Thứ Sáu, 04 Tháng Tám, 2017

Nữ tu chiến đấu cho quyền phụ nữ ở Pakistan

Nữ tu dũng cảm chiến đấu cho quyền phụ nữ ở Pakistan

Những nhà hoạt động là nữ như nữ tu Genevieve là rất hiếm ở Pakistan, quốc gia đa phần là người Hồi giáo. Nữ tu kể lại rằng bà đã nhiều lần gặp nguy hiểm vì công việc này. Vào năm 1986, khi nữ tu Genevieve Ram Lal đang lái xe ra khỏi khu vực Tòa án Tối cao Lahore thì bà nhận thấy có một chiếc xe chở những người đàn ông có vũ trang đi theo sau.

Nữ tu dũng cảm chiến đấu cho quyền phụ nữ ở Pakistan

Nữ tu 59 tuổi thuộc Dòng Các chị em bác ái của Chúa Giêsu và Mẹ Maria kể lại: “Lúc ấy, chúng tôi đang đấu tranh cho trường hợp một người thợ gạch Công giáo bị bắt cóc ở thị trấn gần đó. Linh mục Dòng Phanxicô ngồi phía sau tay lái – vốn rất rành đường – đã đánh lạc hướng được những kẻ tấn công. Chúng tôi biết họ là những chủ lò gạch.”

Nữ tu nói tiếp: “Những lần tìm kiếm sự thật trong các lò nung luôn rất nguy hiểm. Khi chúng tôi phỏng vấn để tìm thông tin, bảo vệ có vũ khí của các chủ lò nung luôn vây quanh. Các nạn nhân thường thay đổi câu chuyện khii các nhân viên nhân quyền tiếp cận họ.”

Hiện tại, có 58 nữ tu thuộc dòng của sơ Genevieve đang phục vụ trong các lĩnh vực giáo dục, y khoa và công việc mục vụ. Hiện tại ở Pakistan, có 29 dòng tu nữ hiện diện.

Chắc chắn trong những năm tới, quyết tâm trở thành nhà hoạt động của nữ tu Genevieve sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn, vì bà giờ đã có liên kết khá chặt chẽ với Hiệp hội Phụ nữ Kitô giáo của Tin Lành và cơ quan nhân quyền của giáo hội Công giáo, tức Ủy ban Quốc gia về Công lý và Hoà bình. Từ năm 2012, bà đã trở thành giám đốc của Tổ chức Phụ nữ Công giáo (CWO), vốn sẽ mừng sinh nhật 10 năm vào tháng Bảy này.

Với nhiều văn phòng tại sáu giáo phận, CWO trợ giúp pháp lý cho những vụ bạo lực gia đình, những vụ ép cải đạo, cưỡng ép hôn nhân, bắt cóc, ly thân giữa các cặp vợ chồng, quyền nuôi con v.v… Trong năm 2016, CWO đã tổ chức 61 cuộc hội thảo với các chủ đề như quyền lãnh đạo của phụ nữ, đời sống gia đình và nhân quyền.

457 bệnh nhân đã được Khám và cấp thuốc miễn phí tại các trại y tế của CWO trong một dự án có thời hạn một năm về chăm sóc sức khoẻ dự phòng. Khoảng 40 phụ nữ trẻ hiện đang theo học tại hai trung tâm may mặc của CWO. Các dự án chủ yếu hỗ trợ cho nhóm phụ nữ thiểu số không được học hành tại các khu ổ chuột.

Nữ tu Genevieve nói: “Trong xã hội của chúng tôi, đàn ông Hồi giáo được coi như tầng lớp thượng lưu, tiếp theo là phụ nữ Hồi giáo, trong khi những phụ nữ thiểu số được coi là công dân hạng 4. Hầu hết họ vẫn chưa muốn tham dự các cuộc hội thảo về nâng cao nhận thức, và họ hài lòng với số phận của mình.”

Nữ tu Genevieve nói, các cơ quan chính phủ và các cơ quan khác có trách nhiệm tạo ra sự công bằng mà không phân biệt giới tính. Vì nạn tham nhũng tràn lan, nên rất khó để các phụ nữ báo cáo trường hợp của họ. Các phụ nữ “tiếp tục đối mặt với việc bị đối xử bất công, và thậm chí là bị đối xử có thành kiến sau khi khi nêu ra trường hợp của mình.”

Nữ tu nói tiếp: “Chúng tôi vô cùng bối rối trong cuộc sống hiện tại, bởi những vấn đề trong đất nước như nạn khủng bố đáng sợ, sự bất khoan dung tôn giáo, hủy hoại nhân tính người thiểu số và các vụ giết hại những thế hệ tương lai.”

Tuy nhiên, nữ tu Genevieve cũng ca ngợi những hành động gần đây của chính phủ nhằm bảo vệ phụ nữ, trong đó có đạo luật ở bang Punjab về Chống bạo lực với Phụ nữ năm 2016. Hội đồng Tư tưởng Hồi giáo – cơ quan lập hiến có trách nhiệm tư vấn cho những nhà lập pháp về việc một đạo luật nào đó có chống lại đạo Hồi hay không – thường phản đối những điều luật như thế.

Năm ngoái, hội đồng đưa ra một dự luật cho phép chồng đánh vợ “nhẹ nhàng”, cấm trộn lẫn giới tính trong trường học, bệnh viện và văn phòng, cấm các điệu nhảy, âm nhạc và các tác phẩm điêu khắc được tạo nên dưới danh nghĩa nghệ thuật.

Theo Cha Morris Jalal, người sáng lập và giám đốc chương trình Catholic TV tại Lahore cho biết, các nhà hoạt động tôn giáo nữ như chị Genevieve là “rất hiếm” ở Pakistan. Vị linh mục Dòng Capuchin cũng nhấn mạnh đến nhu cầu cấp bách cần trao quyền cho các nữ tu.

Cha Jalal, tin rằng hầu hết các nữ tu đều bị giới hạn trong các tu viện. “Nhiều dòng tu thậm chí còn không đủ tiền mua xe, do đó hình ảnh các nữ tu thường đi bộ trên đường là cảnh tượng phổ biến.”

Cha nói tiếp: “Việc các nữ tu tham gia vào những tổ chức xã hội dân sự là rất hiếm, ngoại trừ những trung tâm may vá. Việc các nữ tu đấu tranh giành quyền cho phụ nữ và chống lại việc khai thác tình dục, chủ yếu chỉ giới hạn trong các cuộc họp hàng năm hoặc hội thảo nâng cao nhận thức trong cộng đồng.”

Nguyên Prince (theo Ucanews)

Bài viết khác