Thứ Ba, 31 Tháng Bảy, 2012

Paris, kinh đô ánh sáng

Paris, kinh đô ánh sáng

 

 Tháp Eiffel một trong những biểu tượng của Paris

 Nhà thờ Ðức Bà được xem là tâm điểm Paris

 

Một quán cà phê vỉa hè Paris

Phụ nữ Pháp bao giờ cũng vui tươi duyên dáng

 

Nhà ga Lyon ở Paris

  Sáng sớm ngày 13-5-2008 từ Nice chúng tôi lên Lyon bằng xe buýt lớn, hãng du lịch gọi là xe Coach. Sau khi ăn trưa, được đưa vào nhà ga Lyon Perrache để chờ xe điện tốc hành TGV đi Paris vào lúc 2 giờ 45. Tài xế sẽ lái xe Coach không người lên Paris đường dài 430 km mất hơn 4 tiếng đồng hồ trong khi chúng tôi đi xe điện hỏa tốc chỉ tốn hơn 2 tiếng.

Ðến giờ xuống sân ga, ông trưởng đoàn Luigi Saba cầm xấp vé tìm toa và cả đoàn chúng tôi ngồi chung một toa tàu. Hai hàng ghế lại đâu mặt vào nhau chứ không nhìn về hướng phía trước. Ði xe quen nhìn về phía trước nên tôi e nhìn ngược về phía sau, tàu chạy với vận tốc hơn 200 km/giờ sẽ chóng mặt nhưng có lẽ vì tàu chạy quá êm ái nên không có cảm giác say tàu gì hết. Trong thành phố tàu từ từ lướt chậm, rất êm ả không dằn sốc, không tiếng động nhưng khi ra đồng trống là tăng tốc độ nhanh như bay, nhà cửa, cây cối, đồng ruộng lao vùn vụt về phía sau. Trên tàu không có phục vụ cà phê, nước nôi gì cả. Bà xã tôi mang theo một túi xách trong đó có nước uống, nho táo, chuối già, ô mai, xí muội đủ thứ, tha hồ ăn rỉ rả cho đỡ buồn miệng, bao tử khỏi bào bọt. Tôi tưởng hai bên đường sẽ là thành phố tấp nập xe cộ, người đi nhưng lạ một điều là nước Pháp quá vắng vẻ, êm đềm, toàn là đồng ruộng lúa mì hay khoai sắn gì đó, khó gặp một bóng người. Lâu lâu thấp thoáng phía xa là một làng nhỏ vài mươi nóc nhà và một tháp chuông nhà thờ ở giữa giống như bức tranh treo ở nhà ông nội tôi ngày xưa mà ông nội tôi nói là “cảnh bên Tây”. Ông nội tôi học trường Adran Mỹ Tho và ba tôi học Tabert Sài Gòn nên cả hai người ảnh hưởng văn hóa nước Pháp. Ông nội tôi chưa bao giờ qua Pháp, ba tôi đi hành hương Lourdre và Fatima được 3 lần và nay tới phiên tôi đặt chân lên đất Pháp lần đầu. Chút nữa đây sẽ tới Paris, kinh đô ánh sáng với tháp Eiffel, sông Seine, nhà thờ Ðức Bà, điện Louvre, xóm Montmartre, những nơi chốn ngày xưa nghe ba tôi kể với ánh mắt xa xăm, luyến nhớ. Tôi tiếc là Ba tôi không còn nữa để đọc những dòng chữ ký sự “Ði Tây” này!

