Thứ Hai, 11 Tháng Sáu, 2012

Hội chứng hô hấp cấp tính nặng - SARS

Cho đến hôm nay, 25 tháng 3/2003, đã có 456 trường hợp bệnh lạ, được tạm gọi hội chứng hô hấp cấp tính nặng, tại 13 quốc gia, đa số ở vùng Đông Nam Á, với 17 cái chết do căn bệnh gây ra. Chính phủ Mỹ hiện khuyên chúng ta tạm không nên đi Việt Nam (vì lỡ bịnh, ở đó không đủ phương tiện chữa trị). Vấn đề đang gây nhiều xôn xao, nhất là cho những người vừa du lịch về từ các vùng Đông Nam Á (và cho cả gia đình họ).
        Ngày 15 tháng 3/2003, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ gửi đến các bác sĩ những khuyến cáo liên quan đến bệnh lạ này. Chúng tôi lược dịch bản thông báo và khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật để chúng ta cùng tìm hiểu.
        Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (Centers for Disease Control and Prevention, viết tắt CDC) và Cơ quan Y Tế Thế giới (World Health Organization) nhận được những báo cáo từ Canada, China, Hong Kong, Indonesia, Philippines, Singapore, Thailand và Việt Nam, về một số người bị hội chứng hô hấp cấp tính nặng (Severe Acute Respiratory Syndrome, viết tắt SARS) . 
        
        Nguyên nhân của căn bệnh hiện chưa biết rõ và đang được tìm hiểu. 
        Người bệnh có triệu chứng giống như nhiễm cúm: sốt, nhức đầu, đau mỏi bắp thịt, rát cổ, ho khan, khó thở. Nhiều trường hợp sau đó biến thành nặng với viêm phổi không điển hình (atypical pneuonia), lượng dưỡng khí trong máu xuống thấp, suy hô hấp cần máy giúp thở, và có thể đưa đến tử vong. Các thử nghiệm cho thấy bạch huyết cầu và tiểu cầu trong máu người bệnh xuống thấp. (Ghi chú của người viết: trong những trường hợp viêm phổi điển hình thông thường do vi trùng, số lượng bạch huyết cầu trong máu tăng cao). Nhiều người thân cận tiếp xúc với người bệnh, kể cả nhân viên y tế, sau đó cũng có những triệu chứng tương tự. (Ghi chú của người viết: cho đến nay, 2 y tá và 2 bác sĩ ở Việt Nam đã chết vì lây bệnh).
        Trước tình trạng này, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật đang theo dõi sát để truy tìm các trường hợp bệnh giống vậy trong số những người đi du lịch thời gian gần đây, hoặc những người thân cận tiếp xúc với họ . 
        Những trường hợp nên nghi ngờ
        Các bác sĩ nên để ý nghi ngờ tìm bệnh nếu có người bệnh nào đến khám sau ngày 1 tháng 2/2003 với:  
        - Sốt trên 38 độ C (trên 100.4 độ F). 
        - Các triệu chứng đường hô hấp gồm cả ho, khó thở; tri giác kém sáng suốt vì thiếu dưỡng khí (hypoxia) khám thấy người bệnh có dấu chứng thở khó (respiratory distress); phim chụp cho biết có viêm phổi (pneumonia). 
        Và: - Trong vòng 7 ngày qua, người bệnh đã đi Hong Kong, Quảng Đông (Trung Quốc), hay Hà Nội (Việt Nam). 
        - Hoặc người bệnh là người thân cận tiếp xúc với người có bệnh đường hô hấp và đã đi du lịch đến các vùng nói trên. Định bệnh Với những trường hợp đáng nghi ngờ vì đạt những điều mô tả kể trên, để định bệnh, các trắc nghiệm đầu tiên nên làm gồm phim ngực (chest X-ray, chúng ta hay quen miệng gọi nhầm #phim phổi#), đo lượng dưỡng khí (oxygen) trong máu (pulse oxymetry), cấy trùng máu (blood culture), thử đờm (sputum Gram#s stain and culture), và tìm các siêu vi gây bệnh đường hô hấp, nhất là siêu vi cúm A, siêu vi cúm B, siêu vi #respiratory syncytial virus#. (Ghi chú của người viết: đến giờ, người ta đang nghi nguyên nhân gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng là coronavirus, một loại siêu vi thường chỉ khiến ta cảm xoàng. Lạ, chả hiểu sao kỳ này chúng lại dở thói giết người). Các bác sĩ nên để dành lại những mẫu thử nghiệm (đờm, máu...), để nếu cần sẽ thử thêm cho đến khi đi đến một định bệnh chắc chắn. Nếu thấy cần, bác sĩ cho nhập viện người bệnh có những điều khiến ta nghi ngờ họ bị hội chứng hô hấp cấp tính nặng. 
        Những người thân cận với người bệnh (chăm sóc, ở cùng nhà), và các nhân viên y tế tiếp xúc với người bệnh nên đi khám bệnh nếu thấy mình bắt đầu có những triệu chứng đường hô hấp. Kiểm soát sự lây nhiễm. Nếu cho bệnh nhân nhập viện, bác sĩ nên thông báo ngay cho cơ quan giữ trách nhiệm kiểm soát các vấn đề liên quan đến bệnh truyền nhiễm.
        Trong thời gian người bệnh nhập viện, cho đến khi xác định được rõ ràng nguyên nhân và đường lây nhiễm của căn bệnh, ngoài những cẩn trọng thông thường, còn cần: 
        - Cẩn trọng về đường hô hấp (airborn precautions): như cách ly người bệnh trong một phòng riêng, che mũi và miệng những người vào thăm để bảo vệ đường hô hấp của họ với một dụng cụ đặc biệt gọi là #N-95 respirator#... 
        - Cẩn trọng trong việc tiếp xúc : như dùng áo choàng và găng tay cho những người phải tiếp xúc với ngườ bệnh cùng những thứ chung quanh họ.  
        Sự cẩn trọng căn bản vẫn gồm việc rửa tay kỹ lưỡng sau lúc tiếp xúc với người bệnh. Bác sĩ cũng nên mang dụng cụ che chở mắt mỗi khi thăm khám cho người bệnh bị hội chứng hô hấp cấp tính nặng.          Ở nhà, để tránh lây truyền cho người khác, người bệnh nghi bị hội chứng hô hấp cấp tính nặng nên hạn chế việc ra ngoài giao thiệp, cho đến khi cơ chế lây truyền của căn bệnh được hiểu rõ hơn. Khuyên người bệnh mang khẩu trang (mask) khi có việc ra ngoài, và trong những lúc iếp xúc với người nhà cũng là điều cẩn trọng nên làm. 
        Chữa trị Cho đến bây giờ, vì nguyên nhân gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng chưa được biết rõ, nên Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật chưa thể đưa ra lời khuyên đặc biệt nào về cách chữa trị hội chứng này. Hiện tại, sự chữa trị bệnh viêm phổi không điển hình (atypical pneumonia), biến chứng của hội chứng hô hấp cấp tính nặng, giống sự chữa trị bệnh viêm phổi nhiễm ngoài cộng đồng không biết đích xác vì vi trùng nào, với các thuốc chống những vi trùng được xem hay gây viêm phổi. [Ghi chú của người viết: viêm phổi được chia hai loại: viêm phổi nhiễm ngoài cộng đồng (community-aquired pneumonia) và viêm phổi nhiễm trong môi trường bệnh viện (nosocomial pneumonia), gây bởi những vi trùng khác nhau. Nhiều trường hợp viêm phổi không biết đích xác tại vi trùng nào, sự chữa trị sẽ dựa vào thống kê trong các tài liệu y học, cho biết những vi trùng nào hay gây bệnh viêm phổi nhiễm ngoài cộng đồng, những vi trùng nào hay gây bệnh viêm phổi nhiễm trong môi trường bệnh viện, và thuốc trụ sinh dùng sẽ nhắm vào những vi trùng nghĩ đến này]. Sự chữa trị tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh. Các bác sĩ nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ chuyên về bệnh truyền nhiễm.
        Báo cáo Các bác sĩ và nhân viên y tế công cộng nên báo cáo cho cơ quan y tế tiểu bang hay địa phương những trường hợp bệnh bị hội chứng hô hấp cấp tính nặng mình gặp. Những tin tức cập nhập liên quan đến hội chứng hô hấp cấp tính nặng sẽ được đăng trên Website http://www.cdc.gov .

