Thứ Tư, 22 Tháng Tám, 2012

Giải phóng Vientiane

Giải phóng Vientiane

Vào một ngày cuối thứ bẩy cuối tháng năm 1974, từ ba giờ sáng, một nhóm thanh niên Lào xung phong đi hát và gõ thùng sắt tây khắp ngõ hẻm xóm tôi để kêu “nhân dân” thức dậy đi biểu tình đòi giải phóng Vientiane. Theo đài phát thanh hôm trước thì hôm nay có lệnh giới nghiêm 24/ 24 cấm không ai được ra ngoài người trừ những người tham dự biểu tình. Theo dự tính, những đoàn biểu tình sẽ đi bộ hoặc được vận chuyển từ những Tessèng (khu) của họ tới họp mặt tại đại lộ Lane Xang, rồi sẽ cùng nhau đi bộ lên That Luang để họp mít tinh. Người tham dự phải đem theo bữa ăn trưa và yêu cầu ai có trống hay chập chà nên đem theo để giúp vui. Từ chiều hôm qua, “Người Anh Em” từ khắp tỉnh Vientiane, Vang – Vieng, Xiengkhouang, Luang Prabang đã chia người đi đến từng nhà biên tên những người tham dự và dõi cho bằng được là mỗi nhà phải có ít nhất một người đi dự. Tôi cũng có tên trong danh sách này nên sáng nay phải thức dậy sửa soạn đi đến chùa Phyavat, tức địa điểm tập họp của những ai ở Tassèng Phyavat. Tôi đến chùa vào lúc 4 giờ sáng, mang theo một đòn bánh tét và một bình nước cho bữa ăn trưa. Trời đang tờ mờ tối, người đến đây để đi tham dự khá đông. Ban tổ chức chia họ thành một nhóm Nam và một nhóm Nữ. Ban tổ chức Phyavat gồm có hai ‘người anh em’ và một thanh niên Lào gốc Việt ‘thờ cụ’ từ Paksé tới. Hai người kia lo về vấn đề an ninh, còn anh người Lào gốc Việt mà bọn tôi (nhóm Nam) kêu là “Ai Nhay” (đại ca) lo về vấn đề hô khẩu hiệu cho bọn tôi hô theo.

Sau khi điểm danh của những người tham dự xong, một ‘người anh em’ dạy nhóm nữ bài ca yêu nước, phần ‘ai nhay’ dạy cho chúng tôi vài khẩu hiệu. ‘Ai nhay’ bề ngoài coi có vẻ hoạt động đắc lực lắm, nhưng tiếng Lào hơi dài dòng nên thỉnh thoảng anh cứ lẫn lộn mà hô “đả đảo chế độ mới” thay vì “đả đảo chế độ cũ “làm bọn tôi cười ầm lên tán thưởng. Vào 4 giờ rưỡi, chúng tôi xếp thành hàng ba, và đoàn biểu tình bắt đầu rời cổng chùa và quẹo phải để ra tới con đường bờ sông (quai Fa – Ngum) và nhằm hướng nhà vua đi tới. nhóm nữ đi đầu vừa hát vừa giơ cao biểu ngữ “Hoan hô chế độ mới” làm bằng hai cây nứa và một vải trắng; bọn tôi đi sau với biểu ngữ “đả đảo chế độ cũ” và phải dơ đấm giơ đá hô “đả đảo” “hoan hô” om sòm. Đoàn người rời đường bờ sông, quành vô đường nhà thương Mahosot rồi quẹo trái khi tới đường Setthathirath để đến đại lộ Lane Xang. Một ‘người anh em’ đeo súng AK đi cạnh bọn tôi và một anh khác đi trước làm cho tôi càng có cảm tưởng như đang bị dí súng bắt buộc phải làm những điều gì mà họ muốn. Tuy nhiên anh Đảm, người bạn Lào vạn vỡ và đen xì mà tôi mới quen, không nghĩ như thế. Anh ta cho chúng tôi biết rằng anh ta đếch sợ ‘người anh em’ vì họ đang lấy lòng dân nên chưa dám bắt bớ, giết chóc ai ngay bây giờ, anh ta sẽ tìm cách chọc ‘người anh em’ cho tôi thấy nếu tôi không tin là anh nói thật. Trên đường Setthathirath, vài chục anh sinh viên khuynh tả trường luật IRDA đứng ngòai cổng vỗ tay ủng hộ khi thấy bọn tôi đi qua. Anh Đảm nổi hứng nghịch ngợm giơ đấm vừa cười vừa hô to “Đả đảo IRDA và những luật cũ rích của nó”, tụi tôi vui miệng nên cũng ủng hộ theo “đả đảo” làm mấy anh sinh viên khuynh tả nọ đứng ngẩn người.

