Thứ Tư, 22 Tháng Tám, 2012

Vinh quang Giáo Hội Thái Lào

Vinh quang Giáo Hội Thái Lào

        Ngày 22 tháng 10, ngày cực kỳ trọng đại, ngày vinh quang và phấn khởi nhất trong lịch sử của người công giáo Thái Lan và Ai Lao, cũng như cho toàn thể dân tộc hai nước ấy. Những dân tộc có nhiều ảnh hưởng chung, cùng từ phương Bắc, xuống định cư trên bán đảo Đông dương vào thế kỷ thứ 13, khi quân Mông Cổ thôn tính miền Hoa Lục.

     Ngày nay là hai quốc gia : Thái Lan tự do và Ai Lao cộng sản. Dù trong hoàn cảnh nào, thiết tưởng hai giáo hội ấy, công khai hay âm thầm vẫn luôn cố gắng tổ chức ngày đại lễ : kỷ niệm 7 vị chân phúc tử đạo Song Khon.

     Trước khi đề cập đến cuộc tử đạo anh dũng của 2 nữ tu và 5 giáo dân vào mùa đông 1940 tại Song Khon, chúng ta thử cùng nhau tìm hiểu sơ qua về nguồn gốc đất nước Thái lan và Ai Lao cùng việc phúc âm hóa cho hai dân tộc này.

     CUỘC DI DÂN CỦA DÂN TỘC THÁI LÀO

     Nguồn gốc dân tộc người Thái cũng như người Lào, có thể nói đều phát sinh từ tỉnh vân Nam bên Trung Quốc. Theo thời gian và qua các biến cố, như nước thấm dần trong đất, họ xâm nhập xuống miền Đông Nam á châu, sinh cơ lập nghiệp dọc theo các sông Mékong và Ménam Chao Phya.

     Những người Thái đi theo sông Ménam Chao Phya lập thành vương quốc Sukhothai, Ayuthia (Siam), rồi Thái Lan. Còn nhóm người Thái xuống sinh sống theo thung lũng sông Mékong lập nên vương quốc Lào.

Vương quốc Thái Lan.

    Vấn đề dân tộc Thái đến sinh sống trên đất Thái Lan ngày nay là một sự kiện tương đối mới mẻ. Theo biên niên sử Trung Hoa, vào thế kỷ thứ 6, họ ở phía nam sông Dương Tử. Đến thế kỷ thứ 8, lập thành vương quốc Nam Chiếu (Nantchao), ở thung lũng Vân Nam bây giờ.

     Thuở ấy, Nam Chiếu rất cường thịnh. Họ đương đầu với Tây Tạng, kháng chiến với láng giềng Trung Hoa ; xua quân đánh chiếm miền bắc Diến Điện, xâm lược nước Cao Mên, nhất là đã nhiều lần quấy nhiễu Giao Châu, tức nước Việt Nam ta thời ấy đang bị lệ thuộc nhà Đường (Tàu). Cụ Lệ thần Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược có chép : « Năm bính dần (846), quân Nam Chiếu sang quấy phá Giao Châu, quan kinh lược sứ là Bùi Nguyên Dụ đem quân đánh đuổi đi. Năm nhâm ngọ (862), quân Nam Chiếu lại sang đánh Giao Châu. Nhà Đường sai Thái Tập đem ba vạn quân đóng giữ tháng giêng năm qúy mùi (863), Nam Chiếu đem 50.000  quân sang đánh phủ thành. Thái Tập cầu cứu không kịp, thế bức quá phải tự tử. Hai lần đánh phủ thành, quân Nam Chiếu đã giết hại hơn 15 vạn người Giao Châu. Đến năm 867, nhờ có Cao Biền, tướng tài giỏi của nhà Đường, mới diệt trừ được quân Nam Chiếu, sau gần 10 năm nhũng nhiễu dân lành.

     Anh hưởng của người Nam Chiếu còn thấy xuất hiện dưới danh hiệu « Xiêm » (Syam) trên các bi ký của vương quốc Chiêm Thành (nay thuộc các tỉnh từ Quảng Nam đến Phan Rí của ta) và trong hình chạm nổi tại Angkor, kinh đô thời ấy của người Khmer.

     Sự kiện dân Thái hiện diện ở Đông Nam Châu á, có thể phân chia thành hai hiện tượng khác biệt : hiện tượng thứ nhất có tầm vóc sắc tộc. Theo George Coedès trong cuốn « Les Etats Hindouisés d’Indochine et d’Indonésie » là sự tiệm nhập, có lẽ đã lậu đời trước của các giống dân từ bắc xuống nam dọc theo những con sông lớn. Hiện tượng thứ hai có tính cách quân sự, ở vào thế kỷ thứ 13. Đó là phong trào gấp rút chạy trốn, tìm xuống phương nam tỵ nạn, sau cuộc chinh phục của quân Mông Cổ.

     Thực vậy, năm 1253, khi vua Mông Cổ là Hốt Tất Liệt (Koubilai) thôn tính Trung Hoa, đã sai Ngột Lương Hợp Thai (Wouleangotai) đánh lấy Namn Chiếu rồi sát nhập vào đất Trung Hoa. Từ đó vận mệnh dân Thái nối liền với khả năng bành trướng của họ nhờ vào các nước thuộc bán đảo phương nam.

     Người Thái theo như hiện tượng thứ nhất nói trên, trãi qua bao nhiêu thế kỷ dài, đã xâm nhập dần dần vào các xứ do người Khmer cai trị, hoặc họp thành những hầu quốc nhỏ, độc lập như Chierung và Ngon Yang (vị trí Chiengsen hiện giờ)

Trước khi quân Mông Cổ kết liễu sự sống còn nước Nam Chiếu tại vân Nam, người Thái « nằm vùng » trong các lãnh thỗ đế quốc Khmer ở phương nam đã bắt đầu « cựa quậy ». Năm 1238 tại Sukhothai, Pha Mường, một người Thái kết duyên với công chúa khmère, nhân có sự xung khắc với quan tổng đốc Khmèr Sở Tại, đã cùng với một thủ lãnh Thái khác, tên là Bang Klang Thao, đánh chiếm Sukhothai, lập nên vương quốc Xiêm thứ nhất. Có lẽ đây là khởi điểm cho nền độc lập dân Thái, sau khi Nam Chiếu cáo chung.

     Đời Rama Khamheng, ông vua tài đức : tổ chức quân đội theo kiểu Mông Cổ, dùng lối viết thảo của người Khmer để cải tiến chữ Thái. Nhờ liên minh với vương quốc Thái Lan-Na, Rama Khamheng đã thành công trong việc chiếm cứ một phần lớn lưu vực sông Ménam Chao Phya, bành trướng bờ cõi Sukhothai ra tới bán đảo Mã Lai.

     Năm 1350, một triều đại mới được lập nên do Ramadhipati. Thủ đô ở Ayuthia trên hòn đảo giữa sông Ménam Chao Phya. Lấy quốc hiệu là Xiêm (Siam). Vương quốc Xiêm chống với Cao Miên, với Sukhothai và Chiengmai. Năm 1378, Sukhothai công nhận vương quyền Xiêm, và đến năm 1438, dưới triều đại vua Boromoraja II, Sukhothai hoàn toàn trở thành một tỉnh của Xiêm quốc.

     Vào thế kỷ 16, Xiêm bị Diến Điện và Cao Miên tấn công, giang sơn cơ hồ tan nát. May có PraNaret (vua Naresuen) cứu vãn được tình thế và đem lại cho đất nước một nguồn sinh lực mới. Xiêm bắt đầu mở cửa biển, giao thiệp thương mãi với ấn độ và các nước Tây phương.

     Đến thế kỷ 18, Diến Điện lại ồ ạt xua quân đánh Xiêm, năm 1767, kinh đô Ayuthia thất thủ, vua mất tích, em vua bị đày, gần 20 vạn người bị bắt đem về Diến Điện và thành phố bị triệt hạ. Trong khi đó, Trịnh Quốc Anh (Tak Taksin), vị tướng lãnh gốc người Triều Châu (Trung Hoa) cùng với 500 binh sĩ chạy thoát được, đã tổ chức lại hàng ngũ và giaỉ phóng thủ đô vào tháng 10 năm ấy. Về sau, Trịnh Quốc Anh bị giết trong một cuộc nổi dậy tại hoàng cung. Tướng Chakri, năm 1782 lên ngôi thay thế, lấy hiệu là Yofta (hay Rama I), đóng đô ở  Vọng Các (Bangkok) đối diện với Thonburi, phía tả ngạn sông Ménam Chao Phya và lập nên triều đại mới.

     Cũng nên biết, ở Vọng Các, hiện có một nơi gọi là láng Gia Long, tức nơi Nguyễn Vương Ánh đã ở lúc cô thế, vì bị quân Tây Sơn đánh đuổi. Vua Rama I đãi ngộ tử tế, có lẽ vì hai lý do :

     Năm 1781, khi vua Rama I còn là tướng Chakri, vua Trịnh Quốc Anh sai đi đánh nước Chân Lạp. Vua Chân Lạp cầu cứu với Việt Nam. Chưởng cơ Nguyễn Hữu Thoại vâng lệnh Nguyễn Vương đem quân sang giúp. Khi hai bên đang giao chiến, thì ở Vọng Các, Trịnh Quốc Anh bắt vợ con Chakri tống ngục, nên Chakri không đánh nữa và thề thốt với Nguyễn Hữu Thoại phải cứu nhau trong lúc hoạn nạn, rồi đem quân trở về Xiêm.

     Trong thời gian Nguyễn Vương còn ở Vọng Các, nhân có quân Diến Điện sang đánh, Nguyễn Vương cùng với các tướng Lê Văn Câu, Nguyễn Văn Thành đem quân tản bộ đi đánh giúp với quân Xiêm. Nguyễn Vương lại có công trừ được giặc Mã Lai thường đi quấy nhiễu ở miền biển.

