Thứ Tư, 22 Tháng Tám, 2012

Somsanouk, một ước mộng thực hiện và bị đỗ nát

Somsanouk, một ước mộng thực hiện và bị đỗ nát

    Bản dịch theo tập tài liệu DOCUMENTATION OMI số 68/67, ra ngày 1/8/1976 do cha Jean OLIVIER, linh mục dòng Hiến sĩ (OMI), một nhà truyền giáo tại đất Lào tường thuật.

     Cha J.OLIVIER là một trong 114 vị linh mục dòng Hiến sĩ (OMI). Ngài đã thực hiện một mộng ước, đã thấy mộng mơ thành hình và vững chắc trong gần 10 năm, nhưng Ngài không phải là một mình tự lập nên công việc. Có thể ghi lại đây những thành tích vẻ vang bằng cách nào mà các linh mục dòng Hiến sĩ (OMI), đã thực hiện những công trình của họ, đã giúp cho người nghèo khổ tận dụng những công việc tốt đẹp đó trong vòng 30 năm kể từ năm 1935 đến năm 1975…

     Nhưng Ngài đã thấy trước mắt công trình của mình trong 10 năm xây dựng đã bị đổ vỡ trong một vài tiếng đồng hồ. Bài tường thuật sự thực hiện và sự đổ nát của ảo mông này muốn thành lời ca ngợi hầu hết mọi công trình của tất cả những ai muốn ôm ấp những ảo mộng đó. Giáo Hội ở Lào vẫn tiếp tục,có lẽ không giống trước, nhưng sẽ tồn tại vì Thiên Chúa luôn ở giữa dân tộc Người.

     Những bước đầu : ngày 1/4/1965, tôi nhận Bài sai đi Vang-Viêng, một miền gồm 10.000 dân cư, ở mạn Bắc Vientiane trên quốc lộ 13 dẫn về Luang Prabang. Công việc đầu tiên của tôi sẽ là qui tụ những tín hữu rãi rác các vùng đi di cư từ Xiêng Khouang và Samnua về, những miền do Lào cộng chiếm. Hồi đó Vang Viêng chưa có linh mục đến ở nên tôi phải tịm hết mọi cách để tiếp xúc với dân chúng ở đấy. Họ có nguồn gốc và phong tục hoàn toàn khác biệt nhau. Số đông là người Lào từ Samnua về, ngoài ra gồm những dân tộc thiểu số như : Hmong, Khmu và Yao. Tôi đã thuê được nhà ở trung tâm VangViêng và từ đó tôi bắt đầu hoạt động trong tất cả các khu vực chung quanh.

     Những cuộc tiếp xúc đầu tiên : Từ đầu tháng bảy, tôi đă gặp những người cùi. Họ là những người bị coi là hay lây nhiễm và xã hội ruồng bỏ. Họ sống đơn chiếc trong rừng. Ông Nai-Nhong là người tôi đã đi thăm trước hết. Em của ông ta bằng lòng dẫn tôi vào đường rừng tới nhà, việc dẫn đi không thành vấn đề, nhưng khi tới nơi, ông ta đập vào cành tre báo hiệu cho Nai-nhong biết có người tới thăm hoặc bới lương thực đến. Tôi đi vào một mình, từ đàng xa, thấy tôi, ông ta sợ hãi và muốn chạy trốn vào rừng nhưng tôi đã trấn an ông ta và cuộc đàm thoại bát đầu. Ông ta trạc 40 tuổi, sống một mình ở đây từ 17 năm nay, thỉnh thoảng ông ta về thăm làng thì bị dân làng đuổi mắng và cấm ông không được tắm ở con sông có nước chảy cách đó 10 m. Nhà ông ở là một nhà sàn nhỏ lối 3 m cao 2m. Chúng tôi chuyện trò một lúc rôi tôi từ giả ông ta và hứa sẽ tìm dịp đến thăm lần khác. Vài ngày sau, tôi đi tìm gặp một gia đình khác. Ông chồng không bị bệnh, nhưng bà vợ phê bại, bệnh cùi đã làm bà mù mắt. Đứa con gái chừng 20 tuổi không thể đi lại được, cô ấy đã bị bệnh từ lúc nhỏ. Người chồng nói với tôi : từ 10 năm nay cái khổ nhất là sự đơn chiếc, đôi khi chúng tôi nghe tiếng động ở trong rừng, tưởng là có người tới… nhưng không, đó chỉ là một vài con vật chạy kiếm mồi. Đêm thì thật dài, và khi cơn sợ hãi đến, họ không có ai để được trấn an. Chúng tôi là những người bị dân làng ruồng bỏ và bị coi như những loại người không giống họ.

