Thứ Hai, 11 Tháng Sáu, 2012

Bệnh Tiểu Đường (3)

Chúng ta đã biết, “đường” (carbohydrates) là một trong những chất biến dưỡng căn bản của cơ thể. Muốn sử dụng được chất đường vào những hoạt động cần thiết của mình, các tế bào cần một chất gọi là “insulin”. Insulin giúp chất đường vào trong các tế bào, và điều hòa lượng đường trong máu để đường trong máu không bao giờ lên quá cao. Insulin tiết bởi tụy tạng (pancreas), một cơ quan nằm ở bụng trên, phía sau bao tử. Khi tụy tạng không tiết đủ insulin cần dùng, đường trong máu lên cao, vì không vào được trong các tế bào. Hoặc dù insulin có đủ, nhưng nếu các tế bào không dùng được nó, do trên mặt các tế bào thiếu những điểm tiếp nhận insulin (gọi là “insulin receptors”) để insulin bám vào, tác động, giúp đường từ ngoài máu vào lọt trong tế bào, đường cũng tăng cao trong máu. Insulin có sẵn đấy, song đường không sợ, cứ ở trong máu thực nhiều, không vào trong các tế bào, đúng là chúng lờn mặt insulin, coi insulin như pha. Người ta gọi đây là cơ chế “lờn insulin” (insulin resistance).
        Theo định nghĩa, một người bị tiểu đường, khi đường máu nhịn đói buổi sáng, thử hai lần, vào hai dịp khác nhau, đều cao hơn 125 mg/dl. Có hai loại tiểu đường: loại 1 (loại thiếu chất insulin trong cơ thể, thường xảy ra ở người dưới 40 tuổi) và loại 2 (loại có insulin trong cơ thể, nhưng vì hiện tượng “lờn insulin”, tế bào không dùng được insulin, xảy ra ở người trên 40 tuổi). 

        Chữa trị tiểu đường loại 1, bắt buộc phải dùng thuốc chích chứa chất insulin, để thay thế cho insulin thiếu trong cơ thể. Chữa tiểu đường loại 2, có nhiều cách thế hơn. Thời gian gần đây, với những hiểu biết mới, với sự ra đời của những thuốc mới, sự chữa trị tiểu đường loại 2 có nhiều lựa chọn hơn trước, tiện cho người bệnh, mà cũng đỡ khổ cho bác sĩ. Trong phạm vi bài này, xin bàn đến những cách chữa tiểu đường loại 2.

        Mục đích chữa trị
        Sự chữa trị nhắm mục đích làm thuyên giảm các triệu chứng nếu có (nhiều vị bị tiểu đường không hề có triệu chứng), tạo cảm giác khỏe mạnh cho người bệnh, đồng thời ngăn ngừa các biến chứng cấp tính cũng như các biến chứng dài lâu của tiểu đường.
        Khi ta đưa được đường máu nhịn đói buổi sáng (fasting blood sugar) xuống dưới 200 mg/dl, các triệu chứng tiểu nhiều, uống nước nhiều sẽ thuyên giảm. Tuy nhiên, khi đường máu nhịn đói xuống dưới 150, người bệnh mới thấy khỏe và mới ngăn ngừa được các biến chứng cấp tính.
        Muốn ngừa được các biến chứng dài lâu, lý tưởng, đường máu nhịn đói cần được đưa xuống khoảng 80-120 mg/dl. Nhiều vị cao niên, đường máu có khi không cần phải kiểm soát quá gắt gao, vì sợ sẽ làm đường máu xuống quá thấp (hypoglycemia); đường máu xuống thấp quá có thể gây hôn mê, nguy đến tính mạng. 
        Bác sĩ theo dõi đường máu của bạn bằng cách thử máu, thường là đo đường máu lúc nhịn đói buổi sáng. Nhưng đo đường máu như vậy, ta chỉ biết được đường máu trong ngày hôm ấy cao hay không. Ngộ nhỡ bạn muốn bác sĩ vui lòng, cẩn thận ăn ít đi, vận động nhiều hơn chỉ một vài ngày trước khi thử máu, nên khi thử, thấy đường máu trong hôm thử rất tốt thì sao? Một phương pháp thử nghiệm khác, dùng đo chất “glycohemoglobin” trong máu, có thể ước định đường máu trung bình trong vòng 3 tháng vừa qua, nhờ đó ta biết được tiểu đường của bạn trong 3 tháng qua có thực sự được kiểm soát hay không. 
        Bạn sẽ hỏi: ngoài những lúc thử máu ở văn phòng bác sĩ, làm thế nào để theo dõi đường máu ở nhà. Cách hiện được xem là tiêu chuẩn để theo dõi đường máu ở nhà là dùng máy đo “glucometer” (giá khoảng 70-80 đô-la). Máy nhỏ, gọn, có thể đo đường máu với một giọt máu chích từ đầu ngón tay. Máy đặc biệt cần thiết cho những vị có đường máu lên xuống như nước thủy triều, lúc quá cao, lúc lại quá thấp. Khi có triệu chứng gì bất thường hoặc khi thuốc chữa bệnh vừa được tăng hay giảm, bạn nên đo đường máu với máy glucometer trước các bữa ăn và lúc đi ngủ trong vòng vài ngày. Khi bệnh đã ổn định, bạn chỉ cần đo đường máu lúc nhịn đói buổi sáng và lúc đi ngủ 2 lần mỗi tuần. Hiện các máy đo đường máu dùng ở nhà chưa đo được “glycohemoglobin”, để biết đường máu trung bình trong vòng 3 tháng vừa qua. 