     Bắt đầu thế kỷ 19, khi quân Diến Điện đã thôi đe dọa, Xiêm cố gắng bành trướng thế lực của mình qua các nước Mã Lai, Ai Lao và Cao Miên. Nhưng chính sách đối ngoại này không che giấu được sự yếu kém cơ cấy bên trong, từ nay quê xứ phải mở cửa đón nhận ảnh hưởng ngoại bang mà trong đó Anh quốc là nước có ưu thế hơn cả.

     Năm 1826, vua Rama III đã ký hiệp ước hữu nghị và thương mãi với Anh. Đến đời vua Chulalongkorn, tức Rama V (1873 -1910), có rất nhiều sự cải cách, được dân chúng mộ mến. Ông là người thông minh, biết dùng cố vấn ngoại quốc, đã chu du khảo sát nhiều nước Á Châu, nên có tầm nhìn rộng. Trong khi Việt Nam ta, 10 năm trước ông, đã có một Nguyễn Trường Tộ, từ năm 1863, dâng lên vua Tự Đức những bản điều trần, đề nghị gấp rút duy tân, mở rộng quan hệ ngoại giao và thương mãi, cử người đi học tập khoa kỷ thuật ở các nước tiên tiến Tây phương, để dân giàu nước mạnh, khả dĩ đối phó với tình thế mới. Nhưng triều đình nhà Nguyễn mù quáng, bảo thủ, cố chấp nên những đề nghị ấy không được thực hiện, để rồi gánh chịu những hậu quả bi đát khác Xiêm. Xiêm lại biết lợi dụng sự cạnh tranh thuộc địa để bảo vệ nền độc lập xứ sở. Mặt khác, hai nước thực dân Anh, Pháp cũng muốn để Xiêm như là quốc gia trái độn để quyền lợi họ ít bị va chạm.

     Đến thể kỷ 20, theo đà văn minh mới, Xiêm trải qua nhiều trào lưu tư tưởng khác biệt, để rồi bất ngờ một hôm, ngày 24/6/1932 cuộc đảo chánh không đổ máu đã xảy ra, chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế. Linh hồn của cuộc đảo chánh là tiến sĩ luật học PridiPhanomyon, chính ông đã cung cấp lý thuyết cho những công chức trẻ, nhưng địa vị then chốt vẫn do quân đội ; Song le nhóm đảo chánh (dân đảng= Parti du Peuple) lại quá phân hóa, nên đã đưa Xiêm tới tình trạng bất ổn, bất thường : dân chủ hay độc tài quân phiệt.

     Năm 1939, Phibul Song Kram muốn thống nhất đất nước qua việc kết hợp những người có nguồn gốc « Thái », đặt họ dưới một tôn giáo duy nhất, nên đã thực thi chính sách quốc gia quá khích, đi đến sự chèn ép tín ngưỡng, gây ra vụ « Tử đạo Song Khon », như sẽ nói ở mục số 3 của bài này.

Vương quốc Ai Lao :

     Theo các văn bản Trung Hoa, từ thế kỷ 1 đến thể kỷ 13, ở miền thượng lưu sông Mékông, về phía tây nam tỉnh Vân Nam, có vương quốc người Ngai lao (Việt Nam gọi là Ai Lao). Về sau, quốc vương Ngai Lao đã bị nước Nam Chiếu (Nantchao) thôn tính.

     Cũng như dân tộc Thái Lan, người Ai Lao thuộc nòi giống Thái, từ Vân Nam xuống (về sau có một số từ Bắc Việt qua) lần theo thung lũng sông Mékông. Ngay buổi ban sơ, có lẽ khi từ tẩm nhập, người Ai Lao đã phân tán thành nhóm Lào Yuan ở phía bắc Thái Lan, nơi về sau, vào năm 1296 đã lập nên Vương quốc Lan Na « Triệu Ruộng Lúa », người Lu ở Sip Song Phăn Na « Mười Hai Ngàn Ruộng Lúa », người Lào Phuan ở Xieng Khuang và người Lào ở Lan Xang « Triệu Con Voi » với kinh đô là Luang Prabang.

     Người ta thường viện dẫn những xung đột chính trị và quân sự do cuộc chinh phục nuớc Trung Hoa của người Mông Cổ (từ năm 1211 đến 1279) để giải thích sự hình thành các quốc gia thuộc nòi giống Thái ở Đông nam á châu.

Hằng ngày phải chung đụng với dân Thổ trước Diến Điện, Mon và Khmer gan dạ hiếu chiến, bị đặt dưới ách thống trị của họ, từ đời này qua đời khác, những người di cư từ Bắc xuống, đã đủ thời gian tham cứu về kỷ thuật chiến tranh và hành chánh, để một ngày nào đó, khi thời cơ thuận tiện, họ vùng đứng lên giành quyền làm chủ, hoặc dùng bạo lực, hay đôi khi, nhờ sự may mắn đẩy đưa.

     Trong thời gian Ramadhipati, vua Xiêm, mở những cuộc tấn công Angkor và sau đó, chiếm trị toàn lãnh thổ Cao Mên cho đến năm 1357, thì ở miền thượng lưu vực sông Mékông (tức Thượng Lào bây giờ), Pha Ngum thành lập vương quốc Ai Lao đầu tiên.

     Pha Ngum được nuôi dưỡng và giáo dục ở hoàng cung Khmer, được kết duyên với con gái vua, được vua ban cho một vạn binh sĩ Khmer. Ông đi đánh quân Xiêm, chinh phục Champassak, Xieng Khuang rồi Luang Prabang. Tại đây, năm 1353, ông lên ngôi, đặt quốc hiệu là Lang Xang « Triệu Con Voi » (theo Việt sử, gọi là Nam Chưởng hay Lão Qua). Từ đó, vua Pha Ngum đánh chiếm Sip Song, Phan Na và Lan Na ở phía tây bắc, đánh Vientiane, Savannakhet cho tới Lào Bảo, Tchépone ở phía nam, lập nên vương quốc rộng lớn và kéo dài cho đến thế kỷ 18.

     Người Ai Lao xem Pha Ngum là vị anh hùng dân tộc, vì có công thống nhất đất nước, cải tổ phật giáo và nền học thuật Lào. Vua rước một tượng phật từ Angkor về làm thần hộ mệnh cho kinh đô, đặt kinh đô là Luang PraBang (trước kia gọi là Muong Xua rồi Xieng Thong). Luang= quyền thế, vương giả ; Prabang = Đấng Thánh  để vai trần. Nhưng về sau, vì quá dâm dật nên đã bị triều thần hạ bệ và tôn con ông là Xam Xèn Thai « Ba Trăm Ngàn Thái » lên thay vào năm 1373. Dân chúng gọi như thế, vì ông đã làm cuộc kiểm tra dân số, tính được tất cả là ba trăm ngàn người « Thái » tự do (không phải nô lệ), nhưng tráng đinh có thể cầm khí giới đánh giặc.

     Đến đời vua Lan Kham Dèng (1415-1428) đã in một vết nhơ trong lịch sử bang giao với Việt Nam. Hồi ấy, Việt Nam đang rên siết dưới ách thống trị bạo tàn của nhà Minh. Trăm họ phải muôn ngàn khổ nhục, tiếng oan kêu không thấu trời, mọi người ngày đêm mong có vị anh hùng cứu tinh. Lê Lợi, người áo vải đất Lam Sơn (Thanh Hóa) dựng cờ phục quốc. Tuy đã thuận ý trời và hợp lòng dân nhưng buổi đầu quân ít, thế kém, Bình định vương Lê Lợi phải kêu cứu với láng giềng Lang Xang (Lào). Tháng 11 năm tân sửu (1421), tướng nhà Minh là Trần Trí đem mấy vạn quân đến vây đồn Ba Lậm. Đang khi hai bên còn giao chiến thì vua Lan Kham Dèng gơỉ ba vạn người Lào và 100 con voi, nói là viện binh cho Việt Nam. Bình định vương không ngờ là sự giả dối. Nửa đêm quân lào đến đột kích. Tướng Lê Thạch của ta bị tên bắn chết. Nhưng  quân ta đã kịp thời phản công, giữ vững đồn trại. Quân Lào phải rút lui.

     Khi đọc lại những trang sử Lào, thấy đời vua cha (Xam Xèn Thai), năm 1404 có tước phong của nhà Minh ! Do đó, cái phản trắc nầy có lẽ là một sự bó buộc của nước chư hầu phải làm vừa lòng mẫu quốc !?

     Vào thế kỷ 16, áp lực Diến Điện không những đè nặng trên Xiêm mà còn ở Lan Xang ngày càng trở nên dữ dội. Thủ đô Xieng Thong (Luang Prabang) nhiều lần bị tấn công. Để được trung tâm, xa Diến Điền và gần Xiêm là láng giềng đồng cảnh ngộ, có thể nhờ vả nhau, nên năm 1563, vua Setthathirat dời kinh đô về Vientiane, mang theo tượng Phật hộ mệnh bằng ngọc thạch anh. Vua xây cung điện Wat Pra Kèo để thờ Phật và đền That Luong, một kiệt tác kiến trúc Lào.

     Vào thời kỳ này, Lan Xang thần phục Việt Nam, giữ lệ triều cống, cứ ba năm một lần. Đời vua Suriya Vongsa lại cùng với Việt Nam phân định biên giới : « Những vùng nào dân chúng làm nhà sàn với mái hiên thì thuộc về đất Lan Xang, nơi nào không làm như vậy là lãnh thổ của Việt Nam » (P. Le Boulanger, op. cit .p.104).

