Thứ Năm, 02 Tháng Tám, 2012

Đấu trường La Mã Colosseo - Roma

Đấu trường La Mã Colosseo - Roma

Mọi ngả đường đều dẫn đến Roma - câu châm ngôn ấy ai cũng đã thuộc lòng và luôn mong một ngày sẽ được đến với thành đô vĩnh hằng. Ở Roma có nhiều công trình và di tích để tham quan và chiêm ngưỡng. Một trong những địa điểm không thể bỏ qua là đấu trường La Mã Colosseo đã đi vào lịch sử từ gần 2.000 năm nay.

Tuy không có niên đại lâu như Foro Romano hay nhiều công trình khác ở Roma, nhưng Colosseo một thời là trung tâm giải trí của bao đời hoàng đế và con dân của họ, cho đến ngày nay nó vẫn thu hút hàng triệu du khách đến từ khắp năm châu bốn biển về đây chiêm ngưỡng.

Được xây dựng dưới thời hoàng đế Vespasian, đấu trường này hoàn thành vào năm 80 sau Công nguyên dưới thời trị vì của hoàng đế Titus. Nó được xây dựng trên lòng hồ nhân tạo thuộc khu Domus Aurea của hoàng đế Nero và là nơi diễn ra các cuộc đấu của các đấu sĩ Gladiators.

Những cuộc đấu này là trò tiêu khiển của các hoàng đế và cận thần cũng như con dân của họ. Những trận đấu thật sự tàn khốc và chỉ kết thúc khi một bên phải đổ máu, nhưng càng tàn khốc bao nhiêu thì sức hút của nó với khán giả lại tăng lên bấy nhiêu. Colosseo có lẽ là nơi đẫm máu nhất trên hành tinh này (tính theo diện tích). Tính sơ bộ thì tại đây có khoảng 300.000-500.000 người đã bỏ mạng sau những trận đấu.

Ngày nay Colosseo chỉ còn là điểm du lịch hấp dẫn cho khách thập phương dù sự tàn khốc đã đi vào dĩ vãng. Và mỗi khi có một nước trên thế giới bỏ luật tử hình hay chuyển hình phạt tử hình sang hình phạt khác, Colosseo lại được thắp sáng dưới ánh đèn màu vàng trong suốt 48 tiếng để chào mừng.  

 

Đấu trường La Mã Colosseo nhìn từ bên ngoài

Cái tên Colosseo mãi đến thế kỷ thứ 8 mới được nhắc tới và có lẽ được đặt tên theo bức tượng Nero khổng lồ trong khu Domus Aurea. Dưới thời Hadrian, khi mà Nero bị lên án và nguyền rủa, tượng Nero đã bị đổi thành tượng thần mặt trời Helios.

Các trận đấu của các võ sĩ gladiators được khởi nguồn từ những năm 264 trước Công nguyên và đến năm 402 sau Công nguyên mới được bãi bỏ dưới thời Honorius. Sau khi các trận đấu bị bãi bỏ thì Colosseo vẫn được sử dụng làm nơi diễn ra các lễ hội công khai cũng như riêng tư.  

 

Một góc đấu trường

Đấu trường Colosseo có hình êlíp với chiều rộng 156m, chiều dài 188m  và chu vi 527m, có cấu trúc gồm 4 hàng cửa vòm cuốn bằng những trụ đá vuông và có chiều cao 48m được chia làm 3 tầng. Mỗi hàng cửa vòm có tất cả 80 cửa để khán giả ra vào trong đấu trường.

Bốn cửa chính nằm tại 4 điểm trên hai trục của công trình mang hình êlíp (ellipse) này là các cửa dành cho hoàng đế và văn võ bá quan (senators) đi vào chỗ ngồi của mình. Lô ghế dành cho hoàng đế nằm ở chính giữa về hướng bắc. Những lối hành lang ở tầng hầm dành cho những người phục vụ, các loài thú biểu diễn và các vật dụng cần thiết cho các trận đấu của các đấu sĩ Gladiators.

