Thứ Hai, 25 Tháng Sáu, 2012

Hồi Ký: Những Chuỗi Ngày Trên Đường Đi Tị Nạn CS Năm 1975

Hồi Ký: Những Chuỗi Ngày Trên Đường Đi Tị Nạn CS Năm 1975

 Sau khi cộng sản Bắc Việt dùng bạo lực cưỡng chiếm nuốt trọn Miền Nam Việt Nam vào lúc 9 giờ sáng ngày 30/4/1975, thì tại Vientiane thiên hạ đổ xô nhau vượt sông Mékong qua bên kia biên giới Thái Lan tị nạn. Tại bến tàu Thanalèng, cách thủ đô Vientiane 22 cây số về phía Nam, hai cái phà chạy qua lại chở xe và người qua phía Bắc Nongkhai, Thái Lan rất tự nhiên không hề bị Ại Noọng (CS Pathet Lào) làm khó dễ. Tôi nao nức muốn đem gia đình đi tị nạn, nhưng kẹt quá vì con trai 2 tuổi vừa mới xuất viện hôm 26/4/1975 còn quá yếu, bác sỹ Nhommala Bouasakao, người chữa bệnh cho con tôi tại bệnh viện Mahosot, dặn phải đem cháu đến văn phòng riêng của ổng một tuần hai lần. Tôi hỏi bác sỹ trong trường hợp tôi đem gia đình đi tị nạn, liệu sức khỏe của con tôi có bị trở ngại gì không. Bác sỹ trả lời là không đi đâu hết trong lúc này. Tôi đành ngậm ngùi ở lại. Trong khi đó, nhìn trước nhìn sau thì hầu như đa số các bạn bè đều đã đi cả rồi…

 Một hôm bác sỹ tâm sự với vợ chồng tôi là phu nhân và 2 đứa con của ông sẽ hồi hương về Pháp. Ổng muốn bà xã tôi làm vài món ăn Việt đãi ông bả trước khi ba mẹ con bả về Pháp. Vợ tôi làm chả giò, bò kho bánh mì và một nồi chè đậu xanh đem xuống tư gia của ông bà gần khu giải trí 555 ở Chinaimô. Trong lúc ăn uống vui vẻ, tôi liền thủ thỉ với bả là khi về đến Pháp, xin bà giúp làm giấy tờ bảo lãnh cho gia đình tôi qua Pháp tị nạn với nhá. Không đắn đo suy nghĩ, bả gật đầu ngay.

 Tôi vẫn đưa con tôi đến văn phòng riêng của bác sỹ để tái khám như thường lệ. Hai tuần sau khi vợ con của bác sỹ về Pháp, Bác sỹ Nhommala cho tôi biết là đã nhận được giấy tờ bảo lãnh do ông anh của phu nhân bác sỹ đứng tên. Tôi mừng quá. Nhưng bác sỹ sợ tôi bỏ đi tị nạn ngay nên ổng không chịu đưa giấy tờ đó cho tôi.

 Vào đầu tháng Tám, chiều ngày thứ Ba tôi đem con tôi đến văn phòng bác sỹ, cô y-tá bảo rằng hôm nay bác sỹ bận mổ bệnh nhân tại bệnh viện nên không đến văn phòng được, và hẹn tôi trở lại ngày hôm sau. Chiều hôm sau tôi lại đem con tôi đến nữa. Lần này cô y-tá cũng nói với tôi như ngày hôm trước. Chiều thứ Năm tôi lại đưa con tới văn phòng thêm lần nữa. Lần này cô y-tá cũng lắc đầu, nhưng cô lại trao cho tôi một phong thư và bảo với tôi là bác sỹ dặn đưa cho tôi. Tôi nghi là bác sỹ cũng đã chuồn êm rồi.

 Về đến nhà tôi mở phong bì ra xem thì thấy có một tờ giấy bảo lãnh, một toa thuốc để tôi mua thuốc cho con tôi dùng trong vòng vài tháng và một tờ giấy nhỏ ghi mấy chữ: “Hẹn gặp nhau ở Bangkok. Ký: Dr. N. Bouasakao”.