     Đài phát thanh bằng ống tre : Khi tôi vừa mới bắt đầu săn sóc cho những người đầu tiên, thì những bệnh nhân khác tự báo hiệu cho nhau hay là đem nhau từ các làng xa xôi tới. Radio ống tre là đài phóng thanh tuyệt đối ở Lào hồi đó. Những tin tức được chuyển đi rất xa và rất mau lẹ. Không bao lâu, tôi đã có đông đúc người bệnh và cứ thế càng ngày bệnh nhân càng tới tấp nập. Vào tháng chín, ông ROUAULT, một bác sĩ người pháp lãng trách nhiệm lo cho bệnh cùi ở Lào, ông đến thăm tôi và nhất là chỉ là cách thức phải săn sóc bệnh nhân thế nào cho chóng hiệu nghiệm. Trước số bệnh nhân bất hạnh lạc loài đó, ý nghĩ tụ họp họ lại thành nhóm phát sinh trong tôi thật mau lẹ. Có lẽ cũng có người đặt câu hỏi « tại sao phải nhóm họ lại… ». Dĩ nhiên là bởi vì họ bị xã hội ruồng bỏ, họ không thể sống chung trong làng mạc, bên bà con thân nhân được mặc dầu họ cũng là người có lý trí, có con tim như chúng ta, biết yêu thương, biết sợ hãi, mong tìm sự an ủi và nâng đỡ trong cuộc sống xã hội giống như mọi người chúng ta. Nhưng họ bệnh hoạn va thiếu thốn ư ? Chúng ta nên nhớ rằng những người cùng cảnh ngộ thường hay dễ thông cảm và thương nhau hơn. Vì thế trong tập thể họ sẽ giúp đỡ lẫn nhau, kẻ mạnh nâng đỡ người yếu. Nếu có một làng riêng cho họ, họ sẽ chóng trở thành những con người bình thường, và tôi thiết nghĩ đó cũng là yếu tố để giúp họ tự chữa lấy bệnh hoạn mình.

     Mặt khác là chiến tranh kéo theo bao nhiêu sự đe dọa, sợ hãi và chết chóc. Nhiều Linh mục đã chết từ năm 1960 trong rừng. Những người cùi tập trung tại một chỗ tránh bom đạn… vì thế tôi phải làm gấp rút. Tuy nhiên ý nghĩ nẩy sinh từ 1965, nhưng mãi hai năm sau, và khoảng tháng 11/67 tôi mới bắt đầu thực hiện. Mọi người đều đồng ý việc lo săn sóc bệnh nhân, nhưng tụ họp họ lại là vấn đề khó giải quyết. Trước hết phải tìm miếng đất khá rộng đủ cho chừng 40 bệnh nhân được xác nhận là bị cùi đang sống heo hút trong rừng, phải đủ cho mọi người một căn nhà và mảnh vườn nhỏ để trồng trọt. Nếu chúng ta muốn cho họ tự tin vào mình thì cần phải tạo cho họ phương tiện để tự cung cấp lấy cho mình đầy đủ.

     Sợ nhiễm vi trùng : Đầu năm 1967 những người phong đã tìm được một giãi đất và tỉnh đã chấp nhận đơn xin, nhưng dân làng Huei Mo chống đối về dự định này. Huei Mo ở về mạn hạ lưu của con sông băng qua đám đất. Theo họ nếu dòng nước chảy về làng và như thế họ sẽ nhiễm bệnh phung hết, vì thế, họ phải bỏ mảnh đất và đi tìm chỗ khác. Lần này khá may mắn, họ tìm ra một chỗ đất không có làng mạc ở nơi mạn dưới con sông, nhưng lại có dân cư ở thượng lưu sống. Khi hay biết ý định, dân làng làm tờ phản kháng lên tòa theo dòng nước lên tòa thị trưởng, lấy cớ là người phung ở đó, tắm sông và vi trùng sẽ chảy ngược theo dòng nước len tới họ… nhờ ủy ban chức trách can thiệp chúng tôi mới giải quyết ổn thỏa. Thế rồi việc khai đất và phát bụi bắt đầu, họ đốn tre, đốn gỗ… nhờ có ban công chánh do lính Mỹ điều khiển đang sửa đường tới giúp tay nên việc trang trãi thật mau lẹ. Sang phần dựng nhà, họ xây cất chừng 20 nhà nhỏ, hầu hết là những bệnh nhân phế không đi lại, không làm việc nặng được nên tôi thử kiếm nhân công ở ngoài vào, nhưng vô ích, họ sợ nhiễm bệnh nên nhóm thứ nhất chỉ tới làm khoảng 24 tiếng đồng hồ rồi bỏ đi. Tôi lại gọi nhóm khác, lần này họ can đảm hơn chút nhờ có tiền lương tôi đề nghị cao hơn.

     Làng mạc và hôn nhân : tháng giêng 1968, chúng tôi đã dựng xong chừng 12 căn nhà. Bây giờ bệnh nhân có nhà ở và có làng riêng của họ. Họ tự lập và mưu sinh lấy. Họ tìm lại được đời sống tập thể mà họ phải bỏ rơi từ mười mấy năm nay. Chiều đến, các gia đình, cha mẹ con cái tụ tập nhau lại để hàn huyên tâm sự. Họ thường hay kể lại những tháng năm trôi qua heo hút và cô đơn trong rừng, nhưng thời gian mà họ có cảm giác như đêm dài vô tận và nhiều sự đe dọa sợ hãi khác. Một người đã nói vói tôi : « chúng tôi đã chết, nay tìm lại được sự sống ». Họ vừa mới ở làng được vài tuần đã nghe bàn bạc nhau việc dựng vợ gã chồng. Mỗi tuần tôi đến hai lần, thăm cùng săn sóc thuốc men cho bệnh nhân. Ông tỉnh trưởng muốn tỏ ra thiện cảm với dân làng nên đã tự ý tới thăm và đặt tên làng Somsanouk « làng hạnh phúc ».