Colosseo có sức chứa khoảng 50.000 khán giả. Các chỗ ngồi trên khán đài được sắp xếp theo nguồn gốc và chức tước của người xem. Hàng ghế đầu tiên gần sân khấu nhất làm bằng đá hoa cương để dành cho hoàng đế và các vị senators. Kế tiếp là 14 hàng ghế làm bằng đá sa thạch dành cho các kỵ sĩ. Các hàng tiếp theo được chia làm ba khu. Khu dưới dành cho những người giàu có, khu trên cùng dành cho những người nghèo khó. Hạng bét nhất trong Colosseo là các hàng ghế gỗ dành cho phụ nữ ở trên cao và xa sân khấu nhất.

Ngày nay người ta vẫn còn nhận ra những hàng chữ để phân biệt vị trí trong xã hội của những người đến xem. Những ghế dành cho các vị senators thì được viết họ tên đầy đủ của từng người, còn những hàng ghế khác thì chỉ ghi thứ hạng trong xã hội mà khán giả trong thứ hạng đó mới được mua vé.

 

Khách tham quan đấu trường

Các lối ra vào ở đây được thiết kế rất hợp lý để khán giả dễ dàng đến chỗ ngồi của mình cũng như không cản trở nhau khi buổi đấu kết thúc và ồ ạt ra về. Hệ thống lối ra vào ở đây với hàng loạt các cầu thang cũng như các hành lang cũng vẫn được áp dụng để xây các sân vận động thể thao ngày nay.

Với hệ thống ấy người ta có thể cho khán giả vào đầy ắp Colosseo trong vòng 15 phút và chỉ cần 5 phút để tất cả khán giả ra khỏi đấu trường này.

 

Các nhân vật đóng vai đấu sĩ

Colosseo cũng phần nào trải qua lịch sử lâu đời của Roma. Qua các thời đại của Roma nó đã nhiều lần được trùng tu. Lần trùng tu đầu tiên diễn ra vào năm 217 sau một trận cháy lớn. Hai lần cháy nữa diễn ra vào năm 250 và 320 sau Công nguyên. Trận động đất năm 484 sau Công nguyên cũng gây thiệt hại lớn cho Colosseo.

Từ thế kỷ thứ 6 Colosseo được sử dụng làm nơi chôn cất và đến cuối thế kỷ này thì nó được dùng làm nơi ở. Trong suốt thời kỳ trung cổ Colosseo vẫn được sử dụng, đặc biệt là khi gia đình Frangipane dùng nó làm lâu đài của họ. Ngày nay du khách vẫn còn được thấy một phần những dấu vết của thời kỳ ấy ở phần phía đông bắc của Colosseo. Trong thế kỷ thứ 15 thì người ta đã bắt đầu dỡ gạch đá ở đây để xây dựng và tu sửa lại những công trình của các giáo hoàng thời đó.

Năm 1675 lệnh cấm phá dỡ Colosseo được ban hành và năm 1807 kiến trúc sư Robert Stern đã cho xây bức tường hình tam giác, để trợ giúp bức tường bên ngoài của Colosseo về phía đông nam mà lúc đó đã khá xiêu vẹo. Năm 1927 kiến trúc sư Guiseppe Valadier cũng lại chọn lựa giải pháp này khi ông cho xây bức tường chống ở hàng cửa vòm đầu tiên theo đúng như kiến trúc mà Colosseo vốn có.

 

Toàn cảnh đấu trường

Đến thăm Colosseo vào một ngày đẹp trời và khá nóng, nhưng đi dưới những hành lang tường dày đến hàng mét ở tầng trệt tôi vẫn cảm nhận được một phần sự lạnh lẽo của chốn này, phải chăng bởi khi đó tôi chợt nghĩ tới những cái chết oan uổng của những đấu sĩ đã phải bỏ mạng sống của mình ở đây một cách vô ích?

Colosseo ngày nay không còn là nơi diễn ra những trận đấu đẫm máu nữa, nó đã trở thành biểu tượng chống lại luật tử hình ở nhiều nước trên thế giới. Colosseo cũng là địa chỉ cho những ai ngưỡng mộ một công trình kiến trúc hoành tráng được xây từ cách đây hai thiên niên kỷ. Quả là một công trình kiến trúc đặc sắc, xứng đáng là một trong 7 kỳ quan thế giới mới được bầu vào năm 2007 vừa qua.

NAM VINH

Bài viết khác