Thứ Hai, 19 Tháng Ba, 2018

Nói ‘không’ với thói quen cũ ‘thay nhớt mỗi 3,000 mile’

Nói ‘không’ với thói quen cũ ‘thay nhớt mỗi 3,000 mile’ - 1
“Phải thay nhớt sau mỗi 3,000 mile” đã trở nên lạc hậu. (Hình: Getty Images)


Ở xứ Mỹ tự do thông tin, bất cứ vấn đề gì cũng có nhiều lời khuyên khác nhau. Lời khuyên nào đều cũng có vẻ “có lý,” với hàng tá lý luận mang tính thuyết phục. Thí dụ như mới đây, câu chuyện “hạn chế súng hay không hạn chế súng” lại bùng phát trở, lại sau hàng loạt vụ nổ súng chết người. Và cũng như những lần trước, kết luận để dẫn đến hành động vẫn chưa có, bởi vì kẻ chống người bênh ai cũng lý luận rất hay, và cho là mình đúng cả.

Trở lại với chủ đề xe hơi, câu chuyện “chừng nào thay nhớt máy xe hơi?” cũng là một đề tài được bàn cãi nhiều năm nay. Câu trả lời cho vấn đề có vẻ đơn giản này là rất khác nhau, tùy theo người giải đáp thắc mắc là ai.

Cách đây đã vài năm, trang mạng chuyên đề xe hơi www.edmunds.com đã từng đưa ra lời khuyên, cảnh báo chớ có nghe lời các tiệm sửa xe mà thay nhớt sau mỗi 3,000 mile. Theo Edmunds, công nghệ kỹ thuật trong ngành hóa học cũng như động cơ đã có những tiến bộ lớn lao trong những năm gần đây. Vậy mà dân lái xe ở Mỹ lại không biết đến những điều này, mà nghe theo một lời khuyên “đã lỗi thời” là “phải thay nhớt sau mỗi 3,000 mile.” Và hậu quả là họ để phí phạm hàng trăm triệu đô la, và thải ra cả triệu gallon nhớt phế liệu gây ô nhiễm môi trường. Chỉ riêng tại California, hằng năm có tới hơn 153 triệu gallon nhớt thải ra, trong số này chỉ có 59% là được tái chế để sử dụng trở lại.

Edmunds cho biết đại đa số các nhà sản xuất xe hơi ngày nay đều đề nghị thay nhớt sau mỗi 7,500 hay 10,000 mile. Khoảng cách này có khi còn lên đến 15,000 mile đối với một số loại xe. Edmunds đổ lỗi cho ngành dịch vụ bảo trì xe hơi, mặc dù biết rất rõ về những tiến bộ công nghệ mới, nhưng vẫn đi “rao giảng phúc âm 3,000 mile” đến với mọi người, để cho họ có việc làm! Những chủ xe thì bận bịu, ít kiến thức, thường chỉ tin vào các tiệm sửa xe, cho nên vẫn ngoan ngoãn thay nhớt sớm hơn đến phân nửa thời gian cần thiết. Edmunds đã phỏng vấn rất nhiều chuyên gia về nhớt, các nhà cơ khí, chế tạo xe hơi. Có một sự thực rõ ràng: “thay nhớt sau 3,000 mile” đã lạc hậu, cần phải bỏ qua khái niệm này.

Edmunds cũng đổ lỗi cho những chủ xe, vốn xưa nay vẫn ít khi chịu khó đọc cuốn cẩm nang bảo trì (maintenance manuals) mà chiếc xe nào cũng có, cho nên không biết rằng nhà sản xuất đã căn dặn thời gian thay nhớt như thế nào là phù hợp với chiếc xe của mình. Thay vào đó, họ chỉ nhìn vào sticker mà tiệm sửa xe dán trên kính, nhắc kỳ thay nhớt kế tiếp sau 3,000 mile, và cứ thế mà làm theo! Và cũng vì thiếu kiến thức, cho nên họ nghĩ chỉ cần thay nhớt sớm như vậy, tức là đã chăm sóc cho chiếc xe mình tốt lắm rồi!

Edmunds liệt kê nhiều model xe đời 2013, các nhà sản xuất đã đề nghị thay nhớt sau mỗi 7,500 mile hay 10,000 mile dựa trên điều kiện lái xe thông thường, tức là lâu gấp đôi gấp ba con số 3,000. Những chiếc xe Jaguar yêu cầu thời gian thay nhớt lên đến 15,000 mile. Những chiếc đề nghị thời gian thay nhớt sớm nhất là một số model của Kia và Hyundai, nhưng cũng dài đến 5,000 mile. Hãng Toyota đề nghị thời gian thay nhớt cho những model xe của mình là 10,000 mile, với điều kiện dùng nhớt tổng hợp (synthetic).