     Những năm cuối thế kỷ 17 báo hiệu ngày tàn của vương quốc Lang Xang, công trình tạo dựng của vua cha Pha Ngum, vì sự khủng hoảng trong việc nối nghiệp. Thực vậy, sau khi vua Suriya Vongsa băng hà (1694), một trong những người con rễ lên nắm quyền bính, chứ không phải là con cái cháu chắt vua, nên đã gây ra ly tán, chia thành hai tieủu quốc thù nghịch : Vientiane và Luang Prabang. Các vùng khác như Xieng Khuang, Champassak cũng tách ra.  Năm 1700, một người cháu của vua la Say Ong Huế (vì sinh ra và lớn lên ở huế) được Việt Nam (chúa Nguyễn Phúc Chu) giúp binh lực. Ông về xưng vương ở kinh đô Vientiane.

     Năm 1778, Vientiane bị tướng Xiêm là Chakri (Rama I sau này) đánh chiếm hơn 4 năm, bắt một số dân lào đem về bên hữu ngạn sông Mékong. Chakri lại lấy tượng Phật bằng ngọc thạch anh (Pra Kèo) đem về dâng vua Trịnh Quốc Anh. Hiện giờ, pho tượng qúi giá ấy được đặt trong ngôi chùa lộng lẫy ở hoàng cung tại Vọng Các. Tượng có 3 kiểu áo làm bằng vàng và đá qúy. Mỗi mùa thay một kiểu : mùa mưa, mùa hạ và mùa đông. Chỉ một mình vua mới có quyền thay áo ấy.

     Năm 1826, sau khi thất bại việc trong đòi trả lại những người Lào bị cưỡng bách qua sống bên hữu ngạn sông MéKong dạo nọ, lại nghe nói có hạm đội quân Anh uy hiếp ở cửa sông Ménam Chao Phya, quốc trưởng Vientiane là Cao Anu tưởng thời cơ đã đến để thoát khỏi xiềng tỏa thống trị của người Xiêm. Ông mở cuộc tấn công kinh đô Vọng Các, nhưng lập tức bị đẩy lui. Thừa thắng xông lên, quân Xiêm tiến đến Vientiane càn quét, đốt phá và bắt 6 ngàn gia đình người Lào đày qua bên hữu ngạn sông Mékong, trên phần đất Xiêm.

     Cao Anu sang cầu cứu với Việt Nam. Vua Minh Mạng sai Phan Văn Thúy và Nguyễn Văn Xuân đem 3 ngàn lính cùng 24 thót voi, đưa Cao Anu về lấy lại được Vientiane. Nhưng qua năm 1830, quân Xiêm do tướng Bodin cầm đầu lại mở cuộc tấn công càn quét. Lần này, chúng đốt sạch nhà cửa, thiêu hũy các tài liệu, san bằng lâu đài cung điện và bắt đem về Xiêm tất cả mọi ngươì dân. Theo P. Le Boulanger thì tướng Bodin  chỉ để lại « đất cát, sông nước, cây cỏ và chim chóc thôi ». Họ làm như thế có hai mục đích : trước là tăng thêm dân số của họ ở các vùng đã bị quân Diến Điện tàn phá trong 50 năm qua. Sau là để đối thủ Việt Nam không còn dòm ngó đến một xứ chẳng có dân cư.

     Từ ngày vương quốc Lan Xang bị qua phân vì khủng hoảng nối nghiệp, vì địa thế hiểm trở và cũng vì thủ lãnh các vùng vẫn tiếp tục cai trị trong tinh thần độc lập, Luang Prabang thường hay thông đồng với quân Xiêm để đi đánh phá các nơi. Vì thế năm 1827, tù trưởng Xieng Khoang là Chiêu Nội (Tiao Anu) xin đem đất về nội thuộc Việt Nam. Vua Minh Mạng phong cho Chiêu Nội làm Trấn-ninh phòng ngụ-sứ và các thổ mục làm tri huyện. Đến năm 1835 trở đi, các tù trưởng vùng Kham Muan, Savannakhet, Tchépone, để khỏi bị Xiêm bức hiếp, cũng đều xin được sáp nhập vào nước Việt Nam. Vua Minh Mạng lại chia các đất ấy làm thành 3 phủ : Trấn Biên, Trấn Định và Trấn Nam.

    Khoảng năm 1845-1850, người Mèo bắt đầu xâm nhập đất Lào. Họ từ vân nam xuống. Trước hết ở Lai Châu rồi sau lán dần sang miền núi cao rừng rậm Hua Phan và Xieng Khuang, phá rừng trồng thuốc phiện. Sau khi dẫm nát vương quốc Vientiane, sát nhập đất đai làm thành một tỉnh của mình, Xiêm tiếp tục tham vọng bành trướng lãnh thổ đến tận cùng biên giới thiên nhiên, nhưng gặp phải trở ngại là đối thủ Việt Nam.

     Năm 1885, lợi dụng tình thế Việt Nam đang có chiến tranh với Pháp, viện cớ là tiễu trừ quân giặc Khách (Cờ Vàng, Cờ Đen du đảng của giặc Thái Bình Thiên Quốc bên tàu) đang cướp phá ở biên thùy, Xiêm khống chế Luang Prabang bằng cách áp đặt 2 ủy viên giám sát để kiểm soát vua Un Kham và dân bản xứ, mở cuộc viễn chinh sang tận Sip Song Châu Thai (Lai Châu), bắt một số con tin.

     Tháng 2 năm 1887, Đèo Văn Trí thuộc đảng quân Cờ Đen, từ Điện Biên Phủ kéo quân sang uy hiếp Luang Prabang, đòi chính phủ Xiêm (vua Chulalongkorn) trả lại những an hem, bạn hữu đã bị bắt. Trong khi đó, Auguste Pavie cũng có mặt tại Luang Prabang như là phó lãnh sự Pháp, đặc trách về việc bảo vệ quyền lợi mà Pháp vừa được thừa hưởng của Việt Nam. Vì Việt Nam đã nhận sự bảo hộ qua các hiệp ước qúi mùi (1883) và giáp thân (1884). Đến tháng 6, thủ đô Luang Prabang bị giặc khách tràn ngập, vua Un Kham phải bỏ thủ đô, lên tàu Auguste Pavie mà chạy. Về đến Pak Kay, vua kiệt sức, mất tinh thần, đã nhờ Pavie xin Pháp bảo hộ. Lẽ dĩ nhiên là Pháp chộp ngay, sau 3 cuộc gởi binh :

     Năm 1887, quân Pháp do đại tá Pernot chỉ huy, chiếm Lai Châu và sau đó để cho họ Đèo Văn Trí được tiếp tục cai trị.

     Năm 1889, Pháp chiếm tả ngạn sông Mékong, từ Paksane, Khône đến Kham Muan, khiến Xiêm lo ngại.

     Tháng 7 năm 1893, Pháp biểu dương lực lượng thủy quân tại Vọng Các, buộc Xiêm buông thả đất Lào. Cuối cùng Xiêm nhượng bộ và ngày 3.10.1893 đã ký hiệp ước với Pháp, có nội dung như sau :

     + Xiêm nhường các đất dọc theo tả ngạn sông Mékong và các đảo giữa sông.

     + Chấp nhận một vùng phi quân sự, rộng 25 cây số về phía hữu ngạn sông Mékong, để Pháp có thể lưu thông và buôn bán.

     + Công nhận sự bảo hộ của Pháp trên đất Lào.

     Nền bảo hộ ấy đã thực thụ bắt đầu, kể từ năm 1895, khi vua Sakkarin (con Un Kham), qua trung gian Auguste Pavie, ngày 19/4 nhận sắc phong và đến 3 tháng 12 năm ấy, ký thỏa ước với Pháp. Từ đó vua Lào chỉ « ngồi chơi xơi nước », mọi việc chính trị, quân sự và hành chánh đã có « quan bảo hộ ». Biên giới của Lào như ta thấy hiện nay, cũng do « quan bảo hộ » định đoạt với Xiêm mà ta đã nói trên, với Trung Hoa theo hiệp ước năm 1895, và với Anh năm 1896.

     Sông Mékong, trước kia đem nước tưới xanh cho ruộng đồng dân Lào quanh năm sinh sống ở 2 miền tả, hữu ngạn, kể từ đời vua Pha Ngum, nay do hiệp ước 1893 đã trở thành ranh giới hai nước. Nếu có bà con dòng họ, nhưng ở bên kia sông, thì từ nay trên giấy tờ không còn là người Lào nữa.

     Năm 1904, vua Sakkarin mất, người con đầu là Si Sowang Vong lên ngôi thay thế. Triều đại Si Sowang Vong, cũng như Suriya Songsa là dài nhất trong lịch sử Lào. Ông trị vì từ năm 1904 đến 1959.

     Và cũng trong đời ông, khi dân Lào đang sống thanh bình, thì phía bên kia sông Mékong, vào mùa đông năm 1940, sóng gió của cơn đàn áp tôn giáo đã nỗi lên, do chính phủ Thái lan phát động, khiến một giáo lý viên gốc người Lào, đã phải hy sinh mạng sống vì niềm tin.

VIỆC TRUYỀN BÁ ĐỨC TIN CHO NHỮNG XỨ NGOÀI ÂU CHÂU.

     Từ thế kỷ thứ 15, nhờ khoa học và kỷ thuật phát triển, một số quốc gia Âu Châu có khả năng về hàng hải. Họ bắt đầu đi thám hiểm các miền xa lạ và chinh phục những xứ mà trước đây chưa ai biết đến.

     Bồ Đào Nha, rồi đến Tây Ban Nha, là hai « cường quốc » đầu tiên về hàng hải. Vì là những nước công giáo, có đức tin thâm sâu, nên khi tiếp xúc với những dân bản xứ, họ cũng ước mong cho những dân tộc này trở lại công giáo.

     Thuở ấy Đức Giáo Hoàng không có nhân viên truyền giáo và cũng chẳng có tiền bạc để tổ chức. Người giao phó sứ mệnh phúc âm hóa cho vua Bồ Đào Nha. Các Đức Giáo Hoàng Martin V, Đức Nicolas V và Đức Calixte III đã dành cho vua nước ấy được toàn quyền trong các xứ thuộc địa (Ấn Độ, Phi châu, Ba Tây). Vua có quyền bảo trợ các giáo hội  địa phương cũng như hưởng các quyền lợi.

