Thứ Tư, 22 Tháng Tám, 2012

Lang thang với Luang Prabang

Lang thang với Luang Prabang

        Đến đầu thế kỷ IV, Luang Prabang vẫn còn là Vương quốc Mường Xoa. Năm 1353, Phạ Ngừm lập ra Vương quốc Lạn Xạng, đặt kinh đô tại Mường Xoa. Muốn đến cố đô Luang Prabang (di sản văn hóa thế giới của nước bạn Lào), bạn có thể bay từ TP.HCM đi Vientiane (quá cảnh Phnom Penh, Campuchia) với giá 220 USD/lượt (430 USD/khứ hồi), sau đó đi xe khách hoặc bay tiếp. Bạn cũng có thể bay trực tiếp từ Hà Nội đến Luang Prabang (162 USD/lượt, 310 USD/khứ hồi). Bạn nên vào hẻm tìm thuê một phòng nghỉ giá rẻ (4-8 USD/ngày đêm) gần hoặc dọc trục đường Sisavangvong để tiện đi lại, tham quan. Một chặng dừng chân ngắn ngủi trên dặm đường lang thang khám phá nước bạn Lào đủ gieo vào lòng tôi nỗi háo hức muốn trở lại vùng đất từng là kinh đô của một đế chế oai hùng. 

        Biết tôi lần đầu đến Luang Prabang, anh chàng lái xe tuk-tuk dặn tôi thức sớm để đón “bình minh cà sa”. 5g30 sáng, tôi đã thấy nhiều tốp người ăn mặc tươm tất, trải chiếu ngồi bên vệ đường chờ đợi. Gần 6g, hàng đoàn sư khoác áo cà sa màu vàng nghệ xuất hiện trên phố. Họ di chuyển nhanh nhưng vẫn toát lên nét thanh thoát vốn có của đệ tử nhà Phật.

        Một người dân cho biết các đoàn sư thường di chuyển theo giờ và hành trình cố định để tiện cho bá tánh cúng dường. Và tôi đã bắt gặp khoảnh khắc hai đoàn sư khất thực bước đan chéo nhau tại một giao lộ. Khi nhà sư mở nắp chiếc âu vàng, người dân cung kính đặt vào đó cơm dẻo, thức ăn, hoa trái... Bà Viêng Khôn cho biết: “Mấy chục năm qua sáng nào tôi cũng cúng cơm dẻo. Tôi muốn tích đức cho con cái và bày tỏ lòng ngưỡng mộ Đức Phật”.

        Luang Prabang đúng là xứ sở của chùa chiền. Hầu như trên con đường nào cũng có ít nhất một ngôi chùa. Các ngôi chùa ở đây thường có mái ngói dày nhiều lớp, trên tường vẽ tích Đức Phật thành đạo và nhiều tượng Phật. Chùa Xiengthong được xây dựng cách đây hơn 400 năm và được gìn giữ gần như nguyên vẹn.

        Không chỉ là vẻ trầm mặc nơi cửa Phật, bạn không khỏi bất ngờ với những đường nét sắc sảo, tinh tế đến từng chi tiết kiến trúc của ngôi chùa, đặc biệt là các tác phẩm chạm khắc trên gỗ. Ngoài Xiengthong, bạn nên đến tham quan các ngôi chùa khác như Visoun, Sene, Manolom... Gần 6g chiều, tôi hòa vào dòng người đi giữa hương hoa chămpa (hoa sứ) lên núi Phousi. Nơi đấy có một ngôi chùa nhỏ, từ đỉnh tháp cao nhất tôi thả hồn ngắm cảnh hoàng hôn buông xuống kinh đô cổ bên dòng Mekong.

        Ngoài tham quan chùa chiền, khách Tây rất mê các tour du lịch tận dụng ưu thế rừng núi của Luang Prabang như dã ngoại, leo núi, bơi thuyền kayak, treking xuyên rừng... Nếu không có nhiều thời gian, bạn có thể đăng ký đi tour một ngày. Chiếc thuyền máy chạy chầm chậm trên dòng Mekong, chúng tôi tha hồ ngắm cảnh trời mây non nước, những ngôi chùa và cánh rừng bát ngát ở đôi bờ. Động Parkou nằm trong một quả núi mặt hướng ra sông. Parkou có tới hàng ngàn tượng Phật với đủ mọi tư thế và sắc thái. Có những pho tượng Phật hàng trăm năm tuổi.

        Buổi chiều, xe đưa chúng tôi đi trên con đường rợp bóng cây rừng đến với thác Kuangsi, cách trung tâm Luang Prabang khoảng 30km về phía nam.  Tour này khá đông khách, giá chỉ có 4 USD/người. Điểm đặc biệt của thác Kuangsi chính là cứ một đoạn thác lại có một cái hồ như trạm dừng chân, ở đó du khách có thể tung tăng bơi lội dưới làn nước trong xanh lạnh mát. Nếu thích, bạn cũng có thể đi xuyên rừng và ghé qua trung tâm cứu hộ động vật hoang dã để chụp ảnh với chúa sơn lâm và hàng chục chú gấu. Trên đường về, xe ghé bản Naoname để du khách mua vài món kỷ niệm.

        Chợ đêm Luang Prabang

        Ở Luang Prabang có tới hai ngôi chợ đêm: chợ ẩm thực và chợ thủ công mỹ nghệ. Cả hai chợ đều bắt đầu nhóm họp từ khoảng 5g chiều và tan vào khoảng 21g30 tối. Chợ ẩm thực nằm trong một con hẻm trên đường Sisavangvong. Chợ bán nhiều món ăn quen thuộc của Lào nên rất đông công chức đến mua. Một đùi gà nướng giá 10.000 kíp (khoảng 17.000 đồng VN), que thịt nướng 5.000 kíp, cá nướng to 20.000 kíp. Ở mấy quầy thức ăn chay, khách tự phục vụ: đĩa nhỏ 5.000 kíp, đĩa lớn 8.000 kíp. Một số khách chưa quen món Lào bèn mua đùi gà nướng sang ăn với... cơm chay.

        Trái ngược với chợ ẩm thực, chợ thủ công mỹ nghệ được gọi là “chợ không tiếng động”. Ngày trước chợ họp trên trục đường Sisavangvong, nay đã được dời vô hẻm. Người bán trải bạt và bày hàng, bên trên che chiếc dù to màu đỏ đặc trưng. Cũng mua bán, mặc cả nhưng chẳng hiểu sao chợ này lặng lẽ đến lạ lùng. Hàng khá đa dạng: quần áo, túi xách, vải thổ cẩm, lồng đèn đủ loại, trang sức bạc... Chị Mai, một Việt kiều được sinh ra và lớn lên tại Luang Prabang, cho biết: “Tôi chưa từng chứng kiến bất cứ cuộc cãi vã tại ngôi chợ này. Bản tính người Lào nói chung, người cố đô nói riêng, là không muốn ồn ào”.

        Một điểm đến không thể bỏ qua nữa chính là Bảo tàng quốc gia Luang Prabang, nơi khi xưa là cung điện hoàng gia. Hiện là nơi trưng bày hàng ngàn hiện vật của các triều đại phong kiến Lào.

THÁI BÌNH

Bài viết khác