Thứ Hai, 27 Tháng Ba, 2017

Khao khát hướng về người bệnh nghèo : Nữ tu Anna Lê Thị Hội

Khao khát hướng về người bệnh nghèo

Hơn 35 năm làm việc tại một phòng khám Đông y do chính mình thành lập, nữ tu lương y Anna Lê Thị Hội (dòng MTG Thủ Đức) vẫn chưa bao giờ vơi đi bầu nhiệt huyết phục vụ bệnh nhân nghèo.

Là con thứ năm trong một gia đình có 11 anh chị em, nữ tu Anna Lê Thị Hội đi tu từ hồi 15 tuổi. Khao khát hướng về người bệnh nghèo đã khiến chị quyết định xin phép hội dòng cho đi học ngành y sĩ tại Đại học Y Dược TPHCM, sau đó học thêm ngành Đông y chuyên về vật lý trị liệu và châm cứu. Khi trang bị đủ chuyên môn, với sự hỗ trợ của nhà dòng, chị đã đứng ra thành lập một phòng khám phục vụ người bệnh tại địa chỉ 18 Nguyễn Bá Luật - phường Bình Thọ, quận Thủ Đức (TPHCM).

Mấy chục năm qua, hình ảnh vị nữ tu với khuôn mặt phúc hậu đã quá thân thuộc với người dân và bệnh nhân nơi đây. Người bệnh thuộc đủ mọi đối tượng, chủ yếu là thành phần nghèo. Bà Trương Thị Hoa, một người quen của phòng khám chia sẻ: “Trước kia tôi vốn bị đau thần kinh tọa, chân tay mỏi mệt, đi các nơi chữa trị nhưng không khỏi, rồi  được nhiều người giới thiệu đến gặp dì Hội tư vấn và châm cứu, nay bệnh tình đã hết hẳn. Tôi quen biết dì đã gần 12 năm, biết cách chữa bệnh bằng phương pháp châm cứu Đông y có hiệu quả nên khi thấy bà con lối xóm bị đau thì lại giới thiệu tới, dì rất thân thiện và gần gũi”.

Với người bệnh nghèo, phòng khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí. Chưa kể những hoàn cảnh khó khăn đã được nữ tu Anna giúp đỡ bằng nhiều cách, khi thì hỗ trợ tiền thuốc thang, lúc lại đóng học phí cho các trẻ có cha mẹ quá cơ cực. Ngoài công việc chăm sóc bệnh nhân, cũng tại ngôi nhà đặt phòng khám, người nữ tu lương y còn nuôi hơn 10 em nhỏ, trong đó có những em câm điếc tật nguyền; có em được đưa về lúc mới sinh từ những gia đình nghèo khổ, cũng có trẻ bị bỏ rơi, nhặt được từ thùng rác…

Kể về chuyện chăm lo cho đám nhỏ trong ngôi nhà này, vị nữ tu xúc động: “Có thương mới chăm được!”. Chúng tôi cũng cảm nhận được điều này bởi ở đây, các em không chỉ được nuôi dưỡng bằng vật chất mà còn được quan tâm dạy dỗ trong cách ăn nếp ở, về đời sống nhân bản lẫn giáo dục đức tin. Ngoài những giờ học ở trường, chúng còn phụ giúp các bệnh nhân đau yếu, nấu cơm, quét dọn nhà cửa và siêng năng đi lễ hằng ngày, sốt sắng đọc kinh sớm tối… Nhiều em ở đây đã trở nên tấm gương sáng như em Vũ Thị Ngọc Yến, học sinh lớp 6 trường THCS Lê Văn Việt, bị tật nguyền ở tay và lưng nhưng nhiều năm liền là học sinh giỏi, xuất sắc, được thầy cô giáo quý mến.

Trong cuộc đời dấn thân phục vụ, nữ tu Anna quan niệm: “Chúa Giêsu đến trần gian này để cứu người nghèo nên mình cũng noi theo tấm gương Ngài giúp đỡ những người khó khăn. Người nghèo không còn điểm tựa nào, vì thế mình không thể quay lưng đi mà không giúp gì cho họ”. Và điều “nhận lại” của vị nữ tu lương y tuổi lục tuần chính là niềm vui cũng như thỏa ước nguyện năm xưa mong được phục vụ những mảnh đời nghèo khó.

ĐÀM VĂN LỰC

Bài viết khác