Bộ máy con người tinh vi hơn máy xe hơi.
Sau một bữa ăn thịnh soạn, cơm gà cá gỏi chừa bứa lại thêm "đét xe" ("desset" = tráng miệng = tráng mồm) bánh ngọt, số lượng đường biến chế ra trong cơ thể phải thật cao, ấy thế mà thử đo trong máu, thấy cũng chỉ nhinh nhích lên chút thôi. Số là cơ thể ta biết điều chỉnh, dư thừa thì cất đi. Đúng thế, nhờ biết điều chỉnh mà dù ta có nhịn đói ít lâu, đường trong máu cũng không xuống thấp quá, vì cơ thể lại mang đường dự trữ trong gan ra xài.
Thường thì mấy ai nhịn đói. Thời buổi này đâu cũng thế, ở nước giầu cũng như nước nghèo, ăn uống luôn là thái quá. Thành ra đường dư thừa hết cỡ, dự trữ riết không nổi, gây ra tình trạng mập béo. Và tai hại là cơ thể lâu ngày hết chịu nổi, phải phế thải đuờng ra trong nước tiểu.
Bệnh tiểu đường thường không xuất hiện ngày một ngày hai, mà âm ỷ cả hằng nhiều năm, cho đến khi biết thì biến chứng đã đầy dẫy ra rồi. Đường cao trong máu làm hư thần kinh, hỏng tim, óc, mắt, thận... Bao nhiêu người chịu cảnh mù loà vì tiểu đường. Khối người tê chân, cụt cẳng vì đường cao kinh niên. Người bị cơ tim nhồi máu (myocardial infarction = heart attack = kích tim) do bệnh đường cao lâu ngày. Tai biến mạch não (cerebral vascular accident = stroke = kích não, thường bảo là đứt gân máu, thực ra thì cả đứt lẫn nghẹt) cũng vì đường thái quá kinh niên. Máu cao, bại thận, cũng hậu quả của tiểu đường...
Ta nên để ý xem có mắc tiểu đường không.
Tiểu đường có thể gây những triệu chứng sau:
1. Đi tiểu hoài
2. Khát quá
3. Xuống cân vô cớ
4. Háu đói
5. Cứ mệt cả ngày
6. Chân hoặc tay thấy rần rần hay tê tê
7. Da dẻ khô
8. Lở lâu lành
Nhưng đa số các trường hợp tiểu đường âm thầm, không gây triệu chứng.
Phải khám phá kịp thời tiểu đường để còn có biện pháp đối phó trước khi biến chứng nguy hại xẩy ra. Tiểu đường rất thường thấy. Chỉ trong khoảng 10 năm qua thôi, số người bị tiểu đường ở Mỹ đã tăng gấp đôi. Người Á Châu dễ bị tiểu đường hơn nữa. Ở Mỹ, con số người bị tiểu đường ước lượng là 16 triệu, trong đó có 6 triệu không hay biết mình đang bệnh. Tiểu đường thường âm thầm. Bởi thế chúng ta phải để ý định bệnh sớm để ngừa các biến chứng nguy kịch cho tính mạng do độ đường cao kinh niên gây ra.
Thử nghiệm GHbA1C (Glycohemoglobin) sẽ cho ta biết tỷ số đuờng bám vào hồng cầu trong máu. Ở người bình thường, thử nghiệm GHbA1C dưới 6%. Đường cao khi GHbA1C trên 7%.
Ai nên thử nghiệm?
Người có triệu chứng ghi trên, và những người mập. Người đang điều trị tiểu đường cũng ít tháng thử A1C một lần, ngoài việc thử đường tự làm lấy ở nhà. Người nghi ngờ bị tiểu đường... nếu có GHbA1C trên 7%, nên được trị liệu ngay.
Có thể bệnh nhân chỉ cần thay đổi nếp sống là đủ: tập thể dục, cữ ăn sẽ đem độ đường xuống. Nếu cần bác sĩ sẽ kê toa thuốc uống hạ đường hay cả thuốc uống lẫn thuốc chích insulin.
Khắp hoàn cầu, tiểu đuờng mỗi ngày mỗi gia tăng. Thị trấn hoá, kỹ nghệ hoá, cơ giới hoá đã làm con người trở nên tĩnh tại, bước bước xe, ngồi tại chỗ, hết tám chín tiếng hay hơn ở sở là về nhà nằm khểnh xem truyền hình. Cơ thể thiếu vận động, thực phẩm lại dư thừa.
Chúng ta ăn nhiều quá. Thuở củi châu gạo quế, ăn uống còn chừng mực, bây giờ cái ăn đã sẵn lại rẻ, thôi thì cứ việc chén thả giàn. Quen với đời đạm bạc xưa (có khi vì hoàn cảnh còn đói khát nữa), nay bất thần phải đương đầu với nếp sống quá sung mãn, cơ thể không kham nổi số đường cung cấp chừa bứa mỗi ngày mà đâm "liệt" như máy bị ngộp xăng vậy.
Kết luận: Lối sống của chúng ta thật nguy hiểm: ăn nhiều vận động ít, tiểu đường thật dễ mắc, rất âm thầm không ai biết.
Bác sĩ Thiện Y