     Tổng mộ dân mới : tháng 3/68 tôi về Vientiane gặp cha Lucien Bouchard, một cha Hiến sĩ người Mỹ đã thường đi lại các vùng phía Bắc Lào để thăm viếng nhóm người di cư từ các nơi bị chiến tranh chạy về. Ông ta tỏ ra chán nản vì bên cạnh Muong Hiem phía bên kia Xieng Khuoang, có một nhóm người phong bại ở đó đã mấy chục năm nay do cha Gauthier lập. Bấy giờ họ bị đe dọa, cộng sản tới và đuổi đi, nhưng họ sẽ đi về đâu. Ông đề nghị với tôi nên đưa về Somsanouk. Tôi suy nghĩ và đồng ý trước khi trình lên tòa tỉnh trưởng. Chiều hôm đó hai chiếc trực thăng hạ cánh, cho người và vật liệu đến Somsanouk, và cứ thế các bệnh nhân cứ tiếp tục tới ngày này qua ngày khác. Trong đó có chừng 100 bệnh nhân phần nhiều là dân thuộc tộc dân Hmong. Mùa mưa chưa tới nên mọi người có thể tạm sống chung trong những mái nhà nhỏ đó và tức khắc họ lại bắt đầu dựng thêm nhà. Sau 15 ngày, mỗi người đều có nhà ở của mình. Được sống ở một miền có khí hậu mát mẻ và khoan khoái, tuy nhiên những người mới vẫn chưa thích ứng được, suốt mấy tháng đầu những cơn sốt rét rừng đã hành hạ họ.

Cuối tháng 4, tôi về Pháp nghỉ hè. Trong thời gian tôi vắng mặt, cha Michel thay tôi, và tháng 4 và tháng 11, Lào đã nhận được một số tiền trợ cấp từ Pháp gửi về cho bà hoàng Souvana Phouma, phu nhân thủ tướng lạc quyên ở đài truyền hình Pháp. Làng cùi sẽ nhận được 50 tấn gạo và một số lớn thuốc chữa bệnh.

     Cuối năm 1968, làng lại trở nên quá nhỏ hẹp. Ban đầu chỉ tính cất cho chừng 60 bệnh nhân, nhưng hôm nay con số đã vượt quá 250 người. Ngoài số người do cha Bouchard đưa tới, người ta còn tìm được một số đông khác ở các vùng phụ cận Vang Viêng. Vì thế chúng tôi phải bắt buộc dời vị trí. Vả lại, chính phủ đang xây đập Namngum, nước ứ trào lên tới tận làng, phía đầu làng nước đã dâng cao chừng ba mét. Chúng tôi phải đợi hơn một năm nữa mới di chuyển được, mặc dầu mọi người chỉ còn ở đây có một năm, nhưng ai cũng tính chuyện cần phải có trường học cho con em trong làng. Trẻ con chừng 30 em, chúng lang thang phá phách. Ngày 1/1/69 trường học được khai giảng. Một giáo viên làng lảnh dạy con em, người này có học ba bốn năm hồi còn nhỏ. Làng bây giờ không còn dễ dàng như những tháng đầu, không còn tinh thần gia đình đầm ấm như xưa. Những dân mới phần nhiều do chủng tộc riêng biệt và từ các làng mạc khác nhau mà đến. Mỗi người giữ thói tục và truyền thống của mình. Sự xích mích và đụng chạm giữa các bè đang bắt đầu xuất hiện. Vì vậy mà bổn phận người thôn trưởng phải rất tế nhị. Ai muốn sống trong khung cảnh này, điều cốt yếu là phải có tinh thần cộng đoàn, tinh thần tương thân tương ái. Dần dần những kẻ cứng đầu chỉ biết lợi dụng và ích kỷ riêng mình sẽ bị mời trở về nguyên quán.

     Quân đội trốn thoát : tháng 11/69, khi mùa gặt chấm dứt và chúng tôi phải tìm địa thế khác. Lần này phải nhìn thật xa. Chúng tôi đã chuẩn điểm một chỗ nhưng còn giữ kín, vì một vài làng khác cũng có ý len lỏi vào chiếm khu vực. Một buổi sáng, người ta thấy một đoàn người trang bị cuốc, cúp và những vật dụng cần thiết trên đường tới địa điểm mới, cách Somsanouk 6 cây số. Họ gặp một vài phiền hà từ đàng kia trong đám đất, một đội lính đang đóng trại, thấy đoàn người cùi bệ vệ đi tới. Họ nhìn với đôi mắt ngờ vực và ác cảm, họ không thể nói gì được vì mọi giấy đều được chấp nhận. Khi các ông bắt tay vào việc thì mấy anh lính dũng cảm kia đã thấm sợ hãi, họ sợ không phải vì cộng sản nhưng sợ mấy con vi khuẩn làng Han-sen, vài ngày sau các anh lính tự động rút khỏi khu vực. Họ tẩu thoát và lấy cớ là đi hành quân, từ đó không thấy họ tới nữa. Nhờ dụng cụ của Mỹ như xe ủi đất, máy cày… nên không bao lâu người ta lại có làng mới, làng vừa thoáng rộng vừa bảo đảm tương lai hơn.