        Đường Lane Xang hôm nay đông người và náo nhiệt lạ thường. Từng đoàn người từ khắp những đường kế cận đổ vào. Tiếng trống, tiếng chập chả trộn lẫn với tiếng hát, tiếng hô làm thành không khí của ngày hội chợ. Bóng dáng người lính cảnh sát của chính quyền cũ thường đứng cạnh ở những góc đường không còn nữa. Họ và những tướng sĩ, viên chức này nọ đã bị cho lên Viengsay để vào cải tạo tư tưởng. Vientiane đã thực sự bị giải phóng từ lúc đó.

        Nhóm Phyavat được phép ngồi bệt xuống đường cái, quay mặt vô Đài Chiến Sĩ để đợi những Tassèng khác tới cho đông đủ. Nhiều nhóm khác đã tới trước và đến được xếp ngồi bên lề đường phía Thư Viện Quốc Gia. Ngoài những nhóm biểu tình Lào hát vè vỗ trống quen thuộc diễn hành qua mặt bọn tôi, còn có những nhóm ngoại kiều như nhóm Khouadine với những cô gái Việt Nam Dân Chủ trong bộ đồng phục quần sa tanh đen, áo bà ba trắng; hay nhóm Ân Kiều ‘nam phụ’ với những anh chà đen thui nhe hàm trắng nhờn cười thật truyền cảm. Thừa cơ người anh em canh chừng bọn tôi có việc phải đi chỗ khác, anh Đảm được nước thêm lộng hành. Gặp đoàn nào đi qua anh cũng tìm cách chọc quê cho bọn tôi cười chơi, như:

“Đả đảo Hoong Sĩ Noi (Tân Ấp)! Rau muống mà cũng đòi lên giá”

“Đả đảo ‘ca ma rát’ (Ấn Kiều)! Bán vải mắc quá.”

Đến 8 giờ, khoảng cách trên đường Lane Xang từ Đài Chiến Sĩ đến ngã tư Saylom đông nghẹt dân chúng ngồi đợi lệnh khởi hành. Gần chỗ tôi ngồi, có vài người đàn bà Lào nhịn tiểu không được phải rủ nhau chạy lúp xúp vào những bụi cây quanh Đài Chiến Sĩ. Và nên nhớ ‘bệnh đái đường’ là lệnh truyền nhiễm hay lây, nên lần lần có nhiều người chạy vô hơn nhưng cũng từ từ bớt đi khi bà con ngồi chung quanh bắt đầu hùa nhau ‘Đả đảo’ ầm lên. Một người bạn Việt giả vờ ngây thơ, vỗ vai tôi hỏi rằng họ chạy vào bụi làm gì vậy. Tôi đáp rằng họ đang ‘Phóng Giải’ Đài Chiến Sĩ đấy.

        Chín giờ sáng, lệnh khởi hành được ban ra, cả vạn người chen nhau bước từng bước nhỏ trên con đường dẫn tới That Luang. Tiếng ồn ào đã bớt hẳn, ai nấy đều lo cúi đầu nhìn từng bước đi của mình: sợ đạp ổ gà, vũng nước mưa… trước ngõ Câu Lạc Bộ Việt Nam Giải Phóng, vài đồng chí của tòa đại sứ hà nội nhìn đoàn người đi qua mà lắc đầu thất vọng. Trước mặt họ phải là đoàn người biểu tình giận dữ hay cương quyêt như Bắc Việt thường có, mà là một đoàn người ‘bô pên nhẳng’ cười cười nói nói, cầm theo những biểu ngữ nghiêng ngả vì không còn ai để ý đến cả. Những màn ‘Giải Phóng’ vẫn tiếp diễn dọc theo đường đi. Có lần cả chục người chạy ùa xuống mấy thửa ruộng bỏ hoang để giành những bụi cây. Vài người đàn ông cả gan đứng gần đoàn người đi mà làm bổn phận công nhân ‘Phóng Giải’ bị đả đảo đã thẹn thùng đến đỏ mặt tía tai.

Khoảng 250.000 người chiếm hết những chỗ trống chung quanh That Luang. Sân khấu diễn văn được dựng lên đối diện với sân banh về phía Đông Bắc. Vì âm thanh rất kém nên phần nhiều những người đứng xa sân khấu đều chẳng có nghe được gì cả. Họ đứng tụm ba tụm bảy lại nói chuyện vu vơ, hoặc ngồi xuống đất lấy cơm trưa ra ăn. Nếu họ nghe phía sân khấu có tiếng vỗ tay, thì họ cũng vỗ tay theo cho có lệ. Một lát sau, những đám mây từ ban sáng bắt đầu tản mác. Nắng gắt làm thêm một cực hình mới cho người tham dự. Cuộc mít tinh dự tính sẽ kéo dài đến chiều tối, nhưng 12 giờ trưa trở đi đã có hàng ngàn người (trong đó có Tassèng Phiavat) lúc dúc kéo nhau ra về…

        Họ đã Giải Phóng Vientiane? Hay chính họ đã ‘Phóng Giải’ cho Bác?

Lê Trọng Khiêm

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art