     Đến năm 1492, Kha Luân Bố (Christophe Colomb) khám phá ra châu Mỹ, đem lại vinh quang cho Tây Ban Nha. Lập tức vua Tây Ban Nha cũng xin được hưởng những quyền lợi, và đặc ân mà Tòa Thánh đã dành cho vua Bồ Đào Nha trước đây. Vì thế năm 1494, do hiệp ước Tordevillas, Đức Giáo Hoàng Alexandre VI, theo một đường tưởng tượng từ bắc đến nam cực, đã chia Tân Thế Giới làm hai phần để cho Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

     Các xứ thuộc Á châu và Thái Bình Dương, vì không có gì định đoạt, nên người Tây Ban Nha, từ châu Mỹ, đã đi chiếm Phi Luật Tân. Chính nơi đây là đối tượng tranh chấp dằng dai giữa hai nước Tây- Bồ, mãi cho đến năm 1750 mới yên. Người Bồ Đào Nha thì đi về phía đông, chiếm Ấn Độ, Malacca và Macao. Vua Pháp, François I cũng bắt đầu đóng tàu và khước từ độc quyền của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Tuy nhiên lúc ấy Pháp đang bận chiến tranh ở Âu châu, nên không thể chia chọn được gì.

Bồ Đào Nha thiết lập tòa Giám mục tại Á châu.

     Năm 1498, Vasco da Gama vòng theo Hảo Vọng Giác tới Ấn Độ. Năm 1510, Alfonso d’Albuquerque chiếm Goa làm thành thủ đô : xây đền phó vương, tòa Giám mục, nhà thờ chính tòa (Ste Catherine), trường học, nhà thương, cửa hàng. Năm sau, ông chiếm Malacca. Năm 1576, tòa Giám mục Macao được thành lập và trở nên trung tâm truyền giáo cho Viễn Đông với nhà thờ, dòng tu và chủng viện. Quyền vua và nguyên tắc tạo ra quyền ấy.

     Như đã nói trên, các Đức Giáo Hoàng ủy thác cho vua Bồ Đào Nha bổn phận phúc âm hóa và quyền tổ chức giáo đoàn trong những xứ không phải là Âu châu. Vì thế nhà vua có quyền :

     -    Giới thiệu người cho Đức Giám Mục.

     -    Trực tiếp đặt linh mục chánh xứ, tuyên úy.

Có bổn phận :

     -    Giúp bổng lộc để các linh mục sống,

     -    Trả lương các giáo dân giúp việc đạo.

Vua được quyền và có bổn phận ấy vì :

     -    Có một phần quyền thiêng liêng.

     -    Có trách nhiệm về phần rỗi của thần dân ;

     -    Có trách nhiệm để tôn giáo đi đúng đường lối và trật tự trong xứ được bảo đảm.

     Hồi ấy quyền hành nầy được khắp nơi chấp nhận. Thánh Phanxicô Xavie đã thấm nhuần những nguyên tắc này, nên trong các thư từ, người thường nhắc lại các trách nhiệm tôn giáo cho vua Jean đệ tam.

     Cách tổ chức

     Các vị truyền giáo thường phải đi tàu Bồ Đào Nha, vì tàu lớn, trọng tải đến 2000 tấn, dung nạp hơn 1000 người. Những chuyến đi từ Lisbone đến Goa phải mất 7 tháng, thường gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm : yếu đau gây chết chóc trước khi đến nơi, bão tố đắm tàu. Từ năm 1580 đến 1640, nghĩa là chỉ trong vòng 60 năm, trong 323 tàu rời kinh đô Lisbone đi Goa thì đã có 70 chiếc bị mất tích.

     Các vị truyền giáo, dù dòng hay triều, người Bồ Đào Nha hay người nước khác đều phải tập trung về Lisbone, và qua một cuộc kiểm soát chặt chẽ (quốc tịch, chức vụ), họ phải đến trình diện nhà vua, vì chính vua quyết định số người được đi. Họ còn phải học tiếng Bồ nếu là người nước khác, và thề hứa trung thành với nhà vua.

     Trong suốt cuộc hải trình, cũng như những lúc về sau này khi đi làm mục vụ, các vị truyền giáo đều phải đặt dưới quyền điều khiển của một vị tu sĩ Bồ Đào Nha.

     Việc truyền giáo thuộc quyền Thánh Bộ Đức Tin

     Các vùng đất đai mới chiếm cứ thì quá rộng lớn mà số dân Bồ Đào Nha lúc ấy chỉ có hơn 1 triệu rưỡi người. Họ không đủ khả năng để đảm đương công việc lớn lao được giao phó, nên phải kêu gọi sự trợ lực của các dòng tu thuộc những quốc gia : Ý Đại Lợi, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Áo, Ba Lan…

     Các vị truyền giáo Bồ Đào Nha, trong thời gian rao giảng Tin Mừng, thường kêu gọi nhiều đến việc gởi các giáo lý viên, mà không lo dự phòng vấn đề truyền chức cho người bản xứ, mặc dù năm 1571, Đức Giáo Hoàng Pio V đã gởi thư cho vua Bồ Đào Nha đề nghị phong linh mục địa phương. Mặt khác, tại Âu châu lúc bấy giờ, phái Tin Lành lan rộng ở Đức, Hòa Lan, Anh. Các nước này lại có tàu bè đi biển, nên họ cũng sắp sửa « qua mặt » Bồ Đào Nha trong việc « chiếm đất dành dân » để bành trướng thế lực của họ.

     Tòa Thánh ắt hẳn đã thấy rõ những điều ấy, nên sau Công Đồng Trente (1544-1563), Đức Giáo Hoàng Pio V đã thành lập một ủy ban gồm 4 vị Hồng Y (về sau nới rộng đến 6, rồi 11 vị) để lo việc cổ động Đức Tin.

     Đến năm 1622, Đức Thánh Cha Grêgôriô 15 lại thành lập Bộ Truyền Bá Đức Tin (Propaganda Fide) để tiến hành công việc phúc âm hóa các dân tộc.

     Sau 3 cuộc điều tra vào năm 1625, 1628 và 1644, Bộ Truyền Bá Đức Tin nhận thấy có sự chia rẽ giữa các Giám Mục và tu sĩ, giữa các hội dòng. Một thiểu số không thực hiện đúng đán lý tưởng truyền giáo, lại có những khuynh hướng lệch lạc về thương mãi, chính trị, không cố gắng đủ để lo cho có linh mục bản xứ. Nhà cầm quyền phần đời lạm dụng việc đạo, mọi hoạt động tôn giáo phải qua trung gian chính phủ. Rôma không thể ban bố mệnh lệnh mà không phải hỏi ý kiến chính phủ Lisbone hay Madrid. Nói tóm là quyền hành của vua Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, trong việc truyền giáo, lớn hơn quyền của Đức Giáo Hoàng. Vì thế Đức Cha Ingoli, thư ký Thánh Bộ đã đề nghị đặt Đại Diện Tông Tòa ở các xứ truyền giáo và kể từ đó, Bộ Truyền Bá Đức Tin quyết định trực tiếp điều khiển việc phúc âm hóa.

     VIỆC TRUYỀN BÁ ĐỨC TIN CHO DÂN TỘC THÁI LAN

     Vào thế kỷ 16, do sự hiện diện của người Bồ Đào Nha, Thái Lan bắt đầu đón nhận ánh sáng Tin Mừng. Trong phái bộ sứ giả đầu tiên của Bồ Đào Nha do Alfonso d’Albuquerque hướng dẫn tới Ayuthia yết kiến vua Ramathibodi II vào năm 1517, người ta không biết có vị truyền giáo nào đi theo chăng.

     Các vị truyền giáo đầu tiên

     Điều người ta biết được là vào năm 1555, từ Malacca, hai vị linh mục dòng Đa Minh đã được gởi đến Ayuthia. Đó là cha Jérôme de la Croix và cha Sébastien de Canto. Cha Jérôme đã bị giết vào ngày 26.1.1566 và 3 năm sau, cha Sébastien de Canto cùng đồng số phận vào ngày 11.2.1569.

     Sau các cha Đa Minh là hai vị linh mục thuộc dòng Phanxicô, vào năm 1584, đã đến tiếp nối sứ mệnh rao giảng Tin Mừng. Và rồi đến lượt các cha dòng Tên : năm 1609, cha Baltazar Sequeira từ Ấn Độ sang, 20 năm sau, lại có cha Pedro Morejón từ Macao đến, rồi cha Tomaso Vulguarnera…

     Trong khi các vua chúa ở Việt Nam và Nhật Bản ban hành những sắc chỉ cấm đạo thì tại Ayuthia, các vua Xiêm vẫn còn tỏ ra thái độ khoan dung đối với Thiên Chúa Giáo. Năm 1622, vua Song Tham đã công khai cho phép theo đạo. Vua xin Đức Giám Mục Gonzalves de Silva ở Malacca gởi các linh mục đến Ayuthia để lo cho người Bồ Đào Nha. Ayuthia đã trở nên nơi dung thân cho các tín hữu bị bắt bớ tại Việt Nam và Nhật Bản đến ẩn náu, và cũng là nơi dừng chân chờ đợi cho các vị thừ sai, khi cơn giông tố bách hại đang còn hoành hành, chưa vào được nhiệm sở ở Việt Nam.

     Công lao đầu tiên, khi đem ánh đuốc đức tin soi chiếu trên phần đất Thái Lan, phải kể là của dân nước Bồ Đào Nha và một số dòng tu đã đáp ứng lời kêu gọi của họ, đến tham gia trong cánh đồng truyền giáo xứ này. Nhưng việc phúc âm hóa thực sự, chỉ được bắt đầu từ năm 1622, khi các vị truyền giáo trong Hội Thừa Sai Ba Lê nhập cuộc.