     Tháng giêng năm 70, mọi người dọn về làng mới. Có xe đưa những người già, trẻ em và vật dụng. Một điều đáng tiếc, người ta bỏ một bà già lên xe, bà này có máu nhảy dù nên khi vừa tới nơi bà đã phóc từ trên xe xuống, với phản ứng mạnh làm bà gảy tay. Bây giờ chỉ còn đi lại với hai chân thôi.

Đầu tháng giêng, cha Bouchard lại tìm thêm một số khác ngay bên cạnh « cánh đồng chum » khoảng 30 người. Họ đã sống lâu năm dưới chế độ cộng sản, không săn sóc, không thuốc thang. Vì quá khổ sở nên chẳng bao lâu họ bị tàn phế hầu như 100%. Tôi lại bắt đầu cho xây thêm nhà ở, để giúp họ, tôi cung cấp thân cây để làm cột nhà, mỗi gia đình 4 cột. Những bệnh nhân còn khỏe mạnh lãnh trách nhiệm xây dựng, còn người quá bại thì được dân làng giúp đỡ, vì thế người ta thấy xuất hiện tình tương trợ giữa đám người cùng chung số như nhau. Chưa tới hai tháng, mỗi người đã được ngôi nhà riêng của mình và mùa gieo mạ bắt đầu. Bây giờ còn phải giải quyết những vấn đề to tát cho làng như xây trường học, chợ, nhà thờ, nhà tiếp khách và nhà trọ cho người mới đến. Một vấn đề nan giải là thợ càng ngày càng khó kiếm. Sau cùng nhờ những người di cư đói và thiếu thốn nên họ đã nhận làm.

     Khai trường : tháng 9/70, việc khai trường thật là khó khăn vì giáo viên cũ lâu nay vì hoàn cảnh đã bị thay đổi. Chúng tôi không tìm ra được người thay thế. Tôi phải về Vang Viêng chọn mấy người có chút học thức hồi nhỏ. Trường mở ra bắt buộc hết mọi con em từ 6 tuổi. Chúng nó cần phải được mở mang trí tuệ, vì chúng cũng như các con em bình thường khác. Sau này chúng có thể tự xoay xở lấy cho cuộc đời tương lai chứ không lẽ đóng khung mãi trong làng phung nhỏ hẹp và bệnh hoạn này. Nhất là đừng để cho trẻ giữ mãi mặc cảm mình bị xã hội coi như là con của người phung hủi. Đồng thời làng cùi cũng đang đòi hỏi khuôn khổ. Cái luật lề này sẽ được tạo nên do chính con em của họ. Con đường đào tạo có lẽ còn dài, tuy nhiên không thể nào không kiếm được một số trong đám đàn em mà trong tương lai chúng sẽ là những giáo viên lành nghề, những y tá hay huấn luyện viên chuyên nghiệp.

     Vấn đề thiếu nữ : không nên bỏ qua vấn đề các thanh thiếu nữ. Ngay năm đó, 4 em được đưa về Vientiane học trường gia chánh, may vá và đồng thời tiếp tục chương trình tiểu học. Thật đặc biệt và khẩn cấp lắm mới đưa các em ra được khỏi làng, thường thường chúng phải lấy chồng sớm trong làng mạc dầu ngoài ý muốn. Cùng năm đó, một cô bé 14 tuổi đã lấy ông chồng tuổi 50, sỡ dĩ có sự hôn nhân này là vì ba mẹ cô nghiền thuốc phiện và bị phế bại hoàn toàn. Họ cần có người lui tới để chống đỡ gia đình, cũng chính vì thế mà một cô bé 14 tuổi đã có con thơ bế trên tay. Hầu hết mọi thiếu nữ khác đều sợ rằng mình sẽ không được lấy chồng. Qủa thật, tại dân Hmong khi một người bị điềm chỉ là mắc bệnh cùi thì cả gia đình đó đều bị lên án, và việc hôn nhân đối với họ trở nên khó khăn.

     Sự tiếp cứu đại lượng : Mỹ tiếp cứu và còn tiếp tục cung cấp cho làng bệnh, thuốc thì được chở đến đều. Công việc trở nên càng ngày càng nặng nhọc chẳng hạn như : săn sóc thuốc cho bệnh nhân, giúp đỡ về mặt vật chất, tinh thần… Cha Ernest Dumont rất sẵn sàng giúp tôi. Bởi vì mấy lúc này tôi đang kiếm một phụ tá để gần gũi hơn các người bệnh. Tôi đã tìm được một gia đình quen giúp tôi, và có thể thay thế tôi trong trường hợp tôi đổi đi hay không còn làm việc được nữa. Người chồng có học chút ít về thuốc nên công việc khá xuôi chảy. Bà vợ lãnh nấu bếp cho trẻ em ở trại Vang Vieng. Ngày nay vấn đề bác sĩ tới thăm bệnh nhân là một việc rất hiếm hoi, vì là một xứ chiến tranh, nhất là ở vùng chung quanh Somsanouk an ninh luôn luôn bị đe dọa. Vùng Vang Vieng đã bị nhiều trận phục kích, và gây nhiều tử thương nơi đó. Cha Dumont và thầy Pierre Kham Hùng (người đã được chịu chức linh mục ngày 23/11/75) đã đến giúp tôi làm việc tại Vang Viêng, nhưng giờ đã thất bại. Hơn một lần dân chúng đã trốn chạy vì bom đạn, từng đoàn lũ lượt di cư về mạn Vang Viêng, những loạt Roc-Ket thi nhau rơi xuống làng, may mắn là không gây thiệt hại nào to tát.

