Thứ Hai, 27 Tháng Sáu, 2016

Người Việt ở Vientiane

Người Việt ở Vientiane

VietCatholic News (Thứ Năm 28/11/2002)

        Khu chợ mà người dân thành phố Vientiane gọi là Talasau hay chợ Sáng là nơi buôn bán của hàng trăm người Việt. Phần lớn những người này đều đã làm ăn kinh doanh ở Lào nhiều năm. Có nhiều người sinh ra ở đây, nói cả hai tiếng Lào và Việt thông thạo như nhau. Có một số người sang đây mới được vài năm, thế nhưng cũng đã ổn định cuộc sống, buôn bán được, không muốn quay trở lại Việt Nam nữa. Một số người Việt Nam buôn bán ở chợ cho biết vì dân số ở đây ít hơn nên kinh doanh dễ hơn ở Việt Nam. Buôn bán cũng tương đối khá vì có đủ các loại mặt hàng. Họ có gia đình và con cái họ đều sinh ra ở Lào nên đã quyết định ở lại đây.

        Theo một quan chức xuất nhập cảnh Lào thì phần đông những người Việt sinh sống lâu dài ở đất nước này đều là những người cho dù không buôn bán, giàu có bậc nhất nhì trong xã hội nhưng vẫn được người dân Lào tôn trọng, một phần cũng vì quan hệ lâu dài giữa hai nước. Thế nhưng không phải người Việt nào sang đây cũng vậy.

Gần đây người dân thành phố Vientiane và một số đô thị lớn khác bắt đầu chứng kiến sự xuất hiện của một số người bán hàng dạo và công nhân tự do Việt Nam. Những người này đến từ nhiều tỉnh khác nhau, người thì từ Nghệ An, người thì đến từ tận Hải Dương, họp nhau lại ở xứ sở này vì một lý do đơn giản: kiếm ăn để tiết kiệm tiền nuôi gia đình. Thế nhưng kiếm tiền ở đâu thì dễ còn ở xứ Lào này thì cuộc sống không mấy dễ dàng. Để kiếm vài chục ngàn kíp, tương đương với vài đô la Mỹ một ngày, người bán dạo phải bắt đầu từ sáu giờ sáng và lang thang phố phường cho đến chiều tối.

        Một người phụ nữ đến từ Thanh Hóa, sang đây hồi đầu năm, cũng chỉ bán gánh hàng rong gồm toàn những thứ lặt vặt như mấy thỏi kẹo cao su, mấy cái bật lửa, vài bao thuốc lá. Chị cho biết rằng ở đây ai mà thạo tiếng thì mỗi ngày kiếm được vài chục còn ai mà không thạo tiếng thì chỉ kiếm được vừa đủ ăn thôi.

        Hỏi ra thì phần đông những người bán dạo này sang đây đều sử dụng một thứ giấy thông hành Lào cấp cho người các tỉnh dọc đường biên giới. Giấy thông hành này chỉ có thời hạn ngắn và cũng chỉ có giá trị tại các tỉnh đường biên. Thế nhưng người ta vẫn mặc kệ và với tờ giấy thông hành này, giới bán dạo người Việt vẫn lang thang tại hang cùng ngõ hẻm, nhiều nhất là tại Vientiane. Nếu bị bắt, bị phạt thì coi như là bị mất hết tiền chợ cả tuần.

        Khi được hỏi tại sao họ không xin lấy một cuốn hộ chiếu để đi lại cho thuận tiện và hợp pháp hơn thì một chị bán hàng rong trả lời kà một cuốn hộ chiếu mất 2 triệu. Sau đó đi đò sang Lào mất 85 đô, rồi mỗi tháng mất 20.000 tiền đò sang Thái nữa. Thế thì làm sao làm ra đủ tiền. 

        Người sĩ quan cục xuất nhập cảnh Lào nói với tôi là nhiều khi công an Lào bắt gặp cũng làm ngơ bởi vì biết những người này nghèo, nghèo thì mới phải trôi dạt nước ngoài đi làm cái việc cực nhọc như vậy. Người Việt Nam sang Lào hiện nay đã chuyển sang cả hình thức vượt biên trái phép qua đường núi, không có một thứ giấy tờ tùy thân gì cả.

        Gần đây giới chức thành phố Vientiane cũng đã xiết chặt việc quản lý đội ngũ bán hàng dạo bởi vì ngoài người Việt Nam còn có người Trung Quốc hiện nay cũng tham gia bán hàng rong và sự tràn lan của đội ngũ bán hàng ngày đã gây ra bất ổn trong trật tự trị an của thành phố.

        Ông Nguyễn Quốc Cường, phó tổng thư ký hội người Việt Nam tại thành phố Vientiane nói hội này đang đề xuất với nhà chức trách thành phố để tìm biện pháp quản lý người Việt làm ăn ở đây một cách có tổ chức hơn. Ông Cường nói ông muốn bảo vệ quyền lợi của bà con người Việt Nam đang sinh sống tại Vientiane cũng như là bà con Việt Nam trong nước sang kiếm ăn ở bên Lào. Ông muốn đặt vấn đề với ngành quản lý người nước ngoài cũng như là Bộ Nội vụ của Lào phối hợp để cùng có một phương thức quản lý người Việt mang tính chất có tổ chức.

        Thế nhưng đó là chuyện của giới chức có trách nhiệm. Những người bán hàng rong thì họ không để ý đến những chuyện có tính chất nhà nước như vậy. Còn kiếm được tiền, họ còn sang với lý luận công việc của họ chẳng có gì gây hại cho người nào cả. (BBC)

Bài viết khác