Thứ Tư, 22 Tháng Tám, 2012

Thấy gì qua một chuyến đi Lào của một người trẻ sống ở Việt Nam?

Thấy gì qua một chuyến đi Lào của một người trẻ sống ở Việt Nam?

        Lời tòa soạn: Trong thời gian gần đây, giới trẻ ở trong nước có khuynh hướng thích du lịch “bụi” mặc dù không có đủ phương tiện tài chánh để đi chơi xa như bình thường với gia đình. Bằng xe gắn máy hoặc những chuyến xe đò rẻ tiền, cộng thêm một máy ảnh và một tâm hồn rộng mở với đôi mắt tìm tòi, họ lên đường với tâm trạng mạnh mẽ muốn khám phá những miền đất mới và ghi lại những gì tai nghe mắt thấy ở các nơi khác với quê hương của họ.

        Bài “Thấy gì qua một chuyến đi Lào của một người trẻ sống ở Việt Nam?” kể lại một cuộc du hành như vậy và mới đây của một thanh niên đang sống ở miền Trung Việt Nam. Mời bạn cùng đi với tác giả qua bài viết được đăng hai kỳ.

        Với vốn liếng tiếng Anh ít ỏi, tôi liều mình đi Lào một chuyến. Hy vọng ở một xứ sở khác mình đủ can đảm để nói cái ngôn ngữ học bao nhiêu năm nhưng hiếm khi sử dụng để nâng cấp mình lên tầm “quốc tế.” Lên một chiếc xe dù từ Ðông Hà lên cửa khẩu Lao Bảo tốn 40 ngàn đồng ($2.25). Chiếc xe của hãng Toyota được sản xuất từ thập niên 80 của thế kỷ trước. Nó là sản phẩm “độc hại” của tư bản, vốn quen “bóc lột nhân dân” nay được những công dân “đỉnh cao trí tuệ” sử dụng lại nhằm phục vụ “quá trình tiến lên chủ nghĩa xã hội” của mình, chiếc xe tuy cũ nhưng có thể do được sửa chữa lại máy móc nên vẫn leo đèo tốt chán. Xe băng qua những địa danh nổi tiếng trong cuộc chiến xảy ra mấy thập niên trước: Ðakrông, Khe Sanh rồi mới đến Lao Bảo.

        Trên những địa danh máu này, dù chiến tranh đã đi qua nhưng chính quyền vẫn cố ghi lại dấu ấn bằng cách cho xây dựng nhiều tượng đài chiến thắng, những vết tích mang dấu ấn chiến tranh để giáo dục, nhắc nhở người dân không được quên cuộc chiến ác liệt ấy.

        Tôi không quan tâm nhiều đến những tượng đài, vì quả thật với tôi nó rất nhàm chán, dường như trên khắp cả nước Việt Nam này tượng đài nào cũng có những nét giống nhau. Nhìn riết những tượng đài cũng trở nên đơn điệu. Cũng bộ đội cầm súng, anh du kích trong tư thế ném lựu đạn, chị gái ôm bó lúa, em nhỏ cầm cuốn sách...

        Nơi cửa khẩu

        Qua cửa khẩu khá dễ dàng và nhanh chóng, chẳng gặp một chút phiền hà gì, làm quên đi những mệt nhọc do cuộc hành trình mang lại. Nó còn làm cho tôi có thêm chút tin tưởng về sự đổi thay theo chiều hướng tốt cho dân tộc.

Trước khi đi qua cửa khẩu tôi gặp hàng chục người toàn là phụ nữ vai nách túi sách, họ là những người đổi tiền Việt sang tiền Lào và ngược lại. Tôi hỏi họ 100 ngàn tiền Việt (VND) đổi được bao nhiêu tiền Lào (Kip), và 45 ngàn là câu trả lời của họ. Tôi quyết định đến ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn (Agribank) nằm ngay trong cửa khẩu để đổi tiền.

        Ðổi tiền từ VND sang tiền Kip của Lào là một trong những công việc quan trọng cho chuyến đi. Cứ 100 ngàn thì đổi được 49 ngàn Kip tại ngân hàng, so với việc đổi tiền cho những người đổi tiền dạo, tôi tiết kiệm được một ít. Tôi đổi 500 ngàn, nhận lại được hơn 240 ngàn Kip. Bắt 1 chiếc xe ôm đến bến xe Den Savanh, địa danh giáp biên với Việt Nam tốn 5,000 Kip.

