Thứ Năm, 24 Tháng Năm, 2012

Bảo trì xe trong mùa lạnh

Nếu sinh sống trong những vùng mùa đông, bạn lại càng phải tăng mức độ bảo trì cho xe. Kim chỉ nam có dành riêng 1 phần, gọi là “Winterize the car” tức là, chuẩn bị chiếc xe sẵn sàng ứng phó với mùa đông. Lúc này là thời điểm bạn cần phải đọc kỹ phần đó.

        Ðể chuẩn bị cho xe vào đông, điều đầu tiên là phải kiểm tra nước Coolant (làm mát máy). Ðúng ra, vào thời điểm này bạn phải gọi nó là nước Anti-Freeze (chống đông lạnh). Là vì, chất nước lúc này phải có khả năng chịu được độ lạnh lẽo thê lương ở ngoài trời mà không đông đá. Nó vẫn phải duy trì ở thể lỏng để có thể luân lưu làm mát đầu máy khi vận hành. Ða số các loại anti-freeze là hợp chất Ethylene Glycol có sức chịu đựng rất phi thường, với độ sôi rất cao và độ đông đá rất thấp. Nghĩa là, dù phải chịu đưng sức nóng khủng khiếp trong đầu máy, nó cũng không dễ sôi hoặc bốc hơi, và dù nhiệt độ cực lạnh nó cũng không đóng băng theo vạn vật ở ngoài trời. Bởi vì nếu sôi lên, nó không thể làm mát máy; hoặc nếu đông đá, nó không thể luân lưu. Dù nóng thế nào, nó cũng không thể bốc hơi. Dù lạnh đến đâu, nó cũng không thể đông đá. Chính nhờ vậy, nó mới thi hành được chức năng của mình: Luân lưu trong đầu máy để làm mát hệ thống khi vận hành.
        Trước khi trời lập đông, bạn phải nhớ kiểm tra nước Coolant. Trung bình, nước Coolant cần phải thay mỗi 30,000 dặm. Vậy nếu mùa đông năm ngoái chưa thay, thì bạn cần phải thay coolant trong mùa đông này. Nên thay ngay bây giờ. Ðừng trì hoãn. Ngoài Ethelene Glycol, nước coolant đủ chất lượng còn có thêm nhiều hóa chất khác làm trơn hệ thống bơm và chống ma sát gây hao mòn các chi tiết máy. Nước coolant dùng lâu s. mất độ nhờn vì các hóa chất này bị trung hòa. Vì thế ngoài việc kiểm tra định kỳ để bảo đảm có đủ nước trong hệ thống, chúng ta còn phải súc bình để thay hoàn toàn bằng nước mới nhằm bảo đảm độ nhờn và sức chống đông lạnh.
        Coolant thường màu xanh sáng, nhưng có loại màu đen hoặc màu đỏ. Nếu gặp thứ màu đỏ, xin đừng lầm với nước Dex-Cool, là 1 loại anti-freeze sử dụng trong các đầu máy GM. Ðây là loại anti-freeze đặc biệt, có thể tồn tại 10 năm hoặc 100,000 dặm mới phải thay nước mới. Nhưng Dex-Cool KHÔNG tương ứng với các loại anti-freeze khác, nên không bao giờ có thể hòa chung.
        Sau đó là nhớt máy. Chúng ta đã biết nhớt máy quan trọng thế nào rồi. Ở đây, chỉ xin nói thêm là nhớt máy cũng phải được sử dụng cho phù hợp với mùa đông. Ða số các hãng sản xuất đều đề nghị nhớt riêng cho mùa hè và nhớt riêng cho mùa đông. Nên tham khảo sổ kim chỉ nam, là sách hướng dẫn sử dụng xe, để biết xem nhà sản xuất muốn bạn dùng loại nhớt nào cho mỗi mùa. Thông thường, nhớt mùa đông thường nhẹ hơn để giúp máy dễ đề-pa. Dĩ nhiên, khi thay nhớt bạn vẫn cần phải thay cả bộ lọc nhớt. Muốn biết xe mình xài nhớt nào trong mùa đông, xin xem kim chỉ nam đi theo từng loại xe.
        Một bộ phận bị coi là không mấy quan trọng cũng cần phải được để ý khi xe sắp vào đông. Ðó là cái cần gạt nước, và nước rửa kính xe. Ðây là những dụng cụ rất cần thiết khi bạn lái xe trên đường có tuyết, hoặc rải muối và cát để chống tuyết. Kính chắn gió ở đầu xe thường xuyên bị phủ mờ. Nước rửa kính và cần gạt phải hoạt động liên tục để bảo đảm tầm nhìn cho tài xế. Vì thế, cần gạt mùa đông phải tốt. Nước rửa phải đủ sức chịu lạnh tới 10 độ F hoặc vài chục độ C dưới số 0.Trong những tiểu bang đặc biệt lạnh lẽo như New York, Minesota... sức chịu lạnh của nước rửa kính còn phải xuống thấp hơn mức đó.

