Thứ Hai, 27 Tháng Ba, 2017

Bluetooth là gì?

Bluetooth là gì?

 Máy hát dùng kỹ thuật Bluetooth. (Hình: Ethan Miller/Getty Images)

Nếu bạn đã có dùng loa không dây (wireless speaker) hay máy in không dây thì nhiều phần chắc là bạn đã dùng kỹ thuật Bluetooth để nối kết máy tính với máy in hay loa.

Bluetooth càng ngày càng thịnh hành vì tiện cho người dùng không phải có dây nhợ lung tung. Vậy thì Bluetooth là gì và hoạt động ra sao?

Từ “Bluetooth” ở đâu mà ra?

Không có từ tiếng Việt dịch chữ “Bluetooth.” Không thể dịch là “răng xanh” bởi vì kỹ thuật này không dính líu gì tới răng và vì vô hình nên không thể có màu xanh được. Nếu theo nghĩa của kỹ thuật đứng đằng sau thì Bluetooth có thể dịch là “chuẩn sóng vô tuyến khoảng cách ngắn.” Tuy nhiên cho gọn, trong bài này tôi dùng chữ Bluetooth.

Như vậy tại sao có từ Bluetooth? Câu chuyện này khá dài dòng và thú vị. Tôi xin kể sơ lược như sau.

Bluetooth là tên của một vị vua của xứ Ðan Mạch vào thế kỷ thứ 10. Vị vua này có tiếng đoàn kết được Ðan Mạch và Na Uy thành một nước. Ở Hoa Kỳ vào thập niên 1990, các công ty đua nhau phát triển công nghệ sóng vô tuyến khoảng cách ngắn một cách vô trật tự, không có một tiêu chuẩn rõ rệt. Các dụng cụ nhiều khi không liên lạc với nhau được.

Một nhóm chuyên ngành (special interest group) được thành lập để thiết lập một tiêu chuẩn chung cho công nghệ sóng vô tuyến khoảng cách ngắn này. Trong khi chờ đợi để có một tên gọi chính thức ông Jim Kardach, một chuyên viên của công ty Intel và là một thành viên của nhóm, đề nghị gọi là Nhóm Chuyên Ngành Bluetooth (Bluetooth Special Interest Group), dùng tên ông vua Bluetooth để làm nguồn khích lệ các nhóm khác nhau đoàn kết lại.

Tuy nhiên, trong khi chờ đợi tên chính thức thì từ Bluetooth đã được các nhà báo sử dụng và được mọi người quen dùng. Nên Bluetooth được chính thức nhận là tên của chuẩn kỹ thuật sóng vô tuyến khoảng cách ngắn vào năm 1998. Chưa hết, biểu tượng của Bluetooth mà bạn thường thấy như dưới đây, không có ý nghĩa gì với chuẩn sóng vô tuyến mà chỉ là chữ viết tắt của ông vua Bluetooth trong cổ tự của vùng Scandinavia (thuộc Bắc Âu).

 Biểu tượng Bluetooth. (Hình: openclipart.org)

Biểu tượng này là một thương hiệu có đăng ký của Nhóm Chuyên Ngành Bluetooth. Nếu bạn thấy biểu tượng này trên một dụng cụ nào đó thì bạn biết dụng cụ đó có Bluetooth. Bạn cũng yên tâm vì Bluetooth của dụng cụ đó đã qua sự thử nghiệm chặt chẽ của cơ quan trên.

Bluetooth hoạt động ra sao

Một vấn đề căn bản của thời văn minh bây giờ là làm sao cho các máy móc điện tử liên lạc với nhau. Người ta đã giải quyết ổn thỏa nếu hai dụng cụ liên lạc qua đường dây, thí dụ như máy in cắm vào máy tính. Thường thì đó là “plug and play,” có nghĩa là cắm vào và dùng được ngay, không cần phải làm gì cả. Nhưng muốn dùng Bluetooth thì không đơn giản như vậy.

Một dụng cụ dùng kỹ thuật Bluetooth là dùng sóng vô tuyến radio để liên lạc với các dụng cụ khác ở gần và có cùng kỹ thuật Bluetooth. Một sản phẩm có kỹ thuật Bluetooth như ống nghe không dây (wireless headset) hay loa không dây thì có một chíp điện tử nhỏ xíu trong đó có Bluetooth radio và phần mềm để có thể giao tiếp với các dụng cụ khác.

Ghép cặp hai dụng cụ Bluetooth

Khi hai dụng cụ có Bluetooth muốn liên lạc với nhau thì đầu tiên phải qua quá trình ghép cặp (pairing). Bạn nào đã thử ghép cặp điện thoại di động với hệ thống Bluetooth trong xe hơi thì biết là nó khá rắc rối, phải qua tới khoảng 10 bước. Tuy nhiên, một khi đã ghép cặp một lần rồi thì lần sau hai dụng cụ tới gần nhau là tự động có thể liên lạc với nhau mà không cần phải ghép cặp lại.

