Hàn Lệ Nhân (Danlambao) - “Đối với người Á châu, Tiền không chỉ là vật chất mà còn bao hàm một kích thước tâm linh như một điềm báo của thiện nghiệp (số mạng). Trong Phật giáo Thái Lan, việc tích lũy công đức đóng một vai trò lớn lao, do đó rất quan trọng việc cúng dường cho các chùa chiền, thế cho nên, cúng dường càng nhiều càng dày, công đức càng cao; công đức càng cao càng được‘lại quả’ bằng Phước-Lộc-Thọ hay sự May mắn tương thích nào đó, chóng thì ngay trong kiếp này hoặc chầy, trong kiếp sau”.
*
Trong chuyến trở về xứ Lào vừa qua, tôi và một người bạn đèo nhau bằng mô tô chạy ra miệt Thà Đừa ven sông Mê Kông, vào viếng Xuốn (công viên) Xiêng Khuôn độc đáo, kỳ bí do tu sĩ Luống Pù Bunleua Sulilat (1932-1996) tưởng tượng, tôn tạo từ năm 1958 ở bản Xiêng Khuôn – nay gần cầu Hữu nghị (cũng là ranh giới) Lào-Thái, cách phiá Đông Nam thủ đô Vientiane chừng 25 cây số. Công viên Xiêng Khuôn theo tiếng Lào có nghĩa là Công viên tâm linh. Trước 1975, Công viên Xiêng Khuôn còn có tên Vặt Khẹc (chùa Ấn) nhưng đến nay không có tăng già vì không có chùa, với hơn 200 pho tượng bằng bê tông cốt sắt, đa dạng không sơn phết, nay đã nhuốm màu thời gian gồm Phật - Thần Thánh - Ma Quĩ - Linh vật - Thú - Người, v.v..., đủ kiểu thể dáng lẫn biểu tượng Trần gian - Niết bàn - Địa ngục giàu biểu cảm kinh dị về Thiện và Ác.
Sau 02/12/1975, công viên Xiêng Khuôn do nhà nước CHDCND Lào sở hữu, quản lý và đã được trùng tu, cải biến, chăm sóc thành cảnh quan du lịch tâm linh quang đãng, bao quanh cây xanh và hoa cỏ, kiến trúc tổng thể khá điệu nghệ.
Có 2 loại vé vào cửa viếng cảnh Công viên Xiêng Khuôn cho 1 người / ngày: Công dân Lào hoặc Tây giấy bập bẹ tiếng Lào như cá nhân tôi: 10 ngàn Kíp (1€); công dân ngoại quốc chính tông: 15 ngàn Kíp (1,50€).
Tác giả trong công viên Xiêng Khuôn, 18/11/2019.
Loanh quanh trong công viên Xiêng Khuôn hàng giờ, vừa ngắm lớp lớp tượng đài lộ thiên và cây xanh hoa cỏ, vừa hồi tưởng từng đến nơi này vài lần với “người ấy” thời ngu ngơ, bỗng dưng trong đầu tôi hiện ra rừng tượng Phật trong khuôn viên Lâu đài-chùa Thái Lan theo hệ Nam tông / Nguyên thủy (Le château pagode thaï Théravâda / Wat Thammapathip / Chùa Ánh sáng), rộng 5 ha với vô số cổ thụ trên trăm năm tuổi, thuộc xã Moissy-Cramayel, tỉnh Seine-et-Marne, nằm trong vùng hành chính Île de France, cách hướng Nam Paris chừng 50 cây số. Địa chỉ: 243 rue des Marronniers, 77550 Moissy-Cramayel. Ngày và giờ mở cửa: 7/7 * 11g - 23g.
Năm 1999, Hiệp hội Phật tử Quốc tế Thái Lan tại Pháp (Association Internationale Thaïe des Bouddhistes en France (AITBF) vay thêm ngân hàng Tín dụng Hợp tác (Crédit coopératif) 3 850 000 Francs = 586 890 € (1), đầu tư mua lại Château de Lugny (thế kỷ XIX) từ chính quyền tỉnh Seine-et-Marne và chính thức khởi công cải tạo thành Lâu đài-chùa Wat Thammapathip International từ đầu năm 2000 (theo Công báo Cộng hoà Pháp ngày 19/01/2000), sinh hoạt theo Luật hội đoàn 1901 của nước Pháp. Và, qua tài vận động tín đồ, AITBF đã hoàn trả dứt điểm trước thời hạn số nợ ngân hàng 586 890€, chỉ trong vòng 8 năm, năm 2008 (thay vì 10 năm).
