Thứ Hai, 11 Tháng Sáu, 2012

Cảm Cúm và các biến chứng

Cảm cúm, cảm mạo cùng đồng nghĩa, một chứng bệnh do tà khí bên ngoài thâm nhập vào cơ thể. Bệnh này được thấy quanh năm, nhưng thường vào những lúc khí trời giá lạnh (đại hàn) và lập xuân, thời kỳ mà khí hậu biến đổi quá nhanh thêm vào đó khí ẩm thấp lại gia tăng, cơ thể con người không kịp đáp ứng với thời tiết bên ngoài thay đổi quá đột ngột.   
        Không riêng gì người cao niên, các trẻ thơ bị mắc bệnh, mà còn cả những tạng người bẩm chất yếu kém (prédisposition morbide), sự kháng cự và chống đỡ yếu ớt, đều dễ bị bắt bệnh.   
        Cứ mỗi độ thu về, cơ quan an ninh xã hội Pháp tung ra chiến dịch đại quy mô chích ngừa cảm cúm miễn phí dành riêng cho những người già cả, và những người bệnh hoạn sức khỏe thường bị đe dọa. Theo các tỉ lệ thường năm, thì ở đây có hơn tám triệu người bị mắc bệnh cảm, nhưng chỉ hai triệu người đi khám Bác-Sĩ, trong đó có hơn hai ngàn tử vong vì bệnh này mặc dầu kế hoạch phòng ngừa và thuốc men rất chu đáo.  
        Thoạt đầu, triệu chứng rất tầm thường, sổ mũi, nhức đầu, nóng lạnh, với vài ba viên thuốc là khỏi bệnh, thế nhưng có những trường hợp bệnh tình dai dẳng kéo dài lâu ngày vì những biến chứng ngấm ngầm dần dần xuất lộ. Phần lớn tùy thuộc qua nhiều yếu tố, ngoại nhân, cũng như nội nhân như :   Khí trời thất thường, gió lớn (đại phong) mang theo thời tiết quá lạnh, hay quá nóng, mưa dầm, ẩm thấp, v.v. khiến gây nhiều tình trạng phức tạp, bệnh tình trở nên nghiêm trọng có thể hại đến tánh mạng.   
        - Có những loại trúng phong quật ngã người đang lành mạnh đi đứng bình thường, gây tử vong hay tê liệt nửa người trong nháy mắt mà ta thường gọi là Thiên phong.  
     - Có những luồng gió hiểm nghèo đánh vào vùng gáy, gây ra những cơn đầu thống dữ dội (encéphalalgie), ta gọi là não phong kèm theo là chứng mục phong (ophtalmie aigue) mắt đau nhức nhối, thị giác kém hẳn, nước mắt giàn giụa và rất sợ gió.  
        - Trúng phong trong khi giao cấu và đang ra mồ hôi, gọi là Nội phong, mà ta thường nghe một danh từ truyền khẩu tương tự "Thượng mã phong" một chứng bệnh có thể gây tử vong trong khoảnh khắc,  
        - Chứng "Đầu phong", thường thấy ở các miền quê, các cô gái tóc dài xuống ao gội đầu gặp phải gió độc, gây ra những cơn nhức đầu kinh niên (céphalées).  
        - Gặp phải gió độc thấm nhập vào giải tấu lý gọi là giải tuyến mồ hôi (glandes sudorìpares), gây ra chứng "Trường phong", chứng ỉa chảy.   
        - Có những loại gió độc đánh thẳng vào tạng phủ và tùy theo mùa, theo ngày, gây nên các chứng bệnh nặng như:  
        * Phế phong: (phong nhập vào phổi) làm khó thở, sợ gió, mặt mày trắng nhợt nhạt.  
        * Tâm phong: (phong nhập vào tim) gây nhiều mồ hôi, miệng lưỡi khô háo, mặt mày đỏ gay, tánh tình dễ giận dữ, nói năng khó khăn.  
        * Can phong: (phong nhập vào gan) gây nhiều mồ hôi, sợ gió, buồn bã, họng hầu khô, sắc mặt xanh xám, hay giận dữ.  