 Tôi chuẩn bị chờ ngày ra đi thì nghe tin ông bà Huỳnh Tấn Tạo và 2 đứa con đi Belgique với thông hành “Người Vô Tổ Quốc” bị chính quyền Bỉ không cho nhập cảnh và bị trao trả về Vientiane. Ông bà Huỳnh Tấn Tạo là bố mẹ đỡ đầu Hôn Phối của vợ chồng tôi. Tôi đến thăm ông bà và nhận thấy ông bà rất sợ. Tôi an ủi ông bà và tâm sự: “nếu hai bác còn muốn có ý định đi tị nạn nữa thì đi với cháu vì gia đình chúng cháu đã sẵn sàng rồi. Chỉ mất mỗi đầu người 100 đô cho người dẫn đường đưa tới nhà thờ Fatima ở Bangkok.” Ông bà Tạo tin tưởng tôi và đồng ý đi theo.

 Người đưa đường cho chúng tôi điểm hẹn gặp nhau tại nhà chị vợ tôi ở khu Bản Phải vào sáng Chúa Nhật lúc 8 giờ sáng. Thao thức suốt đêm thứ Bảy không tài nào ngủ được vì lo lắng sợ sệt trên đường đi có bị trắc trở không? Mới 5 giờ sáng đã có người gõ cửa nhà tôi. Tôi lo quá, không biết chuyện gì mà ai đây gõ cửa sớm như vậy? Chắc là bị động chăng? Mở cửa xem, thì té ra ông anh rể cả của tôi qua đánh thức tôi dậy và bảo đi biểu tình ở Chợ Sáng vào lúc 7 giờ để đòi đất khu Khouadine. Tôi cho ảnh biết là sau khi đi Lễ xong thì tôi sẽ ra đó. Anh rể tôi còn nhắc tôi thêm lần nữa là đừng quên ra đó nhá!

 Khoảng 7 giờ sáng, chúng tôi ngồi trên chiếc xe taxi đến nhà bà chị vợ, khi đi ngang qua khu Chợ Sáng, tôi thấy số người đến dự cuộc biểu tình rất đông làm tôi phải cúi đầu xuống để dấu mặt sợ người ta nhìn thấy. May lúc đó mưa bắt đầu rơi. Đến nhà bà chị vợ tôi thì mưa tầm tã.

Đúng 8 giờ sáng người đưa đường đến trong lúc mưa tầm tã với 2 chiếc xe taxi để chở gia đình ông bà Tạo, mẹ vợ, cô em vợ tôi và gia đình tôi đến 1 địa điểm ở khu That Luang. Sau đó anh tài xế taxi chở một mình tôi đi trước đến 1 nhà gần khu Chợ Sỉkhay, lúc đó tôi đang mặc 2 cái quần tây và 2 áo sơ mi. Anh tài xế bào tôi cởi áo quần ra và cho tôi mặc 1 cái quần đùi và cái áo thun. Y hỏi tôi có tiền không? Tôi hỏi lại: anh cần bao nhiêu? Y bảo: 1 ngàn kịp. Lúc đó tôi có khoảng 3,000 kip trong túi. Y mua 2 khúc mía và đưa cho tôi 1 khúc và bảo ăn đi và dặn tôi khi xuống dưới bến đò, y sẽ ra phía sau nổ máy, còn tôi đi phía trước mở giây và đẩy chiếc ghe ra khỏi bờ. Tôi làm y chang những gì hắn bảo. Lúc đó khoảng 10 giờ sáng, một anh “ại-noọng” (lính pathet Lào) cầm súng đang gác ngay đầu cầu bến đò tưởng hai đứa chúng tôi là hai thằng chở khách qua sông.