        Ý kiến người viết 
        Hiện thời, chúng ta hãy nghe theo lời khuyên của chính phủ, tạm không nên đi các vùng Đông Nam Á, nếu chẳng có việc gì tối cần). Còn bạn vừa trở về từ các nơi này ư ? Trong vòng 7-10 ngày, bạn để ý xem mình (hoặc người nhà) có triệu chứng hô hấp gì khác thường, nhất là xem có sốt [100.4 độ F (3 độ C) trở lên].
        Nhà nên có cây đo nhiệt (thermometer, loại digital cho dễ dùng). Nhà may có đủ phòng, bạn thu xếp ở một phòng riêng để tránh tiếp xúc nhiều với người trong nhà. Sau 7-10 ngày, bạn vẫn khỏe, người trong nhà vẫn không sao, ta có thể yên tâm. 
        Thời gian 7-10 ngày này, cần đi khám bác sĩ, bạn nhớ gọi điện thoại lấy hẹn, và trình bày trước vấn đề của bạn trên điện thoại (nhớ lấy nhiệt độ sẵn, cho bác sĩ biết bạn có sốt không), để bác sĩ nếu thấy bạn trong tình trạng nóng sốt, yếu mệt quá, khuyên bạn đi thẳng vào phòng cấp cứu của bệnh viện thay vì đến phòng mạch, còn không, sẽ thu xếp cho bạn vào khám sớm, mang khẩu trang (mask) che mũi miệng, để khỏi lây cho những người khác trong phòng mạch và cho cả... bác sĩ. (2 y tá và 2 bác sĩ ở Việt Nam đã mất mạng vì căn bệnh rồi!).
   

BS. Nguyễn Văn Đức

Bài viết khác