Thứ Ba, 22 Tháng Tám, 2017

Dòng Ðức Bà

Dòng Ðức Bà

Có mặt tại Việt Nam gần một thế kỷ, những nữ tu Dòng Đức Bà Congrégation Notre Dame - (CND) đã dìu dắt biết bao lớp trẻ trên con đường tri thức.

Gieo chữ mọi nơi

Nhóm 12 nữ tu tiên phong thuộc tỉnh dòng Pháp đã đến vùng đồi núi Lâm Viên (Đà Lạt) và đặt nền móng xây dựng ngôi trường đầu tiên mang tên Đức Bà Lâm Viên vào năm 1935. Trong khi chờ xây dựng, các chị tạm trú trong một ngôi biệt thự và bắt đầu dạy học. Giữa vùng rừng núi hoang vu, họ như những đốm lửa sưởi ấm cho nhiều gia đình nghèo. Có người đã đưa con băng qua 500 cây số đến trọ học với sự xúc động và biết ơn sâu sắc. Khi tòa nhà Đức Bà Lâm Viên hoàn thành vào năm 1936, trường bắt đầu đón nhận học sinh. Nhìn thấy số trẻ thất học còn đông, năm 1950, dòng Đức Bà lại tiếp tục mở trường Nữ Vương Thế Giới tại Sài Gòn. Từ lớp giữ trẻ, cứ qua mỗi năm, trường lại mở thêm một lớp lớn hơn từ tiểu học đến trung học. Hiện nay, hai ngôi trường này trở thành trường trung học phổ thông cho người dân tộc ở Đà Lạt và trường Lê Thị Hồng Gấm nằm cạnh trụ sở chính của nhà dòng (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TPHCM).

Sự tận tụy của accs chị trong giảng dạy đã vun xới nhiều mầm xanh chồi

Tiếp bước những nữ tu tiên phong, dòng luôn bền bỉ với sứ vụ giáo dục. Vào thời điểm năm 1990, nghe được câu chuyện trẻ nghèo không đủ điều kiện đi học từ chia sẻ của một giáo dân, nhà dòng lập tức mở lớp tình thương tại xã Tân Thuận Tây, huyện Nhà Bè (nay là quận 7) để nâng đỡ các em. Ban đầu, không có cơ sở, các chị mượn tạm chuồng heo bỏ trống của hợp tác xã chiếu cói rồi ngăn vách ra dạy. Ngày đó, học sinh “lớp chuồng heo” toàn trẻ lang thang, bụi đời. Các em lăn lộn bên ngoài khi còn quá nhỏ nên tâm hồn trẻ thơ sớm trở nên chai sạn. Vậy mà khi thấy các nữ tu mở lớp, bọn trẻ lại đến học rất đông. Tận tụy dìu dắt, các chị đã tưới mát, vun xới cho từng cây non dần xanh tốt trở lại.

Thời gian sau, các lớp tình thương được chuyển sang khu đất mới và có cơ sở khang trang, đến năm 1995 thì trở thành một nhánh của trường tiểu học Nguyễn Thị Định. Năm 2007, các nữ tu tiếp tục mở cấp II theo diện giáo dục thường xuyên, trực thuộc Trung tâm giáo dục thường xuyên quận 7. Hiện hai trường cấp I, II này chính là trường tình thương Ánh Linh dành cho trẻ nghèo. Ngoài hoạt động tại trường Ánh Linh, dòng còn nhận điều hành trường tiểu học Việt Anh tại Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng) qua lời mời của linh mục Phaolô Dương Công Hồ - người lập trường.Bên cạnh mở trường dạy học sinh các cấp, Dòng Đức Bà cũng quan tâm rất nhiều đến bậc mầm non. Các chị mở trường mẫu giáo Phúc Xá ở Long Thành (Đồng Nai) và Sương Mai trong khuôn viên dòng tại Sài Gòn. Nhiều phụ huynh có con em tự kỷ đã tìm gởi các nữ tu dạy dỗ, nâng đỡ. Bởi thế, hai trường nói trên có thêm những lớp chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ, góp phần chia sẻ gánh nặng cho không ít phụ huynh.

