Thứ Năm, 02 Tháng Tám, 2012

Bangkok - thành phố nhiều tương phản

Bangkok - thành phố nhiều tương phản

Thủ đô Bangkok của Thái Lan là một thành phố có nhiều tương phản. Ðó là nơi có nhiều cung điện tráng lệ hay những chùa chiền trang nghiêm nhưng cũng là nơi có nhiều địa điểm ăn chơi rất trụy lạc. Hôm nay, chúng tôi sẽ viếng thăm một cung điện đẹp vào buổi sáng nhưng cũng sẽ ghé thăm một khu đèn đỏ ở Bangkok vào buổi tối.

Thăm cung điện Vimanmek

Sáng nay, chúng tôi khởi hành hơi trễ nên tôi đành hủy bỏ kế hoạch thăm chùa Benchamamovit còn gọi là chùa Ngọc Thạch mà đi thẳng tới cung điện Vimanmek ở khu Dusit. Taxi chở chúng tôi tới cổng cung điện thì thấy lính gác nhiều quá. Còn con đường vô bên trong thì vắng tanh không một bóng người. Giờ này còn sớm nên khách du lịch chỉ có hai vợ chồng chúng tôi. Phòng bán vé thì chưa có người làm việc. Chúng tôi đã có 2 vé do cô hướng dẫn cho rồi nên không cần mua vé. Nhưng thấy cảnh quan vắng vẻ mà lính gác nhiều quá nên cũng hơi ngần ngại mà “dội” trở ra vì không biết nơi đây có phải có phải là cổng vào hay không. Ra ngoài tìm hoài không thấy cổng nào khác nên vòng trở lại cổng cũ. Lúc này ông lính gác mới coi vé và ra hiệu cho phép chúng tôi cứ đi vào trong. Ði khoảng vài chục mét thì thấy cung điện ngoài tên là Abhisek Dusit Thrrone Hall khá đẹp xây theo kiến trúc Hồi Giáo. Ði thêm vào trong thì tới một công viên có nhiều cây xanh bóng mát. Ở đó còn có những kinh rạch hay hồ nước làm tăng thêm sự mát mẻ của khu vực.

Vòng vèo một hồi thì mới tới cung điện chính. Ðây là căn nhà gỗ lớn nhứt thế giới làm bằng gỗ teck, một loại gỗ cứng và tốt chỉ có ở vùng Thái Lan hay Miến Ðiện. Cung điện này có tên là Vimanmek. Theo dòng lịch sử, cung điện này được xây dựng từ năm 1901 dưới thời vua Chulalongkorn tức Rama V. Có thời nơi đây bị bỏ hoang phế như một nhà kho của hoàng gia. Mãi tới năm 1982 nhân kỷ niệm 200 năm Bangkok thì cung điện mới được phục hồi dưới sự chỉ đạo của hoàng hậu Sirikit. Ðể vào cung điện, khách phải mướn một ngăn tủ để bỏ hết đồ tư trang, hành lý, máy chụp hình vào đó với giá 30 baht. Sau đó khi vào trong thì lại phải xuống tầng hầm để cởi giày dép và để vào kệ trước khi đi xem các phòng.

Vimanmek là một tòa nhà to lớn có hai cánh thẳng góc, mỗi cánh dài 60 mét, cao 20 mét. Tầng hầm bằng gạch đá xi măng, ba tầng trên làm bằng gỗ teck. Tất cả cung điện này có trên 80 phòng. Lúc 9:45 chúng tôi theo hướng dẫn viên nói tiếng Anh của cung điện để xem và nghe dẫn giải về những căn phòng bên ở đây. Trong hơn 30 phút, chúng tôi được cho xem khoảng 30 căn phòng của nhà vua, hoàng hậu, phòng tiếp khách... Mỗi phòng có trưng bày những đồ kỷ niệm của vua Rama V khi ông đi thăm các nước Châu Âu như Pháp, Ðức, Tiệp Khắc... Ngoài ra còn có đồ kiểu, chén bát, bình bông... các đời Minh và Thanh bên Trung Hoa. Chúng tôi còn được xem nhiều tranh vẽ chân dung của nhà vua cũng như hình ảnh xưa chụp lại các sinh hoạt của ông khi du học ở nước ngoài. Hướng dẫn viên còn chỉ cho chúng tôi xem phòng tắm đầu tiên ở Thái Lan nằm trên lầu nơi có bồn tắm kiểu Tây Phương. Ngoài ra, ở đây có rất nhiều máy đánh chữ Thái lần đầu tiên được phát minh còn tồn tại tới bây giờ. Trong cung điện này ngà voi rất nhiều, cặp nào cũng to lớn. Chiều dài mỗi cái ngà ít ra cũng từ 1,5 tới 2 mét. Thái Lan là nước có nhiều voi. Vua Thái có những cặp ngà to lớn thì cũng không phải là chuyện lạ.