        Xe khách của Lào làm tôi nhớ đến những chuyến xe Ca mà trước đây đã từng đi, cũng mùi phân gà, phân heo, hàng hóa đầy nhóc, chất thành từng đống trên mui xe, rồi mùi thuốc lá, mùi xú uế...

        Nắng ở vùng đất biên giới này thật kinh khủng, dù đã được nghe nói đến “gió Lào” nhưng tôi vẫn không thể ngờ nó lại khủng khiếp đến vậy. Ngồi trong xe, mồ hôi từ những lỗ chân lông toát ra để làm mát da khiến cho chiếc áo của tôi trở nên ướt sũng. Mồ hôi quyện nhau thành từng dòng lăn dài theo hai gò má chảy dài xuống cằm trước khi nhỏ xuống dưới gầm xe.

Những con gió Lào thổi vào trong xe qua những cánh cửa sổ nhỏ đem theo làn hơi nóng rát khó chịu, tôi có cảm giác từng cọng lông trên da mặt tôi dựng đứng lên mỗi khi có cơn gió táp vào. Sức nóng trong chiếc xe làm tôi nhớ đến những chiếc xe than, loại xe chạy bằng nhiệt năng được sử dụng phổ biến vào thời bao cấp, phía sau xe là bình than, cứ mỗi lần muốn xe chạy nhanh hơn thì lơ xe lại phải kéo cần để cho than trong bình cháy hừng lên tạo năng lượng cho xe. Người ngồi cuối dãy ghế sẽ phải lãnh chịu hơi nóng từ bình than tỏa ra.

        Chờ hơn một tiếng đồng hồ xe mới bắt đầu chuyển bánh. Khi xe đã chạy thì sự ngột ngạt, nóng bức đã trở nên dễ chịu hơn. Ðể đi từ cửa khẩu đến Savanakhet mỗi hành khách phải trả 35 ngàn Kip, tức là khoảng 70 ngàn VND (gần $4 Mỹ kim).

        Những gì diễn ra trong quá trình chờ xe đến khi xe chuyển bánh tôi như được sống lại cái thời mới vừa chuyển qua bao cấp. Cũng những chiếc xe Ca được sản xuất từ đời nảo đời nào, cũng người ngồi chung xe với súc vật, cũng những con người lam lũ, tha hương cầu thực, nghèo khổ, mở miệng là văng tục. Chuyến xe làm tôi được quay trở về cái thời “quá độ tiến lên xã hội thiên đường” mà tưởng chừng như không bao giờ còn bị thấy nữa.

        Ðường đến Savanakhet

        Bất chợt, xe chạy ngang qua một ngôi chùa, lá cờ của Phật Giáo quốc tế được cắm ngang với lá cờ quốc tế Cộng Sản, cũng câu liêm và búa, cũng một màu máu đỏ chói chang. Lúc ở cửa khẩu tôi không để ý, bây giờ mới nhận ra rằng, mình vẫn đang ở một đất nước Cộng Sản, những gì đã cảm nhận từ lúc đặt chân lên đất Lào sao mà nó giống Việt Nam quá.

        Lá cờ Cộng Sản ở Lào cũng được gắn ngang bằng với lá cờ tổ quốc Lào, nó cũng như ở Việt Nam, hai lá cờ này tung bay khắp nơi trên đoạn đường dẫn tôi đến Savanakhet.

        Tôi không biết chữ Lào nên không thể biết bên cạnh lá cờ nó có còn những khẩu hiệu như: Ðảng Cộng Sản Lào quang vinh muôn năm, nhà nước dân chủ nhân dân Lào muôn năm, chủ tịch Lào sống mãi trong lòng dân tộc, sống mãi trong sự nghiệp cách mạng, hay ghê gớm hơn là “tư tưởng chủ tịch Lào là kim chỉ nam cho mọi hoạt động,” rồi gay cấn hơn là “học tập theo tấm gương đạo đức chủ tịch Lào”...

        Tôi phỏng đoán rằng, với những đất nước mà chính quyền vẫn là độc đảng và theo chủ nghĩa Cộng Sản thì những khẩu hiệu mang tính tuyên truyền, mị dân là điều không thể thiếu, huống chi nhân dân Lào vẫn còn trong thời kỳ bị bít bưng những thông tin. Nghĩ đến đây làm tôi thấy hình như dân Việt mình vẫn còn đỡ hơn dân Lào một tí ti.

