Món ăn dân dã này luôn được bà con người Việt tại Lào đón nhận bởi chất lượng sản phẩm cũng như mang đậm hương vị Việt Nam.
Cộng đồng người Việt dù sinh sống ở bất kỳ đâu trên thế giới đều chịu thương chịu khó, luôn tìm cách làm ăn và mang những bí quyết về nghề truyền thống của gia đình mình để phát triển trên đất bạn. Tại Vientiane - thủ đô của nước bạn Lào, có một món ăn mà chắc hắn người Việt nào ở đây cũng biết đến và những người Việt khi đi công tác hay du lịch đến Lào đều được giới thiệu và mua về làm quà cho người thân - đó là món thịt bò khô.
Công đoạn sơ chế, loại bỏ màng, gân trên miếng thịt bò. |
Trong chuyến công tác mới đây tại Lào, chúng tôi được giới thiệu đến tìm hiểu về cơ sở sản xuất thịt bò khô Tâm An do ông Trần Quốc An và vợ là bà Phương làm chủ. Cơ sở của ông bà hoạt động tới nay đã được hơn 10 năm và sản phẩm chính là thịt bò khô được làm ra từ thịt bò chăn thả tự nhiên tại Lào kết hợp với những bí quyết chế biến mang đậm hương vị Việt.
Nói về cái duyên gắn bó với nghề này, bà Phương kể: Khoảng hơn 10 năm trước, ông bà sang thăm vợ chồng anh con trai làm công nhân xây dựng tại Lào và được ăn thử món thịt bò khô do người Lào làm. Ăn thử thấy ngon, trong đầu bà nảy ra ý tưởng tại sao mình không thử chế biến món bò khô theo hương vị Việt. Nghĩ là làm, sẵn có nghề làm giò chả và chân giò hun khói mà gia đình thường làm ở Việt Nam, ông bà xây lò làm thử và cũng không ngờ là sản phẩm làm ra được nhiều người đón nhận và đánh giá cao hương vị của nó.
“Hai vợ chồng là cán bộ nhà nước nghỉ hưu, lúc đầu chỉ định sang thăm con cái làm ăn bên này rồi về, nhưng như một cái duyên, vợ chồng tôi đã gắn bó với nước Lào đã hơn 10 năm và cũng gắn với nghề chế biến thịt bò khô này. Con cái giờ đã về Việt Nam nhưng vợ chồng tôi quyết định ở lại một phần cũng yêu môi trường và cách sống của người dân đất nước này, một phần cũng tìm được một nghề có thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống và phụ giúp các con ở nhà”, bà Phương kể.
Thịt bò Lào có tiếng là thơm ngon do được chăn thả tự nhiên với khí hậu và thiên nhiên ưu đãi. không vỗ béo và cũng không được nuôi bằng thức ăn tăng trọng. Bà Phương cho biết sau một thời gian làm nghề này, ông bà có ý định lập một cơ sở chế biến ở TP HCM, chế biến bò khô từ thịt bò Việt Nam, nhằm giảm giá thành so với vận chuyển sản phẩm từ Lào về bán tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, xây lò sấy rồi lại phải đập bỏ bởi thịt bò Việt Nam nhão, mềm nên khi sấy thịt bị bở, không dai như thịt bò ở Lào.
Thịt bò được thái miếng, tẩm ướp gia vị theo bí quyết riêng của cơ sở trước khi cho vào lò sấy. |
Buổi sáng sớm là khoảng thời gian bận rộn nhất của ông bà, thịt bò tươi được vận chuyển từ các lò mổ về để bắt đầu công đoạn chế biến. Chia sẻ với chúng tôi, bà Phương bảo, để làm ra món thịt bò khô thơm ngon, cả con bò chỉ chọn được 2 bắp đùi sau vì thịt ở những bộ phận khác nhiều gân, dai sẽ không ngon. Công đoạn lựa chọn này là khâu quyết định nhất đến chất lượng sản phẩm cuối cùng.
