Ngôi nhà của Thánh Phêrô và Chúa Giêsu tại Capernaum
Kể từ khi giới khảo cổ học tuyên bố phát hiện được nhà của Thánh tông đồ Phêrô, những kết quả nghiên cứu sau đó đã dẫn đến kết luận đầy mong đợi : đây cũng là nơi Chúa Giêsu lưu lại khi bắt đầu truyền giáo.
Trong hầu hết quãng đời trưởng thành, Chúa Giêsu sống tại một ngôi làng đánh cá nhỏ bé bên bờ biển Galilee. Đây là nơi thai nghén Kitô giáo đời đầu, khi ngài bắt đầu giảng dạy tại giáo đường trong vùng (Maccô 1:21), tuyển chọn những tông đồ đầu tiên (Maccô 1:16-20) và trở nên nổi tiếng với các phép lạ chữa bệnh cho người tật nguyền và kẻ đau yếu (Maccô 3:1-5)...
Những du khách đầu tiên đến nơi này từ lâu đã chiêm ngưỡng phần còn lại của giáo đường cổ đại, được bảo tồn ở trạng thái hoàn hảo. Nhiều người cho rằng đây phải là điểm giảng dạy đầu tiên của Chúa Giêsu khi bắt đầu con đường cứu rỗi nhân loại. Tuy nhiên, một chi tiết quan trọng về cách thức Kitô giáo được khởi đầu vẫn là câu hỏi chưa được giải đáp : Đâu là thị trấn mà Chúa Giêsu từng trải qua khi ở dưới thế ? Nhà của Thánh tông đồ Phêrô được đặt ở nơi nào, vì đây là nơi Kinh Thánh cho rằng cũng là nhà của Thầy ở Capernaum (Matthêu 8:14-16) ?
Theo trang Biblical Archaeology Review, những nhà khảo cổ học người Ý làm việc ở Capernaum có thể đã tìm được tàn tích của căn nhà xoàng xĩnh của Thánh tông đồ Phêrô và từng được Chúa Giêsu gọi là nơi trọ của Ngài trong thời gian ở Capernaum. Được chôn vùi bên dưới phần sót lại của nhà thờ bát giác từ thời Byzantine, các chuyên gia đã phát hiện dấu tích còn sót lại của một ngôi nhà đầy khiêm tốn. Dù có diện tích hơi nhỉnh hơn đa số các ngôi nhà trong làng, nhưng nhà được xây dựng hết sức đơn sơ, với những bức tường sơ sài và mái lợp bằng rơm rạ cùng đất. Giống như hầu hết các nơi ở đời đầu của thời La Mã, nhà chỉ có vài phòng nhỏ nằm xung quanh hai khoảng sân mở. Có thể nói, bề ngoài của toàn bộ căn nhà hết sức bình thường. Các nhà khai quật cho rằng niên đại của ngôi nhà vào khoảng giữa thế kỷ thứ nhất trở đi, và suy đoán đây có thể là nhà của Thánh Phêrô ở Capernaum.
Trong những năm sau khi Chúa Giêsu về Trời, chức năng của ngôi nhà đã được thay đổi đáng kể. Căn phòng chính được trát vữa từ sàn đến nóc, một cách trang hoàng hiếm xuất hiện vào thời đó. Cùng lúc các đồ gốm sứ trong nhà, trước đây là dụng cụ nấu nướng và ăn uống, được thay bằng các vại lớn chứa đồ đạc và đèn dầu. Kết quả kiểm tra đồng vị phóng xạ cho thấy ngôi nhà đã được thay đổi gần như toàn bộ công dụng, không còn là nơi ở mà trở thành địa điểm tụ tập của cộng đồng, nhiều khả năng là các đợt nhóm họp đầu tiên của Kitô giáo. Đây được xem là yếu tố chủ chốt cho thấy sự xuất hiện của đạo Công giáo từ thời kỳ này.
Nhóm chuyên gia cũng phát hiện trong những thế kỷ tiếp theo, căn phòng trát vữa đã được nâng cấp và chuyển thành sảnh trung tâm của một nhà thờ thuở sơ khai. Các bức tường làm bằng đá ban đầu của căn phòng đã được ốp thêm vòng cung 2 tầng mới toanh, làm bệ đỡ cho phần mái làm bằng đá mới. Cả căn phòng tiếp tục được gia cố và sơn đủ dạng hoa văn nhiều màu sắc khác nhau. Vai trò quan trọng của ngôi nhà trong việc tìm hiểu sự khởi đầu của Kitô giáo tiếp tục được xác nhận khi các nhà khảo cổ học tìm ra hàng trăm bức vẽ graffiti trên những bức tường của nhà thờ. Hầu hết các hình vẽ đều diễn đạt nội dung như “Cầu xin Chúa Giêsu hãy giúp đỡ bề tôi của Người”, hoặc “Chúa Giêsu rủ lòng thương”. Chúng được viết bằng ngôn ngữ Hy Lạp, Syria cổ hoặc Do Thái, và đôi khi đi kèm với các hình thánh giá nhỏ, hoặc một con tàu. Nhóm chuyên gia cho hay đã tìm được tên của Thánh tông đồ Phêrô trong một vài bức graffiti, dù nhiều học giả vẫn đang tranh cãi về nghĩa của những bức vẽ này.
Nhà thờ trên đã tồn tại hơn 300 năm trước khi được thay bằng một nhà thờ tử vì đạo hình bát giác được xây dựng kiên cố vào thế kỷ thứ 5. Những kiến trúc nhà thờ kiểu này thường được dựng lên để tưởng niệm một địa điểm quan trọng, ở đây là trường hợp ngôi nhà của Thánh Phêrô. Phần chính điện bên trong được xây dựng trực tiếp trên tàn tích của căn phòng hồi thế kỷ thứ nhất, đóng vai trò là sảnh đường trung tâm của nhà thờ cũ. Theo nhận định của các chuyên gia, phát hiện trên một lần nữa đã đánh dấu tầm quan trọng của Capernaum trên bản đồ hành hương của các tín hữu Kitô giáo thế giới.
LING LANG
Ngày 16.4.1968, địa điểm khảo cổ học tại làng chài Capernaum đã được mở cửa lại sau 42 năm, dưới sự chỉ huy của cha Virgilio Corbo, giáo sư khảo cổ học thuộc Học viện Studium Biblicum Franciscanum ở Jerusalem.
Dựa trên những kinh nghiệm trước đó, cha Corbo dẫn dắt nhóm của mình đào xuống nền của nhà thờ bát giác từ thời Byzantine, từng được cha Gaudenzio Orfali khai quật thành công vào năm 1921. Các bức phù điêu đã được lấy đi để bảo quản tốt hơn, và từ đó cho phép họ đào sâu hơn nữa bên dưới cấu trúc Byzantine. Trong vòng một tuần, họ đã thu thập được nhiều mảnh thạch cao trát tường có hình vẽ graffiti bên trên. Một số bức graffiti chứa các ký tự Kitô giáo và những lời nguyện cầu lên Chúa Giêsu của các tín hữu và người hành hương - một dấu hiệu cho thấy người xưa từng vô cùng tôn kính nơi này. Các cuộc đào bới sau đó đã giúp hé lộ một loạt bức tường và lối đi dẫn đến nơi khác : nhà thờ cổ đại thời cuối La Mã.
Kể từ đó, Capernaum trở thành một trong những điểm hành hương quan trọng nhất ở vùng Đất Thánh.\