Thứ Ba, 03 Tháng Tư, 2018

Những bước chân xây dựng hòa bình

Đâu đó trên Tây Nguyên bạt ngàn, nơi những bản làng heo hút, chị em dòng Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình ngày ngày vẫn lặng thầm gieo rắc yêu thương, làm vực dậy bao tâm hồn nguội lạnh…

Những bước chân xây dựng hòa bình - 1
Cuối xuống và chia sẻ với những thân phận tật nguyền


Ngay từ đầu, với đặc sủng truyền giáo, các sơ Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình đã len lỏi vào từng buôn sóc. Đời dâng hiến của các chị gắn với những gian nan của tha nhân, của người cùng khổ, gầy yếu, tật nguyền... Và mãi cho đến bây giờ, 50 năm trôi qua, bước chân của các chị dường như không mệt mỏi. Dì Maria Trần Thị Hường, 61 tuổi, đang giúp tại giáo xứ Nam Thiên, giáo phận Ban Mê Thuột từng có nhiều năm phục vụ anh em dân tộc thiểu số trầm tư: “Nhìn thấy cuộc sống giáo hữu thiếu thốn mình thật sự thương cảm. Kể cả những người không có đạo, chúng tôi cũng không ngại lân la vào với họ để chia sẻ, giúp đỡ. Ở vùng xa xôi này chuyện có cái ăn cái mặc đã là hiếm hoi”. Đối với dì, mỗi bước tiến trong đời sống đức tin của các tân tòng nơi đây và cách riêng trong nhịp sống thường nhật của họ là một phần của ký ức. Ngày trước, dân nghèo ở trong mái nhà sập xệ, căng lều bạt che mưa che nắng. Trẻ con lớn lên thì mò cua, mò ốc, lượm hạt điều. Một chữ bẻ đôi chẳng biết. Bây giờ thì đỡ nhiều rồi. Nhà nào không có điều kiện thì chị em hội dòng tìm cách giúp xây nhà tình thương. “Yêu mến rồi thì dễ lắm!”, sơ nói. Rồi vị nữ tu kể tiếp, một trong những hoạt động được các sơ rất quan tâm là phát triển giáo dục, dạy chữ. Các sơ thường mở lớp xóa mù chữ cho dân trong, ngoài xứ. Đều đặn tại xứ đạo luôn có chương trình phát thuốc miễn phí. Các nữ tu Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình cũng mời gọi những đoàn thiện nguyện từ thành phố về giúp đỡ, phát quà. Mùa hè, học sinh từ trong xóm ra nhà sơ để được rèn luyện thêm. Nhà nào rối rắm, ít đi lễ, chị em cùng đến tận nơi an ủi. Nhờ vậy mà đời sống tinh thần của họ dần cải thiện. 

Những bước chân xây dựng hòa bình - 2
Lặng thầm phục vụ anh em sắc tộc


Có một điều dễ nhận ra là, dường như sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa không phải là rào cản mà là cơ hội để chị em hội dòng ra sức tận hiến. Ở các buôn làng, vùng sâu vùng xa, những điểm vắng bóng chủ chăn, hội dòng đã có cách thức hiện diện mới là sống âm thầm giữa mọi người như những thường dân. Chia sẻ về điều này, dì Hường nói: “Sống cùng nên tiếng nói của họ mình dần thông suốt. Nếp ăn ở cũng quen thuộc”. Cũng vậy, dì Maria Têrêsa Nguyễn Thị Đức, một người có nhiều tâm huyết với buôn làng cho biết ngày mới đến phục vụ mấy mươi năm trước, bản thân chẳng hề biết một chữ dân tộc nào. “Nhưng chuyện của Chúa thì Chúa lo. Rồi cũng qua hết”, dì xác tín. Hiện tại, cộng đoàn dì đang phục vụ (giáo xứ Kim Thành, giáo phận Ban Mê Thuột) có khoảng 3.100 người dân tộc thiểu số, chủ yếu là Ê-đê, trong đó có hơn 100 hộ nghèo, gần 200 hộ cận nghèo. Số người bỏ xứ vào Sài Gòn, Long An sinh sống ngày một nhiều. Những gánh lo của giáo dân, của cha sở cũng là nỗi băn khoăn của các dì. Mọi mặt của đời sống, vật chất, tinh thần, đạo hạnh, bất cứ hoàn cảnh nào gặp gỡ các sơ cũng cố gắng để đồng hành, không nhiều thì ít, cốt là mang lại cho họ niềm tin, niềm hạnh phúc nhận biết Chúa. Ở một số cộng đoàn, các sơ còn có chương trình hỗ trợ kinh tế bằng mô hình nuôi bò nhân rộng, tức giúp mỗi hộ nhận bò giống về nuôi, từ đó gầy dựng thêm. Các sơ cũng tạo nước sạch cho dân chúng bằng việc xây dựng những trạm cấp nước chung. Rồi những hủ tục lạc hậu ma chay, các vị nữ tu cũng hiện diện để mời gọi thay đổi.

Những bước chân xây dựng hòa bình - 3
Nữ tu dòng Nữ Vương Hòa Bình như những người mẹ, người chị thân thiết của thiếu nhi vùng cao nguyên


Vâng theo lời dạy của Đấng thiết lập dòng: “Hỡi chúng con! Hình ảnh Đức Mẹ vội vã trèo non leo núi hăm hở mang Tin Mừng người vừa được loan báo bởi sứ thần Gabriel lúc này phải khêu gợi cho chúng con trông thấy trước những bóng xa xăm của những nữ tu Dòng Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình. Chúng con mai ngày lũ lượt lên thác xuống ghềnh, xông pha ngàn dặm khắp miền cao nguyên này để đem Phúc Âm đến tận hang cùng ngõ hẻm cho mọi gia đình Kinh, Thượng trong Địa phận nhà!” (trích bài giảng của Đức cha Phêrô Nguyễn Huy Mai, nguyên Giám mục giáo phận Ban Mê Thuột trong ngày thiết lập dòng 31.5.1969), các sơ đã không ngừng tự đào luyện. Trong những giai đoạn đầu tiên, hầu hết các cộng đoàn đều phải trải qua nhiều thử thách. Tuy vậy, với tinh thần phó thác, người nữ tu Nữ Vương Hòa Bình chấp nhận mục nát đi để làm hạt giống Lời Chúa trổ sinh dồi dào.

Những bước chân xây dựng hòa bình - 4
Sống âm thầm giữa mọi người mà trao ban yêu thương

 

Mục vụ từ những năm đầu thập niên 1960 tại Kontum và Ban Mê Thuột, ngày 31.5.1969, sau khi được phép Tòa Thánh theo văn thư số 2248/69 đề ngày 22.4.1969 của Ðức Hồng y Pietro Agagianian, Bộ Trưởng bộ Truyền Giáo, Ðức cha Phêrô Nguyễn Huy Mai, Giám mục tiên khởi giáo phận Ban Mê Thuột chính thức thành lập dòng với danh xưng là “Dòng Ðức Maria Nữ Vương Hòa Bình”. Mang tinh thần dấn thân vào vùng ngoại biên, đến nay chị em hội dòng phục vụ tại các giáo phận Ban Mê Thuột, Kontum, Nha Trang, TGP Hà Nội và TGP.TPHCM. Hiện tại dòng có 356 nữ tu, chưa kể đệ tử. Nhà chính đặt tại thành phố Ban Mê Thuột, tỉnh Ðăk Lăk.


Nguyễn Hùng Luân

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art