Cách phát hiện có người đang câu trộm WiFi
Khi mạng WiFi bị câu trộm, tốc độ truy cập web của bạn sẽ chậm và tệ hơn, thông tin từ máy tính của bạn bị đánh cắp hoặc lây nhiễm virus vào máy tính. Nhưng không có gì phải lo lắng. Bài viết "Cách phát hiện có người đang câu trộm WiFi" của HowStuffWorks dưới đây sẽ trang bị "đạn dược" để bạn chống lại nạn trộm cắp WiFi.
Hãy bắt đầu bằng việc tìm hiểu mạng WiFi của bạn để bạn có thể tự kiểm soát kết nối Internet mà bạn phải chi trả.
Hiểu rõ mạng Wi-Fi
Để nhận biết xem liệu mạng Wi-Fi nhà bạn có đang bị câu trộm hay không, thì trước hết, bạn cần phải hiểu rõ một số thuật ngữ cơ bản về mạng máy tính.
Bằng việc xem xét một vài bộ phận của mạng không dây, bạn sẽ có cơ sở để xác định xem liệu tín hiệu Wi-Fi của mình có bị sụt giảm một cách bất ngờ không.
Mạng không dây bao gồm một kết nối Internet băng thông rộng sử dụng một modem DSL, modem cáp hay modem vệ tinh. Kết nối modem vào router không dây phát tán tín hiệu để tạo ra một mạng lưới.
Hệ thống mạng này được gọi là mạng máy tính cục bộ (LAN). Mạng LAN là nơi bạn cài đặt các thiết bị ngoại vi của máy tính như màn hình, laptop hay máy in. Sau khi cài đặt, router sẽ có một bảng Giao thức cấu hình host động (DHCP). Về bản chất, bảng Giao thức cấu hình host động này sẽ liệt kê các thiết bị máy tính được phép hoạt động trên mạng.
Mỗi thiết bị sẽ có một địa chỉ Kiểm soát truy cập đa phương tiện (MAC) riêng, được chỉ định và gán sẵn bởi nhà sản xuất. Tuy nhiên, người dùng cũng có thể thay đổi địa chỉ MAC này. Các địa chỉ MAC sẽ được router sử dụng để ấn định một giao thức liên mạng (Internet Protocol) hay còn gọi là địa chỉ IP cho từng thiết bị hoạt động trên mạng. Địa chỉ MAC và địa chỉ IP của thiết bị sẽ giúp ích cho bạn trong việc phát hiện xem liệu có ai đang dùng chùa Wi-Fi của bạn không.
Đừng nản lòng trước những thuật ngữ máy tính này. Điều quan trọng là bạn biết cần phải xem xét những gì trong khi kiểm tra kết nối Wi-Fi của mình.
Phát hiện việc sử dụng mạng không dây trái phép
Tốc độ mạng không dây của bạn có bị chậm không? Bạn có thấy tốc độ truy cập Internet của mình liên tục bị chậm mà không tìm ra lý do? Có lẽ có lần bạn phát hiện ra kẻ dùng chùa Wi-Fi của mình và trước đó thì không hề biết về việc này.
Nếu như bạn thường xuyên gặp phải những điều trên thì vấn đề nằm ở kết nối không dây của bạn. Nhưng nếu đột nhiên bạn gặp vấn đề với hiệu suất Internet của mình, đặc biệt là tại cùng một thời điểm mỗi ngày, thì đó là dấu hiệu báo cho bạn biết có người đang dùng chùa Wi-Fi của bạn và đã đến lúc bạn cần phải kiểm tra mạng Wi-Fi của mình.
Điều đầu tiên và cũng là đơn giản nhất mà bạn có thể làm đó là kiểm tra kết nối mạng không dây xem liệu nó có an toàn hay không. Khi cài đặt router, bạn sẽ được lựa chọn việc cài đặt một giao thức mã hóa mạng không dây (WEP). Về cơ bản, đây là một phương pháp bảo vệ bằng mật khẩu, cho phép bạn đăng nhập vào mạng không dây. Nếu như không có khóa WEP thì mạng của bạn là một mạng mở. Điều đó có nghĩa bất cứ ai trong phạm vi phủ sóng Wi-Fi đều có thể sử dụng miễn phí mạng không dây của bạn. Trong bất kì trường hợp nào, nếu như bạn không sử dụng khóa WEP, thì bạn sẽ bị dùng chùa Wi-Fi và chắc chắn không phát hiện được kẻ câu trộm.