        Xuống cân đi, bạn nhé 
        Cứ 10 người bị tiểu đường loại 2, hết 8 người có vóc dáng tròn trịa, nặng cân. Khi đo lượng insulin trong máu những người tiểu đường nặng cân, người ta thấy insulin trong máu bình thường, hoặc có khi còn cao hơn bình thường. 
        Có đủ insulin trong người, mà vẫn bị tiểu đường? Như đã bàn, muốn dùng được insulin, trên mặt các tế bào phải có đủ những chỗ tiếp nhận insulin gọi là “insulin receptors”. Trên mặt các tế bào mỡ không có đủ những chỗ tiếp nhận hầu insulin bám vào để tác động, đưa đường từ ngoài máu vào bên trong tế bào. Nên sự chữa trị tiểu đường loại 2 bao giờ cũng cần xuống cân, nếu bạn nặng cân. Ăn kiêng (diet) và vận động (exercise) là hai phương cách chữa chính để xuống cân. Xuống đến sức nặng lý tưởng (tính theo chiều cao và vóc người), là nhất. Khó quá! Khó quá! Nếu vậy, bạn cũng nên xuống ít nhất 10-20 cân (4.5-9 kg). Cố xuống 1 cân (1 pound) mỗi tuần, bạn nhé. 
        Thực phẩm ăn vào hàng ngày của bạn nên chứa 50-60% chất đường (carbohydrates), 20-30% chất mỡ (lipids), 12-20% chất đạm (proteins). Trong sự chữa trị bệnh tiểu đường ở Mỹ, các bác sĩ hay nhờ đến một vị gọi là “dietician”, chuyên tính toán thực phẩm dùng hàng ngày cho người bị tiểu đường. Người cần xuống cân sẽ được “chuyên viên ẩm thực” này khuyên dùng những thực phẩm ít chứa năng lượng: sáng nên ăn gì, trưa ăn gì, tối ăn gì. Mỗi món thức ăn Mỹ đã được tính sẵn xem chứa bao nhiêu năng lượng. Khổ cái, thức ăn Việt Nam ta có lẽ chưa được ai chính thức nghiên cứu, tính xem một tô phở, một tô bún bò Huế chứa bao nhiêu năng lượng, một người nặng 180 cân, nay cần xuống đến 150 cân theo lời khuyên của bác sĩ, thì mỗi tuần chỉ được ăn bao nhiêu tô phở hay bún bò Huế. Còn bao món quốc hồn quốc túy khác...
        Vận động, như ăn kiêng, cũng quan trọng không kém, để giúp xuống cân. Vận động còn giúp đường dễ vào các bắp thịt hơn, khiến lượng đường trong máu đỡ cao. Tuy vậy, cần thận trọng khi vận động, nhất là cho những người có bệnh hẹp hay tắc các động mạch tim, hoặc những vị từ trước đến nay vẫn làm việc trong văn phòng, ít thể dục thể thao. Nên đo tâm điện đồ (EKG), và nếu cần, thử tim bằng “EKG stress test” (tim bạn được theo dõi trong lúc bạn đi nhanh dần, để xem tim có những thay đổi gì bất thường không) trước khi vận động. Những người có các mạch máu ngoại biên đã hư hoại nặng do tiểu đường, nên tránh chạy, vì chạy có thể làm tổn thương chân, gây những vết trầy lở lâu lành. Đi bộ là vận động nhẹ nhàng, ít tốn kém gần như ai cũng có thể làm được. Bạn đi bộ đều được ít nhất 30 phút mỗi ngày thì tốt quá, không thì cũng 5 lần mỗi tuần, tức ít nhất 150 phút mỗi tuần. 
        Với những người bị tiểu đường mập trên 100 cân so với sức nặng lý tưởng, tiểu đường khó kiểm soát nếu họ không xuống cân được, có khi phải dùng đến biện pháp mạnh để giúp họ xuống cân: giải phẫu thu nhỏ bao tử (gastric reduction surgery). Nhờ đến dao kéo để giải quyết vấn đề là cùng bất đắc dĩ, do giải phẫu thu nhỏ bao tử thường gây nhiều biến chứng không tốt, có khi đưa đến chết người. Còn những thuốc giúp xuống cân? Vài năm trước, thuốc giúp xuống cân được dùng nhiều lắm, gần như thành một phong trào (nhiều người chỉ hơi tròn, muốn xuống vài cân cho thêm đẹp cũng nao nức đòi thuốc), nhưng rồi vì chúng gây ra nhiều vấn đề quá, nên nay bác sĩ nào cũng ngại dùng, chờ sự ra đời của những thuốc giúp xuống cân mới, hữu hiệu mà không mấy hại, lại dùng được về lâu về dài.
        Ta ngưng ở đây bạn nhé. Trong bài kỳ này, ta đã thảo luận mục đích của việc chữa trị tiểu đường, cùng các phương cách giúp xuống cân nếu người bệnh nặng cân. Bài kỳ sau, cũng là bài cuối trong loạt bài về tiểu đường, sẽ bàn đến việc chữa trị bệnh tiểu đường loại 2 bằng thuốc. Gần đây đã có thêm nhiều thuốc mới, nếu bàn luôn trong kỳ này, bài viết sẽ dài lắm, bạn nhức đầu.

Bác sĩ Nguyễn Văn Đức

Bài viết khác

Các từ viết tắt Kitô giáo

Các từ viết tắt Kitô giáo

23/11/2024

Trong nghệ thuật cũng như trong các văn bản Kitô giáo, thường xuyên xuất hiện những từ viết tắt bí ẩn. Việc biết ý nghĩa của chúng cho phép chúng ta đi sâu hơn vào sự phong phú của đức tin. Đây là một hướng dẫn ngắn để hiểu những từ viết tắt thường...

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art