     Hội Thừa Sai Ba Lê (M.E.P)

     Đức Cha Lambert de la Motte và hai bạn đồng hành (cha Didier và cha Bourges) thuộc hội Thừa Sai Ba Lê đã đến Ayuthia ngày 22.8.1662 và sau đó hai năm lại có Đức Cha Pallu đến tăng cường.

     Hồi ấy, vương quốc Xiêm, về mặt thương mãi, là nơi gặp gỡ của các thương gia gồm 43 nước trên thế giới : Bồ Đào Nha, Anh, Hòa Lan, Hy Lạp, Ác Mê Ni, Trung Hoa, Ấn Độ. Về phương diện tôn giáo thì đã có 4 cha dòng Tên, 2 cha Đa Minh, 3 cha Phanxicô và 3 linh mục Bồ Đào Nha. Bốn nhóm truyền giáo này đều có nhà thờ riêng. Bổn đạo khoảng chừng 2000 người. Phần đông là người Âu ( Bồ Đào Nha) hay lai.

     Trên nguyên tắc, Đức Cha Lambert de la Motte (Giám mục Berythe) được bổ nhiệm làm Đại diện Tông tòa ở Nam Việt vá các tỉnh phía nam Trung Hoa, Đức cha François Pallu  (giám mục Héliopolis) làm Đại diện Tông tòa ở Bắc Việt và các tỉnh phía tây Trung Hoa. Song hai ngài chưa thể vào được Việt Nam vì cơn bách hại đạo theo lệnh Hiền Vương đang hồi khốc liệt. Mặt khác, căn cứ vào quyền bính được Tòa Thánh ban, các ngài có thể thi hành nhiệm vụ giám mục của mình trong những nơi mà các ngài đi qua. Sự việc này thoạt đầu cũng đã gây ra ít nhiều rắc rối khó khăn trong mục vụ.

     Năm 1665, chủng viện đầu tiên được thành lập tại làng Mahapram gần thủ đô Ayuthia ; Sử chép : vua Phranarai tiếp kiến Đức Cha Lambert de la Motte, đặt nhiều câu hỏi về nước Pháp. Sau hết vua hỏi : « ông cho rằng đạo của ông tốt hơn đạo của người Xiêm ? » ; Sợ phật lòng vua, Đức cha không trả lời trực tiếp mà chỉ trình bày những chân lý căn bản trong đạo. Khi nghe kể các phép lạ Chúa Giêsu và các thánh Tông đồ đã làm, vua bảo : « Tôi có người anh bại chân tay, nếu ông xin Chúa của ông chữa lành, tôi sẽ theo đạo » ; Lúc về nhà, Đức cha tập hợp các bổn đạo, kể lại lời hứa của vua. Đức Cha xin anh chị em giáo hữu  tin tưởng càu nguyện và chầu đêm trước Thánh Thể liên tiếp 3 ngày. Sáng ngày thứ tư, các quan chạy đến nhà thờ báo tin là ông hoàng đã cảm thấy chân tay mạnh khỏe, cử động dễ dàng. Đức cha xin các quan về tâu lại với vua : « Đó là nhờ sự cầu nguyện mà Thiên Chúa đã nhậm lời. Nếu vua giữ lời hứa, Chúa sẽ ban cho bào huynh được mạnh khỏa hoàn toàn, bằng không sẽ trở lại tình trạng cũ ».

     Vua do dự việc trở lại nhưng chấp nhận cho Đúc cha một thủa đất để xây cất nhà thờ và chủng viện ở gần thủ đô, tại làng Mahapram. Chủng viện này không những đào tạo các giaó sĩ người Xiêm, mà còn cho Việt Nam va Trung Hoa nữa. Chính nơi đây, vào năm 1668, Đức Cha Lambert de la Motte đã truyền chức linh mục cho những người Việt Nam đầu tiên là Gioan Huệ, Bênêditô Hiền, Giuse Trang, và qua năm sau cha Luca Bền.

     Giáo phận đầu tiên

    Năm 1669, Đức Giáo Hoàng Clêmente IX đã ban sắc chỉ thiết lập giáo phận tông tòa đầu tiên tại Xiêm. Người giao phó cho Đức Cha Lambert và Pallu trách nhiệm chọn một giám mục đứng đầu.

Năm 1674, Đức Cha Laneau được đề nghị. Từ đó, Tòa Thánh truyền dạy các linh mục, tu sĩ hiện diện tại Xiêm phải ở dưới quyền lãnh đạo của vị Giám mục Đại diện Tông tòa này.

     Vương quốc Xiêm, vào những năm thuộc hậu bán thế kỷ 18, bị quân Diến Điện xâm chiếm, nhất là năm 1767, khi kinh đô Ayuthia thất thủ, các cơ sở truyền giáo đều bị giặc cướp phá và triệt hạ hoàn toàn. Các vị truyền giáo, người thì bị bắt bớ tù đày, kẻ thì bị giết. Chủng viện ở Mahapram phải dời sang Hòn Đất tại Hà Tiên, nơi Mạc Thiên Tứ đang làm tỉnh trưởng, rồi sau cùng lại dời sang Pénang ở Mã Lai.

     Năm 1782, khi tướng Chakri lên ngôi hoàng đế (Rama I), những biện pháp khoan dung và hòa hoãn được mở ra cho người giáo hữu. Nhưng thời ấy lại không có các nhà truyền giáo nhiều, vì những khủng hoảng do cuộc cách mạng Pháp. Từ năm 1841, số giáo hữu gia tăng. Xiêm có hai giáo phận, đó là Vọng Các và Mã Lai, về sau có Malacca.

     Bành trướng lên Đông Bắc.

     Dịp Công Đồng Vatican I vào năm 1870, theo tường trình của Đức Cha Dupont, Đại Diện Tông tòa Xiêm, Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin thấy chỉ có những cơ sở truyền giáo ở trung tâm nước Xiêm mà thôi, nên Đức Hồng Y Tổng trưởng đã lưu ý Đức Cha về vấn đề mở rộng việc truyền giáo lên miền Đông Bắc và Ai Lao. Trở về Xiêm, Đức Cha Dupont chưa kịp  thực hiện gì thì thì ngài đã lâm bệnh và mất. Đức Cha Vey lên thay thế ngài.

     Đức Cha Vey, từ năm 1876, nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề, quyết định phúc âm hóa bắt đầu bởi các tỉnh giáp giới Ai Lao, đặt một trung tâm truyền giáo ở Ubon, làm điểm xuất phát đi các miền Đông Bắc.

Hai vị tiên phong được ủy thác sứ mệnh là cha Prodhomme và cha Xavier Guégo. Các ngài có nhiệm vụ, trước tiên là quan sát tình hình tổng quát miền Đông Bắc, sau là tùy trạng huống, đặt lằn mức cho việc rao giảng Tin Mừng trong tương lai.

     Ubon-Bungkathèo : Nhóm truyền giáo rời Vọng Các ngày 12.1.1881, gồm cha Prodhomme và cha Xavier Guégo, một thầy giảng và vài người giúp việc. Sau 102 ngày gian khổ, họ đã đến Ubon, địa điểm dự trù.

     Khi trình giấy nhà vua cho phép lưu thông và định cư bất cứ nơi nào trong vùng Đông Bắc, chính quyền địa phương đề nghị giao cho các ngài một làng bỏ hoang giữa rừng về phía tây thành phố Ubon, bên tả ngạn sông Mun : làng Bungkathèo. Sau hai tháng phát quang và dọn dẹp, làm nhà thờ, nhà ở Bangkathèo đã trở thành trung tâm công giáo đầu tiên của Đông Bắc, là trụ sở của các cha dừng chân, là trạm giao liên giữa Vọng Các với những vùng Nakhon Phanom, Sakon Nakhon, Udonthani, Nongkhai và các tỉnh ở Lào. Nơi đây về sai lại còn mọc lên nhà thờ Đức Bà Vô Nhiễm, trường học, viện mồ côi và dòng Mến Thánh Giá.

     Nhờ 3 nữ tu Mến Thánh Giá Bang Xang (tỉnh Samut Songkhram) là Thon, Piem và Phloi tình nguyện đến giúp, cha Prodhomme đã thành lập dòng Mến Thánh Giá Ubon do chị Thon làm bề trên. Năm 1889, tập viện đầu tiên được khai giảng với 18 tập sinh. Đến năm 1894, có được 9 chị khấn hứa.

     Nakhon Phanom-Vat Pa : Tháng 4 năm 1883, cha Prodhomme và Rondel, thầy giảng Thông cùng vài người giúp việc, sau khi dừng chân ít ngày Hua Dong Tan, đã đến Nakhon Phanom, nơi đây từ 17,18 năm về trước, có một số giáo hữu Bắc Việt đến tị nạn. Họ bỏ nước ra đi vì sắc chỉ cấm đạo của vua Tự Đức. Thời ấy, mặc dù có quan kinh lược Nguyễn Đăng Giai dâng sớ bênh vực công giáo, nhưng cơn bách hại vẫn diễn ra ngày càng khốc liệt.

     Trong khi cha Prodhomme và Rondel tiếp tục cuộc hành trình lên Nongkhai, Vientiane thì thầy giảng Thông ở lại liên lạc được với nhiều giáo hữu đồng hương. Lúc trở về, hai cha đã rửa tội cho 13 người vừa lớn, vừa nhỏ, hợp thức hóa cho 4 cặp hôn phối của cộng đoàn Vat Pa (vì họ đang trú ẩn gần ngôi chùa mang tên ấy) và hứa năm sau sẽ trở lại thăm viếng họ và cùng đi Sakon Nakhon vì vừa được biết, ở đó cũng có tín hữu Việt nam đang trốn lánh.