Lên 6 tuổi vì đau yếu luôn nên học ở nhà, ông nội tôi dạy tôi học vỡ lòng bằng tiếng Tây: “le chien: con chó”, “le chat: con mèo”. Món ăn nhiều thứ của Tây như sáng ăn bánh mì với “fromage đầu bò”, chấm nước tương Maggi nên trong máu chắc có chút văn hóa Phú Lang Sa. Khi vượt biên đến Songkhla (Thái Lan) tôi muốn đi Pháp nhưng nhận được thư của chị vợ tôi ở Paris viết rằng “hãy ráng bằng mọi cách xin đi Mỹ, ở Pháp này vật giá mắc mỏ, nhà cửa chật chội, nhà chị còn không có phòng tắm!” nên tôi bỏ ý định đi Pháp. Nguyễn Tất Nhiên ở cùng trại Songkhla với tôi năm 1979 rất thích thơ của Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng ca tụng Paris tình tứ thơ mộng nên xin đi Pháp. Hai năm sau gặp anh ta ngồi ăn phở ở phòng trà Làng Văn khu Bolsa giá thời ấy chỉ có 3 đồng ban đêm còn được nghe các ca sĩ nổi tiếng hát. Sau phút tay bắt mặt mừng, tôi hỏi sao ở đây? Anh chàng vươn cổ cao, ngập ngừng như nghẹn phở, cười cười nói: “qua đây mới... dzui!” Té ra Nguyễn Tất Nhiên dù mê nước Pháp cũng chạy sang Mỹ, do đó quận Cam có câu: “Ðến đâu thì đến, đi đâu thì đi, nếu đi hết biển cũng về... Bolsa!”

Mải mê xem khúc phim 30 năm về trước chiếu lại trong ký ức, xe điện tốc hành đã đi vào ngoại ô phía Nam của Paris lúc nào không hay. Những gì tôi tưởng tượng về Paris cũng lại khác, ngoại ô Paris không đông đảo, tấp nập người xe mà cũng thưa vắng, êm đềm với những hãng xưởng, nhà máy không thấy bóng người, xe hơi nho nhỏ, thấp thoáng một vài chiếc trên những con đường vắng. Nhà cửa toàn là phố lầu san sát nhau, không “single home” với sân cỏ trước, vườn hoa sau như ở Cali. Những cao ốc chung cư cũng ít thấy người lai vãng, trên những con đường nhỏ vài cô đầm khoan thai đạp xe đạp. Vài phút sau đoàn tàu đã về tới nhà ga Lyon. Khi tàu đã ngừng hẳn mới thấy hành khách đi trên tàu rất đông, họ tuôn xuống như đàn ong vỡ tổ, xách cặp táp, quảy ba lô, kéo va li hối hả trên sân tàu đi vào nhà ga.

Ga Lyon đèn vàng

Thành phố Paris có rất nhiều ga xe lửa nay trở thành ga xe điện, Paris có 6 ga chính là điểm cuối của các tuyến đường từ các tỉnh về Paris là các ga: Gare du Nord, Gare Montparnasse, Gare de l'East, Gare de Lyon, Gare d'Austerlitz và Gare Saint Lazare. Ga Lyon được xây nhân dịp Paris tổ chức Hội Chợ Thế Giới (World Exposition) vào năm 1900. Nhà ga tọa lạc ở trung tâm Paris cách nhà thờ Ðức Bà Paris 2 km về hướng Ðông cạnh bờ Bắc sông Seine. Ga có tên là Lyon vì các chuyến xe đi Lyon và các tỉnh vùng Ðông Nam nước Pháp đều khởi hành tại đây. Ngày xưa khi chưa có đường hàng không, từ Pháp sang các nước Á Châu bằng tàu thủy khởi hành ở bến tàu Marseille, nên từ Paris muốn trở về Việt Nam là phải ra ga Lyon để đi Marseille nên ga Lyon trở thành biểu tượng của sự chia ly. Trong âm nhạc Việt Nam ta thường nghe một bài hát do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc từ bài thơ “Tiễn Em” của Cung Trầm Tưởng:

“Lên xe tiễn em đi

Chưa bao giờ buồn thế

Trời Mùa Ðông Paris

Suốt đời làm chia ly

Tiễn em về xứ mẹ

Anh nói bằng tiếng hôn

Không còn gì lâu hơn

Một trăm ngày xa cách

Tuyết rơi buồn mênh mang

Ga Lyon đèn vàng

Cầm tay em muốn khóc

Nói chi cũng muộn màng...”