Trên đường ra, chúng tôi được xem triển lãm thành tích săn bắn của nhà vua. Trong phòng này trưng bày nhiều đầu thú nhồi bông như nai, trâu, bò rừng và các cặp sừng voi to lớn. Họ cũng sưu tập được vũ khí dùng để đi săn và sử dụng cho quân sự nữa.

Cung điện Vimanmek hiện còn đang được sử dụng. Ðôi khi nhà vua vẫn dùng nơi đây để tiếp khách ngoại giao.

Ngoài cung điện to lớn Vimanmek trong khu vực còn có nhiều bảo tàng nhỏ như bảo tàng đồng hồ, tranh, ảnh chụp của nhà vua... nhưng chúng tôi không vào xem (vì mỗi lần muốn vào xem thì phải gởi máy chụp hình, bóp xách ở phía ngoài rất mất công). Trên đường ra, chúng tôi chỉ vào xem thêm Bảo Tàng Abhisek Dusit Throne Hall. Ðó là căn biệt thự có kiến trúc bên ngoài theo kiểu Hồi Giáo mà chúng tôi đã thấy lúc mới vô. Bên trong cung điện này trưng bày những món đồ nho nhỏ làm bằng thủ công bằng vàng, bạc... cũng đẹp nhưng không ấn tượng gì lắm.

Bên tay phải trên đường ra là một tòa nhà to lớn kiểu Âu Châu, ở đó có bảo tàng xe của hoàng gia nhưng lúc đó không hiểu tại sao chúng tôi lại bỏ qua không vào thăm viếng. Chắc thấy vắng người quá nên sợ mà không dám vô. Bây giờ xem lại tờ quảng cáo của cung điện thì thấy hơi tiếc.

Gần cửa còn có một bảo tàng khác trưng bày những cặp ngà voi thật vĩ đại dài ít ra cũng 2,5 mét. Ðó là bảo tàng voi trắng. Bạch tượng đối với người Thái là một giống vật linh thiêng vì trong Phật giáo có lần Hoàng Hậu Maya nằm mơ thấy bạch tượng và sau này đản sinh ra Ðức Phật. Mỗi khi có một con voi “hơi” trắng thì chúng ngay tức khắc được đưa về hoàng cung để xem xét coi có được công nhận là bạch tượng hay không. Chúng tôi thấy có một (hay hai) con voi nhồi bông ở trong bảo tàng này. Màu da của chúng chỉ “không đen” chớ nói trắng thì không rõ lắm.

Khu Khao San

Rời cung điện Vimanmek, chúng tôi kêu taxi đến thăm khu Khao San ở gần đó. Khao San chỉ là một con đường ngắn chừng một cây số nhưng nơi đây đã trở nên là nơi tụ tập của dân du lịch ít tiền mà người ta hay gọi là Tây ba lô. Ở đây có các căn nhà trọ rẻ tiền, ít tiện nghi. Hai bên đường là những hàng quán bán đồ kỷ niệm như áo thun, tranh ảnh, đồ giả cổ, tiệm sách, DVD sao chép lậu... Bên trong các đường hẻm là những nhà hàng, quán bia... Dân Tây ba lô ngồi nhâm nhi ngắm nhìn thiên hạ. Giờ này vào buổi trưa nên nơi đây không đông đảo lắm tuy cũng có khá nhiều du khách mới tới, họ đang đi tìm nhà trọ. Ba lô trên vai, họ rảo bước một cách yêu đời. Ngày nay có phong trào du lịch như vậy. Chỉ với một ít quần áo và một cuốn sách chỉ dẫn là những thanh niên Tây Phương, nam có nữ có, đã sẵn sàng dạo bước hành trình. Họ có ít tiền nên ăn xài cẩn thận nhưng lại thích ở chơi lâu dài và tìm hiểu rất kỹ. Không như những du khách lười biếng đi theo tua và cỡi ngựa xem hoa như chúng tôi. Ở Việt Nam cũng có một khu Tây ba lô. Ðó là khu Phạm ngũ Lão, Bùi Viện ở Sài gòn. Riêng khu Khao San ở Bangkok thì về đêm rất vui. Ngay cả thanh niên Thái cũng thích đến đây vui chơi trên phố đi bộ này. Ðám trẻ đàn hát, uống bia, nhảy nhót trong các quán bar hay thử... ăn côn trùng như nhện, dế chiên giòn... Cuộc vui có khi kéo dài đến 2-3 giờ sáng. Do đó nếu bạn có dịp đến Bangkok thì cũng nên đến thăm nơi đây và nên đến vào buổi tối lúc đó mới thật đông đảo và nhộn nhịp.