Công ty sản xuất nhớt tiên tiến nhất là Mobil, bảo đảm 15,000 mile cho sản phẩm nhớt Mobil 1 Extended Performance. Sở dĩ thời gian thay nhớt ngày nay lâu hơn trước đây là vì:

-Nhớt tổng hợp có thuộc tính tốt hơn so với nhớt dầu mỏ. Nó có khả năng cao trong việc bảo động cơ không bị mài mòn, chịu nhiệt tốt, đảm bảo cho việc tiết kiệm nhiên liệu, và xả ít khí thải.

-Động cơ ngày nay chế tạo chính xác, với dung sai nhỏ hơn trước đây, cho nên ít bị hao hụt nhớt.

Edmunds thì cương quyết “nói không với 3,000 mile” mạnh như vậy. Trong khi đó, công ty nổi tiếng với dịch vụ kéo xe và bảo hiểm AAA đề nghị xác định thời gian thay nhớt ra theo hai trường hợp:

Đối với những xe đời cũ, thường thay nhớt theo mileage, và theo hai thời khóa biểu bảo trì khác nhau. Một là cho xe vận hành “bình thường,” hai là cho xe vận hành theo chế độ “nặng nhọc.”

Nói ‘không’ với thói quen cũ ‘thay nhớt mỗi 3,000 mile’ - 2
Nhớt Mobil 1 Extended Performance. (Hình: Tư Mỏ Lết)


Một chiếc xe được xem là “làm việc nặng nhọc” trong những điều kiện sau:

-Thường xuyên chạy những hành trình ngắn (5 mile hoặc ít hơn).

-Chạy trong thời tiết quá nóng, quá lạnh, hay nhiều bụi.

-Thường xuyên chạy rồi ngừng, rồi chạy.

-Chở tại nặng, hoặc kéo rờ mooc.

Hãy theo cẩm nang bảo trì để chăm sóc chiếc xe cho phù hợp với điều kiện làm việc nặng.

Đối với những xe đời mới hơn, đa số đều có trang bị hệ thống theo dõi tuổi thọ của nhớt. Hệ thống này hiện nay đã quen thuộc với nhiều chủ xe, tự động xác định chừng nào cần thay nhớt. Lúc đó trên bảng điều khiển sẽ báo đèn, nhắc chủ xe đem ra tiệm thay nhớt. Những hệ thống theo dõi nhớt này thuở ban đầu cũng dựa trên thời gian và theo mileage. Nhưng càng gần sau này, kỹ thuật càng tiến bộ hơn. Hệ thống mới còn dựa trên những điều kiện vận hành cụ thể của xe mà quyết nhận ra lúc nào nhớt bắt đầu xuống cấp, giảm khả năng bảo vệ động cơ. Nếu hệ thống ghi nhận xe đang vận hành ở chế độ “nặng nhọc,” nó sẽ tự giảm khoảng thời gian phải thay nhớt ngắn đi.

Xe mới thì dựa trên đồng hồ cảnh báo mà thay nhớt. Chắc chắn sẽ chính xác hơn là thay nhớt theo mileage. Tuy nhiên có một điều cần lưu ý, đó là mỗi khi thay nhớt, nhớ nhắc người thợ phải trả đồng hồ cảnh báo lại điều kiện bình thường ban đầu. Rất nhiều thợ ở các tiệm sửa xe (không phải là dealer) quên không làm động tác này. Cho nên nhiều người lái xe mới thay nhớt xong, chỉ một thời gian ngắn lại thấy đồng hồ báo thay nhớt hiện lên. Đối với nhiều người không rành kỹ thuật thì dễ hoang mang, cho rằng đồng hồ không báo chính xác, cho nên không tin vào đồng hồ này nữa!

Tóm lại, có những thói quen đã lỗi thời cần phải thay đổi. Thời buổi ngay nay khoa học kỹ thuật tiến bộ nhanh, thông tin nhiều. Người lái xe nên cập nhật hóa thông tin về cách bảo dưỡng chiếc xe của mình để tiết kiệm tiền của, giữ cho xe chạy bền. Mà cách đơn giản nhất, là hãy chịu khó đọc trong cuốn sổ tay bảo trì, luôn đi kèm với chiếc xe của mình.

Tư Mỏ Lết

Bài viết khác