        Bình Ðiện
        Bình điện yếu hoặc máy phát điện yếu vẫn có thể vận hành trong Mùa Hè. Nhưng vào Ðông, tiết trời lạnh lẽo, đầu máy nằm ngủ suốt đêm dưới tuyết băng cũng ngại ngần khi phải trở mình thức giấc. Dòng điện khi đó phải tăng thêm cường độ mới đủ sức đánh thức “anh chàng” ngái ngủ. Một bình điện yếu không làm được như vậy. Vì thế, cần phải tăng cường săn sóc bình điện. Lau sạch nắp bình bằng dung dịch baking soda pha với nước. Bụi và tuyết đọng ở nắp bình sẽ từ từ làm rò điện. Trời càng lạnh thì điện rò càng nhanh. Vì thế cần giữ sạch luôn luôn. Sau khi lau sạch sẽ lúc trời vừa lập Ðông, bạn có thể rảy một lớp bảo vệ (Terminal Protector) hoặc lớp mỡ trắng Lithium Grease quanh các cọc bình để giữ chúng được sạch và cách ly không khí.

        Bộ phận đánh lửa
        Dĩ nhiên nhiệt độ càng thấp, nhiên liệu càng khó bắt lửa khi đề máy. Nếu đã lâu chưa đi “tune-up” thì đầu Mùa Ðông là thời điểm phải cấp bách làm điều đó. Thay một bộ bu-gi mới chẳng tốn kém bao nhiêu, mà nguy cơ xe ngộp xăng khi đề máy có thể hạn chế được rất nhiều. Nên xem lại cả hệ thống dây kéo và ống dẫn (belts and hoses) nữa. Ngồi trong xe ấm áp, chúng ta ít khi ý thức được rằng đầu máy vận hành trong Mùa Ðông làm việc nhiều hơn so với Mùa Hạ. Dây kéo chịu sức căng nhiều hơn, dễ đứt hơn. Xuống xe giữa đường trong lúc thời tiết 80 độ chắc chắn khác xa với lúc phải đứng ngoài trời vẫy xe tiếp cứu khi thời tiết 10 độ dưới số không, lại kèm theo cơn mưa tuyết. Có lẽ chỉ khi nào máy ngưng giữa đường, phải rời bỏ chiếc ghế nệm ấm áp để ra ngoài đẩy xe khi đó chúng ta mới thấm thía cái cơ cực của “người bạn” phải lao lực tối đa trong sương tuyết.

        Máy Sưởi và Ðồng Hồ Nhiệt
        Kiểm tra lại máy sưởi (Heater) và máy điều nhiệt (Thermostat) để xem sau những tháng Hè, tất cả còn hoạt động điều hòa hay không. Mùa Ðông bạn có thể dùng máy điều nhiệt nóng hơn để tăng cường hiệu năng cho máy sưởi, rồi Mùa Hạ lại thay bằng máy điều nhiệt mát. Sự thay đổi này đặc biệt cần thiết đối với các loại đầu máy chạy dầu cặn (diesel), là vì đầu máy diesel không tỏa nhiều nhiệt bằng đầu máy chạy xăng. Nếu xe của bạn xài đầu máy diesel, một điều nên làm là gắn một máy sưởi đầu máy chạy điện (Electric Engine Heater). Nhờ nó, đầu máy sẽ dễ “đề” hơn trong không khí lạnh lẽo vào buổi sáng do máy sưởi giữ đầu máy ấm áp, và nhớt máy không trở thành đặc quánh. Có nó, khi cần mở máy sưởi, hơi ấm sẽ bốc lên ngay. Thị trường hiện có nhiều loại bộ phận sưởi đầu máy. Bạn có thể tham khảo giới chuyên môn về loại máy sưởi nào thích hợp với xe bạn.

        Ống Bô
        Cần kiểm tra xem ống bô có bị hở rò chỗ nào không, có đính chặt vào gầm xe không. Chắc bạn không ngờ được Mùa Ðông năm nào cũng có bao nhiêu người chết vì hít phải khí độc Carbon Monoxide từ hệ thống ống bô rò rỉ thải ra? Và nhớ đừng bao giờ mở máy rồi để “warm-up” trong garage. Sự vô ý này là thủ phạm giết chết bao nhiêu người rồi. Vì Carbon Monoxide là một chất khói vô cùng độc hại, thải ra qua hệ thống ống bô, nếu len được vào nhà có thể làm người vô tình hít trúng bất tỉnh nhân sự tại chỗ hoặc đưa đến tử vong.