Bảo Tàng Quốc Gia Thái Lan

Sau khi đi thăm khu Khao San mà không mua bán gì, chúng tôi đi taxi qua thăm Bảo Tàng Quốc Gia nơi đóng cửa ngày hôm qua. Vé vào cửa là 40 baht. Nơi đây thường tự hào là bảo tàng lớn nhứt Ðông Nam Á vì có nhiều phòng ốc trưng bày rất nhiều đồ cổ vật như tượng Phật, đồ trang sức bằng vàng, bạc, đồ gốm mỹ nghệ, vũ khí xưa... Nhưng với một người không rành đồ cổ như chúng tôi thì chuyến thăm viếng này không thú vị lắm. Phòng mà chúng tôi thích nhứt chính là nơi trưng bày các... xe tang của hoàng gia.

Sau khi thăm bảo tàng viện, chúng tôi đi taxi trở lại nhà ga xe lửa trung tâm tên là Hualamphong để về nghỉ trưa ở khách sạn. Trên đường xe đi ngang một ngôi chỗ kia có một ngọn đồi khá nhọn và cao. Bà xã tôi hỏi đó là cái gì. Lật bản đồ thì biết đó là Núi Vàng (Golden Mount). Xưa kia, mấy vị vua đầu tiên của thời đại Chakri muốn xây một cái tháp thật cao (Cheki) để làm dấu cho thành phố Bangkok nên đổ đất làm đồi. Nhưng nơi đây là khu đất yếu của một vùng đầm lầy nên công trình không thành công mà cứ sụp đổ hoài. Ngày nay, ngọn đồi nầy còn cao khoảng 80 mét và trên đỉnh có một tháp vàng. Còn ở dưới chân đồi thì có chùa Wat Saket. Có khoảng hơn 300 bậc thang để leo từ chân tới đỉnh. Lên đó mà ngắm cảnh Bangkok chắc cũng thú vị lắm. Nhưng vào một buổi trưa nắng và nóng nảy như thế nầy, chuyện leo núi phải đành gác lại. Hẹn chuyến đi Bangkok kỳ sau thì chúng tôi sẽ ghé nơi đây cho biết.

Nhà Ga Trung Tâm Bangkok - Hualamphong

Hai ngày qua chúng tôi đã đi qua nơi đây mấy lần. Hôm nay mới có dịp nhìn kỹ và thăm viếng bên trong khi đi mua chút đỉnh bánh ngọt, và sữa tươi để uống. Nhà ga này là chặn đầu của mọi hành trình đi khắp miền đất nước của Thái Lan. Kiến trúc bề ngoài là một hình vòm khá to lớn. Trên đường vào trong có rất nhiều quầy bán thức phẩm như các loại bánh chiên, bánh bao... Bên trong là phòng bán vé với trần rất cao trông có vẻ thoáng mát. Ðó đây cảnh sát đứng gác cũng nhiều. Trong khi bà xã mua đồ trong một chợ nhỏ kiểu 7-Eleven tôi đứng ở ngoài chơi và ngắm nhìn thiên hạ. Bất chợt tôi thấy một anh cảnh sát chạy ra cửa thật nhanh. Trên tay anh có một cái xách hành lý. Chắc là xách hành lý của ai lơ đãng bỏ quên trong nhà ga, chớ không phải là bom của bọn khủng bố. Nếu không thì bây giờ tôi đã lên thiên đàng rồi và bạn cũng không có ký sự để đọc hôm nay. Cảnh sát và an ninh Thái Lan hiện nay rất cảnh giác với mọi hành động của khủng bố. Nhà ga này là nơi cần phải bảo vệ cẩn thận vì rất nhiều khả năng nơi đây là mục tiêu của chúng. Tôi vội vã gọi bà xã trả tiền cho nhanh rồi dzọt lẹ.