Qua đến đất Thái-Lan hắn đưa tôi đến 1 căn nhà ở phía Nam thành phố Sixiêngmày đối diện với bờ sông bên kia là Hotel Lane Xang-Vientiane và giao tôi cho một người đàn bà Thái. Đến 12 giờ trưa rồi mà còn chưa thấy vợ con qua, tôi nóng lòng sốt ruột đành nói dối bà người Thái là tôi đói bụng đi kiếm gì ăn đây. Tôi liều tản bộ lên bến đò xem, thì tình cờ ông đưa đường nhìn thấy tôi và kêu một chiếc xe “xảm lọ” (xích lô đạp 3 bánh) chở tôi về một căn nhà khác lớn hơn và hắn rầy la tôi: mày đi tị nạn cộng sản mà không sợ việt gian thân cộng ở Sixiêngmày bắt cóc và làm thịt mày sao? Quả thật, khi tôi tản bộ đi ngang qua các căn nhà dọc theo bờ sông, tôi nghe người ta mở đài Hànội oang oang. Hú hồn! (Trước đây đã có một số người Việt-kiều thân cộng sống bên Thái đã được trao trả về Miền Bắc VN. Số còn lại bị chính quyền Thái dồn họ tới miền Đông Bắc Thái sống dọc theo bờ Sông Cửu Long tại các tỉnh như: Nakhorn Phanom, Mương Càn, Thà Bò, Nongkhai, Sixiêngmày, Sakorn Nakhorn, Udon Thani, … để chính quyền Thái dễ kiểm soát sinh hoạt của họ).

Ba giờ chiều thì vợ con tôi, mẹ vợ, em gái vợ, và 3 mẹ con bà Tạo cũng qua được. Riêng ông Tạo thì nghe nói ổng run quá, nên chưa cho ổng qua được. Hai ngày trôi qua mà ông Tạo vẫn còn run rẩy, cuối cùng họ để ổng ngủ dưới thuyền suốt đêm, sáng hôm sau, đến giờ mở cửa sông thì họ chở ông Tạo qua được. Mừng quá là mừng! Trong thời gian này lại có thêm mấy đứa con gái con ông Hoàng bán tem qua nữa.

Trong mấy ngày tạm trú tại Sixiêngmày, nhìn qua bên kia Lào, thấy khách sạn Lane Xang, bên cạnh đó là Banque de l’Indochine, nơi tôi đã từng làm việc suốt 6 năm trời. Tôi quá lưu luyến và nhớ đến các anh chị em đồng nghiệp còn đang ở lại làm việc nơi đó.

Mới từ giã Lào có 5 ngày mà tôi thấy nhớ Vientiane quá chừng. Nhớ tới mẹ già mà tôi không một lời từ giã trước khi ra đi. Cũng chỉ vì sợ bà cụ làm rùm beng lên thì hỏng cả mọi việc. Đáng lẽ ra 3 gia đình anh chị em chúng tôi bao gồm 19 người cùng đi với nhau vào ngày 15/6/1975 trong đó có cả mẹ tôi và mẹ vợ anh tôi, nhưng vào phút chót thì cả hai bà cụ bỏ ý định, không chịu đi, sống chết chỉ ở Lào thôi. Sau đó tôi đến xin ông Coudert, phó giám đốc Banque de l’Indochine để được trở lại làm việc như thường lệ. Ổng cũng tốt bụng và cho tôi tiếp tục làm việc cho đến khi nào tôi đi cũng không sao.

Khoảng 7 giờ tối thứ Năm, một chiếc xe chở gỗ đậu ngay trước căn nhà chúng tôi đang tạm trú, người đưa đường kêu 5 đứa trong số 12 người chúng tôi: hai người em của Cảnh (con ông Hoàng bán tem), 2 chị em con ông bà Tạo và tôi. Họ dặn: 1 cô lớn tuổi và 1 em nhỏ tuổi ngồi băng trước, riêng tôi và 2 đứa kia sẽ chui xuống nằm giữa đống gỗ phía sau. Tôi vừa trèo lên phía sau thì nghe ông đưa đường bảo: nhanh lên, cảnh sát biên phòng đến kìa, im lặng và đừng cử động! Tôi nghe giọng nói bằng tiếng Thái:

- Người này là ai?

- Vợ tôi. Ông đưa đường trả lời.

- Đứa kia là ai?

- Con tôi.

- Đem nhau đi đâu?

- Đi Krungthêp (Bangkok) chơi và thăm bà con.

 May quá cảnh sát biên phòng không trèo lên phía sau khám xét. Cảm tạ Chúa đã che chở chúng tôi!

