Ðế Thiên Ðế Thích, nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Cổng Nam dẫn vào thành Angkor Thom. (Hình: Earthdocmentary)
Vào thời kỳ Angkor, thì các tháp của Angkor Wat và đền Bayon ở Angkor Thom thuở ấy đều được dát vàng.(Hình: Monash University, Autralia)
Vùng làng mạc của các nông dân ở chung quanh Angkor với hệ thống dẫn thủy chằng chịt khắp nơi. (Hình: Monash University)
Các đơn vị làng xã luôn luôn có một hồ lớn để trong làng có thể ra đó tắm giặt chung. (Hình: Monash University, Autralia)
Ta Prohm, đền duy nhất ở Angkor mà UNESCO muốn giữ lại những gốc cổ thụ, cũng là nơi làm ngoại cảnh cho phim “Tomb Raider” với Angelina Jolie. (Hình: Triệu Phong)
Khỉ và dơi là hình ảnh quen thuộc mà du khách đến viếng Angkor Wat thường thấy. (Hình: Triệu Phong)
Vào một thời kỳ khi mà hầu hết toàn thể lục địa Âu Châu đang ngụp lặn trong kỷ nguyên u tối của thời Trung Cổ thì nơi miền Ðông Nam Á xa xôi, các nghệ nhân điêu khắc, kiến trúc, và xây dựng đang xây cất những đền đài mà tầm vóc của chúng có thể sánh với những công trình của nhân loại ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
Trong khoảng thế kỷ thứ chín đến thế kỷ thứ 13, một loạt các vị vua Khmer thuộc triều đại Angkor, nhờ vào của cải sung túc và nhân lực dồi dào, đã cho xây dựng hàng loạt những kiến trúc đồ sộ, trong đó đa số được xây ở quanh vùng Siem Reap, phía Bắc đất nước Cambodia ngày nay. Ba ngôi đền rực rỡ nhất ở Angkor là Bayon, Ta Prohm, và Angkor Wat.
Angkor Wat
Angkor Wat, tiếng Việt gọi là Ðế Thiên, là một siêu tuyệt tác của nền nghệ thuật Khmer, xây dựng vào tiền bán thế kỷ XII bởi Vua Suryavarman II (1130-1150). Cùng thời với Notre Dame de Paris, Angkor Wat bề thế hơn nhiều, và được xem như công trình kiến trúc tôn giáo vĩ đại nhất của nhân loại.
Từ trên không nhìn xuống, ta thấy giữa khu rừng già rậm rạp một khoảng mênh mông với những đền đài chồng chất lên nhau và tỏa ra các hướng, chung quanh là một hào nước rộng lớn bao bọc.
Một lối đi rộng, rải bằng đá chạy xuyên qua hào, dẫn vào cổng chính. Dọc hai bên là tượng của các thần linh và quỉ vương đang ôm kéo thần rắn Naga chín đầu. Một hành lang có mái che chạy dọc theo bốn phía hào, vây lấy khu đền. Ngay lối vào, một tháp đền nằm vươn cao trên dãy hành lang, nhìn ra lối đi bằng đá. Phía trong là khu sân ngoài rộng lớn rồi tiếp nối bằng dãy hành lang nhỏ hơn bao bọc khu đền chính bên trong.
Tầm cỡ của khu đền Angkor Wat thật kinh hồn. Các hào nước rộng 190 mét bao quanh, tạo nên một hình vuông vức, mỗi cạnh dài một cây số rưỡi. Những sân trống bên trong các dãy hành lang đủ rộng cho hằng ngàn người. Chu vi lớp tường tạo nên dãy hành lang trong dài hơn nửa dặm và khối đá xây tường có kích cỡ đồ sộ theo ba chiều không gian.
Ðền chính được xây theo hình kim tự tháp, tượng trưng cho núi Meru: trung tâm vũ trụ, gồm ba nền đá xây chồng lên nhau tượng trưng cho đất, núi và gió. Nền trên cùng là đền trung tâm gồm năm khối tháp mà tháp đền cao nhất nằm chính giữa cao 65 mét, với bảy vòng tượng trưng cho bảy rặng núi thiêng Meru, vươn lên nổi bật giữa khu rừng già bát ngàn chung quanh. Mỗi tháp có hình dáng như một búp sen đang nở rộ. Hình ảnh này làm Henri Mouhot, người Pháp đầu tiên tìm ra đền Angkor vào năm 1858, phải nín thở trầm trồ khi bất chợt nhìn thấy ngôi đền qua kẽ lá của khu rừng già.
