Ðã 72 năm kể từ ngày ngài qua đời, nhưng với mọi người, cả Công giáo lẫn không Công giáo, thì cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp vẫn thật gần gũi. Chúng tôi đã tìm về hai địa điểm gắn liền với cuộc đời của cha là giáo xứ Cồn Phước (GP Long Xuyên - nơi cha sinh ra) và giáo xứ Tắc Sậy (GP Cần Thơ - nhiệm sở của cha trước khi từ trần), để hiểu rõ hơn về người mục tử dám hy sinh thân mình vì đoàn chiên…
Nơi ông Hai sinh trưởng
Ðường về nơi chôn nhau cắt rốn của cha Diệp không khó, qua bên kia phà An Hòa (thành phố Long Xuyên, An Giang) cứ chạy thẳng, thêm một lần rẽ trái chừng 7 cây số là có thể thấy tháp chuông nhà thờ Cồn Phước. Theo người dân trong vùng, danh xưng Cồn Phước bắt nguồn từ việc hai ông bà Lê Văn Phước - Nguyễn Thị Rơi là cư dân đầu tiên đến đây định cư và khai hoang trên một cồn nổi năm 1860.
Cách nhà thờ vài trăm bước chân, có một ngôi nhà cũ, được con cháu xây dựng lại trên chính mảnh đất mà năm xưa gia đình ông bà Trương Văn Ðặng, Lê Thị Thanh cùng người con Trương Bửu Diệp sinh sống. Ðó là căn nhà nhỏ, thông thoáng, có nhiều hình thờ cha, đặc biệt còn lại kỷ vật là chiếc bàn thờ cổ gắn liền với thời niên thiếu của cha Diệp... Ðối diện bên kia đường là gia đình 2 chị em ruột: bà Nguyễn Thị Vẹn và Nguyễn Thị Thu Nga, con cháu trong dòng họ, gọi cha Diệp bằng ông. Hằng ngày, hai bà vẫn thay nhau qua lại nhang đèn, quét dọn, chăm sóc bàn thờ tổ tiên.
Ngôi nhà nơi ông Hai sinh trưởng - ảnh: Đình Quý |
Bà Vẹn, lớn thứ hai trong gia đình (chị ba theo cách gọi của người miền Tây), cũng là thành viên cao tuổi nhất của dòng họ còn sống cho hay, tại Cồn Phước bây giờ chỉ còn gia đình bà và người em - bà Nga - là hậu duệ của cha Diệp. Bà có 7 anh em, mất 1, bốn người còn lại đi nơi khác định cư nên một năm chỉ gặp mặt vài ba lần. Con cháu có số ít người học hành đỗ đạt, còn lại làm đủ ngành nghề, từ buôn bán, ruộng đồng, trong đó phải kể đến người con của ông Nguyễn Công Toàn, em kế bà Vẹn, hiện đang là chủng sinh của ÐCV Thánh Quí Cần Thơ. Bà còn cho biết, dòng dõi với cha còn một nhánh khác là hậu bối của bà Trương Thị Thìn, người em cùng cha khác mẹ với cha Diệp, hiện sống tại họ đạo Bến Dinh (GP Mỹ Tho).
Ngồi bên bậc thềm nơi nhà cha, bà Vẹn chậm rãi kể lại những câu chuyện về người ông của dòng họ: “Cha má tui kể, tính cách ông hiền hậu, đạo đức, thương các cháu lắm. Mỗi lần về thăm quê là đem theo chuỗi, bánh trái cho các cháu. Còn các cháu cứ bám lấy ông Hai không rời. Vậy nên mỗi lần đi cha phải hứa hẹn năm sau về nữa thì các cháu mới cho cha đi”. Tại Cồn Phước, từ lâu bà con đã rất yêu mến cha, giáo dân đều gọi ngài bằng cái tên gần gũi, thân thương và đậm chất Nam bộ: ông Hai
Bà Vẹn bên bà thờ tổ tiên - ảnh: Đình Quý |
Hằng năm ở cồn đều tổ chức lễ giỗ cha Diệp và có rất đông người về tham dự, như năm 2017 vừa rồi đến 7000 người. Với đại gia đình bà Vẹn, đây là dịp hiếm hoi trong năm mọi anh chị em, các cháu họp mặt đông đủ. Như đứa con đi xa trở về thăm lại tộc họ, tay bắt mặt mừng, không khí một đại gia đình thật ấm cúng. “Cứ mỗi lần nghe ai nhắc đến cha Diệp, trong lòng tôi lại bồi hồi, hạnh phúc khó tả. Hạnh phúc hơn khi nhờ lời chuyển cầu của cha mà nhiều người được ơn. Nên hằng năm, nơi mái nhà cha ở năm xưa, có đông người tìm về cầu nguyện”, bà Nga hãnh diện góp thêm chuyện.
