Du khách nước ngoài tới Lào rất sửng sốt khi họ tận mắt chứng kiến cảnh người dân tận dụng những quả bom từ thời chiến tranh chế tạo thành nhiều vật dụng phục vụ cho cuộc sống hàng ngày.
Chiến tranh đã chấm dứt nhưng để lại nhiều dấu vết còn hiện hữu ngay trên đất Lào. Ước tính trong giai đoạn từ năm 1964 – 1973, quân đội Mỹ đã thả hơn 2 triệu tấn bom, biến Lào trở thành quốc gia bị ném bom nặng nề nhất thế giới tính trên bình quân đầu người.
Không phải trái bom nào thả xuống cũng phát nổ. Số liệu tính toán cho thấy, khoảng 30% bom không nổ, vẫn nằm im ở nhiều nơi, trở thành mối hiểm họa đe dọa cuộc sống người dân. Với những quả bom bất ngờ nổ sau chiến tranh đã gây ra nhiều thương vong.
Nhiếp ảnh gia Mark Watson có dịp tới thăm Lào. Tại đây, ông đã thực hiện chuyến chu du khắp hành trình đất nước bằng xe đạp. Mark rất ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh người dân chế biến thiết bị gây chết người này tái sử dụng theo cách rất đáng kinh ngạc.
Từ những quả bom nằm sót lại trên đất, người dân cố gắng phá chúng để lấy kim loại hay chất nổ đem bán. Với một quả bom có chất lượng tốt có thể được thu mua với giá 100 USD. Hình ảnh những vật dụng thường ngày được chế biến từ vỏ bom trên đất Lào khiến khách nước ngoài lần đầu đặt chân tới đây không tránh khỏi kinh ngạc. Người ta có thể bắt gặp chúng ở bất cứ đâu, từ chiếc xuống chế từ vỏ bom cũ, cho tới cột chống nhà, chế thành thùng đựng nước….
“Thu thập phế liệu bom là một công việc nguy hiểm chết người, nhưng một số người dân vẫn làm vì hoàn cảnh cuộc sống”, Mark Watson nói.
Ở thời điểm hiện tại, nhiều tổ chức phi chính phủ đang nỗ lực tham gia rà phá bom mìn chưa nổ từ thời chiến tranh tại Lào, song công việc này vẫn gặp nhiều khó khăn, tiến độ chậm do ngân sách còn hạn chế.
Huy Hoàng
Theo Apt/wk