Giáo dục là hiện diện

Từ năm 1990, song song với dạy văn hóa cho lớp tình thương, các nữ tu dòng Đức Bà còn hướng dẫn cho học sinh thêu thùa, may vá. Thấy trò tiếp thu nhanh và có vẻ yêu thích, các chị đi xin máy may cũ về và dạy thêm cả nghề may. Có một thời, trường tình thương Ánh Linh còn cung cấp rất nhiều thợ may cho khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TPHCM). Về sau này,  nhiều lớp nghề như thêu, may, đính cườm, vi tính... dần mở ra tại các trường thuộc dòng Đức Bà như một phương cách hỗ trợ để học sinh của mình có thêm cái nghề làm hành trang vào đời. Có cơ sở để dạy học, các chị lại ưu tư đến nơi ăn chốn ở của trò. Ở vùng Thạnh An (Cần Thơ) và Rạch Giá (Kiên Giang), dòng đã lập hai lưu xá hỗ trợ các em nhà ở quá xa.

Hơn 80 năm hiện diện tại Việt Nam, dòng Đức Bà đã dấn thân trong rất nhiều lĩnh vực. Giám tỉnh hiện tại của nhà dòng, nữ tu Maria Lê Thị Thanh Nga, chia sẻ: “Giáo dục ở đây được hiểu theo một nghĩa rộng. Không chỉ là dạy học, mà còn là sự hiện diện. Các nữ tu của dòng dù cộng tác trong lĩnh vực nào, ở đâu cũng mang theo sứ mệnh giáo dục, cố gắng phục vụ hết mình, góp phần vực dậy, nâng đỡ, mở lối cho anh chị em xung quanh”.

Trong lĩnh vực y tế, có rất nhiều nữ tu của dòng đã và đang là y tá, bác sĩ cho bệnh viện bên ngoài. Bằng tình thương, sự hiện diện của các chị đã an ủi tinh thần cho rất nhiều bệnh nhân, và quan trọng hơn hết chính là tấm gương tận tụy cho các đồng nghiệp noi theo. Về nghệ thuật, những chị từng làm việc tại Đài truyền hình  trước năm 1975 đã dùng khả năng biên kịch của mình viết nên những vở kịch rối giáo dục thiếu nhi. Các nữ tu có chuyên môn trong lĩnh vực tâm lý thì tất bật với vai trò giảng viên, thuyết trình viên trong nhiều khóa chuyên đề, hội thảo về tâm lý gia đình tại những giáo xứ, các trường đại học. Nhiều chị tham gia giảng dạy về Thánh Kinh, thần học và là thành viên của nhóm Phiên dịch các giờ kinh phụng vụ...

Các nữ tu Dòng Đức Bà còn dạy nghề cho các em có thêm hành trang bước vào đời

Những nữ tu dòng Đức Bà cũng hiện diện trong đời sống hằng ngày của các gia đình nghèo. Họ lặng lẽ tiết kiệm từng đồng bỏ heo đất để rồi hằng tuần nấu bữa ăn ngon lành cho các cụ neo đơn khu vực Long Thành. Thêm nữa, còn cho người nghèo vay vốn để làm ăn. Đáp lại tấm lòng của các nữ tu, người vay vốn khi đã kiếm được đồng lời thì rất giữ chữ tín, gởi lại cho nhà dòng để đồng tiền tiếp tục xoay vòng đến các gia đình khó khăn khác. “Dùng sự mở lòng, chia sẻ của mình để đổi lấy chữ tín nơi họ, đấy cũng là một cách giáo dục”, nữ tu Giám tỉnh nhận định.

Trước khi đến với ơn gọi, một số nữ tu của dòng  đang làm giáo viên. Lúc vào dòng, họ tiếp tục giảng dạy tại các trường như Nguyễn Thị Minh Khai, Marie Curie, Lê Thị Hồng Gấm... Khi đã về hưu, trở về dòng, vẫn miệt mài trong sứ vụ của mình bằng việc dạy học. Có nữ tu đã 80 tuổi nhưng ngày ngày vẫn quy tụ từng nhóm nhỏ để dạy Anh văn.

Các nữ tu dòng Đức Bà vẫn luôn hết lòng với giáo dục và âm thầm truyền ngọn lửa tri thức cho thế hệ mai sau.

TRẦN CHÂN

 

Bài viết khác