        Bánh xe
        Xem nào, những dặn dò trên đây coi như đã khá đủ cho một... “thợ máy” tay mơ như đa số chúng ta. Quên nữa, còn mấy cái bánh xe. Bánh xe ngày nay đa số được bán dưới dạng “All Season” (Thích hợp cả 4 mùa). Mấy ông kỹ sư thật chu đáo. Họ hiểu nhu cầu, mà họ cũng hiểu tâm lý của chúng ta nữa. Biết rằng lốp xe Mùa Ðông thì phải có nhiều đường ren (tread) thật chắc để “cắn” vững xuống mặt đường trơn ướt, họ cũng biết rằng chúng ta là tay mơ, vốn hiểu biết ít lại còn ngại ngần đụng chạm tay chân. Thế nên họ phải động não tối đa, tìm đủ cách để chế bánh xe gọn nhẹ trong Mùa Hè mà vẫn đáp ứng nhu cầu Mùa Ðông để người sử dụng khỏi mất công thay lốp theo mùa.
        Mặc dầu những cái lốp này có tốt thật, nhưng “ở sao cho vừa lòng người? Ở rộng người cười ở hẹp người chê!” Chiều được Mùa Hạ thì phải bớt quyền lợi của Mùa Ðông. Thế nên nếu bạn thực sự ở trong vùng tuyết đổ, hãy chịu khó thay loại bánh tuyết đặc chế cho Mùa Ðông. Loại bánh này hữu ích nhờ đường ren rất chắc và rất sâu để bám tuyết. Thế nên, khi chọn lốp xe đi trong tuyết, cần đặc biệt để ý các đường ren. Cũng vậy, khi thay bánh xe chuẩn bị Mùa Ðông, cần phải dùng bánh có đường ren thật tốt. Gọi là lốp tuyết mà đường ren đã mòn vẹt thì... đúng thực là có cũng như không.

        Học cách thay bánh sơ cua
        Cùng lúc kiểm tra các lốp xe, chúng ta cũng nên coi lại bánh sơ cua. Bánh sơ cua (phiên âm tiếng Pháp) là bánh xe để dành, phòng khi hữu sự, tiếng Mỹ gọi là Spare Tires. Ðể những khi bánh xe bị xẹp bất ngờ ở trên đường thì có ngay bánh Spare Tire thay vào chạy tiếp đến sở làm, hoặc chạy vội về nhà trong lúc trời mưa tuyết. Bạn có bao giờ bị lâm vào tình cảnh xe xẹp lốp giữa đường chưa? Chưa hả? Thế nhưng không có nghĩa là bạn sẽ không bao giờ lâm vào cảnh đó! Chỉ cần bị một lần mà không có lốp Spare Tire thay vào là đủ nhớ đời. Chiếc xe hơi chứ có phải xe đạp đâu mà xẹp lốp thì cứ việc dẫn đi khơi khơi tìm chỗ sửa? Vậy dứt khoát bạn phải biết thay bánh xe, dù là bạch diện thư sinh hay tiểu thư khuê các: Biết lái xe là phải biết thay lốp xe. Bất cứ chiếc xe nào cũng có một một bánh sơ cua đeo theo là vì thế. Nó là vật cứu nguy chẳng phải chỉ trong Mùa Ðông mà là cả 4 mùa, suốt 365 ngày trong một năm.
        Vì thế, kiểm soát lốp là phải kiểm soát luôn cả bánh sơ cua, và dĩ nhiên, xem lại các dụng cụ phụ thuộc như bình W40 có còn dầu không? Hay khô mất từ đời nào rồi? Các bộ phận kích xe có đủ không?... Kể ra thì lỉnh kỉnh, nhưng thực sự chúng là những vật dụng rất đơn sơ, thường xe nào cũng có. Nếu bạn để chúng chỗ nào không nhớ, thì sắm lại cũng dễ dàng: Bình W40 vài đô, bộ Jack vài chục đô nữa. Vậy là đủ đồ nghề cho lúc nguy cấp. Thay lốp là chuyện nhỏ. Nhưng cũng phải tập một lần để khi hữu sự khỏi lúng túng chứ! Chuyện đó lần sau chúng ta sẽ tiếp tục cà kê dê ngỗng nhé.

Phạm Đình

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art