        Trong xe đại đa phần là người Việt, loanh quanh tôi để ý chỉ khoảng chừng năm hoặc sáu người Lào trong số khoảng hơn 35 người trên xe. Trong số đó có một vị sư. Tăng sĩ này được tài xế, phụ xế và những người Lào khác tỏ ra tôn kính lắm.

        Tôi để ý nghe người Lào nói chuyện với nhau, không phải vì sự hiếu kỳ mà dường như ngôn ngữ Lào rất giống với tiếng Việt ta. Ban đầu vì ngồi ở vị trí hơi xa, nên cứ nghĩ họ đang nói tiếng Việt thành ra tôi cố nghe xem thử trong lúc hai người Lào đối thoại có sử dụng tiếng Việt? Nhưng tôi không nhận ra được bất cứ tiếng Việt nào trong suốt quá trình hội thoại giữa hai người.

        Người Lào họ cũng thoải mái như người Việt mình. Ngồi trong xe, hai người Lào ở băng gần cuối cởi trần, mặc độc một cái quần đùi và nói chuyện rôm rả trong suốt đoạn hành trình từ Den Savanh đến Savanakhet. Nhiều lúc đang chập chờn trong giấc ngủ, tôi bị đánh thức bởi sự lớn tiếng trong lúc nói chuyện của người Việt mình và của cả người Lào.

        Từ Den Savanh đến Savanakhet chỉ có một trục đường duy nhất, đó là đi theo con đường 9. Hai bên đường là rừng thưa, không còn được nhìn thấy cảnh rừng rậm như bên đoạn ở Hướng Hóa-Quảng Trị của Việt Nam.

        Cảnh rừng thưa với sự tịch liêu, hoang vu của nó làm cho kẻ xa quê không khỏi chạnh lòng nhung nhớ. Nhà cửa leo teo, lâu lâu mới thấy một vài nhà. Cây cối ở đây cũng buồn ủ rũ lắm thay, cứ cây này cách cây kia từ tám đến tám đến 10 thước. Lá trên cành úa màu chuyển sang vàng, cành cây khô quắt. Cỏ dại thì trụy một màu vàng úa. Xe cứ chạy một chặp lâu thì lại thấy có một đám cháy của người dân đốt rừng để làm nương rẫy.

        Cư dân ở vùng này khá thưa thớt, sống rải rác thành từng bản nhỏ; nhà cửa quây quần thành vòng tròn, ở giữa là khoảng đất trống để cộng đồng sinh hoạt, trẻ con vui đùa. Cuộc sống của họ hãy còn nghèo khó. Những ngôi nhà sàn được làm bằng thân cây xẻ ra thành từng miếng ván, phần bên dưới sàn dùng để đồ đạc lỉnh kỉnh và ràng buộc gia súc, gia cầm. Xe cộ cũng đều được để dưới cả. Còn phần trên dùng làm nơi gia đình sinh hoạt và ngủ nghỉ.

        Gia súc ở đây không được chăn mà chỉ thả cho nó đi rong tự kiếm ăn. Xem ra chẳng ai lo sợ mất trộm. Trên đường lâu lâu tài xế lại phải lo tránh gia súc, gia cầm đi rong trên đường. Gỗ cây không thiếu ở Lào. Trên con đường từ Den Savanh đến Savanakhet đại đa số là nhà sàn làm bằng ván, dẫu sao vẫn hơn ở Tây Nguyên hoặc những ngôi nhà của người Raglay ở vùng núi Khánh Hòa, Ninh Thuận, tuy ở gần núi rừng nhưng nhà cửa chỉ được làm bằng thân tre nhỏ đập dẹp.

        Tôi đi Lào vào những tháng sau Tết nên những con sông, con suối ở đây trơ cạn nước, đá cát dưới sông suối lô nhô, ngổn ngang bãi cồn và đá cát. Bên dòng sông trơ cạn đáy thỉnh thoảng có vài người dân Lào gánh những thùng nước mang về gia đình sử dụng. Sự khô cạn này phải chăng do chính sách ngăn nước đầu nguồn để làm thủy điện của chính phủ Lào?