Trước kia, xuân hạ nhị kỳ, tôi đã từng đến đây vài lần - thường là trong tuần, ít bá tánh thập phương nên không gian yên ả – như khách nhàn du viếng thắng cảnh du lịch tâm linh, rất yêu thích hàng trăm cây xanh cổ kính; không hề thắc mắc thiện ý Phật sự của Ban quản trị AITBF (2). Song trong kỳ vào rảo bước viếng toàn cảnh lâu đài-chùa tuyệt đẹp này nhân lễ an vị tro cốt của người anh rể, nhằm cuối hè 2019, tôi đã giật mình, kinh ngạc trước số lượng tượng đài Đức Phật A Di Đà – trước nhập thẳng nguyên từng pho từ Thái Lan, nay đa phần do chính tay mấy sư truyền giáo người Thái đúc bằng khuôn sắt (cũng nhập từ Thái Lan) với sự phụ giúp tự nguyện của các tín đồ, nhờ lượng vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép… thường là do Phật tử hay cảm tình viên (sympathisants) khắp nơi hoan hỉ phát Bồ đề tâm bằng € hay $ qua bưu điện hay internet, bởi vì “đối với người Á châu, Tiền không chỉ là vật chất mà còn bao hàm một kích thước tâm linh như một điềm báo của thiện nghiệp (số mạng)” (4); “trong Phật giáo Thái Lan, việc tích lũy công đức đóng một vai trò lớn lao, do đó rất quan trọng việc cúng dường cho chùa chiền" (3). Còn diễn nôm theo lời các tăng ni – Tiểu lẫn Đại thừa - thường xuyên thuyết giảng cho đại chúng con nhang chân chất (trong đó có bản thân tôi), đại ý “cúng dường càng nhiều càng dày, công đức càng cao; công đức càng cao càng được ‘lại quả’ bằng Phước-Lộc-Thọ hay sự May mắn tương thích nào đó, chóng thì ngay trong kiếp này hoặc chầy, trong kiếp sau!
Toàn bộ tượng Phật trong công viên Wat Thammapathip được sơn phết màu vàng 24 ca-ra hay màu trắng, khéo léo dàn rải khắp khu đất rộng 5 ha. Vào thời điểm hè 2019, tôi ước tính đã có trên dưới 400 tượng đài Đức Phật (có vài bức theo phong cách Tàu như Quán Âm, Di Lặc, Đường Tăng do tín hữu gốc Tàu miệt Paris 13 mang đến cúng hiến), to nhỏ đủ cở và tôi cũng biết luôn rằng mỗi tượng đài Đức Phật an toạ nơi đây đều có giá thương mại vài ngàn € trở lên, khi Phật tử thuần thành nào muốn “thỉnh” 1 pho hầu an vị tro cốt thân nhân vào phiá sau bệ hình hoa sen đở tượng đài, đặt trong ô trống cỡ 40 x 50 cm, có cửa sổ gắn ổ khoá hẳn hoi. Một pho tượng đài Đức Phật bằng xi măng trong… siêu thị này cao khoảng 1,5-2m có giá từ 2500-3000€ (4); cao trên dưới 3-4m có giá 7000-8000€, theo thời giá hè 2019.
Hình 3 & 4: Wat Thammapathip và rừng tượng Phật lộ thiên.
“Thỉnh” tượng Phật lộ thiên ở siêu thị này chỉ là bước đầu. Muốn làm thêm mái che mưa che nắng cho tượng Đức Phật của riêng gia đình mình, có giá của mái che: tuềnh toàng dựng chủ yếu bằng gỗ Lambris + mái tôn lượn sóng giả ngói + sơn phết màu huyết dụ cũng phải chi thêm ít nhất 1500-2000€. An vị tro cốt thân nhân dưới tượng Phật của mình lại là chuyện khác nữa, là phải có một buổi lễ gồm kinh kệ bằng tiếng Phạn (Pali-Sanskrit) do 1-2 sư truyền giáo ở đây đảm trách chừng 30 phút – giá cả tụng niệm nghe nói to là tùy hỉ nhưng nghe nói nhỏ thì được thủ thỉ từ 300€ trở lên, cọng thêm nghi thức Tắc bạt (cúng thực phẩm) cho sư và sau cùng là màn ăn uống giữa tang quyến và khách mời theo thực đơn mặn ngọt tùy chọn, đổ đồng mỗi đầu người là 20-25€… thôi.
Hôm tôi tham dự lễ an vị bình tro cốt của người anh rể, thể theo di nguyện người quá cố, đặt vào chung nơi đã có bình tro cốt vợ anh ấy – chị tôi, qua đời từ năm 2013, chẳng may trùng ngày trùng giờ với lễ an vị tro cốt của một tang gia khác, cho nên thiện nam tín nữ rất đông. Nhìn cảnh 2 sư truyền giáo trong đó con thoi ê a giữa hai tang lễ, xem ra tíu tít còn hơn ca sĩ chạy sô!