Xe chạy trong đêm được một quãng xa, đường xá đang êm ru rồi trở thành ghề, nhiều ổ gà, xóc lên xóc xuống. Một lúc sau đó gặp đường êm, xe ngừng lại và nghe ông đưa đường nói lớn: “pọt phay léo” (an toàn rồi). Té ra lúc đó đã tới Udorn Thani vào khoảng nửa đêm, họ hỏi chúng tôi có đói không, xuống vào tiệm ăn cơm. Đêm khuya lạnh, chúng tôi không xuống. Tài xế và ông đưa đường xuống xe và đi ăn. Khi trở lại xe họ vất cho chúng tôi mỗi đứa một túi cơm chiên. Chặng đường gồ ghề là khi họ lái xe băng rừng để tránh trạm kiểm soát (Check Point). Xe chạy suốt đêm và đến 9 giờ sáng hôm sau mới tới Bangkok. Họ độ bộ chúng tôi trên quãng đường gần sân bay Don Muang và kêu taxi đưa chúng tôi tới nhà thờ Fatima, khu Dinh Dèng, Bangkok.

 Vì 5 đứa chúng tôi đều là độc thân, cha Gilles không nhận. Tôi bảo với cha là con có gia đình nhưng vợ con con chưa thể đi cùng, vài ngày nữa sẽ vào đến nơi. Cha bảo tôi: đến khi nào vợ con đến rồi hãy vào đây mà khai nhập trại. Chết cha tôi rồi. Bây giờ biết làm sao đây? May quá gặp ngay bác Trần Huệ cùng Xóm Khouadine biết tôi. Bác bảo tôi tạm đến ngủ và ăn chung với gia đình bác, có mắm ăn mắm, có muối ăn muối, do Cha cấp phát cho; đợi khi vợ con đến rồi vào khai sổ gia đình tị nạn, Cha sẽ cho người phân phát mùng mền và chỗ tạm trú. Tôi rất ghi ơn bác Huệ và gia đình bác!

(Lý do Cha Gilles không nhận những người độc thân là vì trước đó có những thanh niên Việt tị nạn ở trong khu nhà thờ Fatima bất trị phá phách, đánh lộn nhau, nên ngài không muốn chứa chấp thêm những người độc thân nữa).

Sau khi vợ chồng con cái, mẹ và em vợ được Cha Gilles cho tạm trú tại nhà thờ Fatima. Tôi đem gia đình đến gặp ông Directeur Banque de l’Indochine (BI) ở Bangkok (vì tôi là cựu nhân viên BI Vientiane) để nhờ ổng giới thiệu đến nhân viên Sứ Quán Pháp ở Bangkok may ra được đón tiếp dễ dãi hơn. Ông directeur nở nụ cười và hứa sẽ giúp. Và ông gọi phone vào Sứ Quán Pháp nói chuyện, sau đó ổng cho tôi biết sẽ có nhân viên SQ chờ tôi trước cổng. Mừng quá, tôi cám ơn và từ giã ông directeur. Vậy là tôi đến SQ Pháp và được đón tiếp rất là chu đáo. Sau khi được phỏng vấn và lập hồ sơ xin đi tị nạn ở Pháp, họ cho tôi biết là chịu khó tới đây thường xuyên để xem kết quả được dán trước cổng Toà Đại Sứ những ai đã được Bộ Ngoại Giao Pháp chấp thuận.

Mới vào Bangkok được vài ngày thì tôi gặp bác sỹ Nhommala Bouasakao đến nhà thờ Fatima để xem đã có tôi đến đó chưa. Ông nói với tôi là đã đến đây vài lần, nhưng không gặp tôi. Ông tâm sự là Pathet Lào gửi giấy mời đi Xămmana (cải tạo). Vậy là ông chuồn luôn và để lại giấy tờ của tôi cho cô y-tá. Bác sỹ cũng đã ở lại Bangkok đâu chừng 1 tháng sau đó mới đáp máy bay về Pháp với vợ con.

Sau 2 tuần ở nhà thờ Fatima, cha Gilles bắt gia đình tôi phải vào trại Satahịp. Tôi xin phép ngài ở lại để chờ vì tôi có giấy tờ đầy đủ đã nộp cho Toà Đại Sứ Pháp và cha Gilles đã chấp nhận. Đợi mãi suốt 5 tuần lễ chưa thấy tên, tôi đành tình nguyện xin cha Gilles để được vào trại Vayama-Satahịp. Có cha Bernard chuyên giúp đỡ người tị nạn, lui tới trại Vayama và báo cho biết tên tuổi những ai đã được chính phủ Pháp chấp nhận.