     Sự phát triển : địa điểm mà chúng tôi đã chọn từ năm ngoái, năm nay lại trở nên nhỏ quá đối với số dân làng ngày càng gia tăng, nhưng chúng tôi vững tâm hơn vì trại công chánh đang đóng gần đó, họ sẽ hy sinh những ngày nghĩ cuối tuần để giúp chúng tôi vì họ cũng muốn làm một việc gì hữu ích cho làng cùi. Thay vì về thăm gia đình, họ sẽ ở lại đem theo dụng cụ để xới đất. Bây giờ đất đang được nới rộng nhiều và một lần nữa người ta lại dựng thêm nhà. Lần này họ phải đào thêm mấy giếng nước. Một cái sâu tới 61 mét. Làng Somsanouk đã thành hình dần dần, hai thôn trưởng được bầu lên tại chỗ để điều hành công việc trong làng. Những bệnh nhân còn khỏe mạnh có thể làm đựơc việc phải tìm cách tự nuôi lấy mình và gia đình. Họ phải tìm nguồn lợi như làm những cúp, búa, rìu, đan thúng rổ, người lo đốn gỗ nấu ăn hay làm cột, người khác lo trồng tỉa và đốn tre. Kẻ khác chăn nuôi súc vật. Một vài gia đình thấy ngân quỹ vào đã vội đi mua radio đồng hồ hay lo xây trang nhà cửa ; Somsanouk trở nên sầm uất như bao làng mạc khác. Các nội bộ cựu trào thường họp mặt đều đều để bàn tính và giải quyết chuyện làng như sự tranh chấp giữa các gia đình, những vi phạm luật lệ. Họ tự làm ra một luật chung buộc mọi người phải thi hành, nhất là những người mới tới. Ai muốn xin gia nhập làng phải long trọng ký vào tờ nội quy đại khái như : kính trọng những người có trách nhiệm. Buộc phải cộng tác vào những tổ chức chung, những công việc chung, mỗi người tùy theo khả năng và sinh lực của mình. Mọi con em bắt buộc phải đi học, cấm ra khỏi làng mà không trình với thôn trưởng. Đó là những luật lệ do kinh nghiệm góp nhặt, bởi vì lâu nay đã xảy ra những trường hợp đáng tiếc như một số người mới đến tưởng rằng mọi sự đều phải cung cấp cho họ nên sống ăn nhờ ỷ lại ; người khác sau khi sau khi nhận được một vài trợ cấp đầu tiên đã cảm thấy nhiều nên bỏ làng ra đi ; người khác lại đòi phải xây nhà ở không chịu ra tay làm việc và ở mãi nơi nhà trọ. Tuy nhiên không phải vì thế mà những gia đình cứ tỏ ra hờ hững với dân mới đến. Trái lại họ luôn luôn sẵn sàng tiếp đón và lo lắng giúp đỡ. Khi một người nào bắt đầu xây nhà, lập tức người cũ trong làng hẹn nhau lại góp lực và chỉ trong vòng 48 tiếng nhà được dựng xong. Khi mùa gặt tới, đối với những bệnh nhân yếu liệt không còn làm việc được nữa thì người khỏe trong làng thay họ gặt hái, nhưng khi người đó được chữa khỏe thì họ cũng không quên giúp lại những người khác yếu hơn mình.

     Sự đỗ vỡ : Somsanouk đang trên đà tiến. Hôm nay dân cư đã đạt tới con số 600 người. Cuộc đời bất hạnh và bị xã hội ruồng bỏ, họ tìm cách nối tay nhau, chung lưng san sẻ cuộc sống và nhất là chuẩn bị một con đường lành mạnh nối vào bờ xã hội, nơi đó họ sẽ không bị hất hủi, trái lại được xem như bạn đồng hành với điều kiện là thân thể không còn mang vết tích và di truyền của bệnh phung nữa. Tương lai đang chờ họ !... nhiều dấu hiệu đẹp đẻ, và niềm hy vọng chớm nở. Nhưng « mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên », con người thường có ý muốn xây dựng và lập kế hoạch, còn Thiên Chúa tiền định công việc của Ngài ; ý Ngài quá sâu nhiệm mà trí óc loài người không thể hiểu thấu.

     Những ngày đầu cuộc biến loạn : ngày 1/5/1975 ở Vientiane, nhiều vụ biểu tình nỗi lên chống Mỹ, những vụ đụng độ được báo động ở bên kia Phou-Khoun cách Vang Viêng chừng 100 cây số về hướng bắc. Các lực lượng Pathet Lao (cộng sản Lào) đang tấn công mạnh. Những diễn biến thời cuộc xảy ra tuần tự :

     -   ngày 4/5 : quân chính phủ đã rút lui, chạy xuống Mường Kasy. Pathet Lao bắt đầu chiếm con đường.

     -   Ngày 5/5 : mường Kasy bị Pathet Lao chiếm không tốn một viên đạn.

     -   Ngày 6/5 : quân chính phủ lại rút về đến Den-Din.