     Sakon Nakhon Tharè : Năm 1884, sau khi thăm viếng cộng đoàn Vat Pa, nơi cha Xavier Guégo và thầy giảng Thanh đang làm mục vụ, hai cha và thầy đi Sakon Nakhon thăm một số giáo hữu Việt Nam đang lánh nạn. Họ rất sung sướng vì 17,18 năm qua chưa gặp được cha thầy. Song ở đây, thường bị các cường hào, ác bá địa phương ức hiếp, nên họ đã rời xa làng ra khỏi Sakon Nakhon khoảng 10 cây số và định cư ở bờ hồ Nong Han, sau này gọi là Tharè.

     Vì nhu cầu mục vụ, năm 1922, khi cha Combourieu làm chánh xứ, đã gởi người đi thụ huấn ở Sieng Vang, rồi đem về lập dòng Mến Thánh Giá Tharè do chị Justa Piem, quê PakSane, làm bề trên. Cha Prodhomme, với sự hợp tác của các linh mục Xavier, Dabin, Combourieu, Sallio, Phring (Thái) và 6 thầy giảng vừa Việt vừa Thái, từ năm 1881 đến 1889 đã thành lập được :

     - Trong các tỉnh Ubon và Srisaket : 7 cộng đoàn

     - Các  tỉnh Sakon Nakhon, Nakhon Phanom, Udorm và Nongkhai : 18 cộng đoàn. Đặc biệt trong tỉnh Nakhon Phanom có cộng đoàn Song Khon, cách thành phố Mukdahan 30 cây số, ở hữu ngạn sông Mékong đã được nổi tiếng.

     - Tại lào : 13 cộng đoàn. Đáng chú ý hơn hết là Don Dône, chiếc nôi của Giáo Hội Lào và Sieng Vang, nơi có dòng Mến Thánh Giá của hai vị nữ tu tử đạo tại Song Khon.

Vườn hoa Giáo Hội Xiêm ngày càng khoe sắc thêm hương do các dòng nam, nữ lần lượt đến tô điểm :

Năm 1898 : Nữ tu dòng Bác ái St Paul de Chartres,

Năm 1901 : Các sư huynh St Gabriel,

Năm 1924 : Các nữ tu Ursulines,

Năm 1925 : Các chị Carmélistes

Năm 1927 : Các cha Salésiens,

Năm 1948 : Các cha Dòng Chúa Cứu Thế,

Năm 1954 : Các cha Dòng Tên.

     Ngoài ra, theo lời thỉnh cầu của cụ Phước Môn Nguyễn Hữu Bài, năm 1925, qua tông thư Ex Officio Supremo, Đức Thánh Cha Pio thứ XI đã thiết lập liên hệ ngoại giao với Việt Nam và Xiêm, do Đức Cha Constantino Ajutti làm khâm sứ. Trụ sở đặt tại Phủ Cam, Huế.

     Thành quả truyền giáo : Trước ngày xảy ra « Vụ Tử Đạo Song Khon », tình hình chung của Giáo hội Xiêm, theo lời Đức Cha Perros, đại diện tông tòa, coi sóc Giáo phận Vọng Các tuyên bố với Agence Fedès vào thánh 6 năm 1930 và theo thống kê của Annuario Pontificio năm 1936 cho thấy kết quả tương đối, sau 380 năm rao giảng Tin Mừng :

     Tổng số giáo dân : 32.872 người (trên số 11.506.207 dân toàn quốc, theo kiểm tra của chính phủ ngày 6.7.1929), 67 linh mục (28 linh mục Pháp thuộc Hội Thừa Sai Ba Lê, 39 linh mục bản xứ), 32 sư huynh St Gabriel (19 sư huynh người Pháp, 13 sư huynh bản xứ), 17 Carmélistes (3 Pháp, 1 Bỉ, 9 Việt Nam và 4 chị bản xứ), 16 nữ tu Ursulines, 10 linh mục Salésiens, 106 nữ tu Mến Thánh Giá người bản xứ, 37 đại chủng sinh, 2 tiểu chủng viện với 78 chú, 91 nhà thờ hoặc nhà nguyện, 8 trường trung tiểu học với 3747 học sinh, 107 trường sơ đảng tiểu học với 4638 em, 4 bệnh viện với 40 giường, 7 chẩn y viện với 7497 nguời tới khám, 14 cô nhi viện với 607 cô nhi, 1 viện dưỡng lão, 1 nhà in,  5 tờ báo với 3950 số.

     Hiện nay, Giáo Hội Thái Lan gồm có 2 tổng giáo phận Bangkok và Tharè Nongseng. Tổng giáo phận Bangkok gồm 5 giáo phận : Chathaburi, Chiang Mai, Nakhon Sawan, Ratchaburi và Surat Thani ; Tổng giáo phận  Tharè Nongseng gồm 3 giáo phận : Nakhon Ratchasima, Ubon Ratchathani và Udon Thani. Và theo Annuario Pontificio, năm 1987 thì hiện có : 424 linh mục (221 triều và 199 dòng),1586 tu sĩ (376 nam và 1210 nữ), 213.495 giáo dân trên 51.103.285 người dân ngoại quốc.

     VIỆC TRUYỀN BÁ ĐỨC TIN CHO DÂN TỘC LÀO.

     Ai Lao là xứ nằm sâu trong nội địa, không có lấy một tấc bờ biển, bao bọc bởi Việt Nam, Cao mên và Thái Lan, nên việc giao thiệp với các thương gia Âu châu, mà nhờ những tàu bè buôn bán của họ, các nhà truyền giáo đầu tiên mới có cơ may đặt chân đến, phải là muộn màng hơn các xứ cạnh bờ biển, hoặc có những sông ngòi tiện lợi cho sự lưu thông.

     Những tiếp xúc đầu tiên :

    Công việc việc phúc âm hóa cho dân tộc Lào bắt đầu từ thế kỷ 17 nhưng không có kết quả ; Năm 1641, phái đoàn Hòa Lan đến yết kiến vua Suriya Vongsa tại kinh đô Vientiane trong dịp lễ That Luong. Lễ này bắt đầu từ đêm trăng tròn tháng 12 Lào (khoảng hạ tuần tháng 11 dương lịch) và kéo dài đến 1 tuần để kỷ niệm việc vua Settathirat dời kinh đô từ Luang Prabang về đây, và xây tháp That Luong vào thế kỷ 16. Tuy nhiên người ta không rõ có vị truyền giáo nào trong phái đoàn này chăng.

     Tháng 4 năm 1642, cha Jean Marie de Leria cùng với 1 người bạn từ Cao Mên lên Vientiane và ở lại đó trong 5 năm. Khoảng năm 1650, một vài vị truyền giáo do Đức cha Pallu, giám mục đại diện tông tòa địa phận Đàng Ngoài (Việt Nam) sai đi, theo như chứng từ ngài viết vào năm 1660 : « Mặc dầu nhiều khó khăn, nhưng một vài vị truyền giáo cũng đã đột nhập vào đất Lào gần 10 năm nay » (Berthéas, Mission du Laos, trang 7). Sau khi được đề cử làm giám mục Đại Diện Tông Tòa ở xiêm, Đức cha Laneau không rõ ngài có quyền hành gì ở Lào  hay không. Đến lúc Tòa Thánh tách Nam Kinh (Trung Hoa) ra khỏi Xiêm, trong sắc chỉ nói về nhiệm vụ mới của ngài có câu : « Vương quốc Xiêm và các xứ lân cận » (lúc ấy chỉ còn Lào) nên ngài thấy có bổn phận phải lo cho Lào nữa.

     Năm 1683, Đức Cha Laneau đã sai cha Grosse thuộc Hội Thừa Sai Ba Lê và cha Angelo, dòng Phanxicô đi lo việc truyền giáo ở Lào. Song trên đường đi, hai ngài nhuốm bệnh mà chết trước khi đến nơi ; Những cố gắng từ Việt nam : vào những năm thuộc hậu bán thế kỷ 18, nhiều dự án và những cuộc ướm thử truyền giáo cho dân tộc Lào được các Đức Cha địa phận Đàng Ngoài  thực hiện : Tiếp nối ý định Đức Cha François Pallu trước đây, các giám mục kế vị không những nhiệt thành lo cho địa phận mà còn hăng say đem Lời Chúa rao giảng cho nước láng giềng Ai Lao.

     Năm 1771, Đức Cha Bertrand Reydellet, Đại Diện Tông Tòa địa phận Tây Bắc (Đàng Ngoài) đã phái hai thầy giảng Nhường và Xuyên đi quan sát tình hình và điạ điểm truyền giáo ; Từ Nghệ An, hai thầy theo sông Cả rồi đến sông Con, xem xét tình hình tỉnh Trấn Ninh, mà thời ấy các vị truyền giáo thường  gọi là Tiểu Lào. Hai thầy gặp được một số đồng hương đang trú ẩn trong miền rừng núi. Tình hình dân chúng Lào thì ở giữa các bộ lạc với nhau, thường hay gây chiến và chép giết nhau liên miên. Tuy nhiên cũngg có nhiều người bản xứ đã tỏ ra ước muốn tòng giáo, nếu hai thầy chịu ở lại với họ.

     Năm 1794, cha Lepavec đã theo sông Hồng lên truyền giáo ở Vân Nam. Lúc trở về, ngài tiến sâu vào nội địa Lào, gặp được một vài tín hữu Việt Nam tị nạn. Dân chúng địa phương, theo ngài nhận xét, cũng rất sẵn sàng để tiếp nhận Tin Mừng.

     Năm 1795, thừa sai Guérard (về sau là giám mục phó địa phận Tây Bắc) đi theo sông Mã lên miền Thượng du tiếp xúc với các bộ lạc Lào. Họ rất qúy mến và muốn ngài ở lại. Nhưng hồi đó, tại Bắc Việt, lại xảy ra cuộc bách hại đạo do mật lệnh của thái sư Bùi Đắc Tuyên. Cha Guérard không muốn giáo hữu Việt Nam phải mồ côi lạc lõng nên ngài trở về.