Trong thời gian 5 tuần ở Bangkok, ngoài những lúc chực chờ ở Toà Đại Sứ Pháp, tôi cũng đem vợ con đi shopping chợ trời Sanam Luang, thăm Sở Thú, viếng các chùa chiền Phật Giáo, thăm Chùa Phật-Ngọc. (Tượng Phật-Ngọc trước kia được đặt trong Chùa “Wat Phra Keo” đối diện với Bệnh Viện Mahosot ở Vientiane. Thời xưa quân đội Thái đã đánh chiếm Vientiane và cướp luôn tượng Phật Ngọc này đem về Bangkok). Một hôm, cô Kim, con gái ông bà Khuông rủ tôi đi thăm trại Vayama ở Satahịp. Một ông cảnh sát Thái có nhiệm vụ lui tới với người tị nạn ở nhà thờ Fatima và trại tị nạn Vayama muốn rủ Kim đi. Kim sợ không dám đi một mình với ổng, nên đã rủ tôi đi cùng, và ông cảnh sát Thái cũng chấp nhận cho tôi tháp tùng. Hai anh em được đi thăm trại gặp một số người quen, sau đó được ghé thăm biển Phattaya trước khi trở về Bangkok.

Mới vào trại Vayama-Satahip được vài ngày thì có phái đoàn Mỹ vào phỏng vấn. Họ ra điều kiện chỉ nhận đơn phỏng vấn những người Việt từ VN qua mà thôi. Còn những người Việt từ Lào qua phải là những người qua trước ngày 1/7/1975. Những ai qua sau ngày này sẽ không được chấp nhận. Gia đình tôi qua sông vào giữa tháng Tám, vậy thôi hết hy vọng xin đi Mỹ rồi! Ông Tạ Ngọc Khoát và tôi ngồi bàn mưu bày kế với nhau là nộp đơn và đề ngày qua sông 27/6/75. Nếu họ hỏi bằng chứng thì ông Khoát và tôi sẽ làm chứng cho nhau. Trong khi đó tôi cũng mới làm quen được với ông trưởng trại, một Đại Tá trong Quân Lực VNCH. Ổng thấy tôi hiền lành và xem tôi như em út trong gia đình. Ông bảo tôi: anh đây sẽ là thông dịch viên. Chú mày cứ nộp đơn và nếu họ có bắt phải thề thì cứ nói “nếu tôi nói dối thì cho Mỹ nó chết”, họ có hiểu tiếng Việt đâu mà sợ. Tôi được dịp may làm đơn nộp xin đi tị nạn ở Mỹ. Phái đoàn Mỹ hỏi tôi có ai là thân nhân đang ở bên Mỹ không? Tôi trả lời là có. Họ hỏi tôi giấy tờ chứng minh. Lúc đó tôi đang có 2 lá thư: 1 của anh Quý (chồng chị Thân), và 1 của Nga (vợ Huỳnh Cường). Tôi quyết định đưa lá thư của Nga Thị Nguyễn cho nhân viên phái đoàn Mỹ, vì Nga viết thư cho tôi bằng chữ Anh, trong thư Nga nhận tôi là anh ruột. Họ chỉ nhìn thấy ngoài phong thư tên người gửi và người nhận đều cùng Họ Nguyễn cùng với tem và con dấu bưu điện Mỹ. Gia đình tôi được chấp nhận một cách rất dễ dàng. (Cám ơn và nhớ đời vợ chồng Huỳnh Cường và Nguyễn Thị Nga!)…

Mừng quá vì được đi Mỹ định cư, Tính (em trai vợ tôi) và tôi trốn trại đón xe đò đi Bangkok sắm ít đồ đạc để đem đi Mỹ dùng. Mua được vài thứ cần rồi hai anh em chúng tôi cũng đến nhà thờ Fatima ngủ ké một đêm để sáng hôm sau đón xe đò về lại trại. Xe đò đổ bộ anh em tôi xuống, sau đó hai anh em chúng tôi phải đón xe lam chạy thêm vài cây số nữa mới đến trại. Cách trại còn chừng 1 cây số hai anh em tôi xuống xe, phải lội bộ qua một cái bưng ra phía sau trại rồi chui hàng rào kẽm gai mà vào trại. Vừa mới thò đầu qua khỏi hàng kẽm gai, nghe một giọng nói quát tháo bằng tiếng Thái:

 - “Pay náy ma?” (Đi đâu về?)