        Nhìn những cư dân ở vùng này tôi liên tưởng đến người sắc tộc ở Tây Nguyên Việt Nam. Có điều gì đó ở những con người, bản làng của Lào và Tây Nguyên rất giống nhau. Cũng với những con người ăn mặc rách nát, nghèo khổ, làn da đen đúa. Giống nhau từ cách họ ở nhà sàn, gia súc, gia cầm cũng được thả đi rong ngoài đường, váy mặc với màu sắc diêm dúa nổi bật, rồi đến cụm cư thành vòng.

        Ngay cả tên gọi “Ban” cũng có rất giống nhau. Ban là làng, là cụm dân cư tập trung, nó tương tự như Bản Ðôn ở Daklak. Có điều này thiết nghĩ cũng cần nói thêm, ở vùng Bản Ðôn tập trung nhiều sắc tộc với những ngôn ngữ khác nhau như M'nông, Êđê (Rahde)... do đó, để có tiếng nói chung họ sử dụng tiếng Lào trong giao tiếp giữa các sắc tộc.

        Càng đến gần Savanakhet thì rừng càng rậm dần. Từng tàng cây cổ thủ cao to, thân thẳng vút lên trời xanh. Dây leo chẳng chịt như mắc cửi che khuất tầm nhìn của người ấy là vì sắp đến gần sông Mekong nên thảm thực vật có sự biến chuyển.

        Cư dân sinh sống cũng đông đúc hơn, tuy nhiên nó không có sự sô bồ, bát nháo như ở Việt Nam. Nhà cửa được xây dựng dường như theo một khuôn mẫu theo kiểu nhà sàn, chỉ trừ những ngôi nhà mới được xây sau này thì thêm phần bê bông ở dưới và bê-tông ở bên trên. Thật hiếm có ngôi nhà nào trên ba tầng, ngay cả những căn hộ xem ra giàu có cũng chỉ một sàn và một trệt, xe hơi được bỏ phía dưới sàn.

        Savanakhet

        Savanakhet (tên gọi này được bắt nguồn từ tên Savanh Nakhone, có nghĩa là “thành phố thiên đường”) là một tỉnh nằm ở phía Nam của quốc gia Lào, có diện tích lớn nhất nước 21,774 km vuông, với số dân 824,862 người, có đường biên giới với Thái Lan, tỉnh lỵ của Savanakhet là Kaysone Phomvihane, trung tâm thứ hai của Lào chỉ sau Vientiane (Viêng-chăn hoặc Vạn Tượng) với số dân khoảng 120,000 người.

        Kaysone Phomvihane là tên của chủ tịch nhà nước Cộng Sản trước đây của Lào, mất năm 1992. Ðây là nơi chào đời của ông. Tên được đặt cho thị xã này vào năm 2005, ở một điểm thật giống với Việt Nam khi mà các lãnh đạo Cộng Sản lần lượt được đặt tên cho thành phố, thị trấn, đường xá vô tội vạ.

        Người dân Lào hiền lành và rất mến khách. Bạn sẽ chẳng ngạc nhiên nếu bắt gặp cái bắt tay, nụ cười và sự giúp đỡ nhiệt tình của người dân ở đây. Tôi còn nhớ có một kỷ niệm. Khi ấy trời đã tối rồi mà trong túi tôi chỉ còn 100,000 Kip nhưng phải để dành để trả tiền khách sạn cho sáng hôm sau. Ðang lo lắng chẳng biết nơi nào để đổi tiền Việt sang tiền Kip, tôi bèn vào một tiệm tạp hóa bên đường ở Kaysone Phonevihane mua một chai nước.

        Người ở đây không biết nói tiếng Việt và tiếng Anh của tôi cũng như anh ta quá tệ để có thể hiểu nhau. Thế là anh ta bỏ cả công việc buôn bán mà chở tôi đến thẳng chỗ đổi tiền là nơi duy nhất còn làm việc vào lúc đó.

        Buổi tối ở đây khá buồn bã, nó chẳng giống như là một thành phố lớn thứ nhì của Lào chút nào. Ðường phố mới hơn 8 giờ tối nhưng người đi lại trên đường đã vắng. Ðiểm đông người chỉ là những nhà hàng và quán bar phục vụ cho khách du lịch.