May mắn thay, Angkor Wat không những là khu đền đẹp nhất trong quần thể đền Angkor mà còn là khu đền còn trong tình trạng tốt hơn cả. Ðược xây dựng với sức chịu bền bỉ và lâu dài, trái với khu đền Banteai Srei nhỏ nhắn với đường nét thanh tú đầy nữ tính, Angkor Wat to đồ sộ, rực rỡ, với kiến trúc đầy nam tính. Angkor Wat là công trình xây dựng ở thời kỳ cực thịnh của nền kiến trúc Khmer, do bàn tay của một dân tộc được trời ban cho thiên tài về ngành này. Kho tàng vĩ đại nhất của ngôi đền còn là những phù điêu tạc trên tường của dãy hành lang ở tầng thấp nhất. Với bề cao hơn hai mét rưỡi, chạy dài liên tục hơn 800 mét trông như một tấm thảm dệt trên đá, chủ đề vây quanh những tích trong kinh điển Bà La Môn, những chiến công của Vua Suryavarman II. Nhờ được che chở bởi mái hành lang còn nguyên vẹn, những đường nét điêu khắc vẫn còn giữ được tươi mới. Ðó đây còn những bức phù điêu, hoành, tượng hình những quỉ vương, trận chiến của thần Sita... Nổi bật hơn cả là hằng trăm hình tượng của các quỉ thần devatas và các nàng thiên thần Apsaras được chạm khắc ở các hốc tường.
Angkor Thom và Ðền Bayon
Angkor Thom, tức Ðế Thích, nghĩa là “Thành Phố Lớn,” là kinh đô lâu dài nhất, cũng là kinh đô cuối cùng của vương quốc Khmer, do Vua Jayavarman VII xây dựng vào cuối thế kỷ 12.
Thành Angkor Thom chiếm diện tích gần 10 km vuông mà vào thời cao điểm, dân số lên đến một triệu người, trong khi ở Luân Ðôn cùng thời chỉ có năm mươi ngàn dân.
Thành Angkor Thom bằng đá ong ở hai mặt, giữa phủ đầy đất, cao tám mét, vuông vức bốn cạnh, mỗi cạnh ba cây số. Bên ngoài bao bọc bằng hệ thống hào rộng chừng 100 mét, mà theo truyền thuyết, là nơi chứa đầy cá sấu. Giữa bốn mặt thành có cổng thành với tháp đền cao 23 mét, bên trên tạc hình bốn khuôn mặt trông ra bốn hướng. Ngoài ra, cách 500 mét về phía Bắc của cổng Ðông, có Cổng Chiến Thắng.
Một cầu đá đưa vào cổng, chạy qua hào nước, hai bên có 108 tượng quỉ thần đang ôm kéo rằn thần Naga. Ðây có lẽ là hình ảnh tiêu biểu cho truyền thuyết “Khuấy Ðộng Biển Sữa” để tìm thuốc trường sinh, được xem như là nơi chuyển tiếp giữa thế giới người với thế giới quỉ thần.
Khu đền Bayon nằm ở trung tâm Angkor Thom, cách cổng thành khoảng một km rưỡi, xúc tích với những trang trí chạm khắc bằng đá đẹp đẽ. Xây dựng khoảng cuối thế kỷ XII và đầu thế kỷ XIII, là đền chính thức của Vua Jayavarman VII.
Cấu trúc của Bayon gồm ba tầng mà cả ba tầng đều đổ nát nhiều. Hai tầng dưới bố trí theo hình vuông, tô điểm bằng những phù điêu trên tường. Tầng ba sắp xếp theo hình tròn với nhiều tháp mà các mặt đá có hình nhiều khuôn mặt nhìn về mọi hướng. Dãy hành lang tầng dưới là một kho tàng nghệ thuật với 11 ngàn bức phù điêu chạm khắc trên tường đá chạy dài 1,200 mét.