Theo chỉ dẫn của hai bà, chúng tôi tìm đến gặp ông Tư Trào (Nguyễn Phong Trào), Chủ tịch giáo xứ, người định cư tại Cồn Phước trên 40 năm nay. Theo ông, mặc dù ông Hai mất chưa phải quá lâu, nhưng tại đây, những câu chuyện về ngài khá hạn chế vì nhiều nguyên do: “Năm 1904, lúc lên bảy tuổi thì mẹ mất, cha Diệp đã theo bố đến Battambang (Campuchia) sinh sống. Phần nữa do thời buổi loạn lạc, nhiều thứ liên quan đến cha cũng mất mát, ví như đồ vật trong nhà, ngoài chiếc bàn thờ cổ thì không còn lại gì, hay trong Ðất Thánh hiện còn phần mộ của ông Trương Văn Ðặng, tức bố cha Diệp, nhưng hai người vợ của ông là bà Lê Thị Thanh và vợ hai Nguyễn Thị Phước thì chưa rõ an nghỉ nơi đâu”.
Trước khi chia tay, ông Tư Trào còn cho chúng tôi xem một thứ mà ông coi như báu vật : Ðó là tấm hình gốc, chụp chân dung cha Diệp, và có thể là món quà cha gởi đến tay bà con sau lễ chịu chức. “Người giữ tấm hình này trước đây là bà đạo mới, tên Nâm Thị Sáu. Một đêm bà nằm mơ thấy có ông cha đi về mà lại không có đầu. Tỉnh dậy bà nói với chồng thì ông bảo ông Hai đó. Tấm hình sau này theo bà như hình với bóng. Khi ông bà chết, tôi xin về cất giữ để sau này giáo xứ có phòng đàng hoàng thì sẽ mang ra trưng bày”, ông nói…
Rời Cồn Phước, chúng tôi bắt chuyến xe đêm để di chuyển về Tắc Sậy. Theo bản đồ “gu-gồ” chỉ dẫn, hai điểm này cách nhau xấp xỉ gần 200 cây số.
Ông Tư Trào cùng tấm hình cha Diệp mà ông trân trọng và xem như là báu vật - ảnh: Đình Quý |
Nơi yêu thương lan tỏa
Nhà thờ Tắc Sậy tọa lạc tại ấp 2, xã Tân Phong, thị xã Giá Rai, Bạc Liêu. Ở miền Tây, nếu nhắc đến nhà thờ Tắc Sậy hay nhà thờ cha Diệp thì hầu như mọi người đều biết, ít nhất đã từng nghe qua. Thậm chí nó quen thuộc đến nỗi với cả… chiếc điện thoại thông minh. Vì ngay lúc chúng tôi vừa đặt chân đến nơi, đã có tin nhắn báo về: Nhà thờ Tắc Sậy rất phổ biến trên google map.
Người tín hữu hay nói với nhau, trong số rất đông người đến với cha Diệp hằng năm, có nhiều người không phải Công giáo. Và để trả lời câu hỏi này thay cho những suy đoán, chúng tôi làm thử một cuộc hỏi ngắn “bỏ túi” ngay trong sân nhà thờ, và cho kết quả đúng như vậy. Trong số 20 người được hỏi thì hết 12 là anh chị em lương dân. Người ta đến với cha để xin hay tạ ơn, có người lặng lẽ cầu nguyện, có người khấn vái theo như niềm tin của mình, nhưng nhìn chung tất cả đều trong trang nghiêm, trật tự.
Tắc Sậy là một họ đạo lâu đời của GP Cần Thơ, lịch sử có gần trăm năm (thành lập 1925). Ông Huỳnh Văn Cang, 79 tuổi, một giáo dân, cắt nghĩa cho chúng tôi nghe về tên gọi: “Hồi xưa nơi đây có những đám lau sậy lớn, để tới nhà thờ, người ta rẽ một con đường tắt giữa đám sậy để đi. Theo phát âm của người miền Nam, chữ ‘tắt’ đọc thành chữ ‘tắc’ nên tên Tắc Sậy hình thành như vậy”. Tắc Sậy cũng là mảnh đất mà cha Diệp gắn bó gần như trọn đời mục tử. Năm 1924, ngài chịu chức linh mục thì 3 năm đầu làm cha phó họ đạo Hố Trư, một họ đạo người Việt tại Kandal - Campuchia; sau đó có 2 năm ngài làm giáo sư Chủng viện Cù Lao Giêng, trước khi về coi sóc Tắc Sậy từ tháng 3.1930 đến khi mất vào năm 1946. Trong lúc trò chuyện cùng ông Cang, chúng tôi còn biết thêm chi tiết quý giá : ngoại ông là ông trùm Thơ của họ Khúc Tréo trước đây là người đã đi vớt xác sau khi cha Diệp chết.
