Chủ Nhật, 10 Tháng Mười Hai, 2017

Hỏa tiễn liên lục địa

Hỏa tiễn liên lục địa

 Hỏa tiễn tầm thấp tomakawk. (Hình: navy.mil)

Hôm Thứ Ba, 28 Tháng Mười Một, Bắc Hàn đã phóng hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa (ICBM). Vậy lịch sử và cách hoạt động của hỏa tiễn như thế nào, nhất là vấn đề Bắc Hàn thử nghiệm hỏa tiễn khiến cho Hoa Kỳ, Nam Hàn và Nhật Bản rất lo ngại.

Tại sao Hoa Kỳ lại quan tâm tới hỏa tiễn của Bắc Hàn

Bắc Hàn hiện đã có bom nguyên tử. Có hai vấn đề, một là làm bom nguyên tử nhỏ lại để có thể đặt lên hỏa tiễn và hai là làm sao có thể bắn bom nguyên tử qua xứ Mỹ được. Vai trò chuyên chở bom nguyên tử là hỏa tiễn đạn đạo có tầm xa. Hoa Kỳ rất quan tâm đến sự phát triển về hỏa tiễn của Bắc Hàn. Vì nếu có hỏa tiễn đạn đạo tầm xa thì Bắc Hàn có thể tấn công tới các thành phố của Hoa Kỳ.

Vào Tháng Bảy vừa qua Bắc Hàn bắt đầu thử hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa (intercontinental ballistic missile, ICBM). Hỏa tiễn này đã bay lên cao tới 2,500 cây số và rơi cách nơi bắn khoảng 930 cây số. Nếu Bắc Hàn hoàn thiện loại hỏa tiễn này thì chính phủ Hoa Kỳ phải tìm biện pháp chống lại.

Mấy tháng trước Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đã bắt đầu một chương trình gọi là Ballistic Missile Defense Review. Mục đích là làm sao củng cố và tăng cường khả năng chống lại hỏa tiễn để bảo vệ nước Mỹ và đồng minh.

Lịch sử hỏa tiễn

 Hỏa tiễn thời xưa của Trung Quốc. (Hình: grc.nasa.gov)

Theo nhiều nguồn lịch sử thì Trung Quốc là quốc gia đầu tiên dùng hỏa tiễn. Theo mạng www.grc.nasa.gov, có lẽ là tình cờ mà người Hoa khám phá ra hỏa tiễn. Vào thế kỷ thứ nhất, người Hoa đã phát minh ra chất nổ. Để có pháo trong những buổi lễ họ đặt chất nổ vào ống tre và ném vào đống lửa cho nổ. Nhưng có cái không nổ mà xịt khói ra và chạy vòng quanh, đó chính là tiền thân của hỏa tiễn.

Năm 1232 được ghi nhận là năm đầu tiên hỏa tiễn được dùng trong chiến tranh. Năm đó trong một trận đánh với Mông Cổ quân Trung Quốc đã đẩy lùi quân Mông Cổ bằng những loạt mũi tên lửa bay.

Về sau Mông Cổ cũng bắt chước và chế tạo ra hỏa tiễn. Từ đó có lẽ kỹ thuật làm hỏa tiễn được truyền qua Âu Châu. Trong các thế kỷ từ 13 đến 15 có nhiều thử nghiệm về việc dùng hỏa tiễn nhưng không mấy thành công, có lẽ vì không kiểm soát được đường bay.

Đến thế kỷ thứ 17 thì ông Isaac Newton đưa ra ba định luật về sự chuyển động của mọi vật. Từ đó các nhà khoa học bên Âu Châu mới bắt đầu nghiên cứu về hỏa tiễn một cách có khoa học. Năm 1792 quân Ấn Độ dùng hỏa tiễn đánh thắng quân Anh. Sự kiện đó làm người Anh bắt đầu nghiên cứu về hỏa tiễn. Nhưng hỏa tiễn vẫn không được hiệu quả nên không được dùng nhiều.

Đầu thế kỷ thứ 20, ông Robert H. Goddard làm nhiều thí nghiệm về việc phóng hỏa tiễn. Ông là người dùng nhiên liệu lỏng cho hỏa tiễn. Hỏa tiễn đầu tiên của ông Goddard bay lên được 12.5 mét và kéo dài có 2.5 giây. Ông còn đóng góp rất nhiều vào kỹ thuật phóng hỏa tiễn. Cơ quan NASA vinh danh ông Goddard bằng cách đặt tên trung tâm chính về không gian tại tiểu bang Maryland là Goddard Space Flight Center.

Trong Thế Chiến thứ 2, ông Wernher Von Braun là người đứng đầu cơ quan nghiên cứu và phát triển hỏa tiễn V-2 cho Đức Quốc Xã. Chắc bạn cũng biết là V-2 đã gây kinh hoàng cho dân Anh ở London vì nó có sức tàn phá ghê gớm và không có gì cản được. May mắn là V-2 được chế tạo vào cuối chiến tranh nên không làm thay đổi cục diện cuộc chiến.

Sau khi Đức Quốc Xã bị bại dưới quân Đồng Minh, một số các nhà bác học bị bắt theo Nga Xô, còn số khác, trong đó có ông Von Braun, theo về Hoa Kỳ. Mặc dù là thuộc về bên bại trận và đã chế tạo vũ khí tàn phá Đồng Minh nhưng ông Von Braun và một số bác học khác không bị đi tù “học tập cải tạo” mà còn được chính phủ Hoa Kỳ trọng dụng. Ông Von Braun trở thành giám đốc của trung tâm Marshall Space Flight Center của NASA và đã giúp Hoa Kỳ trở thành hàng đầu về hỏa tiễn và không gian.