Hình ảnh nổi bật nhất của Bayon vẫn là những ngọn tháp cao vút ở trung tâm bằng đá tảng, với những khuôn mặt nhìn ra các hướng, mang nụ cười bí ẩn như nụ cười của nàng Mona Lisa trong bức danh họa La Joconde của Leonardo Da Vinci. Kiến trúc của Bayon được xem như có phong cách của trường phái Baroque, trong khi Angkor thuộc phái cổ điển.
Nhà Angkor học, ông Coedes, cho rằng Vua Jayavarman VII theo truyền thống của các vua Khmer, cho mình là vua thần (Devaraja). Trong khi các vua trước theo Ấn Giáo nhận mình theo hình ảnh thần Shiva, thì Vua Jayavarman, một Phật tử, cho rằng mình thị hiện qua hình ảnh Bồ Tát Quán Âm. Có tất cả 37 tháp đá tạc hình nhiều khuôn mặt nhìn xuống và nhìn đi bốn hướng như thể quan sát chúng sanh và che chở cho đất nước.
Trong đền có hai dãy hành lang đồng tâm ở tầng dưới, và một dãy ở tầng trên. Tất cả nằm dồn lại với nhau trong một không gian hạn hẹp, trong khi phần chính của ngôi đền nằm ở tầng trên lại còn hẹp hơn, khác với Angkor Wat mà người ta phải trầm trồ với qui mô to lớn và thoáng rộng của nó. Có thể ví von sự xây dựng Bayon trong một không gian chật hẹp như xây một giáo đường lớn trên miếng đất của một nhà thờ làng. Từ xa nhìn vào Bayon rải dài theo chiều ngang như một đống đá nhấp nhô như muốn vươn lên trời cao. Kết cấu của nó là một mớ bòng bong lộn xộn nhưng khi đã đặt chân lên tầng trên, khách bỗng thấy lòng trầm lại, cảm thấy nhỏ bé trước vẻ uy nghi của những khuôn mặt khổng lồ, không còn quan tâm đến cái tổng thể hỗn mang của đồ án nữa. Bâng khuâng giữa hàng chục tháp đền với vô số khuôn mặt với nụ cười bí hiểm, thành hình vượt khỏi tỷ lệ thông thường, vượt xa mọi qui ước của kiến trúc, khách chỉ chú ý đến vẻ mặt của từng khuôn mặt. Dần dần cái mớ bòng bong vô trật tự ấy lại trở thành rất trật tự, khách thấy nơi cái vô số tháp đền đó như tổng hợp của nhiều phân tử gom lại ở trung tâm dưới hình thức một bó. Cấu trúc của khu đền không còn là vấn đề mà chính biểu tượng của nó mới đáng kể.
Các tháp có kích cỡ, cao thấp khác nhau, có tháp thật thấp khiến khuôn mặt như nhìn thẳng vào mắt du khách. Theo những lối đi quanh co, khách có cảm giác như đi lạc vào mê trận. Rẽ vào lối nào, khách cũng trực diện với những đôi mắt đang chăm chú nhìn mình. Người ta hẳn đều phải tán đồng với Pierre Lôti qua lời nhận xét: “Máu tôi như đông lại... Tôi thấy như mình bị quan sát từ mọi phía.”
Henri Parmentier, người đã dành hầu hết cuộc đời trưởng thành của mình cho việc tái xây dựng một Angkor điêu tàn, đã gọi đền Bayon là “hết sức ấn tượng và lãng mạn. Du khách thường bị ám ảnh bởi những cảm xúc ghê rợn.”
Henri Marshall, người quản thủ khu Angkor, viết: “Ðặc biệt vào những đêm trăng, người ta có cảm tưởng như đang viếng một ngôi đền thuộc thế giới khác.”
Trong số hằng trăm ngôi đền nơi quần thể Angkor, Bayon khiến cho các nhà khảo cổ thắc mắc nhiều nhất vì nó bao trùm nhiều bí ẩn mà lời giải đáp vẫn đang còn được tranh cãi là, nó được xây với biểu tượng gì, để thờ ai? Có lẽ thích hợp với lời giải thích nhất vẫn là khuôn mặt với nụ cười hết sức bí ẩn nằm ở tháp trung tâm. Một số dân Khmer cho rằng những đôi mắt của những bức tượng này nhìn về phía muôn dân để cứu độ (dưới hình ảnh Bồ Tát Quán Âm), để che chở (dưới hình ảnh của Vua Jayavarman).