Thời gian từ ngày cha Diệp mất tới nay tròm trèm đủ một đời người, do đó những nhân chứng còn lại rất hiếm. Tuy nhiên, sau nhiều công sức tìm tòi, chúng tôi cũng gặp được vị “chứng nhân cuối cùng”. Bà tên Trần Thị Kim Anh, người trong vùng hay gọi Chín Anh. Gọi bà là “chứng nhân” vì từng nằm trong ca đoàn của cha Diệp, là “cuối cùng” vì hiện ở Tắc Sậy, những người tiếp xúc trực tiếp với cha chỉ mình bà còn sống.
Ván hòm từng chôn cất cha Diệp đặt tại nhà truyền thống |
So với cái tuổi 87 thì bà Chín Anh vẫn khỏe mạnh. Dù thời gian ít nhiều làm trí nhớ của bà suy giảm nhưng khi nói về cha, bà kể say sưa với tâm trạng hào hứng và đầy cảm phục : “Ngày đó, mỗi lần ca đoàn tập hát ông cố hay sang thăm, rồi động viên mọi người cố gắng hy sinh. Mấy chị em thì hay qua lau nhà cho ông cố để được cho bánh trái, đồng xu. Nhưng đồng xu là dành đến Chúa nhật đi lễ bỏ rổ nhà thờ, chứ không được lấy mua bánh, cha mà biết là bắt quỳ gối. Sau này chúng tôi mới hiểu, ông cố làm vậy là tập cho lũ trẻ tinh thần hy sinh. Hồi đó con nít trong họ đạo hay đeo theo cha, cha đi đâu cũng xin đi theo. Khi cha đi vắng, cả lũ được kêu đến coi nhà rồi thoải mái lục tủ kiếm bánh trái ăn. Khi mấy đứa sai phạm cha chỉ bắt quỳ gối chứ không bao giờ đánh đòn. Có những lúc học bên nhà dòng nghịch phá quá, bà phước đuổi đi thì sang bên nhà xứ có cha chứa. Cha thương bổn đạo lắm, ngày nào cũng lội bộ đi thăm từng nhà, cả người lương lẫn giáo. Trong bài giảng luôn nhắc nhở bà con yêu thương, hòa thuận với nhau. Hồi đó cha có cái ghe, mỗi lần ngài đi làm lễ xa mấy anh lớn tuổi chèo xuồng, ca đoàn đi theo hát lễ. Cha con cứ vậy tuần nào cũng rong ruổi…”.
Bà Anh cho biết thêm, ngày cha Diệp mất bà không hay biết, vì khi đó giáo xứ loạn lạc, giáo dân tản cư khắp nơi. Sau đó ổn định quay về mới hay tin cha đã qua đời.
Nhờ giới thiệu của nhiều người, chúng tôi cũng tìm đến nhà ông Ba Lập, một thời từng là cậu bé giúp lễ cho cha Diệp. Tuy ông mất cách đây đã 3 năm, nhưng qua vợ và con gái, những người từng nghe ông kể lại, chúng tôi góp nhặt thêm thông tin. “Hồi còn sống ổng hay kể về cha lắm, nhất là khi có ai tìm về hỏi han. Ổng bảo cha rất thương người nghèo, hễ gặp ai thiếu thốn hay lỡ đường đều kêu vô rồi mở lẫm lúa cho họ đem giã lấy gạo”, bà Ba Lập nhớ lại.
Tình yêu cứ vậy được cha vun đắp để rồi sẵn sàng quên mình vì đoàn chiên. Giáo dân Tắc Sậy quý mến cha đã đành, đoàn người hành hương đông đảo từ muôn nơi cũng vậy. Cha Diệp vì thế trở thành chiếc cầu nối để lòng mến nơi mỗi người ngày một bền chặt.