        * Tỳ phong: mồ hôi ra nhiều, sợ gió, thân thể mỏi mệt, tứ chi cử động nặng nề, biếng ăn, sắc mặt vàng.  
        * Thận phong (phong nhập vào thận), ra nhiều mồ hôi, sợ gió, mặt mày sưng phù, sống lưng đau, ngồi đứng khó khăn, sắc mặt đen như ám khói.  
        * Vị phong: (phong nhập vào dạ dày): rất nhiều mồ hôi, ăn uống không trôi như vướng phải vật gì, bụng trướng đầy, ỉa chảy nếu gặp phải thức ăn lạnh.  
        * Thủ phong: (phong nhập vào đầu), đầu mặt tiết nhiều mồ hôi, sợ gió, đau đầu dữ dội trước một ngày khi có gió, bệnh giảm đi sau khi ngày có gió đến (signe barométrique),  
        * Tiết phong: mồ hôi giàn giụa không ngớt, ướt cả áo , miệng lưỡi khô, khát, đau nhức cùng châu thân.  - Có những loại bệnh do phong tà quyết nghịch (phong quyết) gây nên như:   
        * Thất âm, mất tiếng đột ngột (aphonie soudaine) họng và cơ lưỡi cứng rắn vì bị quyết nghịch (afflux à rebours)   
        * Bạo trũng: tai, mắt không tỏ vì khí bốc lên (Surdité brusque avec baisse de l'acuité visuelle) Chứng bạo loạn giản huyễn: chứng co rút cấp bách (contractures et convulsions brutales), điên giản, chóng mặt dẫn đến chân cẳng mềm yếu không thể đứng được, bước đi không vững,   
        * Chứng bạo dản do khí nghịch: ở trong Can và Phế gây nên chứng chảy máu mũi, và miệng (épistaxis, hématémèse)  * Đau bụng bão dữ dội,   
        * Sốt xuất huyết (Fièvre hémorragique) mà chúng ta đã được thấy vào năm 1966 tại Việt-Nam, tôi còn nhớ, nhất là tại thủ đô Sài Gòn. Bệnh này do ôn dịch, thử nhiệt hỏa độc gây thành dịch với các chứng trạng như: sốt cao, đau đầu như muốn vỡ, đau bụng , thổ tả, hôn mê, phát ban toàn thân bốc mùi hôi khó chịu v.v...  
        Sinh lý bệnh lý học : Tà khí thâm nhập vào cơ thể ta qua nhiều ngõ nghách lộ trình khác nhau tùy thuộc mức độ cao thấp (degré de puissance) của tà khí (énergie perverse), sự kháng cự của cơ thể nhờ sự huy động khả năng vệ khí, chính khí, để ứng phó hữu hiệu. Ta cần phải biết tánh chất của mỗi tà khí và lộ trình xâm nhập khác nhau:  
        - Qua lớp da bì bằng các du huyệt (points énergétiques), Tĩnh Vinh Du Kinh hợp v.v., tùy theo mùa.  
        - Hay qua các lớp khí (couches énergétiques) như lớp Vệ khí (énergie défensive), lớp khí (énergie), lớp Vinh khí (énergie nourricière) hay lớp huyết khí (sang).  
        - Hoặc qua lối ăn uống, tà khí xâm nhập thẳng vào tỳ tạng,  
        - Hay qua đường hô hấp, hơi thở.  Am hiểu được như vậy, ta mới có thể chẩn được bệnh mới phát hay đã lâu ngày (évolution de la maladie), và tiên lượng (pronostic) nặng nhẹ, để trù liệu phương pháp điều trị thích ứng.   
        Tôi đã được dịp trình bày qua các báo chí, tạp chí y khoa với nhiều chi tiết, vậy xin được vắn tắt ở đây.  
