6,10.12.16 ; 1Vua 2,10 ; 3,1 ; 4,34...) ; và rồi khi chọn Mikha 4,8-10, Lc một lần nữa nhấn mạnh sự ra đời trong cảnh nghèo ở cảnh ruộng đồng nơi Đavít đã canh giữ đàn vật. Tóm lại, Luca trong đoạn Tin Mừng này ám chỉ rõ sự ra đời của Đấng Thiên Sai và sự đến của chính Thiên Chúa. Trẻ sinh ra tại Bethlehem là con của Đavít. Ngài là Cứu Chúa và là Kitô (8).

Kết luận

Trong thời Cựu Ước, Bethlehem một làng nhỏ âm thầm như bao làng mạc khác của Ítraen. Trong lịch sử Do Thái Bethlehem không giữ vai trò chính trị nào và địa thế lại càng không quan trọng trong chiến lược.

Thời Đức Yêsu sinh ra, Bethlehem chỉ là thị trấn nhỏ với khoảng chừng một ngàn dân cư. Bethlehem vẫn không mang vai trò quan trọng nào ngoài việc là nơi đi qua của trục giao thông Bắc Nam từ Sichem xuống Hébron. Từ khi được đón tiếp Cứu Chúa, Bethlehem đã có một địa vị vinh quang như lời sấm của ngôn sứ Mikha.

Mátthêu và Luca trình bày sâu sắc sự hoàn thành của Lời Sấm với sự giáng sinh của Đức Yêsu tại Bethlehem. Sự đồng nhất về nơi sinh của Vì Cứu Chúa nơi Mátthêu và Luca rất quan trọng, nhất là hai đoạn văn trên không phụ thuộc vào nhau. Ý này cũng chứng tỏ rằng sự định chổ trên không phải do hai ông giả tạo ra để chứng minh sự hoàn thành Lời Sấm Mikha.

Mátthêu 1-2 xác nhận Cứu Chúa sinh ở Bethlehem, thành của Đavít. Ngài đến hoàn tất Lời Kinh Thánh và Ngài chính là con của Đavít bởi dòng tộc (Mátthêu 1,1) và bởi nơi Ngài sinh ra (Mátthêu 2). Ngay từ ban đầu, giáo hội sơ khai đã giữ điều này như một tín điều.

Dù có chút khác biệt và ngoại lệ với Cựu Ước và với Mátthêu, khi Luca chỉ định Bethlehem là thành của Đavít, tác giả muốn nói sắc chỉ của Hoàng đế Augustô hoàn tất Lời ngôn sứ Mikha. Bethlehem chính là nơi Đấng Thiên Sai sinh ra. Ngài không những là con của Đavít và còn là Cứu Chúa.

Dưới ngòi bút của Mátthêu và Luca, Bethlehem không chỉ là một tên gọi, một phong cảnh điền viên hay hơn nữa là nơi diễm phúc nhận sự hoàn thành Mầu nhiệm Thiên Chúa làm người. Tên và làng Bethlehem còn phong phú ý tưởng thần học về niềm mong đợi Đấng Thiên Sai. Với lối trình bày khác nhau, Mátthêu và Luca đã lấy ý nghĩa thần học đó kết thành một ý nghĩa thần học cho riêng mình về mầu nhiệm vinh quang khó nghèo. Đó là sự khó nghèo của Giuse, Maria hay của các mục đồng. Sự khó nghèo này được chiếu sáng qua vinh quang với mầu nhiệm ra đời của Đức Giêsu tại Bethlehem.

 

Chú thích

(1) Nguyễn Thế Thuấn : Tin Mừng theo Thánh Luca, trang 132.

(2) Raymond E Brown, Historically, was Jesus born at Bethlehem in The Birth of the Messiah, Garden City, New York, 1979, trang 513-516.

(3) Charles Perrot, Les Evangiles de l'Enfance de Jésus, Cahiers Evangile 18, Cerf, trang 51.

(4) B.Renaud, Et Toi, Bethléem, petite parmi les clans de Juda, in Le Monde de la Bible 36, trang 32.

(5) P.Bonnard, Evangile selon Saint Matthieu, Labor et Fides, trang 26.

(6) Đan sĩ Lê Trung Thành, Thánh ý Chúa Cha qua Matthêu, Orsonnens 1989. Đức Yêsu "là Đấng Cứu Thế mà dân Do Thái mong đợi, Chúa Giêsu xuất hiện trong sự tiếp nối dòng dõi Đavid". Theo tác giả, Mt xử dụng 5 lần danh hiệu con Vua Đavid ; và nhất là trong chương đầu : "Matthêu đặt danh hiệu này như là để xác định trên của Đức Kitô nơi 1,1 đã ăn sâu vào lịch sử cứu chuộc", trang 106-107.

(7) René Laurentin, Structures et théologie de Luc I-II, Gabalda, trang 86-87.

(8) René Laurentin, Les Evangiles de l'Enfance du Christ, DDB, trang 63-66.

Lê Phú Hải omi.

Bài viết khác