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp sinh ngày 1.1.1897, rửa tội ngày 2.2.1897. Năm 1909, ngài vào học Tiểu Chủng viện Cù Lao Giêng, sau đó theo học ở Ðại Chủng viện Nam Vang (Campuchia). Năm 1924, được thụ phong linh mục tại Nam Vang, rồi làm cha phó họ đạo Hố Trư, giáo sư Chủng viện Cù Lao Giêng, trước khi về Tắc Sậy tháng 3.1930. Tại Tắc Sậy, cha còn chăm lo mục vụ cho 8 họ lẻ khác là Bà Ðốc, Cam Bô, An Hải, Ðầu Sấu, Chủ Chí, Khúc Tréo, Ðồng Gò, và Rạch Rắn. Rửa tội cho gần 2000 người. Năm 1945 - 1946, thời chiến tranh loạn lạc, giáo dân phải di tản. Cha Diệp bị bắt cùng với trên 100 giáo dân Tắc Sậy và bị giam chung trong lẫm lúa nhà ông Châu Văn Sự tại Cây Gừa. Cha mất ngày 12.3.1946, còn bà con được trả tự do về lại nhà và tản cư ngay trong đêm. Thi hài cha Phanxicô được chôn cất trong phòng thánh nhà thờ Khúc Tréo. Ðến năm 1969, hài cốt cha dời về nhà thờ Tắc Sậy. Ngày 4.3.2010, Ðức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên - Giám mục GP Cần Thơ đã chủ sự thánh lễ di dời hài cốt cha vào phần mộ khang trang mới được xây dựng, cũng là nơi an nghỉ của ngài hiện nay. |
Hiện cứ đến lễ giỗ cha Diệp hằng năm (ngày 11 và 12.3), có hàng chục ngàn người từ khắp nơi đổ về Tắc Sậy. Ít ai biết, lễ giỗ đầu tiên được cử hành năm 1982 chỉ có vài ba chục người tham dự. “Năm đó giáo xứ vừa sửa lại mặt tiền nhà thờ, quay mặt ra con đường lớn mới hoàn thành thay vì quay ra sông như trước. Khi xong nhà thờ thì cộng đoàn dâng lễ giỗ để nhớ đến vị linh mục đã từng chăm lo cho họ đạo trong thời gian dài”, cha Antôn Vũ Xuân Vinh, chánh xứ Vĩnh Hậu, cha sở Tắc Sậy từ năm 1977-1986 và là người tổ chức lễ giỗ đầu tiên kể.
|
Trong quá trình thực hiện bài viết, chúng tôi cũng nhặt nhạnh thêm nhiều mẩu chuyện từ chính nhân vật mà mình tiếp xúc, ở đó, qua lời kể thì họ được rất nhiều ơn khi cầu nguyện cùng cha. “Năm 1997, tôi bị bệnh viêm tủy nằm một chỗ, muốn đi lại phải chống gậy. Bệnh viện cũng đi nhiều lần nhưng không thuyên giảm. Sau đó, tôi uống phương thuốc mà bà con truyền tai nhau là cha Diệp về báo mộng, cộng với việc cầu nguyện, chỉ sau 3 tháng tôi trở lại như bình thường”, chị Nhan Thị Kim Vân, con gái bà Chín Anh (nhân vật trong bài viết) kể. Chúng tôi cũng may mắn được tiếp cận cuốn sổ Sưu tập những ơn lành qua cha FX. Trương Bửu Diệp của Trung tâm Hành hương Tắc Sậy, ghi lại tâm tình của khách hành hương từ muôn nơi. Ða số đó là lời cảm ơn vì qua cha, gia đình họ khỏe mạnh, bình an, khỏi được bệnh, mẹ tròn con vuông…; nhưng cũng có những mẩu chuyện dễ thương và đời thường như “cha giúp” bán được nhà, trả được nợ. Trong đó có hai điểm chúng tôi ấn tượng là rất nhiều tâm tình của anh chị em lương dân và mẩu chuyện ghi lại điều đã xảy ra mà người trong cuộc xem như “phép lạ”. Như ngay trang đầu, câu chuyện của chị Lý Thị Thanh Trâm: “Vào cuối năm 2013, mẹ con bị hôn mê não và được bác sĩ thông báo chuẩn bị tâm lý vì sợ bà không qua khỏi. Con liền khấn nguyện với cha và hứa sẽ xuống cha tạ ơn thì tới trưa hôm đó mẹ con tỉnh lại. Nhưng khi tỉnh bà lại không nhớ ai cả. Con lại cầu xin cha lần nữa thì tới chiều mẹ nhớ ra mọi người… Hôm nay con rủ cả gia đình đến đây để viếng thăm và tạ ơn cha”. |
ĐÌNH QUÝ