     -   Ngày 7/5 : quân chính phủ rút về đến tận Pha-Tang, cách Vang Viên 18 cây số, đài phát thanh tuyên bố rằng theo các hiệp can thiệp thì Pathet Lao sẽ không vượt quá Pha-Tang, nhưng lối 12 giờ trưa hôm đó, một chiếc máy bay Mỹ hạ cánh ở Vang Viêng báo tin cho các ngoại kiều biết tình hình đang trầm trọng và không ai có thể đảm bảo an ninh cho đến ngày mai. Lúc ấy tôi đi về bệnh viện, mấy bác sĩ người Phi đang đóng hành lý đợi giờ lên đường. Trước tình thế nguy cập này, tôi kêu gọi các nữ tu đang giúp việc với tôi nên cấp tốc trở về Vientiane để chờ tình hình sáng sủa hơn. Khi các chị đi rồi, tôi trở lại làng cùi ngủ đêm và tiếp tục công việc như cũ.

     -   Ngày 8/5 : tôi trở về Vang Viêng để xem những gì đang xảy ra. Bên ngoài không có dấu hiệu gì báo cho biết là tình thế được dàn xếp ổn thỏa. Hàng loạt xe thiết giáp chuyển bánh trên mọi ngã đường. Lính dàn trận. Các bàn giấy người ta đốt hết mọi hồ sơ…, một vài người rỉ tai giục tôi ra đi, người khác bảo ở lại. Một tín hữu đã thúc giục tôi nên gấp rút ra đi khỏi đây. Ngay chiều hôm đó tôi trở về làng cùi và biết thêm con đường đã bị cắt đứt ở cây số 30 về phía nam, bây giờ chỉ còn một cách duy nhất là đợi các « chú bác » đến thôi.

     Cuộc gặp gỡ với Lào Cộng : ngày 10/5 tôi đi Vang Viêng. Lính Pathet Lao đã đóng đầy ở đó, tôi đến gặp một sĩ quan mà trước đây tôi đã được quen ông ta. Ông ta trấn an tôi rằng : « mọi sự đều bình yên, không có gì đáng lo sợ cả ». Những cấp tướng tá Pathet Lao đã đến trong khu vực, nếu tôi muốn đi gặp họ thì chính vị sĩ quan này sẽ dẫn tôi tới giới thiệu. Tôi quyết định đến gặp họ. Lúc đó vào khoảng 5 giờ chiều cùng ngày. Cuộc tiếp đón theo kiểu nhà binh khoảng 5 giờ ngắn ngủn, không vồn vã, không cởi mở và chấm dứt ngay sau mấy phút. Các tướng lảnh bảo tôi : « ông đã làm một viêc nghĩa cho làng cùi, hãy tiếp tục đi ». Tôi cũng đề nghị lại : « nếu quí ông có những người cùi còn sống sót ở trong rừng, quí ông mang về cho chúng tôi, vì nên nhớ rằng làng Somsanouk luôn luôn sẳn sàng đón nhận hết mọi bệnh nhân ». Họ đã trả lời : « an tâm đi ông, nơi xứ chúng tôi, những người cùi luôn luôn được săn sóc cẩn thận và chu đáo. Họ không thiếu thốn gì cả ». Câu nói của họ, làm tôi nghĩ ngay đến đám người cùi mà tôi đã nhận cho về ở làng Somsanouk cách đây mấy ngày, từ các miền được gọi là miền được giải phóng mà đến. Họ khốn khổ và thiếu thốn biết bao.

     -   ngày 12/5 : vì dân làng muốn tôi ở lại, nên một phái đoàn người cùi từ Somsanouk tới Vang Viêng. Chính họ tự ý đi gặp các nhà lãnh đạo để xin cho tôi được ở lại giúp dân chúng, và xin chính quyến cấp cho tôi một giấy phép thường trực để đi lại dể dàng. Trước hết họ phải qua nhà cầm quyền quân sự, tới tỉnh trưởng và sau cùng là cảnh sát ; chổ nào cũng chấp thuận dể dàng. Giấy phép được ký với thời hạn ba tháng, sau đó có thể gia hạn thêm. Như vậy thì công viêc khá êm xuôi. Bây giờ tôi muốn vể Vientiane để lấy những vật liệu và thực phẩm, nhưng tốt hơn là nên đợi thêm một tuần nữa để xem thời cuộc biến chuyển ra sao. Thế rồi ngày 18/5 tôi về Vientiane, không gặp gì trở ngại cả. Ngày 21/5 tôi trở lại làng mang theo những vật dụng như đã định. Cuộc hành trình thật dễ dàng không phải qua trạm kiểm soát nào cả. Tôi ngủ đêm tại Somsanouk. Các thực phẩm đem về được chia đều ngay cho dân chúng như thường lệ. Tôi cũng trử sẵn 6 thùng dầu hỏa phòng khi dầu hỏa lên giá cao, dân làng vẫn có mà dùng.

