Thứ Tư, 10 Tháng Ba, 2021

(1) Dẫn nhập đọc Cựu Ước

Dẫn nhập đọc Cựu Ước

(Theo Etienne Charpentier, Pour Lire l'Ancien Testament)

Nhập đề :  Vài nét chính về Thánh Kinh

I. Thánh Kinh là gì ?

            Thánh Kinh không chỉ một cuốn sách nhưng cả một tủ sách. Nếu xét bên ngoài, Thánh Kinh như một sưu tập gồm 73 cuốn sách được viết ở nhiều thời đại với nhiều tác giả khác nhau. Thời gian từ những đoạn văn xưa nhất đến bản văn mới nhất trải dài gần 10 thế kỷ.

1. Tên gọi.

            Thánh Kinh dịch từ tiếng Hy lạp "Ta Biblia" = những Cuốn Sách. Tiếng La tinh "Testamentum" = Giao ước. Tiếng Pháp = La Bible; tiếng Anh = The Bible. Tiếng Việt Thánh Kinh hay Sách Thánh. Thánh Kinh một bộ tập sách nói về giao ước giữa Thiên Chúa với dân Ít-ra-en qua ông Mô-sê và được hoàn thành trong giao ước mới với Đức Giêsu.

2. Phân Chia.

            Thánh Kinh gồm có hai phần : Cựu ước và Tân ước. Tân ước có 27 cuốn được công nhận. Cựu ước có hai ý kiến khác nhau :

            - Người Do thái, sau đó anh em Tin Lành chỉ nhận những sách viết bằng tiếng Híp-ri gồm tất cả 40 cuốn.

            - Người Công giáo thêm vào đó 6 cuốn được viết bằng tiếng Hy-lạp. Người Tin Lành gọi là "ngụy kinh" và người Công giáo gọi là "Nhị Kinh".

3. Xếp đặt và Phân loại.

            Thánh Kinh là một bộ sách nên có nhiều cách sắp xếp trong thư viện : từ cuốn dầy nhất đến cuốn mỏng nhất; xếp theo từng loại và đề tài như các sách Ngôn Sứ hay các thư thánh Phaolô; xếp theo niên kỷ sách được soạn ra.

            Các sách Tân ước trong Thánh Kinh Kitô giáo đều được xếp giống nhau. Các sách Cựu ước có hai cách xếp :

            - Thánh Kinh Do thái gồm có ba phần : Lề Luật hay TORAH gồm 5 cuốn (= Ngũ Thư hay Ngũ Kinh). Các Sách Ngôn Sứ hay NEBIIM gồm 8 cuốn chia thành hai nhóm : - Ngôn sứ tiền : Giô-suê, Thủ lãnh, Sa-mu-en, Các Vua. - Ngôn sứ hậu : I-sa-ia, Giê-rê-mia và E-dê-ki-en và 12 ngôn sứ nhỏ. Sau cùng, các Sách Khác hay KETUBIM gồm 12 cuốn : - Thánh Vịnh, Châm ngôn, Gióp.

            - Năm "cuộn sách" (Meguillot) : Diễm ca, Rút, Ai ca, Giảng Viên, Ét-te.

            - Đa-ni-en, Ét-ra, Nơ-khe-mia, Sử biên niên.

            Người Do thái lấy ba chữ đầu từ ba tiếng Tora, Nebiim và Ketubim ghép lại thành chữ TNK (đọc : TANAK), một danh từ hiện đại để chỉ Thánh Kinh.

            Hầu hết các Thánh Kinh khác đều xếp loại theo Thánh Kinh Hy-lạp mang bốn phần : Ngũ Thư, Các Sách Ngôn Sứ, các Sách khác (sách Khôn Ngoan...) và các sách Đệ nhị Kinh.

4. Ngôn ngữ.

            Tàn bộ Cựu ước viết bằng tiếng Hípri, trừ một số đoạn bằng tiếng A-ram. Cả hai thứ ngôn ngữ(cũng như tiếng Ả-rập) chỉ viết bằng phụ âm (consonne), độc giả phải thêm nguyên âm (voyelle) theo nghĩa họ hiểu. Ở thế kỷ thứ 7, các học giả Do thái biệt hiệu "Massorètes" lập ra nguyên âm bằng những dấu gạch và dấu chấm ở trên và ở dưới phụ âm. Vì vậy có bản Thánh Kinh Massorètes.

            Cựu ước được dịch ra tiếng Hy-lạp ở thế kỷ thứ 3 trước công nguyên tại thành A-le-xan-drie bên Ai cập. Theo tục truyền, có 70 chuyên viên làm việc riêng rẽ và liên tục 70 ngày đã đi đến một bản dịch hoàn toàn giống nhau. Ý nghĩa tục truyền nói lên ý nghĩa Thần Linh hướng dẫn ! Cũng vì thế bản Thánh Kinh còn gọi bản Bảy Mươi viết tắt LXX. Ngoài ra cũng có những bản dịch Hy-lạp khác như bản Aquila, bản Symmaque và bản Théodotion.

            Toàn bộ Tân ước được viết bằng tiếng Hy-lạp phổ thông KOINE thời đó. Các học giả nghiên cứu và dịch Cựu ước từ nguyên bản Híp-ri và Tân ước từ nguyên bản Hy-lạp.

Ba bản dịch cổ kính khác rất thời danh là bản Syriaque, Copte và La tinh. Bản tiếng La tinh còn được gọi Vulgate (= Phổ Thông) là công trình của thánh Jérôme dịch vào cuối thế kỷ thứ 4 công nguyên.

5. Chương và câu.

            Chia Thánh Kinh ra từng đoạn, từng câu một là việc làm của hậu sinh. Toàn bộ Cựu ước hay Tân ước đều được viết một hơi một mạch không có Chương, không có Đoạn. Ý nghĩa chia mỗi cuốn sách ra từng Chương và từng Đoạn là đến từ công trình của ông Etienne Langton năm 1226. Rồi đến năm 1551, ông Robert Estienne làm nghề phát hành sách, trên chuyến xe từ thành Lyon về Paris đã chia mỗi Chương ra từng Câu và ghi số hẳn hoi.

            Việc chia các sách ra từng Chương, từng Câu là một ý tốt đẹp nếu như nó hợp với ý nghĩa. Ở đây nhiều khi cách phân chia không hợp tình hợp lý nên cũng đáng tiếc. Tuy nhiên việc chia cắt được toàn thể các bản dịch thừa nhận vì rất thiết dụng cho việc trưng dẫn. Ví dụ, viết Xuất hành 14,17 tức là muốn chỉ sách Xuất hành chương 14 câu 17.

(xem tiếp : Một dâ tộc đọc lại đời sống của mình)

 

 

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art