Thứ Sáu, 10 Tháng Hai, 2017

Sáu cách sử dụng hiệu quả ổ đĩa SSD

Sáu cách sử dụng hiệu quả ổ đĩa SSD - 1

Ổ đĩa cứng dạng rắn SSD (Solid-Slate Drive) được trang bị đại trà cho các máy tính bán ra trên thị trường hiện nay, nhất là các dòng máy laptop, do nhiều ưu điểm như: tốc độ cao, bền bỉ, không phát ra tiếng ồn, tiết kiệm năng lượng và giá thành cũng không còn quá chênh lệch so với ổ HDD (ổ đĩa cơ khí) như trước kia.

Những máy tính đang sử dụng HDD cũng có khuynh hướng nâng cấp lên SSD vì đây là cách tăng tốc máy tính hiệu quả nhất so với nâng cấp RAM hay CPU. Do phương cách hoạt động của SSD và HDD khác nhau nên người sử dụng cần phải biết một số đặc điểm kỹ thuật của SSD để có thể giúp chúng đạt hiệu quả cao nhất.
 

1. Tuổi thọ của SSD

Ðể giúp ước lượng SSD có thể sử dụng được bao lâu, hãng sản xuất OCZ đưa ra công thức: Tuổi thọ SSD bằng dung lượng của nó nhân với tỉ lệ chịu ghi, chia cho số lần ghi trung bình hằng ngày (việc đọc dữ liệu không ảnh hưởng gì đến tuổi thọ của ổ SSD).

Thí dụ, ổ Vertex 120 GB có tỉ lệ chịu ghi là 3,000 chu kỳ. Nếu bạn ghi lên ổ 50 GB mỗi ngày thì tuổi thọ của nó khoảng 20 năm ((120 x 3,000)/50 = 7,200 ngày). Hầu hết chúng ta đều ghi dưới 50 GB dữ liệu mỗi ngày và có nhiều ngày chúng ta chẳng ghi gì cả nên có thể nói tuổi thọ của SSD sẽ vượt quá tuổi thọ của máy tính nếu không bị các tác động khác.
 

2. Không cần chống phân mảnh (defragment)

Việc giải phân mảnh chỉ có tác dụng cho HDD vì nó giúp gom dữ liệu lại sát nhau để đầu đọc cơ khí không phải mất thời gian di chuyển quá nhiều. Do SSD hoạt động không có chuyển động cơ học nên chúng có thể đọc dữ liệu từ bất kỳ vị trí nào với một tốc độ như nhau nên không cần giải phân mảnh. Ngoài ra, tuổi thọ của SSD tùy thuộc vào số lần ghi, xóa nên việc giải phân mảnh sẽ có hại vì làm tăng số lần ghi, xóa một cách vô ích.

Sáu cách sử dụng hiệu quả ổ đĩa SSD - 2

3. Không lưu trữ quá 75% dung lượng

Trang công nghệ Anandtech khuyên chỉ nên sử dụng khoảng 75% dung lượng của SSD để có một sự cân bằng tốt giữa tốc độ và dung lượng. Nói cách khác, nếu SSD còn trống dưới 25% thì tốc độ hoạt động sẽ sụt giảm rõ rệt. Lý do, khi SSD có nhiều dung lượng trống tức là nó có nhiều khối (block) dữ liệu rỗng để ghi dữ liệu mới ngay lập tức khi có yêu cầu. Nếu SSD có ít dung lượng trống, tức là có nhiều khối dữ liệu đầy nửa vời, khi cần ghi một tập tin, nó sẽ phải mất thời gian dọn dẹp các khối dữ liệu đầy nửa vời để có các khối trống cho việc ghi dữ liệu mới.
 

4. Không chạy phần mềm xóa triệt để (wipe) SSD

Tương tự như việc giải phân mảnh, việc xóa triệt để không có tác dụng mà còn làm SSD bị giảm thọ. Lý do, bởi vì HDD chậm nên mới có việc nó xóa giả – đánh dấu các sector với dấu hiệu “đã xóa” khi xóa một file nào đó trên máy tính, tuy nhiên dữ liệu không thật sự biến mất khỏi ổ cho đến lần ghi kế tiếp – khiến ta phải xài các phần mềm “wipe” để xóa triệt để dữ liệu đã xóa giả. Với SSD, khi bạn xóa file thì hệ điều hành hoặc firmware của ổ sẽ buộc SSD xóa dữ liệu với lệnh TRIM.
 

5. Không lưu trữ những tập tin quá lớn hoặc ít sử dụng trên SSD

Do SSD có giá đắt hơn HDD nên bạn không nên lưu trữ các tập tin quá lớn hoặc ít sử dụng trên SSD mà hãy lưu trữ chúng trên HDD gắn song song để cân bằng giữa hiệu suất ổ cứng (SSD, HDD) và chi phí. Nếu máy chỉ có duy nhất SSD thì bạn nên sử dụng thêm một ổ HDD rời làm ổ lưu trữ file, còn trên SSD tốt nhất chỉ cài hệ điều hành và các phần mềm ứng dụng, trò chơi… để tăng tốc độ hoạt động của chúng khi làm việc.
 

6. Cài driver dành cho SSD của nhà sản xuất

Người sử dụng nên cài đặt driver của nhà sản xuất dành riêng cho ổ SSD của mình để có thể tận dụng được tối đa tốc độ của SSD đó, lưu ý phải cài đúng driver cho loại SSD đang dùng và đúng với hệ điều hành mà driver đòi hỏi. Trường hợp không có driver của nhà sản xuất, hệ điều hành sẽ dùng driver mặc định và tự động cập nhật chúng cho bạn.

Sáu cách sử dụng hiệu quả ổ đĩa SSD - 3

 

Bài viết khác