     -   Ngày 22/5 : tôi về làng Vang Viêng, thấy tôi, ông bếp của tôi tỏ ra sự lo sợ, vì trong lúc tôi đi vắng, 3 người lính Pathet Lao đã đến đây lục soát. Đàng khác ông ta được biết theo một nguồn tin đáng tin cậy thì sự hiện diện của tôi ở đây cũng không được dân chúng mộ mến cho lắm, nhưng tôi không để ý đến chuyện người ta đồn thổi. Thế rồi mấy ngày trôi qua bình thản, tuy nhiên sự nghi ngờ nẩy sinh trong tôi càng ngày càng tăng thêm. Người ta bắt đầu hạ giọng nói, khắp nơi họ thì thầm, không dám to tiếng. Bệnh nhân đến mỗi ngày một thưa dần, đúng hơn họ không tới vì sợ liên lụy, một vài người tới xin tôi thuốc về dự trữ trong vòng một năm.

     -   Ngày 25/5 : tôi về Somsanouk để săn sóc và phân phát vật dụng cho dân làng…

     Lựu đạn nổ :ngày 26/5 tôi về Vang Viêng vào buổi trưa. Các nhà lãnh đạo của chế độ cũ ở Vang Viêng bắt đầu mất tinh thần. Chiều hôm đó, khoảng 8h30, ông bếp của tôi và tôi đang ngồi ngay hàng hiên hàn huyên chuyện đời và nhìn hoàn cảnh đang căng thẳng. Trời lúc này hơi có giông và cơn mưa đổ hạt. Con chó trong nhà lại bắt đầu sủa, ông bếp đứng dậy đi ra ngoài dò xem có chuyện gì đang xảy ra. Thình lình ông ta nhận thấy một bóng người lướt qua, nhưng rồi vụt quay lui và biến dạng. Khi trở vào ông thở ra giọng hồi hộp. Khoảng 9 giờ, chúng tôi sửa soạn đi ngủ. Cửa sổ phòng tôi đối diện phía hàng hiên và có thói quen ban đêm tôi hay để cửa mở cho thoáng khí. Đêm nay khó lòng mà ngủ yên được. Tôi cứ chập chờn mãi, bên ngoài cơn mưa vẫn rơi tầm tả. Lối 2 giờ sáng, con chó lại bắt đầu sủa lần nữa, nhưng tôi nghĩ rằng sẽ không có chuyện gì nên vẫn nằm yên trên giừơng. Vài phút sau, nghe có tiếng động nhẹ trong phòng. Rồi. Một tiếng nổ long trời lỡ đất, một bầu lửa bắn tóe ra làm tôi điếc tai và choáng mờ cả mắt. Tôi không còn thấy gì nữa, định vùng dậy ngồi hẳn trên giường nhưng vì sức nóng qúa mạnh làm tôi ngột ngạt và té xuống. Tôi tự nghĩ tiếng sấm gì mà ghê quá vậy ! và tôi rán vùng dậy quờ quạng ra khỏi giường và đi xuống nhà bếp. Thật kinh hoàng ! Tôi không bước vững mà chỉ đi quay vòng tròn. Ông Bếp tới đúng lúc, ông ôm lấy tôi và đỡ tôi ngồi trước hàng hiên ở thế cũ : "Chuyện gì thế ? Sốt phải không ?" Ông hỏi. Không ai hiểu được cái gì để trả lời cho nhau cả ; Một chốc chúng tôi lại lên phòng để xem xét. Ở chân giường tôi, một lỗ trủng rộng 50cm/50cm. Các bức tường xung quanh đều bị xé thủng. Trên bàn giấy của tôi, giấy tờ và vật dụng bay nghiêng ngữa. Ông bếp đóng cửa sổ lại. Ông nói : « đúng là một tiếng lựu đạn ». Chúng tôi đi tìm uống vài ngụm rượu để lấy lại sinh khí rồi mới tiếp tục giấc ngủ. Chưa tới 5giờ 30 sáng mà trời đã sáng hẳn như ban ngày. Tôi ngồi dậy quan sát : « thật vậy, một quả lựu đạn đã nổ ngay trong phòng tôi. Giường, tủ, tường vách bị xơ xác, trần nhà, mái nhà bị thủng như rá lọc, Tôi bắt đầu thấm sợ hãi. Tự hỏi làm sao tôi có thể sống được và đứng vững được ! Khi lật nệm lên, tôi càng ngạc nhiên vì chiếc chiếu trãi phía dưới bị xé nát, gối thì bị thủng mấy chỗ, có thể xỏ được 3 ngón tay, thế mà tôi không bị thương tích gì cả. Sau khi quan sát kỷ càng, lập tức tôi đi trình cảnh sát và tỉnh trưởng. Sáng hôm đó, cảnh sát tới điều tra và lập biên bản. Họ khuyên tôi nên trở về Vientiane. Dân làng cũng tới tấp nập để chứng tỏ thiện cảm của họ đối với tôi. Họ mừng vì thấy tôi còn sống, nhưng không tỏ ra mấy an tâm ! vì vậy chiều hôm đó, tôi đã nhặt vội vào rương ít dụng cụ cá nhân, rồi đi trọ nơi nhà một người phung, ngủ qua đêm ở đó để sáng mai lên đường. Tôi ra đi nhưng lòng vẫn lưu luyến và thương tâm cho số phận của đám bệnh nhân hiền lành nhưng bơ vơ và khốn khổ suốt cuộc đời. Rồi đây họ sẽ sống ra sao ? Trở lại rừng núi ư ? những người phế bại thì khóc lóc, sợ rằng tôi phải bị bắt buộc ra đi mà bỏ họ khổ sỡ. Vì thế hai thôn trưởng lại quyết định một lần nữa đi tới trình bày và giải thích cho nhà chức trách ở Vang Viêng cho tôi được ở lại. Sáng hôm đó, một phái đoàn người lớn, trẻ em đi tận tới bàn giấy cảnh sát và tỉnh trưởng.