        Ở Kaysone Phomvihane có điều gì đó rất giống với Phnom Penh mà tôi đã từng đi nhưng lịch sự hơn và độ trù mật thì không thể sánh bằng. Thành phố sạch đẹp và văn minh. Nhà cửa trật tự và ngăn nắp, cứ như có một bàn tay khéo léo sắp xếp cho nó ngay hàng thẳng lối vậy.

        Ở đây cũng không có đường hẻm, mà chỉ có những con đường thẳng dài đưa đến từng ngôi nhà, nó được thừa hưởng kiến trúc xây dựng thời Pháp thuộc. Ngoài đường thật khó để nhìn thấy những hành động vứt rác ra đường như ở Việt Nam ta. Trước nhà đều có thùng đựng rác được làm từ lốp cao su trông rất bắt mắt và nghệ thuật.

        Ở Kaysone Phomvihane tôi lại được cảm nhận sự khốc liệt của gió Lào. Từng làn gió thổi tung cát bụi bay mù mịt trời. Hàng cây ven đường xơ xác, chỉ còn độc lại những cành cây trơ trụi. Lều bạt bên đường bị gió tốc lên bay phần phật.

        Sau đó, trời lại chuyển mưa. Mưa ở Lào dữ dằn lắm thay, nó nặng hạt và kéo dài cả hơn 2 giờ đồng hồ. Tuy thế, đường phố lại không bị ngập nước như các thành phố ở Việt Nam ta. Hệ thống thoát nước ở đây thật tốt.

        Sông Mekong khi chạy ngang qua vùng Savanakhet được gọi là sông Mea Nam Khong, có nghĩa là sông Mẹ. Tại đây có một cây cầu mới có tên gọi là Hữu Nghị nối với Mukdahah-Thái Lan được hoàn thành vào năm 2007 và hàng hóa của Thái cũng từ con đường này tràn sang Savanakhet.

        Tối đến, thanh niên Lào lại rủ nhau ra cây cầu này để hàn huyên tâm sự, đó như là nơi để gặp gỡ, giao lưu tình cảm. Tôi được một người giới thiệu cho và hướng dẫn đến cây cầu Hữu Nghị này nhưng vì không có nhu cầu nên đành lỗi hẹn với nó.

        Người Việt ở Lào

        Tôi đi Lào nhưng sự cách trở về ngôn ngữ dường như không phải là rào cản lớn. Cũng như những tỉnh lỵ và thành phố khác của Lào, Savanakhet là sự hòa trộn giữa Lào, Thái, Việt và Trung Quốc.

        Theo một thông tin mà tôi nhận được trước khi đi Lào, số Việt kiều có đăng ký hợp pháp ở Kaysone Phomvihane là 3,000 người. Nhưng tôi chắc chắn con số thực phải nhiều hơn như thế. Vì từ những gì tôi ghi nhận trên đường đi và cả khi đi về thì dòng người Việt lũ lượt qua lại Lào.

        Người Việt ở Lào đông lắm. Khi tôi vừa mới đặt chân đến bến xe Savanakhet, một tài xế tuk tuk đã chào hỏi, mời mọc bằng một tràng từ Lào-Thái, Việt Nam. Những người này có thể họ là Việt kiều, cũng có thể là người Lào nhưng nói tiếng Việt khá sành sỏi. Ðể biết được người tài xế tuk tuk nói được ngôn ngữ gì, khách du lịch chỉ việc nhìn vào lá cờ của quốc gia mà tài xế dán trên đầu xe. Nếu có lá cờ Việt Nam, Thái Lan và Lào thì biết được hai ngôn ngữ mà tài xế này sử dụng (ngôn ngữ của Lào và Thái rất giống nhau).

        Buổi tối khi tôi đang lang thang trên đường nhưng văng vẳng đâu đó giọng nói của cô xướng ngôn viên của đài truyền hình Việt Nam trong chuyên mục thời sự.

        Có một điều mà sau chuyến đi tôi mới rút ra cho mình được một bài học. Ðó là nếu cần giúp đỡ hay hỏi han, ăn uống hay mua bán thì nên gặp người Lào. Ở họ có sự chân thật không gian dối. Tài xế xe tuk tuk chở tôi đến một khách sạn mà anh cho biết chỉ khoảng 60 ngàn Kip. Ðến nơi, tôi gặp một nhóm tài xế người Việt chở khách du lịch từ Ðông Hà sang. Họ xúm lại và làm giá khách sạn cho tôi. Thay vì 60 ngàn Kip thì trở thành 75 ngàn Kip.