Ngoài dịch vụ phụ như coi bói, xem chỉ tay, dạy Thiền định và nhất là xăm hình hộ mạng (Tatouage magique) với giá 100€ (1), hiện nay Wat Thammapathip còn mở thêm không gian ẩm thực đúng chuẩn Resto bình dân bên Pháp, nằm ngay sau lưng Lâu đài-chùa, có thực đơn gồm trên 10 món mặn ngọt, trình bày bằng hình ảnh offset Pantone kèm song ngữ Thái-Pháp. Món mặn: 7€, món ngọt: 5€, giải khát tính riêng, tất cả bá tánh thường chi trả bằng tiền mặt, ấy vì hầu như máy thẻ tín dụng thường xuyên “trở chứng” (en panne). Tôi chưa nắm được nghĩa vụ đóng thuế của Wat Thammapathip, một phần vì chưa đủ hứng thú truy cứu, một phần – xin nhắc lại, Wat Thammapathip sinh hoạt theo quy chế pháp lý 1901 của nước Pháp tức Hiệp hội không có mục đích vụ lợi (về tài chánh) / Association loi de 1901 à but non lucratif. Vả lại, theo văn bản chính thức phổ biến trên Facebook, mục đích AITBF đầu tư mua lâu đài Lugny, cải tiến thành Wat Thammapathip, trước sau như một, chỉ “để truyền bá và duy trì văn hoá Phật giáo, phục vụ như cột mốc cho tất cả Phật giáo đồ bất kể chủng tộc, ngôn ngữ và nguồn gốc và vì hạnh phúc của mọi dân tộc trên thế giới” (5), nghĩa là siêu thị tượng Phật trong Wat Thammapathip không hề có ý buôn bán đức tin hay khéo léo lợi dụng Đức Phật để kinh tài!
Cũng giống như tuyệt đại đa số chùa hay villa-chùa trên đất Pháp nói riêng, việc trùng tu cải biến Lâu đài Lugny thành Lâu đài-chùa Wat Thammapathip (từ năm 2000), theo tôi, vì lý do “kỹ thuật vận động” e khó có ngày hoàn toàn hoàn tất, chẳng là khánh thành việc hoàn tất công trình trùng tu cải biến ngày nào thì Mô Phật, hết lý do chính đáng để tiếp tục vận động vật liệu xây dựng ngày nấy, dẫn đến hiệu ứng tất yếu là khâu “tích lũy công đức bằng € hay $” sẽ vơi, sẽ mỏng ngay!
Đây đó trong khuôn viên Wat Thammapathip, có treo những danh ngôn của Thượng sư Phramaha Kreangkrai Theerarangsiko bằng song ngữ Thái-Pháp, đơn cử:
“Đừng hủy hoại Hiện tại bằng Quá khứ, đừng hủy hoại Tương lai bằng Hiện tại”; “Hãy quên đi Quá khứ, hãy tự xây dựng Tương lai bằng niềm Hy vọng và lòng Can đảm” / “Ne pas détruire le pré́sent avec le passé, ne pas détruire le futur avec le pré́sent”; “Oublier le passé́, construire le futur par soi-même avec espoir et courage”.
Đối chiếu qua mục sở thị nhưng không nêu quan điểm cá nhân giữa hai công viên tượng Phật ở hai xứ sở cách nhau nửa vòng trái đất, tôi đặt tựa bài là Công viên tượng Phật - Siêu thị tượng Phật: có gì bất cập không?
Chú thích:
(1) Nguồn 1, báo La Croix:
(2) L’histoire du Wat Thammapathip, 28/03/2019:
(3) Nguyên văn: “Dans le bouddhisme thaï, l’accumulation des mérites joue un grand rôle, d’où l’importance des offrandes dans les temples” (Olivier Wang-Genh, vice-président de l’Union bouddhiste de France).
(4) “Ces bouddhas thaïlandais, reconnaissables à leur chignon pointu, sont achetés 2888 € – le chiffre “8” étant considéré comme porte-bonheur en Asie, par des familles bouddhistes, comme le prouvent les pancartes nominatives au pied de chaque statue. Pour les Asiatiques, l’argent n’est pas que matériel mais a aussi une dimension spirituelle, en tant que présage d’un bon karma (destin)” ( Olivier Wang-Genh, vice-président de l’Union bouddhiste de France).
Tạm dịch: “Những pho tượng Phật kiểu Thái Lan với búi tóc nhọn [trên đầu] này được các gia đình Phật tử mua với giá 2888€ – ở Á châu, số 8 là con số mang lại may mắn, bằng chứng là bên dưới bệ đở mỗi pho tượng đều có tấm biển ghi rõ danh tính người mua. Đối với người Á châu, Tiền không chỉ là vật chất mà còn bao hàm một kích thước tâm linh như một điềm báo của thiện nghiệp (số mạng)” (Olivier Wang-Genh, Phó chủ tịch Liên hiệp Phật tử tại Pháp).
(5) “La construction d’une pagode a pour but la diffusion et le maintien de la culture bouddhiste servant de repère pour tous les bouddhistes sans distinction de race, de langue et d’origine et pour le bonheur de tous les peuples du monde.” (L’histoire du Wat Thammapathip).
Mời xem thêm video Buddha parc in Vientiane, 02/10/2019:
Mời xem thêm video Wat Thammapathip in France, 30/08/2018:
Phật tử quy y nhị bảo, 02/12/2019.