     Năm 1878, Đức cha Puginier, một trong những người kế vị Đức cha Reydellet, quyết định sai người đi truyền giáo ở Lào. Cha Fiot tình nguyện đi nên được Đức cha đặt làm trưởng nhóm. Ngày 3 tháng 11 năm 1878, cha Fiot, cha Nghi, chủng sinh Tất và 12 người khác, vừa thầy giảng và kẻ giúp việc, rời Thanh Hóa đi Lục Canh. Đến tháng 6 năm sau, họ tới Naham thuộc lãnh thổ Ai Lao, trong tỉnh Sầm Nứa.

     Bộ lạc Naham gồm có 727 người, raỉ rác trong 10 sơn thôn. Sau khi dựng nhà thờ, làm nhà ở, cha Fiot chia 10 sơn thôn ấy thành 3 khóm. Vào đầu tháng giêng năm 1880 công việc giáo dục bắt đầu. Trãi qua nhiều thăng trầm, đôi khi bị gián đoạn khá lâu vì chiến tranh, nhưng hạt giống Phúc Âm đã được gieo, sau những cơn mưa bão, nó lại nảy mầm trổ hoa, nên vùng truyền giáo có tên là « Chau Lao » này, đến năm 1958, số giáo hữu tính đến 5000 người.

     Ngày 14 tháng 2 năm 1958, Tòa Thánh đã tách tỉnh Sầm Nứa ra khỏi địa phận Thanh Hóa, để sát nhập vào tòa Giám Mục Đại Diện Tông Tòa Vientiane do các cha dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (OMI) điều khiển.

     Những cố gắng từ vương quốc Xiêm :

     Trong khi nhóm cha Fiot loan báo Tin Mừng tại tỉnh Sầm Nứa thì ở những vùng Đông Bắc Xiêm, nhất là trong tỉnh Nakhon Phanom, các cộng đòan quan trọng như Tharè (1884), Khamkoem (1885), Sieng Yun (1886), Song Khon (1887), Nong Sen (1888) cũng đã được cha Prodhomme, nhất là cha Xavier Guégo đặc biệt được xem là tông đồ tòan vùng này gây dựng.

     Ngày 12 tháng 1 năm 1881, theo lệnh Đức cha Louis Vey, đại diện Tông Tòa Bangkok, hai ngài nhận lãnh sứ mệnh đến truyền giáo tại các vùng giáp giới Ai Lao, những nơi dân cư đông đúc và đa số là người Lào. Dân chúng địa phương trở lại đạo ngày càng đông. Thêm vào đó, hàng trăm nô lệ được cha Prodhomme  giải thoát đã xin theo ngài, tổng số dự tồng trong các cộng đoàn ngày càng lên cao.

     Những cuộc trở lại, việc lập làng công giáo và sự can thiệp của hai cha tại tòa án Xiêm, để chuộc lại hoặc giải thoát nô lệ, khiến các quan chức địa phương ghen ghét, tìm cách ngăn trở và phá hoại. Tổng Đốc Phaja Chan quyết định tẩy trừ các nhà truyền giáo và tiêu diệt tín hữu Tharè.

     Trước khi thi hành thủ đoạn, ông dùng ốc sên để đón điềm : trên mặt bàn, ông đặt ba con ốc sên theo hình tam giác. Con thứ nhất tượng trưng cho chính quyền, con thứ hai là truyền giáo, con thứ ba là dân chúng. Điều muốn biết là về phía con nào, hai con kia phải hướng đến. Sau tiếng gõ làm hiệu và mấy giây im lặng ngột ngạt, quyết định cho hàng trăm sinh mạng người có đạo, hai con tượng trưng cho quan và dân chúng bắt đầu  động đậy rồi vươn mình bò tới con tượng trưng nhà truyền giáo. Con này thì yên lặng cách hiền hòa như chờ đợi, như tiếp đón. Đối với họ, đó là dấu chỉ mọi người phải phục nhà truyền giáo, tức là phải theo đạo Thiên Chúa. Quan Phaja Chan mất bình tĩnh tuy nhiên, về sau ông vẫn truyền lệnh tấn công làng công giáo Tharè. Ba lần khởi binh, theo họ kể lại, thì ba lần đều gặp ngay điềm gở, buộc họ phải lui quân.

     Don Dône, nền móng Giáo Hội Lào : Được cha Prodhomme giao việc coi sóc cộng đoàn Khamkoem, vào đầu năm 1886, cha xavier Guégo đã đem một số tân tòng trong cộng đoàn này đến định cư ở Don Dône, một đảo nhỏ nằm giữa sông Mékong thuộc lãnh thổ Ai Lao.

     Don Dône cách Nakhon Phanom chừng 6 cây số về phía Bắc, dài độ 5 cây số và rộng 1 cây số. Từ xưa nay, đảo này nổi tiếng là nơi linh thiêng, chẳng ai dám bén mảng tới, vì sợ thần thánh sẽ vật chết. Một hôm, cha Xavier đề nghị với giáo lý viên của ngài đi thám hiểm đảo ấy. Anh chấp nhận đi, nhưng mang theo một chai nước phép và bốn năm trẻ nhỏ. Chiều đến, khi anh trở về, thấy quần áo tả tơi, cha Xavier hỏi :

     -    Các hung thần đã xé áo quần con à ?

     -    Thưa cha, quả đúng là nơi qủy thần ở, vì chỉ thấy toàn trâu và heo rừng à !

     -    Thế thì ngày mai chúng ta trở lại, tặng cho mỗi chú vài viện kẹo đồng.

     Mấy ngày sau khi nghe tin người công giáo táo bạo, theo lệnh ông cha, dám xâm nhập đất thiêng và to gan giết trâu ăn thịt, mọi người trong vùng đều ớn tóc gáy, bảo nhau : thế nào rồi cũng sẽ bị thần thiêng trừng trị. Nhưng ngày nọ qua ngày kia, 23 con trâu mập ú lần lượt ngã lăn trước tay súng của người công giáo, trở nên thực phẩm ngon lành cho họ trong thời gian đầu khai phá rừng rẫy.

     Don Dône đã trở thành địa điểm truyền giáo đầu tiên của giáo hội Lào. Nơi đây về sau (1891) được xây chủng viện và linh mục tiên khởi là cha Theng, đã chịu chức vào năm 1932. Theo truyền thống, địa điểm truyền giáo Don Dône, công lao của cha Xavier Guégo, vẫn được coi là nền móng đầu tiên của giáo hội Ai Lao. Chính từ Don Dône mà nhiều làng công giáo như Bak Bang Hieng, Pong Kiu, Ban Bung Hua Na, Dong Mak Ba, Sieng Vang được thành lập quanh vùng Thakhek.

     Keng Sadok và Paksane : Trong thời gian cha Xavier Guégo hướng công việc truyền giáo về phía tả ngạn sông Mékong, hăng say đem Lời Chúa rao giảng cho dân tộc Lào trong vùng Thakhet, thì cha Rondel, kẻ thay ngài làm chánh xứ Khamkoem, năm 1888, đã cùng với hai giáo lý viên lên lập cộng đoàn Keng Sadok, cách Vientiane khoảng 200 cây số ở phía đông, bên tả ngạn sông Mékong thuộc đất Lào.

     Khi được chỉ định coi sóc Keng Sadok, năm 1893, cha Célestin Delalex lại đi mở thêm cộng đoàn mới ở cửa sông Sane, trên đất thành phố Borikan bỏ hoang, tức là cộng đoàn Paksane. Khó khăn về chính trị : bắt đầu từ năm 1892 nảy sinh những khó khăn giữa Pháp và Xiêm : không khí ngột ngạt khắp nơi cho thấy viễn tượng chiến tranh, hai bên rình rập nhau. Trong giai đoạn tế nhị này, các nhà truyền giáo phải hết sức khôn khéo và thận trọng : chỉ lo việc đạo mà thôi.

     Do hiệp ước ngày 3.10.1893 giữa Xiêm và Pháp, sông Mékong từ hằng thế kỷ trước là trung tâm đời sống dân Lào, nay đã trở thành ranh giới chia cắt hai nước. Phía tả ngạn thuộc về Pháp, vì Ai Lao đã nhận sự bảo hộ. Người ta tưởng có sự thay đổi về chính trị này sẽ có nhiều người trở lại hơn. « Nhưng khốn nỗi, nước Pháp, đúng hơn là chính phủ Pháp lúc bấy giờ đã khước từ vai trò bênh vực Đức Tin công giáo trong thế giới » (M.Berthéas, la Mission du Laos, page 40). Cho nên thành quả thu đạt được cũng chẳng có gì sáng chói, ở phiá tả cũng như hữu ngạn sông Mékong.

     Tuy nhiên cũng đừng nên quên sự thành lập, vào năm 1895, trụ sở công giáo ở Bassac do cha Louis Couasnon, mà ít năm sau đã mọc lên ngôi nhà thờ xinh đẹp tồn tại cho đến ngày nay.

     Sieng Vang : Sieng Vang nằm dọc theo tả ngạn sông Mékong, cách Thakhet 30 cây số về phía Nam. Cộng đoàn gồm người Việt và người Lào do cha Xavier Guégo thành lập vào năm 1897. Sieng Vang đã cung cấp cho giáo hội Lào vào buổi sơ khai một linh mục bản xứ và nhiều linh mục Việt. Tại đây, vào năm 1919, dòng Mến Thánh Giá đã được thành lập (theo cha Sion dòng OMI, chính là dòng Mến Thánh Giá ở Nong Seng dời qua) do chị Maria Man (cố vấn dòng Mến Thánh Giá Ubon) mà người ta thường gọi là Mẹ Michèle làm bề trên. Hai chân phúc tử đạo Agnès Phila và Lucie Khambang đã xuất thân từ dòng này.