Trong thập niên 1930, các nhà khảo cổ thuộc trường Viễn Ðông Bác Cổ khám phá ra rằng cái mô-típ ấy thuộc bên Phật Giáo Ðại Thừa mà những hình ảnh bốn mặt đó là của Bồ Tát Quán Thế Âm (Bodhisattva Avalokitesvara). Theo tông phái đại thừa, Bồ Tát là người đã hoàn toàn giác ngộ để trở thành Phật. Thay vì nhập Niết Bàn (nirvana), họ chọn ở lại trần gian để cứu độ những kẻ đang bị trầm luân trong khổ ải. Qua nụ cười bí ẩn của các khuôn mặt, vị Bồ Tát mà dân Khmer gọi là Lokesvara đang tỏ lòng thương cảm trước nỗi đau của chúng sinh. Ðồng thời có thuyết cho rằng Vua Jayavarman VII tự cho mình hiển thị qua hình ảnh của Lokesvara.
Những tháp với bốn khuôn mặt nhìn ra bốn hướng có lẽ để làm e dè những kẻ đến chiêm bái ở đền Bayon. Nhìn đâu họ cũng thấy những đôi mắt của vị vua thần đang chằm chằm nhìn họ, đồng thời những kẻ sùng bái thần phục lòng thương yêu của vị vua dành cho họ. Jayavarman có công xây dựng vô số bệnh viện khắp đất nước Cambodia. Một bia đá tìm được ghi lời trích dẫn, rằng “ngài cảm nhận nỗi khổ của tha nhân hơn của chính mình, bởi nỗi khổ của kẻ khác tức là nỗi khổ của ngài, sự đau khổ của thần dân còn lớn hơn nỗi khổ của chính ngài nữa.”
Ðời sống thời đại Angkor
Qua hằng trăm di tích trên khắp đất nước Cambodia ngày nay, nhân loại biết được có một nền văn minh Khmer rực rỡ hiện hữu cách đây ngót một ngàn năm vốn đã chìm sâu trong quá khứ, khiến người ta bâng khuâng tự hỏi cuộc sống con người thuở ấy sinh hoạt ra sao.
May thay, một tài liệu viết tay miêu tả khá tỉ mỉ về kinh đô Khmer cổ xưa được Châu Ðạt Quan (Chou Ta-Kuan) để lại. Năm 1295, ông ta đến Angkor làm đặc sứ cho Timur Khan, hoàng đế Mông Cổ thống trị nước Trung Quốc, kế vị Hốt Tất Liệt (Khublai Khan).
Vào thời ấy, Jayavarman VII, vị vua hùng mạnh cuối cùng của dân Khmer đã chết từ trăm năm trước. Thời cực thịnh của Angkor không còn nữa và vương quốc này đang độ suy tàn dần nhưng lãnh thổ mênh mông của đất nước Cambodia vẫn còn nguyên vẹn; và mặc dầu không còn xây dựng thêm đền đài mới, dân Khmer vẫn vui hưởng nền văn minh mà Angkor để lại. Với khuynh hướng bảo thủ, cách sống của họ vẫn hệt như trước. Do vậy, bài thuật của Châu Ðạt Quan tuy viết vào thời này vẫn có thể xem như miêu tả đời sống của Angkor thời Jayavarman VII hay vài thế hệ sau.
Châu Ðạt Quan tả các tháp bốn mặt trên cổng vào thành Angkor Thom cũng như ngày nay, chỉ khác là tháp trung tâm của mỗi cổng được dát vàng. Ở trung tâm của kinh đô có một tháp vàng với hai mươi tháp đá chung quanh (phải chăng là đền Bayon?). Phía Ðông của đền có một cây cầu dát vàng, hai bên có hai tượng sư tử bằng vàng, và tám pho tượng Phật cũng bằng vàng, mỗi tượng ngồi trong một ngôi miếu nhỏ bằng đá. Cung điện cũng như nhà của các quan đều quay về hướng Ðông, tất cả đều bằng gỗ và mái ngói có màu vàng đất nung. Ở điện nơi vua thiết triều, các cửa sổ đều có khung cửa bằng vàng. Châu Ðạt Quan nghe nói bên trong cung vua rất tráng lệ nhưng canh gác rất nghiêm ngặt.