Năm 1957, thế giới sửng sốt khi Liên Bang Xô Viết phóng vệ tinh Sputnik I lên không trung. Năm sau thì Hoa Kỳ phóng được vệ tinh Explorer I. Sau đó thì kỹ thuật về hỏa tiễn càng ngày càng tiến bộ và nhiều nước đã phát triển được hệ thống hỏa tiễn để phóng vệ tinh lên không trung. Đứng đầu là Hoa Kỳ rồi tới các nước Trung Hoa, Pháp, Ấn Độ, Nga Xô, Nhật Bản, Do Thái, Iran và Bắc Hàn.

Những nước không có hỏa tiễn để phóng vệ tinh mà muốn có vệ tinh thì phải thuê những nước khác để phóng vệ tinh lên. Thí dụ như vệ tinh Vinasat-1 của Việt Nam được phóng lên vào năm 2008 bằng hỏa tiễn Arianne 5ECA của tổ chức Arianespace bên Âu Châu.

Hỏa tiễn hoạt động ra sao

 Chi tiết của một hỏa tiễn. (Hình: grc.nasa.gov)

Nguyên tắc của hỏa tiễn dựa vào định luật thứ ba của nhà khoa học Isaac Newton. Định luật đó phát biểu là: bất cứ một lực nào đều có một lực phản lại ngang sức và ngược chiều với lực đầu tiên. Hỏa tiễn đốt nhiên liệu để sinh ra một luồng hơi nóng và phun mạnh ra phía sau và hỏa tiễn sẽ được phản lực đấy ra phía trước.

Động cơ của hỏa tiễn khác với động cơ phản lực của máy bay ở chỗ động cơ hỏa tiễn không dùng không khí để đốt nhiên liệu. Hỏa tiễn phải tự mang theo dưỡng khí để đốt vì lên không gian thì không có dưỡng khí.

Có hai loại hỏa tiễn, một loại dùng nhiên liệu đặc và một loại dùng nhiên liệu lỏng.

-Nhiên liệu đặc: Đây là loại có từ khi phát sinh ra thuốc nổ, và dùng cho pháo thăng thiên hay pháo bông. Nhiên liệu đặc gồm có nhiên liệu và một chất ô-xi hóa (oxidant) trộn lẫn với nhau và ép lại thành một bánh cứng. Một khi được đốt cháy thì sẽ cháy cho đến hết, không có thể thay đổi sức đẩy được. Tuy không điều khiển được nhưng nhiên liệu đặc rất bền, không phức tạp như nhiên liệu lỏng nên hỏa tiễn nhiên liệu đặc có thể giấu kín và sẵn sàng được khai hỏa một cách nhanh chóng.

-Nhiên liệu lỏng: Loại này gồm có một chất nhiên liệu và một chất ô-xi hóa (oxidizer) ở thể lỏng. Hai chất này được hợp lại trong buồng nổ và được đốt cháy để sinh ra luồng khí nóng tuôn ra phía sau và tạo ra phản lực đẩy hỏa tiễn đi. Vì lượng nhiên liệu chảy vào buồng nổ có thể cho tăng giảm hay tắt mở nên hỏa tiễn loại này có thể điều khiển được.

Các loại hỏa tiễn

 Hỏa tiễn liên lục địa Minuteman. (Hình: af.mil)

Có hai loại hỏa tiễn, một là hỏa tiễn đạn đạo (ballistic missile), hai là hỏa tiễn tầm thấp (cruise missile).

-Hỏa tiễn đạn đạo: Loại hỏa tiễn này một khi đã dùng hết nhiên liệu thì bay tự do như viên đạn. Do đó mới có tên là hỏa tiễn đạn đạo. Một khi đã hết nhiên liệu thì hỏa tiễn loại này không thay đổi hướng đi. Đường bay thì tùy thuộc vào vận tốc và sức nặng. Sau đó hỏa tiễn sẽ bị sức hút của trái đất và rơi xuống mục tiêu.

-Hỏa tiễn tầm thấp: Loại hỏa tiễn này có sức đẩy trong suốt hành trình và có quỹ đạo thấp hơn hỏa tiễn đạn đạo rất nhiều. Loại này có thể được điều khiển một cách rất chính xác tới mục tiêu.

Hỏa tiễn trong tương lai

Nhà tỷ phú Elon Musk thành lập công ty SpaceX từ năm 2002 để phát triển kỹ thuật hỏa tiễn. Ông Musk có một viễn ảnh là con người sẽ lên Hỏa Tinh.

(Hà Dương Cự)

—————-

Nguồn tài liệu: www.grc.nasa.gov, https://howthingsfly.si.edu, http://m.esa.int

Bài viết khác

Các từ viết tắt Kitô giáo

Các từ viết tắt Kitô giáo

23/11/2024

Trong nghệ thuật cũng như trong các văn bản Kitô giáo, thường xuyên xuất hiện những từ viết tắt bí ẩn. Việc biết ý nghĩa của chúng cho phép chúng ta đi sâu hơn vào sự phong phú của đức tin. Đây là một hướng dẫn ngắn để hiểu những từ viết tắt thường...

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art