     Giáo Phận Tông Tòa đầu tiên : một kỷ nguyên mới mở ra cho Giáo Hội Lào : ngày 24/5/1899, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII ký sắc chỉ thiết lập Giáo Hội Tông Tòa Ai Lao, gồm vùng Đông Bắc Thái Lan (15 tỉnh) và cả nước Lào (trừ Sầm Nứa và Attopeu), đặt Đức cha Joseph Marie Cuaz làm đại diện Tông Tòa. Ngài được tấn phong tại Vọng Các do Đức cha Vey, và tháng 11 năm ấy, đến Nong Seng nhận chức đúng vào dịp các cha toàn vùng hội họp cấm phòng hàng năm. Giáo phận mới này gồm có 21 linh mục, 9262 tín hữu và 1761 dự tòng. Năm 1913, vì lý do sức khỏe, Đức cha Cuaz xin từ chức và cha Prodhomme được chọn làm giám mục kế vị. Ngài được tấn phong tại Sài Gòn vào ngày 14 tháng 11 năm ấy do Đức Cha Quinton, giám mục điạ phận Tây Nam Sài Gòn, trước sự hiện diện của hai Đức cha Bangkok và Phom Penh.

     Mọi người vui mừng thấy vị sáng lập vùng truyền giáo Đông Bắc Xiêm và Ai Lao được Tòa Thánh cất nhắc lên địa vị xứng đáng. Song le, chẳng bao lâu, Đức cha Prodhomme phần thì đã quá yếu mệt, sau nhiều năm hoạt động. Phần thì lo âu, bởi 21 trong 35 linh mục của địa phận bị gọi nhập ngũ do đệ nhất thế chiến ở Châu Âu. Phần thì buồn phiền, vì năm 1918, cha Xavier Guégo, người đồng sáng lập vùng truyền giáo, là cánh tay mặt của ngài, đã bị bệnh mà mất. Do đó, sức khỏe của Đức cha ngày càng giảm sút trông thấy, dù đã đi chữa trị tại Sài Gòn. Ngày 20/8/1920, Đức cha bị não cân tê liệt và chết tại Nong Seng.

     Hoạt động của Đức Cha Gouin, chia địa phận : Sau khi Đức cha Prodhomme mất, Tòa Thánh đã chọn cha Ange Marie Gouin, chánh xứ Keng Sadok làm Đại Diện Tông Tòa Ai Lao. Ngày 1/10/1922, ngài được tấn phong giám mục tại Nong Seng do Đức cha Perros.

     Giáo phận Ai Lao (Đông Bắc Thái Lan và Lào) lúc ấy đã có ba dòng Mến Thánh Giá bản xứ : Ubon, Sieng Vang và Tharè, nhưng không một dòng nào có hiến pháp. Chính tại Ubon, nơi có 4 nữ tu Saint Paul de Chartres ở Sài Gòn qua huấn luyện, cũng chỉ có một cuốn tập viết tay, trong ghi các giờ giấc kinh nguyện và bổn phận hằng ngày. Đức cha Gouin đã dựa vào luật dòng Mến Thánh Giá Việt Nam soạn ra lề luật cho ba dòng nữ địa phận này, và ban hành vào năm 1928.

     Cũng trong đời ngài, tại Thakhek, có một ít người Pháp, và một số rất đông người công giáo Việt Nam làm việc trong các công sở, hoặc ở công trường, làm nghề buôn bán hay ngư nghiệp, nên năm 1932, cha Victor Barbier và về sau, lại có cha Hữu, từ địa phận Vinh, đã lên đây giúp việc mục vụ. Thấy số giáo hữu đông và sự sinh động của người Việt, cha Barbier đã ôm ấp nhiều hoài bão. Để thực hiện, ngài kêu gọi sự hợp tác của các nữ tu dòng Bác Ái Thánh Jeane Antide Thouret ở Besançon, Pháp. Bốn chị đầu tiên là Marie Céleste, Marie Genevière, Annonciade và Anastasie  từ nhà tỉnh La Roche sur Foron (Pháp) đã được gởi tới Thakhek chiều ngay13/1/1933, nhằm áp lễ phong thánh cho chân phước Jeane Antide Thouret, vị sáng lập dòng của họ.

     Thời gian sau, nhiều chị khác được dòng tiếp tục gởi sang, nhiều thiếu nữ Việt Nam và Lào xin vào tu luyện chẳng bao lâu, nhà dòng đã có mặt hầu khắp nước Lào : Thakhek, Vientiane, Paksé, Xiengkhouang, Savannakhet và Luang Pra Bang. Họ còn bành trướng tới Việt Nam, mở trường dạy học tại Thạch Hãn, Quảng Trị.

     Cái ưu tư lớn nhất của Đức cha Gouin là mảnh đất trách nhiệm của ngài quá rộng. Ngài cố gắng đi tìm một Hội dòng Thừa Sai để giao phó một phần. Nhờ trung gian Đức Khâm Sứ Dreyer, ngài đã liên lạc được với dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm (OMI). Họ thuận nhận lãnh trách nhiệm miền Bắc Ai Lao.

     Ba cha dòng đầu tiên, ngày 9/1/1935, đã đến Thakhek. Hai vị ở lại tại đó, người thì học tiếng Việt, kẻ thì học tiếng Lào, còn cha Mazoyer là trưởng nhóm thì đi thẳng lên thủ đô Vientiane. Đến nơi, nhờ cha Excoffon, người trước đây đã phụ trách việc truyền giáo ở vùng này hướng dẫn, mặc dù tuổi tác đã trên ngũ tuần, cha Mazoyer lúc đi thuyền, khi đi lừa, nhiều đoạn đường hiểm trở phải lội bộ, rảo khắp vùng Đức cha Gouin muốn giao phó : một khu vực có nhiều bộ lạc và ngôn ngữ khác nhau (ít nhất cũng trên 28 sắc tộc với 28 thổ âm khác nhau), phong tục tập quán không bộ lạc nào giống bộ lạc nào.

Ngày 18/6/1938, theo như phúc trình và lời thỉnh cầu của Đức cha Gouin, Thánh Bộ Truyền Giáo đã ban sắc chỉ thiết lập Phủ Doãn Tông Tòa Vientiane và Luang Pra Bang, bổ nhiệm Đức cha Mazoyer làm Phủ Doãn. Trụ sở của ngài đặt tại Vientiane. Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm được tự lập trong sứ mệnh loan truyền Lời Chúa cho miền Bắc Ai Lao.

     Phủ Doãn Tông Tòa này, ngày 13/5/1952, đã trở thành giáo phận Tông Tòa Vientiane với Đức cha Etienne Loosdregt như là vị Giám mục đầu tiên. Thấy số việt kiều trong vùng trách nhiệm kha đông đảo, linh mục người việt của dòng lúc ấy, chỉ độc nhất cha Joseph Võ Quang Linh, Đức cha Loosdregt nhận thấy cần thêm thợ gặt người Việt. Nhân cuộc họp các Đức cha tại Đà Lạt, ngài đã ngõ lời với Đức cha Phêrô Ngô Đình Thục, Tổng Giám Mục giáo phận Huế. Kết qủa là hai chị Dòng Mến Thánh Giá Huế : Lucie Kinh và Madeleine Tiên, vào tháng 8 năm 1962, đã đặt chân lên đất « Triệu con voi » của vua Pha Ngum.

     Ngày 1/3/1963, Thánh Bộ Truyền Giáo lại công bố sắc lệnh thành lập Giáo phận Tông Tòa Luang Pra Bang (gồm Luang Pra Bang, Phong Saly, Hua Khong và Saya Buri), tách khỏi Giáo phận Tông Tòa Vientiane, đặt Đức cha Berti coi sóc. Giáo phận mới này vẫn ủy thác cho Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm quán xuyến như trước. Giáo phận Tông Tòa Lào đầu tiên bây giờ còn lại Trung và Hạ Lào với 15 tỉnh của Thái Lan, vẫn do Hội Thừa Sai Ba Lê đảm nhận.

     Ngày 26/1/1963, Savannakhet được thành lập và đến năm 1967 Giáo phận Tông Tòa Paksé lại được thành hình. Lào hoàn tòan tách khỏi Giáo phận Tharè Nong Seng.

     Thành quả truyền giáo : Việc truyền giáo cho dân tộc Lào, như đã trình bày trên, bắt đầu từ thế kỷ 17. Vị được sử sách ghi lại trong thời kỳ này là cha Jean Marie de Leria thuộc dòng Tên (SJ), đã giảng đạo tại Vientiane trong vòng 5 năm, rồi sau đó, các nhà truyền giáo  Thừa Sai Ba Lê. Tuy nhiên, theo truyền thống, « năm và nơi sinh »  của Giáo Hội Lào vẫn được coi là năm 1886 tại đảo Don Dône. Người giúp cho nó ra chào đời là cha Xavier Guégo thuộc Hội Dòng Thừa Sai Ba Lê (MEP)

     Vì thế, các cộng đoàn công giáo Lào ở hải ngoại, đã giành trọn năm 1986 để tạ ơn Chúa, kỷ niệm Giáo Hội Mẹ được 100 tuổi. Dịp này, Dức Thánh Cha Gioan Phao Lô II, trong buổi triều yết chung tại quảng trường Thánh Phêrô đã ca tụng : « Tôi muốn bày tỏ với mọi người sự thán phục của tôi về lòng kiên trung, và can đảm vững chắc của họ trước mọi thử thách ».

     Cũng như  Giáo Hội Việt Nam, từ ngày cộng sản lên nắm quyền hành, Giáo Hội lào gặp rất nhiều khó khăn. Đức Cha Thomas Khamphan, Giám mục Paksé, sau hơn tám năm tù đày mới được thả hôm tháng 8/1989.

     Hiện nay, Ai Lao có bốn Giáo phận Tông Tòa : Luang PraBang, Vientiane, Savannakhet và Paksé với ba giám mục bản xứ, được phong chức vào năm 1975. Theo Annuario Pontificio năm 1989 thì có : 68 linh mục (11 triều và 57 dòng) ; 195 tu sĩ (63 nam và 132 nữ) ; 35.000 tín hữu trên 2.874.000 người dân trong toàn quốc.

Sư Huynh Trần Công Lao

Bài viết khác