        Khách sạn ở Lào không có nhiều tiện nghi như Việt Nam tuy giá phòng thì chẳng rẻ chút nào. Trong phòng chỉ có chiếc TV 17 inch cổ lỗ xỉ, có máy điều hòa và nó phát ra những thứ âm thanh rột rột. Phòng khá nhỏ và ẩm mốc. Trong nhà vệ sinh thì chẳng có nước nóng và cũng không có cả bàn chải, kem đánh răng lẫn dầu gội đầu như những khách sạn bình dân khác ở Việt Nam.

        Cái giá 75 ngàn Kip cho một phòng là thuộc loại sang ở cái thị xã của Lào. Người tài xế tuk tuk nói với tôi còn có những phòng chỉ có giá 30-40 ngàn Kip mà thôi, nhưng trong phòng không có TV cũng như máy điều hòa nhiệt độ. TV ở đây bắt được khá nhiều kênh, đại đa số là những kênh truyền hình của Thái và có phụ đề. Tại khách sạn mà tôi ở, tôi đếm được có 3 kênh TV của Việt Nam là VTV1, VTV3 và VTV4. Và cũng chẳng ngạc nhiên gì vì xưa nay Lào vẫn được xem như là đàn em thân tín của chính quyền Vịêt Nam. Sau này khi tôi ra đường quan sát thấy trên phố có rất nhiều gia đình mở truyền hình tiếng Việt.

        Việt kiều buôn bán ở Lào rất nhiều và dường như ai cũng khấm khá, giàu có. Họ làm đủ thứ ngành nghề khai thác rừng, tài nguyên, từ buôn bán nhỏ lẻ đến kinh doanh ăn uống như mở nhà hàng, khách sạn. Với đức tính chịu thương, chịu khó, cần cù trong công việc nên khi đến một quốc gia mà dân tộc ấy chỉ quen thói biếng nhác, ham chơi thì công việc dành cho người Việt nhiều cũng là hợp lý.

        Ðại đa số dân Việt qua Lào là người Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế. Tôi biết được điều đó qua giọng nói của họ. Họ qua đây với giấy thông hành là du lịch, cuối tháng lại phải quay về cửa khẩu để gia hạn. Những người này không sống tập trung mà rải rác từ Den Savanh đến Savanakhet. Hầu như trên những địa danh mà tôi đi qua đều có dấu ấn của người Việt.

        Vào những năm 30 của thế kỷ 20, số dân Việt Nam ở Lào đã lên đến hàng vạn người. Họ qua Lào với tư cách là những culi làm công cho các công trình, các đồn điền cao su mà chủ là người Pháp. Bên cạnh đó họ còn là các công sứ, những người có trí thức qua Lào để làm trong các chính phủ bảo hộ Pháp. Con số này theo thời gian mà tăng dần mà đến nay, trên mọi miền đất Lào đều có sự xuất hiện của người Việt.

        Tôi có chú ý xem thử ở Lào có sự kỳ thị giữa Việt-Lào qua những cách buôn bán, tiếp chuyện hay không? Nhưng thực rất khó để nhận ra được điều đó. Với một dân tộc thờ phụng Phật, đạo đức như Lào thì tất cả mọi dân tộc đều là anh em, đều là tha nhân và họ yêu hết tất cả.

        Lào và Việt Nam

        Nhờ có chuyến đi Lào kết hợp với chuyến đi Campuchia trước đây mà tôi hiểu được vì sao cũng là những quốc gia Cộng Sản hoặc đã từng là Cộng Sản nhưng sự tha hóa về đạo đức lại không diễn ra mạnh mẽ như ở Việt Nam. Ấy chính là những nước Lào, Campuchia họ vẫn tôn trọng sự tự do tôn giáo, không bài kích, đả phá. Ðiều này làm cho đất nước Lào, Campuchia có một đời sống đạo đức dựa trên nền tảng Phật Giáo tiểu thừa.

        Có thể Cộng Sản Lào không quan niệm “tôn giáo là liều thuốc phiện ru ngủ nhân dân” như chính quyền Việt Nam chăng nên đạo Phật rất được thịnh hành ở Lào? Cũng có thể lãnh đạo cao cấp của Lào, Campuchia là những người có đạo đức, có tôn giáo nên họ không trù dập, bắt bớ tôn giáo như ở Việt Nam.