Khu Sukhumvit

Chiều nay, chúng tôi lười biếng ngủ tới 4 giờ. Trước khi xuất hành phải đổi tiền ở khách sạn vì hết tiền baht rồi. Chúng tôi chỉ đổi 20 đô la để có tiền đi tàu điện ngầm mà thôi vì hối suất tính ở khách sạn là 1 đô la đổi được chỉ có 28 baht (thấp hơn giá thị trường khoảng 10%). Mua hàng hóa ở các chợ đều có thể trả bằng đô la với hối suất cao hơn nhiều. Sau đó chúng tôi đi tàu điện ngầm ra tới khu Sukhumvit là một khu thương mại thì cũng hơn 5 giờ. Theo sách hướng dẫn du lịch, dọc hai bên đường Sukhumvit từ trung tâm Bangkok ra phía Ðông là những khu thương mại đủ loại. Khi chúng tôi lên khỏi trạm xe điện thì thấy ở đây cũng có nhiều khách bộ hành rất đông đảo, hàng quán bán thức ăn, trái cây tươi dọc đường cũng nhiều nhưng không hấp dẫn lắm nên sau khi đi dạo một vòng chừng vài trăm thước thì trở lại trạm xe điện ngầm để đi tiếp xuống chợ đêm Suan Lum nằm kế bên trạm xe điện gần công viên Lumpini (Vườn Lâm Tì Ni).

Chợ đêm Suan Lum

Chợ đêm Suan Lum là một chợ lớn được quy hoạch đàng hoàng. Chợ này do hoàng gia Thái Lan làm chủ. Bên trong chợ hàng quán đã bắt đầu buôn bán từ giờ cho tới 12 giờ đêm. Chợ này to lớn lắm. Rộng cỡ 1 sân banh chớ không ít. Ði bên trong chợ một hồi là không biết mình đang ở đâu. Hàng hóa cũng đa dạng nhưng chủ yếu là hàng da, giày dép, đồ kỷ niệm, đồ điện, điện tử... Giá hàng hóa ở đây cũng mắc hơn ở Pratunam một chút. Ngoài ra còn có nhiều tiệm massage với giá khoảng 250 -300 baht (10 đô la) một giờ. Những tiệm này có máy lạnh và ghế bàn coi bộ sang trọng hơn khu Pratunam. Bên phía Tây có một sân khấu ca nhạc, phía trước là bàn ghế để khách ngồi uống nước và nghe nhạc miễn phí. Phía Ðông là những nhà hàng ẩn mình dưới những tàng cây rậm rạp trông rất lãng mạn, trữ tình. Khách tới đây tối nay chỉ lưa thưa mấy đoàn người Nhật, Ðại Hàn. Chắc giờ này mới 6 giờ. Còn sớm quá hay chăng?

Nơi vui vẻ nhứt Bangkok: khu đèn đỏ Patpong

Ðến Bangkok, bạn phải đến Patpong để coi sự trụy lạc của Thái Lan tới mức nào bởi vì đây là khu đèn đỏ của Bangkok. Từ chợ Suan Lum chúng tôi đi taxi tới Patpong chỉ tốn có 50 baht vì cũng gần. Khu này nằm gần Silom Square giữa hai con đường Silom và Surawong. Ở Patong đèn màu quảng cáo của các nhà hàng, tiệm massage, quán bar rất sáng sủa tạo nên cho nơi đây một không khí thật vui. Giữa đường còn có một chợ đêm bán đủ thứ hàng hóa cho du khách như đồ da “nhái” các hiệu nổi tiếng, áo thun có chữ cho du khách, đồ kỷ niệm, DVD sao chép lậu... Hai bên đường là những quán bar. Nhìn qua cửa thì thấy các bar này đều có rất nhiều “em” mặc bikini đang nhún nhảy trên sân khấu. Mấy em ở đây trông cũng sạch sẽ, đẹp đẽ chớ không đen đủi như ở Pattaya. Bên ngoài quán, đám cò liên tục chào mời khách:

- “100 baht một ly bia”. Mời vô mời vô.