Thí dụ như một khi điện thoại di động đã ghép cặp với xe nào đó thì mỗi khi vào xe mà có ai gọi điện thoại thì tiếng nói sẽ tự động vào hệ thống loa của xe, không cần phải nói trực tiếp vào điện thoại. Ðiều này rất quan trọng, nó giúp cho bạn không phải vừa lái xe vừa cầm điện thoại và nói chuyện. Nhiều tiểu bang ở Hoa Kỳ đã cấm chuyện này.

Kỹ thuật Bluetooth dùng nguyên tắc “truy tìm và lắng nghe.” Một dụng cụ, gọi là A, phát ra tín hiệu truy tìm những dụng cụ ở gần. Một dụng cụ khác, gọi là B, luôn luôn lắng nghe trên những tần số đã được định sẵn, nếu nhận được tín hiệu truy tìm của A bèn gửi lại một tín hiệu cho A với những thông tin cần thiết để hai bên có thể giao tiếp.

Vì vấn đề bảo mật, bạn không muốn ai cũng giao tiếp được với điện thoại di động của bạn, nên quá trình “truy tìm và lắng nghe” trở nên rắc rối. Thí dụ như khi dụng cụ B nhận được tín hiệu của A bèn báo cho người sở hữu mình là có A đang xin liên lạc, có cho phép không? Rồi còn phải trao đổi mật khẩu cho chắc ăn là hai bên đều biết nhau và đồng ý giao tiếp.

Những áp dụng của kỹ thuật Bluetooth

Có nhiều áp dụng của kỹ thuật Bluetooth, sau đây là những áp dụng được nhiều người dùng nhất.

– Rảnh tay (hand-free): Như đã nói, việc áp dụng kỹ thuật Bluetooth trên xe là một áp dụng rất có ích. Những xe đời mới thường có gài Bluetooth. Nếu xe bạn có Bluetooth thì bạn nên ghép cặp với điện thoại di động của bạn. Một điều lợi nữa là bạn có thể nghe nhạc có trên điện thoại di động dùng hệ thống âm thanh của xe qua Bluetooth trong khi đang lái xe.

– Nghe nhạc: Có nhiều dụng cụ nghe nhạc dùng kỹ thuật Bluetooth, như loa không dây (wireless speaker) hay ống nghe không dây (wireless headphone).

– Máy móc điện tử: Nhiều dụng cụ điện tử bây giờ liên lạc với nhau qua kỹ thuật Bluetooth như bàn phím, con chuột hay máy in.

– Ðồ chơi video: Bảng điều khiển của nhiều đồ chơi điện tử dùng Bluetooth.

Những áp dụng trong tương lai của kỹ thuật Bluetooth

Nhóm Chuyên Ngành Bluetooth tuyên bố là có rất nhiều phát triển trong tương lai cho công nghệ Bluetooth. Nhóm này đưa ra một chuẩn mới gọi là Bluetooth Smart. Chuẩn này dùng rất ít năng lượng. Một pin nhỏ như đồng tiền có thể dùng để chạy một dụng cụ có Bluetooth Smart cả mấy tháng, có khi cả mấy năm.

Chuẩn Bluetooth 5.0 sắp được tung ra có thể tăng gấp bốn lần chu vi hoạt động và hai lần nhanh hơn Bluetooth Smart.

Kỹ thuật Bluetooth sẽ cho chúng ta những khả năng: Máy hình của bạn có thể gửi hình ảnh hay video từ máy hình qua điện thoại di động hay máy tính mà không phải gắn dây. Khi bạn về tới nhà thì tự động cửa sẽ mở, đèn và hệ thống điều hòa cũng tự động bật lên.

Dùng kỹ thuật Bluetooth những dụng cụ giám sát y khoa có thể truyền những dữ liệu như là huyết áp, lượng đường trong máu tới thẳng các nhân viên y tế nhanh hơn. Những người thường có thể dùng kỹ thuật Bluetooth để luôn luôn kiểm soát những chỉ số y khoa của mình, như lượng đường và nhịp tim.

Hiện nay trên thị trường có bán nhiều dụng cụ có gắn Bluetooth như Fitbit để theo dõi những hoạt động của bạn trong ngày và truyền những dữ liệu này qua kỹ thuật Bluetooth vào điện thoại di động của bạn. Nhìn vào đó bạn biết là mình đã đạt được tiêu chuẩn hoạt động trong ngày hay chưa.

Theo Nhóm Chuyên Ngành Bluetooth thì hiện có 8.2 tỉ dụng cụ có Bluetooth và tiên đoán là sẽ có thêm khoảng nửa tỉ dụng cụ có Bluetooth mỗi năm cho tới năm 2021.

Hà Dương Cự/Người Việt

––––––––—-

Nguồn tài liệu: www.pcworld.com, http://electronics.howstuffworks.com, www.bluetooth.com, www.scientificamerican.com

Bài viết khác

Các từ viết tắt Kitô giáo

Các từ viết tắt Kitô giáo

23/11/2024

Trong nghệ thuật cũng như trong các văn bản Kitô giáo, thường xuyên xuất hiện những từ viết tắt bí ẩn. Việc biết ý nghĩa của chúng cho phép chúng ta đi sâu hơn vào sự phong phú của đức tin. Đây là một hướng dẫn ngắn để hiểu những từ viết tắt thường...

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art