        ĐIỀU TRỊ  Tùy thuộc từng trường hợp: 
        Cảm cúm do phong hàn (gió lạnh): thí dụ một vài huyệt chánh có nhiều công hiệu,  Hợp cốc phối hợp với liệt khuyết, đủ làm cho hạ cơn nóng lạnh rồi.  Chớ quên: Phong môn, Phong trì, để tả gió độc còn ẩn náu ở nơi đó.  Nhớ thêm: Phế du, Đản trung để tăng cường khí lực hầu ứng phó hữu hiệu.  Đó là phương pháp "tả phong hay khư phong" bằng những huyệt giải biểu (points libérateurs de l'extérieur).  
        Bệnh cảm do phong nhiệt (gió nóng): loại gió này rất nguy hại. Trong thời kỳ này thì bệnh tình đã khá trầm trọng, vì rằng hệ thống vệ khí phòng thủ bên ngoài quá kém, sự cầm cự bên trong (Vinh Khí) vô hiệu, tà khí thừa dịp đó đã xâm nhập vào sâu trong cơ thể với các triệu chứng: nóng sốt cao độ, mê sảng, hoang tưởng ảo giác (délire hallucinatoire), ảo thị (vision hallucinatoire).   
        Trong tình trạng này ta nên để bệnh nhân vào bệnh viện, nơi đây có đủ phương tiện cứu chữa, vì nó đã vượt khả năng điều trị bằng châm cứu. Tuy nhiên trong khi chờ đợi, ta hãy dùng những huyệt "thanh nhiệt" (points purificateurs):   Đại chùy: huyệt rất quan trọng, là nơi hội điểm của tất cả các kinh dương, rất tốt để chống nóng nhiệt, chống tà khí, chống dị ứng, chống nhiễm trùng, và để huy động vệ khí.  Hợp cốc phối hợp với Liệt khuyết:  Túc tam lý để tăng cường chính khí, cùng với Khúc trì để giải nhiệt.   Nội quan giúp lập lại sự thông thương các tạng phủ bên trong
        Một vài trường hợp đặc biệt: 
        * Nhức đầu dữ dội (céphalées), ngực đầy, khó thở đau nhói (pleurodynie) thường thấy ở các phòng mạch, chớ lầm tưởng với chứng tràn khí màng phổi (pneumothorax): dùng huyệt nhân nghinh.  
        * Thất âm (Aphonie): huyệt Phù đột và châm cho ra máu ở gốc lưỡi (racine de la langue) cấm cứu vì theo Nội Kinh, có thể bị câm.. Tôi đã nhiều dịp chữa trị các ca sĩ chuyên nghiêp ở các nhà hát lớn Opéra và các phòng trà, kết quả rất là mĩ mãn.  
        * Tai điếc đột ngột (Surdité brusque), mắt nhìn kém (baisse de l'acuité visuelle): theo cách chữa trong các bệnh viện tây phương: cortico-stéroides, nên dùng liều thuốc mạnh, và thuốc chống viêm (anti-inflammatoires)   
        Theo đông phương: dùng ngay huyệt Thiên dũ, phải chẩn bệnh nhanh chóng, tranh thủ với thời gian vì không, bệnh tình sẽ biến thành kinh niên rất khó chữa.   
        * Co rút cấp bách, chóng mặt, điên giản: dùng huyệt Thiên trụ   
        * Chứng "Bạo khát" (polydipsie) uống nước nhiều nhưng không đỡ cơn khát: dùng huyệt Thiên phủ.   

        KẾT LUẬN 
        Cảm cúm, một bệnh thiên thời được thấy quanh năm, nhưng thường mang nhiều biến chứng trầm trọng tùy theo thời tiết xấu tốt, tà khí bạo dữ, tạng người bẩm chất yếu kém hay mang bệnh tật lâu ngày, hay con người nội tâm xáo động thường xuyên, tinh thần suy nhược sức khỏe hao mòn. Thậm chí ngay cả những người đã được chích ngừa trước đó, cũng có người bị mắc bệnh có phần nặng hơn, cho thấy chích ngừa, thuốc thang chu đáo, chưa hẳn chúng ta đã được che chở hữu hiệu. Hữu hiệu, có hay không, là phần lớn do chính chúng ta, cơ thể chúng ta có được mạnh thì không dễ gì mắc bệnh. Như Nội Kinh nói "Nếu ta vững mạnh về tinh thần, cũng như thể chất, vệ khí mạnh bên ngoài, chính khí vững chắc kiên cố bên trong, thì khó mà tà khí xâm nhập vào cơ thể để gây nên bệnh". 