        Và cũng có thể, ở Lào cũng không có cuộc “cải cách ruộng đất” như Việt Nam, nên tôn ti trong gia đình và xã hội không bị phá vỡ, vẫn giữ được trật tự xã hội. Tôn giáo ở đây không gặp phải những khó khăn trong quá trình hành đạo và sống đạo. Những tinh hoa của tôn giáo từ đó lan tỏa sang cả dân tộc.

Nhìn sang lại Việt Nam, với những giai đoạn “tiến lên xã hội chủ nghĩa” chính quyền Cộng Sản Việt Nam với sự “lãnh đạo tài ba” của đảng và nhà nước đã đạp đổ mọi luân lý trong xã hội, bài kích tôn giáo, xiển dương vô thần nên kéo theo đó là sự sụp đổ cả một nền tảng đạo đức vốn mong manh dễ vỡ. Khi chênh vênh về đời sống vật chất, tinh thần lại chẳng có chỗ để nương gởi, người Việt Nam bị tha hóa về đạo đức.

        Ðể cứu vãn một xã hội, chính quyền Việt Nam mới dựng lên “học tập theo tấm gương đạo đức...” đó chính là sự khốn nạn cho cả một quốc gia, một dân tộc khi phải nhìn vào một hình tượng nào đó để phấn đấu, để học tập theo. Nó không còn sự đa nguyên mà xã hội ấy, dân tộc ấy giống như những chú cừu Doly được sinh sản vô tính về giáo dục và nhân cách.

        Ðời sống vật chất của người dân Lào cực khổ vậy, nhưng bù lại họ có một đời sống tinh thần hết sức phong phú, đời sống tâm linh của họ cũng được tự do, thoải mái. Có thể ban ngày họ làm việc cực nhọc nhưng về khuya khi màn đêm đồng nghĩa với tội ác thì linh hồn họ được sự che chở của Thích Ca.

Trong những ngày tôi ở Lào bắt gặp những lễ hội mà người dân ở đây gọi là “làm bun” diễn ra liên tục. Chẳng biết đó là lễ hội gì, ngay cả những người đã sống ở Lào mười mấy năm khi tôi hỏi, họ cũng chỉ có thể phỏng đoán mà chẳng tài nào cho câu trả lời chính xác. Người Lào vui chơi nhảy múa, ca hát. Họ cứ như dân du mục, cuộc sống gắn liền với tiếng đàn, lời ca.

        Nhưng nền tảng đạo đức của Lào liệu có bền vững lâu được chăng vì Lào đang học hỏi theo cách kinh doanh du lịch bằng mọi giá như Việt Nam, họ triệt để khai thác những thứ có sẵn để kinh doanh. Lượng khách du lịch đổ tràn vào Lào ngày càng nhiều, du nhập theo bước chân du khách là những văn hóa hỗn tạp và đủ thứ bệnh tật.

        Những cô gái Lào cũng sang Thái Lan làm gái để gởi những đồng Bath về giúp đỡ cho gia đình ở quê hương nghèo khổ và khi về quê họ không quên mang theo đó là căn bệnh AIDS của thế kỷ đang gieo rắc ở các làng quê bé nhỏ của Lào và căn bệnh này cũng theo những bước chân khách du lịch đi khắp nơi trên đất nước Lào.

        Chính phủ Lào bán những cánh rừng rộng lớn cho Việt Nam để có tài chánh vực dậy nền kinh tế bao năm “theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Những mỏ tài nguyên, những cánh rừng theo đoàn xe reo, xe tải lần lượt chạy về Việt Nam. Thật không ngạc nhiên gì khi ông Ðoàn Nguyên Ðức bỏ ra 13 triệu$ để đầu tư cho Lào tổ chức thể thao Ðông Nam Á, vì đương nhiên số tiền ông ta khai thác rừng, tài nguyên ở Lào sẽ đem lại cho ông ta con số nhiều hơn con số ông bỏ ra rất nhiều.

        Tôi chỉ cầu mong sao, trước khi đi lên tới “thiên đường xã hội chủ nghĩa” đất nước Lào sẽ không phải gánh chịu những khốn nạn mà dân tộc Việt Nam đang gánh phải nhờ sự “lãnh đạo tài tình” của đảng Cộng Sản Việt Nam.

Ngô Thanh Tú/Người Việt

Saturday, May 02, 2009


Bài viết khác