Ông Châu được chứng kiến nhiều lần cảnh vua ra khỏi cung và miêu tả một số hình ảnh khá lý thú về những dịp quan trọng đó. Vua mang giáp, đầu đội vương miện bằng vàng hoặc một vành kết hoa có mùi thơm như hoa nhài. Cổ đeo những dây ngọc trai, tay, chân mang dây chuyền vàng, và các ngón tay có những nhẫn vàng. Vua đi chân trần, ở gót và lòng bàn tay nhuộm đỏ. Tay cầm thanh gươm vàng Preah Khan (ngày nay vẫn còn dùng như biểu trưng quyền uy của vương quốc Cambodia).
Dẫn đầu là đoàn thiếu nữ tay cầm đồ dùng bằng vàng hoặc bạc, tiếp đến là đoàn xe dê hoặc ngựa kéo, tất cả đồ trang trí đều bằng vàng. Khoảng hơn một trăm cây lọng điểm tô bằng vàng, cán cầm cũng bằng vàng. Tiếp theo, nhà vua, tay cầm kiếm vàng đứng trên một con voi lớn, hai ngà bọc toàn vàng. Bảo vệ quanh vua là vệ quân gồm các nữ binh tay cầm giáo và khiêng, cùng những kỵ binh cỡi ngựa hoặc voi. Vương tôn công tử, đại thần, các nhà chiêm tinh được rước kiệu có điểm vàng, mỗi kiệu có bốn lọng với cán bằng vàng che hai bên, trong khi quan nhỏ chỉ được che với lọng có cán bạc. Các nhà sư đầu cạo nhẵn, mặc cà sa vàng để hở trần bên vai phải. Họ cũng được che lọng với cán vàng hoặc bạc tùy theo chức sắc.
Về ngành thiên văn, Châu Ðạt Quan cung cấp rất ít thông tin, ngoại trừ cho biết rằng các nhà chiêm tinh có thể tính được khi nào có nguyệt hay nhật thực.
Vương quốc Khmer hầu hết đều là rừng hoang, đầy dẫy cọp, voi, hưu, gấu, khỉ, tê giác. Ở vùng Ðông Nam Á không có sư tử nhưng lại thấy nhiều trên các huy hiệu, đồ trang trí hoặc tượng đá. Chim muông gồm công, két đuôi dài, ưng, trĩ, gà rừng, và nhiều loại khác nữa. Vịt trời, chim cốc, thiên nga thường xuyên lui tới các hồ lớn cạnh bên Angkor; trong khi ở Biển Hồ có nhiều loại cá, tôm khổng lồ, rùa, cá sấu; riêng cá sấu, theo Châu Ðạt Quan thì rất lớn.
Trên các vùng đồi núi có trâu bò rừng, ngựa hoang, và người rừng. Những người rừng này bị săn bắt đem về phố bán làm nô lệ với giá rẻ. Dân miền núi săn bắt sản vật rừng như mật ong, nhựa cây, mây, tre, nứa, ngà voi, sừng tê giác, lông chim, trái rừng về phố đổi chác lấy những thứ cần thiết cho nhu cầu đơn giản của họ.
Khu vực bình nguyên rộng lớn quanh Angkor được dùng để khai khẩn nông nghiệp. Những hệ thống dẫn thủy tuyệt vời cùng những hồ chứa nước nhân tạo mang phù sa màu mỡ cho đất canh tác. Làng mạc nông dân nằm giữa cánh đồng, họ dùng lưỡi cày, cuốc, liềm để làm việc đồng áng. Thu hoạch ba bốn vụ mùa mỗi năm, ngoài ra họ còn gieo trồng thêm hoa màu, mía, và cây ăn trái. Có lẽ họ dùng trâu để cày bừa, nuôi heo, cừu, dê, gia súc, ngựa, ngổng, và gà vịt để lấy thịt. Muối lấy từ các ruộng lúa ven biển.
Châu Ðạt Quan, lẽ tự nhiên coi các dân không phải người Hoa đều là man di, miêu tả người Khmer thô kệch, có màu da rất sậm, nhưng “ở các lâu đài, cung điện, nơi không bị ánh nắng thiêu đốt, nhiều phụ nữ có màu da trắng như ngọc.” Ðàn ông, đàn bà để ngực trần, chỉ vấn che phần dưới rốn một tấm vải hoặc lụa, và đi chân đất. Ðầu búi, không đồ trang sức nhưng chỉ mang vòng và dây chuyền vàng. Ngay đàn bà lao động cũng mang đồ nữ trang rẻ tiền. Ðàn ông, đàn bà như nhau, họ đều xức xạ hương hoặc các thứ dầu thơm khác.