Có chỗ còn nói 60 baht một ly bia. Thật ra, vào trong các bar này bạn phải có trong túi ít nhứt cả ngàn baht thì mới đủ. Bởi vì người ta sẽ tính tiền típ, tiền phục vụ gì đó. Người ta còn phục vụ bạn “tới bến” luôn. Miễn là bạn có tiền. Còn mấy em phục vụ, bạn thích em nào thì cứ nói. Mấy em đó sẵn sàng phục vụ cho bạn bởi vì các bar ở nơi đây chính là các ổ điếm trá hình mà thôi.

Ngoài ra, dọc đường Patpong có không biết cơ man nào là cò Sex Show. Họ cứ mời bạn:

- “Want to have a happy time ?”

- “You want to see f... king show” ?

Những show nhầy nhụa kiểu Pattaya đều có ở đây, ngay trên các lầu của những quán bar hai bên đường. Dĩ nhiên, bạn phải cẩn thận vì giá show sẽ cao hơn rất nhiều so với giá mà bọn cò đưa ra. Bạn đã vào coi thì phải móc bóp trả thêm tiền chớ không dễ quịt được đâu.

Thêm vào đó ở Patpong còn có một khu vực toàn là dân pêđê. Nếu bạn thấy cô nào chân dài, mặt đẹp, ngực nở thì đến 90% cô ta là những ladyboy rồi.

Bên lề đường còn có những quán bia nơi đó du khách Tây phương ngồi uống bia để ngắm nhìn thiên hạ. Ngoài ra, hàng quán bán thực phẩm, đồ ăn, trái cây thì la liệt. Có thể nói ở Patpong cái gì cũng có miễn là bạn có tiền.

Tôi và bà xã chỉ thích la cà xem hàng hóa trong chợ trời ở đây. Hàng hóa cũng tốt nhưng giá hơi nhỉnh hơn khu Pratunam vì nơi đây có nhiều du khách. Bạn phải biết cách trả giá vì họ nói thách cũng dữ. Ðầu tiên mình chỉ trả chừng 50% giá họ nói rồi kêu họ bớt. Phải vui vẻ và đừng tỏ ra ham muốn món đồ quá mức. Ông xã ở kế bên làm bộ không thích và đòi đi chỗ khác. Bạn cũng phải biết giả đò nói giá này là số tiền tôi có thể có và nếu không bán thì tôi đi... Biết cách trả giá và mua bán cũng là một niềm vui khi đi mua hàng ở đây. Chỉ cần nhớ một điều: rủi trả hớ, mà người ta bán thì phải mua. Không có chuyện trả... bỏ. Và một khi mua rồi thì không thể trả lại.

Tóm lại Patpong là một nơi vui vẻ. Ðến Bangkok ta nên đến chơi một lần cho biết. Nhưng nên nhớ đó là một nơi ăn chơi có nhiều cạm bẫy cả về tình lẫn tiền. Cẩn thận đôi chút thì Patpong là một nơi bạn có một đêm nhiều kỷ niệm đáng nhớ.

Gần khu Patpong có trạm xe điện ngầm Silom. Lúc này là 9 giờ rưỡi. Sau khi rong chơi mấy con đường vui vẻ ở đây. Chúng tôi đi xe điện về khách sạn. Tối nay chúng tôi phải “thu dọn chiến trường” cho gọn ghẽ để sáng mai trả phòng, lên đường trở về Mỹ quốc chấm dứt một chuyến đi nhiều thú vị.

Minh Tâm

Cùng một tác giả đã xuất bản ký sự du lịch Á Châu Quyến Rũ gồm 2 tập: Tập 1: Ðài Loan, Nhựt Bản, Hồng Kông, Mã Lai, Singapore... Tập 2: Trung Quốc, Campuchia, Ðại Hàn, Thái Lan... Ấn phí và cước phí mỗi tập 15 USD. Muốn được gởi sách về tận nhà bằng bưu điện, xin gởi check về:

Tam Tu

17634 Fonthill Ave

Torrance, CA90504

(310)523-1857

Email: minhtam_08@yahoo.com

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art