Một công đoạn tỉ mẩn khác mất khá nhiều thời gian là việc lọc thịt, loại bỏ tối đa màng và gân trên miếng thịt bò. Tiếp đó thịt sẽ được pha chế thành những miếng nhỏ theo đúng thớ, nếu thái không đúng khi sấy thịt sẽ bị bở. Tiếp đó, thịt được tẩm ướp gia vị theo một bí quyết riêng của ông bà. Theo bà Phương, khâu ướp gia vị rất quan trọng, phải có gừng để khử mùi tanh của bò, muối, mỳ chính, đường, tiêu bắp, nước mắm, ớt... và đặc biệt phải có mắc khén mới dậy hương vị đặc trưng của bò Lào.
Sau khi ướp gia vị chừng 2 tiếng, thịt bò sẽ được sấy trên lò than. Việc sấy thịt bò phải rất chú ý đến lửa và thời gian vì thịt bò khô có mềm và ngon hay không đều phụ thuộc vào quá trình này. Thịt bò sau đó được xiên vào cái xiên sắt và cho vào lò sấy. thông thường, mỗi mẻ sấy thịt bò mất khoảng 10-12 tiếng. Trong thời gian này, người sấy phải canh lửa vừa đủ để thịt bò ngót dần, đảm bảo khô nhưng miếng thịt vẫn mềm và giữ được chất lượng và hương vị.
Thịt bò được sấy bằng than củi từ 10-12 tiếng. |
“Kích cỡ và kiểu dáng của lò sấy thì tùy từng cơ sở, ý thích của mỗi. Tôi chỉ xây lò đơn giản, gác cái xiên sắt lên. Sau khi sấy bằng than củi cơ bản chín, thịt được rút ra khỏi xiên và dải lên sàn bằng sắt trong lò và sấy lại lần nữa. Sản phẩm sau khi sấy được để nguội, đóng gói hút chân không để đảm bảo không cho vi khuẩn xâm nhập và để được lâu, vận chuyển thuận tiện”, ông An cho biết.
Sản phẩm thịt bò khô của cơ sở Sản xuất Tâm An luôn được bà con người Việt tại Lào đón nhận bởi chất lượng sản phẩm cũng như mang đậm hương vị Việt Nam. Không những thế, “tiếng lành đồn xa”, sản phẩm bò khô của cơ sở cũng được người trong nước biết đến và lượng hàng đặt chuyển về Việt Nam cũng tăng nhanh. Bà Phương cho biết, khách hàng của ông bà đặt nhiều nhất là vào dịp Tết, từ tết Dương lịch đến tết Âm lịch. Trung bình một ngày cơ sở Tâm An chế biến hơn 1 tạ thịt bò tươi.
Anh Châu, một cán bộ sang công tác tại Lào chia sẻ với chúng tôi: qua bạn bè giới thiệu, anh tìm đến cơ sở sản xuất thịt bò này. Sau khi ăn thử thấy rất ngon nên anh quyết định mua về làm quà cho gia đình và bạn bè. “Ở Việt Nam tôi thường ăn thịt bò khô, hiếm khi thấy bán thịt bò tẩm ướp và nướng kiểu này. Thịt bò này có vị cay của ớt, vị ngọt của thịt, món này rất hợp khi nhâm nhi cùng bạn bè, đặc biệt trong tiết trời se lạnh của dịp Tết này”, anh Châu nói.
Sản phẩm được đóng gói, hút chân không đảm bảo vệ sinh thực phẩm. |
Theo chia sẻ của ông An, bà Phương, thời gian tới, cơ sở sản xuất Tâm An sẽ mở rộng quy mô sản xuất. Ông bà sẽ kêu gọi them những lao động Việt tại Vientiane cùng tham gia để vừa tạo ra công ăn việc làm cho những người Việt tại đây, vừa để phát triển thương hiệu thịt bò mang hương vị Việt Nam trên nước bạn Lào.