Ngay cả khi bạn sử dụng khóa WEP, thì điều đó không có nghĩa là bạn sẽ tránh được việc bị câu trộm Wi-Fi. Bạn có thể kiểm tra bản ghi truy cập mạng không dây để xác định xem liệu Wi-Fi nhà mình có đang bị câu trộm không. Các bước chính xác thay đổi tùy thuộc vào hệ điều hành máy tính của bạn. Nhưng nhìn chung, nếu như bạn kiểm tra mạng và thấy có nhiều thiết bị được kết nối hơn số thiết bị bạn cho phép, thì mạng của bạn đang bị câu trộm.
Một phương pháp tương tự giúp bạn xác định trạng thái danh sách người dùng Wi-Fi là kiểm tra bảng Giao thức cấu hình động (DHCP) của router. Bảng DHCP này sẽ liệt kê các thiết bị hoạt động trên mạng của bạn. Nếu như số lượng truy cập vượt quá con số mà bạn đã cài đặt, thì có người đang dùng trộm Wi-Fi của bạn.
Chẳng ai muốn mạng Wi-Fi nhà mình bị câu trộm cả. Hơn nữa, bạn cũng không muốn có người truy cập các thông tin trái phép từ mạng của mình. Đó là lí do vì sao bạn cần phải tự mình xem xét các vấn đề này. Dưới đây là các cách giúp bạn bảo vệ kết nối mạng không dây cũng như ngăn chặn việc bị câu trộm Wi-Fi.
Cách ngăn chặn
Khóa WEP là một điều không thể thiếu đối với bất kì mạng không dây nào. Tuy nhiên, ngay cả khi sử dụng khóa WEP, những người có hiểu biết về mạng không dây vẫn có thể câu trộm Wi-Fi nhà bạn. Trong trường hợp này, bạn có thể sử dụng thêm một giao thức bảo mật khác, ví dụ như Bảo vệ truy cập Wi-Fi (WAP). Giao thức này giúp tăng tính bảo mật cho router; tuy nhiên mạng nhà bạn vẫn có thể bị hack bởi một tên trộm có đầy quyết tâm.
Bạn cũng có thể sử dụng cài đặt DHCP thủ công. Với cách này, đơn giản bạn chỉ cần cài đặt DHCP của router về chế độ thiết lập bằng tay và gán địa chỉ vật lý cho mỗi máy tính trong mạng nhà bạn. Cách này giúp hạn chế truy cập vào mạng nhà bạn, và chỉ những thiết bị được router xác nhận mới có thể truy cập mạng.
Nếu như cài đặt DHCP bằng tay quá khó đối với bạn, bạn có thể tạo ra một danh sách truy cập bằng địa chỉ MAC. Danh sách này thường được thiết lập lập thông qua giao diện trình duyệt của router. Tuy nhiên, danh sách địa chỉ MAC cũng có thể bị qua mặt bởi những kẻ trộm Wi-Fi chuyên nghiệp. Nhưng khi sử dụng kết hợp các phương pháp bảo mật khác, thì có lẽ phương pháp địa chỉ MAC này là đủ đối với một mạng gia đình.
Phần mềm giám sát Internet cũng là một lựa chọn tốt. Phần mềm này sẽ hướng dẫn bạn một vài phương pháp kể trên, và cũng dễ hiểu đối với những ai gặp khó khăn trong việc cài đặt các phương pháp bảo mật không dây. Thêm vào đó, phần mềm giám sát giúp bạn dễ dàng nắm được trạng thái hoạt động của mạng không dây nhà mình. Ngoài ra, router của bạn có thể được tích hợp thêm một số mềm giúp bạn quản lí mạng của mình. Vì vậy, bạn nên đọc kĩ hướng dẫn sử dụng và mục Trợ giúp để xem liệu router của mình có được tích hợp ứng dụng bảo mật nào không.
Cách cuối cùng là tắt chế độ SSID Broadcasting của router. Cách này thực sự hiệu quả bởi nó giúp ẩn đi mạng của bạn, khiến cho việc câu trộm Wi-Fi trở nên khó khăn hơn.
Theo Vnreview