        Thật vậy, ta chữa trị bệnh là điều tốt rồi, nhưng quý hơn nữa là chữa căn nguyên bệnh, nói rõ hơn là chữa người bệnh, chứ không phải chữa bệnh tật mà thôi. Không nên quá ỷ lại vào thuốc men, mà ta nên tự giúp cho chính ta mới là điều đáng kể. Cảm cúm, một bệnh rất tầm thường, đơn giản đã có từ thời nguyên thủy, trớ trêu thay, thuốc men ngày càng cực kỳ tinh xảo, công hiệu tột bậc, con người ngày nay sống trong một kỉ nguyên cực kỳ tối tân, đã đạt tới mức tuyệt diệu trên mọi lãnh vực, khoa học, kĩ thuật, không gian v.v.. ấy thế mà đành bó tay trước một bệnh quá nhỏ nhoi, chẳng đáng gì. Chúng vẫn hiên ngang nếu không muốn nói là ngạo nghễ lộ nguyên hình rình rập quấy nhiễu chúng ta. 
        Ta tự hỏi công hiệu thuốc men ở đâu, để diệt trừ các vi sinh trùng, nếu không phải chỉ là nhất thời. Thuốc thang càng mạnh, càng công hiệu, chúng càng kháng cự mãnh liệt hơn. Một điều đáng để chúng ta suy ngẫm vậy.   
        Nên nhớ rằng ta không thể nào diệt nổi thế giới vi sinh trùng, một thế giới lạ kì, như bao nhiêu sinh vật khác, dầu muốn dầu không, chúng ta đang phải sống chung với chúng, chia sẻ cuộc sống hằng ngày với chúng, cuộc tranh đua không ngừng với chúng, khi ta mạnh, ta thắng chúng, khi ta yếu kém, ta thua chúng và mang bệnh do chúng gây nên. Ta sống với chúng, chúng sống trong ta. Vậy muốn có được sức khỏe vững bền để thắng chúng, bớt bệnh tật, ta cần phải rèn luyện theo một nếp sống nào đó mà không ngoài khuôn mẫu của tạo hóa đặt cho, đó là luật Dưỡng Sinh áp dụng cho tất cả vạn vật sống giữa càn khôn này. 
        Trong thiên "Thượng cổ thiên chân luận" có hơn bốn ngàn năm nay, Kỳ Bá nói: "Người đời thượng cổ, họ đều hiểu được đạo Dưỡng Sinh, thể theo quy luật âm dương, điều hòa với thuật số, ăn uống có điều độ, làm việc nghỉ ngơi có chừng mực, không làm quá sức, cho nên thể xác và tinh thần đều khỏe mạnh, có thể sống tới ngoài trăm tuổi, là cái mức tuổi đáng được hưởng thụ. 
        Con người đời nay, lại không như thế, ham uống rượu như uống nước, coi sự sai trái như sinh hoạt bình thường, sau khi say rượu lại nhập phòng bừa bãi, phóng túng về sắc dục, làm kiệt hết tinh khí, hao tổn chân nguyên, không biết giữ gìn tinh khí cho đầy đủ, thường xử dụng tinh lực quá mức, chỉ cốt thỏa lòng một lúc, làm trái ngược nghệ thuật dưỡng sinh, lao động và nghỉ ngơi không có chừng mực, cho nên khoảng tuổi mới năm mươi đã già yếu rồi". 

        Ước mong những lời khuyên vàng ngọc của các vị tiền bối, cha ông chúng ta để lại, sẽ giúp chúng ta tạo được một sức khỏe vững bền hầu tránh bớt được bệnh tật. 

Bài viết khác