(“Tiễn Em” - Cung Trầm Tưởng)

Chiều hôm nay theo dòng đời trôi nổi, tôi đến ga Lyon tấp nập người đi, tôi có ý tìm xem ga Lyon đèn vàng như thế nào, nhưng đèn vàng ngày xưa chắc được thay thế bằng những đèn tròn to lớn, thả từ trần cao chiếu ánh sáng trắng xuống những cửa hàng nho nhỏ trong nhà ga. Lối kiến trúc nhà ga rất cổ xưa nhiều màu xám của đá cẩm thạch, nặng nề với những song sắt to bản nơi quày bán vé. Thành phố Paris vẫn để nhà ga với kiến trúc cổ kính cách nay đã 109 năm, một kiến trúc có nhiều tầng lầu với một tháp đồng hồ 4 mặt to lớn như tháp đồng hồ Big Ben ở London.

Thành phố Paris

Thế là chiều nay tôi thực sự đặt chân đến Paris nổi tiếng với tên gọi là “Kinh Ðô Ánh Sáng” (La Ville Lumière). Paris là địa điểm du lịch thu hút nhiều du khách nhất thế giới. Theo thống kê của cơ quan du lịch Pháp năm 2006 có khoảng 27 triệu du khách đến thăm Paris, trong số đó 17 triệu là du khách nước ngoài. Thành phố này nổi tiếng về kiến trúc và di tích lịch sử, mỗi con đường, từng góc phố đều là những cảnh đẹp từng ghi lại một giai đoạn lịch sử nào đó. Paris còn là một bảo tàng khổng lồ chứa đựng hàng hà sa số tác phẩm nghệ thuật quý giá nhất của nhân loại, phong phú về chủng loại qua các thời đại. Vì vậy Paris còn được người đời phong tặng là “Trung Tâm Văn Hóa Thế Giới”.

Paris hay phát âm theo Hán Việt còn gọi là Ba Lê là thủ đô của nước Pháp, một quốc gia có diện tích lớn và cổ kính nhất Âu Châu được thành hình vào thế kỷ 15 và sau đó trở thành một đế quốc hùng mạnh chinh phục gần hết Âu Châu và có thuộc địa khắp mọi 5 châu của thế giới. Paris rộng 105 km vuông, tọa lạc bên bờ sông Seine là dòng sông huyết mạch của nước Pháp, hiện nay dân số Paris ước lượng khoảng 2 triệu 150 ngàn người. Nếu tính cả khu vực ngoại ô và những thành phố lân cận được gọi là khu vực Ðô Thị Paris (tiếng Pháp là Aire urbaine de Paris) bao gồm diện tích là 14,518 km vuông thì dân số là 11.5 triệu người. Khu vực Ðô Thị Paris này đông dân thứ hai Âu Châu sau Moskva và ngang với Luân Ðôn và đứng thứ 20 thế giới nếu tính về mặt dân số. Về mặt kinh tế Paris là trung tâm buôn bán lớn nhất Châu Âu với GDP năm 2005 là 478.7 tỷ Euro (595.3 tỷ USD) lớn hơn cả nước Úc.

Về mặt hành chánh thành phố Paris được chia ra làm 20 quận. Tên mỗi quận được đặt bằng số và vị trí các quận bắt đầu từ trung tâm thành phố theo hình trôn ốc và theo chiều kim đồng hồ. Hai đầu của Paris là hai công viên cây cối rậm rạp như hai khu rừng: Bois de Boulogne ở hướng Tây và Bois de Vincennes ở bìa Ðông. Ở hướng Tây Bắc cách trung tâm Paris 2 km là khu La Défense tuy nằm ngoài thành phố nhưng đây khu thương mại, ngân hàng với những tòa cao ốc chọc trời, kiến trúc tân kỳ, nghệ thuật đương đại, là nơi du khách cần phải thăm viếng mỗi khi đến Paris.