 Tôi ngước mặt lên thì thấy một anh cảnh sát Thái đang cầm một khẩu súng lục chỉa thẳng vào tôi. Sợ quá, tôi trả lời:

 - “Pay Tà-lạt Satahịp ma khăp.” (Đi chợ Satahip về ạ).

 Anh cảnh sát Thái quát lại:

 - “Pay Tà-lat Satahịp lứ pay Krungthêp ma?” (Đi chợ Satahịp hay đi Bangkok về?).

 Tôi trả lời:

 - “Tà-lạt Satahịp khăp.”

 Anh cảnh sát thấy tôi trả lời bằng tiếng Thái. Anh liền dịu giọng và bảo tôi là có ông xếp của ảnh đang ở trong trại, nên đi về phía đàng kia một tí mà vào kẻo ổng thấy. Tôi gật đầu: “Khỏp khun mac” (cám ơn anh nhiều). Hú hồn hú vía, trong khi đó tôi đang cầm cái túi giấy đựng hàng có ghi chữ “Thai Dammaru Mall” đương nhiên chỉ ở Bangkok mới có cái shopping mall mang tên Thai Dammaru này mà anh cảnh sát không nhìn thấy. Nếu như gặp phải anh cảnh sát khác chắc chắn hai anh em tôi đã bị lột áo, để mình trần phơi nắng cả ngày. Đó là án phạt dành cho những ai trốn trại mà đi tắm biển hay đi chợ Satahịp.

Ngày 30 tháng 10 năm 1975 hai chuyến bay cuối cùng chở người Việt tị nạn đi Mỹ. Sau đó trại Vayama đóng cửa luôn. Những người tị nạn còn sót lại trong trại này được dời đến trại Sikhiu. Một chiếc Boeing-747 chở 500 người tị nạn đến trại Indiantowngap, tiểu bang Pennsylvania, và 1 chiếc DC-10 chở 300 người đến trại Fort Chaffee, tiểu bang Arkansas, trong chuyến này có gia đình tôi 7 người. Ở trong trại này cũng được 5 tuần thì được Hội Bảo Trợ Church World Services tìm được 4 nhà thờ Tin Lành bảo lãnh gia đình tôi đến thành phố Kittanning, tiểu bang Pensylvania định cư ngày 16/12/1975.

Sau vài tháng định cư, đi làm dành dụm được một ít tiền gửi về giúp và khuyên mẹ nên đi với gia đình anh Giáp. Đến Mỹ sẽ được chính phủ cấp cho những người già tuổi từ 65 trở lên. Bà cụ phần nhớ con nhớ cháu, phần nghe lời giải thích êm ru nên đã bằng lòng ra đi. Bên Mỹ tôi đã nhờ nhà thờ Công Giáo và họ đã sẵng sàng bảo trợ cho nên gia đình anh và mẹ tôi; sau khi đã qua Thái được 2 tháng thì được đoàn tụ với gia đình tôi tại Kittanning…

Nếu gia đình tôi được đi Pháp thì mẹ vợ và 2 đứa em vợ tôi bị kẹt lại Bangkok vì chưa có ai bảo lãnh cho đi nước thứ ba cả. Tất cả mọi việc đều do Chúa xếp đặt. Mọi việc Ngài làm, con người mấy ai biết trước được!.

Tạ ơn Chúa và Mẹ Maria đã an bài cho số phận chúng con được định cự trên phần đất tự do này. Và trong suốt chặng đường đi tị nạn, chúng con không hề gặp phải một chuyện khó khăn đáng tiếc nào xẩy ra. Chỉ có một điều thay vì được đi Pháp thì ý Chúa đã sắp đặt cho gia đình chúng con đi Mỹ. Muôn đời chúng con ghi nhớ và ca ngợi Thánh Danh Ngài.

Ất Nguyễn

Tháng Tư Đen 2009

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art