Chợ ở phố cũng nhỏ và tồi tàn như chợ làng, chỉ toàn đàn bà buôn bán nhỏ. Không có hàng quán cố định, ngày ngày họ trải chiếu trên đất bên vệ đường bày hàng hóa ra bán. Họ ngồi chồm hỗm, miệng nhai trầu và tán gẫu với người cạnh bên. Một hình ảnh quen thuộc vẫn còn thấy ở các nước Ðông Nam Á. Mua bán nhỏ, họ trả bằng gạo, ngũ cốc, hoặc đại loại tương tự, nhưng đồ giá trị hơn thì được trao đổi bằng vàng hay bạc.
Thương gia Hoa kiều thì có mặt khắp nơi. Họ thích đến đây làm ăn sinh sống vì, theo họ, đây là nơi dễ buôn dễ bán, gạo cơm dư thừa, đàn bà dễ kiếm, nhà cửa, đồ đạc gia dụng rẻ rúng. Vào thời này, hàng hóa các thứ từ Trung Hoa thường xuyên được mang đến bằng thuyền biển hoặc lạc đà. Họ mang đến những thứ mà dân Khmer ưa chuộng như lụa màu, khay cẩn, đồ men sứ trắng xanh, dù, lược, thức ăn, kim loại quí và những vật liệu tiện ích khác.
Giới quan quyền, học thức, sống tập trung ở những trung tâm lớn. Chỉ người có chức quyền cao mới được ở nhà lợp ngói, ngoài ra thì toàn mái tranh.
Mỗi nhà không có hệ thống nước hay cống rãnh. Người ta tắm nơi công cộng mà hồ và kênh đào có khắp mọi nơi. Về vấn đề vệ sinh, họ đào nhiều lỗ trong sân nhà rồi tạm lấy cỏ lấp lại sau mỗi lần dùng đến. Châu Ðạt Quan còn thêm: “Nhiều đàn bà đái đứng trông thật kỳ cục.”
Ngoài bài miêu tả của Châu Ðạt Quan về Angkor, không còn chứng tích gì để lại nhắc nhở đến đời sống của kinh đô ấy.
Angkor bị lãng quên như thế nào?
Người Thái tấn công cướp phá Angkor năm 1431, qua năm sau Angkor bị bỏ phế và từ đó nhân loại quên lãng nó đi đến vài thế kỷ. Mặc dù người Khmer không bao giờ trở lại Angkor Thom trong suốt 400 năm, nhưng kinh đô ấy vẫn còn lưu giữ trong ký ức họ. Thỉnh thoảng khi được hỏi đến, họ kể lại cho những người Âu nghe, và những người này không bao giờ tin, cho đó chỉ là những nơi tưởng tượng như khi người ta nhắc đến các kho tàng của Vua Solomon, hoặc lục địa Atlantis bị chìm đắm dưới đáy Ðại Tây Dương.
Khi người Pháp lập thuộc địa trên ba nước Ðông Dương, họ bắt đầu chú ý đến những lời truyền miệng ấy ít nhiều. Thế rồi một buổi sáng năm 1860, một nhà thiên nhiên học người Pháp tên Henri Mouhot tình cờ rẽ vào một góc rừng từ một đường mòn của dân tiều phu, qua kẽ lá lùm cây ông nhìn thấy những ngọn tháp xám xịt của Angkor Wat. Mouhot sững sờ, không tin những gì mình thấy là thật. Sau đó ông viết lại rằng giữa chốn thâm u cô tịch bỗng khám phá ra Angkor, thấy như giữa nước Cambodia lạc hậu của thế kỷ 19 tìm thấy lại nền văn minh rực rỡ của dân tộc này có từ hằng bao thế kỷ trước, như sự chuyển đổi giữa u tối sang ánh sáng.