Lịch sử Paris

Khoảng 250 năm trước công nguyên vùng đất Paris được bộ lạc Parisii chọn làm nơi sinh sống và địa điểm cư ngụ của họ nằm cạnh bờ sông Seine. Từ thế kỷ thứ nhất cho đến thế kỷ thứ năm người La Mã đến định cư trên đảo Ile de la Cité trên sông Seine (nay là nơi có nhà thờ Ðức Bà) và thời gian này Paris được gọi là Lutetia. Năm 508 khi đế quốc La Mã ở Tây Âu suy tàn, người La Mã ra đi và thay thế bằng người Franks mà người ta cho rằng chủng tộc này là nguồn gốc của dân tộc Pháp và họ lấy tên thành phố là Paris, tên bộ lạc đầu tiên đến ở tại đây. Năm thế kỷ sau Paris bị cướp biển Viking tấn công, tàn phá và cướp bóc. Năm 1190 tường thành được xây bao bọc bảo vệ thành phố và cung điện Louvre ngày nay là đồn lũy phía Tây của vòng thành. Thời trung cổ trường đại học đầu tiên của Paris đồng thời cũng đầu tiên của cả Châu Âu là trường Sorbonne được thành lập. Thời gian từ cuối thế kỷ 17 cho đến hết thế kỷ 18, Paris đón nhận một thời đại huy hoàng trong lãnh vực văn hóa và nghệ thuật với những vở kịch của Molière, Racine và Corneille; âm nhạc của Lully, Rameau và Gluck; hội họa của Watteau, Fragonard và Boucher cùng những buổi diễn thuyết của những triết gia trong phong trào Enlightenment.

Những công trình đồ sộ như tháp Eiffel, hệ thống xe điện ngầm, các công viên thơ mộng được xây vào những năm cuối thế kỷ 19, đây là thờ đại hoàng kim của Paris. Những con đường được mở rộng thay thế những con hẻm và dinh thự hoành tráng cao tầng thay thế những khu nhà ổ chuột. Giai đoạn tái thiết và chỉnh trang thành phố này đã mang đến cho Paris một dáng dấp và bộ mặt lộng lẫy, xinh đẹp xứng đáng với danh hiệu là “Kinh đô Ánh sáng” như tên gọi ngày nay. Thời kỳ Ðệ Nhị Thế Chiến tuy quân Phát Xít Ðức chiếm thành phố Paris, nhưng khi thua trận quân Ðức rút lui, tướng Ðức là Von Choltitz đã bất tuân lệnh của Hitler mà không thiêu rụi thành phố. Trong những thập niên 1970, 80 Paris gặp những vấn đề khó khăn của một thành phố đông đúc như ô nhiễm, thiếu nhà cửa, thất nghiệp nhất là ở những vùng ngoại và Paris xáo trộn với những cuộc bãi khóa của sinh viên. Lợi tức của dân chúng cũng không đồng đều, những quận nằm về phía Tây của thành phố giàu hơn những vùng phía Ðông. Tuy vậy Paris vẫn cố gắng phát triển không ngừng, năm 1977 xây dựng trung tâm văn hóa nghệ thuật Georges Pompidou với viện bảo tàng quốc gia về nghệ thuật đương đại. Năm 1992 xây dựng khu Disneyland đầu tiên ở Âu Châu và nhà bảo tàng Louvre cũng được tái thiết trong năm này.

Dù đời sống có đắt đỏ, nhà cửa nhỏ hẹp nhưng Paris có những ưu điểm như phương tiện giao thông công cộng rất thuận tiện nhất là hệ thống xe điện ngầm Métro tiện lợi, nhanh chóng. Paris có nhiều công viên, vườn hoa xinh đẹp, nhiều viện bảo tàng, thư viện tàng trữ gần như hầu hết các nền văn hóa trên thế giới nên Paris còn có tên “Thủ Ðô Văn Hóa Thế Giới”. Ðáng nói hơn hết là người Paris có phong cách riêng của họ, họ không có đầu óc thực tế tính toán như người Mỹ mà tâm hồn rộng mở của người nghệ sĩ. Nghệ thuật, âm nhạc, cà phê, rượu vang, thuốc lá, món ngon, mặc đẹp là những gì không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Phụ nữ Paris cũng lại khác, ai cũng đẹp, thanh thản, dịu dàng, không to lớn đẫy đà, lại tình tứ lãng mạn. Dùng lời rất khó diễn tả, cứ đến Paris rồi sẽ biết!

Trịnh Hảo Tâm

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art