Thứ Ba, 13 Tháng Mười Hai, 2016

Giáo Hội Lào Có Các Vị Tử Đạo Đầu Tiên

Giáo Hội Lào Có Các Vị Tử Đạo Đầu Tiên

Hồng Thủy

VIENTIANE – Ngày 11/12/2016 đánh dấu một bước lịch sử của Giáo hội Công giáo tại Lào. Tại nhà thờ chánh tòa tại thủ đô Viên chăn đã diễn ra Thánh lễ trọng thể tôn phong chân phước cho 17 vị chân phước tử đạo, bao gồm các thừa sai người ngoại quốc và giáo dân Lào.

17 vị chân phước bị giết trong thời gian từ 1954-1970 bởi các chiến binh cộng sản Pathet Lào. 5 vị thuộc Hội Thừa sai Paris (MEP), những thừa sai đầu tiên mang Tin mừng đến Lào vào năm 1885. 6 vị thuộc dòng Hiến sĩ Đức Maria vô nhiễm, trong số đó có vị thừa sai trẻ người Ý là Mario Borzaga, bị giết vào năm 1960 khi mới 27 tuổi, cùng với Paolo Thoj Xyooj, một giáo lý viên người Lào. Trong số các vị tử đạo Lào có cha Joseph Thao Tien, Linh mục đầu tiên gốc Lào, bị giết năm 1954 cùng với 4 giáo lý viên thổ dân.

Danh sách các Chân phước tử đạo:

1.  Joseph Tien, linh mục, sinh tại Lào, ngày 5/12/1918, chết tại Muang Xoi (Sam Neua) ngày 02/6/1954. Ngài đã từng học tại Việt Nam, và là vị tử đạo đầu tiên của Giáo hội Lào.

2.  Jean-Baptiste Malo, linh mục M.E.P., sinh 1899 ở Grigonnais, cách Nantes khoảng 35 km về phía Bắc, chết tại Hà Tĩnh  (Việt Nam) năm 1954.  Ngài đã truyền giáo tại Trung Quốc và Lào.

3.  René Dubroux, linh mục M.E.P., sinh 1914 tại Lorraine, chết tại Palay (Champasak) năm 1959.

4.  Paul Thoj Xyooj, giáo lý viên, sinh tại Lào năm 1941, chết  tại Muang Kasy (Luang Prabang) năm 1960. Ngài là vị thừa sai và tử đạo đầu tiên của dân tộc Hmong.

5.  Mario Borzaga, linh mục dòng O.M.I., sinh 1932 tại Trentô, Italia, chết tại Muang Kasy (Luang Prabang) năm 1960.

6.  Louis Leroy, linh mục dòng O.M.I., sinh 1923 tại Normandie, Pháp, chết tại Ban Pha (Xieng Khouang) năm 1961.

7.  Michel Coquelet, linh mục dòng O.M.I., sinh năm 1931 tại Pháp,  chết tại Sop Xieng (Xieng Khouang) năm 1961.

8.  Joseph Outhay, giáo lý viên, sinh 1933 tại vùng Bắc Thái Lan, chết tại Savannakhet năm 1961.

9.  Noël Tenaud, linh mục M.E.P., sinh 1904 tại Vendée, Pháp,  chết tại Savannakhet năm 1961.

10.  Vincent L’Hénoret, linh mục dòng O.M.I., sinh 1921 tại Bretagne , Pháp, chết tại Ban Ban (Xieng Khouang) năm 1961.

11.   Marcel Denis, linh mục M.E.P., sinh 1919 tại Alençon, Pháp, chết tại Khammouane năm 1961.

12.  Jean Wauthier, linh mục dòng O.M.I., sinh 1926 tại Pháp,  chết tại Ban Na (Xieng Khouang) năm 1967.

13.  Thomas Khampheuane, giáo dân, sinh 1952 tại Lào,  chết tại Paksong (Champasak) năm 1968. Ngài là vị tử đạo đầu tiên của dân tộc Laven.

14.  Lucien Galan, linh mục M.E.P., sinh 1921 tại Pháp, chết tại Paksong (Champasak) năm 1968. Ngài từng truyền giáo tại Trung Quốc và Lào.

15.  Joseph Boissel, linh mục dòng O.M.I., sinh 1909 tại Pháp, chết tại Hat l-Et (Bolikhamsay) năm 1969.

16.  Luc Sy, giáo lý viên, sinh 1938 tại Lào,  chết  tại Den Din một vùng thuộc thủ đô Vientianne, năm 1970. Ngài là vị tử đạo đầu tiên của dân tộc Kmhmu cùng với chân phước Maisam.

17.  Maisam Pho Inpeng, giáo dân, sinh 1934 tại Lào, chết tại Den Din năm 1970.

Trong buổi đọc kinh Truyền tin trưa cùng ngày 11/12, Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ hy vọng rằng “sự trung thành anh dũng của các vị tử đạo với Chúa Kitô có thể là sự khích lệ và gương mẫu cho các nhà truyền giáo và đặc biệt cho các giáo lý viên, những người thực hiện hoạt động tông đồ quý giá và không thể thay thế được tại các miền đất truyền giáo mà toàn thể Giáo hội biết ơn họ.”

Thánh lễ có sự tham dự của một số Hồng Y, Giám mục, Linh mục, tu sĩ và giáo dân đến từ Lào, Campuchia, Việt nam và các nước lân cận, cũng như các thừa sai thuộc Hội Thừa sai Paris và dòng Hiến sĩ Đức Maria vô nhiễm và một số nhân vật chính quyền dân sự.

Đức Hồng Y Orlando Quevedo, người Philippines, đặc sứ của Đức Thánh Cha, đã đọc sứ điệp với phép lành Tòa Thánh của Đức Thánh Cha, trong đó ngài đề cao các vị tử đạo là những anh hùng và lịch sử của họ được loan truyền cho các thế hệ trẻ biết.

Trong bầu khí cởi mở, Đức Tổng Giám mục Paul Tschang In-Nam, sứ thần Tòa thánh tại Bangkok và đại diện tông tòa tai Myanmar và Lào đã bày tỏ lòng biết ơn với chính quyền và hy vọng trong tương lai gần, Lào có thể thắt chặt quan hệ ngoại giao với Tòa thánh.

Cộng đoàn Công giáo Lào có khoảng 60 ngàn giáo dân, chiếm 1% trên tổng số 6 triệu dân, thuộc 4 hạt đại diện tông tòa và có khoảng 20 Linh mục phục vụ.

Đức cha Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun, đại diện tông tòa ở Paksé, nhận định “việc cử hành Thánh lễ là giây phút hiệp thông tràn đầy với Tòa Thánh và Giáo hội hoàn vũ, trong một năm thật sự đầy ân phúc.” (Agenzia Fides 12/12/2016).

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art