     -   Ngày 28/5 : một đêm ngủ trọ qua đi với bao kinh hoàng. Tôi cảm thấy không an tâm tí nào nên sáng sớm tôi vội vã lên đường mang theo ít dụng cụ cá nhân, về Vientiane với chiếc xe 3CV nhỏ của tôi. Trên đường đi, người bộ hành thật đông đúc, xe cộ cũng vậy. Họ là những người Hmong không muốn sống chung với cộng sản, họ đã băng rừng vượt núi trốn về tỉnh trọ đêm để từ đó họ trốn qua Thái Lan, nhưng có lẽ họ sẽ không thoát khỏi, và bị chận ở Hin-Heup. Phần tôi về đến Vientiane lúc choạng vạng tối, và tôi vào nằm viện ngay.

     -   Kiểu cướp phá : ngày 7/6, một nhóm đại diện làng Somsanouk gồm 4 người tới thăm tôi và cho tôi biết những gì đang xảy ra ở làng. Ngay trên Vang Viêng, nhà tôi đã bị chiếm. Mọi vật dùng đều bị cướp hết. Ba người lính Pathet Lao đã tới tận làng cùi. Họ muốn làm một bản kê khai những vật liệu trong làng, có ý rằng không một vật gì mất đi khi ông cha ra đi.

     -   Ngày 6/6 : năm chiếc xe cam-nhông chở chừng 20 tên lính Pathet Lao đến làng mang theo khí giới.

     Trong lúc mấy người dân bị bắt buộc phải vào nhà nguyện để nghe mấy ủy viên đảng thuyết chính trị, bọn bộ hạ đi lục cướp hết các vật liệu của làng. Chúng cạy hết các tủ khóa thật kín và lấy thuốc chữa phong trên 60 hộp, các thuốc của những thứ bệnh khác, không để lại một tí gì. Vào mấy kho trữ hàng, họ chở đi 60 thùng dầu xà lách, gạo, sữa chăn. Qua phòng may, nơi chúng tôi để 4 bàn may cho các em học, họ lấy cả hết 4 cái. Chúng còn khám phá ra kho nhiên liệu, gồm 3 thùng xăng, bảy thùng dầu hỏa, năm thùng gaz. Chúng chỉ để lại cho dân làng 3 thùng dầu hỏa mà thôi. Dưới kho là một dãy hành lang nơi chúng tôi đã tích trữ trên 150 cột nhà phòng cho dân có vật liệu khi muốn xây nhà cho những người mới tới, hoặc khi phải thay cột nhà cũ, thế mà chúng nó cũng khuôn sạch. Dĩ nhiên bọn họ không quên mái nhà nhỏ của tôi. Sau cùng là máy xay gạo, máy này có nhiều thành tích với dân làng nhất. Vì muốn tránh cho họ khỏi lỡ lói ở tay chân và cơn đau nhức nhói nên chúng tôi đã mua máy xay này giúp họ dễ dàng hơn. Khi « chú bác » thấy máy xay, các chú muốn lấy lập tức hay là lật ngược để khỏi phải dùng được, nhưng các người già lão và phế bệnh đến năn nỉ van lơn họ mới hoản lại : « chúng tôi tạm cho các nguời xử dụng trong lúc chờ đợi làm xong chày cây giả bằng chân hay bằng tay và cối xay theo kiểu người Lào. Sau hai tháng chúng tôi sẽ đến lấy tất cả các thứ máy móc, các vật không do nhân dân Lào sản xuất ra. Họ kết luận : các ngươi có đầu óc Lào, nhưng con tim các ngươi là Pháp. Từ đây chúng tôi có trách nhiệm giáo dục con em. Hãy làm cho chúng tôi một bản thống kê theo thứ tự : trẻ em mới sinh tới 1 năm ; từ 1 năm tới 6 tuổi, từ 6 tuổi tới 10 tuổi và từ 10 đến 15 tuổi. Người lớn phải phân biệt số bệnh nhân nặng ; số bệnh nhân phế bại ; số người lành không nhiễm bệnh. Hãy nói với ông cha từ nay trở đi không được dẫm chân tới làng này nữa ».

     Kết luận : Một công trình xây dựng trong hơn 10 năm nay đã bị hũy diệt qua vài tiếng đồng hồ. Đám bệnh nhân sẽ sinh sống ra sao sau này ? Và số trẻ em đông đúc đang chuẩn bị một tương lai tốt đẹp, nhiều hứa hẹn, nhưng giờ đây có lẽ chúng đã bị tách rời khỏi bố mẹ, và bị nhốt trong những trại cải huấn của chính phủ Pathet Lao. Còn cha mẹ chúng, người nào còn khỏe mạnh sẽ bị thải về Bắc, còn kẻ yếu liệt và tàn phế bị coi là vô dụng vì không thể sản xuất gì thêm cho xã hội sẽ bị vứt bỏ.

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art