Các sử gia chưa hiểu vì sao Angkor bỗng nhiên tàn rụi nhưng nhiều yếu tố khác nhau có thể đóng góp phần nào cho lời giải thích:
1. Việc xây dựng ồ ạt của Vua Jayavarman VII đã làm kiệt quệ tài nguyên của đất nước Khmer.
2. Cuối thế kỷ 13, Phật Giáo Tiểu Thừa du nhập từ Tích Lan. Một tín ngưỡng giản dị đến nỗi không tin có một đấng thần linh mà đặt trọng tâm vào tín điều giải thoát do nỗ lực của mỗi cá nhân. Tính chất bình đẳng của giáo thuyết này làm suy yếu hẳn hệ thống đẳng cấp của đời sống xã hội và chính trị Khmer xây dựng theo Bà La Môn.
3. Ðể phòng thủ chống những cuộc tấn công cướp phá liên tục của quân Thái khiến vương quốc phải hao tổn nhân lực trầm trọng, không đủ người để bảo quản hệ thống dẫn thủy nhập điền cần thiết cho sản xuất nông nghiệp đủ để nuôi một dân số xấp xỉ một triệu người.
Theo thăm dò gần đây, diện tích đất quần cư của Angkor thời cổ đại lớn gấp ba lần mà người ta vẫn tưởng. Angkor bấy giờ rộng đến 3,000km vuông, xấp xỉ Los Angeles ngày nay. Việc cung cấp nước thời ấy là một hệ thống kênh đào duy nhất chạy từ trung tâm kinh đô Angkor ra xa hơn 20km. Cái hệ thống mà mãi đến gần đây người ta vẫn tưởng để làm mỹ quan đô thị và dùng trong các cuộc tế lễ, nhưng nay mới hay là dùng để cung cấp nước cho các ruộng nương, sản xuất lúa gạo hằng loạt. Một hệ thống dẫn và thoát nước tinh vi được thực hiện để nuôi dưỡng một dân số quá đông, trong đó gồm việc chuyển hướng chảy của dòng sông Siem Reap cho đi qua trung tâm đô thị. Công trình tinh vi đến nỗi dân Khmer có thể trồng và thu hoạch nhiều vụ lúa mỗi năm thay vì một lần do phải trông vào mùa mưa để có nước cho ruộng.
Những phân tích mới nhất về hệ thống dẫn thủy hé rạng cho thấy phần nào nguyên nhân đưa đến sự sụp đổ của một nền văn minh huy hoàng. Nhiều vết tích cho thấy có sự vỡ đê, cùng những nỗ lực sửa chữa các hệ thống kinh đập, như vậy hệ thống dẫn thủy nhiều lúc trở nên ngoài tầm kiểm soát. Khi việc bảo quản hệ thống dẫn thủy trở nên ngoài tầm tay, sau khi cây rừng bị tàn phá quá nhiều gây nên nạn đất chuồi đổ thẳng xuống các kênh ở mức độ quá nhanh không đủ nhân lực để nạo vét, gây nên bế tắc. Thêm vào đó dân cư quá đông, việc phá rừng bừa bãi, đất màu mỡ trên mặt bị bào mòn góp phần cho sự đột ngột biến mất của cư dân trên kinh đô này. Angkor đã bành chướng quá mức, một nền nông nghiệp đã bị khai thác quá mức, đưa đến những vấn đề môi sinh cực kỳ nghiêm trọng.
Giả thuyết thì nhiều nhưng không có thuyết nào giải thích rõ Angkor Thom bị vua quan cùng dân chúng bỏ phế mà đi lập kinh đô ở nơi khác như thế nào. Nghi vấn hợp lý nhất là phải có một biến cố nào đó thật kinh thiên động địa đã xảy đến với Angkor khiến cả dân Khmer lẫn quân thù của họ là người Thái, vì quá sợ hãi, mà không còn dám lưu lại để sinh sống. Nguyên nhân nào khiến mọi người đều đồng loạt bỏ cái kinh đô lớn bậc nhất thế giới mà đi. Chưa ai biết rõ. Cũng chẳng ai biết được người ta kéo nhau đi bỏ lại Angkor sau lưng trong một ngày, một tháng hay một năm. Không một tài liệu, chứng tích, hay ngay cả lời khẩu truyền còn lưu lại nhắc nhở đến cuộc ra đi vĩ đại ấy. Hơn một triệu người bồng bế nhau ra đi, không một lời kể lại. Một điều đáng suy ngẫm thay!
Triệu Phong (Tổng hợp)